Công chúa Qui Đức biệt hiệu Nguyệt Đình, con gái thứ 18 của vua Minh Mạng, em (cùng mẹ) với Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Bà Qui Đức là người thông minh nhanh nhẹn, tính nết thuần hậu. Thuở nhỏ học nữ sử ở nội cung, lớn lên bà hay ngâm vịnh và học luật thơ Đường với Miên Thẩm. Năm mười sáu tuổi (1850) bà hạ giá lấy ông Phạm Thuật (em út bà Từ Dũ). Công chúa sinh ở chốn thiên gia, lấy chồng nhà thích lý, nhưng vẫn giữ nếp sống khiêm tốn, không hề xa xỉ, khoe khoang. Về sách đọc bà chỉ ưa đồ thư (tức sách học nhà trường) và chư sử (truyện kể). Khi lấy chồng, bà cùng chồng xướng họa thơ, phú và thường có những bài hay được các bậc vương trưởng khen ngợi. Năm 1861, giặc Pháp đến Nam Kỳ, vua Tự Đức mật chiếu cho ông Phạm Thuật chồng bà, vào Nam phỏng sát. Nhiệm vụ khá nặng nề và nguy hiểm, Phạm Thuật đã hy sinh. Vua Tự Đức rất thương tiếc và hỏi bà rằng: Bà cô muốn đưa quan cửu Phò mã về ngay hay đợi cho xong việc, dùng thuyền chở về Kinh hoặc cứ đưa về Gia Định an táng, cho tâu rõ thực tình! Công chúa liền dâng biểu xin cho trạm đưa về Kinh ngụ. Bài biểu này được người đương thời hết lời ca ngợi. Tài năng và tình cảm của công chúa đối với chồng, đối với đất nước đã thể hiện rất rõ qua lời văn. Sau đây là nguyên văn bài biểu: “Lang quân tôi, tháng trước vâng mật chiếu, ở chốn cấm môn tới nơi biên cảnh, thơ hoàng ba dò hỏi thương về việc nước lúc rối ren, chốn lữ khách dần dà, mất ở trong khi làm phận sự, chọn tiết làm tôi, không dài tuổi thọ. Chợt nghe tin dữ huyền minh cầm việc quan (1) đâu dám lánh nạn, Việt Cơ là nghĩa tử (2) tôi đã chẳng được hầu Tử Xa để dưỡng bệnh (3) lại chẳng nghi làm Kiềm lâu mà chủ tan y! Có thể nhẫn được, chỉ có thể cất thoa, bỏ phấn đành là mang tiếng suốt đời, dây dứt gương tan, gượng ngậm hờn ở giữa đường mà thôi, nhưng mà chàng ở chi hữu, hết hồn yêm chệ để làm bóng ma, thiếp ở Hà Dương giải nỗi khóc than, tay cầm ngọc quyết xót chẳng liền cành, khi mộ vân, khi xuân thụ, xa trông nghìn dặm, nào linh cửu, nào xuyên xa, mẹ già tóc bạc khóa ra hồng, con đỏ lòng son rây áo trắng, giả như những khách qua đường, còn vì thương xót, trừ không phải thân gỗ đá, sao đợi được lâu? Rất sợ như bóng mặt trời tàn, cây nấm úa, như cỏ non yếu đuối bóng trầu lung lay, chợt gặp nhau ở chốn minh minh, bèn hỏi rõ từng lúc trách lấy nghĩa phu phụ, lấy tình tử sinh, thì tôi lấy gì mà nói lại với người dưới toàn đài, cho khỏi phụ cái công dạy dỗ ở chốn công cung, tôi đã nghĩ đi nghĩ lại, thì an táng ở Phú Xuân là hơn. Nay đã vâng sắc mạng ở đài trung suy ra lòng xích tử, nhưng theo người con gái đậy bầu ở bến sông Lại thì còn kém xa (4). Cúi xin nghĩ đến việc ngu thần thờ nước, xét đến lòng nghi phụ cáo ai, mong được khinh quan (5), chớ nên chuyên đạo (6), cho chuyền cửu như chuyện Tử Cư, xin phù tang như Viên Thị (7). Lần qua quan ải núi rừng, chẳng ngại sóng to gió lớn, thực là nhà vua hậu tứ, không phải thần thiếp dám mong, tôi xin tự xuất 120 lạng bạc để chia cho những trạm phu hộ tống, nếu được đội ơn vua soi xét, tôi không những làm con chim ngậm đá lấp bể Đông khi sóng gió, lại xin làm người kết cỏ buộc quân dịch ở chốn cương trường”. Vua Tự Đức xem biểu thấy tình tứ ai thiết, chuẩn cho. Ban chiếu cấp cho phu trạm đưa quan tài về Kinh. Công chúa làm một sanh phần cạnh mả ông Thuật để ở. Từ bấy giờ thề trong tâm, khóc đến ra máu, một mình ở chốn cô phòng, không ra khỏi cửa, hầu hơn 10 năm, người ta khen là khổ tiết. Công chúa có tập thơ Nguyệt Đình thi thảo. Bà là người trinh tỉnh, xuất tự thiên tính, được giáo huấn trong cung khổn và các người anh, việc làm trước sau đều theo lẽ chính. Cho nên trong bài tựa tập thơ, Tuy Lý Vương Miên Trinh đã viết: “Phát ra ở tình, dừng ở lễ nghĩa, cùng thơ Hà Quảng, thơ Tái Trì ở Vệ Phong”. (Viết theo Nguyễn Văn Tố dịch từ Liệt Truyện Nhị tập, quyển 9, tờ 13a-16b) ______________ Nguyên chú của Liệt Truyện: Huyền Minh là chức quan coi dưới nước, Việt Cơ: nàng hầu yêu của vua nước Sở, một hôm nàng cùng vua lên trên đài chơi, vua ngoảnh lại hỏi: “Có vui không?” Nàng thưa rằng: “Vui thì vui thực, nhưng không biết có được lâu như thế không!” Vua nói rằng: “Ta nguyện cùng nàng sống như thế này, chết cũng lại như thế này”. Nàng vẫn chưa tin lời vua nói là đúng. Kịp đến khi vua Sở đi cứu nước Trần, nàng Việt Cơ đi theo, chẳng may vua bị bệnh, có đám mây đỏ giáp mặt trời như hình chim bay, vua hỏi quan sử, quan sử tâu rằng: “Điềm ấy hại đến thân vua nhưng có thể gán cho tướng văn hoặc tướng võ”, vua không nghe nàng Việt Cơ nói “Tốt thay đức của Quân Vương, tôi xin theo vua”. Nói rồi liền tự tử nên người ta nói là nghĩa tử. Thiên đàn xung hạ, trong khi Lễ chép: Tử Xa chết ở nước Vệ, người nhà bàn việc tuần táng (đem người sống chôn theo). Đông Chu Liệt Quốc chép: Tử Tư chạy sang nước Ngô giữa đường bị bệnh, xin ăn trên bến sông Lại. Có người con gái hái dâu ở bến sông Lại mở bầu cơm cho ăn, rồi người con gái tự hối, đậy bầu cơm lại, gieo mình xuống sông Lại mà chết. Tam Quốc Chí chép: Tiểu Chu khi xác mất, dặn người nhà rằng: “Lâu nay ta bị bệnh, chưa từng vào chầu. Sau khi ta mất, nếu ơn vua cho triều phục, chở mặc vào mình, nên về chỗ mộ cũ, làm áo quan nhẹ để chịu ơn”. Kinh Lễ, Thiên Tạp ký, chép: Lễ tán là thẳng đường mà đi. Nam sử chép: Viêm Giám Thâm theo Lưu Khải sang Giao Châu rồi mất, người vợ họ Trịnh khóc rằng: “Hồn họ Viên còn mắc ở đây thì mặt mũi nào về nhà ra mắt mẹ chồng” lúc bấy giờ họ Trịnh hai mươi tuổi, con là Văn Ngưng mới sinh, thế mà qua Giao Châu muôn dặm, đem được xác chồng về quê chôn. Người ta đều ngạc nhiên khen phục.