Phiên dịch: Lý Quốc Sỉnh
Chương VI

     hiếc xe chở đồ sơn đỏ từ từ chạy ngang qua thành phố. Với những khóa to tướng, với các cửa nhồi bông và cài then chặt chẽ, xe mang mỗi bên hông cùng một hàng chữ đen: Göros huynh đệ, Budapest, chuyên chở mọi loại. Xe không ngừng lại nữa. Từ một khuôn tròn khoét trên cao sát mái, thò ra một đầu người láo liên ngó thật kỹ lưỡng tứ phía rồi, chốc chốc, lại cúi xuống chắc để báo hiệu điều gì. Cái đầu ấy thấy nào quán cà phê ánh đèn rực rỡ, nào cửa hàng kem, nào người y phục mùa hè. Đột nhiên nó đặc biệt chú ý đến một chiếc xe chở đồ sơn xanh đang như muốn lợi dụng chiều rộng của đại lộ để qua mặt xe đó mà chưa nổi.
Tài xế xe cam nhông xanh này mặc quân phục xám. Một người khác ngài cạnh cũng mặc quân phục xám và gác một khẩu tiểu liên trên đùi nhưng khuôn cửa thượng của xe xanh này được đan dây thép gai chằng chịt. Tài xế bóp còi inh ỏi sau xe cam nhông đỏ đang cà tịch cà tàng tiến qua thành phố. Và mãi đến một ngã tư rộng ở đó mặt đường loe hẳn ra, xe cam nhông xanh mới vọt được qua mặt xe đỏ. Người nhòm qua cửa thượng xe đỏ để ý thấy xe xanh đang tiến vào một đại lộ đưa lên phía Bắc trong khi xe hắn đi về hướng Nam, hay cũng na ná hướng ấy. Vẻ mặt hắn mỗi lúc một trở nên nghiêm trọng. Người hắn thấp bé, mảnh dẻ. Nét mặt hắn khá già dặn. Và khi xe cam nhông đỏ đi thêm được một quãng, hắn cúi đầu hét xuống bên dưới: “Hình như mình đang rời thành phố, nhà cửa thưa dần rồi”. Một tiếng ù ù từ dưới đưa lên làm câu trả lời, nửa nghe như tiếng làu nhàu, nửa nghe như tiếng la hét. Và chiếc xe cam nhông đỏ vọt lên nhanh hơn nữa, nhanh hơn người ta có thể tưởng nó chạy nổi. Đường vắng teo và tối sẫm, không khí phảng phất quanh các cành cây rậm lá ẩm ướt và nặng nề, dịu êm một cách nhạt nhẽo. Hắn cúi xuống kêu lên: “Không còn thấy nóc nhà nào, đường lớn, hướng nam”. Tiếng gào bên dưới lại dữ dội thêm, chiếc xe vọt nhanh hơn nữa. Người đứng gác ở cửa thượng đã mệt rồi! Xe chạy đã từ lâu, anh thì đứng trên hai vai hai chú bộ binh cao thấp không điều khiển anh càng mệt thêm. Tư thế đứng này không còn làm anh khoái tỉ nữa. Nhưng vì anh nhỏ nhắn, gầy còm nhất đám nên anh em đã chỉ định anh lên bên trên quan sát. Một lúc lâu, anh chẳng thấy có gì lạ, một lúc có vẻ thực lâu và khi những người đứng dưới kéo chân anh hỏi xem có gì khác thì anh đáp chẳng có khỉ khô gì, rằng anh chỉ thấy hai bên đường có cây và những cánh ruộng tối sầm. Rồi anh thấy hai anh binh sĩ đứng cạnh một xe máy dầu với chiếc đèn bấm loang loáng chạy trên mặt một tờ bản đồ, khi thấy chiếc cam nhông lớn tới gần thì ngửng đầu lên. Rồi lại một lúc chẳng có gì cho đến khi xe cam nhông vượt qua một đoàn xe thiết giáp đang đậu. Một trong những xe này chắc bị trục trặc vì như có ai đang nằm dài bên dưới sườn xe và một ai khác đang loay hoay quanh xe với một ngọn đèn khí đá. Nhà cửa nông dân diễu qua thật nhanh, đen xì và bên hông trái xe, bây giờ, có một đoàn cam nhông chạy thật lẹ, qua mặt xe này. Rồi đến một viên nữa, xe nhỏ xám có cắm một lá cờ Thiếu tá. Xe của Thiếu tá phóng lại còn dữ hơn các cam nhông kia. Gần một trang trại, lính ngồi lê la, toàn lính bộ binh. Họ đều có vẻ mệt nhoài. Nhiều người trong bọn nằm dài ra đất, hút thuốc lá. Rồi xe đỏ đi qua một làng và, chỉ ít phút sau, người đứng canh bên trên nghe tiếng pháo đầu tiên. Tiếng nổ phát xuất từ một dàn đại pháo đặt bên phải con đường. Những chiếc ống lớn giương lên, cứng nhắc và đen xì trên một nền trời xanh thẫm và miệng súng đỏ ngầu màu máu phun ra những tia lửa hắt những tia phản chiếu hồng nhạt lên mặt tường một trang trại gần kề. Người canh chừng đâm run: anh chưa từng nghe súng nổ, anh sợ quá. Vốn mắc bệnh đau dạ dầy, một chứng đau dạ dày nặng, Trung sĩ Finck, quản lý câu lạc bộ một quân y viện lớn trên sông Danube, đã lập tức cảm thấy áy náy khi vị y sĩ trưởng phái anh sang Hung Gia Lợi với nhiệm vụ là mang rượu Tokai chính hiệu về rượu mùi, rượu sâm banh nhưng phải là Tokai và càng nhiều càng tốt! Nhiệm vụ chỉ có thế nhưng phải là ở tận Hung Gia Lợi mới được! Khổ một nỗi là trong khắp quân y viện chỉ có độc một người được coi như đầy đủ khả năng phân biệt nổi rượu Tokai giả với rượu Tokai thực và người đó chính là anh, Trung sĩ Finck. Thêm nữa phải đến chính đất Tokai mới có mọi hy vọng kiếm được rượu Tokai chính hiệu. Thượng cấp anh, Đại tá Ginzier, y sĩ trưởng vốn ham rượu. Tokai thứ thật nhưng kẻ lưu tâm nhất đến chuyện này hẳn phải là bạn nhậu và đối thủ chơi sì cát với ông, Đại tá mệnh danh là Bressen mà ai không biết cũng buột miệng gọi là Fôu -Bressen vì lão có bộ vó thật sang trọng với khuôn mặt dài và trang nghiêm, với tám huy chương thật hiếm lão đeo ở cổ. Riêng phần Finck, ở dân sự làm nghề bán quán rượu, đã thâm hiểu tâm lý bợm nhậu, anh hiểu rằng nếu xếp phái anh đi mua năm mươi chai Tokai chính hiệu, chắc chắn đó là do ý kiến lão Đại tá kia kết quả của một cuộc đánh cá hay cửa một chuyện gì mà lão Đại tá quái quỷ kia đã dấn ông xếp vào.
Vậy thì Finck đã đi Hung Gia Lợi, đã mua ở đó năm mươi chai Tokai chính hiệu và đừng ai hòng qua mặt anh vì xưa anh từng làm nghề bán quán và vì chính anh cũng có ruộng nho và hiểu rõ vấn đề lắm. Anh nghi ngờ rượu Tokai, ngay mua ở chính đất Tokai với lời bảo đảm là chính cống. Anh đã mua đầy một va-li và đầy một rương đan bẳng mây. Va-li anh đã công theo được, hiện để dưới đáy cam nhông. Nhưng chiếc rương mây thì anh không sao tha theo nổi. Tại Szentgyörgy anh không làm sao có thì giờ xoay trở. Vừa xuống tầu hỏa, anh đã bị dẫn lên xe chở đồ này. Tha hồ cho anh hết phản kháng rồi khai bệnh cũng chẳng ăn thua gì. Bến tầu bị bao vây, chẳng làm gì khác được, đành là phải đi đến chiếc cam nhông đỏ đậu sẵn trước ga. Một số tỏ vẻ hung hăng như muốn làm giặc, giở trò la hét nhưng lính gác chẳng chịu để lọt lời nguyền rủa vào tai cũng chẳng chịu hé răng.
Finck đâm lo cho mớ rượu Tokai của anh. Tính xếp vốn đã xoi móc tỉ mỉ về chuyện rượu lại càng xoi móc tỉ mỉ hơn về cái điều ông kêu là danh dự của ông. Có thể không sợ thua cá rằng ông đã hứa với lão Đại tá, ông đã cam kết bằng mọi cách sẽ có rượu Tokai uống vớy bạn nhậu của mình vào ngày Chủ nhật tới. Không chừng ông lại còn hẹn cả giờ trước với lão nữa. Nhưng hôm nay đã là thứ Năm nếu chưa phải là sáng thứ Sáu dẫu sao không còn bao lâu nữa là đã nửa đêm rồi mà xe thì đang chạy khá nhanh về phía nam. Như thế, Finck không còn chút hy vọng gì sẽ được trả về kịp nơi phải có mặt sáng Chủ nhật. Finck kinh sợ. Anh kinh sợ xếp và luôn cả lão Đại tá. Lão Đại tá ấy, anh chẳng ưa chút nào. Anh biết về lão một chuyện anh chưa hề ngỏ với ai và có lẽ anh sẽ cũng không bao giờ ngỏ với bất cứ ai bởi một lẽ rất giản dị là chắc chắn không ai chịu tin anh, một chuyện thô bỉ mà chính anh cũng không bao giờ ngờ là có thể có nổi. Ác một nỗi là chính mắt anh đã thấy chuyện đó, không tài nào lầm lẫn được. Và anh cũng ý thức rằng điều hệ trọng cho anh là làm thế nào lão Đại tá không hay biết rằng anh, đã mắt thấy chuyện ấy. Thực vậy, mỗi ngày nhiều lần, anh vào phòng mang cho lão đồ ăn, thuốc uống hay báo chí sách vở vì ở đây người ta e dè lão lắm. Một lần, đang đêm, anh bước vào mà không gõ cửa và đã thấy cảnh tượng, trong một ánh sáng mờ mờ chao ôi, dáng vẻ gớm ghiẹc của lão già mặt tái ấy. Đêm ấy, Finck không thấy đói nữa. Ở quê anh, đứa con trai mới lớn nào bị bắt gặp đang làm trò đó, lập tức người ta lấy nước lạnh xối vào người nó. Phương thuốc này rất hiệu nghiệm...
Ở bên dưới có người lại kéo chăn anh. Anh bèn kêu to cho họ biết anh thấy nhiều đại pháo, nhiều đại pháo đang bắn và tiếng rủa sả bên dưới lại gia tăng.
Ánh lửa của những cỗ đại pháo này mỗi lúc một yếu dần. Tiếng nổ lúc đạn đi, ban đầu, nghe gần gớm ghiếc, nay lại có vẻ xa vời như tiếng nổ của đạn khi tới đích mà xe đang đi gần tới. Xe cam nhông lại vượt qua những xe thiết giáp, những đoàn xe đậu nữa. Rồi đến lượt những cỗ đại pháo trông nhỏ hơn. Các đại pháo này đặt cạnh một giếng nước có vòi cao trên không. Dưới ánh lửa lòe từ các họng súng bóng cái vòi nổi bật trên nền trời như một giảo đài khủng khiếp. Rồi một lúc lâu không có gì nữa, rồi lại đại pháo, rồi lại không có gì nữa cả. Rồi đột nhiên, Finck nghe một tràng đại liên. Xe chạy thẳng đến chỗ có tiếng đại liên ấy.
Đột nhiên, xe dừng. Trong một ngôi làng. Finck tụt xuống rồi xuống xe cùng với những người khác. Xe bạ đâu đậu đấy, gần khắp mọi nơi, tiếng la hét lệnh inh ỏi, lính bộ binh chồm chồm chạy qua đường cộng vào với tiếng đại liên bắn liên hồi mỗi lúc một thêm dữ dội khiến ngôi làng nhốn nháo lạ thường.
Feinhals khập khễnh bước theo viên Trung sĩ loắt choất lúc nãy vắt vẻo trên khuôn cửa thượng xe, nay thì đang khệ nệ khuân chiếc va-li. Hắn nhỏ thó và bước đi, lưng còng đến nỗi báng súng kéo lê trên mặt đất. Feinhals buộc chiếc túi của anh vào dây da rồi bước dài một bước lên ngang viên Trung sĩ.
- Đưa đây, - Anh bảo - nhét gì trong đó thế?
- Rượu vang, - Viên Trung sĩ tí hon hổn hển đáp - rượu vang cho xếp tôi.
- Vứt mẹ nó đi, ngốc thật. - Feinhals bảo - Đừng tính chuyện tha một va-li rượu vang ở tuyến đầu.
Viên Trung sĩ ngoan cố lắc đầu. Feinhals đành giúp hắn một tay. Tên chim chích này gần như đi không nổi vì mệt đừ. Hắn bước chân nam đá chân chiêu. Đầu hắn gật gù thảm não và hắn lắc mạnh nó tỏ vẻ cảm ơn lúc Feinhals nắm lấy quai xách. Feinhals cũng phải thấy là va-li nặng, nặng không thể tưởng.
Về phía tay phải họ, khẩu đại liên đã thôi bắn. Bây giờ đến lượt các xe thiết giáp thi nhau dội đạn vào làng. Những sà nhà gẫy kêu răng rắc sau lưng họ và một ánh sáng lờ mờ chiếu xuống con đường lầy lội và nứt nẻ.
- Vứt cha nó đi thôi - Feinhals bảo - Cậu điên rồi.
Viên Trung sĩ không đáp nhưng ra vẻ muốn nắm thêm chặt quai xách. Sau lưng họ, một căn nhà khác bắt đầu cháy.
Đột nhiên, viên Thiếu úy đang đi trước họ dừng lại, kêu:
- Chờ tôi cạnh ngôi nhà này.
Họ đi đến nhà đó, dừng lại. Tên chim chích loạng choạng va vào tường rồi ngã dài trên chiếc va-li. Bây giờ khẩu đại liên bên phải cũng ngưng luôn. Viên Thiếu úy bước vào nhà để rồi lại liền trở ra có một viên Trung úy đi cùng. Feinhals nhận ra ông ta liền. Mọi người bèn đứng nghiêm và Feinhals thừa hiểu viên Trung úy đang tìm cách nhìn cho tỏ tường huy chương của họ trong ánh đỏ hoàng hôn này. Chính ông, ông cũng có hơn người một huy chương, lần này thứ thật. Ít ra nữa ông cũng đeo dây băng huy chương ấy trên ngực, một mẫu chữ nhật màu đen, trắng, đỏ. Tạ ơn Trời Đất! Feinhals tự nhủ, ít ra ông ta cũng có được huy chương này. Viên Trung úy môi nở một nụ cười, ngắm nghía mọi người một lát bảo: “Tốt lắm”. Rồi lại mỉm cười nhắc lại: “Tốt lắm, phải không?” Vừa nói vừa ngoảnh lại với viên Thiếu úy đang đứng sau lưng. Nhưng viên Thiếu úy vẫn ngậm tăm. Bây giờ thì mấy binh sĩ nhìn thấy thật rõ viên Thiếu úy nhỏ bé, xanh xao, không còn trẻ mấy nữa. Mặt ông ta thì bẩn thỉu mà vẻ mặt thì nghiêm trang. Trên ngực ông chẳng có một huy chương nào.
- Brecht ạ, - Viên Trung úy bảo ông ta - đem hai người đi tiếp viện và mấy ống diệt chiến xa. Tôi sẽ tôi gửi cho Undolf bốn người. Còn những người khác giữ lại đây.
- Hai người, - Brecht nói - vâng hai người và mấy ổng diệt chiến xa.
- Tốt, - Viên Trung úy bảo - anh biết các súng đó để đâu không?
- Dạ biết, thưa Trung úy.
- Tôi chờ báo cáo của anh trong nửa giờ nữa.
- Vâng, thưa Trung úy.
Feinhals và Finck đứng kế cận viên Thiếu úy nhất. Thế là họ được ông ta chỉ định bằng cách ấn ngón tay trỏ vào ngực họ bảo: “Đi”. Rồi vừa quay ra, ông bước đi liền. Hai người phải rảo bước cố theo cho kịp ông. Tên chim chích vồ lấy va-li. Feinhals giúp anh ta một tay và cả hai mở hết tốc lực có thể được. Đến đằng sau căn nhà, họ quẹo xiên sang phải và lần theo một con đường hẹp, hai bờ có hàng rào và đồng cỏ. Đường này hẳn sẽ dẫn ra đồng không. Nơi họ đang tới không có tiếng động nào nhưng, ở sau lưng họ, chiến xa đang tiếp tục nện ngôi làng và dàn đại pháo nhỏ họ đã gặp khi tới cũng đang tiếp tục bắn bên phía tay phải họ, gần theo hướng họ đang men theo bây giờ.
Feinhals đột nhiên nằm lăn xuống đất, kêu mọi người: “Coi chừng!”. Có tiếng thủy tinh lạo xạo khi cả hai buông va-li. Và viên Thiếu úy đang tiến đằng trước cũng ngã nằm sấp xuống. Bách kích pháo vừa bắn từ nơi họ đang tiến tới. Chúng bắn vào ngôi làng và càng ngày càng bắn rát. Số bách kích pháo chắc phải nhiều lắm. Mảnh đạn bay veo véo, văng đến, đập lộp bộp vào các tường. Những mảnh khác lớn hơn, xẹt quanh chỗ nổ, kêu véo véo.
- Đứng dậy! - Viên Thiếu úy quát - Tiến.
- Hãy chờ một chút đã! - Feinhals bảo.
Chàng lại vừa nghe có một tiếng xì xì dịu dàng, nhỏ nhẹ, gần như vui mừng và chàng đâm hoảng. Tiếng nổ thực long trời lở đất khi viên đạn súng cối rớt trúng va-li của Finck. Mặt trên va-li bay đi, phát ra như một tiếng khạc của hùm beo rồi tung đến quật vào một thân cây cách đó chừng hai chục thước. Mảnh thủy tinh bay loang loáng thành vệt trên không như một bầy chim bị xua vừa loạn xạ bay lên. Và Feinhals cảm thấy có rượu vang tóe lên cổ, càng nằm bẹp dí dưới đất. Chàng hết hồn nghĩ rằng mình đã không nghe thấy tiếng đạn bắn đi. Và bây giờ những tiếng nổ làm rung rinh cánh đồng cỏ trải ra bên trên họ, bên kia một triền dốc nhỏ. Bóng một thớt cỏ khô đen xì nổi bật trên một nền đo đỏ rã ra, bắt đầu nghi ngút khói rồi vươn lên trời những tua lửa trước khi bốc cháy hẳn hoi.
Vừa bò, viên Thiếu úy vừa lăn tới chỗ anh nằm ở con đường trũng.
- Cứt khô - Ông làu nhàu bên tai Feinhals - chuyện gì xảy ra thế!
- Anh ta có rượu vang trong va-li - Feinhals giải thích - Này! - Anh khẽ lên tiếng gọi Finck, một khối đen quắp cạnh chiếc va-li.
Chẳng có gì mảy may động đậy.
- Trời đất! - Viên Thiếu úy khẽ kêu - Chẳng lẽ hắn đã...
Feinhals ở cách Finck chừng hai thước. Chàng bò đến chỗ hắn, dùng đầu hích vào chân hắn rồi, bằng khuỷu tay, lết người lên gần ngang hắn. Ánh sáng của đồng cỏ cháy đùng đùng không chiếu được tới chỗ trũng này nó như một cái khe, thành hơi thoai thoái, ở đó, chẳng ai thấy được gì trong khi cả cánh đồng cỏ khởi từ đỉnh khe đang tắm trong một ánh đỏ rực rỡ. “Này!” Feinhals lại khẽ gọi. Mùi rượu vang hắc và ngòn ngọt từ vũng đọng xộc lên mũi chàng. Bàn tay chàng quơ phải vô số mảnh thủy tinh và chàng phải rút tay rồi bắt đầu từ đôi giầy nắn bóp dần lên dọc theo thân viên Trung sĩ. Thân hình bé nhỏ của hắn làm chàng kinh ngạc. Sau đôi cẳng ngắn là một thân mình còm nhom. “Này” chàng gọi khẽ “Này anh bạn!” Nhưng Finck không đáp. Viên Thiếu úy cũng đã bò đến cạnh cả hai, hỏi:
- Có chuyện gì thế vậy?
Feinhals tiếp tục mò mẫm cho đến khi ngón tay chàng dúng vào máu. Cái này không phải là rượu vang rồi. Rụt tay lại, chàng thầm thì:
- Tôi sợ anh ta chết rồi. Một vết thương lớn ở lưng máu chan hòa. Thiếu úy có đèn bấm không?
- Có chứ. Nhưng, theo anh, có nên...
- Trừ phi lôi anh ta lên đến cánh đồng cỏ...
- Rượu vang - Viên Thiếu úy nói - Một va-li rượu vang... tôi đang tự hỏi tại sao...
- Hình như rượu cho một câu lạc bộ thì phải.
Finck không nặng mấy. Người cúi gập, cả hai chuyển anh ta sang phía bên kia con đường, lăn anh lên đỉnh triền dốc, ở đó, nằm dài trong ánh sáng, anh hiện thành một đống nhỏ, dẹp và sẫm, nhất là dẹp lép. Lưng đọng máu đen sẫm. Feinhals lật tử thi một cách thận trọng. Lần đầu tiên, chàng nhìn rõ mặt anh ta. Khuôn mặt này thật sắc sảo, sắc sảo, mảnh mai hãy còn hơi âm ấm. Và nhiều lọn tóc từ một mớ tóc dày dán chặt trên trán anh ta.
- Trời ơi! - Feinhals kêu.
- Gì vậy?
- Anh ta bị mảnh đạn vào giữa ngực. Một mảnh lớn bẳng nắm tay.
- Vào ngực à?
- Chứ sao! Chắc anh ta lúc đó đang quỳ bên trên chiếc va-li.
- Không đúng huấn lệnh quân sự! - Viên Thiếu úy nói nhưng ông không tỏ vẻ hài lòng về chính câu bông lơn của ông ta. - Lấy sổ tùy thân và tấm lắc căn cước của hắn.
Feinhals thận trọng cởi chiếc bờ-lu-dông đẫm máu, lần mò nơi cần cổ tử thi cho đến lúc nắm được vào bàn tay một mảnh tôn đẫm máu. Anh cũng không mất nhiều thì giờ gì để kiếm thấy quyền sổ tùy thân nhét trong túi bên trái và hình như không hề hấn.
- Trời cao đất dày ơi! - Viên Thiếu úy thốt lên sau lưng anh - Sao mà đến bây giờ cái va-li cũng vẫn còn nặng khiếp thế.
Ông ta đã lôi chiếc va-li ngang qua con đường đất đồng thời cũng kéo theo khẩu súng của Finck bằng dây quai.
- Thấy chưa!
- Thưa đã. - Feinhals đáp.
- Mình tiến lên chút nữa.
Viên Thiếu úy túm một góc va-li, lôi nó đi và khi đã lên tới đỉnh khe ngó ra bình nguyên, ông ta thì thầm bảo Feinhals: “Sang trái, đằng sau bức tường” rồi ông bỏ đi trước “nhờ đẩy chiếc va-li nhé”. Feinhals vừa đẩy chiếc va-li ở trước mặt vừa chậm chạp bò lên đỉnh khe. Được mảng tường lập thành một góc với con đường che kín, họ đứng đậy, nhìn thẳng vào mặt nhau. Ánh lửa rực rỡ của đống rơm đủ cho người này nhận ra sắc diện người kia và họ đứng ngắm nghía nhau như vậy một lát.
- Anh tên gì? - Viên Thiếu úy hỏi.
- Thưa Feinhals.
- Tôi tên Brecht, - Viên Thiếu úy vừa nói vừa vụng về nở một nụ cười - thú thực là tội khát không chê được.
Ông ta cúi xuống chiếc va-li, đẩy nó lên một cụm cỏ, từ tốn lật nó lại. Có tiếng thủy tinh leng keng và tiếng óc ách khẽ nữa.
- Không ai ngờ nổi - Viên Thiếu úy vừa nói vừa cầm lấy một chai nhỏ còn nguyên vẹn - Rượu Tokai kia đấy!
Tờ nhãn hiệu loang lổ vì máu và ruợu. Feinhals thấy viên Thiếu úy cẩn trọng gạt các mảnh thủy tinh. Tất cả còn được năm, sáu chai nguyên vẹn. Brecht rút con dao nhỏ, cậy nút một chai, ông uống.
- Tuyệt thật - Vừa nói ông vừa đặt chai rượu xuống - Làm một hớp không?
- Cám ơn Thiếu úy. - Feinhals nói.
Anh cầm lấy chai rượu, làm một tợp: rượu quá ngọt. Và anh để trả lại chai, miệng cám ơn lần nữa.
Súng cối lại rót vào làng, lần này xa hơn về phía đằng sau họ. Bỗng không cách xa họ mấy, một khẩu đại liên bắt đầu lắc cắc bắn trở lại.
- Cảm ơn Trời Đất! - Brecht nói - Tôi đã tưởng mấy khẩu súng đại liên này cũng tiêu tùng như các khẩu khác rồi.
Ông dốc cạn chai rượu, buông tay cho vỏ chai lăn xuống đáy khe.
- Chúng mình hãy men theo bức tường này ở bên phía trái.
Đống rơm vẫn còn cháy hừng hực nhưng lửa ở phần dưới đã không còn cháy thành ngọn nữa. Có những tia than bắn tứ tung.
- Trông anh có vẻ thực khôn ngoan. - Brecht nói.
Feinhals không đáp.
- Tôi muốn nói - Viên Thiếu úy bảo tiếp đồng thời cậy nút chai rượu thứ nhì - anh đủ khôn ngoan để hiểu rằng cuộc chiến tranh này rày rà lắm.
Feinhals vẫn lặng im.
- Khi tôi bảo rầy rà, - Brecht vẫn nói - tôi muốn nói cuộc chiến tranh mà mình thắng thì không rầy rà gì hết và theo tôi cuộc chiến tranh này đang xoay thành rất, rất bất lợi.
- Phải, - Feinhals đáp - nó đang xoay thành rất, rất bất lợi.
Tiếng đại liên bắn xối xả và quá gần khiến anh bồn chồn.
- Khẩu đại liên đặt ở chỗ nào vậy?
- Kia kìa! Ở chỗ cuối tường ấy. Đây là một cái trại. Chúng ta đang đứng ở trước trại, khẩu đại liên thì đặt ở sau trại.
Có thêm dăm tiếng nổ lắc cắc, gọn ghẽ và khô khan nữa rồi khẩu đại liên im bặt. Sau đó, có tiếng đại liên Nga bẳn. Rồi họ nghe có cả tiếng súng trường. Và sau một hồi nghe hai đại liên địch cùng bắn, đột nhiên, không còn có tiếng gì nữa hết.
- Cứt khô! - Brecht làu nhàu.
Đống rơm tóp lại. Các ngọn lửa hạ thấp dần, tiếp tục êm đềm reo. Và đêm xuống, đen tối hơn trước. Brecht đề nghị Feinhals giữ lấy một chai nhưng chàng lắc đầu.
- Cám ơn Thiếu úy, - Chàng bảo - rượu quá ngọt.
- Anh ở bộ binh lâu rồi chứ? - Brecht hỏi.
- Vâng - Feinhals đáp - Bốn năm.
- Chà chà! - Brecht nói - Nói ra thì có vẻ ngốc đấy nhưng thực ra tôi vẫn chưa ý niệm được cho minh bạch thế nào là bộ binh. Mà, theo tôi, hiểu biết hơn về điều đó lại càng ngu xuẩn. Tôi đã được huấn luyện trong hai năm liền để làm phi công bay đêm. Khóa huấn luyện vừa mãn. Công trình huấn luyện này đã hao phí của quốc gia ngang với tiền tạo tác khá nhiều đơn vị gia cư xinh xắn. Tất cả sự tốn phí ấy để bây giờ tôi cong lưng cuốc bộ với tư cách là lính bộ và khi ngủm cù đèo, vong hồn tôi sẽ di cư đến Walhall. Thật là chuyện thổ tả, phải không?
Ông ta lại tợp một ngụm rượu nữa.
Feinhals lại lặng im.
- Trong thực tế, khi địch quân mạnh hơn, anh phải làm gì? - Viên Thiếu úy ngoan cố tiếp tục - Hai ngày trước chúng ta còn ở cách đây 20 cây số. Dĩ nhiên quân ta không chịu lùi. Ấy thế mà rõ ràng là chúng ta đã phải lùi. Tôi thuộc điệu hát quá mà: người lính lục quân Đức thà chết đứng tại chỗ chứ không bao giờ chịu lùi hay câu gì na ná thế. Nhưng tôi không mù không điếc. Này - Ông hỏi thật - nói cho thật nghiêm chỉnh, chúng ta hiện đang làm gì?
- Chúng ta đang chạy có cờ. - Feinhals bảo.
- Rất đúng. - Brecht nói, với một nụ thoáng cười - Chúng ta đang chạy có cờ, đó là điều chúng ta đang làm. Huấn lệnh quân sự Phổ lỗ sĩ tuyệt diệu của chúng ta có một điều khiếm khuyết: sự rút lui không được dự liệu trong chương trình huấn luyện. Và chính là để huấn luyện ta điều này mà, hiện nay, hết ngày này sang ngày khác, chúng ta đang áp dung nó. Theo tôi, huấn lệnh quân sự của ta là huấn lệnh quân sự độc nhất không đề cập đến kế hoạch lui binh. Dĩ nhiên huấn lệnh có đề cập đến kế hoạch cầm chân địch. Nhưng những thằng cha kia không có ý để cho mình cầm chân chúng nó. Nào đi. - Vừa nói ông ta vừa ấn hai chai vang vào túi áo - Chúng ta hãy quay về cuộc chiến tranh tốt đẹp của chúng ta. Trời Đất ạ, hắn đã khuân rượu vang của hắn ra tận mãi đây, tội nghiệp thằng cha...
Feinhals chậm chạp theo chân viên Thiếu úy. Vừa qua khỏi góc tường, họ lắng nghe có tiếng chân người đang chạy về phía họ. Tiếng chân chạy nghe thật rõ. Nhảy phóc một phát, Brecht, Thiếu úy Brecht, lui lại sau góc tường, kẹp khẩu tiểu liên vào nách và xì xào bên tai Feinhals:
- Không chừng mình có dịp kiếm được mười tám su sắt tây gắn lên ngực kia đây.
Nhưng Feinhals trông thấy rõ ông ta đang run.
- Trời cao Đất dày ơi! - Brecht làu nhàu - Phen này thì nghiêm trọng thực rồi, lần này thì chiến tranh thực sự rồi.
Tiếng bước chân gần lại. Bọn người đó không chạy nữa.
- Ông nói toàn chuyện vớ vẩn. - Feinhals dịu dàng bảo - Đó chẳng phải là lính Nga đâu.
Viên Thiếu úy lặng thinh.
- Nếu đó là lính Nga, thử hỏi tại sao chúng lại phải chạy. Và làm ồn ào dữ thế!
Viên Thiếu úy vẫn không một lời.
- Bằng lính của ông đấy. - Feinhals nói thêm.
Bây giờ tiếng chân bước ở quanh quần đâu đây.
Chỉ cứ trông thấy bóng dáng họ và nhất là trông mũ sắt của họ, cũng nhận được ra ngay rằng những người đang đi vòng góc tường kia là lính Đức. Brecht giật giọng quát:
- Đứng lại! Khẩu hiệu!
Bọn người kia ra vẻ hoảng hốt. Feinhals thấy họ đứng chồn chân tại chỗ và giật nẩy mình.
- Cứt khô! - Một người trong bọn đáp - Khẩu hiệu: cứt khô.
- Tannenberg. - Một giọng khác kêu lên.
- Trời đất! - Brecht bảo - Các anh đứng làm gì đó. Mau mau nấp ra phía sau tường, cắt một người đứng gác ở góc tường nghe ngóng thôi.
Feinhals kinh ngạc thấy họ đông đáo để. Trong bóng tối, chàng tìm cách đếm họ. Bọn họ phải có đến sáu bảy người. Họ đánh đít xuống một dải cỏ.
- Có rượu đây. - Viên Thiếu úy vừa nói vừa lần lấy rượu chuyền cho họ - Chia nhau mà uống nhé!
- Prinz ơi! - Ông ta bảo tiếp - Có chuyện gì vậy?
Prinz là người đang đứng ở góc tường. Khi anh ta quay mặt lại, Feinhals thấy huy chương của anh ta lấp lánh trong bóng đêm.
- Thiếu úy ạ - Prinz nói - Ở lại đây thực là làm chuyện vô nghĩa. Ở hai bên phải, trái, địch đã vượt quá xa chúng ta và Thiếu úy hẳn không định thuyết phục tôi rằng trận tuyến sẽ cố định tại đây, cạnh cái trại bẩn thỉu này bởi lẽ chúng ta đã đặt ở đây một khẩu đại liên. Thiếu úy ơi, trận tuyến kéo dài trên hàng trăm cây số và, từ ít lâu nay, đã đang di chuyển rồi. Và tôi không tin rằng một trăm năm mươi thước chúng ta đang giữ này là cốt để dành cho chúng ta một anh dũng bội tinh với nhành dương liễu. Đã đến lúc mình nên chuồn nếu không muốn bị mắc kẹt. Và khi ấy, chẳng chó nào đến đánh tháo cho chúng mình đâu...
- Được, nhưng rồi cũng sẽ có lúc trận tuyến phải dừng lại vững bền ở một nơi nào chứ. Các anh còn đủ cả đấy không?
- Còn. - Prinz đáp - Tất cả còn đủ đấy. Tôi nghi ngờ chúng ta có thể đương đầu với một cuộc tiến quân của địch chỉ bằng những người đi phép với người đi dưỡng bệnh. Suýt nữa tôi quên, thằng nhỏ Genzki bị thương vì một viên đạn xuyên qua. Genzki... - Anh ta khẽ gọi - Chú mày ở đâu?
Một vóc người nhỏ xíu rời bức tường.
- Thôi được. - Viên Thiếu úy nói - Cho anh trở ra. Feinhals, hãy đi theo anh này. Đồn cứu cấp ở chỗ xe các anh đậu lại ấy. Báo cáo với xếp rằng tôi lui khẩu đại liên lại ba mươi thước mà mang đến cho tôi những ống diệt chiến xa nhé. Prinz, hãy chỉ định thêm một người nữa.
- Wecke đâu? - Prinz gọi - Đi với họ đi. Anh cũng đến đây bằng xe chở đồ đấy ư? Hắn hỏi Feinhals thế.
- Phải!
- Chúng tớ cũng vậy.
- Thôi đi đi. - Viên Thiếu úy giục. Giao quyển sổ tùy thân cho xếp...
- Một tử trận à? Prinz hỏi.
- Ừ - Viên Thiếu úy xẵng giọng đáp - Đi đi thôi.
Với hai người theo chân, Feinhals chậm chạp trở về ngôi làng mà nhiều xe thiết giáp bây giờ nhắm làm đích, đang từ các hướng Đông và Nam bắn vào tới tấp. Ở bên tay trái họ, ở phía con đường lớn đưa tới làng, họ nghe đạn nổ liên hồi với cả tiếng kêu nữa. Họ đứng ngậm tăm một lát, nhìn nhau.
- Huy hoàng thật. - Tên bộ binh nhỏ thó bị thương nơi cánh tay lên tiếng.
Họ rảo bước, nhưng mà đến đầu khe thì nghe có ai quát hỏi họ:
- Khẩu hiệu?
- Tannenberg. - Họ làu nhàu đáp.
- Brecht, phải trung đội chiến đấu Brecht không?
- Phải. - Feinhals kêu lớn.
- Đằng sau quay! Tất cả mọi người phải trở về làng, tập hợp trên con đường lớn...
Và mọi người thơ thẩn quay trở về ngôi làng. Một lần nữa, chiếc xe chở đồ sơn đỏ lại chật ních người. Feinhals chầm chậm leo thang xe, ngồi ngoài mép, tựa lưng vào thành, cố ngủ. Những tiếng nổ cuồng loạn chàng nghe thấy, từ những xe thiết giáp Đức đang cố gắng giữ cho con đường còn lưu thông được, đối với chàng, sao hơi có vẻ lố bịch. Các xe ấy bắn quá nhiều. Vả chăng, trong cuộc chiến này, bao giờ ai cũng bắn nhiều hơn mức cần thiết, tiếng súng nổ như đã thành một thứ tiếng động bắt buộc rồi. Bây giờ thì mọi người đều đã lên xe trừ một vị Thiếu tá đang gắn huy chương với những người được gắn huy chương, trong trường hợp này là một Thượng sĩ, một Trung sĩ và ba binh nhì. Cả năm người này đều đứng nghiêm trước mặt vị Thiếu tá tác người nhỏ bé, tóc hoa râm, đầu không mũ, đang vội vã giao các bội tinh và tưởng lục. Chốc chốc, vị Thiếu tá lại dừng tay lên tiếng hỏi:
- Bác sĩ Greck, Trung úy Greck đâu?
Rồi ông ta gọi lớn:
- Brecht, Thiếu úy Brecht đâu?
Từ tít bên trong cam nhông, Brecht đáp:
- Dạ, thưa Thiếu tá gọi.
Rồi lách mình đến lối ra, ông đứng trên đỉnh thang lên xuống, trình điện, tay đưa chạm mũ lưỡi trai.
- Thiếu úy Brecht, thưa Thiếu tá.
- Đại đội trưởng của Thiếu úy đâu? - Vị Thiếu tá hỏi.
Ông không tỏ vẻ giận dữ mà lại ra điều hờn dỗi.
Các quân nhân được gắn huy chương đã bình thản trèo ngược thang lên xe cam nhông. Họ né người để khỏi cuốn Brecht theo, rồi lách vào bên trong. Chỉ còn một mình vị Thiếu tá đứng trên đường, giữa một ngã tư của làng, tay vung vẫy một huy chương anh dũng đệ nhất đẳng bằng sắt, trong khi Brecht, mặt thộn ra, đáp:
- Tôi không được rõ, thưa Thiéu tá. Mới lúc nãy, bác sĩ Greck còn cho tôi lệnh dẫn đại đội đến địa điểm tập hợp. Chắc ông ta...
Brecht ngưng lời, ngượng ngập.
- Bác sĩ Greck đang bị một cợn kịch bệnh kiết lỵ hành hạ...
- Greck! - Viên Thiếu tá hét sang hai bên. Rồi ông lắc đầu nói thêm với Brecht.
- Đại đội của anh đã anh dũng chiến đấu trong trận đánh này, nhưng chúng ta cần phải rời khỏi nơi này đã...
Một chiến xa Đức thứ nhì đậu trên đường, trước mặt họ, đang từ làng bắn sang phía tay mặt họ. Và sau lưng họ, ổ đại pháo nhỏ hình như cũng đã đổi mục tiêu vì cũng cùng bắn về một hướng với các chiến xa. Rất nhiều nhà bốc lửa, kể cả ngôi nhà thờ cao ngất ngư ở giữa làng, vượt hẳn lên bên trên tất cả các ngôi nhà khác. Nhà thờ hóa thành trong trong và sáng chói một màu đo đỏ. Máy xe cam nhông bắt đầu nổ vo vo. Viên Thiếu tá đứng trên đường, cuối cùng quyết định quát tài xế:
- Đi thôi!
Feinhals giở quyển sổ tùy thân người ta giao cho và đọc: “Finck Gustav Trung sĩ, nghề nghiệp dân sự: chủ quán, cư sở: Heidesheim...”
- Heidesheim à - Feinhals ngạc nhiên nghĩ ngợi - Heidesheim chỉ cách nơi chôn rau cắt rốn của chàng có vài ba cây số. Chàng biết rõ chiếc quán trên có một tấm biển nâu “Quán Finck, cha truyền con nối từ 1710” ấy. Chàng đã từng nhiều lần đi qua cửa quán nhưng chưa bước vào trong quán bao giờ... Có người đóng mạnh cửa xe và chiếc cam nhông lăn bánh.
Riêng phần Greck, ông đang tận lực cố gắng đứng dậy và chạy đến đầu kia của làng, nơi người ta đang chờ đợi ông. Hiềm vì ông không còn sức nữa. Mỗi lẫn ông nhổm dậy, những cơn đau quặn ruột gan lại buộc ông co quắp người lại. Và ông cảm thấy một nhu cầu thực cấp thiết phải làm sao cho bụng vơi đi. Ông ngồi xổm, lưng dựa vào một bức tường thấp bao quanh một hố phân. Phân thì bài tiết từng giọt nhỏ, chỉ gần bằng một hạt dẻ trong khi sức đẩy trong ruột đau như vò của ông lại vô cùng mãnh liệt. Ông không ngồi được theo tư thế thông thường. Tư thế độc nhất còn chịu đựng được là ngồi xổm, người gập đôi, cứ thế chờ một cơn dịu đau chốc lát khi phân, từng giọt một, rời ruột già. Phân tống xuất được mang lại cho ông đôi chút hy vọng, hy vọng là những cơn đau độc địa ấy có thể sẽ qua đi. Nhưng chúng chỉ qua đi trong chốc lát. Những cơn nhức nhối ấy làm tê liệt ông đến mức ông không sao tiến lên nổi, dầu là bằng cách bò. Có thể cứ lăn bừa sấp xuống rồi dùng đầu ngón tay mà lết tới trước mặt thì may ra cũng được đấy nhưng như vậy dầu cho có tới được chỗ tập hợp thì cũng đã là quá muộn mất rồi. Từ chỗ ông đang ngồi đến chỗ xe khỏi hành chỉ có ba trăm thước và ông nghe rõ tiếng Thiếu tá Krenz gọi, giữa hai tiếng súng. Nhưng tâm trạng ông đã tới mức hầu như tất cả đối với ông đều đã trở thành vô nghĩa: ông đang cơn đau bụng, những cơn đau vô cùng dữ dội. Ông bấu chặt lấy bức tường trong khi đôi mông trần của ông chịu lạnh và trong ruột gan ông, cảm giác đau đớn khác nào có một mũi khoan xuyên qua cứ đều đặn tái hiện. Tình cảnh khác nào có sự chậm chạp tích lũy thuốc nổ mà tiếng nổ đợi chờ đáng lẽ long trời lở đất thì lại chỉ xì xì vô nghĩa. Sự tích lũy cảm giác đau đớn cũng thế, tích lũy không ngừng, luôn luôn gợi lên hy vọng một sự giải thoát tối hậu nhưng mỗi lần lại chỉ đưa được tới sự tống xuất một mẩu phân li ti.
Nước mắt chảy dài trên má ông. Không một ý nghĩ nào của ông liên quan đến chiến cuộc mặc dầu ông thấy rõ đạn đại pháo rơi tứ phía quanh mình và nghe thấy rõ mồn một tiếng từng xe cam nhông bỏ đi. Rồi đến lượt các chiến xa lần lần rút lui trên con đường lớn và, từ đó, về phía thành phố mà vẫn không ngưng bắn. Ông nghe thấy hết thẩy các tiếng động thực nhiều ý nghĩa ấy. Chuyện làng này bị địch bao vây đã trở thành một thực tại cụ thể rồi nhưng cơn đau đớn trong bụng ông còn cực liệt hơn, gần cận hơn, cấp bách hơn. Cơn đau ấy vượt quá mức tưởng tượng và ông chỉ còn kịp nghĩ đến một mình nó, đến cơn đau không dứt này nó khiến ông toàn thân bất động. Như trong một vòng đèn cù những mặt nạ nhăn nhúm, ông thấy giễu ở trước mắt tất cả các đốc tờ ông từng có dịp đến nhờ khám, khởi đầu là ông bố trông thật ác cảm của ông. Họ họp thành một vòng tròn chung quanh ông, một vòng những bù nhìn thảm bại đã không bao giờ dám bầy tỏ với ông bằng lời lẽ minh bạch, để nói cho ông rõ rằng căn bệnh của ông chỉ giản dị bắt nguồn từ việc ông đã bị thiếu chất dinh dưỡng trong suốt thời niên thiếu mà thôi.
Một viên đạn đại pháo rớt vào hố phân hắt lên, tưới vào người ông chất lỏng kinh tởm ấy. Ông cảm thấy phân cả trên môi ông và càng khóc dữ hơn cho đến lúc ôug nhận ra rằng cái trại này đang bị chiến xa trực xạ. Từ mọi phía, đạn bay qua sát người ông veo véo, mút khí trời với một mãnh lực kinh hồn, như những trái cầu cực rắn. Sau lưng ông, giữa tiếng loảng xoảng của cửa kính và của tường đất ép bị nghiến tan thành bụi, một tiếng đàn bà thét lên từ một ngôi nhà, trong khi những mẫu đất vách và sà nhà bay tơi tả quanh đây. Ông lăn ra, nấp đằng sau bức tường bao quanh hố phân và thận trọng cài cúc quần. Mặc dầu cơ quan tiêu hóa vẫn tiếp tục tống xuất những số lượng phân li ti với những cơn đớn đau vĩ đại. Ông cố chậm chạp bò dọc theo mép khe sỏi đá nó dẫn dần xuống khe ngõ hầu rời khu căn trại. Quần ông đã cài khuy rồi. Nhưng ông vẫn chẳng tiến lên nổi. Cơn đau làm tê liệt các bắp thịt của ông và ông nằm co quắp, bất động. Trong khoảnh khắc, tất cả kiếp sống của ông quay cuồng trước mắt ông, một chuỗi kinh hồn những thống khổ và nhục nhã, lúc nào cũng vẫn thế. Và điều còn quan yếu đối với ông, điều chân thực độc nhất, đó là những dòng nước mắt đã đổ, những dòng lệ hiện đang chan hòa trên mặt ông để sắp rơi vào cái nhơ bẩn, cái nhơ bẩn mà mùi vị đang đọng trên môi ông, nó gần một mớ hỗn độn nào rơm rạ, nào phân tro, nào rác rến, nào cỏ lá. Ông còn khóc ngay cả vào lúc một viên đạn xuyên ngang qua một dầm trần nó chống đỡ cả một mái kho, một bộ xương gỗ lớn bao phủ lên những khối rạ ép, khiến bộ xương gỗ này đổ ụp xuống, vùi lấp ông đi.