- 1 -
SỰ TU THÂN CỦA CHA MẸ

A. ÐỐI VỚI BẢN THÂN
Cha mẹ là người thầy giáo đầu tiên, là bài học vỡ lòng, là tấm gương sáng để con trẻ soi bóng, noi theo và học tập. Ðức hạnh của cha mẹ ảnh hưởng lớn tới đời sống tương lai của con trẻ. Vai trò cha mẹ trong gia đình ví như vị đứng đầu quốc gia. Gia đình hạnh phúc hay chia rẽ, anh em có trên kính dưới nhường hòa thuận hay không, quốc gia hưng thịnh hay suy vi, nhân dân an cư lạc nghiệp hay đói khổ loạn lạc đều do cha mẹ hay vị lãnh đạo trực tiếp hoặc gián tiếp có trách nhiệm về sự tốt hay xấu ấy.
Khổng Tử nói: “Thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Theo quan điểm của ông cũng lấy tu thân làm gốc trong việc tề gia trị quốc bình thiên hạ. Ðối với cha mẹ việc tu thân rất cần thiết. Vì qua đó mà con trẻ mới cảm thụ, thấm nhuần những cái hay cái đẹp toát ra từ hành động thiết thân hằng ngày. Ví như một bông hoa thơm, một nén hương trầm để trong nhà sẽ tỏa ngát hương thơm đến tất cả mọi người. Trái lại, nếu là hũ mắm mở nắp thì thật cơ khổ cho con cháu và mọi người khi bước vào nhà ấy! Thế nên, muốn xây dựng tô bồi hạnh phúc gia đình, muốn làm mô phạm giáo dục con cháu, muốn trở thành người hữu ích cho xã hội, muốn làm việc quốc gia đại sự... trước tiên con người phải biết tu sửa bản thân, biết cải ác tùng thiện, làm tròn bổn phận trách nhiệm vị trí của mình, nhiên hậu mới có thể thực hiện được các lợi ích trên.
Là Phật tử tại gia vấn đề tu thân càng phải thể hiện một cách tiêu biểu, tích cực hơn nữa. Vì sao thế? Vì chúng ta đã tự hào hãnh diện, sung sướng mang danh Phật tử tức là con Phật. Mà Phật đại biểu cho trí tuệ siêu tuyệt, tình thương vô lượng. Ít ra chúng ta “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” chứ! Suốt 49 năm ròng rã, Phật luôn vì lợi ích cho chúng sinh không ngừng gian khổ hành đạo, gieo rắc ánh đạo vàng khắp cõi Ta bà, hướng dẫn nhân loại lên đường giải thoát, nêu bao gương hạnh cao quý, uy đức trang nghiêm để thâu phục lòng người, cảm hóa kẻ ác, khiếp đảm ma quân. Ngày nay chúng ta hữu phước đa duyên gặp được Tam Bảo thấm nhuần đôi chút giáo lý Phật đà, thừa hưởng gia tài Pháp bảo, ta phải cố gắng tu tập để khỏi phụ lòng những vị đã khai đạo, noi theo dấu chân xưa hầu tô điểm đức hạnh, làm đẹp cuộc đời. Ðược vậy, mới xứng danh đệ tử của đấng “Thiên nhân chi đạo sư, tứ sinh chi Từ phụ”.
Sự tu thân của cha mẹ sẽ là nhịp cầu bắc ngang giữa lời dạy của Ðức Phật. Vì qua lời nói, cử chỉ, hành động hằng ngày mà con trẻ sẽ hiểu phần nào giá trị giáo lý Phật và ít nhiều nó cũng nhận ra rằng Phật pháp đã tạo nên những đức hạnh mẫu mực ấy nơi cha mẹ mình. Từ những hành vi cao đẹp, những việc làm từ thiện hữu ích đó sẽ dần dần ăn sâu, ảnh hưởng trực tiếp vào tiềm thức con trẻ và là bài học thực tế nhất giáo dục chúng trở thành những đứa con hiếu hạnh, có đạo đức và là công dân tốt của xã hội tương lai. Sự tu thân của cha mẹ cần nên thực hiện các điều sau:
1/ Tránh sát sinh
Trong Kinh Pháp Cú Phật dạy: “Ai ai cũng sợ gươm đao, ai ai cũng sợ sự chết. Vậy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết chớ bảo người giết”. Tất cả chúng sinh đều có tính tham sống sợ chết. Vì mạng sống là điều rất quý. Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được bằng sức lao động và sự cần kiệm, sức khỏe hao mòn suy yếu có thể phục hồi bằng thuốc men, ăn uống bồi dưỡng, thế nhưng thân người nếu mất đi muôn kiếp khó được. Chúng ta nên biết mọi nhân lành quả tốt đều từ sự sống mà nảy sinh. Do vậy, với bản tính tự nhiên ai ai cũng ngán sợ trước những thảm cảnh giết hại dã man, những tai nạn khủng khiếp xảy đến với mình. Cứ suy lòng mình ra lòng người, những gì mình sợ, mình không muốn thì đừng nên tạo cái khổ cho kẻ khác. Như câu Khổng Tử đã nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Ðiều mình không muốn thì đừng đem đến cho người) là thế. Hiểu được mạng sống là quý, giết hại làm mất sự sống kẻ khác là độc ác, người Phật tử phải luôn luôn tôn trọng sự sống, không vì tham vọng hay ích lợi riêng tư mà hủy hoại sự sống.
Tránh sát sinh sẽ tạo cho chính bản thân cha mẹ được các điều như:
a/ Nuôi dưỡng lòng từ và dạy con đức tính từ ái
Tình thương là chất nhựa gắn liền con người với con người, con người với muôn loài động vật khác. Nó làm cho nhân loại chúng sinh gần gũi, thông cảm và thương yêu nhau hơn. Ðể hiểu rõ điều này qua lịch sử cuộc đời Ðức Phật ta thấy: Khi Ngài từ bỏ cung điện nguy nga, vợ đẹp con xinh, một mình dấn thân vào rừng sâu cảnh vắng tầm đạo, sống đơn độc không một vũ khí nơi mình, trong khi chung quanh Ngài toàn những thú dữ, nhỏ như muỗi, mòng, rắn, rít, lớn như cọp, beo, sư tử, gấu... Thế nhưng tại sao Ngài vẫn ung dung trải qua bao tháng năm nơi rừng thiêng nước độc mà không hề tổn thương đến tính mạng? Ðây là điều mà ít ai để ý nhưng rất quan trọng. Hay là Ðức Phật có phép lạ chăng? Hay Ngài có võ thuật cao cường? Hoặc phương thuốc bí truyền nào đó? Không, chẳng có một sức mạnh nào khác hơn tâm bình đẳng và lòng từ bi vô lượng của Ngài. Chính những đức hạnh này là mạng lưới vô hình bao bọc, che chở, đồng thời cảm hóa tất cả thú dữ quy phục dưới chân Ngài.
Ðể thực tế chứng minh rõ lòng từ và tâm bình đẳng có tác dụng thế nào, hằng ngày trong cuộc sống ta cố gắng thể hiện tình thương và hòa hợp với bà con lối xóm, tận tụy giúp đỡ họ lúc khó khăn hoạn nạn, chúng ta sẽ cảm thấy mọi người yêu thương, quý mến ta thế nào. Ðối với loài vật cũng vậy, nếu ta thương mến chúng, chúng sẽ gần gũi và không sợ hãi ta.
Do đó tránh sát sinh cũng có nghĩa là nuôi dưỡng lòng từ, thể hiện tâm bình đẳng với muôn loài, không nỡ thấy những chúng sinh bị đâm giết, quằn quại đau khổ. Từ tâm niệm ấy sẽ giúp cho ta thông cảm nỗi khổ đau của kẻ yếu và phát khởi tình thương chan chứa đến muôn loài. Do tôn trọng sự sống và lấy từ bi làm phương châm hành động sẽ cảm hóa được con trẻ xa lìa tâm sát hại, nẩy nở đức tính thương người mến vật và biết quý trọng sự sống, mở lòng bao dung rộng rãi đến tất cả muôn loài.
b/ Tránh nhân quả báo ứng và thù hận
Có lẽ làm người ai cũng muốn sống trong sự an vui hạnh phúc, không thích kẻ nào quấy rầy hoặc dùng bạo lực để gây thương tổn đến bản thân. Ðó là mong ước của mọi loài động vật. Ðúng, chỉ có thế thôi: An vui hạnh phúc và không bị ai quấy rầy sát hại. Tuy nhiên, với sức mạnh và sự bất công của con người nói chung, lại tìm sự an vui hạnh phúc trên những đau khổ đọa đày của kẻ khác, thỏa lòng thích khẩu trước những cái chết thê thảm của các loài khác. Nếu đứng về phương diện bình đẳng giữa sự sống với nhau, thì hành động ấy quả thật là “cá lớn nuốt cá bé” hoặc “mạnh được yếu thua”. Chúng ta cứ tưởng tượng một con gà đang vùng vẫy trước sức mạnh của con người. Họ đè cánh chúng, trói chân lại, nhổ lông, rồi kê dao vào cổ cứa... cứa... ôi chao ghê quá! Máu chảy ra. Thử hỏi con gà ấy có đau khổ, oán thù kẻ cắt cổ nó không? Rồi ta hãy xét qua trường hợp này. Một gia đình nọ đang sống êm ấm an vui hạnh phúc. Bỗng một hôm có toán quân cướp với vũ khí trong tay xông vào nhà cướp của và bắt con gái hiếp dâm. Người cha thấy vậy quá đau lòng nhào vô can ngăn và bị chúng dùng dao đâm chết. Trước thảm cảnh này vợ và con sẽ nghĩ gì? Có căm tức oán thù bọn cướp ấy không? Nếu có thì làm gì họ được đây hay cũng đành cắn răng nhẫn chịu trước lưỡi dao họng súng kia? Qua hai trường hợp ấy chúng ta thấy chỉ vì sức yếu nên con vật chịu cắt cổ trước sức mạnh của loài người, con người bất lực dưới sức mạnh của tập thể uy hiếp, họng súng dọa nạt. Thế nhưng hai trường hợp ấy đâu phải kẻ cô yếu không oán hờn mong ngày báo thù? Nếu xét về nhân quả, không sớm thì muộn hễ gây ác nhân sẽ gặt ác quả. Kinh Pháp Cú Phật dạy: “Người nào cầu hạnh phúc cho mình mà dùng dao gậy phá hoại hạnh phúc kẻ khác thì sẽ không bao giờ được hạnh phúc”.
Một vấn đề nan giải là người mẹ phải đảm đương về việc ăn uống hằng ngày của gia đình, làm sao tránh khỏi sát sinh? Có lẽ nhiều Phật tử băn khoăn lo nghĩ như thế. Ở đây chúng tôi mong rằng quý vị nên cố gắng bằng mọi cách giảm tối đa việc sát sinh. Nếu vì gia đình đòi hỏi hoặc cần ăn thì ta có thể mua những thứ bán sẵn ở chợ đem về nấu nướng. Thế mình không giết, đi mua ở chợ người ta giết sẵn mình ăn cũng là tội vậy? Ðúng, nhưng vì không còn giải pháp nào hơn, chúng tôi đành phải đề nghị như thế. Nếu chúng ta không ăn thì đâu có ai giết bán làm gì! Ðã ăn thì không trực tiếp cũng gián tiếp khuyến khích kẻ khác sát sinh.
Ngoài ra, cha mẹ nên ngăn ngừa và nhắc nhở con trẻ không nên lấy việc giết hại để làm trò giải trí. Chẳng hạn như trường hợp sau mà tôi đã chứng kiến.
Vào buổi tối nọ, sau khi công phu chiều vừa xong, tôi nghe tiếng reo hò ầm ĩ của trẻ con xen lẫn giọng cười thích thú của một số người lớn bên cạnh chùa. Từ trên lầu nhìn xuống, tôi thấy một con chuột đang bị thui sống. Bọn trẻ dùng phương pháp là cột chú chuột bằng sợi kẽm ngang lưng, treo tòn ten thòng đầu xuống, ở phía dưới đốt lửa. Con chuột vì nóng quá phải dãy dụa, kêu la chí chóe. Nhìn chuột vùng vẫy trong cái chết thê thảm, trong khi mọi người chung quanh vỗ tay cười reo, tôi cảm thấy đau xót và thương hại cho lũ trẻ mới lớn đã tập tính sát sinh, vui cười trước sự đau khổ của kẻ khác. Riêng bậc phụ huynh, lẽ nào ta lại đứng xem con trẻ hành động thiếu lương tâm như thế. Ðã không ngăn cản lại còn vui cười với chúng, vô tình – hay nói đúng là cố ý – ta cũng đồng lõa với việc làm dã man của chúng. Thử hỏi, ở địa vị cha mẹ như vậy có xứng đáng làm mô phạm hoặc đủ tư cách dạy bảo con trẻ không? Vả lại, thử đặt ta vào trường hợp con chuột đang bị thui ấy, ta sẽ cảm thấy thế nào? Hẳn chúng ta vẫn tự hào con người là loài động vật cấp cao, có đầy đủ trí khôn, giàu lòng nhân ái và nhờ những đức tính này mà con người khác hơn loài vật. Nhưng nếu chúng ta hành động theo bản năng, thiếu suy nghĩ, trái lương tâm, thô bạo, dã man thì có khác chi loài thú đâu?
Proverb). Không sớm thì muộn quả báo sẽ đến cho những ai làm ác. Câu chuyện sau đây sẽ chứng minh điều ấy.
Ở Thượng Hải, có nhà triệu phú họ Bành, một doanh thương cự phú ở đô thị. Ông nghiên cứu được món ăn rất hấp dẫn, mệnh danh là món “quán miết giáp” (rót nước vào mai ba ba). Ông chế một chiếc nồi đất, trên vung có đục một lỗ nhỏ vừa bằng đầu con ba ba chui lọt. Rồi cho ba ba vào nồi nước đem đặt lên bếp đun. Dĩ nhiên, một lúc sau nước nóng ba ba chịu không nổi phải tìm lối thoát và nó chỉ còn một cách duy nhất là cho cổ chui ra khỏi lỗ vung nồi, nhưng thân mình thì đâu dễ gì thoát khỏi. Nước càng nóng ba ba chỉ còn biết hả miệng chờ chết, thế là nhà cự phú họ Bành đàng hoàng ngồi đổ gia vị vào miệng ba ba (dầu, húng lìu, mỡ, thịt băm nhỏ) rồi bịt kín nồi hầm nhừ thành một món ăn mà họ Bành cho là “dzách lầu” ở trên thế gian này... Họ Bành thường ăn như vậy và thường làm cả trăm con một lúc để đãi khách. Thế nhưng “ác giả thì ác báo”. Một hôm nhà họ Bành xảy ra hỏa hoạn, lúc ấy họ Bành đang say sưa trong giấc mộng sau một đại tiệc toàn là món miết giáp. Khi phát hiện ra hỏa hoạn, họ Bành tỉnh giấc thì đã muộn, lửa cháy chung quanh, luống cuống, họ Bành tìm không ra chìa khóa cửa. Vì là cự phú nên ông rất sợ bị bắt cóc và trộm cướp cho nên lúc nào cũng ở trong phòng kiên cố trên lầu, cửa sắt bao bọc vững chắc. Lửa cháy tứ tung kéo đến gần kề. Cùng đường họ Bành thấy còn một lối thoát duy nhất là chiếc cửa sổ, ông liền chui đầu qua song sắt, nhưng khốn nỗi thân mình to béo với cái bụng nước lèo không thể lọt qua. Lúc ấy xe cứu hỏa tới, vì đầy khói nên không thấy họ Bành, cứ phun nước vào mặt mũi làm ông chết ngạt, đồng thời trong phòng lửa cháy dần dần thui sống ông trong thật thê thảm. Nhìn cảnh ấy ai cũng liên tưởng tới món miết giáp của ông. Trước kia ông hành hạ những con ba ba vô tội hết sức tàn ác, thì bây giờ ông cũng bị chết trong trường hợp y hệt như những con ba ba nạn nhân của ông. Thật là luật nhân quả có vay có trả, lúc nào cũng cân xứng.
Qua câu chuyện trên ta thấy, lúc thọ hưởng và thỏa mãn khẩu vị trên những đau khổ, quằn quại, rên xiết của động vật khác, ta tưởng là thú lắm, sung sướng lắm, bổ béo lắm. Nhưng khi chính ta lâm vào hoàn cảnh ấy ta mới thông cảm được thế nào là nước sôi lửa đốt. Chừng đó ta có oán hận ngọn lửa tàn ác kia sao lại dã man “thui” mình không một chút thương tiếc như thế, nó vẫn cứ mặc nhiên thiêu đốt, giống như họ Bành “rung đùi” lạnh lùng thản nhiên ngồi nhìn con ba ba thò đầu trong nồi nước sôi kia vậy. Quả là trước công lý mọi chúng sinh đều bình đẳng. “Khi ác nghiệp chưa thành thục người ngu tưởng như đường mật, nhưng khi ác nghiệp đã thành thục họ nhất định chịu khổ đắng cay” (Kinh Pháp Cú)
Sát sinh có rất nhiều hình thức, nói chung thì hình thức nào cũng dẫn đến quả báo. Tùy theo hành động thô bạo hay tế nhị, cố sát hay ngộ sát mà có sự nặng nhẹ khác nhau. Tổ Quy Sơn dạy: “Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hườn tự thọ”. Nghĩa là dầu trải trăm nghìn kiếp, nghiệp tạo rồi chẳng mất, khi nhân duyên đầy đủ, quả báo trở lại mình. Thế nên, tất cả mọi hành động nơi thân khẩu ý phải e dè thận trọng, tránh gây nhân bất thiện. Bởi vì, một khi hạt giống đã gieo xuống đất không sớm thì muộn, lúc nhân duyên đầy đủ nó liền nảy mầm đâm chồi. Tích truyện Mục Kiền Liên sau đây sẽ chứng tỏ cho thấy việc sát sinh tạo sự oan trái, thù hận rất lâu dài.
Mục Kiền Liên là một vị đệ tử đứng vào hàng thứ hai trong Thập đại đệ tử của Ðức Phật, nổi tiếng về phương diện thần thông đệ nhất.
Một lần nọ đang trên đường hóa đạo, đi ngang qua núi Y Tư Xa Lê, Mục Kiền Liên bị bọn lõa hình ngoại đạo sát hại bằng cách xô đá từ trên núi xuống. Ðá rơi loạn xạ như mưa khiến nhục thân của Tôn giả dập nhừ tan nát.
Ðược tin này, các vị Tỳ kheo vô cùng thắc mắc, bèn tập họp lại để cầu thỉnh Ðức Phật chỉ rõ nguyên do.
– Bạch Ðức Thế Tôn, Mục Kiền Liên là người có thần thông oanh liệt, tại sao không dùng sức thần để đối kháng với ngoại đạo?
Ðức Phật giải thích:
– Các Tỳ kheo! Khi Mục Kiền Liên lâm nạn chẳng phải ông ấy không biết dự phòng mà bảo vệ cho mình khỏi tai nạn, nhưng thần thông không vượt qua nghiệp lực, vì thần thông không phải là biện pháp cứu cánh, người tu hành chẳng thể đi ngược lại lý nhân quả. Mục Kiền Liên (trong quá khứ làm nghề chài lưới) vì gieo nhân sát sinh nên quả nghiệp sát cần phải kết thúc đời này để được giải thoát vĩnh viễn.
Là một bậc thần thông biến hóa như Mục Kiền Liên còn không tránh khỏi nghiệp quả do mình gây tạo trong quá khứ, huống hồ chúng ta là kẻ phàm phu đầy nghiệp chướng lại không e dè sợ sệt tránh nghiệp sát ư! Thử nghĩ lại coi, mỗi ngày chúng ta sát hại bao nhiêu sinh mạng loài vật? Ở đây chỉ cần đơn cử một ngày giết một con cá thôi và một năm sẽ có 365 con chết, mười năm 3.650 con, rồi hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm cho đến trọn đời, chúng ta sát hại bao nhiêu? Ðương nhiên mỗi loài sẽ căm thù một ít, hờn oán chất chồng khiến cho oan oan tương báo, xoay chuyển trong vòng luân hồi lục đạo trả vay vay trả mãi mãi. Ðừng tưởng lỗ nhỏ không làm đắm thuyền, tội nhỏ không phải trả báo. Là Phật tử khá nên suy xét cẩn thận điều này. “Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn sâu xuống đáy biển, dù tìm khắp thế gian này, chẳng có nơi nào trốn khỏi ác nghiệp đã gây” (Kinh Pháp Cú)
Những dẫn tích vừa qua đã cho ta hiểu sự báo ứng và oán thù về nghiệp sát. Thế thì theo thiển ý của tôi có lẽ ai ai cũng sợ sự khổ, sợ đau đớn, sợ tai nạn, sợ cực hình, nhất là luân hồi sinh tử. Vậy không lý do gì ta cứ gieo thêm nhân sát sinh nữa. Muốn không có quả ớt thì đừng trồng cây ớt, muốn hết khổ báo đọa đày đền mạng thì đừng nên sát sinh. Vả lại, khi nêu lên mục này, chúng tôi đã dùng hình thức tránh sát sinh để trình bày. Còn sau khi đọc xong đoạn trên, quý Phật tử đã hiểu rõ quả báo của sự sát sinh ghê gớm như thế nào. Có lẽ vì tình thương và tránh báo ứng, chúng ta sẽ không ác tâm đang tay giết hại loài vật cho đành.
Miệng người là huyệt mộ, bao tử là mồ chôn, thân là bãi tha ma đã dung chứa biết bao sinh mạng loài vật phải chết oan uổng đau đớn vì cái xác ô uế giả tạm này. Xét cho kỹ thân thể con người được đúc kết bằng huyết nhục, bằng oan hồn, bằng đau khổ của loài thú. Nghiệp ác chất chồng, oán thù đầy dẫy. Vả lại thân người chỉ tồn tại một thời gian rồi cũng hư hoại, tan rã, trả về với cát bụi. Một khi hơi thở ra không trở lại, hỏi có đem theo được cái xác thúi này không, hay cũng chỉ làm cho người đời ghê tởm, vùi sâu dưới ba tấc đất hoặc đốt thành nắm tro tàn vô dụng! Lúc ấy, bao nhiêu máu thịt của súc sinh tô bồi lên ta thể ta còn được lại gì? Rồi ai chịu trách nhiệm về những tội lỗi ấy? Mong rằng Phật tử nói riêng và nhân loại nói chung, ai cũng muốn an vui hạnh phúc thì đừng nên phá hoại sự sống kẻ khác.
“Ta lấy con mắt trí tuệ mà nhìn thì thấy hết thảy chúng sinh đều là cha mẹ của nhau. Tại sao ta lại bắt giết mà ăn thịt!” (Kinh Niết Bàn)