Cụ Khóa Đỗ vừa định ra vườn vun gốc mấy cụm hoa bỗng nghe tiếng đàn bà chéo véo lẫn tiếng trẻ con lao nhao trước ngõ. Cụ thở dài: - Hai thằng quỉ sứ lại gây chuyện nữa rồi! Liền đó, một người đàn bà và năm sáu đứa trẻ đã đến trước hiên nhà cụ. Người đàn bà chỉ tay vào một thằng bé nói với cụ Khóa: - Cụ xem kìa, cháu cụ nó đánh con tôi ra thế đó. Bây giờ cụ tính sao? Cụ Khóa nhìn thằng bé. Mặt mũi nó lem luốc máu lẫn đất cát. Cả khoảnh áo trước ngực nó cũng dính từng vệt máu. Cụ hỏi: - Thằng Chung đâu rồi? Sao lại thế này được? Thằng này lớn xác hơn thằng Chung nhiều mà! Người đàn bà chỉ tay vào một thằng bé khác: - Mày hãy kể cho ông cụ biết chuyện xảy ra như thế nào! Thằng bé hình như đã hờm sẵn, kể ngay: - Dạ, ban đầu thằng Chung rủ thằng Bửu đánh đáo ăn cõng để trả thù… Nó nói chưa hết lời cụ Khóa lại hỏi: - Trả thù cái gì? - Dạ, vì hôm qua thằng Chung đánh đáo thua bị thằng Bửu bắt cõng nhiều vòng nên hôm nay nó muốn gỡ. - Chỉ có vậy mà chúng đánh nhau? Nhưng làm sao thằng Bửu lại bị thằng Chung đánh đổ máu như vậy được? - Dạ, thằng Chung với thằng Bửu vừa vật nhau thì thằng Hư xông vào phụ với anh nó. Thằng Bửu bị hai đứa đè ra đánh tới tấp chịu không nổi kêu khóc thảm thiết nhưng chúng cứ đánh. - Thế hai thằng quỉ sứ ấy bây giờ đâu rồi? - Vừa thấy mẹ thằng Bửu thì cả hai thằng bỏ chạy mất. Người đàn bà giận dữ nói với cụ Khóa: - Cụ nghe rõ chưa? Bây giờ cụ tính sao với tôi? Cụ Khóa buồn bã thấp giọng: - Tôi cũng chỉ biết xin lỗi chị và cháu chứ làm sao bây giờ. Để đợi bố nó về tôi sẽ mách để bố nó trị một trận. Người đàn bà xẳng tiếng: - Đánh người ta chết rồi chỉ xin lỗi một lời là xong à? Đạo lý ở đâu thế? Sinh con không dạy nổi thì đừng sinh! Cụ Khóa càng nhũn nhặn: - Thôi đủ rồi chị ơi. Tôi có làm gì chúng được đâu! Chính tôi cũng khổ vì chúng lắm rồi. À, tôi có cái này cho thằng Bửu. Cụ Khóa quay vào nhà giây lát rồi trở ra: - Này cháu, cụ đền cho cháu đây. Từ nay cháu đừng thèm chơi với chúng nó nữa. Thằng Bửu đang buồn bã đờ đẫn chợt sáng mắt lên khi thấy con chim sành màu sắc sặc sỡ rất đẹp. Nó hân hoan đưa tay đón lấy. Lũ trẻ nhìn món đồ chơi ấy có vẻ thèm thuồng. Bà mẹ nhìn con cằn nhằn: - Thế là rồi đó. Đi về! Đứng nữa thêm hao hơi. Bà ta nắm tay thằng bé lôi đi. Lũ trẻ cũng đồng loạt kéo theo sau. Ra khỏi cổng, hình như chưa hạ cơn tức giận, bà lớn tiếng cố tình cho cụ Khóa nghe: - Cái giống độc ác đó trước sau cũng gieo tai họa cho gia đình nó chứ đừng hòng thoát khỏi. ° Đám đông đã khuất dạng. Cụ Khóa bước vào nhà nặng nề gieo mình xuống bộ phản giữa. Cụ đang buồn bực tột độ. Không những buồn bực mà cụ còn tủi thân nữa. Mình cũng thuộc hạng chữ nghĩa như ai, chỉ vì không “tề gia” nổi nên cứ bị đám tiện dân coi thường. Hai thằng cháu trời đánh đã hại cụ. Cụ đã dạy chúng cả năm mà chẳng đứa nào nhét được mấy chữ vào đầu. Cụ đã khuyên răn, dỗ ngon dỗ ngọt chúng khô cả cổ chúng cũng chẳng nghe lời. Ngày nào chúng cũng lang thang quấy rầy xóm làng. Một hai ngày lại có người đến kêu réo, mắng mỏ cụ. Hôm kia thằng Chung bỏ cả nắm cát vào lu nước uống của ông Tí. Hôm nọ thằng Hư nhổ cả nắm cây mới trồng của bà Hợi. Nay chúng lại đánh thằng bạn hộc máu mũi. Biết bao lần cụ đã phải rã họng xin lỗi, năn nỉ người ta. Cụ chỉ có độc một người con trai: Đỗ Mỗ. Từ nhỏ Mỗ đã được cụ dạy chữ, sau đó lại được gởi đến trường của một ông đồ có danh. Nhưng học tài thi phận, trải mấy lần thi Mỗ vẫn không qua được cái tú tài. Về sau Mỗ đành theo đuổi nghề buôn bán. Quanh năm cứ bôn ba xuôi ngược, mỗi chuyến đi từ năm mười ngày đến vài ba tháng, rất ít khi Mỗ ở nhà. Việc chăm sóc con cái, nhà cửa Mỗ phó thác cả cho cha và vợ. Vợ Mỗ là Lê thị lại quá hiền, chỉ biết việc nội trợ. Việc giáo dục các cháu và giao tiếp bên ngoài cụ Khóa lo hết. Thật tình cụ Khóa đã hết sức dạy dỗ các cháu. Khổ nỗi hai đứa cháu cụ đều rất ghét việc học. Cụ đã kiên nhẫn giảng giải, khuyên lơn từng đứa một không biết bao nhiêu lần. Nhưng cụ chỉ làm công dã tràng. Dụ dỗ không được, cụ dùng roi vọt để trừng phạt. Dĩ nhiên cụ áp dụng lối giơ cao đánh sẽ. Nhưng cách trừng phạt đó lại làm hai thằng cháu càng lờn. Cụ chán nản tự nhủ: "Có lẽ nhà mình không có mả phát văn". Cha con cụ đều có học mà không đỗ đạt gì không phải là số sao? Thôi, cứ để một vài năm nữa khôn lớn hơn may ra chúng sẽ sửa đổi. Nhưng cái hi vọng "may ra" của cụ đến chậm quá. Cụ chỉ thấy sau khi cụ lơi việc dạy chữ nghĩa thì hai thằng cháu càng lêu lổng quấy phá hơn. Nhiều lần giận quá cụ đành phải ra roi thẳng tay. Nhưng hai thằng bé không vừa, chúng lại tìm cách trả đòn ông nội. Một hôm cụ Khóa mời một người bạn tới nhà chơi cờ. Khi bày cờ ra cụ mới biết cờ mất hết năm quân. Cụ sai con dâu và cả hai đứa tìm khắp nhà không ra. Hai ông già đành ngồi nói chuyện suông. Thế mà tiễn bạn xong, khi cụ trở lại thì thấy quân cờ lại đầy đủ cả. Thấy hai đứa nhìn nhau cười khúc khích, cụ nổi sùng đét cho mỗi đứa mấy roi. Mấy hôm sau có người mời cụ đi ăn giỗ. Cụ sửa soạn khăn áo xong thì đôi giày của cụ biến mất. Cụ kêu hỏi thì chẳng thấy bóng hai thằng bé đâu cả. Tìm mãi không ra, cụ đành đi chân đất cho kịp để gia chủ khỏi chờ. Vừa đau chân, vừa hổ thẹn, cỗ tuy ngon nhưng cụ nuốt không vô. Về tới nhà là cụ trút cơn giận lên mông hai đứa nhỏ ngay. Phải vậy mới được. Nếu không, hai thằng nhỏ sẽ nhảy lên đầu cụ mà ngồi - cụ nghĩ thế. Qua mấy ngày thấy hai thằng nhỏ giảm bớt quậy phá cụ cũng vui vui. Nhân hứng, cụ sai con dâu sửa soạn cho cụ một ít đồ nhắm để mời bạn bè uống rượu chơi. Nguyên chuyến về nhà vừa rồi, Đỗ Mỗ có biếu cụ một bình rượu quí. Cụ đã uống thử, quả là thứ rượu quí hiếm có. Ngon tuyệt! Cụ không dám uống nhiều. Thứ rượu này phải để dành mời khách mới được. Và hôm nay cụ mời mấy người bạn già đến cùng thưởng thức. Thức nhắm đã bày ra. Cụ Đỗ cầm bình rượu trên tay với nét mặt hân hoan nhưng không giới thiệu là thứ rượu gì. Cụ muốn dành cho các bạn già một sự ngạc nhiên. Cụ rót đều mỗi người một chén rồi nói: - Nhân chuyến về vừa rồi thằng con tôi có biếu một bình rượu. Nay mời các cụ cùng uống cho vui. Xin các cụ nâng chén. Cụ Khóa nâng chén lên nhưng chưa uống vội. Cụ muốn xem thái độ của các bạn già trước. Nhưng cụ ngạc nhiên xiết bao khi thấy ai cũng chỉ nhắp một hai hớp rồi ngơ ngác nhìn nhau, không có vẻ thú vị gì. Một cụ hỏi: - Cụ Khóa cho chúng tôi uống thứ rượu gì vậy? Bấy giờ cụ Khóa mới thật sự nhắp một hớp rồi kêu lên: - Lạ thật! Sao lại thế này được? Một cụ khác hỏi: - Cụ có pha muối à? Cụ Khóa chợt hiểu ra: - Quả là hai thằng quỉ sứ nó phá tôi rồi! Để chắc ăn, cụ Khóa nhắp đi nhắp lại mấy lần nữa rồi rót chén rượu của cụ trở lại bình. Cụ lắc đầu tiếp: - Xin lỗi các cụ. Mấy thằng quỉ sứ nó hại tôi, nó làm bọn mình cụt hứng mất rồi. Nhờ mấy cụ đổ hết lại vào bình cho tôi. Đây là loại rượu rất quí chứ phải chơi đâu. Tôi uống thử thấy ngon quá mới dám mời mấy cụ đấy chứ. Thôi, tôi đi lấy bình rượu khác vậy. Một cụ cười hỏi: - Tại cụ đánh đòn chúng chứ gì? Rượu ấy còn dùng làm gì được mà giữ lại? Chẳng lẽ đem kho cá? - Giữ lại làm bằng chứng cho bố nó thấy chứ. Nó biếu mình mà mình không được uống. Nếu không, bố nó lại tưởng mình đổ oan cho nó. Chỉ lát sau mấy cụ lại bắt đầu chén chú chén anh. Dĩ nhiên đề tài đầu tiên để cho ngon rượu vẫn là sự việc vừa xảy ra. - Con nít mà nghịch như vậy là hết cỡ. Dám lấy muối bỏ vào rượu cho ông nội uống! Thiệt tôi cũng chịu thua. - Ngựa hay có chứng mà! Như vậy sau này nó mới có thể làm vương làm tướng chứ! Lưu Bang, Tào Tháo, Đinh Bộ Lĩnh không phải là những tay nghịch ngợm nhất à? Nghe hai bạn nói qua nói lại, cụ Khóa thở dài: - Vương tướng đâu không biết chứ tôi hết chịu nổi chúng rồi. Chuyến này bố nó về tôi sẽ nói hết tình trạng lũ con cho nó biết để nó tính sao mặc nó. Tôi hết cách rồi. Thế rồi cụ kể hết các việc đã xảy ra cho mọi người nghe. Cụ cho biết lâu nay cụ vẫn cố giấu hoặc kể rất ít các việc đó với Đỗ Mỗ, sợ Mỗ buồn. Ai nghe chuyện cũng phải lắc đầu. Một cụ lại giúp ý: - Chúng đã quá tay như vậy cụ trị không nổi đâu. Chúng làm trò gì mình làm sao lường được? - Hay cụ thử gởi nó vô chùa một thời gian xem sao? - một cụ khác nói: - Vào đó rồi nó khuấy động chỗ trang nghiêm mình lại mang tội thêm. - Đừng lo. Ở chùa vậy chứ kỷ luật lắm. Tôi có người em họ trước đây con nó cũng quậy phá như điên. Sau nhờ gởi vào chùa một thời gian mà thằng nhỏ thuần tính lại. Bây giờ chắc cũng nên danh phận rồi. - Chùa nào lại chịu cho mình gởi con cháu? - Chùa Huyền Giác ở núi Chí Linh đó mà! - Gởi một thời gian khi nó thuần mình đem về được không? - Được chứ. Muốn cho tu luôn cũng được, muốn đem về cũng được. Vào đó cháu nó có thể được học cả văn lẫn võ. Nhưng muốn được việc mình thì cũng đừng ngại sự tốn kém. Cụ cứ thử một lần biết đâu chẳng tạo được phước duyên cho gia đình! - Vâng, để tôi bàn thử với thằng Mỗ xem. Có thể chúng tôi phải làm phiền tới cụ đó. - Vâng, không sao! Cụ nhớ là từ nay chớ đánh đập chúng nữa. Vô ích mà mang hại không chừng! Cũng từ sau bữa rượu này, cụ Khóa buông xuôi không dùng roi vọt gì với mấy đứa nhỏ nữa. Khi có ai kêu réo chuyện gì cụ chỉ biết xin lỗi họ rồi mắng cháu vài tiếng lấy lệ. Được thể hai thằng nhỏ càng ngày càng lộng thêm, ưng gì làm nấy. ° Buổi tối đó, khi Đỗ Mỗ về nhà thì hai thằng con đã đi ngủ. Nghe cha và vợ kể chuyện ở nhà trong thời gian Mỗ đi vắng xong, Mỗ giận sôi gan. Mỗ muốn lôi ngay chúng dậy mà đánh một trận. Nhưng cụ Khóa ngăn lại: - Thôi, con đánh chúng giờ này sẽ làm ồn ào phiền hàng xóm. Ngày mai hãy hay. Liệu trị chúng không được thì tính đường khác. Có người cho bố biết có ngôi chùa Huyền Giác ở núi Chí Linh người ta chịu nhận việc uốn nắn những đứa trẻ mất nết thành người tốt hiệu quả lắm đấy. Giờ con đi xa mới về mệt mỏi nên đi ngủ sớm để lấy sức. Hôm sau, khi cả nhà cơm nước xong, hai thằng nhỏ hăm hở toan chạy rong thì bị Đỗ Mỗ chận laị: - Khoan! Chúng mày ở lại đó để tao nói chuyện đã. Thế rồi Mỗ mời cụ Khóa và Lê thị cùng ngồi chứng kiến. Thằng Chung bị trói thân ôm vào một cột nhà, thằng Hư bị bắt phải nằm sấp trên nền nhà gần đó. Đỗ Mỗ bắt đầu kể tội. Nhưng cả hai đứa đều già miệng, chối leo lẻo những việc quấy của chúng. Thái độ có vẻ bất kính đối với ông nội chúng làm Mỗ càng giận. Mỗ quay lại nhìn vợ hỏi: - Những điều tôi vừa kể đó, mình ở nhà chắc biết rõ, có chuyện gì là quá đáng, là nói oan cho chúng không? Lê thị nói: - Chúng hư đốn thật rồi. Không có gì là quá đáng hay oan ức cho chúng cả. Ngày nào mà chẳng có người đến nhà kêu ca? Nếu không có bố chịu trận dàn xếp mọi chuyện chắc tôi cũng phải chui đầu xuống đất mà trốn. Mỗ rút ra một cây roi mây, thét: - Tao phải trị cho chúng mày biết tay. Nhất là thằng đầu têu này. Mấy roi liên tiếp giáng vào mông thằng Chung. Có lẽ đây là lần đầu nó nhận lãnh những ngọn roi đánh rất thiệt tình của bố nó. Lúc đầu nó còn nghiến răng chịu đựng nhưng đến roi thứ ba thứ tư nó phải khóc thét lên. Mỗ hét: - Bây giờ mày có chịu xin lỗi ông nội với mẹ mày chưa? Thằng Chung không trả lời. - Mày lì hả? Xem mày lì tới mức nào cho biết! Mỗ vừa thét vừa đánh. Tiếng ồn ào đã làm những người quanh xóm kéo đến xem mỗi lúc mỗi đông. Nhiều nhất là lũ con nít. Những ngọn roi lại liên tiếp quật vào mông thằng Chung. Nó lại kêu thét và thót người theo từng nhịp bay lượn của cây roi trên tay bố nó. Hình như nó cũng truyền những cái thót người đó sang cả cho những người đang chứng kiến. Lê thị thương con chịu không nổi muốn ngăn chồng nhưng Mỗ thét: - Để tôi trị nó, không chết đâu mà sợ. Nếu không, nó quấy thiên hạ hoài có lúc người ta cũng giết nó. Khi nào nó chịu nhận lỗi tôi mới thôi đánh. Những ngọn roi lại vun vút. Thằng Chung rít lên căm hờn: - Đ. mẹ thằng ông nội! - tiếng roi lại vút, vút... - Đ. mẹ thằng bố! – vút, vút... - Đ. mẹ thằng bố! Tao chẳng thèm ở với chúng mày nữa đâu! Tiếng roi lại vút, vút... Mỗ càng đánh thằng Chung càng chửi. Cụ Khóa cũng giận lắm nhưng khi thấy thằng cháu đã lả giọng cụ cản tay Mỗ lại. Thằng Hư đã chứng kiến từ đầu chí cuối trận đòn mà anh nó gánh chịu nên nó đầu hàng dễ dàng. Có lẽ lúc đó Mỗ đã mỏi cả tay lẫn miệng nên thằng Hư chỉ lãnh chừng năm roi thôi. Một lát sau Lê thị đem hai đứa nhỏ vào phòng để chăm sóc. Cụ Khóa và Mỗ thì ngồi lại bàn luận việc sửa trị hai thằng bé. Hôm sau Đỗ Mỗ lại lên đường. Ở nhà Lê thị phải mất công dỗ dành lắm thằng Chung mới chịu ăn uống. Lê thị cũng hết lòng lo thuốc men chữa các vết thương trên thân thể nó. Luôn mấy ngày thằng bé không thể nào nằm ngửa được. Trên mông nó lằn ngang lằn dọc chằng chịt sưng tím cả lên, nhiều chỗ đã mưng mủ. Mẹ nó phải nhẹ tay xoa bóp từng chút cho nó khỏi đau. Thằng bé để yên cho mẹ nó săn sóc nhưng chẳng thèm nói với mẹ nó một lời. Vẻ mặt nó lúc nào cũng lầm lì khó chịu... Được ba bốn hôm thì các vết thương lành dần. Tuy vậy, thằng bé vẫn lầm lì không mở miệng nói chuyện với ai. Trong khi thằng Hư hằng ngày đã đi chơi bình thường, thằng Chung chỉ ra vào trong nhà chứ không đi đâu cả. Cụ Khóa vẫn ngấm ngầm theo dõi nó. Một buổi tối cụ thấy nó từ trong bếp đi ra tay ôm một vật gì với vẻ khác thường. Tưởng nó giấu cái gì, cụ liền len lén bước theo nó. Rồi cụ hoảng lên khi thấy nó toan làm một việc động trời! Cụ phải vừa tri hô vừa phóng mình tới hất mớ than có nhiều cục còn lửa mà thằng cháu đổ xuống chân bức phên nhà chái ra xa. Bị bắt quả tang, thằng bé cũng chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ bỏ đi. Cụ Khóa kêu con dâu lấy nước tưới mấy cục than rồi dặn: - Từ nay con phải coi chừng nó cẩn thận. Lê thị kêu trời: - Sao bố không chém một dao cho nó chết phứt cho rồi! Con sẽ mách chuyện này với chồng con. Phải tống đó đi đâu khuất mắt chứ để nó sống trong nhà con chịu hết nổi! - Thôi, mách làm gì chồng con nó nóng nảy sẽ thêm phiền. Chuyến này trở về thế nào chồng con cũng sẽ có cách giải quyết. Cứ coi như không có chuyện gì xảy ra. - Bố với chồng con muốn làm sao thì làm, con sợ nó lắm rồi! Mười ngày sau Đỗ Mỗ về nhà, mặt có sắc vui. Lúc đó những vết thương của thằng Chung cũng vừa lành hẳn. Mỗ hỏi thăm việc nhà, cụ Đỗ thuật lại mọi chuyện nhưng giấu hẳn chuyện thằng nhỏ toan đốt nhà. Cụ lại hỏi: - Con có ghé chùa Huyền Giác hỏi việc ấy không? - Dạ có. Nhà chùa nói lúc nào họ cũng sẵn sàng giúp đỡ. - Tốt lắm, đã vậy thì làm đi. Con định cho cả hai đứa đi hay một đứa? Có tốn kém lắm không? Ông cha dạy con cháu quả khó thật, dù nghiêm mấy nó cũng sinh lờn. Người xưa phải dùng cách đổi con cho nhau mà dạy dỗ° là đúng lắm. - Muốn con cháu mình nên người mà ngại tốn kém sao được? Nhưng cho một mình thằng anh đi là đủ rồi. Thằng em ở nhà một mình tự nhiên cũng phải mềm thôi bố ạ. - Phải đó. Hai đứa đi hết ở nhà cũng buồn. Bố chỉ trông sao nó học được một ít chữ nghĩa rồi kiếm một nghề gì để về sau khỏi khổ là bố mừng. - Dạ, bố chớ lo. Quí sư ở chùa cho con biết những đứa nhỏ đã được gởi vào đó hầu hết đều nên người. Thế rồi Mỗ vào giường kéo thằng Chung ra trước mặt cụ Khóa mà hỏi: - Bây giờ tao hỏi mày lần cuối. Có thật mày chẳng muốn ở trong nhà này nữa không? Tao sẽ đưa mày đến ở một nơi khác! Mày trả lời dứt khoát đi! Thằng Chung gật đầu. Mỗ tiếp: - Vậy hãy sửa soạn để sáng mai đi với tao. Mày muốn cái gì tao cho đem theo hết. Còn muốn nói gì với bu mày hay thằng Hư thì cũng nói hết trong đêm nay đi! Sau đó Mỗ quay mặt gọi vợ: - Bu mày sửa soạn giúp hành lý cho thằng Chung ngày mai lên đường nhé! Muốn cho nó cái gì tùy ý bu mày. Hôm sau Mỗ dẫn thằng Chung lên đường thật. Nó được gởi vào chùa Huyền Giác ở núi Chí Linh. Từ đó chỉ có Đỗ Mỗ thỉnh thoảng liên lạc với nó. Ai hỏi thăm, Mỗ chỉ trả lời: "nó ngoan ngoãn rồi" hoặc "nó khỏe mạnh". Thế thôi. Thật tình chẳng ai biết rõ nó đã nên hư như thế nào. Riêng Thiên Hư sau trận đòn đáng nhớ của anh em nó, lại bị tách rời Khắc Chung, tánh ngỗ nghịch của nó có phần giảm bớt. Cụ Khóa nhân đó dụ dỗ đưa nó dần trở lại khuôn phép. Nó lười biếng nhưng cũng rất thông minh. Một thời gian sau nó cũng có được một số vốn chữ nghĩa. ° Sáu năm sau, Đỗ Khắc Chung đã được mười ba tuổi. Theo đúng với ước định trước kia, Đỗ Mỗ đến chùa Huyền Giác xin đưa cậu trở lại với gia đình. Vị thầy dạy Khắc Chung nói nhỏ với Đỗ Mỗ: - Thằng bé này thông minh lanh lẹ khác thường. Chắc sau này nó sẽ lập được sự nghiệp không nhỏ đâu! Trước đây nó hung hăng ngỗ nghịch, tôi đã ra sức dạy dỗ, bây giờ thấy nó đã thuần lắm rồi. Thế nhưng mới đây vị sư trụ trì chùa này là người coi tướng giỏi có nói với tôi “Khắc Chung có tài nhưng thiếu đức, sợ không tốt cho bản thân”. Vậy, ông nên khuyên cháu chuyên trau dồi đạo đức ắt tương lai sẽ khá hơn. - Cám ơn thầy đã ra công dạy dỗ cải sửa cho cháu. Bây giờ thấy cháu đã thuần tính, ngoan ngoãn tôi mừng hết sức. Tôi sẽ khuyên cháu làm theo lời thầy dặn. Cụ Khóa lúc bấy giờ đã già yếu. Cụ hết sức vui mừng khi thấy đứa cháu đích tôn của cụ đã hoàn toàn thay đổi. Khắc Chung cũng đã trở thành một cậu bé thông minh, văn hay chữ tốt. Nhất là cậu không còn ngỗ nghịch nữa mà trở nên rất khiêm tốn, mềm mỏng. Qua những lần nói chuyện với Khắc Chung, cụ Khóa càng ngạc nhiên về kiến thức của đứa cháu. Nó được như vậy thì người dạy nó ắt không thể là hạng tầm thường. Cụ đã tìm hiểu ráo riết và sau cùng cụ cũng được thỏa mãn. Vị thầy đó chính là người em họ của vị sư trụ trì chùa Huyền Giác, tên Đoàn Mâu. Nội tổ của ông thầy này chính là ngài Đoàn Thượng, một lãnh chúa oai trấn vùng Hồng Châu danh tiếng lừng lẫy một thời. Ông có tài kiêm văn võ nhưng không muốn làm quan với nhà Trần. Tuy ăn chay học Phật nhưng ông cũng chưa muốn sống trong khuôn khổ gò bó như các tu sĩ. Chùa Huyền Giác có đất đai rộng, ông xin một khoảnh để trồng rau trái độ nhật. Ông cũng tự nguyện lo việc cung cấp rau trái cho toàn chùa. Ngoài ra, ông còn tình nguyện làm luôn cái việc giáo huấn những đứa trẻ ngỗ nghịch giúp gia đình chúng như một sự thử nghiệm để tiêu khiển. Ông vừa dạy chúng học chữ, vừa buộc chúng phải tập các công việc như kiếm củi, trồng cây, tưới rau... Lâu lâu chúng lại được nghe một bài pháp của vị sư trụ trì. Nhờ đó, những đệ tử bất đắc dĩ ấy vừa biết chữ, vừa quen với những công việc hữu ích bình thường, dần biết hướng về lẽ phải... Có lần cụ Khóa tỏ vẻ hối tiếc nói với Mỗ: - Trước đây mình gởi cả hai anh em nó vào đó hay biết mấy! Mỗ nhìn bố rồi cười: - Gởi một đứa đã mệt rồi huống gởi cả hai! Thấy cụ Khóa đã già yếu, Đỗ Mỗ không muốn cụ nhọc sức nên đã tìm một vị thầy giỏi trong vùng để gởi gắm hai con. Khắc Chung vẫn thỉnh thoảng trở lại chùa Huyền Giác thăm thầy cũ để được nghe thuyết giảng hoặc mượn sách để đọc. Tiếng tăm Khắc Chung mỗi ngày mỗi lừng lẫy. Cụ Khóa vô cùng hãnh diện về hai đứa cháu nội. Cụ thường bảo: “Tao vẫn tưởng chúng nó không ra gì, ai ngờ nay chúng lại vượt cả cha ông thấy rõ! Tao tin chắc năm bảy năm nữa chúng sẽ làm rạng rỡ nhà mình! Hãy chờ xem!” Đáng tiếc, cụ Khóa đã không được toại nguyện. Nếu cụ sống thêm được hai tuổi, cụ sẽ thấy đứa cháu suýt hư đốn của cụ không phải chỉ làm rạng rỡ cho gia đình cụ mà còn làm nở mặt nở mày cho cả huyện Giáp Sơn khi triều đình mở khoa thi Thái học sinh vào năm Ất Hợi°. Trong khoa này, Khắc Chung đã chỉ nhường bước độc một danh sĩ đất Thanh Hoa là Đào Tiêu trên bảng vàng, lúc chàng vừa tròn mười tám tuổi.
Cước chú:°Đổi con cho nhau để dạy: nguyên tiếng Hán: “Dịch tử nhi giáo”.°Năm Ất Hợi: 1275.
Cước chú:°Đổi con cho nhau để dạy: nguyên tiếng Hán: “Dịch tử nhi giáo”.°Năm Ất Hợi: 1275.