- 4 -

4/ Không nên vọng ngữ
Miệng là cửa ngõ của suy tư, là nơi phát xuất tất cả ý nguyện của mình với tha nhân, đồng thời nó cũng là nguồn gốc của bao tai họa và bệnh tật. “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”. Hằng ngày chúng ta ai ai cũng phải cần nó để sử dụng trong việc giao tế, biện bác, tranh luận... Vậy gia đình có được hòa thuận hay chia rẽ, ngoài xã hội mọi người thương yêu hay thù ghét nhau cũng đều do miệng lưỡi mà ra. Do vì lời nói rất quan trọng, một khi thốt ra phải suy nghĩ cân nhắc kỹ càng. “Nói mà không suy nghĩ có khác nào bắn mà không nhắm” (Speaking without thinking is like shooting without aiming – Spanish Proverb). Hoặc câu “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”, nghĩa là: Một lời nói ra bốn ngựa khó theo.
Từ xưa tới nay, đã biết bao nhiêu những tai họa xảy đến cũng vì lời nói qua lại, hơn thua, đâm thọc khích bác lẫn nhau mà ra cả. Một lời nói có thể cứu sống người trong cơn nguy biến, đem lại sự vững tâm cho người lúc sợ sệt, tạo đức kiên nhẫn cho người trong cơn nóng giận, mang lại hòa bình ổn định cho xã hội quốc gia. Trái lại, nó cũng làm cho cảnh máu đổ thịt rơi, nhà tan cửa nát, chia rẽ thù hiềm. “Một lời nói còn sắc bén hơn cả gươm đao” (Burton). Hoặc câu “Nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn táng bang” là vậy.
Nói có rất nhiều hình thức. Nói thêm nói bớt, thấy nói không thấy, nói lời trau chuốt, chuyện có nói không, trước mặt nói phải sau lưng nói trái, nói dua nịnh, nói đâm thọc, nói lời chia rẽ, nói giọng hung ác... Tất cả lời nói trên đều có tính cách gây chia rẽ, bất hòa tạo sự thù hiềm ghen ghét lẫn nhau, làm mất niềm tin của người khác đối với mình. Hàn Thi ngoại truyện có câu: “Chim mà mỏ quắp thì loài chim sợ, cá mà mồm ngoáp thì loài cá sợ, người mà ngọn lưỡi sắc xảo thì loài người sợ”.
Tại chùa tôi có một cô nọ không biết vì ý do gia đình ra sao, đến chùa xin làm công quả nương náu cửa thiền. Thời gian đầu, với
lời nói trau chuốt ngon ngọt của cô ai nấy cũng thương và cho là người đàng hoàng tử tế. Những cổ nhân có câu: “Trường đồ tri mã lực, cửu xứ thức hiền nhân”, có nghĩa: “Ðường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới rõ ai là hiền nhân”. Quả thật, lâu ngày dần dần bắt đầu “lòi tẩy” cái chân tướng “đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà” của cô ra. Nịnh bợ người trên, nói xấu kẻ dưới, trước mặt người khen ngợi, sau lưng thì chê bai. Ðến người này nói xấu người kia, đặt chuyện nói thêm nói bớt cho người khác để gây sự bất hòa. Lại thêm tính hay nghe trộm chuyện người khác để đâm thọc với nhau... Vì bởi “Cái lưỡi không xương những đường lắt léo, cái miệng không vành nó méo tứ tung” nên mọi người trong chùa dần xa lánh hết, không ai dám thân cận và nói chuyện với cô nữa cả.
Ðã mất tín nhiệm với mọi người nên cô cảm thấy bị bỏ rơi, bèn tìm cách xin đi nơi khác. Trước khi đi, tại chùa có cuộc họp nội bộ, tôi bèn kể lại một câu chuyện rất lý thú với ngụ ý nhắc nhở cô:
Một hôm con cú mèo gặp con chim gáy. Chim gáy hỏi:
– Bác sắp đi đâu đây?
Cú mèo nói:
– Tôi sắp sang ở bên phương Ðông.
– Tại làm sao thế?
– Ở đây mỗi lần tôi cất tiếng kêu, ai cũng ghét nên tôi đành phải đi chỗ khác sống.
Chim gáy nói:
– Theo ý tôi bác nên đổi tiếng đi mới được. Nếu không đổi tiếng kêu thì dù có sang phương Ðông ở người ta nghe tiếng kêu ấy cũng lại ghét bác thôi. Vì nhân tình ở đâu mà chả thế!
Quả đúng như câu chuyện chim cú và chim gáy kia. Sau này tôi được biết cô ta đi đến nơi nào ở một thời gian cũng bị cô lập và sa thải, không ai dám chứa nữa. Thật đáng thương! Qua bài học trên ta có thể kết luận: Không phải kẻ khác ghét ta mà chính ta tạo ra phiền não nơi người. Thế nên đừng tưởng lời nói khôn xảo sẽ che đậy được hành vi bất chính của mình. Gian dối cuối cùng sẽ bị phơi bày trước ánh sáng sự thật.
Thế nhân thường nói: “Ðàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”. Nhưng theo thiển ý của tôi thì đàn ông cái miệng nhỏ lại một tí cũng vẫn hay hơn. Vì sang cho lắm có lẽ tai ương cũng nhiều đấy. Vả lại “Chúng ta có hai tai và chỉ có một lưỡi để cho chúng ta biết nghe nhiều hơn nói” (We have two ears and only one tongue in order that we may hear more and speak less – Diogenes). Ôi! Nhất là đàn bà mà miệng rộng thì lại còn nguy hiểm hơn nữa. Người ta thường đặt cho từ “ngồi lê đôi mách” từ đầu xóm tới cuối hẻm, chưa thấy mặt đã thấy tiếng, hết chuyện “trong nhà ngoài phố” đến chuyện làng nước xóm giềng... Chẳng may gia đình nào có người mắc phải chứng bệnh miệng rộng này, có lẽ chồng con phải xa lánh sớm mà hàng xóm rồi cũng sẽ “bái bai” luôn.
Một khi đã nói láo quen rồi đến khi ta có nói sự thật thì cũng có ít người tin theo “một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Ðể đảm bảo sự tín nhiệm với mọi người, chúng ta phải cẩn thận khi nói, suy xét kỹ càng, đừng vì vui miệng mà thốt ra một cách bừa bãi, hoặc lấy chuyện làm quà. Hậu quả sẽ tai hại vô cùng. Như câu chuyện “Kẻ nói láo” trong cuốn Stories for children của Lev Tolstoi. Tôi xin lược dịch lại như sau:
Có một cậu bé chăn cừu ở ngoài cánh đồng. Một hôm cậu ta bèn la lên hốt hoảng như có chó sói thật:
– Giúp tôi với! Chó sói! Chó sói!
Dân trong làng tưởng thật kéo nhau đến cứu và nhận ra rằng cậu ta đang đùa giỡn với họ. Cậu bé chăn cừu đã tái diễn màn này nhiều lần. Một hôm điều đó đã trở thành sự thật. Con chó sói xuất hiện đang tấn công đàn cừu. Cậu bé hốt hoảng la:
– Bớ người ta! Chó sói!
Mặc dầu kêu la cầu cứu, nhưng dân làng cho là hắn đùa giỡn với họ nữa và không có ai chú ý đến sự cầu cứu của cậu bé cả. Chó sói bèn tấn công và giết cả bầy cừu.
Trong Ðại Luật có câu: “Luận kẻ ở đời, búa ở trong miệng, sở dĩ chém mình, do lời nói ác”. Nói không đúng sự thật đã là tai hại cho mình dường nào, huống hồ nói lời hung ác nhục mạ, gây sự đau khổ cho người. Có khi chỉ vì lời nói ác khiến cho người bực tức đêm ngày, lo buồn mà phát sinh bệnh tật. Bởi vì làm người ai cũng có mặc cảm tự ti và danh dự. Nên trước mặt người ta không nên vì sự khoe khoang hay giỏi hoặc cậy quyền thế chức vị để chê bai, nhục mạ kẻ khác. Tích chuyện sau đây sẽ cho ta thấy quả báo lời nói ác như thế nào.
Thuở xưa có 500 người buôn đem một con chó trắng cùng qua một nước khác, giữa đường nghỉ ngơi. Chó nọ bèn ăn vụng thịt, người buôn tức giận chặt bốn chân chó quăng trong hầm mà đi. Bấy giờ ngài Xá Lợi Phất dùng thiên nhãn xa thấy thân chó rên xiết, đói khát khốn khổ quằn quại sắp chết, ngài bèn bưng bát cơm bay đến chỗ chó dùng lòng từ bi mà bố thí cho ăn. Sau khi ăn xong chó rất mừng. Ngài lại vì nó mà thuyết pháp cho nghe.
Qua bảy ngày chó kia thoát kiếp, sinh vào nước Xá Vệ nhà người Bà La Môn được đặt tên là Quân Ðề. Ðến bảy tuổi, ngài Xá Lợi Phất độ cho xuất gia. Sau này chứng quả A La Hán, đủ phép thần thông, tự biết mình kiếp trước là chó đói nhờ ngài Xá Lợi Phất hóa độ.
Các đệ tử bèn bạch hỏi Ðức Phật nguyên do của Quân Ðề. Ngài dạy rằng:
– Về đời quá khứ thuở Phật Ca Diếp có một vị Tỳ kheo trẻ tuổi thấy vị Tỳ kheo già thường hay tán tụng, tiếng tăm ồ ề, vì ỷ mình có tiếng tốt đã chê vị Tỳ kheo già:
– Ông này tiếng như chó sủa.
Thầy Tỳ kheo già nghe được liền nói với vị Tỳ kheo trẻ rằng:
– Ngươi biết ta chăng? Ta nay đã chứng quả A La Hán rồi.
Vị Tỳ kheo trẻ tuổi nghe nói hoảng hốt tự trách mình dại dột, vội ra trước xin sám hối. Thầy Tỳ kheo già cũng sẵn sàng hoan hỷ tha thứ. Song vị Tỳ kheo trẻ tuổi nhờ biết sám hối nên khỏi tội đọa địa ngục, nhưng do lời nói ác nên 500 đời phải chịu thân chó như thế.
Quả thật “Con chim bị vướng vì cái chân của nó và con người thì vì cái lưỡi của họ (Birds are entangles by their feet and men by their tonguesThomas Fuller). Là người Phật tử tại gia nên lấy những bài học này mà răn dè miệng lưỡi. Phải cẩn thận chân thật với lời nói, dù hoàn cảnh nào cũng không thay trắng đổi đen. Không vì sự yêu ghét nhau mà lời nói trở thành tốt xấu. Ðừng nên lúc yêu nhau hậu bao nhiêu, đến khi giận ghét nhau lại bạc bấy nhiêu: “Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười”.
Ngày trước tại nước Vệ, vua nước ấy rất yêu Di Tử Hà. Ðối với phép nước Vệ ai đi trộm xe của vua thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Ðêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi lo cho mẹ. Vua nghe thấy chuyện ấy khen rằng:
– Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân.
Lại một hôm Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn. Ðang ăn quả đào thấy ngon ngọt mà còn có một nửa bèn dâng vua ăn. Vua nói:
– Yêu ta thật! Của đang ăn thấy ngon miệng mà biết nhường ta.
Về sau vua không còn thương mến Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng:
– Di Tử Hà trước dám tự tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày rồi. Nói xong liền bắt đem trị tội.
Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau như một. Thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội là chỗ tại khi yêu ghét khác nhau mà thôi.
(Hàn Phi Tử)
Vậy người Phật tử không nên nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói giọng hung ác, mà phải nói lời ngay thật, hòa nhã vui tươi, đạo đức hiền từ khiến cho mọi người thương yêu nhau. Nếu lời nói của ta không đem lại sự lợi ích nào đối với mình và tha nhân tốt hơn hết là nên im lặng. “Nói là bạc, nín là vàng”. Nhưng nếu ta biết kết hợp lời nói vào mục đích thiện như khuyến khích người học đạo giải thoát, giúp họ tin hiểu giáo lý nhân quả, xa lánh điều ác thì quả lời nói quý giá vô cùng.
Miệng ta là cánh hoa sen
Một khi hé nở một phen thơm lừng
Tiếng ta là gió mùa xuân
Một cơn thổi nhẹ muôn dân mát lòng.