Chương 9
Một vụ bắt cóc táo bạo

     ăn Bình gặp nhân viên toán Hành Động A ở chỗ hẹn. Đó là một người đứng tuổi, bộ điệu nhanh nhẹn, nét mặt hiền lành. Thấy Văn Bình, người này kính cẩn nhấc mũ chào. Văn Bình rút thuốc lá mời hút. Người kia thở một hơi khói bạc hà, đoạn báo cáo :
-Thưa, vâng lệnh ông, tôi chỉ huy toán A vây căn nhà số 188 khả nghi bắt đầu từ 7g32. Sau khi về phòng, Hoàng Lương vặn đèn, thay quần áo và ra bàn đọc sách. Năm phút sau, y đóng cửa sổ nên tôi không biết rõ y làm gì ở trong, tuy nhiên ở mỗi đầu đường tôi đều cắt người gác. Để gác cẩn thận hơn, một người của tôi giả làm hành khất, ngồi phục trước cửa biệt thự.
Vào lúc 7g44, có tiếng vật lộn và tiếng la từ phòng Hoàng Lương vẳng ra. Tuân lệnh ông, tôi không vào can thiệp.
Văn Bình sốt ruột ngắt lời :
-Hoàng Lương bị giết ra sao ?
Người kia vẫn một giọng báo cáo lễ độ :
-Thưa, tôi đợi 5 phút ở ngoài, không thấy ai ở trong chạy ra nên sinh nghi và gọi điện thoại cho cảnh sát cấp cứu. Năm phút sau, cảnh sát quận 3 tới và khám phá ra án mạng.
-Thi thể Hoàng Lương mang về đâu ?
-Thưa, về nhà xác Chợ Rẫy.
-Được, anh đi với tôi.
Một lát sau, hai người đến bệnh viện Chợ Rẫy, nhà xác có công an viên bận thường phục đứng gác. Sau khi nhân viên hành động trình giấy, Văn Bình vào trong phòng lạnh.
Xác Hoàng Lương chưa kịp giải phẫu, còn để trên một cái bàn sắt phủ vải trắng. Xét ba vết đâm, Văn Bình nhận thấy nhân viên hành động báo cáo đúng. Hung thủ khó thể là tay chuyên nghiệp. Kẻ được huấn luyện bao giờ cũng đâm móc từ dưới lên chứ không đâm bổ từ trên xuống, vừa khó trúng tim, vừa bị xương sườn cản lại. Nhờ may mắn, nhát thứ ba kết liễu tính mạng Hoàng Lương, còn hai nhát kia ăn không sâu, tuy có thể thấu phổi.
Đậy vuông vải lên người Hoàng Lương, Văn Bình bậm môi nghĩ ngợi. Đến phút này, chàng chắc hung thủ không phải là gã gián điệp R.U. mà Như Luyến gọi là Kinh Kong. Vì lẽ giản dị Hoàng Lương bị đâm trong khoảng thời gian từ 7g32 đến 7g44, thời gian mà Kinh Kong còn túc trực trước rạp chiếu bóng Kinh Đô. Kẻ giết người cũng không phải là một điệp viên trong nghề. Chàng nói với người nhân viên Hành Động :
-Tôi muốn hỏi cảnh sát một vài chi tiết về vụ ám sát này. Anh có thể dàn xếp với ông cảnh sát trưởng không ?
Người kia nhoẻn miệng cười đáp :
-Việc ấy không khó. Ông Hoàng thường cho tôi liên lạc với cảnh sát trong những vụ mật.
Ra đến phòng thường trực, người nhân viên Hành Động quay số điện thoại cho ông cảnh sát trưởng. Anh ta nói nhỏ một hồi xong xuôi mới trao ống nói cho Văn Bình. Văn Bình nói trong máy điện thoại :
-Chào ông cảnh sát trưởng.
Đầu giây có tiếng trả lời nhã nhặn :
-Không dám, chào ông.
Văn Bình hỏi :
-Ông có thể cho biết trong mình nạn nhân có dấu tích gì không ?
-Không có gì hết. Hình như đã bị lục kỹ trước rồi. Đến một mẩu giấy vụn cũng không có nữa.
-Hung thủ đeo găng, phải không ông?
-Vâng, đeo găng. Chúng tôi không tìm được dấu tay nào cả. À, tại sao ông biết ?
-Tôi đoán phỏng thế. À, thưa ông, cuộc khám xét có mang lại một kết quả nào không ?
-Nạn nhân không để lại vết tích. Thư từ, giấy tờ riêng đã bị đốt sạch từ trước. Ảnh gái đẹp, kỷ niệm của nhân tình cũng không có. Tôi thấy vụ này bí mật quá, tỏ ra được chuẩn bị chu đáo.
-Tôi cũng tin vậy. Xin cám ơn ông. Xin chào ông.
Văn Bình gác giây nói. Chàng không cần hỏi thêm nữa. Ngần ấy chi tiết cũng đủ giúp chàng tìm ra con đường phải đi.
Văn Bình trèo lên xe, lái từ từ trên đường phố văng. Ngọn gió mát từ sông Sàigòn quạt vào mặt, vào tóc chàng. Chàng định lái về Chi Lăng, đến tìm Như Luyến. Nhưng chàng lại đổi ý kiến. Thời dụng biểu mấy hôm nay nhiều việc quá. Chàng cần một đêm nghỉ ngơi cho thoải mái. Văn Bình chặc lưỡi tắt máy trước một bin đinh 9 tầng ở đường Võ Tánh. Mỗi khi buồn phiền về thể xác hoặc cần tĩnh dưỡng sau những tuần lễ vật lộn với con dao, khẩu súng Văn Bình thường đến căn phòng quét màu hồ thủy ở lầu ba của bin đinh này. Nàng là gái nhảy của tiệm Thiên Đường. Nàng có một thân hình mà tuợng nữ thần Hy Lạp  cũng phải chảy nước miếng. Nàng đương đợi chàng bên cạnh chai xâm banh dầm trong đá vụn, và con gà hấp béo ngậy.
Đêm nay, Văn Bình sẽ ở lại với Mộng Kiều.
Mặc kệ câu chuyện đánh cắp tài liệu nguyên tử. Chàng cần ngủ một giấc đến sáng bên cạnh người đẹp.
Cười thầm trong bụng, Văn Bình ấn nút thang máy.
………….Lúc Văn Bình tỉnh dậy, trời đã xế trưa. Chàng nhìn bên cạnh: Mộng Kiều đã đi đâu mất. Chỗ trũng trên nệm còn thơm mùi da thịt nàng. Chàng chống tay ngồi lên. Sự mệt mỏi hồi đêm đã biến mất, tuy nhiên khớp chân chàng bị rời ra như đòi được đóng đinh lại, và lưỡi chàng khô ran vì uống nhiều rượu quá. Trông thái độ khệnh khạng của Văn Bình, ai cũng tưởng chàng là gã ăn chơi liều lĩnh. Nhưng không, chàng vẫn có thói quen ngược đời như vậy. Lúc cần suy nghĩ thật nhiều, chàng lại đi tìm sự thơ thới nhẹ nhõm về xác thịt. Mộng Kiều bận bộ áo ngủ màu vàng nhạt, mỏng tanh, đang pha cà phê cho chàng. Chàng hỏi:
-Mấy giờ rồi, cưng của anh?
Mộng Kiều thỏ thẻ:
-Còn sớm anh. Mới 11 giờ thôi.
Văn Bình che tay lên miệng ngáp. Đối với vũ nữ lấy đêm làm ngày thì 11 giờ trưa vẫn còn sớm, nhưng đối với nhân viên do thám? Tối nay Như Luyến phải trao bản tài liệu còn lại cho Kinh Kong. Trao ở đâu? Trao như thế nào? Chàng chưa biết. Chàng với lấy điện thoại ở đầu giường. Chỉ ba mươi giây sau, chàng đã nói chuyện với Lê Diệp. Giọng của Lê Diệp pha vẻ ngạc nhiên khác thường:
-Anh bị nạn ở đâu mà suốt đêm qua tìm không thấy? Có hề gì không? Bây giờ anh ở đâu?
Văn Bình liếc nhìn Mộng Kiều. Nàng có thói quen không quan tâm tới công việc của chàng. Nàng chỉ biết một điều: yêu là yêu, thế thôi. Văn Bình làm gì, lấy tiền ở đâu, nàng không muốn biết và không đòi biết. Vì vậy, Văn Bình thích tới Mộng Kiều hơn những nơi hò hẹn khác. Mộng Kiều đang múc đường vào tách cà phê thơm phức cho chàng. Chàng đáp giọng buồn buồn:
-Ừ, hôm qua tôi bị lâm nạn. May không hề gì.
Lê Diệp tỏ ra sốt ruột hơn:
-Không hề gì chứ? Anh bị bắt hụt hay ám sát hụt?
Văn Bình cười:
-Bị ám sát và đổ máu.
-Thế à? Bị thương nặng không?
-Bị nặng lắm. Bị đổ máu mà lại?
Lê Diệp ngừng một phút, đoạn hỏi:
-Bây giờ anh ở đâu? Tôi cần gặp anh ngay. Liệu anh tiếp tục công việc được không?
Văn Bình phì cười:
-Ở đường Võ Tánh.
Đầu giây vẳng lên hồi cười ròn rã:
-Khiếp! Mình cứ tưởng cậu bị chúng “thịt” mất rồi. Làm suốt đêm qua, người ta không chợp được mắt! 
Văn Bình cười to hơn:
-Phải, ông không ngủ được phút nào cả, nhưng sáng mai phải lấy dao tách mí mắt ra cho khỏi dính đấy thôi!
Hòa cả làng! Lê Diệp chịu thua:
-Thôi chịu thầy. Bây giờ tôi lại Võ Tánh nhé?
Văn Bình đặt ống nói xuống giá. Làm việc nhiều lần với Lê Diệp, chàng đã hiểu rõ tính tình của người bạn nhỏ. Lê Diệp không hay phí trọn đêm trên nệm cao su trắng muốt như chàng, nhưng lại thích đi dưới mưa, nhìn lên một khung cửa còn mở le lói ánh đèn, bên trong có một người đẹp mà Lê Diệp yêu một cách thấm kín và lố bịch. Mười phút sau, Lê Diệp bước vào. Gặp Mộng Kiều, chàng trách:
-Gớm, chị cứ giữ riệt anh ấy, làm người ta hết hồn!
Mộng Kiều nhăn răng cười:
-Còn anh thì không?
Thấy Lê Diệp tới, biết ý, Mộng Kiều sang phòng bên trang điểm.
Lê Diệp lừ mắt, nhìn Văn Bình:
-Hung thủ có lẽ là Đoàn Trung, anh ạ.
Văn Bình ngồi sững. Chàng hỏi Lê Diệp:
-Đoàn Trung giết Hoàng Lương à?
-Vâng. Ở chuôi dao có dấu tay của bác sĩ Đoàn Trung. Dấu tay mới lắm, theo Sở Giảo Nghiệm, chỉ độ mấy tiếng đồng hồ mà thôi.
-Bí mật thật! Nếu Đoàn Trung giết người thì mọi dự đoán của ta cần phải đặt lại. À, nếu Đoàn Trung là hung thủ sao không ai thấy Đoàn Trung đi ra?
-Có vết giầy cao su, đế Út Min, cỡ chân Đoàn Trung dẫm nước in lên nền gạch hoa dẫn ra phía sau nhà. Đoàn Trung giết Hoàng Lương xong rồi chạy vội ra sau, trèo lên tường xuống cái ngõ hẹp đi ra đường Lý Trần Quán.
Văn Bình im lặng. Lê Diệp nói:
-Theo tôi, có lẽ Đoàn Trung là một nhân viên R.U. ở đây. Đoàn Trung chỉ giữ đoạn sau của tài liệu nên cần bố trí lôi Như Luyến vào tròng. Anh thử nghĩ: ngoài Như Luyến chỉ có Đoàn Trung được vào văn phòng đặt máy chữ Olympia và chép bản tài liệu.
Văn Bình lắc đầu:
-Không, nàng thú nhận với tôi là chính nàng chép lại trao cho Kinh Kong.
Lê Diệp cãi:
-Đó là phần đầu. Còn phần hai cất trong tủ Đoàn Trung. Đoàn Trung có thể trao cho R.U. được nhưng chẳng chóng thì chầy ông Hoàng phăng ra manh mối. Mượn tay Như Luyến, nếu bị bại lộ, Đoàn Trung vẫn là người vô tội.
-Theo anh, Như Luyến chỉ là tấm bình phong, còn bản tài liệu thì đã lọt vào tay họ rồi phải không?
-Phải.
-Điểm này, tối nay, nếu họ cố tình phá vỡ cuộc trao tài liệu, ta sẽ biết được Đoàn Trung có tội hay không. Vả lại…
Định nói một ý kiến táo bạo, xong chàng im bặt. Văn Bình cảm thấy đưa ý kiến ấy ra còn sớm quá.
Lê Diệp đề nghị:
-Anh có thỏa thuận cho bắt Đoàn Trung không?
Văn Bình xua tay:
-Chưa nên bắt.
-Cho toán Hành Động A theo dõi được không?
Văn Bình vẫn xua tay:
-Vấn đề theo dõi Đoàn Trung, anh để cho tôi. Nào bây giờ sang vấn đề khác. Kinh Kong đã tiếp xúc với Như Luyến chưa?
Lê Diệp chưa chịu đồng ý:
-Càng sang vấn đề này, tôi càng thấy bắt Đoàn Trung là cần thiết. Kinh Kong đã tiếp xúc với Như Luyến sáng nay. Tiếp xúc bằng cách sai một nhân viên R.U. hoạt động trong Trung Tâm gọi giây nói cho nàng tại văn phòng.
-Họ dùng giây nói riêng của Trung Tâm ư?
-Phải. Đến anh cũng ngạc nhiên, huống hồ là tôi. Trừ phi Đoàn Trung, cón ai ở Trung Tâm vâng lệnh Kinh Kong gọi giây nói cho Như Luyến nữa?
Văn Bình thừ người nghĩ ngợi. Lê Diệp hỏi dồn:
-Bây giờ anh đã thỏa thuận cho tôi xử trí với Đoàn Trung chưa?
Văn Bình đáp, giọng cương quyết:
-Tôi muốn anh bình tĩnh hơn nữa. Ví phỏng Đoàn Trung có tội, bắt hoặc theo dõi trong lúc này vẫn là bất lợi vì mục đích của ta là phá vỡ tổ chức của địch và tóm cổ tên cầm đầu chứ không quan tâm đén một vài nhân viên trực thuộc. Vả lại, mất Đoàn Trung địch sẽ thận trọng hơn, gây khó khăn cho ta. Giả thuyết thứ hai, Đoàn Trung là nhà bác học tên tuổi không những trong nước mà ngoài nước đều biết. Việc bắt Đoàn Trung không thể giấu kín được. Bắt oan, khi thả ra, các nhà bác học khác nhìn gương Đoàn Trung sẽ đâm nản, không muốn cộng tác nữa. Sự lầm lộn này sẽ ánh hưởng không nhỏ tới công cuộc nghiên cứu, phát minh bí mật nguyên tử. Bây giờ, sau khi đã phân tích hai giả thuyết, anh còn giữ ý kiến bắt giữ và theo dõi Đoàn Trung nữa không?
Lê Diệp nín thinh. Văn Bình hỏi:
-Lệnh của Kinh Kong ra sao?
-Hồi 9 giờ rưỡi sáng, Như Luyến đương ở văn phòng thì có giây nói gọi tới mà nàng không nhận ra được tiếng nói của ai, dặn nàng đúng 4 giờ chiều lái xe đi.
-Đi đâu?
-Họ không nói đi đâu. Họ chỉ dặn Như Luyến đúng 4 giờ chiều xuống ga ra, đánh xe đi, dọc đường sẽ nhận được lệnh, đồng thời nàng phải mang theo bản tài liệu chót.
Văn Bình uống cạn cốc cà phê Mô ka. Vừa khi đó Mộng Kiều uyển chuyển từ phòng bên bước ra. Nàng ôm Văn Bình hôn lên tóc, lên trán nũng nịu:
-Anh về đấy à? Em không cho đâu.
Văn Bình đáp:
-Không. Anh còn ở lại với em đến chiều mới về.
Lê Diệp xen vào:
-Về bây giờ chứ. Đợi đến chiều sao kịp?
Không để ý tới sự phản đối của bạn, Văn Bình quay lại phía Mộng Kiều:
-Này em, bộ mạt chược của em còn ở đây không?
Nàng đáp:
-Còn anh ạ. Anh muốn chơi à? Mới có ba người, chơi sao đủ ?
Văn Bình nói :
-Em mời chị Thu Ngọc sang chơi một thể cho vui.
Mộng Kiều sực nhớ ra :
-Ừ nhỉ, em quên khuấy đi mất.
Lê Diệp đứng dậy, vẻ mặt băn khoăn. Hiểu ý chàng, Văn Bình cười :
-Nóng nẩy thế ? Ngồi xoa một quánh đã sao ?
Rồi không cần Lê Diệp ưng thuận. Văn Bình đổ những con mạt chược bằng ngà tinh xảo, trắng xóa lên cái bàn vuông lót dạ xanh và sắp thành đôi. Thu Ngọc là một vũ nữ nhảy giỏi của tiệm Thiên Đường. Nàng ở khít phòng với Mộng Kiều. Nàng không đẹp bằng Mộng Kiều song thân hình nảy nở hơn, gợi cảm hơn. Văn Bình hút hết điếu này sang điếu khác. Tâm trí chàng tập trung vào quân bài khiến không ai ngờ được chàng là một điệp viên lợi hại, một nhà trinh thám tuyệt luân. Chàng đánh vùi đến ba giờ chiều. Lê Diệp lo lắng tâm thần bất định nên thua hoài. Chai rượu buốc bông đấy ắp để bên, Văn Bình uống gần hết mà da mặt vẫn không thay đổi. Lê Diệp lừ mắt nhìn Văn Bình :
-Gần đến 4 giờ rồi, anh ạ !
Văn Bình đáp :
-Ừ, gần 4 giờ rồi. Nào chúng mình đi về.
Mộng Kiều hỏi :
-Các tướng đi đâu đấy ? Đi ăn mảnh hẳn ?
Lê Diệp gắt :
-Bận không phút nào thở mà còn bảo là ăn mảnh ? Đàn bà  có khác !
Văn Bình xen vào :
-Chà, phê bình cái anh ghét đàn bà này làm gì ? Thôi, anh đi nhá !
Văn Bình lôi Lê Diệp xuống cầu thang. Ra tới đường, chàng vẫn thản nhiên như người rỗi việc đi tản bộ. Mấy cái tắc xi chạy ngang  mà chàng không buồn vẫy. Lê Diệp hỏi :
-Anh không ra lệnh cho anh em Hành Động bố trí à ?
Văn Bình khoát tay, vẻ mặt bí mật :
-Tôi với anh không đủ hay sao ?
Đến góc đường, Văn Bình trèo lên chiếc xe Đức cũ kỹ đậu chơ vơ bên lề. Tuy bên ngoài cũ kỹ mà mới đề ma rơ, chong chóng đã quay ngay. Văn Bình vào số, từ từ lái lên đường Chi Lăng. Ngồi bên cạnh, Lê Diệp tỏ vẻ sốt ruột, chốc chốc vén tay áo lên xem giờ. Văn Bình quay hỏi Lê Diệp :
-Còn mấy phút nữa đến 4 giờ ?
Lê Diệp đáp :
-Còn đúng mười sáu phút rưỡi nữa.
Văn Bình dừng xe bên vệ đường, bảo Lê Diệp xuống. Lê Diệp ngạc nhiên :
-Anh đi đâu ? Sao tôi lại xuống đây ?
Văn Bình lắc đầu :
-Tôi giao cho anh chỉ huy. Anh đứng dưới gốc me kia kìa. Nửa phút nữa người ta sẽ đến tiếp xúc với anh báo cáo tình hình.
Lê Diệp sửng sốt thêm:
-Anh đã chuẩn bị xong rồi à?
Văn Bình mỉm cười:
-Xong rồi. Từ hôm qua, tôi cử Nguyễn Phổ điều khiển toán Hành Động A bao vây nhà Như Luyến. Anh sẽ nói chuyện với Phổ, nên nhớ chỉ theo dõi thôi, không được hành động nghe chưa?
Lê Diệp nhảy thót xuống mặt cỏ. Văn Bình sang số hai, cho xe chạy mất dạng về phía Lăng Ông. Y như Văn Bình dặn trước, Lê Diệp thoáng thấy bóng Nguyễn Phổ từ một góc đường đi tới. Phổ đóng vai chú ba tàu bán thịt bò khô, vừa đi vừa cầm cái kéo cắt vào khoảng không kêu lách cách. Lê Diệp chép miệng, chịu Văn Bình là tài. Lúc nào hắn cũng ra vẻ ăn chơi vung mạng thế mà công việc đều đâu vào đấy. Lê Diệp vẫy hàng thịt bò khô lại ăn. Nguyễn Phổ trông không khác chú buôn thịt bò khô thực thụ. Cả tay cắt thịt bò và rắc nước mắm chua cũng in hệt như người bán chính cống. Phổ hỏi Lê Diệp:
-Cậu sơi bao nhiêu?
Lê Diệp nheo mắt:
-Một đồng. À này, anh đóng khéo quá! Anh Văn Bình dặn tôi đến gặp anh tại đây. Có gì mới không?
Vừa xắt thịt bò khô, Nguyễn Phổ vừa đáp:
-Trước biệt thự và bên hông đều có người núp rất kín đáo. Chỗ nào tôi cũng đặt máy ảnh cực mạnh cả. Ai ra vào đều bị chụp hình, rồi họ báo cáo cho tôi. Đây này, ông thử nghe xem.
Nguyễn Phổ ấn vào một cái nút giấu dưới thùng đựng thịt bò khô và đu đủ bào. Thùng này có hai lớp, lớp dưới là một cái máy thu phát thanh chỉ huy. Trong máy có tiếng phát ra dè dè. Đường Chi Lăng lúc đó người vẫn qua lại dông đảo, nhưng không ai chú ý tới một chú ba tàu đứng sát vào vệ cỏ, bán thịt bò khô dấm cho một thanh niên. Lê Diệp nghe rõ tiếng báo cáo mồn một:
-Alô, xin báo cáo. Từ sáng đến giờ không có ai ra vào hết, ngoại trừ người thân như u già và Đoàn Trung.
Nguyễn Phổ tắt điện đài, đoạn chàng nói với Lê Diệp:
-Trung tá Văn Bình phái tôi đến đây giúp ông theo dõi người tới nhận tài liệu. Cách đây 20 bước có một chiếc Peugeot sơn màu xanh, đậu ngoài ngõ hẻm. Mời ông đi ngay. Trong xe có máy vô tuyến, tôi sẽ liên lạc thường trực với ông trên làn sóng điện 75. Như Luyến đi đường nào, tôi sẽ báo ông biết để theo.
Nói xong, Nguyễn Phổ ngửa tay nhận đồng bạc 2 đồng mới tinh của Lê Diệp đoạn đẩy cái xe thịt bò khô sang bên kia đường. Lê Diệp thản nhiên thọc tay vào túi quần, hút một hơi xì gà, đi nhanh về phía chiếc Peugeot.
Trong khi đó, Văn Bình dừng xe trước một tòa nhà hai tầng ở phía Lăng Ông. Thằng Lập đương nô đùa ở góc sân với bầy trẻ cùng tuổi. Nó bận sơ mi cụt tay chim cò, quần soọc màu trắng và đội mũ vàng mà Như Luyến mua ở một tiệm khách trú bên hông chợ Vũng Tàu. Thấy Văn Bình tiến tới phía mình, thằng Lập lộ vẻ ngạc nhiên. Văn Bình chía tay ra trước, miệng nói:
-Cháu Lập đấy à? Bác Văn Thái đây. Nghe nói cháu học ngoan nên bác đi qua đây có gói kẹo xu ing gơm mang vào cho cháu.
Chàng cho thằng Lập một gói kẹo bạc hà cao su. Thằng Lập vốn thích nhai kẹo cao su. Nó bóc vội vàng, ném vào miệng nhá ngấu nghiến đoạn cho mỗi đứa bạn một cái. Trong khi đó, Văn Bình châm thuốc hút. Chàng cầm gọn cái bật lửa trong tay, mắt không rời thằng Lập. Đó là một cái bật lửa bằng thép không rỉ, đốt bằng hơi, kiểu tối tân. Trước khi đến ký túc xá, Văn Bình đã nghiên cứu kỹ tình hình, thú chơi của thằng Lập. Thằng Lập vốn thích đồ chơi bằng cơ khí như máy ra đi ô, xe hơi. Bật lửa là một trong những món nó mê nhất. Văn Bình biết thóp thằng bé nên cứ loay hoay với cái bật lửa chưa chịu tắt. Chợt hồi chuông mãn giờ chơi kêu lên reng reng. Văn Bình cúi xuống, hôn lên má thằng Lập, miệng nói:
-Thôi, bác về nhá.
Thằng Lập chưa chịu vào lớp, tần ngần:
-Thưa bác…
Văn Bình cười xòa:
-Cháu thích cái này phải không? Ừ, cháu muốn, bác cũng cho. Giữ lấy mà chơi, đừng bỏ lạc đâu nghe. Đây này, cất kỹ vào trong túi như thế này…
Chàng ấn cái bật lửa xinh xắn vào túi quần soọc của thằng Lập. Bọn học sinh kéo nhau vào lớp, thằng Lập riu ríu chạy sau, mặt mày hớn hở. Văn Bình thản nhiên ra khỏi trường. Đồng hồ tay chỉ đúng 4 giờ kém một phút.
Ở biệt thự trên đường Chi Lăng, Như Luyến cầm lấy chùm chìa khóa xe, đoạn khép cửa lại, bước xuống ga ra. Rút kinh nghiệm trước, lần này nàng mở khóa ga ra, bật đèn lên rồi mới vào. Kỳ trước, nàng không khóa ga ra nên nhân viên của Kinh Kong mới lọt vào được dễ dàng. U già đi chợ từ nãy. Trước khi u đi, nàng dặn u già thả bầy chó ra để gác biệt thự. Giờ đây, Như Luyến tin chắc Kinh Kong không dám vào trong nhà nàng được nữa. Nàng đẩy cánh cửa ga ra sang một bên, nhìn vào trong. Hai chiếc xe của nàng vẫn y nguyên. Bóng tối trong ga ra bị ngọn đèn trăm nến sáng quắc mà nàng vừa lắp hồi trưa đuổi ra ngoài. Như Luyến cảm thấy yên dạ đôi chút. Nàng trèo lên xe, vặn máy. Kinh ngạc xiết bao, một phong thư nhỏ, thứ phong bì mà Kinh Kong dùng để gửi bức thư đe dọa bữa nọ cho nàng, đã được đặt ngay ngắn trên nệm xe. Như Luyến bàng hoàng. Nàng không thể ngờ Kinh Kong lại ghê gớm nhường ấy. Trừ phi y có phép tàng hình hoặc độn thổ, chứ hôm nay nàng đã đề phòng cẩn mật…Viên trung tá trẻ tuổi của Sở Mật Vụ đã cam kết long trọng với nàng bất cứ giờ nào cũng có nhiều cặp mắt vô hình vây quanh biệt thự. Nếu đúng, sao Kinh Kong còn lọt vào được trong này, đặt lá thơ trên nệm xe Mo rít?
Bức thư cũng gồm toàn chữ cắt trong báo dán lại, như sau:
-Yêu cầu bà lái xe tới nhà hàng Ma giét tích ở đường Tự Do, ngồi xuống giải khát ở cái bàn kế bên ngoài cùng. Tới sáu giờ rưỡi, bà sẽ bách bộ về phía Hải Quân và ngồi xuống một cái ghế xi măng đặt trước thông báo hạm Chương Dương. Nếu bà gặp trở ngại nào, hoặc bị theo, hoặc chưa có tài liệu thì khi ngồi ở nhà hàng Ma giét tích hãy rút khăn mù xoa để chận lên cái xắc trên bàn. Dọc đường nếu bị theo, bà hãy đeo cái xắc lên vai.
Như Luyến buột miệng thở dài. Kinh Kong lo chu đáo, không bỏ quên chi tiết vụn vặt nào. Như Luyến đánh diêm đốt cháy bức thư, vùi tàn vào cái đựng tàn thuốc lá trong xe. Nàng chậm chạp cho xe lùi ra khỏi ga ra. Con Ziếc cô đứng sững hai chân, miệng sủa gâu gâu một cách quyến luyến. Nó là bạn thân và là vệ sĩ trung thành của nàng. Đáng tiếc là Kinh Kong không chịu cho con Ziếc cô cùng đi.
Con chó thông minh dí cái mõm vào giầy nàng, đánh hơi ngoe nguẩy đuôi. Nàng xuống xe, đóng cửa ga ra thì con Ziếc cô ngậm lấy gấu quần nàng, tỏ vẻ phản đối. Như Luyến ứa nước mắt. Con chó không biết nói nhưng đã đoán biết công việc thập phần bạc bẽo và nguy hiểm mà nàng lao đầu vào. Nó không muốn nàng đi, sợ chuyện chẳng lành. Như Luyến cúi đầu xuống, lấy tay xoa xoa vào mũi con Ziếc cô, miệng mắng yêu:
-Ziếc cô, Ziếc cô, coi nhà giỏi nhá.
Con chó gật gật hai cái đoạn nằm phục xuống một bên, thái độ buồn rầu vô hạn. Chưa bao giờ nó buồn như thế! Nó linh tính một việc bất hạnh sắp xảy tới cho nàng chăng? Như Luyến chắt lưỡi đoạn phóng xe ra khỏi cổng. Vừa khi đó, u già lễ mễ đi chợ về. U mang một cái giỏ mây nặng chĩu hoa quả và tôm cá. Thấy Như Luyến lái xe ra, u già đứng nép sang bên, nhưng không quên dặn một cách âu yếm:
-Cô đi đâu sớm thế? Cô có đón em Lập một thể không?
Nàng lắc đầu:
-Không, tôi bận việc gấp. Nhờ u chốc nữa đón em.
U già tỏ dấu vâng lời. Như Luyến ấn còi xả ga chạy một mạch về Sàigòn. Lòng nàng thanh thản. Nàng cảm thấy dỡ cô đơn mỗi khi được u già săn sóc. Ước ao sau vụ này Kinh Kong sẽ để mẹ con nàng sống yên ổn với cuộc đời góa bụa như trước nhỉ?
Chiếc Mo rít của nàng ra đến đầu đường là cuộc săn bắt của ban Hành Động bắt đầu. Người nhân viên túc trực sau hàng cửa sổ của một bin đinh đối diện đợi Như Luyến lái xe ra khỏi biệt thự mới nhấn nút vô tuyến liên lạc với Nguyễn Phổ. Nguyễn Phổ đương cầm cái kéo cắt lách cách ở ngã ba Chi Lăng, Gia Định. Như Luyến không lái xe về phía Lăng Ông để xuống Sàigòn cho gần như Phổ dự tính mà chạy thẳng về Phú Nhuận. Nàng rời cổng biệt thự được bốn phút. Mấy ống kính nhiếp ảnh tối tân của Sở Mật Vụ chĩa vào quãng đường từ cổng nhà Như Luyến tiến về phía Phú Nhuận. Như Luyến bon bon đến gần bệnh viện Cơ Đốc. Người cảnh sát giao thông chưa cho nàng vượt qua. Y là một trong những cộng tác viên của Sở Mật Vụ. Từ nãy Nguyễn Phổ đã ra chỉ thị cho y tìm cách giữ chiếc Mo rít lại một, hai phút, đủ thời giờ cho Lê Diệp từ phía sau vọt lên. Đến khi Như Luyến rẽ về bên trái, thẳng đường Võ Di Nguy lên Sàigòn thì chiếc Peugeot cũ kỹ của Lê Diệp đã bám gần sát. Trời xế chiều, xe cộ qua lại như mắc cửi. Chiếc Peugeot bề ngoài tồi tàn của Sở Mật Vụ chính là một kỳ công của khoa học rượt bắt. Vỏ xe là vỏ Peugeot của Pháp, trầy sơn và méo mó nhiều chỗ, nhưng máy lại là máy mới, với một thứ cạc buy ra tơ đặc biệt. khi hữu sự chỉ cần rồ máy là chiếc Peugeot sọc sạch gầm lên với tốc độ 150 cây số một giờ, còn chạy nhanh hơn xe hơi Hoa Kỳ nữa. Ở cửa bên trái, phia trước tay lái, có một cái đèn hình tròn, thứ đèn mà người đi bắn đêm thường gắn vào xe để chiếu cho sáng. Trông hình thù ai cũng tưởng là đèn bắn đêm, thật ra đó là máy ảnh và quay phim tự động cực kỳ tối tân. Bấm một cái nút trong xe, máy này chỉ chụp từng tấm một, bấm một nút khác thì biến thành máy quay phim liên tục. Cái đèn hình tròn thay cho bóng đèn chụp của máy ảnh. Thứ máy ảnh quay phim này, công an FBI của Mỹ dùng để theo dõi kẻ khả nghi.
Đi sau xe Như Luyến, cây đèn của Lê Diệp từ từ quay phìm. Chốc nữa rửa phim xong, Văn Bình có thể nằm nhà vẫn theo dõi được cuộc rượt bắt kín đáo. Qua khách sạn Ma giét tích, Như Luyến đậu xe sát lề đoạn bước vào nhà hàng lộ thiên. Khách khứa đã ngồi đông đảo, hóng gió chiều hè từ cửa sông Sàigòn quạt lên. Lê Diệp vào sau, chọn một cái ghế tận trong cùng. Chàng gọi một chai côca côla. Nhìn về phía Như Luyến, chàng thấy mặt nàng băn khoăn, tuy bề ngoài cố che đậy. Nàng luôn luôn thay đổi kiểu ngồi, tỏ vẻ sốt ruột. Lê Diệp để ý nàng uống rượu mạnh rất khá. Chỉ loáng một cái, nàng đã uống cạn ba ly cỏ nhác không pha sô đa. Lê Diệp ngồi uống nước ngọt như vậy cho đến sáu giờ rưỡi. Trên bàn chai không bày la liệt. Đĩa đựng tàn thuốc trước mặt đã đầy ắp mẩu xì gà.
Trời tối sớm. Mảnh chân trời ở thương khẩu đã đen kịt. Đèn phố bật sáng từ bao giờ. Khách hóng mát đi lại nườm nượp trên bờ sông. Như Luyến coi đồng hồ đoạn trả tiền đứng dậy, lững thững đi về phía Hải Quân Công Xưởng. Lê Diệp không rời bàn uống vội. Kinh nghiệm cho biết địch thường gài người lại canh chừng. Vả lại, trong lúc này, ngoài chàng ra còn bao nhiêu nhân viên khác của Sở Mật Vụ lẩn trong bóng tối theo từng dấu chân của Như Luyến. Có lẽ Văn Bình và Nguyễn Phổ đã có mặt ở bờ sông. Như Luyến đi lên bờ, bước nhanh hơn. Chung quanh nàng đều là những mặt không quen. Nàng không thấy rõ nhưng đoán theo dáng đi và giọng nói đủ biết họ tràn trề vui sướng. Cách một quãng ngắn lại có một cặp vợ chồng trẻ bước qua. Nàng bỏ tay dưới nách chàng, hai người đi sát vào nhau tuy trời không lạnh như ở Pháp. Sát bờ nước, đâu cũng có những đôi trai gái chụm đầu tình tự. Bọn trẻ con chạy thình thịch mời khách mua mía và bắp rang ơi ới. Nếu không có Kinh Kong, nàng còn sung sướng hơn những cặp trai gái kia chục lần. Bên cạnh nàng có thằng Lập, có u già, lại có cả bác sĩ Đoàn Trung nữa.
Như Luyến qua trụ sở Hải Quân. Đường bắt đầu hơi tối. Cách nàng hai chục bước là gót chân đều đặn của Lê Diệp, chăm chú bước theo Như Luyến. Chợt chàng giật mình. Một tiếng la xé nhĩ tai vừa ngân lên. Chàng đứng dừng lại. Nhưng không. Như Luyến vẫn không hề gì. Đó là tiếng kêu của ả tố nữ đứng với tình lang mê mải yêu đương bị tuột chân xuống nước. Như Luyến vén áo ngồi xuống cái ghế xi măng. Tuy đứng xa, Lê Diệp vẫn thấy tay nàng cầm một cái gì. Lê Diệp chợt hiểu. Địch bao giờ cũng dùng chiến thuật gặp gỡ trung gian. Hẹn một chỗ nào đó nhưng khi tới nơi lại dùng một người lạ hẹn tới chỗ khác. Địch quỷ quyệt thật! Chàng  thấy Như Luyến cúi đầu xuống đọc. Đúng rồi, một mảnh giấy. Đọc xong, Như Luyến vo tròn ném vào xắc đoạn bước xuống đường, đi ngược về phía đại lộ Thống Nhất.
Con đường này có cây lớn hai bên nên tối om. Người đi lại thưa thớt. Lê Diệp nghe tiếng giầy cao gót của Như Luyến rền vang trên đường nhựa. Đến một khoảng tối, Như Luyến rẽ sang phải về phía Sở Thú. Đây là khu tối nhất. Nàng đi đâu đây? Lê Diệp nhìn ra sau. Không có một ai. Như Luyến khuất vào lùm cây tối om. Lê Diệp dừng hẳn lại, giác quan thứ sáu đánh hơi nguy hiểm? Đột nhiên, chàng nghe tiếng còi cảnh sát ré lên. Lê Diệp nhoài mình trên hè đường nhựa. Một chiếc Traction sơn đen, giàn thấp lè tè, chạy như tên bắn, lái sát sạt vào chàng, cửa sau khạc ra một vòng lửa đỏ ối: súng mi tray dết. Tacata, tacata, tacatacata…Ít nhất là một băng tiểu liên xả vào người chàng. Tập luyện thành thạo, lại quen với những trường hợp vào sanh ra tử nên Lê Diệp không bị sây sát. Chàng lồm cồm bò dậy, chiếc Traction dừng đánh két, cách chàng mấy thước, nả thêm một tràng tiểu liên nữa vào chỗ chàng phóng mình lúc nãy. Lê Diệp phải cuộn mình như khúc giò, lăn vào trong lề. Tiếng súng im, Lê Diệp cũng nằm im, giả chết. Bốn bề im lặng như cảnh chết. Trên xe bước xuống hai người lực lưỡng. Tên đi trước; cao thước bảy, mặc bà ba đen cầm tiểu liên. Tên đi sau thấp hơn, nhỏ hơn, không mang khí giới. Định thần nhìn kỹ, Lê Diệp thấy y lấy một sợi thắt lưng. À ra chúng nó định ném chàng xuống sông cho mất xác. Chàng vẫn nằm cứng đờ. Tên cao lớn đến bên chàng chĩa mũi súng còn sực nức mùi thuốc, định bắn thêm loạt nữa, nhưng tên đi sau ra hiệu bảo thôi:
-Thôi, vừa vừa chứ, khu này lắm lính đấy! Bắn hai “băng” rồi thế nào cũng  nghe. Để tôi xem hắn chết chưa đã.
Hắn khom lưng xuống, đặt tay lên tim Lê Diệp. Lê Diệp chỉ chờ có cơ hội đó. Nhanh như cắt, bàn chân của chàng khua một cái cực mạnh, đụng xương bánh chè của tên cầm tiểu liên. Y bị tấn công bất ngờ, lại nhằm chỗ phạm nên bổ chúi về phía trước, tuy nhiên ngón tay của hắn vẫn nhấn vào cò súng. Những viên đạn 9 ly bắn ra tua tủa nhưng không trúng vào người chàng. Trong khi chàng dùng chân đánh ngã tên cao lớn, bàn tay chàng vút lên một cái nhẹ trùng gáy tên nhỏ thó. Phập! Sống  tay chắc như thép tôi chặt đúng yết hầu. Tên nhỏ thó ngã quay ra chết không kịp trối.
Lê Diệp vùng dậy. Tên cao lớn còn cầm súng trong tay. Chàng không cho y cơ hội lấy lại sức và chĩa súng vào người chàng. Chỉ một tích tắc đồng hồ, Lê Diệp đã tiến cạnh khẩu súng và đá mạnh vào báng. Khẩu tiểu liên rời tay y bay xuống đường.
Tất cả việc đó xảy ra trong vòng ba chục giây đồng hồ. Chàng phản công chớp nhoáng đến nỗi đồng lõa của chúng ngồi trên xe không kịp trở tay. Lê Diệp rút lưỡi dao sắc như nước trong túi ra, chờ phóng. Nhưng chàng chỉ nghe tiếng máy rú dữ dội rồi chiếc Traction bí mật biến vào đêm tối. Tứ phía, chàng nghe tiếng síp lê cảnh sát và tiếng còi xe hơi. Chàng chạy băng về phía Như Luyến. Cuối đường, Lê Diệp bắt gặp một người đàn ông hấp hối trong vũng máu đỏ lòm. Người đó là Nguyễn Phổ. Phổ nằm sấp, mặt úp xuống đất. Lưng thấm máu một vũng to tướng. Lê Diệp lật ngửa Nguyễn Phổ ra. Cặp mắt nạn nhân đã mất tinh. Trước khi thở hắt ra, Phổ cựa mình như con cá quẫy trên thớt sau khi cụt đầu đoạn nằm thẳng đờ, vĩnh biệt cõi thế. Mắt Lê Diệp vấp phải một vật cách đó một quãng ngắn. Chàng chạy vội lại thấy chiếc mù xoa màu vàng có thêu hai chữ N.L., mù xoa của Như Luyến, mùi nước hoa đắt tiền mà nàng quen dùng còn phảng phất.
Tiếng còi cảnh sát mỗi lúc một gần thêm. Chàng định ở lại trình giấy tờ với cảnh sát, yêu cầu họ giúp điều tra nhưng khi nghĩ tới lời dặn của ông Hoàng và của Văn Bình, chàng lại bỏ đi ngay. Khi đèn pha của cảnh sát cấp cứu quét hai vệt vàng ở đầu đường, Lê Diệp ba chân bốn cẳng chạy biến về đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Gặp một chiếc tắc xi đi rong, chàng ngoắc lại, dặn lái tới trụ sở riêng của ban Hành Động. Văn Bình ngồi đợi Lê Diệp không biết tự bao giờ. Nét mặt Văn Bình đanh lại như được đẽo trong một khối thép. Câu nói đầu tiên của Lê Diệp là:
-Phổ bị rồi…
Văn Bình gật đầu. Chàng đã biết tin Phổ bị hạ sát. Lúc đó, Văn Bình đương ngồi trên xe díp chỉ huy gần bờ sông. Chàng liên lạc với Phổ bằng máy vô tuyến cầm tay. Một loạt đạn nổ qua ống cao su hãm thanh kèm theo tiếng kêu dẫy chết của Phổ đã báo cho chàng biết. Chàng định bay lại cứu nhưng lại cách nơi Phổ bị hạ sát đến nửa cây số.
Lê Diệp ngồi thừ trong ghế bành, nhìn Văn Bình hút hết điếu thuốc Salem này đến điếu Sakem khác, cạnh cốc cà phê đặc sịt. Lệ thường, mỗi khi suy nghĩ lung, Văn Bình uống hàng lít cà phê đặc không đường.
Lê Diệp há miệng toan nói, Văn Bình khoát tay bảo im. Người nhân viên ngồi trước một cái bàn bằng sắt, có hàng chục chiếc đồng hồ khác nhau, đủ cỡ, ngẩng đầu lên ra hiệu cho Văn Bình, vẻ mặt mừng rỡ:
-Thưa, có lẽ nhận được.
Nhân viên này chụp mũ nghe vào tai, chăm chú theo dõi một tiếng động từ xa lại. Bên cạnh là một nhân viên khác, cúi trên bản đồ thành phố Sàigòn, lớn bằng cái bàn, trên có những cây kim cắm la liệt. Đó là bộ phận đo góc của Sở Mật Vụ (1). Chỉ hai nhân viên, Lê Diệp hỏi Văn Bình:
-Anh cho đo góc đấy à? Họ có điện đài hả anh?
Văn Bình lắc đầu:
-Không, điện đài của ta. Như Luyến mất tích, người của ta theo không kịp. Tôi đương nhờ họ tìm ra chỗ nàng tới.
Lê Diệp chợt hiểu:
-Anh đưa Magwave (2) cho nàng phải không?
Văn Bình nhún vai:
-Không, tôi giấu trong ví da của nàng.
-Như Luyến không gặp Kinh Kong à?
-Không.
-Thế thì kế hoạch của mình tong rồi.
-Có thể.
-Còn giả thuyết gì nữa? Nguyễn Phổ bị giết, tôi suýt bỏ mạng, nếu không nhanh tay. Địch đã biết rõ chúng mình theo họ. Đời nào họ ló mặt ra nữa?
-Sao lại không?
-Tài liệu nhận được rồi, họ ló mặt ra làm gì?
-Như Luyến chưa kịp trao tài liệu cho họ. Lúc anh rời nhà hàng Ma giét tích, tôi đương ở bờ sông với Nguyễn Phổ. Phổ lên xe đi trước, tôi dừng lại ra lệnh cho Phổ bằng vô tuyến. Như Luyến trở về đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phổ đi cách nàng độ ba chục bước. Tôi không biết Phổ bị giết như thế nào, nhưng tôi cả quyết Phổ bị núp bắn bất ngờ và bắn bằng súng có lắp ống cao su chặn tiếng. Khi ngã xuống, Phổ cho còi lên miệng thổi nên Như Luyến hoảng sợ bỏ chạy.
-Thảo nào. Tôi không nghe tiếng súng mà chỉ nghe còi huýt.
-Nếu Phổ không thổi còi báo nguy, có lẽ cả anh lẫn Như Luyến, sau khi địch đoạt được tài liệu, đều bị giết.
Văn Bình ngừng bặt. Nhân viên đeo ống nghe trước bàn đo góc dơ tay lên vẫy chàng:
-Đúng rồi, đúng tiếng Magwave của Như Luyến!
-Biết rõ ở đâu chưa?
Hai nhân viên tính toán một hồi. Một người cắm một cây kim vào bản đồ, miệng nói:
-Thưa, ở đầu đường Tự Do.
Văn Bình bặm môi nghĩ ngợi. Thì ra Như Luyến quay về đường Tự Do lấy xe hơi đậu lúc nãy, khi đi gặp Kinh Kong.
Văn Bình quay sang phía Lê Diệp:
-Anh đến ngay đường Tự Do đưa Như Luyến về đây.
Đột nhiên người nhân viên đeo mũ nghe reo lên một tiếng. Anh ta nói lớn:
-Tiếng Magwave thứ hai cũng nghe được ông ạ!
Văn Bình giật mình. Chàng không ngờ sự trù liệu lại đúng đến thế. Chàng ra lệnh:
-Phải theo dõi hết sức cẩn thận và báo cáo cho tôi. Khi nào dừng ở đâu lâu, hãy cho tôi biết ngay.
Bây giờ chàng đã hiểu tại sao Như Luyến phải về đường Tự Do lấy xe hơi riêng. Địch đã bắt cóc thằng Lập. Địch đã bắt cóc của báu nhất đời của Như Luyến.
-----------
(1) phép đo góc hay phép trắc giác, tiếng Pháp là goric tức là phép căn cứ vào luồng sóng điện của một điện đài mà có thể tìm ra được địa điểm của điện đài ấy. Người ta thường dùng phép này để khám phá những đài phát thanh bí mật.
(2) Magwave là một cái máy phát ra luồng sóng điện. Các sở do thám thường dấu cái máy này trong người mà họ muốn theo dõi kín đáo, rồi dùng phép đo góc tìm ra dễ dàng. Mỗi xứ có một thứ máy khác, tuy nguyên tắc giống nhau. Magwave là máy do Mỹ chế tạo.