Mục lục tham khảo

    
hông có nhà văn nào viết từ con số 0 - tất cả chúng tôi đều tham gia vào trò mà Isaac Newton gọi là “đứng trên vai của người khổng lồ”. Chúng tôi vay mượn, ăn cắp và pha trộn nghệ thuật cũng như văn hóa được sáng tạo bởi mọi người xung quanh và bởi các bậc tiền bối văn chương.
  Nếu bạn thích cuốn sách này và muốn tìm hiểu thêm thì có rất nhiều nguồn để bạn tham khảo, trên mạng, trong thư viện địa phương của bạn hay ở một hiệu sách.
  Hoạt động thâm nhập và thay đổi các hệ thống kỹ thuật số (hacking) là một chủ đề lớn. Mọi bộ môn khoa học đều phụ thuộc vào việc bạn nói với mọi người việc bạn đã làm để họ có thể xác minh nó, học hỏi từ nó và phát triển nó, và hacking cũng không nằm ngoài quy trình này, vì thế có vô số tài liệu viết về nó.
  Hãy bắt đầu với Hacking the Xbox (No Starch Press, 2003) của Andrew “Thỏ” Huang, một cuốn sách tuyệt vời kể về câu chuyện làm thế nào mà Thỏ, lúc ấy là một sinh viên của MIT, đảo ngược thiết kế của cơ chế chống giả mạo của Xbox và mở đường cho tất cả những vụ hack tiếp theo nhằm vào platform của Xbox. Trong khi kể lại câu chuyện, Thỏ đã đồng thời tạo nên một thứ như Kinh thánh dành cho kỹ thuật đảo ngược và hack phần cứng.
  Secrets and Lies (Wiley, 2000) và Beyond Fear (Copernicus, 2003) của Bruce Schneier là hai cuốn sách cần thiết dành cho người nghiệp dư muốn tìm hiểu về hoạt động bảo mật và suy nghĩ nghiêm túc về nó. Trong khi đó, cuốn Applied Cryptography (NXB Wiley, 1995) của ông vẫn luôn là nguồn kiến thức đáng tin cậy để tìm hiểu kỹ thuật mã hóa. Bruce cũng duy trì một blog tuyệt vời và một danh sách địa chỉ thư trên trang schneier.com/blog. Mật mã và bảo mật là địa hạt của những người không chuyên nhưng có tài, và phong trào “cypherpunk” (phong trào bẻ khóa đột nhập các hệ thống bảo mật máy tính) thì toàn trẻ em, người không đi làm, các bậc phụ huynh, luật sư và tất tần tật các thành phần khác, những người toàn tâm toàn ý nghiên cứu các giao thức và mật mã bảo mật.
  Cũng có vài tạp chí tuyệt vời viết về chủ đề này, nhưng hai ấn phẩm hay nhất là 2600: The Hacker Quaterly, với toàn các bút danh, biệt hiệu khoe khoang những tài khoản mà họ hack được, và MAKE của O’Reilly, có phần LÀM-THẾ-NÀO để giúp bạn tự xây dựng các dự án phần cứng tại nhà.
  Tất nhiên Internet thì tràn ngập tài liệu về chủ đề này. Freedom to Tinker (www.freedom-to-tinker.com) là trang blog của Ed Felten và Alex J Halderman, hai giáo sư chuyên ngành thiết kế công trình cực giỏi của trường Princeton. Họ đã viết rất rõ ràng và chi tiết về hoạt động bảo mật, nghe lén, công nghệ chống sao chép và mật mã.
  Đừng bỏ qua cuốn Feral Robotics của Natalie Jeremijenko ở UC San Diego (xdesign.ucsd.edu/feralrobots/). Natalie và sinh viên của cô đã nối lại dây những con chó robot đồ chơi của Toys R Us và biến nó thành máy dò chất thải độc hại. Họ cho chúng vào các công viên công cộng, nơi những công ty lớn xả rác thải và bày tỏ một cách thân thiện với giới truyền thông rằng đất ở đây đã bị nhiễm độc đến mức nào.
  Như đã được đề cập nhiều trong cuốn sách này, việc tạo đường hầm qua DNS là thật. Dan Kaminsky, một chuyên gia tạo đường hầm đẳng cấp cao, đã công bố chi tiết vào năm 2004 (www.doxpara.com/bo2004.ppt).
  Dan Gillmor là cây đại thụ của phong trào “báo chí công dân”, ông hiện đang điều hành Trung tâm Truyền thông Công dân ở Harvard và UC Berkeley, đồng thời là tác giả của một cuốn sách về đề tài này, có tên We, the Media (O'Reilly, 2004).
  Nếu bạn muốn biết thêm về cách hack thẻ RFID, hãy bắt đầu với bài viết của Annalee Newitz trong tạp chí Wired với nhan đề The RFID Hacking Underground (www.wirednews.com/wired/archive/14.05/rfid.htm. Cuốn Everyware của Adam Greenfield (New Riders Press, 2006) sẽ đem lại cho bạn một cái nhìn ớn lạnh về những mối nguy hiểm trong thế giới của những cái thẻ RFID.
  Phòng thí nghiệm chế tạo (Fab Lab) của Neal Gershenfeld ở MIT (fab.cba.mit.edu) đang hack “những máy in 3D” giá thành thấp và lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, chúng có thể moi được bất kỳ vật thể nào mà bạn mơ tới. Điều này được ghi lại trong cuốn sách tuyệt vời của Gershenfeld có tên Fab (Basic Books, 2005).
  Shaping Things của Bruce Sterling (MIT Press, 2005) đã chỉ rõ cách thức sử dụng thẻ RFID và các phòng thí nghiệm chế tạo để bắt các công ty phải làm ra những sản phẩm không gây độc hại cho thế giới.
  Nói về Bruce Sterling, anh là tác giả của cuốn sách tuyệt hay đầu tiên về hacker và luật pháp, The Hacker Grackdown (Bantam, 1993). Đây cũng là cuốn sách đầu tiên đồng thời được một nhà xuất bản lớn xuất bản và được công bố trên Internet (bạn có thể đọc trên stuff.mit.edu/hacker/hacker.html). Chính cuốn sách này đã đưa tôi đến với quỹ Electronic Frontier, nơi tôi có vinh hạnh được làm việc trong bốn năm.
  Tổ chức Tiên phong trong lĩnh vực Điện tử - Electronic Frontier Foundation (www.eff.org) là một tổ chức từ thiện theo chế độ hội viên, trong đó có cả sinh viên. Họ sử dụng tiền do các cá nhân gửi tới để đảm bảo an toàn cho quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, thủ tục pháp lý và phần còn lại của Luật Nhân quyền trên Internet. Họ là những chiến binh tự do hiệu quả nhất trên Internet, và bạn có thể tham gia cuộc chiến bằng việc đăng ký vào danh sách địa chỉ thư và viết thư cho những vị dân cử của mình nếu họ đang định rêu rao tên bạn dưới danh nghĩa chống khủng bố, nạn vi phạm quyền tác giả, mafia, hay bất kỳ tội danh nào mà họ đang quan tâm. EFF cũng giúp duy trì TOR, The Onion Router, một công nghệ thực tế mà bạn có thể sử dụng ngay bây giờ để thoát khỏi tường lửa kiểm duyệt của chính phủ, trường học hay thư viện (tor.eff.org).
  EFF có một website lớn, sâu rộng với kho thông tin đáng kinh ngạc hướng đến các độc giả bình thường. Bạn cũng có thể thấy điều này ở Hiệp hội Quyền Tự do Dân sự Hoa Kỳ - American Civil Liberties Union (aclu.org), Kiến thức cộng đồng - Public Knowledge (publicknowledge.org), FreeCulture (freeculture.org), Creative Commons (creativecommons.org) - tất cả đều cần sự hỗ trợ của bạn. FreeCulture là một phong trào sinh viên quốc tế tích cực tuyển chọn những thanh thiếu niên để tìm vấn đề địa phương ở các trường cấp ba và đại học. Đó là một cách tuyệt vời để tham gia và tạo nên sự khác biệt.
  Rất nhiều trang web ghi chép lại cuộc chiến bảo vệ tự do trên mạng, nhưng chỉ có một số thực sự tích cực như Slashdot, “Thông tin cho những kẻ mọt sách, những thứ thật sự quan trọng” (Slashdot.org).
  Và tất nhiên, bạn phải ghé thăm Wikipedia, bách khoa toàn thư tổng hợp được soạn bởi những thành viên trên mạng mà ai cũng có thể sửa, với hơn 1.000.000 bài viết chỉ tính riêng tiếng Anh. Wikipedia cũng đề cập đến hoạt động hacking và những văn hóa đi ngược lại với chuẩn mực thông thường của xã hội(1) ở một độ sâu sắc tuyệt vời, được cập nhật trong từng nano giây. Bạn cần lưu ý là không nên chỉ đọc các bài viết trong Wikipedia. Các đường dẫn “Lịch sử” và “Bàn luận” ở đầu mỗi trang Wikipedia cũng vô cùng quan trọng, chúng cho bạn biết quá trình hình thành của bài viết mà bạn đang đọc, giúp bạn đánh giá đúng mức các quan điểm có tính tranh luận ở đó và tự quyết định sẽ tin ai.
  Nếu bạn muốn tìm hiểu những thứ thực sự bị cấm, bạn phải vào Cryptome (cryptome.org), kho lưu trữ những bí mật, những thông tin được nén và giải ra tuyệt vời nhất thế giới. Những người điều hành dũng cảm của Cryptome đã dựa vào Đạo luật Tự do Thông tin để yêu cầu các tài liệu bị tịch thu của nhà nước, hoặc thu thập các thông tin bị rò rỉ bởi những người tố giác; sau đó công bố chúng.
  Không có gì phải bàn cãi, tác phẩn hư cấu vĩ đại nhất trong lịch sử ngành mã hóa chính là Cryptonomicon (Avon, 2002) của Neal Stephenson. Tác giả kể câu chuyện về Alan Turing và cỗ máy Enigma của phát xít Đức, biến nó thành một tiểu thuyết chiến tranh hấp dẫn mà một khi đã cầm lên, bạn sẽ không thể nào bỏ xuống được.
  Pirate Party được nhắc đến trong Đại chiến hacker cũng là một mạng có thật và hoạt động mạnh mẽ ở Thụy Điển (www.piratpartiet.se), Đan Mạch, Hoa Kỳ và Pháp trong thời gian cuốn sách được viết ra (tháng Bảy, 2006). Họ hơi cuồng nhiệt một chút, nhưng một phong trào có thể diễn ra dưới mọi hình thức.
  Nói về việc hơi điên rồ, Abbie Hoffman và các Yippie đã thực sự cố gắng làm bay Lầu Năm Góc, trút tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán và bắt tay với một nhóm có tên là Up Against the Wall Motherf—ers. Tác phẩm kinh điển của Abbie Hoffman về việc phá bỏ hệ thống, Steal This Book, đang được tái bản (Four Walls Eight Windows, 2002) và cũng đã xuất hiện trên mạng như một nguồn tham khảo cho người người muốn cập nhật nó (stealthiswiki.nine9pages.com).
  Hồi kí của Hoffman, Soon to Be a Major Motion Picture (cũng được xuất bản bởi Four Walls Eight Windows) là một trong những hồi ký yêu thích nhất của tôi, dù cho nó được hư cấu rất nhiều. Hoffman là một người kể chuyện vô cùng cuốn hút và có bản năng của một người hoạt động xã hội tuyệt vời. Nếu bạn muốn biết ông đã sống ra sao, hãy thử đọc cuốn Steal this dream của Larry Sloman (Doubleday, 1998).
  Để biết thêm nhiều thứ thú vị khác về văn hóa đối nghịch: Trên đường của Jack Kerouac có thể tìm thấy ở bất kỳ hiệu sách cũ nào chỉ với giá một hoặc hai đô. HOWL của Allan Ginsberg có ở nhiều nơi trên mạng, và bạn có thể nghe ông ấy đọc nó nếu bạn tìm bản MP3 ở archive.org. Bạn có thể nghe thêm album Tenderness Junction của nhóm Fugs, trong đó có một đoạn audio về lễ làm bay Lầu Năm Góc của Allan Ginsberg và Abbie Hoffman.
  Đại chiến hacker đã không thể được viết ra nếu không nhờ cuốn tiểu thuyết kỳ diệu có khả năng thay đổi thế giới 1984, cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất từng được xuất bản viết về việc các xã hội đã phạm phải sai lầm như thế nào. Tôi đọc nó khi mười hai tuổi và từ đó đến nay, tôi đã đọc đi đọc lại đến ba mươi hay bốn mươi lần, và mỗi lần, tôi lại học được thêm một điều gì đó từ nó. Orwell là bậc thầy kể chuyện và rõ ràng là ông phát ốm với nhà nước chuyên chế ở Liên bang Xô Viết. 1984 tới ngày nay vẫn được coi là một kiệt tác khoa học viễn tưởng, một trong những tiểu thuyết thay đổi cả thế giới. Ngày nay, “Chủ nghĩa Orwell” đồng nghĩa với tình trạng giám sát ở khắp mọi nơi, suy nghĩ nước đôi và tra tấn.
  Các phần trong Đại chiến hacker được xây dựng một phần nhờ vốn liếng vay mượn từ nhiều tiểu thuyết gia khác. Tuyệt tác truyện tranh xuất chúng của Daniel Pinkwater, Alan Mendelsohn: The Boy from Mars (hiện đang được in lại như một phần của bộ “5 tiểu thuyết”, NXB Farrar, Straus & Giroux, 1997) là cuốn truyện mà bất cứ ai đam mê các hoạt động trí não đều cần phải đọc. Nếu bạn đã từng cảm thấy bị cô lập vì quá thông minh hay quá kỳ quặc, HÃY ĐỌC CUỐN SÁCH NÀY. Nó đã thay đổi cuộc đời tôi.
  Gần hơn thì có tác phẩm So Yesterday (Razorbill, 2004) của Scott Westerfeld, viết về những cuộc phiêu lưu của đám người đi săn lạnh lùng và những kẻ quấy rối theo tư tưởng văn hóa đối nghịch. Scott và vợ anh, Justine Larbalestier, cũng như Kathe Koja, đã đem lại một phần cảm hứng để tôi viết một cuốn sách cho những người trưởng thành trẻ tuổi. Cảm ơn các bạn!
  Chú thích:
  1. Thường gọi tắt là “văn hóa đối nghịch”, hoặc phản văn hóa (counter-culture).