chương 8

Tôi và bà tôi hồi hộp đón chờ cái Thảm trở về sau ngày đi học đầu tiên
- bước đi đầu tiên vô cùng hệ trọng của tuổi ấu thơ của nó. Chỉ lo nó cau có bực bội. Nào ngờ nó tươi roi rói, cất tiếng lanh lảnh từ cửa nhà
- Cháu chào bà! Em chào anh Duy!
Bà chống tay ngồi dậy, mừng rỡ:
- Thế cháu học hành ra sao?
Nó nhảy lò cò lại gần bà, nhí nhảnh:
- Cháu bị cô phạt, bà ạ.
- Chết, sao thế?
- Cô bắt cháu đứng nghiêm. Rồi bắt cháu xin lỗi cái Liên. Vì cháu cốc đầu nó.
- Chết! Sao lại cốc đầu bạn thế, cháu?
- Ai bảo nó bẹo má cháu. Nó lại còn định lấy cái kim băng của cháu.
- Nếu vậy phải thưa cô chứ!
- Thưa cô, cô lại bảo: lắm lời!
- Lúc nào cô không bận thì thưa, cháu ạ.
- Vâng! Cháu phải thưa cô chứ.
Nó cười hị hị. Rồi lại uống nước, sớt cả nước ra cằm.
- Bà ơi, buồn cười lắm cơ!
- Cái gì mà buồn cười lắm?
- Cả lớp cháu, con gái sún răng hết. Buổi trưa, cô y tá vào khám răng, cô khen răng cháu trắng, đẹp nhất. Cô Thìn hỏi: bạn nào xung phong kể chuyện cho bác Vinh nghe. Cháu giơ tay đầu tiên. Cháu kể chuyện Chàng Sọ Dừa. Cô Thìn vỗ tay hoan hô. Bác Vinh hôn cháu. Cháu ghét cái Liên ghê cơ. Nó bảo: đằng ấy phịa thêm, chàng Sọ Dừa đi đánh giặc dặn vợ mang theo một quả trứng gà chứ đâu phải hai quả. Hai quả nở thành hai con gà gáy "ò ó o..." chứ bà nhỉ. Hai con nó gáy thì mới to. Chàng Sọ Dừa mới nghe thấy chứ, bà nhỉ!
ôi, cái Thảm, em gái tôi! Nó đã đi học! Nó đang thành hình. Vượt qua cái thân phận bất hạnh, cái hoàn cảnh khốn khổ, giữa cuộc đời điều kiện an toàn còn rất bấp bênh này, nó là mầm non tươi xanh, hồn nhiên mạnh mẽ như chính sức sống của tự nhiên.
Trường học mở mang trí khôn cho nó. Các cô giáo vun xới những tình cảm đạo đức, nếp sống tốt đẹp mà bà tôi từ lúc bế ẵm đã gieo hạt vào tâm hồn nó. Chẳng ngày nào là nó không có chuyện kể về lớp học, cô giáo, bạn bè nó. Rõ ràng là nó sống dồi dào, phong phú hơn tôi hồi đó ; giống tôi, nó cũng sống với một tập thể nhỏ gồm những cá thể tí hon ở cái tuổi thơ dại của loài người, cái tổ chức tạp sắc trông vui mắt như nhìn vào kính vạn hoa, nhưng cũng đủ mọi chuyện phồn tạp, rắc rối. Cũng có những chuyện nao lòng người. Có bè cánh, chia rẽ, nói xấu nhau. Có cậy quyền, ỷ thế. Có xun xoe nịnh bợ. Có áp chế, bắt nạt kẻ yếu... Có oan ức và nỗi niềm thầm lén. Tất nhiên là mới manh nha và dưới dạng hình ngây dại. Nhưng cái Thảm rất khác tôi. Nó xông xáo, ngây thơ, thẳng thắn, tin yêu. Nó không hề có mặc cảm kém cỏi để câm lặng, chịu nhận thua thiệt. Nó lăn xả vào đòi công bằng. Và nó chinh phục được cả người có thành kiến với nó.
Con em gái tôi sống thanh thoát, hồn nhiên. Tôi nhận ra, nó gắn bó với bà nội tôi bằng một chiều sâu hiếm có. Có lẽ, đó không chỉ là tình bà cháu ruột thịt thông thường. Đó còn là mối quan hệ của hai phần một cơ thể. Với bà, nó không chỉ có lòng kính yêu mến mộ. Bà còn là một từ mẫu tinh thần, là cái linh hồn sống động, hướng dẫn nó, tỏa sáng trong nó. Hơn tất cả những đứa trẻ khác, nó sớm tự ý thức cái trách nhiệm của kẻ thấy mình phải cưu mang người khác. Thời kỳ làm nũng của nó đi qua rất nhanh. Kể từ khi bà nằm liệt một nơi, nó bắt đầu đảm nhận công việc nội trợ trong nhà. Nó nuôi gà. Nó nấu ăn. Thậm chí nó đi chợ. Tất nhiên là dưới sự chỉ bảo của bà. Nó trở thành người lớn và bà nhiều khi hóa thành đứa trẻ. Bà cũng thích làm nũng nó. Và nó lắm khi ra dáng người chủ quán xuyến gia đình. Đi học về, nó cất mũ là vớ cái chổi quét. Bà bảo nghỉ đã. Nó đáp: Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm. Em sạch, lắm người bồng bế, bà ạ.
Cái Thảm lặng lẽ phát triển. Như cái gốc su su mới giâm ở mảnh vườn nhà tôi, một hôm nào đó tôi bỗng nhận ra, lá su su đã lợp kín giàn và ở cành nách đã nở những chấm hoa, cái Thảm đã làm tôi bất ngờ khi nó là học sinh lớp 1 giỏi nhất quận năm đó.
Nó đem cái phần thưởng là một chồng sách Kim Đồng về khoe với bà và đọc cho bà nghe. Bà rưng rưng bảo:
- Học giỏi thế rồi ít nữa thế nào cháu cũng được cử sang Liên Xô học đấy, Thảm à.
Nó lắc đầu:
- Cháu đi xa thế, ai ở nhà trông bà!
Bà xoa đầu nó, bùi ngùi:
- Khổ! Bà ốm lâu quá làm khổ cháu!
- Bà nói thế cháu khóc đấy. Bà ăn gì cháu nấu cho.
- Hôm nay bà ăn cơm.
- Cháu làm chả xương sông cho bà ăn nhẹ mình nhé.
- ừ, thế cháu có thích món ấy không?
- Cháu thích nhất một hôm bà làm nem, với bà nấu món chân giò ninh cho cả riềng.
Bà cười hít hà:
- Món chân giò giả cầy. Hôm nào bà khỏe, bà làm cả món ấy cho hai cháu ăn.
- Thế mẹ cháu có biết làm những món ấy không, bà?
Đột ngột nó hỏi. Cả bà và tôi đều sững người.
Hóa ra, trong âm thầm, dưới một bề mặt tĩnh lặng, một dòng mạch đời sống vẫn rì rào thắm thiết. Mối liên hệ vô hình, không thể hình dung nổi, vẫn được thiết lập giữa con em gái đáng thương của tôi và người mẹ yêu dấu của nó, bất chấp cả không gian xa ngái và hạn chế của các phương tiện thông tin. Đã có những lúc tôi thấy mắt nó ngẩn ngơ theo đuổi một hình bóng mơ màng. Đã có những khi tôi thấy nó lặng đi trong đau đáu tơ tưởng. Có sáng ngủ dậy, nó bảo: Đêm qua em mê thấy mẹ em về. Trời! Đã một lần nào từ ngày hiểu biết nó nhìn thấy mẹ nó? Và tôi đã run bắn cả người lên một hôm tôi thấy nó ngồi một mình trong nhà, lầm thầm nói chuyện với một bóng hình tưởng tượng là mẹ nó, với một câu cứ đay đi đay lại thật năo
lòng: "Mẹ ơi, mẹ có nhớ con không, con nhớ mẹ lắm, mẹ à!". Đó là trạng thái tâm thần gì đã nảy sinh ở nó, tôi không biết, tôi chỉ thấy nao dậy một xúc động sợ hăi về cái bí ẩn vô cùng của tình mẹ con.
Cũng như một hôm nó bảo tôi: Anh Duy ơi, mẹ em vẫn gửi thư về cho em đấy, gửi cả tiền nữa cơ. Tôi không hiểu là hư hay là thực, y như hôm nó khoe với tôi, rằng nó đã gặp mẹ nó. Mẹ nó từ trên một cái ô-tô, nhảy xuống ôm nó, hôn nó rồi khóc, bảo: Con tha thứ cho mẹ nhé. Mẹ bận lắm, mẹ phải đi đây. Đó là hình ảnh của cơn mộng mị ám ảnh, là sản phẩm của tâm linh hay chính đó là sự thật, một sự thật ở ngoài sự tưởng tượng của con người.
Cuộc sống vừa trần trụi, vừa huyền ảo là vậy.
Bởi vì đã có những ngày gia đình tôi gặp toàn chuyện buồn thảm. Nhưng cũng lại đã có những ngày như là được đền bù, đền bù một cách rất là hào phóng vậy. Có những ngày niềm vui ồ ạt đến, nhiều tới mức có cảm giác là ông trời chơi khăm, ông găm giữ chúng ở một chỗ, rồi ông mở tung cánh cửa cho chúng ồ ạt xô tới nhà tôi.
Hôm nay là ngày như thế. Bà nội, bà ngoại chúng tôi đang lệt bệt ốm yếu bỗng thấy tỉnh táo và khoan khoái khác thường. Dễ đã đến hai năm nay bà mới được cái sung sướng là thấy bao nhiêu bệnh tật bay biến đi hết, người bà không còn mệt mỏi, đau đớn, bà tênh tênh nhẹ nhõm như hồi bà chưa ốm vậy. Bà trở dậy, xếp dọn giường chiếu. Rồi bà nướng bồ kếp, bẻ vụn ra, đổ nước phích vào ngâm. Chiều, bà gội đầu cho bà, cho cái Thảm. Bà bảo từ nay bà khỏe, mỗi tuần bà sẽ gội một lần cho cháu gái bà. Gội đầu bồ kếp vừa thơm tóc vừa sạch đầu. Cả đêm ba bà cháu trò chuyện vui vẻ. Hôm sau là chủ nhật, là một ngày thu mát dịu. Không khí thu gợi cảm hứng sâu xa lòng người nên bà tôi vừa nêu ý kiến lên thăm vườn rau trên khu đồi hoang cũng là lên viếng mộ con mèo Mí bị lão Hứng giết hại, chúng tôi hưởng ứng và chuẩn bị ngay.
Sắp đi thì gờn gợn một chút khó chịu, ấy là vì, khi ra sân, chúng tôi chứng kiến một cuộc xô xát khá thê thảm ở nhà cô Đại Bàng. Con Vành Khuyên bị con chị cào xé rách cả áo và toạc cả mặt, chạy ra sân, quay mặt vào rủa xả con chị và dọa sẽ đốt phá tan tành của cải của cả "cái gia đình đốn mạt này".
Tuy nhiên khung cảnh phóng khoáng và hơi thu mát rượi trên khu đồi hoang đã xua tan ngay làn khói đen u ám nọ vừa vương vào cảm giác chúng tôi. Bà đi từng bước ngắn, thong thả. Cái Thảm dắt tay bà. Chân nó nhảy tâng tâng. Lên đến đỉnh đồi, nó buông tay bà, rúc vào bụi đom đóm, rúc rích: Đố bà tìm thấy cháu!
Khu đồi như một cái mai rùa chẳng còn hoang rậm như ngày bà mới lên khai phá. Đỉnh đồi, đứng uy nghi một cây cột điện cao thế, trông như hình một hiệp sĩ khổng lồ đứng chạng chân ở thế vő xuống tấn. Đó là cây cột điện đón dòng điện từ Hòa Bình về nay mai. Ven đồi, nơi đất mùn chảy theo dòng nước mưa tích tụ lại, theo gương bà tôi, nhiều gia đình trong phường đã tới cuốc đất, gieo trồng rau đậu. Mảnh vườn của bà tôi từ ngày bà tôi ốm vẫn được tôi và em Thảm chăm sóc, sinh sôi. Hàng rào cây sắn xung quanh đã xanh rì ngọn lá. Bốn luống ngải lên đều, lá chẽ đều tăm tắp. Một luống cải thìa vừa nở. Những ngọn mồng tơi vươn lên rèo đeo những chùm quả tím mọng bồ quân. Một luống rau đay rậm rà, xám đặc quả để làm giống.
Thắp mấy nén hương lên mộ con mèo Mí ở góc vườn xong, bà ngồi xuống một mô đất lợp cỏ êm mướt. Tôi cuốc lại mấy luống rau giền đỏ đã hết vụ, để sửa soạn cấy cải thìa.
Cái Thảm từ đâu chạy về. Nó giấu hai tay ở phía sau. Đến trước bà, mặt nó tưng bừng và có phần bẽn lẽn. "Cháu biếu bà". Cùng với câu nói, nó đưa hai bàn tay giấu ở sau lưng ra phía trước. ại! Một bó hoa mào gà. Những bông hoa mộc mạc tia tía, tim tím, hồng hồng rung rinh. Bà sung sướng nhận bó hoa ôm vào ngực âu yếm nhìn cái Thảm, nhìn tôi. Bà có vẻ hài lòng về chúng tôi. Đó có lẽ là những giây phút hạnh phúc cực điểm của bà. ôi, bà yêu dấu của chúng cháu. Chúng cháu mừng vui quá sau bao ngày bà bị căn bệnh giam cầm trong căn buồng chật hẹp và tâm trạng lo buồn, nay bà trở về giữa thiên nhiên trong lành thoáng đãng, với chúng cháu đây, những đứa cháu lớn lên trong sự chăm sóc của bà, biết làm vui lòng bà.
Tuy nhiên, giữa đỉnh điểm của niềm vui, tôi vẫn chạnh lòng vì nhìn thoáng thấy một nỗi bơ vơ giữa mênh mông. Nhất là khi ngước lên trời, tôi nhìn thấy một đàn vạc xếp hình chữ V mềm mại, bị gió xiêu giạt đội hình, vẫy vẫy những đôi cánh bé nhỏ, cố nhoai lên giữa đại dương không khí, hướng về phía nam trong cuộc di trú thường niên khi mùa đông sắp về.
Trở về với bà lần thứ hai, trong tay cái Thảm là nắm lá ngải xanh. Nó xáp lại cạnh bà, nhẹ nhàng nhấc vành khăn đội đầu của bà, trải nắm lá ngải lên tóc bà và đặt vành khăn trở lại như cũ.
- Bà thấy bớt đau đầu chưa, bà?
- Có... Có...
- Thật chứ, bà?
- Tay cháu bà là tay cô tiên mà.
- Tay bà mới là tay bà tiên. - Cái Thảm sà vào lòng bà. - Bà là bà tiên có phải không bà? Bà là cô tiên đánh vỡ chén ngọc...
Nó ngước lên trời xanh, ngập ngừng nhắc lại câu chuyện đã có lần bà kể, rồi đột nhiên lắc tay bà:
- Sao bà khóc hả bà?
- à, bà nghĩ đến mẹ cháu, mẹ anh Duy.
- Mẹ cháu với mẹ anh Duy sắp về đấy, bà ạ.
- Ai bảo cháu thế?
- Cháu ngủ mê thấy thế mà. Mẹ cháu bế cháu lên, nói: "Mẹ nghe tiếng gà gáy gọi, nghe tiếng con, tiếng bà gọi".
Bà đưa khăn tay lên chấm kẽ mắt. Chấm mãi kẽ mắt vẫn không khô.
Giấc mơ của cái Thảm đã dự báo đúng. Kỳ lạ thế! Sự thực là mẹ nó vẫn thường ngày lắng nghe và đáp lại tiếng gọi thầm đầy nhớ thương của nó, mặc dù có kẻ đã táng tận lương tâm ra sức ngăn chặn, chia cắt mối liên hệ ruột thịt giữa mẹ nó và nó.
Khi chúng tôi còn đang lao động và vui chơi bên bà trong vườn ngải trên khu đồi hoang thì có một người bưu tá đến nhà tôi. Thấy cửa nhà khóa trái, người bưu tá già quay ra định đi thì thấy một người bộ đội mang quân hàm thiếu tá vận tải, đeo ba lô bước vào sân. Người bộ đội có gương mặt vuông vức rắn rỏi, trên vầng trán có ba nếp nhăn và hai nét vạt sâu ở bên mép, ẩn chứa nỗi niềm sâu kín, trông nhang nhác ảnh ông tôi đặt trên bàn thờ.
- Bác để tôi nhận hộ lá thư ấy cho. Người bộ đội đặt ba-lô xuống, nói.
Người bưu tá nhìn ông, nghi ngại.
- Tôi là bố cháu Duy ở gia đình này.
- Nếu thực thế thì được. Kèm thư có cả giấy mời lĩnh tiền đây. Khốn nạn cái thằng cha Luông, nó làm chủ tịch giàu nứt đố đổ vách, còn thèm cái kẹo trẻ con, làm mang tiếng cả ngành bưu điện chúng tôi! Tôi biết thằng này tuổi ngựa, mệnh hỏa, bần tiện lắm. Mấy năm trời nay nó chẳng những ăn chặn tiền của bà con, mất cả lòng tin của
dân với ngành chúng tôi, lại còn ỷ thế cầm quyền, chà đạp lên quyền tự do thư tín, vu vạ dựng chuyện, làm rối loạn cả kỷ cương xã hội. Anh cầm thư và đưa tận tay bà cụ hộ tôi nhé.
- Cám ơn bác.
Người bộ đội bóc lá thư ra, đọc: Miền Nam, ngày...
Mẹ kính yêu muôn vàn lần của con, Con yêu quý của mẹ. Cháu yêu quý của cô, Thưa mẹ, Lần này là lần thứ 100 con cúi đầu xin mẹ tha tội cho con. Con có tội lớn mà chỉ có lòng mẹ lớn lao cao cả mới tha thứ được. Con viết vậy mà lòng vẫn xót xa, vì thư đi đã 99 lá mà không hồi âm tiếng mẹ. Con biết là con đã lạm dụng tình thương yêu, lòng vị tha vô cùng của mẹ, và con đã trót nông nổi gây nên lầm lỡ thì con cũng phải cắn răng chịu quở trách của mẹ, của chính lương tâm con. Con đã làm tủi hổ mẹ thì con phải chuộc lại lỗi lầm để báo đền công lao trời biển và đạo đức cao đẹp của mẹ.
Mẹ ơi, để lại đứa con tội nghiệp bé bỏng của con trên tay mẹ hôm ấy, ruột con đau như cắt vì thấy mình là kẻ vô cùng nhẫn tâm, nhưng con hiểu là mẹ đã sẵn sàng gánh chịu lỗi lầm cho con, chỉ mong con đừng tiếp tục làm buồn khổ thêm.
Từ biệt mẹ hôm ấy thực tình con đã không trở lại cái nông trường mà từ đấy con đã ra đi - nơi để lại cho con bao dấu vết ê chề, đau buồn. Phải đi xa. Phải lập được sự nghiệp thì hãy quay về với mẹ, với cháu. Bằng không thì... Con đã nghĩ vậy. Và con, trong túi chỉ còn vừa đủ tiền tàu xe, đã nhằm về phương nam, vùng đất mới của Tổ quốc, tìm nơi lập nghiệp. Con nghĩ, đó cũng là mong muốn của mẹ. Dòng họ nhà ta xưa nay chưa hề biết thối chí -cái cá tính kiên cường ấy có cội nguồn
dân tộc và xứ sở, cũng từ mẹ đã truyền lại cho con, con phải noi theo.
Buồn cái, ngay sau đó, một trận ốm kéo dài gần một năm đã khiến con tê liệt cả thân thể và ý chí. Nhưng con đã gượng dậy, tập tành và khôi phục lại sức mạnh cùng nghị lực. Bây giờ, đã bảy năm trôi qua rồi, bảy năm ở vùng biển con trồng cói, biển rút ra xa gần một cây số và người ta đắp một con đê, giành lại từ biển được hơn một ngàn héc-ta đất gieo trồng. Bảy năm, sa bồi liền thổ, mặn chua được thau rửa, đất thành đất ngọt. Còn con, bảy năm khắc khoải một câu hỏi dằn vặt: Mi đã nên người chưa? Mặc dầu con biết lỗi lầm ấy bây giờ đã được nhìn nhận khác xưa nhiều.
Nay thì như tính cách của mẹ đấy, con dám quả quyết là con đã xứng đáng là con của mẹ, mẹ của con gái và là cô của cháu Duy. Con vẫn về với mẹ, với con con trong những giấc mơ. Và có lần mẹ có tin được không?
Con đã gặp con con rồi đấy. ại, cái con bé mà khi trao cho mẹ đến tên nó con cũng chưa đặt, nó là hiện thân của công lao tái tạo của mẹ. Con đã hôn nó, ôm nó vào lòng, rồi lại phải quay đi vì mặc cảm tội lỗi còn nặng nề.
Con đã khóc không biết bao nước mắt ân hận, nhất là từ hôm cậu Dũng đột ngột vào đây, sau khi cậu ấy tìm được anh Nguyên con ở một bệnh viện bên nước bạn. Dũng đã kể hết mọi chuyện cho con nghe. Nó là một chàng trai tài hoa và thông minh, nhưng biến hóa khôn lường vì những ngẫu hứng bất tận và bất cẩn. Đó cũng có thể là những tật xấu của những đứa con mẹ đã từng gây phiền và làm rầu lòng mẹ... và mới đây, bất ngờ con lại gặp chị Thụy... chị hiện đang ở đây.
Thư còn dài. Nhưng đọc đến những dòng ấy, ông thiếu tá chợt ngưng lại. ông nhìn thấy một bụm khói đen đặc bốc lên trên mái nhà bên cạnh. Đồng thời, ông nghe thấy tiếng hai đứa con gái la thét, nguyền rủa nhau, dưới mái nhà đặc khói ấy.
"Làm cái gì thế? Cháy nhà rồi!". ông thiếu tá đập cửa, hô hoán. Mặc, hai con quỷ cái mới lớn vẫn đang cơn say máu cào xé nhau. Chúng đã bị của cải làm cho phát điên, phát rồ. Thấy lửa đã bốc ngọn vàng vằn đỏ trên mái nhà, ông vội bám vào cái cọc giàn su su nhà tôi leo lên mái nhà, cởi áo, tụt xuống sân sau, vừa kêu cứu vừa hối hả múc nước trong bể nhà tắm dập lửa. ông đã nhảy qua lửa, vào căn buồng đang ngập khói, giội cả một thùng nước lớn vào cuộc vật lộn còn chưa phân thắng bại của hai chị em con Vàng Anh, rồi kéo chúng ra khỏi cơn hỏa hoạn và trận cắn xé cừu thù.
Thấy lửa dựng ngọn đỏ khé ở khu nhà mình, từ khu đồi hoang, tôi đã chạy ngay về.
Lửa sắp tắt, cái Thảm mới cùng bà về tới nhà.
Bà bước chầm chậm vào cái sân lác đác tàn than, vừa định than thở thì khựng lại. ông thiếu tá mặc cái may-ô, ngực trái lấp ló vết sẹo lớn bằng bàn tay quay ra:
- Mẹ!
ông kêu sung sướng và nghèn nghẹn. Và bà tôi gần như là khuỵu xuống sân:
- Nguyên đấy ư, con!
Cô Đại Bàng lật đật từ chợ chạy về, lăn lộn gào khóc trước cái cơ nghiệp bỗng chốc đã biến thành tro than. Người trong phường đến an ủi cô, thu dọn hộ cô. ông Xương, chủ tịch mới của phường và ông Vinh pháo, bí thư Đảng ủy, cũng đến. Công an lập biên bản, truy tìm thủ phạm và bắt hai chị em con Vàng Anh đi. ông Vinh và ông Xương vào thăm hỏi các gia đình xung quanh. Vào nhà tôi, hai ông đẩy cửa buồng nhà Hứng, bấy giờ mới biết là Hứng đã cuốn xéo đi từ bao giờ, căn buồng rỗng không. ông Vinh pháo gật gù: "Thằng cha này cáo già lắm. Thầy đổ, tớ vội chuồn ngay". ông Xương bình: "Nó thực hiện lời khuyên của đại ca nó: thiện, ác tùy theo sức mình đấy (!) Khốn nạn bọn cơ hội! Cứ phải nổ súng mạnh vào mới được, đại tá ạ!".
Bố tôi dìu bà tôi vào nhà, đỡ bà nằm lên giường. Quay lại, bắt tay trò chuyện với ông bí thư Đảng ủy và ông chủ tịch một lát, rồi ông bắt tay vào công việc phá tấm vách ngăn, khôi phục lại toàn bộ diện tích nhà ở sở hữu của mình. Cái Thảm như con chim nhảy tâng tâng trên vùng đất mới giành lại.
Những ngày vui lớn đã đến. Nhưng, tôi đâu có ngờ, đó lại là những ngày cuối cùng của đời bà tôi. Cái buổi lên thăm mảnh vườn ngải, mộ con mèo Mí trên khu đồi hoang, hóa ra lại là cuộc chia tay của bà tôi với thiên nhiên, cây cỏ, và khung cảnh vùng bà đã gắn bó. Dường như bà tôi đã biết trước, đã dự liệu tất cả. Dường như bà tôi đã hoàn thành hết mọi việc và chỉ còn chờ gặp bố tôi, để làm một cuộc chia tay và bàn giao cuối cùng.
Tối hôm đó, bà kêu đau đầu. Em Thảm đắp ngải cứu thêm cho bà, được một lúc bà bảo, có đỡ. Sáng hôm sau, bà nói bà đau thắt ở vùng ngực. Cơn đau đầu, đau ngực hành hạ bà hai hôm liền. Bố tôi lấy thuốc, tiêm trợ sức, trợ tim cho bà. Các cụ tổ hưu đến cùng bố tôi định đưa bà vào bệnh viện. Nhưng bà lắc đầu không đi, bà nói thác là bệnh nhẹ thôi.
Ngày thứ tư, bà nói đã đỡ nhiều rồi. Bà bảo bố tôi đỡ bà dậy để bà chải lại đầu, vấn lại khăn, thay yếm, thay áo. Đặt bà nằm xuống, bố tôi hỏi bà muốn ăn gì, bà nói pha cho bà ấm chè đặc. Ngày xưa, hồi còn làm thợ, đi làm ca đêm, để khỏi buồn ngủ, bà hay uống chè đặc lắm. Nhưng, từ ngày đời sống khó khăn, bà quên cả mùi vị chè rồi. Bố tôi xuống bếp nấu lại nước phích để pha chè cho bà, bà vẫy tôi và em Thảm lại. Sờ soạng một hồi trên đầu giường, bà tìm được một cái túi vải nâu.
- Trong này có cuốn sổ tiết kiệm bà gửi số tiền bán đôi khuyên của mẹ cháu, nhờ ăn dè, hà tiện và mọi người cưu mang nên vẫn còn chút ít vốn để phòng thân. Cháu Duy giữ lấy hộ bà. Còn cháu Thảm ơi, không biết bao giờ bà mới làm được nem, nấu được món giả cầy, măng miến... cho cháu ăn.
Tôi mếu máo, kêu:
- Bà ơi!
Bà cười:
- Sao lại khóc, cháu? Em Thảm nó có khóc đâu! Con giai phải cứng
rắn lên chứ. Cứng rắn như ông nội, như bố cháu, như chú Dũng ấy chứ.
Tôi cố gạt nước mắt.
Bố tôi đặt ấm chè trên cái ghế ở đầu giường bà. Bà bảo bố tôi ngồi xuống cạnh bà, rồi nhìn tôi, mắt ngấn lệ, nhưng giọng rất tỉnh táo:
- Bà đã chết đâu mà Duy khóc?
Bà chẳng muốn xa con, xa cháu đâu. Nhưng, nếu đã hết tuổi giời cho thì cũng đành vậy. Bà có cái ảnh to chụp hồi trước, đặt trong cái hòm gỗ cạnh cái hòm đồ nghề của bố cháu ấy. Cháu lấy ra rồi đặt lên bàn thờ. Nấu một bát cơm, luộc cho bà một quả trứng...
Bố tôi gượng gạo át lời bà: - Con biết rồi. Mẹ yên tâm. Nhưng, mẹ còn sống lâu với chúng con và các cháu. Bây giờ, sau bao nhiêu năm xa mẹ sống ngoài mặt trận, con mới về gặp được mẹ, mẹ phải sống rõ lâu, để con báo đáp công ơn mẹ chứ.
Bà gật:
- Bố Duy nói phải đấy. Thế anh kể chuyện cho mẹ nghe đi.
Bố tôi mừng quá, cúi xuống:
- Cô giáo Quyên và chồng cô ấy, mẹ còn nhớ chứ, hỏi thăm bà này. Chồng cô ấy khỏi bệnh rồi. Nhưng vợ chồng xin ở lại trong ấy công tác. Chính cô Quyên đã đến bệnh viện tìm con đấy, mẹ ạ.
- ờ! Quý hóa quá!
- Cái Quỳnh, nó vừa gửi thư cho mẹ đây! - Bố tôi rút từ túi quần sau lá thư ông nhận được hôm xảy ra vụ hỏa hoạn bên nhà cô Đại Bàng: - Nó là đứa con gái có ý chí. Tuy là cũng liều và vô tâm. Nhưng nay nó đã dám nói là nó xứng đáng với mẹ rồi. Nó cũng sắp ra thăm mẹ đấy.
Cái Thảm đón cái thư của mẹ nó từ tay bố tôi. Bà gật đầu mãn ý:
- Thôi, anh vẫn dõi theo em là mẹ yên lòng rồi.
- Còn thằng Dũng, mẹ đừng lo. Nó là đứa khá nhất trong chúng con. Đi bộ đội thì là dũng sĩ, huân chương chiến công hạng nhất. Làm địa chất thì chiến sĩ thi đua. Chính nó làm bọn sâu mọt ở phường này khiếp vía đấy mẹ ạ. Giờ, nó học Đại học Bách khoa Sài Gòn.
- Thế thì mẹ mừng.
- Nó gặp con, xin lỗi con vì có thời không nghe lời, xung khắc. Nó xin lỗi mẹ vì đã làm mẹ lo lắng.
- Anh em họ Lã chúng bay mỗi đứa mỗi tật.
- Biết làm thế nào được! - Bố tôi cười. - Mẹ đẻ ra con, cái Quỳnh, thằng Dũng. Chúng con có lỗi lầm gì, mẹ bảo ban dạy dỗ, không được thì mẹ trách, mẹ mắng, chúng con không dám cãi. Công ơn mẹ, cha, dẫu con có sống thêm một đời nữa, cũng không trả hết được, mẹ ạ.
- Không... Mẹ không trách con. Mẹ thương con, thương các con, các cháu.
Bà tôi nghiêng mặt, khe khẽ. Trong ánh chiều thu muộn, khuôn mặt bà lặng lẽ tỏa ra xung quanh một niềm ưu ái và xót thương vô hạn. Đôi mắt bà đặt một cái nhìn tĩnh tại lên gương mặt tôi. Tôi cảm nhận được nỗi lưu luyến của bà tôi và cùng với cảm giác đó, tôi nhận ra vẻ hài lòng, mãn nguyện ở ánh mắt bà.
Chợt nhận ra cái thần thái khác lạ ở bàn tay bà đang nằm yên bỗng như run rẩy kiếm tìm chỗ dựa, bố tôi vội nắm lấy tay bà. Bà oằn người, trở lại thế nằm thẳng, thăng bằng. Trán hơi dốc về phía trên bỗng xuất hiện những chấm mồ hôi lạnh, bà co khẽ đôi tay đặt lên hai vạt áo màu cánh sen mới thay. Và mặt bà bỗng như thu khép lại, thiu thiu ngủ.
- Mẹ...
Bố tôi lay khe khẽ tay bà. Bà he hé mắt như chợt tỉnh. Lướt qua mặt tôi, em Thảm và bố tôi một ánh nhìn vĩnh biệt.
- Mẹ ơi
- Bà ơi
- Đừng khóc...
Bà mấp máy môi khó nhọc. Cằm bà như có một cơn co rút mạnh. Bố tôi cúi xuống, hai mắt nặng nước. Và nhận ra tay bà vừa đưa lên chạm vào vết sẹo ở ngực mình, bố tôi đỡ vội tay bà. Tay bà lạnh dần.
- Mẹ ơi Mẹ tha lỗi cho chúng con. Cảm thấy hết sức rõ ràng là phút lâm chung của bà đã tới, bố tôi bật lên nức nở, rồi vừa lặp lại câu trên như một lời sám hối, vừa quỳ xuống cạnh giường bà.
- Mẹ ơi mẹ tha lỗi cho chúng con. Rồi bỗng sực nhớ, ông như vùng vẫy trong cơn mê hoảng, thống thiết:
- Mẹ ơi... con xin mẹ một điều...
Mẹ cho phép con đổi tên cho cháu Thảm. Nhờ mẹ, đời nó đã qua đoạn thảm thê...
Bố tôi gục bên mép giường. Bà tôi ngáp khẽ một cái, rồi đi. Xung quanh tôi là một khoảng không hoang vắng.
°

*

Cuối cùng, sau ba năm táng tại nghĩa trang thành phố, bà tôi đã trở về yên nghỉ cạnh ông tôi, trong nghĩa trang Yên Kỳ. Tôi đã nói cho bố tôi biết lời căn dặn đó của bà. Và bố tôi đã không tiếc công sức, tiền của để thực hiện nguyện vọng ấy của bà, cũng như bố tôi đặt bát hương, làm lễ tứ cửu bà ở tận chùa làng trong quê, để bà trở thành vãi làng.
Trở về nằm cạnh ông tôi, tất cả hình hài bà tôi giờ đây thu gọn trong một cái tiểu sành con con, nắp đậy là hai viên gạch xi măng nặng. Bố tôi đã nâng niu, gìn giữ cẩn trọng cái tiểu đựng hài cốt bà suốt dọc đường ô-tô lên tới đây. Bố tôi đã cùng với một người công nhân chuyên nghề của công ty nghĩa trang sửa sang huyệt và làm toàn bộ công việc cải táng cho bà tôi. Y như hôm bà tôi mất, ông khóc vật vã một hồi, rồi lau nước mắt, đứng dậy, cắt đặt, lo toan mọi việc. ông đi báo ủy ban, công an, các cụ tổ hưu, điện cho cô Quỳnh, chú Dũng, vợ chồng cô Quyên cùng những người thân, trở về ông phát tang, chia khăn cho tôi và em Thảm. Rồi tự tay bố tôi liệm bà tôi, với những động tác hết sức gọn ghẽ và hai mắt đỏ hoe. Đó là một đám tang đông người tới chịu tang và chia buồn nhất ở phường tôi. Cô Quỳnh, chú Dũng tôi ra kịp ngày. Cả người con nuôi của bà ở Sa Pa cũng về kịp. Nhiều người chịu ơn bà về viếng bà nhưng tôi không nhớ được vì lúc ấy thật bối rối và buồn đau.
Bố tôi nhè nhẹ đặt bà xuống huyệt. ông không cầm được nước mắt. Bà chúng tôi, giờ đây chỉ còn là một nắm xương khô.
Tôi và em gái tôi đắp mộ cho bà. Em gái tôi đã được cấp giấy khai sinh, tên Thảm đổi là Thắm. Thắm đi hái hoa mào gà đặt lên mộ bà. Rồi bố tôi bày đồ cúng thắp hương. Sau bao nhiêu năm sống trong dông, bão khốc liệt của chiến tranh, bố tôi vẫn còn nhớ tất cả các bài khấn vong linh tổ tiên mà bà tôi đã dạy. Tiếng bố tôi thầm thì trong hương khói dật dờ.
Tôi đã khóc khi ấy. Kỷ niệm hôm nào hai bà cháu đi viếng mộ ông cũng tại nơi đây lần lượt diễu qua trí nhớ tôi, dịu dàng và thiết tha quá. Cái đòi hỏi da diết của tôi ngày ấy là bà sẽ sống mãi với tôi, cuối cùng chỉ là ao ước. Nhưng bà ơi, vắng bà rồi, mà cháu vẫn có bà. ơn bà mãi mãi cháu để hai vai. Bà nhịn cho chúng cháu ăn. Bà lạnh cho chúng cháu ấm. Bà bế bồng, dìu dắt chúng cháu đi qua những năm tháng cách trở, lọc lừa, phản trắc, bất công. Bà đưa chúng cháu qua nơi hỗn độn đến sự an bằng. Có mẹ, có cha mà hóa ra côi cút, bao oan khổ, đắng cay, thiệt thòi của chúng cháu đều được bà san lấp, đền bù, an ủi. Những đau tủi, buồn khổ của tuổi ấu thơ đơn côi giữa cảnh đời, nhờ có bà, đã được gột rửa khỏi tâm hồn. Nhờ bà, chúng cháu bước qua vùng tủi hổ, đến với hy vọng và tin yêu. Bà là sự nhẫn nhịn, là lòng hỉ xả, là tuyết sạch giá trong, là tình thương, là lẽ phải, là sự cứng cỏi, kiên trinh. Bà là cổ tích. Bà là bà mụ đỡ nâng trong linh hồn chúng cháu. Bà là Phật bà. Hay chính bà là cô tiên giáng trần đã che chở cưu mang chúng cháu bằng tình thương yêu và các phép màu huyền nhiệm, thần kỳ!
Trí nhớ của tôi lần lượt trỗi dậy những ảnh hình, cử chỉ, âm thanh tươi nguyên màu sống động. Tôi nhớ đến câu chuyện huyền tưởng của chú Dũng tôi. Cuộc gặp gỡ tổ tiên dưới hầm sâu địa chất ấy chẳng phải chỉ là một sản phẩm tinh thần đẹp đẽ của một tâm hồn lãng mạn, phóng đạt của chú tôi. Nó còn là sự thật. Bà tôi lúc này đã về với ông
tôi, tổ tiên tôi, cư trú ở cái vùng âm thế dành cho những người lương thiện và có công tích. Cách trở âm dương mà tôi vẫn gần gụi với bà, với ông tôi và những người đã khuất.
Bà đã gắn bó tôi với huyết mạch, cội nguồn. ại, cái cội nguồn của tôi. Đó là một dòng chảy dồi dào mãnh liệt. Là trùng trùng lớp lớp những con người mạnh mẽ, có thể có tật này tật nọ, nhưng luôn luôn bất khuất, kiên trung. Kẻ thù, lũ gian manh muốn giết họ chỉ có cách là bắn, đâm, đánh vào nơi họ để trái tim. ý nghĩ như là muốn khái quát ấy đưa tôi trở về với bố tôi và vết sẹo lớn trên ngực ông.
Tôi gắn bó với bố tôi trong tư cách một người con trai đã lớn. Lớn rồi, bỗng ít nói hẳn đi. Bố tôi càng ít nói hơn. Nỗi buồn về sự lầm lỡ của mẹ tôi đè nặng tâm hồn ông. Thành ra, chưa bao giờ và có lẽ chẳng bao giờ tôi có dịp nghe ông kể, nhưng nhìn vết sẹo trên ngực ông, tôi tin rằng ông chính là người trung úy lái xe tài giỏi, dũng cảm, đã vượt qua cái chết vô cùng thần kỳ nọ.
Gió lập lòe những chấm hương em Thắm cắm ở những ngôi mộ láng giềng ông, bà tôi. Hương khói vật vờ một cảm xúc xa vắng. Những mộ chí xa gần lấm chấm trắng như bọt biển rập rờn trên khúc biến ảo của một lượn sóng đất đang dâng lên cao mãi, cao mãi. Và chơi vơi trên thiên đỉnh một tiếng gọi giục giã mơ hồ, mê ảo. Mênh mang trong lòng tôi một ước muốn thiết tha, giữa cõi đời thực còn bồn ngộn, ngổn ngang này.
Tiếng khóc của một phụ nữ đưa tôi trở lại với vầng nắng thu vàng thắm trên mộ bà. Người phụ nữ đang ngồi ôm mặt khóc ở cuối mộ bà tôi chính là mẹ tôi. Mẹ tôi đã trở về.
Trong khung ảnh treo trên tường, ba tấm ảnh mẹ tôi bóc đi ngày ấy, đã được dán lại, đúng dấu cũ. Nhìn nó, tưởng như xưa rày chưa hề có sự xê dịch, đổi thay nào. Tưởng như cuộc sống vốn là bằng lặng. Bằng lặng như hôm mẹ tôi về, cũng một chiều mưa, với cái mảnh ni-lông xanh, bước vào nhà, không một ai cất nổi một tiếng
nói. Mẹ tôi đã về! Hơi muộn. Nhưng đúng như dự đoán của bà tôi! Cuối cùng mẹ tôi đã trở về, sau bao nhiêu ngộ nhận, lầm lạc, sau những cơn trầm uất vì ân hận, vò xé nội tâm.
Chuyện của mẹ tôi, cũng như của bố tôi, dài lắm, kể ra đây không đúng chỗ. Nhưng có thể tóm tắt thế này: bà đã đuổi theo một cái bong bóng, vì quẫn trí, mê lú. Sớm nhận ra lỗi lầm, bà liền từ bỏ ảo ảnh, trốn nó và đi tìm bố tôi. Đó là một hành trình đau xé. Cùng với sự cắn rứt là nỗi tự thú biểu hiện bằng việc hàng mấy năm bà vẫn đều đặn gửi tiền về cho bà tôi. Mẹ tôi đã được chấp nhận trở lại mái nhà xưa.
Tuy thế, cho tới hôm nay mẹ tôi vẫn như là một kẻ ngoài cuộc. Trong nhà, bà chỉ nói chuyện được với cái Thắm. Sắp tới, cái Thắm sẽ theo mẹ Quỳnh nó vào nông trường ở Kiên Giang, bà sẽ buồn lắm. Trong việc cải táng cho bà tôi, bà như một người thừa. Bà tự thấy không xứng đáng được thắp hương và khấn vái bà tôi, tuy tôi đã mấy lần bắt gặp bà một mình thầm lén thắp hương xin bà tôi xá tội. Bây giờ, bà ngồi ôm mặt, lặng lẽ khóc.
Bố tôi, khuôn mặt già xọp, khổ ải, trán hằn ba vết nhăn sâu hoắm, sau một hồi đứng lặng ngắm thế đất hùng vĩ, cao ráo bà tôi nằm, quay lại, nhặt cái cuốc, nhìn mẹ tôi, khe khẽ, giọng thăm thẳm:
- Về thôi, Thụy!
Lần đầu tiên bố tôi gọi tên mẹ tôi, kể từ ngày mẹ tôi trở về. Nghe tiếng gọi ấy, mẹ tôi hấp tấp đứng dậy, xách cái làn đựng phần lộc sau cúng bà, vội vã đi theo bố tôi, tôi và em Thắm.
Hà Nội, 1988

Xem Tiếp: ----