- 2 -


- 6 -
CUỘC SĂN

Nguyên tác: ( THE KILL by PETER FLEMMING)

     rong căn phòng đợi lạnh lẻo ở một nhà ga xe lửa nhỏ miền Tây nước Anh có hai người đàn ông đang ngồi chờ. Họ đã ngồi đó một tiếng đồng hồ rồi và có lẽ sẽ còn ngồi lâu nữa. Bên ngoài sương mù dầy đặc và chuyến xe lửa họ chờ đã bị đình lại không biết đến khi nào.
Phòng đợi trống rổng và kém thân thiện. Một bóng điện trần trụi cho nó chút ánh sáng mờ ảo. Một mảnh giấy đề CẤM HÚT THUỐC đặt trên bệ lò sưởi và nếu quay sang mặt kia thì nó cũng mang hàng chữ như thế. Một bản in điều lệ có liên quan đến cơn sốt heo năm 1924 được gắn một bên tường, gần nhưng không hẳn là ngay giữa tường. Lò sưởi phát ra hơi nóng càng lúc càng gia tăng. Ánh sáng nhạt rọi lên khung cửa sổ đen ngòm cho thấy người ta có thấp một ngọn đèn trên sàn nhà ga bên ngoài trong sương mù. Đâu đó có tiếng nước nhỏ giọt trên sắt.
Hai người đàn ông ngồi đối diện nhau trước lò sưởi trên những chiếc ghế bằng gỗ cứng nhắc. Họ chỉ mới gặp nhau vì cùng chờ chung chuyến tàu. Qua vài câu họ đối đáp nhau thì có lẽ họ sẽ không bao giờ trở nên bạn hữu.
Người trẻ tuổi hơn cảm thấy bực bội không phải vì sự bất tiện của phòng đợi mà vì sự kém thân thiện giữa họ. Thái độ của anh đối với người chung quanh vừa mới trải qua một sự thay đổi từ chủ quan sang khách quan.
Có một cái gì rất thu hút nơi con người ngồi trước mặt anh. Mặc dầu thấp hơn chiều cao trung bình nhưng người lạ lại có cái vẻ thon gọn giúp cho ông ta như cao thêm vài phân nữa. Ông ta mặc một cái áo khoác ngoài dài màu đen, rất nhàu nát, giày thì bết đầy bùn. Da mặt ông ta không có vẻ nhợt nhạt nhưng là một màu vàng sậm ngả sang màu xám. Cái mũi nhọn và cái cằm hẹp, những vết nhăn sâu chạy dài từ hai gò má cao xuống cằm tạo cho ông ta một cái vẻ như cười mặc dầu cặp mắt sâu màu mật của ông ta không có vẻ gì là cười cả. Điều đáng chú ý nhất trên mặt ông ta là sự không cân đối của nó. Người lạ đội một cái mũ nồi có vành rất hẹp phía sau đầu mà nếu dùng chữ lệch thông thường thì không thể diễn tả đúng độ nghiêng của nó. Nó được đội chụp vào phía sau sọ như theo một thói quen thiêng liêng vậy, và cái mặt thỏn chường ra một cách dữ tợn dưới bộ dạng hờ hững.
Nhìn toàn diện ông ta có vẻ kỳ dị hơn là xa cách. Việc ông ta đội nón một cách kỳ cục cũng là một cách giải thích gián tiếp rồi, giống như một con vật đang trình diễn một trò hề vậy. Như  thể ông ta là một con vật xa xưa nào đó mà ngay cả khỉ đột đội mũ nồi cũng chỉ là con vật tầm thường. Ông ta ngồi hai vai rút lại và hai bàn tay đút vào hai túi áo khoác. Cái tư thế không thoải mái đó của ông ta không hẳn là do chiếc ghế quá cứng mà do đó là một chiếc ghế thì đúng hơn.
Anh thanh niên nhận thấy ông ta không thích nói chuyện lắm. Anh gợi chuyện liên tục, uyển chuyển về mọi vấn đề nhưng vẫn không làm ông ta bộc lộ điều gì cả. Những câu trả lời dè dặt, vừa đủ cũng đã cho thấy một sự phản đối có hiệu quả hơn cả sự cau có. Chỉ trừ lúc phải trả lời anh, còn thì ông ta không nhìn anh, và khi ông ta nhìn thì mắt ông ta đầy một vẻ lý thú khó hiểu. Thỉnh thoảng ông ta có mỉm cười nhưng lại không do một nguyên nhân nào cả.
Nhìn lại giờ vừa qua anh nhận thấy mọi cố gắng gợi chuyện của mình đều vô hiệu, giống như một toán quân tấn công và bị đánh bật ra. Nhưng tánh cương quyết, óc tò mò và sự cần thiết để giết thì giờ đã không cho anh chấp nhận sự thất bại của mình.
Nếu ông ta không nói, anh nghĩ, thì mình sẽ nói, âm thanh tiếng nói của mình dầu sao cũng dể chịu hơn là sự im lặng. Mình sẽ kể ông ta nghe chuyện vừa mới xảy ra cho mình…Thật là một chuyện khác thường! Mình sẽ ráng kể thật hay và mình sẽ rất ngạc nhiên nếu câu chuyện không làm cho ông ta kinh ngạc đến nổi phải bộc lộ con người thật của ông ta ra. Ông ta là một người khó hiểu và ông ta  đã làm cho mình tò mò quá đổi.
Và anh nói lớn, giọng thu hút, hoạt bát.  
 -Hình như ông có nói ông là một thợ săn?
Người đàn ông nhướng cặp mắt màu mật lanh lẹ lên. Cặp mắt chiếu những tia thú vị không hiểu nổi. Không trả lời, ông ta lại hạ mắt xuống nhìn ngắm những hột ánh sáng nhỏ nhắn hắt qua tấm vỉ sắt của lò sưởi  rơi trên vạt áo khoác của ông ta.Rồi ông ta đáp bằng một giọng khàn khàn,
-Tôi đến đây để đi săn.
-Nếu vậy, anh nói, chắc ông có nghe nói đến đàn chó săn của Bá tước  Fleer? Chuồng của chúng ở cách đây không xa.
-Tôi biết chúng. Ông ta đáp.
-Tôi vừa mới ở đó.  Anh nói, -Bá tước Fleer là chú tôi.
Ông ta nhìn lên, mỉm cười và gật đầu, vẻ trỏng lơ của một người ngoại quốc không hiểu người ta nói gì với mình.
Anh cố nhẫn nại nói tiếp bằng giọng khá cương quyết hơn khi nãy.
-Ông có vui lòng nghe một câu chuyện mới và đáng chú ý về chú tôi không? Chuyện mới xảy ra hai ngày nay và ngắn lắm?
Như từ một trò vui dấu kín nào đó, cặp mắt lanh lẹ kia có vẻ mỉa mai sự cần thiết phải có một câu trả lời rõ rệt. Một lúc lâu sau ông ta đáp.
-Vâng, tôi sẳn lòng.
Giọng nói vô hồn có vẻ như là một sự giả vờ, một sự miễn cưỡng để lộ mối quan tâm nhưng đôi mắt của ông ta lại cho thấy mối quan tâm đó nằm ở một nơi nào khác.
-Tốt lắm. Anh thanh niên nói. Rồi kéo ghế đến gần lò sưởi hơn một chút, anh bắt đầu kể.
-Chắc ông cũng biết, chú tôi, Bá tước Fleer, sống một cuộc đời về hưu nhưng  rất hoạt động. Nếu là ở thế kỷ 18, lúc người Anh đầu tiên biết đến sự cô độc thì trường hợp của chú sẽ được coi là kém xã giao. Nếu là ở thế kỷ 19 thì những người không biết rõ chú sẽ nghĩ  rằng chú lãng mạn. Ngày nay thì thái độ của chú đối với sự ồn ào của cuộc sống tân tiến lại quá tiêu cực không gây được một lời bình phẩm nào, họ chỉ coi chú như là một con người kỳ lạ. Dầu vậy bây giờ nếu chú có dính líu vào một biến cố tai hại hoặc tai tiếng nào thì báo chí sẽ bêu rếu chú là “một nhà ẩn dật có chức tước”.
Sự thật là chú tôi đã khám phá ra cái triết lý tự mình là đủ. Là một người có những ý thích rất đơn giản, không có quá nhiều tưởng tượng, chú thấy không có lý do gì phải gạt bỏ những phong tục đã có tự lâu đời. Chú sống ở lâu đài của mình ( có thể nói là rộng rãi, thênh thang hơn là tiện nghi), điều hành những công việc về đất đai với số lợi tức nhỏ, cưỡi ngựa thật nhiều và đi săn mỗi khi có thể. Chú không bao giờ gặp gỡ các người láng giềng trừ phi là tình cờ, vì vậy khiến cho họ nghĩ chú chắc có hơi điên. Nếu chú ấy có điên thì ít nhất chú cũng có thể tự hào rằng mình đã tự tạo một nhà giam riêng cho mình rồi.
Chú tôi không có vợ. Là con một của người anh duy nhất của chú, tôi lớn lên với niềm tin mình sẽ là người thừa hưởng gia tài của chú. Tuy nhiên, khi chiến tranh xảy đến thì một việc không ngờ đã xảy ra.
Trong biến cố quốc gia đó, chú tôi dĩ nhiên là quá già không phục vụ trong quân đội được. Chú lại tỏ ra kém tinh thần công dân đến nổi mất thiện cảm của người địa phương rất nhiều. Thoạt đầu chú không nhận ra là có chiến tranh hoặc giả có nhận ra thì chú cũng không để lộ dấu hiệu nào cho thấy là chú có nhận ra cả. Chú tiếp tục sống một cuộc đời đầy sinh động nhưng có hơi không thích hợp với thời cuộc lúc đó. Dần dà chú nhận thấy mình bắt buộc phải mướn những người phụ săn lớn tuổi và không mấy can đảm khi gặp phải khó khăn trong cuộc săn, nhưng chú vẫn cố gắng lo ngựa đầy đủ cho họ và cứ một tuần hai lần vào mùa săn chú mang theo hai con ngựa tự mình đi săn chồn. Chắc ông cũng biết đó là môn thể thao quen thuộc nhất của vùng Fleer này?
Khi giới chức địa phương đến gặp chú tôi nói rằng đã đến lúc chú phải làm một điều gì để giúp ích cho xứ sở hơn là chỉ tiêu diệt giống vật phá hại bằng phương pháp đắt tiền thì chú tôi rất đồng ý. Chú nói rằng bây giờ thì chú nhận ra mình  đã đứng ngoài lề cuộc vật lộn của một đất nước đang phát triển bởi chú không bao giờ đọc báo. Ngày hôm sau chú gửi thư đến Luân Đôn yêu cầu gửi cho chú một số báo Times và một dân tị nạn người Bỉ. Chú nói đó là điều nhỏ nhặt nhất chú có thể làm được. Tôi nghĩ chú đã nói đúng.
Người Bỉ tị nạn đó hóa ra là một cô gái và…rất ngốc nghếch. Không ai biết được cá tính đó là do chú tôi tạo ra hay là bẩm sinh. Dầu sao cô ta cũng đến cư ngụ tại Fleer. Cô ta là một thiếu nữ 25 tuổi, nặng nề, cục mịch, có một gương mặt láng bóng và những cọng lông đen ngắn trên mu bàn tay. Cô ta ăn rất nhiều, ngủ dễ dàng và tắm vào mỗi ngày Chúa nhật, chỉ bỏ thói quen đó khi bà quản gia là người bắt buộc điều đó bận đi nghĩ lễ. Hầu hết thì giờ cô ta dùng để ngồi trên ghế trường kỷ hoặc trên ban-công trước phòng ngủ của cô ta với tờ “Chinh phục Mễ Tây Cơ” của Prescott mở rộng trên đùi. Hoặc là cô ta đọc rất chậm hoặc là chẳng đọc gì cả vì theo tôi biết cô ta luôn cầm tờ đó suốt 11 năm. Tôi nghĩ rằng đầu óc cô ta thuộc loại thích suy niệm.
Theo tôi thì cái điều lạ lùng và kém may mắn trong hành động yêu nước của chú tôi là càng ngày chú càng gia tăng mối cảm tình với sinh vật đáng ghét ấy, có lẽ vì chú  chỉ gặp cô ta vào mỗi bửa ăn, lúc mà gương mặt cô ta có vẻ sáng sủa hơn các lúc khác. Thái độ của chú đối với cô ta thay đổi từ lạnh lùng, dửng dưng sang lịch sự và từ lịch sự sang tình cha con. Và sau khi chiến tranh chấm dứt thì việc trả cô ta về  Bỉ không còn nhắc tới nữa. Rồi một hôm vào năm 1919, tôi được tin không thể nào tha thứ được là chú tôi đã chính thức nhận cô ta làm con nuôi và đang sửa lại di chúc để gia tài lại cho cô ta.
Tuy nhiên, thời gian đã làm cho tôi khuây khỏa việc bị truất phần gia tài vì một sinh vật mà ngoài các bửa ăn không thể nào được coi là có hồn. Tôi vẫn tiếp tục thăm viếng chú tôi hàng năm và cùng ông cưỡi ngựa theo sau các con chó săn to lớn qua các vùng đồi xám sẫm mà vì không còn được thừa hưởng nửa, tôi mới thấy thật là hùng vĩ và đẹp đẽ biết bao!
Tôi về đây cách nay 3 ngày, định bụng ở lại một tuần. Tôi nhận thấy chú tôi, một người cao lớn, đẹp lão với bộ râu hàm vẫn đầy đủ sức khỏe và phong độ như ngày nào. Người Bỉ thì vẫn cho tôi cái cảm tưởng là cô ta vô tri giác trước tình cảm, bệnh hoạn hay bất cứ việc gì. Kể từ khi cô ta đến ở với  chú tôi thì cô ta ngày càng mập ra và bây giờ thì đã có một thân hình khá đồ sộ.
Vào bữa cơm tối ngày tôi mới về đến, tôi nhận thấy chú tôi có vẻ như bị bệnh, rõ ràng là chú có điều gì bận tâm. Sau cơm tối chú bảo tôi đến phòng làm việc gặp chú. Tôi thấy chú có vẻ bối rối.
Trên tường phòng làm việc của chú treo đầy bản đồ và các loại chồn, cáo dồn rơm. Phòng rải rác nào giấy tờ, sách báo, tranh ảnh, các bao tay cũ, các bẫy chuột, các vật hóa thạch, vỏ đạn và lông chim dùng để lau chùi ống điếu. Trước kia tôi chưa bao giờ đặt chân vào phòng làm việc của chú.
Ngay khi tôi vừa đóng cửa phòng lại thì chú tôi nói:
-Paul, chú lo lắng lắm.
Tôi liền tỏ bộ rất quan tâm. Chú nói tiếp:
-Hôm qua người mướn đất đã đến gặp chú. Ông ta là một người đàng hoàng, canh tác một mảnh đất về phía bắc khu đất nhà của mình. Ông ta cho biết là đã bị mất hai con cừu một cách mà ông ta không làm sao giải thích được. Ông ta cho rằng chúng đã bị một con vật rất hung tợn giết.
-Hay là loài chó hoang? Tôi hỏi. Chú tôi lắc đầu.
-Ông ta đã từng thấy cừu bị chó hoang giết.  Ông ta nói rằng nếu là chó thì chúng sẽ gí mấy con cừu vào một góc rồi xé nát thịt, gặm các chân chứ không giết gọn ghẽ  như vậy. Hai con cừu này bị giết rất gọn ghẽ, chính mắt chú đã thấy. Cổ họng chúng bị xé toát ra, chúng không bị cắn hay gặm gì cả. Cả hai con cừu đều chết ở giữa trảng trống chứ không phải ở một góc xó nào. Con vật đã giết chúng phải mạnh hơn và khôn ngoan hơn một con chó hoang nhiều cháu à.
-Hay đó là con vật xổng chuồng của một gánh xiếc lưu động?  Tôi nói. Chú tôi trả lời.
-Ở đây không có hội chợ nào cả, và các gánh xiếc loại đó cũng hiếm khi đến vùng này.
Chúng tôi im lặng một lúc. Trong khi chờ chú giải thích thêm về sự việc đó, tôi phải tỏ ra quan tâm hơn là tò mò. Tôi không thể hiểu nổi tại sao chú lại đau khổ về việc hai con cừu bị giết như thế?! Chú do dự một chút rồi lại tiếp tục:
-Sáng nay lại có một con bị giết nữa ở trại nhà, cũng bị giết y như vậy.
Không biết nói sao hơn, tôi đề nghị lùng đập các bụi rậm ở gấn nhà, không chừng…Chú tôi cắt ngang.
-Chú đã cho lùng khắp các rừng cây.
-Không tìm thấy gì cả à?
-Không thấy gì cả ngoại trừ một ít dấu vết.
-Dấu vết ra sao?
Mắt chú tôi bổng long lanh, chú quay mặt sang bên và nói chậm rãi.
-Dấu vết của một người đàn ông.
Trong lò sưởi một khúc củi rơi xuống, im lặng bao trùm. Cuộc nói chuyện dường như đem lại cho chú tôi nổi đau đớn hơn là nhẹ nhõm. Tôi quyết định tỏ thật nổi tò mò của mình. Lấy hết can đảm tôi hỏi chú.
-Điều gì đã làm cho chú lo lắng? Ba con cừu của những người mướn đất dù chết một cách lạ lùng thì điều bí mật đó chẳng bao lâu cũng sẽ được khám phá ra. Con vật đã giết chúng cho dầu là giống vật gì thì chỉ trong ít ngày nữa cũng sẽ bị tìm ra hoặc bị bắt, bị giết hoặc bị đánh đuổi đi xa. Bất quá thì một, hai con cừu nữa bị giết mà thôi.
Tôi vừa nói xong thì chú nhìn tôi vẻ âu lo như thể mình là kẻ tội phạm. Tôi nhận ra hình như chú muốn thú nhận một điều gì. Chú nói:
-Ngồi xuống đi, Chú muốn kể cho cháu nghe một chuyện.
Đây là câu chuyện chú tôi kể.
-Cách nay 1/4 thế kỷ chú có thuê một người quản gia. Chú thuê ngay người đầu tiên đến xin việc. Cô ta là một phụ nữ vùng biên giới Welsh, có dáng cao, da ngâm đen và cặp mắt xếch, trạc 30 tuổi.
Chú không nói đến tánh tình cô ta nhưng cho biết dường như cô ta có một thứ quyền lực gì vậy. Cô ta đến ở Fleer được vài tháng thì chú tôi bắt đầu chú ý đến cô ta thay vì coi cô ta như bao nhiêu người khác. Cô ta thích được chú ý đến.
Một hôm cô ta đến cho chú tôi biết là đã có thai với chú. Được tin ấy chú vẫn bình thản mãi đến khi biết rằng cô ta muốn chú phải cưới mình làm vợ thì chú nổi giận và gọi cô ta là một con điếm. Chú bảo cô ta phải rời lâu đài sau khi sinh đứa bé. Thay vì than khóc hoặc năn nỉ, cô ta lại lầm bầm trong miệng bằng tiếng vùng Welsh, nhìn xéo chú tôi với vẻ thú vị khiến chú đâm sợ. Chú cấm không cho cô ta đến gần chú nữa mà phải mang đồ đạc đến ở một góc bỏ trống của lâu đài, rồi ông thuê một người quản gia khác.
Sau đó một đứa bé được sinh ra. Người ta đến cho chú tôi biết là cô ta sắp chết và cứ luôn miệng đòi gặp chú. Vừa lo sợ vừa buồn rầu, chú đi qua các dãy hành lang mà đã lâu rồi chú không hề đặt chân đến để tới phòng cô ta. Khi trông thấy chú cô ta bắt đầu lắp bắp một cách kỳ lạ mắt không rời khỏi chú, dường như cô ta đang lặp lại một bài học. Rồi cô ta dừng lại và bảo người ta mang đứa bé đến cho chú coi.
Đó là một bé trai. Chú tôi nhận thấy bà mụ bồng nó một cách miễn cưỡng có vẻ gần như là ghê tởm. Người hấp hối cất tiếng khàn khàn run rẩy nói:
-Nó là kẻ thừa kế của ông, tôi đã bảo cho nó biết nó sẽ phải làm gì. Nó sẽ là đứa con có hiếu với tôi và sẽ hiểu rõ quyền thừa kế của nó.
Rồi cô ta bắt đầu nói liên miên, nhảm nhí về một lời nguyền đã được đặt vào đứa bé. Lời nguyền đó sẽ rơi xuống đầu bất cứ kẻ nào mà chú tôi chọn làm thừa kế. Sau cùng tiếng cô ta rời rạc nhỏ dần và cô ta té vật xuống, hết hơi sức, mắt trợn trừng.
Khi chú tôi quay lưng đi thì bà mụ thì thầm bảo chú hãy nhìn xem hai bàn tay đứa bé. Bà nhẹ nhàng gở hai nắm tay nhỏ nhắn, yếu ớt của đứa bé ra và chỉ cho chú tôi thấy trên mỗi bàn tay ngón thứ ba dài nhiều hơn ngón thứ hai.
Đến đây tôi ngắt quãng, câu chuyện này có vẻ kỳ quặc, có lẽ vì ảnh hưởng của nó đối với chú tôi. Chú có vẻ sợ hãi và ghê tởm những điều chú kể với tôi. Tôi hỏi:
-Như vậy có nghĩa là gì? Ngón thứ ba dài nhiều hơn ngón thứ hai là sao?
-Phải một thời gian khá lâu chú mới hiểu được điều đó. Các gia nhân thấy chú không biết nên cũng không nói. Sau cùng chú biết được nhờ vị bác sĩ quen đã hỏi khéo một bà già trong làng. Bà ta nói những kẻ sinh ra với ngón tay thứ ba dài nhiều hơn ngón thứ hai sau này sẽ trở thành người sói.
Chú tôi khoát tay ra vẻ không tin.
-Đó là sự mê tín của người dân bình dị vùng này.
Tôi không giữ được sự ngạc nhiên.
-Nhưng như vậy có nghĩa là gì?
Chú tôi trả lời.
-Người sói là một con người mà thỉnh thoảng trở thành một con sói, hoàn toàn là sói. Sự thay hình đổi dạng này xảy ra vào ban đêm. Người sói giết người và thú vật rồi hút máu. Nó thích giết đàn ông hơn đàn bà. Trong suốt thời kỳ Trung cổ cho đến thế kỷ thứ 17 có rất nhiều trường hợp này, nhất là ở Pháp. Nhiều đàn ông và phụ nữ bị xử tử vì những gì họ đã làm khi trở thành thú vật. Giống như các phù thủy, họ rất ít khi được tha thứ. Nhưng cũng không giống như các phù thủy vì hiếm khi họ bị xử lầm.
Chú tôi ngừng một chút rồi giải thích.
-Chú đã tra cứu các sách cổ và đã viết thư cho một nhà chuyên môn nghiên cứu về vấn đề này ở Luân Đôn ngay khi chú biết được những điều người ta tin về đứa bé.
-Rồi đứa bé đó ra sao hả chú?  Tôi hỏi.
-Vợ của một gia nhân đem nó về nuôi. Bà ấy là một phụ nữ khỏe mạnh ở miền bắc, rất mong có dịp để chứng tỏ cho dân làng thấy là bà ấy không tin những điều dị đoan, mê tín đó. Thằng bé sống với gia đình đó đến năm 10 tuổi rồi bỏ đi. Chú không nghe nói gì đến nó mãi…Chú liếc nhìn tôi vẻ bối rối…tới ngày hôm qua.
Chúng tôi ngồi im lặng một lúc nhìn ngọn lửa lò sưởi. Tôi hoàn toàn bị câu chuyện thu hút và không còn tâm trí để giải tỏa nổi sợ của chú tôi vì chính tôi cũng hơi sợ hãi. Cuối cùng tôi nói.
-Chú cho rằng con trai chú, người sói, đã giết các con cừu?
-Phải. Hoặc là nó muốn khoe khoang hoặc là nó cảnh cáo, hay cũng có thể nó tỏ sự bực bội sau một đêm đi săn thất bại.
-Thất bại?
Chú nhìn tôi với đôi mắt bối rối. Chú nói một cách khó khăn.
-Mục đích của nó không phải là những con cừu.
Lúc đó tôi mới nhớ ra lời nguyền của người đàn bà Welsh. Vậy là cuộc săn đã bắt đầu và con mồi là người thừa kế của dòng họ Fleer. Tôi bổng thấy mừng là mình đã bị mất quyền thừa kế.
Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, chú tôi nói.
-Chú đã bảo Germaine đừng đi ra ngoài khi trời tối.
Germaine là tên người Bỉ, cô ta cũng có tên khác là Vom. Thú thật là tôi rất giàu tưởng tượng và đã trãi qua một đêm không mấy an lành. Ngay cả sự mệt mỏi và trí khôn ngoan cũng không giữ tôi khỏi tưởng tượng ra hình dáng ghê sợ của con người đó đang lẩn lút trong bóng đêm ngoài cửa sổ. Tôi thấy mình đang cố lắng nghe xem có tiếng bước chân dẫm  trên đám lá lạnh bên ngoài không.
Không biết có phải tôi nằm mơ hay không nhưng có một lần trong đêm tôi nghe có tiếng chó tru. Sáng hôm sau trong lúc mặc đồ tôi nhìn qua cửa sổ thấy một người đàn ông trông giống một người chăn chiên đang bước nhanh trên lối đi, một con chó đi theo chân ông ta với vẻ nghi ngại. Lúc ăn sáng chú tôi nói một con cừu nữa đã bị giết ngay trước mặt người chăn cừu, giọng chú hơi run. Chú lo lằng nhìn Germaine. Cô ta đang ăn súp trong dĩa một cách tham lam.
Sau bữa ăn sáng chúng tôi quyết định mở một cuộc săn lùng. Suốt ngày chúng tôi cả thảy 30 người đàn ông đóng trong rừng cây, lớp cưỡi ngựa lớp đi bộ. Gần chổ cừu bị giết các con chó đánh hơi được và đuổi theo khoảng hơn hai dặm nhưng đến đường rầy xe lửa thì mất dấu. Chổ đó đất quá cứng không để lại dấu vết nào, mọi người cho rằng có lẽ chỉ là chồn hay cáo thôi.
Cuộc lùng tìm này dù sao cũng giúp chúng tôi rãn được gân cốt, nhưng càng về chiều chú tôi càng lo lắng. Hoàng hôn đã xuống và bầu trời đầy mây mà chúng tôi hãy còn cách Fleer khá xa. Chú tôi bảo mọi người dựng trại nghỉ đêm, còn chú và tôi thì quay đầu ngựa về nhà.
Chúng tôi tiến về lâu đài bằng con đường mòn phía sau, con đường này rất ít khi dùng đến. Đây là một lối mòn ẩm ướt, âm u, hai bên rợp bóng thông già và cây nguyệt quế. Dưới vó ngựa chúng tôi là những hòn sỏi đóng một lớp rêu dầy, hơi thở của những con ngựa như một làn hơi quyện lại trong bầu không khí bất động.
Chúng tôi còn cách cổng dẫn đến chuồng ngựa khoảng 300 dặm thì bổng hai con ngựa dừng phắt lại, đầu chúng quay về khu vườn cây bên phải chúng tôi mà tôi biết rằng qua khu vườn đó là tới lối đi chính. Chú tôi la lên một tiếng ngắn như biết trước điều chưa thấy, cùng lúc đó có tiếng tru ở phía bên kia khu vườn cây, một thứ tiếng như cười cợt nghe ghê rợn. Nó tru to lên rồi nhỏ dần rồi lại to lên và nhỏ dần trong đêm, xong nó từ từ tắt lịm trong cổ họng như tiếng nấc nghẹn.
Sau đó là cả một sự im lặng nặng nề nhưng trong đầu chúng tôi thì tiếng tru đó vẫn như còn vang dội. Chúng tôi nghe tiếng chân chạy trên lối đi chính, tiếng chạy của hai bàn chân người.
Chúng tôi nhảy xuống ngựa và chạy bổ vào khu vườn cây, tôi chạy theo sau. Chúng tôi trèo xuống một bờ đất thì đến một trảng trống, nơi đó chúng tôi nhìn thấy một thân người bất động.
Germaine Vom nằm co quắp trên lối đi, một khối đen trong bóng đêm, chúng tôi chạy về phía đó.
Đối với tôi cô ta lúc nào cũng chỉ là một con số không hơn là một con người thật sự. Tôi không thể nào mà không so sánh rằng cô ta đã chết cũng như đã sống như một gia súc. Cổ họng cô ta bị xé toạc ra.
Anh thanh niên dựa lưng vào ghế, hơi chóng mặt một chút vì nói nhiều và vì hơi nóng từ lò sưởi. Sự bất tiện của phòng đợi mà anh đã quên trong lúc kể chuyện lại một lần nữa làm anh khó chịu. Anh thở dài và mỉm cười với người lạ. Anh nói.
-Đó là một câu chuyện man rợ và khó có thật. Tôi không mong là ông sẽ tin hết câu chuyện đó, nhưng có lẽ đối với tôi thì kết quả thực tế của nó khiến tôi khó nghi ngờ được. Chắc ông thấy rõ là cái chết của cô Germaine khiến tôi trở nên người thừa kế của dòng họ Fleer?
Người lạ chầm chậm nở một nụ cười nhưng không còn là một cái cười vô hồn nữa, đôi mắt màu mật của ông ta sáng lên. Bên trong cái áo khoác dài màu đen thân hình của ông ta như vươn lên một cách khoái trá. Ông ta chầm chậm đứng lên.
Anh thanh niên bổng nghe một cơn sợ lạnh buốt đâm vào da thịt. Có một cái gì đằng sau đôi mắt sáng đó như đe dọa anh, giống như một lưỡi gươm đâm vào tim. Anh toát mồ hôi và không dám cử động.
Người lạ toát miệng cười, mặt nhăn nhúm lại, mắt ông ta long lên cách khoái trá, một sợi nước miếng chảy xuống từ khóe miệng ông ta. Rất chậm rãi ông ta đưa một tay lên nhấc chiếc mũ nồi xuống. Anh thanh niên nhìn thấy nơi bàn tay cầm nón của ông ta, ngón thứ ba dài nhiều hơn ngón thứ hai.
Xong ngày 26/7/1982
Hoàng_Yến