Những người "keo kiệt"

- Nhà tôi tuy nghèo, nhưng với bản tính rộng rãi, vô lo của người Nam bộ, tôi ít tính toán cân nhắc khi chi tiêu. Vì vậy thuở mới về làm dâu, nhìn cách sống của mẹ chồng, tôi thấy khó chịu trong lòng, bởi bà quá hà tiện theo suy nghĩ của tôi.
Có đến mấy người con đang sinh sống, thành đạt ở nước ngoài, thỉnh thoảng vẫn gửi về biếu mẹ những món tiền hậu hĩnh. Vậy mà mẹ chồng tôi sống rất giản dị - nếu không muốn nói là keo kiệt. Quần áo mặc thường xuyên ở nhà bà chỉ có ba bộ thay đổi quanh năm. Thực ra bà chỉ thay đổi hai bộ trong những ngày thường, còn một bộ tươm tất hơn dành cho ngày chủ nhật.
Đi chợ cùng bà tôi ngượng chín người vì bà chọn đồ rất kỹ, lại trả giá rất lâu, có khi phải đi đến hai ba gian hàng mới mua được món đồ rẻ hơn nơi khác chút đỉnh. Cơm bà nấu chỉ vừa đủ ăn, rất hiếm khi có được cơm thừa, thức ăn bà đếm chia phần, ngay cả món tráng miệng là chuối bà cũng chia mỗi người đúng một quả. Bà không cho phép ai được lãng phí dù chỉ một giọt nước của chiếc vòi chưa khoá chặt hay vứt đi những mẩu xà bông vụn. Tuýp kem đánh răng đã hết bà dùng kéo cắt đôi, rọc ra, dùng bàn chải quệt cho hết lượng kem còn sót lại. Bà hể hả vui vì tuýp kem đã hết lại có thể dùng thêm được mấy lần.
Sống bên bà một thời gian, những ý nghĩ không tốt về bà trong tôi dần biến mất, bởi dè xẻn với chính bản thân mình, nhưng bà rất rộng tay làm phúc. Những đồng tiền kì kèo mãi mới có được khi trả giá bà sẵn sàng bỏ ngay vào chiếc nón đang ngửa của người ăn xin. Chiều chiều, ngồi trước hiên nhà đọc báo, thỉnh thoảng bà lại móc tiền trao cho những người hành khất mà mỗi chiều họ lại “đến hẹn lại lên”.
Mỗi sáng chủ nhật, sau khi tan lễ bà lại đến với từng người tàn tật đang ngồi trước cổng nhà thờ. Tôi thấy bà rộng rãi biết bao khi góp số tiền to để cứu trợ nạn nhân bão lụt, giúp người họ hàng khi họ gặp khó khăn. Bất giác tôi quí biết bao những chồng báo cũ, những chai lọ rỗng lỉnh kỉnh trong nhà mà bà đã kì cạch gom góp để lâu lâu có thêm một ít tiền, không phải để giữ cho riêng mình mà để sẻ chia.
Giống mẹ, chồng tôi không hề phí tiền vào rượu hay cà phê thuốc lá, anh luôn ăn mặc giản dị, không khoe mẽ bề ngoài, xe máy, điện thoại anh dùng toàn là loại lâu năm nồi đồng cối đá, nhưng anh cũng sẵn sàng dốc đến đồng tiền cuối cùng của mình trước một hoàn cảnh thương tâm.
Con tôi, chàng thanh niên hơn hai mươi tuổi thời nay hằng ngày vẫn đến trường bằng chiếc cúp 50 đời 81 cà tàng, ăn sáng với gói xôi hai ngàn, vuốt cho phẳng từng tờ hai trăm cũ để gom đủ một ngàn trả tiền giữ xe, nhưng lâu lâu lại trao cho mẹ một món tiền để cùng mẹ chia sẻ cho những mảnh đời bất hạnh.
Những con người keo kiệt thân yêu của tôi thật hào phóng biết bao...
CẨM MINH