Tôi được sinh ra sau khi bố mẹ tôi vừa làm xong nhà. Lúc ấy, nhà tôi nợ nần nhiều lắm, đói kém đủ thứ. Mọi người bảo tôi số khổ từ bé, vì phải cai sữa sớm. Mẹ tôi làm ở Ủy ban xã, công việc bận rộn, lại thêm việc đồng áng và chăm sóc năm người em của bố tôi. Lúc ấy, bố tôi vẫn còn trong quân ngũ, cả tháng mới về nhà một lần. Vậy là tôi được “quẳng” cho bà nội và các chú trông nom. Một ngày tôi chỉ được gặp mẹ buổi tối, khi công việc của mẹ xong cũng là lúc gần khuya. Mà lúc ấy, tôi cũng gần ngủ rồi. Kí ức của tôi không hề có lời ru của mẹ. Cũng không có những âu yếm chiều chuộng, mà đôi khi lại là câu gắt gỏng, hoặc cái phát mông của mẹ. Tôi là con bé hay hỏi, hỏi bất kì thứ gì tôi không hiểu, hoặc chưa hiểu rõ. Thói quen ấy giữ đến tận bây giờ. Tôi hay hỏi sao ớt lại cay, muối lại mặn thế, sao con cá nó bơi dưới nước mà không chạy trên bờ, sao cái bánh gai lại có màu đen. Những câu hỏi làm cho mẹ tôi phát bực lên, vì mẹ còn bao nhiêu chuyện để làm và chẳng rỗi hơi trả lời những câu “vớ vẩn”. Bà thì cười và trả lời những câu hỏi của tôi trăm lần như một “cha bố mày”! Năm tôi năm tuổi, tôi bắt đầu đến trường, sớm hơn một năm so với bạn bè cùng trang lứa. Ngày đầu tiên, bạn bè có bố mẹ dắt đi, còn tôi lủi thủi đi bộ một mình. Buổi học ấy, cô giáo đã hỏi chúng tôi là “các em thương ai nhất?". Đứa thì bảo bà, đứa thì bảo bố, đứa thì bảo mẹ, đứa thì bảo con mèo, con vịt… Tôi cũng đồng thanh cùng cả lớp. Rồi cô giáo nói là người mà bố mẹ, ông bà thương nhất, lo lắng nhất chỉ có thể là con cháu. Và cô bảo cứ về nhà hỏi bố mẹ rằng “bố mẹ có thương con không” thì sẽ nhận được câu trả lời. Lần đầu tiên tôi định hỏi một câu mà có một sự chuẩn bị chu đáo như thế. Vì đó là câu hỏi mà cô giáo đã chỉ cho, có nghĩa là nó không “vớ vẩn” và sẽ có câu trả lời. Tối hôm đó, mẹ đang ngồi nấu cám, tôi mon men lại gần và hỏi: “Mẹ, mẹ có thương con không?”. Mẹ tôi lúc đó đã ngủ, mắt nhắm mà tay vẫn cời lửa. Tôi phải giật tay mẹ để mẹ mở mắt và hỏi lại một lần nữa. Mẹ nhìn ra, rồi phát mạnh vào mông tôi “đi ngủ đi”. Tôi hỏi bà, bà cười móm mém “cha bố mày”. Thế là những sự chờ đợi và hi vọng của tôi không xảy ra. Tôi nghĩ đến đứa bạn của tôi, đứa nào khi hỏi bố mẹ cũng sẽ được xoa đầu, hay ôm vào lòng, và thấy tủi thân phát khóc. Lớn lên, tôi mới hiểu ra và thông cảm với nỗi vất vã của bà, của mẹ hơn. Nhưng khi nghĩ về câu hỏi của mình ngày ấy, tôi vẫn thầm trách mẹ, giá như mẹ chỉ cần nói một câu “mẹ không thương con thì thương ai”, chắc tuổi thơ của tôi đã ngọt ngào hơn rất nhiều. Và trong cuốn nhật kí lớp 7 của tôi, tôi ghi những điều “không bằng lòng về mẹ” và tự hứa sau này với con mình, sẽ không bao giờ mình làm như vậy!!! Rồi tôi đỗ đại học. Lần đầu tiên tôi đối diện với chuyện tôi sẽ không sống ở ngôi nhà có trùng sinh nhật với mình trong ít nhất là bốn năm nữa, sẽ sống ở một nơi không có bà, bố mẹ ở bên cạnh. Nhưng nỗi háo hức về một cuộc sống mới cũng làm tôi vơi đi. Buổi sáng nhập trường, khi bố chuẩn bị xe để đưa tôi đi, bà lặng lẽ ngồi cạnh mẹ, hai người nhìn tôi ngồi ăn xôi đỗ đen mẹ nấu từ sáng sớm. Mắt mẹ rưng rưng. Tôi nghĩ mẹ sẽ dặn dò, những điều mẹ nói đi nói lại từ hôm tôi có giấy báo đại học. Song tôi sẵn lòng nghe tiếp, vì tôi biết tôi sắp xa mẹ tôi rồi. Nhưng mẹ không nói gì cả, và tôi thấy mẹ khóc, dù tôi biết chắc chắn không phải mẹ buồn. Khi thấy nước mắt của mình bắt đầu chảy theo mẹ, bỗng dưng tôi hiểu ra một điều: có nhiều lúc, tình yêu thương không nhất thiết phải nói bằng lời. Tôi ôm bà, và nhận từ bà câu nói quen thuộc “cha bố mày”. Còn mẹ, chỉ là sự im lặng. Sự im lặng như một câu trả lời dịu dàng và đầy đủ nhất, mà tôi từng mong mỏi một thời thơ ấu. NGUYỄN TRUNG THU