Chương 16
HAI ANH EM

Trên địa hình này có nhiều nhánh sông, không biết từ đâu chảy lại. Mặt nước cứ phẳng lặng. Có khi bắt gặp một cây cầu gỗ nhỏ hẹp, lát ván sàn. Có khi là chiếc cầu khỉ chông chênh.
Trong lùm cây dường như có tổ chim. Đang câu chợt nghe tiếng chim non kêu trong khóm lá.
-Anh Hai ơi! Hình như có tổ chim ở trên đầu em đó.
Huy vạch lá, tìm nhưng không thấy gì. Sông nước trở lại yên lặng. Một lúc tiếng chim lại kêu.
-Anh có nghe thấy không? Đó là tiếng chim gì vậy?
Quỳnh Vi ném cần câu xuống cỏ. Bãi cỏ mịn, tươi tốt vì hồi trước nó là một phần của sân golf. Vi nằm ngửa nhìn trời. Trời  chỉ hẹp như một mái vòm nhà thờ, có mây bay sau những tán lá xanh sẫm màu. Tiếng chim lại được ném vào tĩnh mịch, đơn lẻ như giọt nước rơi từ kẽ lá. Tiếng chim rụt rè, thơ dại và khép nép như một dấu hỏi.
Quỳnh Vi lắng nghe và tưởng tượng hình dáng con chim ấy. Có lẽ nó nhỏ xíu như một lóng tay. Vi đã từng nhìn thấy một con chim bé bỏng như vậy. Nó màu nâu nhạt, nó chỉ to bằng một trái ô-liu, nhảy lanh chanh giữa những kẽ lá tìm nhặt những con sâu. Đó là một cõi thanh bình, đầy màu xanh với nhiều sắc độ khác nhau. Những lá ở phía ngoài thì ửng sáng xanh non, càng vào trong lá càng sậm màu, nhưng tất cả đều rõ nét, thấy cả những gân lá, những lông tơ trên bề mặt của lá. Nhưng những con sâu thì vô hình. Có lẽ chúng chỉ nhỏ như một cọng tăm, ẩn đâu đó, không thấy được, nhưng con chim sâu thì thấy. Và chỉ một mình nó. Nó là loài chim đơn độc. Bé nhỏ như vậy mà lại rất đơn độc. Lần nào gặp nó, cũng thấy nó đơn độc, vô cùng mỏng manh giữa thiên nhiên rộng lớn. Sao nó không có bạn? Sao nó không có mẹ?
-Anh Huy ơi, sao con chim sâu nó cứ sống một mình vậy? Sao nó không có mẹ?
Huy cũng nằm xuống trên cỏ. Anh cũng nhìn thấy con chim rồi nhưng anh không biết trả lời sao. Vi nói:
-Em cũng không có mẹ.
-Anh biết mà, Còn anh thì có mẹ nhưng cũng như không có mẹ. Mẹ anh thường bỏ nhà đi hoài.
-Vì sao?
-Mẹ không thương ba anh. Hai người không nói chuyện với nhau.
-Nhưng vì sao?
-Bà ấy tệ lắm. Em có biết ngoại tình là gì không?
-Là gì?
-Thôi. Em không biết thì thôi.
-Cũng có thể là em biết. Một cách mơ hồ. Nhưng em biết nỗi khổ của anh thì rất sâu sắc. Bởi vì hoàn cảnh của em cũng gần như vậy. Mẹ em cũng ra đi rồi. Rất may là em có bà nội và nhất là ông nội em. Ông nội em nói kiếp trước em và ông từng là người ruột thịt. Như một tiền định.
-Tiền định? Tiền định như thế nào?
-Mẹ em sinh em ở bệnh viện được bảy ngày thì bế em đi thẳng về nhà ông nội. Lúc ấy ông nội không biết mẹ em là ai. Mẹ em nói:
“Đây là con của anh Duy.”
“Vậy sao?”
“Dạ thưa, phải. Tức là cháu nội của bác.”
“Còn cháu. Cháu là ai?”
“Là mẹ của bé.”
“Cháu tên gì?”
“Tên Mỹ Mỹ.”
Ông nội chưa tin, nhưng cũng không giận. Mẹ em nói: lúc đó ông nội có vẻ thích lắm vì  mỗi lần ông nội đến gần là em cười. Như thể muốn làm quen.
Ông nội bảo mẹ em sửa soạn chỗ nằm cho em. Mẹ em rất bối rối, còn em thì nằm trên hai cánh tay ông nội. Hoàn toàn phó thác. Hoàn toàn tin cậy. Ông nội đã đón nhận em không chút do dự.
Mẹ em bảo có kẻ khuyên ông nội nên cho em xét nghiệm ADN nhưng ông không cần. Vì ông nội đã nhận ra em từ kiếp nào rồi. Lúc đó giữa hai người chưa có ngôn ngữ. Chưa có cử chỉ. Không giao tiếp bằng mắt. Chỉ bế trên tay mà tâm hồn hai ông cháu đã hòa nhập làm một.
Mẹ bảo: bảy tháng sau, khi em biết ngồi thì bà ngoại tìm đến. Nhưng cho đến giờ em vẫn không có ý niệm gì về bà ngoại vì hai bà cháu chỉ gặp nhau mỗi lần đó. Mười mấy năm nay em chỉ sống với ông bà nội. Và ba em. Nhưng tiếng đầu tiên em gọi, không phải là “ba” mà là “ông”.
Ông nội dạy em nói: “Ông nội. Ông nội.” Nhưng không được. Tập suốt một tuần cũng chỉ: “Ông. Ông.” 
Và như thế cũng quá đủ.
 
&
 
Ngày nọ, điều bất thường đã xảy ra khi ông nội đi làm về.
Các phòng đều đóng cửa. Bên trong chỉ có bóng tối. Ông nội gọi điện cho Ba em:
“Sao không có ai ở nhà vậy?”
“Nó ẵm con đi mất rồi.”
“Đi đâu?”
“Không biết. Không nói gì cả, cũng không viết thư để lại.”
“Chắc nó bế con về ngoại chớ gì?”
“Không biết.”
“Thế con có biết nhà bà ngoại nó ở đâu không?”
“Không.”
 “Trời ơi. Chẳng lẽ mất con nhỏ sao? Hãy cho ba một cái địa chỉ nào đó chứ. Nhà của chị nó, dì nó, hay bạn của nó chẳng hạn…”
Ba em cho ông nội một cái địa chỉ của bạn mẹ em ở Bình Thạnh. Ông nội vứt hành lý ngay cầu thang, lấy xe đi liền. Tới nơi thấy một cô gái trạc tuổi Mẹ em, thò đầu ra lan can:
 “Lâu lắm rồi Mỹ Mỹ không đến đây. Nhưng có chuyện gì vậy, bác?”
“Mỹ Mỹ nó bế con đi đâu mấy ngày nay. Theo cháu thì nó đi đâu?”
“Cháu không biết. Hay là bác lên Bàn Cờ gặp Út Vân thử coi. Hai đứa nó thân nhau lắm.”
Ông nội đi vòng vòng khu Bàn Cờ. Hỏi địa chỉ của Út Vân, không ai biết.
Suốt buổi chiều ông nội ngồi thẫn thờ trên võng. Bụng đói nhưng không ăn được. Ba em nói:
“Ba đừng lo. Thế nào nó cũng ẵm con về.”
“Sao mày biết?”
“Vì tiền đâu nó nuôi nổi con nhỏ?”
Mười ngày trôi qua mà không có tin tức gì. Ông nội cứ lẩn quẩn quanh chiếc điện thoại. Giống hệt một vụ bắt cóc. Nhưng không thể đi báo công an được vì Mẹ em đẻ em ra mà. Không thể nói đây là một vụ bắt cóc.
Đến ngày thứ mười lăm thì một giọng nói ngọt ngào vang lên trong điện thoại:
“Chào ông nội. Ông nội khỏe không?”
“Khỏe hay không thì con thừa biết. Bao giờ hai mẹ con về?”
“Con muốn về lắm. Nhưng ông bà ngoại của bé không cho. Ông nội ơi. Gia đình con nghèo thật nhưng mẹ thì phải nuôi con thôi, con không thể xa con của con được đâu.”
Ông nội bảo ông chấp nhận mẹ làm con dâu và gọi mẹ về nhưng mẹ không chịu. Mẹ ghét Ba. Ba cũng thế.
“Nhưng con phải đem bé về đây chứ. Gia đình bác có điều kiện nuôi dạy bé tốt hơn nhiều.”
“Vậy thì để con hỏi lại ba mẹ con đã.”
Rồi Mẹ cúp máy. Như ông thần đèn vừa hiện ra bỗng biến mất giữa thinh không, có trời mà biết ông ta đi đâu.
Ba ngày sau thần đèn lại hiện ra:
“Ông nội ơi! Ông ngoại của bé muốn mời ông nội lên nhà chơi.”
Chỉ trong một phần ngàn giây ông nội đã có mặt ở đó. Một cái cầu thang hẹp và tối. Những bậc cấp xi măng nham nhở dẫn đến một căn phòng lù mù, âm u và ẩm mốc. Ngọn đèn duy nhất chỉ to bằng quả bóng bàn treo lơ lửng giữa nhà. Một người đàn ông ốm nhom nhe răng cười với ông nội và mời ông ngồi xuống cái ghế gỗ ọp ẹp. Nhưng ông không ngồi. Ông hỏi:
“Bé Vi đâu?”
Ngay lúc ấy có tiếng sột soạt, và tiếng thở sụt sịt vì nghẹt mũi từ trong xó tối. Ông nội bước đến và nhận ra cháu nội đang ngồi im thin thít. Ông nội bế em lên, và đẩy cánh cửa sổ.
Em nhìn ông nội, không chớp mắt. Rồi bỗng nhiên em đưa ngón tay chỉ vào trán ông nội. Em gọi:
“Ông nội!”
Cuối cùng thì em đã gặp ông nội. Và cuối cùng thì em đã phát âm được tiếng “nội” mà trước đây không tài nào nói được.
Em nhìn ông nội khóc. Những giọt nước mắt đang ứa ra, lăn xuống má. Ông nội kể rằng có lẽ lúc ấy em tưởng đó là những hạt thủy tinh nên dùng hai ngón tay mà bốc. Những giọt nước mắt cứ vỡ ra, không bắt được, không giữ được.
Trong ánh nắng xế vừa hắt vào từ cửa sổ, mặt em tái mét, ủ rũ.
Ngoại em đặt một ly nước trước mặt ông nội. Rồi ông cứ lục đục làm cái gì đó trong toa lét. Ông nội nói:
“Anh à. Tôi thấy anh sống thế này mà phải lo cho một đứa nhỏ thật là khổ. Nhà tôi có điều kiện tốt hơn. Anh để cho tôi nuôi cháu đi.”
Ngoại cười:
 “Không được. Phải hỏi ý kiến mẹ nó.”
“Vậy Mỹ Mỹ đâu?”
“Tôi không biết. Có khi nửa đêm nó mới về. Có khi gần sáng. Có khi bốn năm ngày nó mới về một lần.”
“Thế thì ai cho bé bú? Thay tã? Tắm rửa?”
Ông nội thấy ngứa ngáy, liền đưa chân ra ngoài sáng, thì thấy lông chó bám đầy. Tay chân của em cũng đầy lông chó.
“Anh nuôi chó sao?”
“Để giữ nhà.”
“Trời ơi! Thế này thì không xong rồi. Anh cho tôi mượn cái chổi.”
Ông nội mở thêm một cánh cửa sổ nữa, cởi áo và quần dài. Ông quét nhà, lau nhà, lau bàn ghế, chùi cầu tiêu, xếp quần áo, rửa chén bát…
Ông nội không muốn rời em. Nhưng ông cũng không thể ở lại đấy mãi được. Đến tối, ông ru em ngủ rồi lén về. Cuộc đàm phán chưa mang lại kết quả nào.
Từ đó mỗi ngày ông nội từ Sài Gòn lên Chợ Lớn ba lần: sáng, trưa, tối. Ông đi như đi thăm nuôi ở trại cải tạo. Sáng dậy sớm, xách giỏ đồ lên thăm cháu một lúc rồi vội vàng đến sở làm. Trưa mua cái bánh mì, vừa chạy xe vừa ăn. Vượt mười cây số đường phố kẹt xe, toát mồ hôi. Lại quay về sở làm lúc hai giờ. Chiều tan sở, thong thả hơn, ở chơi với cháu nội lâu hơn.
Ông nội kể rằng lúc đó em được tám tháng tuổi và không có nụ cười. Từ một thế giới đẹp đẽ, sáng sủa, nhiều đồ chơi, bỗng rớt vào cái xó tối mù mịt. Sống chung với một lão già và một con chó.
Ông nội tự nhiên biến mất. Mẹ cũng biến mất. Ba cũng biến mất. Lạy Chúa! Một đứa hài nhi mong manh làm sao có thể chịu đựng nổi sự thay đổi đột ngột và tàn nhẫn như vậy?
Một tuần sau Mẹ em gọi ông nội và nói rằng bà ngoại muốn mượn ông nội một ngàn đô la để trang trải nợ nần. Ông nội đồng ý ngay lập tức và hẹn ngày chồng tiền. Ba em phản đối. Ba giựt cái điện thoại và hét lên:
“Cô muốn tống tiền hả? Giữ lấy mà nuôi đi! Dám không?”
Tiếng Mẹ em ở bên kia đầu dây:
“Dại gì nuôi. Ngay ngày mai tui đem thảy vô viện mồ côi.”
Ông nội hốt hoảng. giằng lấy cái điện thoại:
“Bác lạy con! Bác sẽ đem tiền đến trong vòng ba mươi phút.”
Chưa tới ba mươi phút ông nội đã đứng ngay đầu cầu thang rồi. Nhưng căn phòng trống trơn. Chỉ có con chó nhỏ ra đón ông. Nó cũng chẳng thèm sủa. Chỉ ngửi ngửi cái chân ông rồi bỏ đi, lẩn mất trong xó tối.
 
&
 
Sáng hôm sau ông nội nhận được một cú điện thoại, không phải của Mẹ em mà là của bà ngoại.
“Chào anh sui. Anh khỏe không?”
“Bé Vi đâu? Tôi có tiền cho chị đây.”
“Trời ơi. Anh làm như tôi là kẻ tống tiền. Tôi chỉ mượn anh thôi, Rồi tôi sẽ trả.”
“Nhưng sao tôi đến nhà, không gặp ai cả?”
“Thằng con anh nó ăn nói bậy bạ quá. Tôi chỉ muốn dạy nó một bài học thôi.”
“Cám ơn chị. Bây giờ gặp chị ở đâu?”
“Anh cứ đến vườn Tao Đàn, chỗ có cầu tuột. Mỹ Mỹ đang chơi với bé Vi ở đó.”
Từ đó đến nay em không gặp mẹ em nữa. Hình như mẹ đã đi định cư ở nước ngoài.