Trong thung lũng có hai cái ao. Ao dưới óng ánh như ao bạc, ao trên một màu xanh lướt chết chóc, cuốn xuống đáy sâu những bóng núi thầm lặng. Mặt mày nhày nhụa. Tôi ngoái lại thấy máu dính trên bụi cỏ và tre càng cua mình vừa bước qua. Những giọt máu như đang đi. Máu mũi lại tuôn ra từng đợt nóng hổi. Quýnh quá, tôi tóm bừa một góc vải thắt lưng đút nút lỗ mũi, rồi nằm vật ra. Mặt trời không rọi thẳng vào người nhưng phản chiếu trên những chòm lá làm tôi chói mắt. Máu mũi bị chặn nửa đường, chạy ngược trở lại còn ghê hơn, nó òng ọc lên theo nhịp thở. Tiếng ve inh ỏi đầy ắp bầu khí núi, một con bỗng dưng mắc chứng la hoảng lên. Trời gần trưa tháng Bảy, không gian căng mỏng như thể một mũi kim rơi cũng làm long trời lở đất. Tôi như bị tê liệt. Nằm dài mồ hôi vã ra, tôi mặc cho tiếng ve ầm ĩ, màu xanh lá cây áp đảo, mùi đất ẩm, tiếng tim đập, cùng chui tuốt vào đầu nằm chết cứng trong đó rồi thoắt cái lại ào ra tản mát đâu mất. Tôi có cảm tưởng nhẹ hỗng như mình bị hút lên trời. - Cậu ơi! Cậu ơi! Cậu đâu rồi? Nghe thấy tiếng gọi từ nghĩa địa, tôi vùng dậy. Sáng nay đến lượm xương ông nội sau lễ tang hôm qua, trong lúc đang cời than hãy còn ấm, tôi chảy máu cam, bèn lén rời lò thiêu trèo lên đồi, đút nút lỗ mũi với giải thắt lưng vải. Trượt nhanh xuống dốc. Ao bạc nghiêng đi, dao động, rồi biến mất. Tôi lướt mình trên lá vàng năm ngoái. U già bảo: - Kìa, vô tâm quá mất thôi, cậu chạy đâu nãy giờ? Nhanh lên, lại đây mà xem, đã tìm thấy “ông Phật” của cụ rồi! Tôi đạp tre càng cua chạy lại. - Vậy hả? Ðâu? Ðâu? Lại gần u, tôi hơi lo vì vừa chảy máu cam chắc mặt còn nhợt nhạt và giải thắt lưng đẫm máu. Mọi người chăm chú nhìn lòng bàn tay u nhàu nát như tờ giấy bản, một mảng xương nhỏ bằng đầu ngón tay đặt trên mẩu giấy trắng. Chắc là “ông Phật trong họng” (xương yết hầu, người Nhật gọi là ông Phật). Nhìn kỹ thấy hơi giống hình người. - Mãi mới tìm thấy. Cụ đấy, cụ còn có thế này đấy. Cậu đặt cụ vào tiểu đi. - Chỉ nói vớ vẩn! - Tôi không ngăn được cảm giác như ông vẫn ngồi đó, chờ tiếng kẹt cửa mỗi khi tôi về, đôi mắt mù lòa rực lên niềm vui. Tôi lấy làm lạ thấy một người đàn bà không quen mặc bộ đồ nhiễu đen đứng đó. Mọi người bảo là cô tôi. Trong tiểu để cạnh bà cô, lộn xộn lèn đầy xương chân, xương tay, xương cổ. Lò thiêu không tường, không mái, chỉ là một lỗ thuôn dài. Một mùi khó ngửi trong than bốc ra. [...] - Ra mộ nhà đi! Ở đây nặng mùi và thiếu ánh sáng. Thấy chóng mặt và lo máu cam lại chực chảy nữa, tôi giục. Anh người nhà mang tiểu theo sau. Tro để lại trong lò, chiếu trải cho mọi người lễ hôm qua cũng lăn lóc bỏ lại. Những cột tre bọc giấy bạc vẫn cắm nguyên xuống đất. Trên đường đến phần mộ nhà, tôi nhớ lại những lời nhảm nhí mọi người kể: đêm trước ông tôi biến thành ngọn lửa ma trơi xanh, bay khỏi miếu, vào bệnh viện, qua các phòng bệnh nhân truyền nhiễm, trải lên đầu làng mùi khó ngửi trước khi lên trời. Phần mộ gia đình khá xa, ở ngoài vùng nghĩa địa có lò thiêu của làng. Mọi người đi tới khu mộ nhà có hàng bia đứng. Tôi chẳng còn thiết gì, muốn nằm xuống đất hít thở bầu trời xanh. Vú già đặt bình nước vừa lấy dưới thung lũng xuống và bảo: - “Nguyện vọng cuối cùng của cụ là được chôn trong mộ cụ tổ”. Vú trịnh trọng nhấn mạnh những chữ nguyện vọng cuối cùng. Hai chú -muốn tỏ cho mấy anh người nhà biết đấy không phải là việc của họ- tự đánh đổ cái bia cao nhất rồi đào xuống chân bia. Lòng mộ vừa tìm thấy chắc phải sâu lắm. Tôi nghe tiếng tiểu rơi trong lòng đất. Việc gì phải để những mảnh xương tàn trong mộ tổ? Một khi đã chết, có còn gì đâu. Tất cả sẽ rơi vào quên lãng. Một lúc sau mộ được đắp lại, tấm bia được dựng lại như cũ. - Nào, cậu cúng cụ đi. Vú tưới đẫm nước ngôi mộ. Trưa nắng gắt quá khói hương không tỏa được bóng. Hoa rũ đầu. Mọi người yên lặng chắp tay, nhắm mắt. Nhìn những khuôn mặt vàng vọt, tôi lại lên cơn choáng váng.Sự sống - cái chết của ông tôi... Như cái lò xo, tôi lắc mạnh tay phải, những đốt xương lắc lư trong cái tiểu nhỏ trên tay tôi. (Người Nhật không chôn hết cả xương, chỉ chôn một phần) Trên đường về, mọi người hết lời ca tụng công lao ông. Tội nghiệp cụ. Suốt đời hy sinh cho gia đình làng nước. Không ai quên ơn cụ. Tôi muốn bảo họ im đi. Chỉ mình tôi buồn, mình tôi thôi. Những người trong gia đình nhìn tôi với một niềm thương hại pha lẫn tò mò, bây giờ ông mất, tôi sẽ ra sao. Một trái đào rơi, lăn dưới chân tôi. Ðường từ mộ về quanh co dưới chân đồi đào. Trên đây là những biến cố xẩy ra khi tôi mười lăm tuổi (16 tuổi ta) và đến năm mười bảy tôi ghi lại. Tôi đã sao lại gần y nguyên chỉ sửa chút ít hình thức. Ở tuổi năm mươi, chép lại những gì mình đã viết ở tuổi mười bảy không phải là không lý thú. Chẳng biết hồi ấy tôi có nghĩ rằng mình sẽ sống đến bây giờ...? Ông tôi mất hôm hăm bốn tháng Năm. Nhưng “Cốt” lại xảy ra vào tháng Bảy. Như vậy là có dàn dựng. Cuốn sổ ghi bị mất một tờ, như tôi đã nói trong cuốn “Nhật ký của người viết tản văn” (Bunshô nikki-Journal d’un prosateur) do nhà Shin-chô-sha in. Giữa câu “Một mùi khó ngửi trong than bốc ra” và câu “Ra mộ nhà đi!” thiếu hai trang. Khi chép lại, tôi cứ để nguyên như thế. Trước “Cốt”, tôi có viết một bài khác tựa đề “Gửi quê hương”, dưới dạng lá thư viết từ nội trú gửi về làng, nơi tôi đã sống với ông nội, tôi xưng “anh” và gọi làng bằng “em”, lá thư toàn một giọng tình cảm trẻ con. Tôi trích ở đây một đoạn ngắn có liên quan đến “Cốt”. (...)Hôm nọ, ở nhà chú, anh đã đồng ý cho chú bán nhà, anh đã phản bội em vì anh đã thề với em là không bao giờ làm việc đó. Chắc em đã nhìn thấy hòm, tủ của nhà lần lượt chạy vào tay các con buôn. Sau khi chúng mình chia tay, anh được biết nhà ta trở thành chỗ trú của một thằng cha cò bơ cò bất và sau khi vợ hắn chết vì bệnh phong thấp, đã trở thành chỗ nhốt người hàng xóm điên. Ðồ đạc trong nhà bị mất cắp dần dần, phần mộ nhà trên đỉnh đồi càng ngày càng bị người ta lấn đất, nay đã phụ thuộc vào đồi đào bên cạnh, và bây giờ mới đến giỗ thứ ba của ông, mà anh chắc bài vị ông đã bị bỏ hoang, nằm sõng soài trên bàn thờ, nhơ nhớp lẫn với nước đái chuột.
(Viết năm 1916, xem lại và in năm 1949)
THỤY KHUÊ dịch
theo hai bản tiếng Pháp của Anne Bayard-Sakai
và Cécile Sakai và Fujimori Bunkichi