Chương 6
Và đây là Z.28

     ừa ở Đà Lạt một tháng dài nên Văn Bình trông có vẻ khoan khoái và tươi tỉnh. Lần này bị gọi về làm việc, chàng không trách móc ông Hoàng nữa.
Cửa vừa mở, Văn Bình thoáng gặp một Nguyên Hương ngồi dán mắt vào cái máy chữ điện to tướng, hình như không để ý đến chàng nữa. Đã quen với tính giận hờn thường xuyên của cô thư ký trẻ đẹp, con nuôi ông tổng giám đốc Mật Vụ già cằn, Văn Bình vẫn tảng lờ như không biết. Chàng kéo ghế ngồi trước bàn máy chữ, rút gói Salem ra hút một cách thản nhiên. Chiếc máy chữ lại kêu lóc cóc. Văn Bình hút hết nửa điếu thuốc. Mắt chàng đăm đăm nhìn vào mái tóc đen nhánh của Nguyên Hương. Thảo nào ! Nàng giận là phải. Nàng mới có bộ tóc đuôi ngựa đa tình, vắt vẻo trên cái gáy trắng muốt như ngó sen mà chàng không biết lựa lời khen một tiếng. Nhưng rồi không lẽ lại giận mãi ? Còn công việc nữa chứ ? Chàng phải về Sở vì một công tác gấp, há Nguyên Hương không biết sao ? Vì vậy chàng cứ hút thuốc, ngồi đợi. Căn phòng làm việc của nàng quét một màu xanh dễ thương. Phía sau Nguyên Hương là khung cửa sổ rộng bát ngát, nhìn thẳng ra cửa sông Sàigòn. Ngọn gió buổi sáng quạt vào phòng, mang theo mùi muối mặn của thuyền buồm đậu trên bến. Văn Bình có cảm giác Nguyên Hương cũng mằn mặn như mùi gió. Bất giác chàng phá lên cười. Hình như cũng chỉ đợi chàng nhéch mép, cô thư ký có khuôn mặt diễm lệ, thân hình như đào chiếu bóng Tây phương ưỡn ngực ra phía trước, giọng hờn dỗi :
-Không dám, chào anh. Ở trên đó chắc thú lắm nhỉ ?
Lại ghen rồi ! Văn Bình  nghĩ thầm. Chàng liền đáp :
-Lạnh chết. Anh có đi đâu đâu !
Nguyên Hương mỉm cười :
-Định giận anh thật nhiều, nhưng hễ gặp anh là hết. Thế mới biết…
-Thế mới biết mãnh lực của nhớ nhung phải không em ?
Nguyên Hương dề môi :
-Đừng tưởng. Em định rủa anh, đâu phải hết giận vì nhớ anh. Cái ngữ nói dối ấy, ai chả biết.
Văn Bình nắm cánh tay Nguyên Hương lôi về phía mình. Cô thư ký không cưỡng lại. Văn Bình đặt cái hôn nồng nàn trên môi. Nguyên Hương ngoạm vào má chàng một cái rồi bỗng nàng gỡ ra, tát vào má bên kia Văn Bình. Văn Bình vẫn ghì chặt Nguyên Hương vào giữa kềm tay và hôn lần nữa, và lần này thì nàng hết giận, hết ghen và chịu phục hoàn toàn. Tiếng ông Hoàng khàn khàn qua máy phóng âm trên bàn giấy :
-Z.28 đến chưa ?
Ra cái ông Hoàng bao giờ cũng can thiệp vào lúc người ta muốn cô đơn nhất ! Buông Văn Bình  ra, Nguyên Hương  đáp, cũng qua máy phóng âm, ăn thông với phòng ông Hoàng :
-Thưa, đến rồi.
Tiếng ông Hoàng :
-Cho vào ngay đi.
Nàng bấm cái nút điện. Một cánh cửa bí mật bên bàn giấy mở ra, một quân nhân cao lớn, đeo súng máy bước vào. Lần này, ông Hoàng đặt tổng hành doanh trong một cái bin đinh cao mười tầng ở trung tâm thành phố Sàigòn. Văn Bình đến trước một cánh cửa sắt gắn vào tường bê tông. Ở phòng tiếp khách, Nguyên Hương ấn nút điện cho ông tổng giám đốc. Trong phòng riêng, ông Hoàng ấn một cái nút đỏ, nút đó mở cửa. Vì điều kiện an ninh, cửa ra vào phải mở bằng hơi điện và nút mở ở trong văn phòng ông Hoàng.
Cánh cửa đồ sộ dạt sang bên, Văn Bình vừa bước chân vào nơi bí mật nhất của quốc gia. Nhưng nếu cảnh trí thay đổi thì ông Hoàng vẫn là ông già hiền lành, chậm chạp như cũ. Chỉ cái ghế bành đỏ mời chàng ngồi, ông Hoàng cười mỉm :
-Khỏe hẳn rồi chứ ?
Văn Bình ngạc nhiên :
-Thưa ông, tôi có ốm bao giờ đâu mà chẳng khỏe ?
Hình như hỏi câu đó lấy lệ và không lưu ý đến câu trả lời của Văn Bình, ông Hoàng tiếp :
-Lại cò việc làm rồi đấy. Lần này thỉ ở Sàigòn.
Văn Bình gàt tàn vào một cái bát màu xanh :
-Ở đây chán chết, ông giao cho công an có phải hơn không ?
Ông Hoàng lắc đầu :
-Anh đừng tưởng dễ xảy ra ở đây là không quan trọng. Trái lại, vì vậy tôi mới quyết định gọi anh về.
Văn Bình sốt ruột :
-Việc sao thưa ông ?
Ông Hoàng nhấc đôi kính, rút một miếng da tí hon trong túi áo ra lau một cách chăm chú :
-Thoạt đầu là một công tác viên của ta bị giết.
Văn Bình mỉm cười :
-Bất cứ vụ nào chẳng khởi đầu bằng cái chết của một người của ta ?
Giọng ông Hoàng đột nhiên rắn lại :
-Bao giờ anh cũng châm biếm cả ! Đây không là một cái chết tầm thường. Nhưng anh yên để tôi nói rõ cho nghe. Chắc anh đã biết ta cò nhiều công tác viên ngoại quốc. Trong số đó có một người tên Sa tô đa, thuyền trưởng tàu Hokan Maru.
-Tàu Hokan Maru vừa ghé bến và vừa xảy ra mấy vụ ám sát chứ gì ?
Ông Hoàng đeo kính lên mắt, hai tay xoa vào nhau :
-Chính tàu ấy. Sa tô đa làm với tôi đã lâu, đồng thời y lại làm cho R.U. Nhật và Viễn Đông nữa.
Văn Bình buột miệng :
-À ra thế,
Ông Hoàng nói tiếp :
-Tàu Hokan Maru là của một công ty hàng hải tư nhân Nhật Bản. Tàu này chạy trên các vùng bể chở nhân viên R.U. tới những nơi mà họ muốn thâm nhập. Họ trả tiền hậu hĩ lắm, nhưng họ quên một điều là Sa tô đa vừa lấy tiền của họ vừa báo tin cho ta biết. Mọi lần trước đều trôi chảy cả. Nhưng lần này…
-Sa tô đa bị giết ?
-Phải, y bị giết và ném xác xuống thương khẩu.
-Như vậy có nghĩa là đối phương biết Sa tô đa làm việc với ta ?
-Cũng có thể có, cũng có thể không. Nhưng điều đó không cần vì Sa tô đa đã chết. Điều mà ta có thể chắc chắn trăm phần trăm là Sa tô đa chỉ có nhiệm vụ đưa điệp viên R.U. tới các hải cảng mà thôi. Tàu Hokan Maru ghé vào Sàigòn, Sa tô đa bị giết có lẽ một nhân viên R.U. lên bộ không muốn cho y biết tông tích.
-Tôi tin như thế. Tại sao các báo lại loan tin thủy thủ Ma Tê giết Sa tô đa và cô nhân tình lai Pháp trên tàu Hokan Maru, sau đó tự sát bằng súng lục ở Lăng Tô ?
-Đó chỉ là sự dàn cảnh của địch. Nhưng vì họ làm vội vã quá nên còn để lại hớ hênh. Nếu xác chết ở Lăng Tô quả là thủy thủ Ma Tê, tại sao trên tay lại đeo nhẫn cưới bằng vàng làm tại Sàigòn ? Các chuyên viên của ta quả quyết đó là nhẫn mua ở Sàigòn. Theo danh bộ, Ma Tê trên 30 tuổi, thế mà căn cứ theo các khớp xương, người ta biết nạn nhân chỉ độ hai mươi là cùng. Theo tôi, địch đã giết một người khác thế cho Ma Tê để công an xếp chuyện này lại, còn Ma Tê thực thụ thì tha hồ hành động.
-Nhưng ít nhất cũng phải có người thế ?
-Đó mới là phức tạp, vì cho tới nay đã hơn tháng mà chưa có ai trình báo có thân nhân mất tích. Tuy nhiên, tôi tin chắc họ dàn cảnh nhờ tin tức sau đây.
Ông Hoàng nghỉ một phút, uống cạn cốc nước bạc hà xanh xanh để trước mặt, đoạn tiếp :
-Nhờ một cộng tác viên ở Mạc tư khoa.
Văn Bình kêu « à » một tiếng, tỏ dấu kinh ngạc. Ông Hoàng lục trong hồ sơ lấy ra một tập giấy, lúi húi đọc một lúc rồi nói :
-Z.501 ở một trung tâm nghiên cứu gần Mạc tư khoa cho biết R.U. Viễn Đông vừa gửi về phim chụp tài liệu viết bằng tiếng Việt. Đó là bản danh sách các vật liệu mà Trung Tâm Nguyên Tử Thủ Đức thường dùng hàng tháng. Vì điều kiện an ninh, Z.501 không chụp lại được mà chỉ thông báo cho ta biết một vài chi tiết mà thôi. Chẳng hạn như cái máy chữ đánh bản tài liệu kia là máy Olympia, và tờ giấy dùng lại là giấy có đề hiệu của Trung Tâm.
-Như vậy chúng tỏ một nhân viên trong Trung Tâm Nguyên Tử đã bán tin cho địch ?
-Đúng. Lý thú nhất là bản tài liệu kia được gửi về Nga đúng một tuần sau khi xảy ra vụ Sa tô đa ở thương khấu.
Văn Bình đứng lên, bẻ tay kêu răng rắc :
-Nhiệm vụ của tôi là khám phá xem ai là tay sai của R.U. ở Trung Tâm Thủ Đức phải không ông ?
Ông Hoàng xua tay :
-Nếu chỉ có thế thì tôi đã giao cho công an và không triệu anh về. Cho tới nay, nếu tôi không lầm, ta đã biết được người trao tài liệu cho địch.
Văn Bình trợn tròn đôi mắt :
-Nếu đã biết tên thì còn nhờ đến tôi làm gì nữa ?
Vẫn cái giọng đều đều, ông Hoàng nói tiếp :
-Theo thường lệ, hễ tìm ra đầu mối tất phăng được ngọn nguồn chứ gì ? Đằng n)y, lại trái hẳn. Ban an ninh của ta trong Trung Tâm Thủ Đức đã theo dõi từng bước mà vẫn chưa tìm ra. Vả lại, nếu tôi thúc giục, họ sẽ làm mạnh khiến đối phương đánh hơi và đề phòng. Bản thân tôi là tạo cho đối phương cái dịp may hãn hữu hoành hành ở Sàigòn.
-Tôi hiểu rồi. Ông định dùng tay sai của họ trong Trung Tâm Thủ Đức để làm mồi. Nhưng cẩn thận đấy, nếu tay sai ấy là cán bộ cộng sản chính cống thì gậy ông sẽ đập lại lưng ông.
-Đúng thế. Tôi đã nghiên cứu kỹ rồi, giờ anh phải nắm lấy việc ấy. Vì an ninh, vì rút kinh nghiệm của các vụ đánh cắp tài liệu ở nước ngoài, nên Trung Tâm Thủ Đức chúng ta đã áp dụng những biện pháp tầm gian rất khéo.
Mỗi ngành có phòng làm việc riêng, mỗi phòng có máy chữ một loại riêng, và giấy nháp đều có đề hiệu riêng. Vì vậy, chỉ cần biết một vài chi tiết của tấm phim ở Mạc tư khoa là ta có thể thu hẹp công cuộc điều tra vào một ngành, một phòng. Và cái máy chữ Olympia duy nhất của Trung Tâm nằm trong phòng tập trung tài liệu của bà Như Luyến, vợ góa của nhà bác học Túc Lăng. Mỗi khi về tối, bà Luyến có chìa khóa riêng. Tài liệu này cũng do bà giữ trong tủ két phòng bà. Tờ giấy dùng để chép tài liệu cũng là giấy riêng của phòng tập trung tài liệu. Do đó, chỉ có hai người đáng nghi: Như Luyến và bác sĩ Đoàn Trung.
Tuy nhiên, Đoàn Trung ít đáng nghi hơn vì ông là người chống cộng từ thuở nhỏ. Chỉ còn Như Luyến.
-À, thế ra bao giờ kết cục lại đàn bà hay làm gián điệp nhất!
-Trường hợp này có vẻ đặc biệt hơn. Như Luyến khó thể là đảng viên cộng sản. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vừa cho tôi biết một tiết lộ quan trọng. Túc Lăng khi xưa là cộng sản, từng bán tài liệu cho R.U. Về sau, Túc Lăng hối hận, toan tự tử thì một tai nạn nguyên tử xảy ra. Tai nạn này, do ai gây ra chắc anh dư biết. Sở Do Thám Mỹ không muốn mang Túc Lăng ra tòa vì chàng có công khá nhiều trong việc giúp đỡ Von Braun. Chỉ còn cách gây ra tai nạn ngẫu nhiên. Túc Lăng chết, Như Luyến rời Huntsville, nơi bà ta ở với chồng, về Việt Nam làm việc với bác sĩ Đoàn Trung tại Trung Tâm Nguyên Tử Thủ Đức.
Văn Bình ngắt lời:
-Thiếu phụ đó là tay sai của R.U. ở Thủ Đức đứt đuôi rồi còn gì?
-Tôi cũng kết luận như anh. Chút nữa anh sẽ đọc bản tường trình hàng ngày của ban an ninh Trung Tâm về hoạt động từng giờ của Như Luyến. Đọc xong, anh sẽ rõ hơn. Song le, tôi chưa dám chắc Như Luyến là tay sai của R.U. hay bị họ “săng ta “.Có thể vì nàng muốn bảo vệ thanh danh cho chồng nên bị R.U. dùng cái chiến thuật cũ rích, bắt nạn nhân phải chuộc tài liệu cũ bằng cách ăn cắp tin tức nguyên tử. Anh có trách nhiệm tìm ra điều đó.
-Tôi sẽ được toàn quyền hành động?
-Toàn quyền. Thì có bao giờ tôi không trao toàn quyền co anh? Tuy nhiên, anh phải hết sức thận trọng. Làm cách nào cho địch không biết. Và sẽ mượn Như Luyến phăng ra tổ chức lấy tin của R.U. ở đây.
-Nhưng tại sao ông chắc nhân viên R.U. sẽ tiếp xúc với Như Luyến?
-Không lẽ họ chịu mất bao tâm cơ, chịu hy sinh bao nhân mạng để vào đây lấy một bản danh sách nhiên liệu vô nghĩa hay sao? Tất họ muốn nhòm ngó cái khác, cái khác quan trọng hơn. Đó là tài liệu prô péc gôn.
-Prô péc gôn?
-Anh ngạc nhiên cũng phải. Vì đây là một tài liệu nguyên tử. Chắc anh đã biết một trong hai vấn đề mà thế giới cần giải quyết, nếu muốn chế tạo hỏa tiễn tầm xa, là tìm ra một thứ xăng cực tốt. Nhiên liệu này là prô péc gôn (1). Các thứ xăng thường dùng từ trước đến nay và cháy trong dưỡng khí ốc xy thì tối thiểu là một gờ ram sẽ cung cấp được 3.000 ca lo nhiệt. Nhưng nếu thay thế cạc bon bằng chất hê (2) hay chất li thi, người ta có thể lên tới 4.000 ca lo, và nếu chất fơ luơ được dùng để thay cho ốc xy thì còn tăng thêm nhiệt lượng nữa. Vì vậy nước Mỹ mới dốc tâm vào việc chế tạo thật nhiều thứ xăng mới này, gọi là hýt rua bo (3) và li thi (4). Nhưng qua các hỏa tiễn Tiền Phong và Xì pút ních, kinh nghiệm cho biết muốn bắn vệ tinh lên không trung và sau đó muốn biến thành khí giới nguyên tử xuyên lục địa, phải dùng biết cơ man nào hýt rua mới đốt nổi động cơ hỏa tiễn đến địch. Càng cần nhiều xăng, bình chứa càng nặng, và hỏa tiễn càng khó lên cao. Vì vậy cả Mỹ lẫn Nga đều đương cặm cụi tìm ra một chất prô péc gôn cách mạng, dùng ít mà tiết ra nhiều nhiệt lượng. Đoàn Trung là nhà bác học đầu tiên trên thế giới tìm ra chất prô péc gôn cách mạng này.
Văn Bình thở phào ra một cái. Thảo nào R.U. phái nhân viên tới tận Sàigòn. Chàng cảm thấy câu chuyện có nhiều tình tiết thú vị.
Ông Hoàng nói tiếp:
-Đoàn Trung mới tìm ra được một vài tháng nay thì phải. Việc tìm ra công thức cuối cùng được giấu hết sức kín đáo, nhưng dẫu kín đáo đến đâu, tôi tin rằng đối phương cũng biết. Nếu anh hiểu rằng phe nào tìm ra một chất prô péc gôn cách mạng, phe đó sẽ nắm được quyền bá chủ thì anh không cho vụ này là không quan trọng. Nhân viên R.U. đến đây chính để đánh cắp tài liệu của Đoàn Trung về công thức prô péc gôn. Tôi sẽ bố trí cho họ có cơ hội đánh cắp được tài liệu đó. Còn việc đối phó ra sao, tôi mặc cho anh định liệu. Miễn hồ thành công là được.
Ông Hoàng chìa bàn tay gân guốc ra bắt tay chàng:
-Anh sẽ hoạt động một mình, không có cơ quan chính thức nào giúp hết. Tuy nhiên tôi sẽ cho Lê Diệp phụ tá. Về thể thức hành động và tiếp xúc với Như Luyến, anh sẽ xuống hỏi ở Ban Hành Động. Thế thôi. Chúc anh may mắn.
Ông Hoàng ấn điện, mở cánh cửa sắt. Viên vệ sĩ cao lớn của ông tổng giám đốc Mật Vụ mở thang máy, đưa chàng xuống tầng dưới. Tống Văn Bình, tức Z.28 lại lao đầu vào một cuộc phiêu lưu rùng rợn nữa.
------
(1) propergol.
(2) hélium.
(3) hydrate de bore.
(4) litium.