Tản bộ dọc theo bức tường lợp ngói của trường đại học tổng hợp, tôi rẽ sang bên, lại gần khu trường trung học. Đằng sau hàng rào ván sơn trắng bao quanh sân thể thao, từ lùm cây mờ tối nằm dưới tán cây anh đào đen thẫm có một tiếng côn trùng nỉ non. Vừa lắng nghe, vừa đi chầm chậm, được một đoạn tôi buộc lòng phải chia tay với tiếng hát nỉ non, rẽ sang phải để không chệch hướng sân vận động. Từ chỗ ngoặt trái, hàng rào tạo một lối đi tới con đê, hai bên trồng những cây cam. Vừa ló ra góc khuất vừa kêu lên ngạc nhiên, tôi vội vàng đi tới, cặp mắt bừng sáng trước quang cảnh phía xa... Ở chân đê, như một đám rước, những chiếc đèn lồng lộng lẫy nhiều sắc màu đang nhấp nhô bồng bềnh. Quang cảnh y hệt ngày lễ hội ở một làng quê xa xôi nào đó. Không cần tới gần tôi cũng biết đó là lũ trẻ con đang chui ra chui vào các lùm cây mọc rải rác trên đê tìm bắt côn trùng. Có khoảng hai mươi chiếc đèn, chúng không chỉ mang một sắc đỏ thắm, hồng, chàm, xanh lá cây, đỏ tía hay vàng mà có cái sáng lên năm màu một lúc. Cũng có một vài chiếc đèn nhỏ, ánh sáng đỏ, là thứ mua ở cửa hàng, nhưng số còn lại phần lớn do bọn trẻ tự tay làm ra. Nom đẹp đẽ vuông vắn thế kia hẳn bọn trẻ đã hì hụi làm ra với một tình yêu và sự chú tâm ghê gớm. Đêm vắng vẻ, những chiếc đèn bồng bềnh cùng tụi trẻ con đi trên triền đê, cảnh này là thực hay đang mơ trong một câu chuyện thần tiên? Một đứa bé nhà gần đây, vào một đêm đã nghe thấy tiếng côn trùng nỉ non trên triền đê này. Cậu ta đi mua một chiếc đèn lồng màu đỏ, đêm sau quay lại tìm người ca sĩ hay nỉ non ấy. Đêm sau nữa, lại thêm một cậu khác. Nhưng cậu này không mua đèn. Cậu cắt hai mặt hộp bia, bồi giấy, thắp nến phía trong, làm sợi dây xách tay, thế là xong một chiếc đèn. Rồi năm đứa, rồi bảy đứa. Chúng tìm cách tô màu hoặc vẽ lên mắt đèn. Những chàng họa sĩ thông thái tí hon này bắt đầu cắt mắt đèn theo hình tròn, tam giác, lá cây,... Chúng tô mỗi mắt đèn một màu với những đường tròn, xanh xanh đỏ đỏ, tạo ra các kiểu trang trí giản đơn và hoàn chỉnh. Thế rồi cậu bé đầu tiên quẳng chiếc đèn màu đỏ đi vì giờ đây nó chỉ là một thứ vô vị nhạt phèo. Cậu thứ hai cũng quẳng nốt chiếc đèn mình đã làm ra, vì nó đơn giản quá. Những chiếc đèn các cậu làm đêm trước không còn thỏa mãn các cậu vào sáng hôm sau. Thêm một ngày hì hụi với đống bìa cứng, giấy, bút lông, kéo, dao nhíp, hồ dán, các cậu lại tạo ra, từ nhiệt huyết trái tim, từ sức tưởng tượng tâm trí một kiểu đèn mới. Hãy nhìn đèn của tớ này? Đẹp chưa? Không giống ai hết... Và đêm đêm chúng lại rủ nhau đi bắt côn trùng. Còn tôi thì được ngắm hai mươi đứa trẻ cùng hai mươi chiếc đèn lộng lẫy phía xa xa. Tôi lang thang đến gần chúng. Những chiếc đèn vuông vắn kia không chỉ trang trí bằng những hình hoa theo lối cổ mà còn có tên người chế tạo. Tụi trẻ cắt từ sách vỡ lòng ra những khối chữ vuông vuông. Khác với loại đèn sơn đỏ, những chiếc tự tạo từ bìa các tông do có dán hình trang trí trên mắt đèn đã khiến ánh nến dường như phát ra từ chính bức tranh cùng màu sắc riêng của nó. Quầng sáng của những chiếc đèn trộn với bóng đêm mang lại một vẻ mờ ảo. Tụi trẻ hăng hái cúi mình soi bất cứ chỗ nào trên dốc mỗi khi chúng nghe thấy một tiếng hát nỉ nỉ non non... - Có ai thích chơi châu chấu không? - Một cậu bé đang chúi mình vào bụi cây cách những đứa khác khoảng chín mười mét, chợt đứng dậy kêu lên. - Có, cho tớ với nào! - sáu hay bảy đứa chạy tới. Chúng xúm lại quanh cậu, chúng định thò tay vào bụi cây. Nhưng cậu gạt tay lũ bạn ra, đứng dang tay như muốn bảo vệ lùm cây. Câu huơ huơ chiếc đèn trên tay phải gọi thêm những đứa khác. - Châu chấu này, có ai muốn chơi không? - Có, có!... - Bốn năm đứa nữa bổ tới. Nhưng rồi cậu bé lại gọi thêm lượt nữa, cứ làm như bạn không thể tìm được con gì khác quý hơn châu chấu. - Có ai chơi châu chấu không? Thêm hai ba đứa chạy tới. - Có, cho em! - Tiếng một bé gái thỏ thẻ sau lưng cậu. Vừa xoay người nhẹ nhàng, cậu vừa cúi mình duyên dáng. Chuyển đèn sang tay trái cậu dùng tay phải thò vào bụi cây. - Chỉ là châu chấu thôi! - Ừ, em rất thích! Cậu đứng vụt dậy chìa nắm tay có con châu chấu cho cô bé thay lời nói "Đây!". Cô bé khẽ tượt sợi dây treo đèn xâu vào cổ tay trái, dùng hai bàn tay bao bọc lấy nắm tay nhà đi săn tí hon. Cậu bé lặng lẽ xòe tay ra. Con côn trùng chuyển sang nằm giữa ngón tay cái và ngón trỏ cô bé. - Ô! Đây không phải là con châu chấu. Đây là con dế đeo chuông. – Ánh mắt cô bé rực sáng trước con côn trùng nhỏ màu nâu. - Đúng là con dế đeo chuông rồi! – Những đứa bé xung quanh đồng thanh kêu lên ghen tị. - Đấy là con dế đeo chuông… dế đeo chuông! Vừa liếc nhìn người tặng mình bằng đôi mắt sáng thông minh, cô bé vừa mở nắp lồng đeo bên người bỏ con dế vào đó. - Đó là con dế đeo chuông! - Ờ, dế đeo chuông thật! - Cậu bé lẩm bẩm. Cậu nâng chiếc lồng lên gần mắt nhìn vào. Cậu cũng nâng chiếc đèn lộng lẫy nhiều màu sắc của mình lên, và nhờ ánh sáng của nó cậu liếc khuôn mặt người bạn gái! Ôi, tôi ngẫm nghĩ. Tôi cảm thấy lúng túng và thoáng ghen tị với cậu bé. Thật ngốc nghếch làm sao đến giờ vẫn chưa hiểu ra hành động của cậu! Tôi nín thở kinh ngạc. Nhìn kìa! Có một cái gì đó trên ngực cô bé mà cả nhà đi săn tí hon, cả nàng tiểu thư bé xinh cùng chúng bạn vây quanh đều không nhận ra. Trên ngực cô bé, chẳng phải làn ánh sáng xanh lá cây nhạt đã hắt lên dòng chữ "Fujio" một cách rõ ràng là gì? Cái đèn lồng của cậu bé nâng lên ngang chiếc lồng dế, có hàng chữ cắt bằng giấy xanh, đã in vào ngực áo kimono trắng của cô hàng chữ viết tên cậu. Còn cái đèn của cô bé đang đung đưa dưới cổ tay có hình trang trí không rõ ràng, nhưng ta vẫn thấy trên miếng vải phập phồng theo nhịp thở nơi thắt lưng cậu bé có hàng chữ đỏ viết tên cô "Kiyoko". Sự phối hợp ngẫu nhiên xanh đỏ này là tình cờ hay là một trò chơi? Cả Fujio và Kiyoko không ai biết. Cho dù hai đứa còn nhớ mãi rằng Fujio đã tặng con dế và Kiyoko đã nhận, thì ngay cả trong những giấc mơ Fujio cũng không bao giờ biết được tên cậu được viết bằng ánh sáng xanh lên ngực Kiyoko và tên của Kiyoko được khắc bằng ánh sáng đỏ lên thắt lưng cậu. Cũng như Kiyoko, cô không bao giờ biết được tên Fujio được viết lên ngực áo mình, và tên cô được thêu vào thắt lưng của Fujio. Cậu Fujio ơi! Khi nào cậu lớn, cậu hãy cười thoải mái trước vẻ vui mừng của một cô gái khi cậu nói đây là con châu chấu nhưng lại đưa nàng con dế đeo chuông. Cậu hãy cười trong xúc cảm sâu xa trước nỗi thất vọng của nàng khi cậu bảo đây là con dế đeo chuông nhưng thực ra lại đưa nàng con châu chấu. Thậm chí nếu cậu có một trí tuệ để tự mình nhìn được những gì bên trong một lùm cây cách xa bao đứa bé khác thì cái thế gian này cũng chẳng vì thế mà sinh ra nhiều loại dế đeo chuông. Có thể cậu sẽ thấy một cô gái như loài châu chấu nhưng lại nghĩ nàng là loài dế đeo chuông. Và cuối cùng, với một trái tim muộn phiền và rỉ máu thì ngay một con dế đeo chuông đích thực cũng giống như một con châu chấu thôi. Sẽ tới một ngày, với cậu hình như cả thế giới này ngập tràn loài châu chấu và tôi nghĩ thật đáng tiếc biết bao khi cậu không có cách nào để nhớ được trò đùa giỡn ánh sáng đêm nay, từ cái đèn lồng đẹp lộng lẫy, tên của cậu đưọc viết bằng ánh sáng xanh lên ngực người bạn gái.
(1924)
XUÂN ANH dịch