Phần III

...Tôi nhỏm dậy, cố gạt đi nỗi đau đang bóp nghẹt lồng ngực. Ráng đứng lên, kẹp lại mái tóc, tôi mở cửa bước xuống đường. Trăng ngoài kia sáng quá, khiến người ta muốn đi dạo, muốn hít thở khí trời để tạm quên mọi ngột ngạt đời thường. Đôi chân tôi đột nhiên sững lại khi nhìn thấy một người vừa bước ra từ bóng tối dưới rặng cây.
Óc tôi nhoang nhoáng những hình ảnh nối tiếp nhau. Tôi cố ráp nối, dựng nó lại thành một cuốn phim hoàn chỉnh. Người đàn ông này chính là gã ăn mày ngồi trước dãy hàng khô trong chợ. Hàng ngày hắn ta dùng đứa con của người mẹ mất trí kia đi kiếm ăn.
Tối đến lại đem giao trả chị ta để cho bú, và thỏa mãn nhục dục thấp hèn. Hắn coi thường những đồng bạc lẻ, bởi đã kiếm được khá hơn nhờ lòng hảo tâm của người đời. Nhưng bức bối nhất đối với tôi vẫn là số phận đứa trẻ. Nó phải uống thuốc ngủ ngày này qua ngày khác, trở thành phương tiện kiếm tiền của gã đàn ông thất đức!
Tôi chạy lên phòng, đội chiếc mũ vải sụp xuống mặt. Mở cửa lôi chiếc xe cà tàng xuống, tôi đạp như điên tới con hẻm nhỏ. Hắn đang ngồi đó, uống bia với mực khô, trong bộ quần áo tôi vừa nhìn thấy. Đứa bé con nằm ngủ ngon lành trong vòng tay người chủ quán. Lâu nay tôi cứ ngỡ nó là con ruột của chị.
Rời khỏi cây cột điện, tôi trở về nhà. Đạp ngang qua bụi cây, tôi dừng lại, ngồi xuống kéo tấm áo rách bươm đắp lên ngực người đàn bà, lòng chợt buồn thê thiết.
Sáng hôm sau, tôi bỏ một buổi làm đi tìm gặp cán bộ phường. Nghe tôi kể xong, anh ta bảo làm sao chứng minh được đứa bé đó là con của người đàn bà dở hơi? Chị ta mất trí rồi, lấy gì làm cơ sở kiện thưa?
Tôi cố thuyết phục anh ta bằng tất cả những gì mình biết. Cuối cùng anh ta giới thiệu tôi lên trụ sở Hội đồng nhân dân quận. Mất thêm mấy buổi làm, tôi đã gặp được người đại diện tiếp dân.
Ông ta dịu dàng nghe tôi nói hết rồi nhẹ nhàng giảng giải: "Chị nên thông cảm. Quận có biết bao là công chuyện, có hàng trăm cái bang, làm sao giải quyết hết mọi việc một sớm một chiều? Hãy kiên nhẫn chờ đợi. Tôi xin ghi nhận trường hợp này, và sẽ cho người tìm hiểu, giải quyết".
Tôi quay về nhà, kiên nhẫn chờ đợi, cho đến tận tuần rồi.
Buổi sáng đó tôi đi ngang chợ cũ, thấy đứa bé đã yếu lắm. Nó nghi ngóp thở, mặt mày xám ngoét. Chắc nó không thể chờ đợi như lời khuyên sáng suốt kia. Tôi về nhà, mở khóa tủ, lôi chiếc hộp giấy bọc mấy lớp nilon ra. Đếm tất cả số tiền ky cóp được trong suốt hai mùa hè đánh máy từ sáng tới khuya, được một triệu tám. Số tiền quý giá này tôi dành dụm để mua chiếc tivi màu nội địa cho cu Tuấn.
Mùa hè  trước, tôi đã hứa với con điều đó. Cu Tuấn sướng mê vì sắp được ở nhà coi phim "Tây du ký". Không phải chạy qua hàng xóm hoài. Bên đó có con chó dữ hay nhe nanh dọa cắn nó. Hè nào Cu Tuấn cũng vui vẻ về quê ở với nội để má rảnh rang nhận thêm việc làm. Nghĩ tới vẻ mặt buồn thỉu của con, tôi ứa nước mắt.
Buổi tối, tôi đạp xe đến quán bia, tỉ tê với chị chủ quán, xin được nuôi thằng nhỏ. Chị ta ngó đứa trẻ trên tay. Coi mòi nó yếu lắm rồi, có người  nuôi cho cũng là phước đức. "Nhưng phải chuộc công dưỡng dục lâu nay nghe!". Tôi trao cho chị ta triệu rưỡi đồng theo thỏa thuận và bế thằng nhỏ về nhà. Số tiền còn lại, tôi lo thuốc thang cho nó.
Tôi chợt nghĩ tới nỗi buồn của con khi phải rời xa thằng nhỏ. Mình tôi làm sao nuôi nổi cả hai đứa? Buổi tối phải lo chăm sóc tụi nó, tôi không còn thời gian đi làm thêm. Tiền thuê nhà, tiền nhà trẻ rồi mẫu giáo ngốn hết thu nhập còm cõi của tôi. Còn thêm tiền ăn và trăm thứ bà rằn khác nữa. Chưa kể lúc thằng nhỏ ốm đau. Dẫu sao cũng phải ráng vay mượn, đắp đổi qua ngày và kiên nhẫn chờ đợi.
Theo lời hứa của vị đại diện hội đồng, trại trẻ mồ côi thành phố sẽ làm thủ tục nuôi dưỡng thằng nhỏ.
Tôi chỉ biết kiên nhẫn chờ đợi.

Xem Tiếp: ----