Hồi 73
Bọn Che Mặt Lăng Nhục Phái Hoa Sơn

Mọi người tiến vào đại điện thì thấy một pho tượng thần xanh mình mặc khoác áo lá cây, tay cầm nắm cỏ khô. Nguyên đây là đức Dược Vương Bồ Tát họ Thần Nông đang nếm bách thảo.
Nhạc Bất Quần dẫn bọn đệ tử tới trước tượng thần hành l. Mọi người chưa kịp bỏ nón ra thì ánh chớp lóe lên rồi trên không có một tiếng nổ rùng rợn. Tiếp theo mưa rào đổ xuống, những hạt mưa lớn bằng hạt đậu trút xuống mái ngói bật lên tiếng choang choảng.
Tòa phá miếu nầy lâu ngày không người tu sửa, dột nát khắp nơi. Mọi người không bỏ nón ra nữa, tìm chỗ khô ráo mà ngồi.
Cao Căn Minh, Lương Phát và ba cô nữ đệ tử bảo nhau đi thổi cơm.
Nhạc phu nhân nói:
- Ðầu năm nay sấm động sớm hơn mọi năm, e rằng khó an ninh được.
Lệnh Hồ Xung ngồi tựa vào cái giá chuông ở góc điện. Hắn trông ngoài thềm nước mưa đổ xuống như một tấm rèm bằng nước liền lẩm bẩm:
- Giả tỷ lúc này còn Lục sư đệ nói chuyện thì mình cũng đỡ buồn được nhiều.
Ngày trước Lệnh Hồ Xung thường cùng bọn Nhạc Linh San, Lục Ðại Hữu, Cao Căn Minh nói chuyện cười đùa với nhau, từ lúc Lục Ðại Hữu qua đời, trong lòng hắn tự oán hận mình và nghĩ rằng mình chẳng còn sống ở thế gian được bao lâu thì chẳng nên quấn quít, chuyện trò với Nhạc Linh San làm gì nữa.
Có lúc hắn thấy nàng ngồi với Lâm Bình Chi liền tránh ra xa bụng bảo dạ:
- Tiểu sư muội liều thân cam chịu sư phụ trách mắng, lấy cắp "Tử hà bí lục" đem đến cho ta, đủ tỏ nàng có tình nghĩa ân cần với ta lắm. Ta đã yêu nàng thì phải mong cho đời nàng được vui sướng. Ta quyết tìm cho ra "Tử hà bí lục" rồi sẽ tự vẫn để tạ tội với Lục sư đệ, thì còn dây dưa với nàng làm chi nữa? Nàng và Lâm sư đệ đúng là một đôi người ngọc. Ta chỉ mong nàng quên hẳn ta đi và sau khi ta chết rồi nàng cũng đừng vì ta mà sa lệ.
Tuy hắn tự chủ như vậy, nhưng mỗi khi thấy Nhạc Linh San cùng Lâm Bình Chi sóng vai mà đi hoặc trò chuyện dí dỏm với nhau thì lại thấy đau lòng.
Lúc này ngoài miếu Dược Vương trời vẫn mưa như trút nước.
Lệnh Hồ Xung thấy Nhạc Linh San chạy lui chạy tới trong điện giúp mọi người nấu nước thổi cơm. Mỗi khi mục quang nàng gặp ánh mắt Lâm Bình Chi thì hai người lại tủm tỉm cười. Cả hai đều tưởng rằng chẳng một ai chú ý đến mình, nhưng mỗi lần mỉm cười đều không qua được mắt Lệnh Hồ Xung.
Mỗi lần hai người nở một nụ cười là tâm can Lệnh Hồ Xung lại một phen tê tái. Hắn muốn ngoảnh mặt đi không nhìn nữa, nhưng mỗi khi Nhạc Linh San đi qua, hắn chẳng thể nào không nhìn nàng một cái.
Ăn cơm xong, mỗi người tìm lấy một chỗ mà ngủ. Lệnh Hồ Xung lắng tai nghe trời mưa lúc lớn lúc nhỏ thủy chung vẫn không tạnh. Trong lòng rất buồn bã, hắn không sao nhắm mắt được.
Sau chừng một giờ, trong đại điện tiếng ngáy nhịp nhàng, mọi người đã đi vào giấc mộng.
Ðột nhiên từ góc tây nam có tiếng vó ngựa dồn dập. Ðoàn kỵ mã này đến mười mấy người đang đi trên đường lớn.
Lệnh Hồ Xung run lên tự hỏi:
- Ðang đêm khuya sao lại có người đội mưa rong ruổi? Hay là họ đến kiếm bọn mình?
Hắn ngồi nhỏm dậy. Bỗng nghe Nhạc Bất Quần khẽ nói:
- Ðừng ai lên tiếng hết!
Chẳng bao lâu mười mấy người kỵ mã chạy qua phía ngoài miếu.
Lúc này hết thảy mọi người phái Hoa Sơn đều tỉnh dậy. Ai nấy lăm lăm cầm kiếm trong tay để chuẩn bị đối địch. Nhưng tiếng vó ngựa lướt qua phía ngoài rồi đi mỗi lúc một xa.
Mọi người thở phào một cái nhẹ nhõm. Họ toan nằm xuống ngủ nữa, bỗng nghe tiếng vó ngựa quay trở lại.
Mười mấy người kỵ mã đến cổng miếu thì dừng lại. Rồi có người cất tiếng oang oang gọi:
- Nhạc tiên sinh phái Hoa Sơn có ở trong miếu không? Chúng tôi có việc muốn thỉnh giáo.
Lệnh Hồ Xung là đại đệ tử bản môn. Trước nay mọi việc môn phái đều do hắn giao tiếp với người ngoài. Hắn liền mở cửa đáp:
- Ðang lúc đêm hôm mà ông bạn ở đâu tới? Hỏi chuyện gì?
Hắn đưa mắt nhìn qua cửa sổ thấy mười lăm người cưỡi ngựa đứng thành hàng chữ nhất. Trong bọn này 6,7 người cầm đèn ló chiếu vào mặt Lệnh Hồ Xung.
Trong bóng tối mà có 6,7 ngọn đèn đồng thời chiếu vào mặt, Lệnh Hồ Xung không khỏi bị lóa mắt.
Thật là một cử động vô lễ, đồng thời tỏ ra đầy vẻ thù nghịch.
Lệnh Hồ Xung giương mắt lên nhìn thì thấy những người này đều bịt khăn đen chỉ để hở cặp mắt.
Những tấm khăn đen nầy thực ra là để che mưa cho khỏi ướt đầu, nhưng đây họ cố ý bịt cho khỏi lộ chân tướng.
Lệnh Hồ Xung động tâm nghĩ thầm:
- Bọn này nếu không phải là người đã quen biết từ trước thì chúng sợ mình nhớ mặt.
Bỗng nghe người mé tả lại lên tiếng:
- Mời Nhạc Bất Quần tiên sinh ra đây nói chuyện!
Lệnh Hồ Xung hỏi lại:
- Các hạ là ai? Xin cho biết tôn tính đại danh để tiện bẩm lên sư trưởng tệ phái.
Người kia đáp:
- Chúng ta là ai bất tất phải hỏi làm chi? Ngươi cứ nói với sư phụ chúng ta nghe tin phái Hoa Sơn đã lấy được "Tịch Tà kiếm phổ" của nhà họ Lâm, vậy cho chúng ta mượn coi một chút.
Lệnh Hồ Xung nổi giận bừng bừng đáp:
- Phái Hoa Sơn có võ công của bản môn thì còn lấy "Tịch Tà kiếm phổ" của ai làm chi? Ðừng nói tệ phái không lấy được, dù có lấy chăng nữa mà các hạ lại vô l như vậy thì đừng hòng tệ phái cho mượn sách.
Người kia liền cười ha hả. Cả 14 tên kia cũng cười theo. Tiếng cười ở nơi hoang dã nghe vang đi rất xa và chói tai phi thường. Hiển nhiên nội công của bọn này đều ghê gớm.
Lệnh Hồ Xung ngấm ngầm kinh hãi tự hỏi:
- Ðêm nay lại gặp phải tay kình địch. Bọn này đều là hảo thủ, nhưng không hiểu lai lịch chúng ra sao?
Ðoàn người lạ mặt đang cười thì một người lên tiếng:
- Nghe nói thằng lỏi họ Lâm ở Phước Oai tiêu cục đã qui đầu làm môn hạ phái Hoa Sơn. Chúng ta vốn biết Quân tử kiếm Nhạc tiên sinh ở phái Hoa Sơn kiếm thuật thông thần, độc đáo trong võ lâm, không thèm để ý đến "Tịch Tà kiếm phổ". Nhưng chúng ta là bọn vô danh tiểu tốt trên chốn giang hồ cả gan đến xin Nhạc tiên sinh cho mượn coi một chút.
Mười bốn tên kia vẫn cười ha hả không ngớt, thế mà thanh âm gã đó lấn át được cả tiếng cười nghe rất rõ, thì đủ biết nội công gã còn cao thâm hơn Lệnh Hồ Xung nhiều.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
- Các hạ là ai? Các hạ...
Hắn nói được mất tiếng rồi chính mình cũng không nghe rõ thanh âm của chính mình nữa thì trong lòng cực kỳ kinh hãi, tự hỏi:
- Chẳng lẽ mười mấy năm mình luyện nội công không còn lại chút nào ư?
Sau khi xuống núi Hoa Sơn, Lệnh Hồ Xung đã mấy lần theo tâm pháp bản môn rèn luyện nội công, nhưng chỉ hơi vận khí một chút thì bao nhiêu luồng nội tức phức tạp lại nhộn nhạo lên không thể nào kiềm chế được. Hắn càng kiềm chế thì càng thấy tấm tức khó chịu. Nếu không đình chỉ là lập tức ngất đi. Hắn luyện mấy lần đều thấy như vậy có đưa ra thỉnh giáo sư phụ, nhưng Nhạc Bất Quần chỉ nhìn hắn bằng con mắt lạnh lùng chứ không trả lời.
Lệnh Hồ Xung tự nghĩ:
- Mình chẳng còn sống mấy nỗi thì luyện nội công làm chi?
Rồi từ đó, hắn không luyện nữa.
Gần đây người hắn đã phục hồi như cũ, hành động như thường. Không ngờ lúc này, hắn đề khí phát thanh lại bị tiếng cười của đối phương kiềm chế, thanh âm không truyền ra được.
Bỗng nghe Nhạc Bất Quần ở trong miếu lên tiếng đáp vọng ra:
- Các vị đều là những nhân vật thành danh võ lâm, sao lại quá khiêm tự nhận mình là hạng vô danh tiểu tốt? Nhạc Bất Quần này không nói dối ai bao giờ "Tịch Tà kiếm phổ" của nhà họ Lâm không có ở đây.
Lão nói mấy câu này đã vận dụng "Tử hà thần công", nghe tầm thường không có chi lạ, song nó đàn áp được tiếng cười rộ của mấy người. Thanh âm lão từ trong đại điện vọng ra ngoài miếu chẳng một ai là không nghe rõ. Mấy câu nói hời hợt chẳng khác chi lúc nói chuyện bình thường mà lợi hại như vậy thì thứ công lực nhẹ nhàng mà trầm trọng đó còn cao hơn gã kia nhiều.
Bỗng nghe một tên khác ồm ồm nói:
- Tiên sinh bảo "Tịch Tà kiếm phổ" không ở đây vậy thì ở đâu?
Nhạc Bất Quần đáp:
- Các hạ lấy tư cách gì mà hỏi bản nhân câu này?
Người kia đáp:
- Việc thiên hạ thì người thiên hạ đều có thể can thiệp được.
Nhạc Bất Quần chỉ cười lạt một tiếng chứ không trả lời.
Thanh âm ồm ồm ở bên ngoài lại cất lên:
- Họ Nhạc kia! Ngươi có chịu giao kiếm phổ hay không thì bảo? Ngươi không muốn uống rượu mời thì phải uống rượu phạt. Nếu ngươi không chịu đưa ra, chúng ta phải động võ tiến vào lục soát.
Nhạc Bất Quần khẽ nói:
- Bọn nữ đệ tử đứng liền một chỗ, giáp lưng vào nhau. Còn nam đệ tử thì rút kiếm ra đi!
Những tiếng lách cách nổi lên. Mọi người đã rút trường kiếm ra.
Lệnh Hồ Xung đứng ngay trước cửa tay nắm chuôi kiếm chưa rút ra thì đã có hai tên nhảy xuống ngựa xông lại.
Lệnh Hồ Xung né tránh toan rút kiếm, bỗng một tên quát:
- Tránh ra!
Gã vung chân phải đá Lệnh Hồ Xung một cái lăn lộn đi mấy vòng băng ra đằng xa.
Lệnh Hồ Xung bị đá bay đi mấy trượng rớt xuống bụi cây. Ðầu óc hỗn loạn, hắn nghĩ thầm:
- Vừa rồi rõ ràng ta đã thi triển cầm nã thủ pháp để móc lấy chân gã. Chiêu "Hối phong bất liu" đó chẳng những có thể tránh được cái đá của đối phương mà còn hất được mình gã đi mới phải. Chiêu cầm nã cũng như chiêu móc ta nhằm huyệt đạo rất chuẩn đích mà sao không hiệu nghiệm? Cái đá của gã chẳng lấy gì làm ghê gớm mà sao hạ bàn ta bị hất tung đi không một chút khí lực?
Hắn gắng gượng ngồi dậy thì đột nhiên nhiệt huyết trong ngực nhộn nhạo cả lên. Bảy tám luồng chân khí chuồn qua chuồn lại xung đột nhau trong người. Khiến hắn muốn cử động một ngón tay cũng không thể được.
Lệnh Hồ Xung cả kinh, hắn muốn mở miệng la lên mà không ra tiếng. Tình trạng lúc này chẳng khác chi người mê mộng. Ðầu óc vẫn tỉnh táo mà toàn thân không nhúc nhích được.
Bên tai tiếng binh khí chạm nhau chát chúa không ngớt. Hắn nghe rõ sư phụ, sư nương và nhị đệ đã xông ra ngoài miếu đánh nhau với bảy tám tên che mặt. Còn mấy tên che mặt khác thì sấn vào trong miếu đang quát tháo om sòm. Từ trong đại điện tiếng thét của bọn nữ đệ tử vọng ra.
Lúc này mưa càng to hơn. Mấy chiếc đèn ló liệng xuống đất còn chiếu ra những tia sáng vàng lợt, khiến cho kiếm quang lấp loáng bóng người lay động.
Chỉ trong khoảng khắc, bỗng nghe trong miếu có tiếng đàn bà rú lên rất thê thảm. Lệnh Hồ Xung trong lòng nóng nảy, hắn tính thầm:
- Bọn địch đến giáp công đều là bọn trai tráng mà tiếng kêu rú lại là phụ nữ thì tất trong bọn sư muội ta có người bị thương rồi.
Hắn đưa mắt ngó sư phụ đang mút tít thanh trường kiếm, một mình lão chống trọi bốn tên. Còn sư nương thì bị hai gã giáp công. Hắn biết sư phụ cùng sư nương kiếm thuật rất tinh thâm, tuy bên địch đông người hơn nhưng cũng khó mà thắng được.
Hắn ngó nhị sư đệ Lao Ðức Nặc thì y cũng một người chọi hai, miệng y đang la hét om sòm. Hai địch nhân đều sử đơn đao. Cứ nghe tiếng binh khí chạm nhau cũng đủ biết tý lực của bên địch rất trầm trọng. Cuộc chiến đấu tiếp tục một lúc nữa thì Lao Ðức Nặc tất phải thất bại.
Lệnh Hồ Xung thấy bên mình ba người phải chống lại với tám gã bên địch, tình thế dĩ nhiên rất nguy hiểm. Thế mà cảnh tượng trong miếu e rằng còn nguy hiểm hơn. Bên địch bảy gã tiến vào trong miếu. Bọn sư đệ sư muội tuy đông người nhưng không có một tay cao thủ nào. Bên tai tiếng rú vẫn rít lên không ngớt, chắc có đến mấy người bị hạ rồi.
Hắn nghĩ rằng nếu bảy tên bên địch tàn sát hết bọn sư đệ, sư muội trong miếu rồi ra ngoài vây đánh sư phụ, sư nương và Lao sư đệ thì khi đó sư phụ, sư nương phải cố gắng lắm mới giữ cho thân mình khỏi bị hạ là may, còn hơi sức đâu để giết địch báo thù?
Lệnh Hồ Xung càng nghĩ càng bồn chồn trong dạ, hắn có vận động chân khí mà không phát huy được chút nội lực nào. Túng quá hắn lẩm bẩm cầu khấn:
- Xin hoàng thiên bảo hộ cho Lệnh Hồ Xung này trong vòng một phút khôi phục lại sức lực, đặng vào miếu bảo vệ cho tiểu sư muội được an toàn. Còn Lệnh Hồ Xung này dù có phải tan xương nát thịt chịu hình phạt thảm khốc cũng cam lòng.
Hắn gắng gượng cử động, vận nội tức thì đột nhiên sáu luồng chân khí lại xông lên ngực. Tiếp theo hai luồng chân khí lại từ bên trên chạy xuống đè sáu luồng kia đi. Lập tức hắn thấy toàn thân nhẹ bỗng, tựa hồ lục phủ ngũ tạng đi đâu mất hết, cả da thịt huyết mạch cũng dường như tiêu tan không còn tăm tích gì nữa. Hắn la thầm:
- Hỏng rồi, hỏng rồi! Té ra là thế!
Bây giờ hắn mới biết sáu luồng chân khí của Ðào cốc lục tiên đã theo những kinh mạch khác nhau trút vào trong người hắn. Nội thương hắn không khỏi mà sáu luồng chân khí vẫn đình lưu ở trong thân thể, uất kết lại không đường phát tiết.
Giả tỷ hắn tu luyện "Tử hà bí lục" của phái Hoa Sơn để nội công tới mức thượng thặng thì có thể trục được sáu luồng chân khí tà môn ra ngoài. Sau hắn lại gặp Bất Giới hòa thượng tuy nội công rất cao thâm mà tính tình lại lỗ mãng nóng nảy. Lão đã thúc đẩy hai luồng chân khí để đàn áp sáu luồng chân khí của lục tiên. Trong lúc nhất thời, hắn tưởng chừng đã khỏi nội thương mà thực ra là trong người thêm ra hai luồng chân khí khác. Bấy nhiêu luồng chân khí xung đột nhau khiến cho nội công của hắn đã luyện được từ trước chẳng còn lại mảy may nào và hắn đã trở thành một phế nhân.
Lệnh Hồ Xung vỡ lẽ ra như vậy thì trong lòng đau đớn. Hai hàng nước mắt trào ra, miệng lẩm bẩm:
- Ta gặp phải họa hoạn bất trắc này thì chẳng khác gì đã bị phế bỏ toàn thể võ công. Bữa nay sư môn có nạn mà ta chẳng còn mảy may sức lực thì làm thế nào? Lệnh Hồ Xung nầy làm đại đệ tử phái Hoa Sơn nằm thẳng cẳng dưới đất giương mắt lên mà nhìn sư phụ cùng sư nương bị kẻ khác khinh khi, bọn sư đệ sư muội bị địch hạ sát, thật là đồ vô dụng. Thôi được! Ta đành vào miếu chết cùng tiểu sư muội một chỗ.
Hắn biết mình chỉ vận khí một chút là đụng đến tám luồng chân khí, thì toàn thân không thể nhúc nhích được. Hắn liền hạ khí xuống huyệt đan điền, quả nhiên có thể co chân duỗi tay rồi cử động được.
Lệnh Hồ Xung gắng gượng đứng dậy, chậm chạp rút trường kiếm, đi từng bước tiến vào trong miếu.
Hắn vừa lần tới cửa điện thì mùi máu tanh sặc sụa, xông lên mũi. Trên bàn thờ có đặt hai chiếc đèn ló của địch nhân chiếu sáng. Hắn nhìn rõ bọn sư đệ Lương Phát, Thi Ðới Tử, Cao Căn Minh đầy mình những máu đang liều mình chống chọi với địch. Ngoài ra còn mấy tên sư đệ, sư muội nằm quay dưới đất, chưa hiểu sống chết thế nào.
Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi đang sóng vai chiến đấu với một tên che mặt.
Nhạc Linh San đầu tóc xõa xượi. Còn Lâm Bình Chi phải cầm kiếm bằng tay trái. Hiển nhiên tay phải chàng đã bị thương rồi.
Ðịch nhân che mặt tay cầm một cây đoản thương, gã sử rất linh hoạt và biến hóa vô cùng.
Lâm Bình Chi đã trúng một thương ở vai bên hữu.
Nhạc Linh San vội đâm hai kiếm bức bách địch nhân phải lùi lại một bước. Nàng la lên:
- Tiểu Lâm tử! Mau vào trong kia dưỡng thương đi!
Lâm Bình Chi đáp:
- Không cần đâu.
Chàng phóng ra một kiếm nhưng chân bước đã loạng choạng.
Người che mặt nổi lên tràng cười xoay ngang ngọn thương đập mạnh một cái xuống lưng Nhạc Linh San.
Nhạc Linh San tay phải rớt kiếm, nàng đau quá sụn người xuống.
Lệnh Hồ Xung cả kinh. Lúc này hắn chỉ tính bảo hộ cho nàng được an toàn, ngoài ra không nghĩ gì nữa. Hắn liền cầm kiếm xông lại, đề khí phóng kiếm tới, nhưng mũi kiếm mới đưa ra được một thước thì nội tức lại xông lên, tay phải nhũn ra rủ ngay xuống.
Gã che mặt thấy kiếm đâm tới đã toan né tránh để rồi phóng thương đâm trả. Gã đinh ninh sẽ được dịp đâm trúng vào cạnh sườn Lệnh Hồ Xung suốt vào trong ngực.
Ngờ đâu nhát kiếm của Lệnh Hồ Xung mới phóng kiếm ra chưa được một thước, tay hắn đã rũ xuống, gã rất lấy làm quái lạ. Trong lúc nhất thời gã không nghĩ gì nữa, thuận thế vung cước quét ngang một cái đá hất Lệnh Hồ Xung ra ngoài cửa.
Lệnh Hồ Xung toàn thân tê dại té huỵch xuống vũng nước bên ngoài sân miếu. Miệng, mũi, tai, mắt dính đầy bùn mà người không sao nhúc nhích được.
Lệnh Hồ Xung lại ngó thấy nhị sư đệ Lao Ðức Nặc bị người đánh ngã. Hai tên địch đối chiếu với y chạy lại vây đánh vợ chồng Nhạc Bất Quần.
Lát sau lại hai tên địch từ trong miếu chạy ra. Thế là bên này Nhạc Bất Quần một mình phải đấu với bảy tên, còn Nhạc phu nhân chống với ba gã.
Bỗng nghe Nhạc phu nhân và một tên địch cùng quát lên một tiếng rồi cả hai người cùng bị thương ở đùi.
Ðịch nhân phải lùi lại. Nhạc phu nhân tuy bớt được một tên nhưng đùi bị trúng đao khá nặng. Bà đỡ gạt được mấy chiêu nữa rồi đầu vai lại bị sống đao của địch nhân đánh trúng, phải ngồi phệt xuống đất.
Hai địch nhân che mặt đồng thời điểm vào mấy chỗ huyệt đạo khiến bà không còn cách nào vùng dậy tái chiến nữa.
Bọn đệ tử từ trong miếu liên tiếp bị thương rồi bị kiềm chế đến hết.
Hiển nhiên bên địch có cuộc mưu đồ gì trọng đại nên chúng chỉ đả thương hoặc điểm huyệt bọn đệ tử phái Hoa Sơn chứ không hạ sát một người nào.
Mười lăm tên bên địch bao vây Nhạc Bất Quần vào giữa. Tám tên hảo thủ chia ra đứng tám phương để dõi chiến. Còn bảy tên đều tay cầm đèn ló chiếu vào mắt lão.
Chưởng môn phái Hoa Sơn tuy nội công tinh thâm, kiếm thuật cao cường, nhưng phải đối chiến với tám địch nhân đều là hảo thủ. Hơn nữa ánh đèn ló soi vào mặt để lão lóa mắt không biết đường nào mà chống đỡ. Song lão là một tay kiếm pháp trác tuyệt trong Ngũ nhạc kiếm phái, lúc lâm nguy cũng không bối rối. Lão biết phái Hoa Sơn bữa nay dĩ nhiên bị thua liểng xiểng và toàn quân bị tan vỡ trong miếu Dược Vương này mà vẫn vung kiếm che kín môn hộ. Khí lực vẫn còn dẻo dai, kiếm pháp vẫn tinh nghiêm. Khi lão thấy ánh đèn chiếu tới liền nhìn xuống đất. Tám tên bên địch chưa thể làm gì lão trong một lúc.
Một gã che mặt lớn tiếng hỏi:
- Nhạc Bất Quần! Lão đã chịu đầu hàng chưa?
Nhạc Bất Quần dõng dạc đáp:
- Nhạc mỗ thà chết chứ không chịu nhục. Các vị muốn giết thì cứ việc hạ thủ đi!
Gã kia nói:
- Lão không chịu đầu hàng thì ta hãy chém cánh tay mặt của phu nhân trước!
Gã nói rồi giơ thanh quỉ đầu đao sóng dầy lưỡi mỏng lên. Ánh đèn ló chiếu vào phát ra những tia sáng xanh lấp loáng. Lưỡi dao vung lên lăm le chặt xuống Nhạc phu nhân.
Nhạc Bất Quần ngần ngừ tự hỏi:
- Chẳng lẽ để mặc cho chúng chặt tay sư muội?
Nhưng lão nghĩ lại ngay:
- Nếu ta bỏ kiếm đầu hàng để bọn chúng xỉ nhục thì danh dự của phái Hoa Sơn mấy trăm năm nay bị mất vì tay ta ư?
Ðột nhiên lão hít một hơi chân khí, vận Tử hà công. Mặt nổi sắc tía, đột nhiên lão vung kiếm đâm tới hán tử mé tả một nhát.
Hán tử này giơ đao lên gạt. Ngờ đâu Nhạc Bất Quần đã vận "Tử hà thần công", luồng lực đạo cực kỳ mãnh liệt. Chiêu đao của đối phương bị kiếm hất ngược trở lại.
Cả đao lẫn kiếm đồng thời chém trúng tay phải hán tử. Cánh tay gã liền bị chém thành hai đoạn. Gã kêu lên một tiếng thật to rồi ngã xuống đất.
Nhạc Bất Quần ra một chiêu đắc thủ, liền vận kiếm đâm vào đùi một tên địch khác. Gã này lớn tiếng thóa mạ, lùi lại mấy bước.
Bên địch đã bớt đi hai người, nhưng sáu gã còn lại đều là những tay hảo thủ, nội ngoại công vào hạng thượng thặng. Nhạc Bất Quần mà lấy một chọi một thì lão nắm chắc phần thắng. Nhưng sáu gã liên thủ, tất lão không địch nổi.
Bất thình lình đánh véo một tiếng! Lưng lão lại trúng một phát chùy.
Nhạc Bất Quần phản công liền ba kiếm để đánh lui quân địch, nhưng miệng lão bỗng hộc máu tươi ra.
Bọn đệ tử che mặt đồng thanh hoan hô:
- Nhạc lão nhi bị thương rồi!
Sáu tên đối chiến với lão đã nắm chắc phần thắng liền cho thế công chậm lại. Nhạc Bất Quần khó kiếm được cơ hội để đả thương chúng nữa.
Bọn địch 15 tên đang đêm đội mưa đến tập kích thì 3 tên đã bị vợ chồng Nhạc Bất Quần đả thương. Nhưng chỉ một tên bị chặt đứt cánh tay là thương thế trầm trọng, còn hai tên bị thương ở đùi không có gì đáng ngại.
Bọn chúng tay cầm đèn ló giơ cao lên, miệng không ngớt thóa mạ và mạt sát Nhạc Bất Quần.
Nhạc Bất Quần nghe khẩu âm bọn này dường như là người ở chỗ giáp giới Tần Tấn, mà thị trấn Vi
Lâm này lại ở gần đất Dự Tây nên khẩu âm hoàn toàn khác hẳn. Võ công bọn họ cũng rất phức tạp, hiển nhiên không phải cùng một môn phái, nhưng đường lối tiến thoái ăn ý nhau rất sâu xa chứ không phải lúc lâm thời mới họp bọn với nhau. Lai lịch bọn họ thế nào? Lão không thể nào đoán ra được. Kỳ hơn nữa là cả 15 tên không một gã nào kém cỏi. Từ ngày lão lăn lộn giang hồ biết nhiều hiểu rộng thì chẳng bao giờ có đến 15 tên hảo thủ võ công cao cường kết đảng mà lão không nhận ra được một ai.
Lão chỉ biết bọn này chưa từng giao thủ với mình và lão tuyệt không có thù oán gì với họ. Chẳng lẽ họ
chỉ vì cuốn "Tịch Tà kiếm phổ" mà rủ nhau đến phái Hoa Sơn để sinh chuyện?
Nhạc Bất Quần tuy xoay chuyển ý nghĩ trong lòng, nhưng tay kiếm lúc nào cũng cẩn thận không sơ hở mảy may. Lão vận "Tử hà thần công" để thi triển chiêu thức, mũi kiếm ẩn hiện hào quang rùng rợn.
Qua lại mười mấy chiêu nữa, thêm một tên địch bị trúng thương ở bả vai. Cây cương tiên trong tay rớt xuống đất, gã đành phải rút lui.
Một tên che mặt khác liền nhảy vào thay thế. Gã này tay cầm thanh đao lưỡi có răng cưa rất trầm trọng. Ðầu mũi đao khoằm khoằm dường như để móc vào thanh trường kiếm trong tay Nhạc Bất Quần.
Nội lực Nhạc Bất Quần đầy rẫy trong người. Lão càng đấu càng hăng. Ðột nhiên lão xoay tay trái phóng chưởng đánh trúng vào trước ngực một tên làm gãy hai dẻ xương sườn bật thành tiếng răng rắc.
Hai tay gã này cầm một cây thiết trượng lập tức bị rung động để rớt binh khí xuống đất.
Chẳng ngờ gã dũng mãnh tuyệt luân. Gã bị gãy xương sườn đau thấu tâm can lại càng hung dữ.
Ðột nhiên gã trằn mình lăn tới dang hai tay ra ôm lấy chân trái Nhạc Bất Quần.
Nhạc Bất Quần giật mình kinh hãi phóng kiếm đâm vào lưng gã, song hai gã bên cạnh phóng hai thanh đơn đao tới gạt đi.
Nhạc Bất Quần hành động rất mau lẹ, kiếm đâm không trúng, lão liền vung chân phải đá vào hàm hán tử.
Gã này thật là một tên hảo thủ về môn cầm nã. Gã vươn tay trái ra ôm lấy cả chân phải Nhạc Bất Quần rồi lăn người đi.
Nhạc Bất Quần dù võ công cao cường đến đâu cũng không thể đứng vững phải ngã lăn ra.
Trong chớp mắt, nào đơn đao, nào đoản thương, nào thiết trùy, nào trường kiếm đồng thời nhằm những huyệt đạo trọng yếu ở đầu, mặt, cổ họng, trước ngực phóng tới.
Nhạc Bất Quần buông tiếng thở dài, quẳng kiếm đi, nhắm mắt chờ chết.
Bỗng lão thấy sau lưng, cạnh sườn, cổ họng, vú bên trái, bị người dùng kim cương chỉ lực điểm vào huyệt đạo. Tiếp theo hai lão che mặt dựng lão ngồi lên.
Một thanh âm khàn khàn cất lên:
- Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần võ công trác tuyệt, quả nhiên danh bất hư truyền. Bọn ta 15 người đối phó với mình lão mà bị thương đến 4,5 mới bắt được lão. Như vậy kể là kém cỏi. Ha ha!
Lão phu rất khâm phục! Giả tỷ lấy một chọi một thì chúng ta không địch nổi lão. Nhưng nếu nói rằng bọn ta 15 người mà bên lão hơn hai chục thì phái Hoa Sơn lại người nhiều thế mạnh và chúng ta lấy ít thắng nhiều thì cái đó không phải là chuyện dễ, có đúng thế không?
Mấy tên che mặt khác đồng thanh nói:
- Phải rồi! Chúng ta khó nhọc lắm mới thắng được.
Lão già kia lại bảo Nhạc Bất Quần:
- Nhạc tiên sinh! Bọn ta với tiên sinh vốn không có thù oán. Bữa nay chúng ta mà đắc tội với tiên sinh, chẳng qua vì muốn mượn coi cuốn "Tịch Tà kiếm phổ".
Lão ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
- "Tịch Tà kiếm phổ" không phải là vật sở hữu của phái Hoa Sơn. Tiên sinh đã dùng thiên phương bách kế để thu nạp gã thiếu niên nhà họ Lâm ở Phước Oai tiêu cục vào làm môn hạ chẳng qua chỉ vì mục đích dòm dỏ pho kiếm phổ đó. Việc này thật chẳng quang minh chính đại chút nào, nên bọn đồng đạo võ lâm nghe tin ai cũng đem lòng phẫn hận. Nay lão phu lấy lời tử tế khuyên can tiên sinh nên đưa ra là hơn.
Nhạc Bất Quần cả giận nói:
- Nhạc mỗ đã lọt vào tay các vị, muốn giết thì cứ giết đi, can chi phải rườm lời? Nhạc Bất Quần này là người thế nào, mọi người giang hồ đều biết hết. Các vị muốn giết Nhạc mỗ thì d thôi, nhưng muốn phá hoại danh dự Nhạc mỗ thì đừng hòng.
Một tên che mặt khác cười ha hả nói:
- Phá hoại danh dự lão khó lắm hay sao? Phu nhân, con gái và nữ đệ tử lão người nào cũng xinh đẹp. Chúng ta chia nhau mỗi người lấy một cô về làm vợ nhỏ. Ha ha! Thế thì oai danh lừng lẫy của Nhạc Bất Quần ở trong võ lâm liệu còn toàn vẹn được không?
Gã vừa dứt lời, cả bọn đều cười rộ. Tiếng cười đầy vẻ dâm tà bỉ ổi.
Nhạc Bất Quần tức quá toàn thân run lên bần bật. Lão lâm vào tình trạng bị khinh khi nhục nhã đến thế là cùng.
Bỗng nghe mấy tên che mặt đang thúc giục bọn nam nữ đệ tử ở trong miếu đi ra ngoài. Bọn đệ tử đều bị điểm huyệt mặt dính đầy máu. Có người vừa ra khỏi đại điện liền té xuống, hiển nhiên bị thương rất nặng.
Lão già che mặt nói:
- Nhạc tiên sinh! Có khi tiên sinh đã đoán ra lai lịch chúng ta rồi. Chúng ta chẳng phải là anh hùng hảo hán phe bạch đạo trong võ lâm đâu, bất cứ việc gì cũng dám làm. Trong anh em chúng ta có người hiếu sắc đã thành bệnh nghiện nếu họ động chạm vào tôn phu nhân hay lệnh ái, thì còn chi là thanh danh của tiên sinh?
Nhạc Bất Quần la lên:
- Trời ơi! Nếu các vị không tin thì cứ việc khám xét trong mình Nhạc mỗ xem có "Tịch Tà kiếm phổ" gì không?
Một tên che mặt cười nói:
- Ta khuyên tiên sinh nên tự ý hiến bí lục đi là hơn. Nếu để anh em lục soát vào người phu nhân hay các cô khuê nữ thì khó coi lắm!
Lâm Bình Chi đột nhiên lớn tiếng:
- Nhất thiết tai họa đều do Lâm Bình Chi này mà ra. Ta nói cho các vị biết: nhà họ Lâm ta ở Phúc Kiến chẳng có "Tịch Tà kiếm phổ" chi hết, còn tin hay không là tùy ở các vị.
Chàng nói xong lượm một cây thiết trượng ở dưới đất lên tự đập vào đầu mình. Nhưng hai cánh tay chàng đã bị điểm huyệt thành ra bất lực. Cây trượng đập vào đầu đánh binh một tiếng mà chỉ trầy da chứ chưa chảy máu.
Có điều mọi người đều hiểu cử động này của Lâm Bình Chi là cố ý hy sinh tính mạng để tỏ rõ nhà chàng đã không có "Tịch Tà kiếm phổ" thì lấy đâu mà lọt vào tay phái Hoa Sơn.
Lão già che mặt cười nói:
- Chú nhỏ này quả nhiên có nghĩa khí, nhưng sư phụ ngươi chỉ có hư danh quân tử. Gã tiểu tử họ Lâm kia! Chi bằng ngươi quay về đầu môn hạ ta, ta đảm bảo dạy ngươi thành một tay có đủ bản lãnh mặc sức tung hoàng trên chốn giang hồ.
Lâm Bình Chi cất tiếng thóa mạ:
- Lão nói thúi lắm! Lâm mỗ đường đường là môn đồ phái Hoa Sơn khi nào chịu hạ mình thờ kẻ tiểu nhân đê hèn vô liêm sỉ làm thầy?
Lương Phát reo lên:
- Lâm sư đệ nói hay lắm! Phái Hoa Sơn ta...
Gã chưa dứt lời thì đột nhiên một tên che mặt quát hỏi:
- Phái Hoa Sơn ngươi làm sao?
Gã vừa nói vừa vung đao chém vỡ đầu Lương Phát. Máu tươi vọt ra tung tóe.
Tám chín đệ tử phái Hoa Sơn kêu rú lên!
Trong đầu óc Nhạc Bất Quần nhộn lên những ý niệm rất phức tạp. Lão nghĩ mãi mà thủy chung không đoán ra được lai lịch bọn này. Lão xét theo lời nói của lão già che mặt kia thì bọn chúng đều là những tay ghê gớm trong hắc đạo, nếu không thì cũng là bọn giặc cướp quy tụ thành bang hội để làm điều càn rỡ. Lão điểm lại thì những nhân vật cả hai phe hắc đạo và bạch đạo trên giải đất Tần, Tấn, Xuyên, Ngạc mà lão đã từng nghe tiếng tuyệt không có sơn trại nào lắm tay hảo thủ như bọn này.
Tên ác nhân chém vỡ đầu Lương Phát là một hành động tàn bạo hiếm thấy trong võ lâm. Kể ra trên chốn giang hồ đã xảy cuộc động võ đấu tranh thì giết người là chuyện rất thường, nhưng khi đối phương đã bị bắt thì chẳng bao giờ lại đột nhiên vung đao chém chết.
Hán tử che mặt chém chết Lương Phát rồi buông tiếng cười rộ, đi tới trước mặt Nhạc phu nhân.
Gã khoa thanh đao dính đầy máu tươi lên không mấy cái lướt qua đầu Nhạc phu nhân cách không đầy
nửa thước.

Truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ Phước Oai Tiêu Cục Oai To Phước Lớn Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 Hồi 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 83 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160 Hồi 161 Hồi 162 Hồi 163 Hồi 164 Hồi 165 Hồi 166 Hồi 167 Hồi 168 Hồi 169 Hồi 170 Hồi 171 Hồi 172 Hồi 173 Hồi 174 Hồi 175 Hồi 176 Hồi 177 Hồi 178 Hồi 179 Hồi 180 Hồi 181 Hồi 182 Hồi 183 Hồi 184 Hồi 185 Hồi 186 Hồi 187 Hồi 188 Hồi 189 Hồi 190 Hồi 191 Hồi 192 Hồi 193 Hồi 194 Hồi 195 Hồi 196 Hồi 197 Hồi 198 Hồi 199 Hồi 200 Hồi 201 Hồi 202 Hồi 203 Hồi 204 Hồi 205 Hồi 206 Hồi 207 Hồi 208 Hồi 209 Hồi 210 Hồi 211 Hồi 212 Hồi 213 Hồi 214 Hồi 215 Hồi 216 Hồi 217 Hồi 218 Hồi 219 Hồi 220 Hồi 221 Hồi 222 Hồi 223 Hồi 224