Quỳnh Vi khóc. Những đứa trẻ thường khóc vì tội lỗi của người lớn. Hàng ngày, trên mặt đất này có bao nhiêu đứa trẻ đã khóc như thế? Những đứa trẻ mới sinh ra đã không có sữa bú. Những đứa trẻ trần truồng lạc mất mẹ trong chiến tranh. Những đứa trẻ da đen ngụp lặn trong bùn lầy để tìm mấy con nhái. Những đứa trẻ mồ côi ngồi khóc trên vỉa hè. Tôi đã nhìn thấy hình ảnh một cậu bé da đen ốm nhom như con khỉ nhỏ, xách một cái túi rách, lang thang bên bãi rác. Nó nhặt một cái chai bằng nhựa, cắt đôi ra, mỗi bên cột chéo một sợi dây để làm dép. Và tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng của Kevin Carter đoạt giải Pulitzer 1994 làm cả thế giới bàng hoàng, được chụp khi xảy ra nạn đói khủng khiếp ở Nam Phi. Một bé gái đang đói lả gần chết nhưng vẫn cố bò về phía trại phân phát lương thực của Liên Hiệp Quốc. Con chim kền kền lẽo đẽo theo sau, chờ đứa trẻ chết để ăn thịt. Không ai biết điều gì xảy ra với em bé sau đó, kể cả Kevin Carter, người đã rời khỏi hiện trường ngay sau khi bấm máy. Có tờ báo đã viết về Carter như thế này: “Kẻ chỉ chú tâm chụp ảnh, nhưng lại vô cảm trước thảm cảnh của cô bé da đen, thì cũng chỉ là một con vật ăn thịt, một con kền kền thứ hai trong bối cảnh tàn bạo ấy mà thôi.” (The man adjusting his lens to take just the right frame of her suffering, might just as well be a predator, another vulture on the scene.) Kevin Carter đã đọc được câu này và anh đã tự sát. Trong giấc mơ, tôi vẫn gặp những đứa trẻ khóc. Trẻ khóc mọi nơi trên mặt đất. Những đứa trẻ tàn tạ, khô rốc, đầy bùn đất và ruồi nhặng. Những đứa trẻ không có tuổi thơ, không có tình mẫu tử. Những đứa trẻ không có gia đình, không có một mái ấm để về. Chúng chỉ có những hang hốc, những gầm cầu. Chúng chỉ có sự cô độc. Giống như một con chuột nhắt, như một con chó hoang, con mèo lạc mẹ, kêu khóc trong rét mướt. Những đứa trẻ một mình chống chõi với cả cuộc đời rộng lớn, hỗn loạn và đầy cạm bẩy. Những đứa trẻ đơn độc. Những đứa trẻ đã khô hết nước mắt, đã tắt tiếng, đã tàn héo nụ cười. Khi mới bảy tháng tuổi, Quỳnh Vi cũng đã nếm trải những tháng ngày tàn bạo như thế. Cho đến giờ, khi bé đã sống trong no đủ. Đã sống đời của một thiếu nữ văn minh hiện đại, tôi vẫn cứ bùi ngùi mỗi khi chợt nhớ rằng nó đã từng trải qua những ngày tối tăm, không có mẹ, không có tôi, không có người thân bên cạnh. Bây giờ, ở tuổi mười bốn, nó lại khóc. Nó cứ ngồi ở cầu thang. Và khóc. -Để nội dẫn con đi ra nghĩa trang nhé. Nó vẫn khóc. Khóc ấm ức. Những giọt nước mắt lăn trên má. Ngày thứ hai, tôi lại nói: -Để nội dẫn con đi thăm anh Huy nhé? Thì nó gật đầu. Tôi chở nó đi bằng xe máy. Khi hai ông cháu đến, thì đã có một người đàn bà đang quỳ trước mộ. Bà ta quỳ như một pho tượng đá. Không khóc và cũng không động đậy. Trên tấm bia bằng cẩm thạch là bức hình của Huy. Cũng bất động. Quỳnh Vi bước đến, đặt bó hoa hồng vàng lên mộ. Nó kêu lên: -Anh Hai ơi! Và lại khóc. Đã từ lâu tôi tránh nói với nó về cái chết, vậy mà bây giờ cái chết lại là một phần của cuộc đời nó. Cái chết đang ở trong nó, đang xói mòn nó. Không có tờ báo nào đưa tin về cái chết này. Lễ tang cũng được tổ chức đơn giản, vội vàng. Đi viếng chỉ có mấy người ở Sở thương nghiệp, vài ba vị trong thành ủy. Cái chết được thông báo như là một tai nạn giao thông, mặc dù ai cũng biết rõ từng chi tiết. Khi Quỳnh Vi hỏi tôi tại sao Huy chết, tôi đã không thể giấu nó. Tôi không muốn dùng những lời giả dối đối với tình cảm thiêng liêng của một cô gái trẻ. Tôi đã nói chuyện với nó trong nhiều giờ, về những chi tiết trong cái chết của Huy mà tôi đã được nghe Mười Đạt kể qua điện thoại, về giai đoạn ở trong rừng, về thảm cảnh của Trúc, về Minh... Quỳnh Vi không bao giờ muốn dừng lại nửa chừng, nó luôn hỏi đến ngọn ngành vự việc. Giữa khu nghĩa địa mênh mông, nó đứng khóc như một đứa trẻ lạc loài. Có một giọng đàn bà khàn đục, từ dưới vực thẳm của tuyệt vọng vang lên: -Nghiệp chướng!