Chương 6

4
Có tiếng gót chân giệm lên nắp hầm bộp bộp. Anh Tám Chấn nghe đúng là ba tiếng, liền nhoai người ra, chỏi tay khẽ ẩy miệng hầm. Chị Hai Thép ngồi bên trên cúi xuống, thì thào:
- Báo cáo anh vừa xảy ra một chuyện này..
- Chuyện chi?
- Cà Mỵ mới ở ngoài nhà nò chú Tư về cho tôi hay là có xác một tên lính trôi về nò, chú Tư mới vớt được.
- Lính gì? Chủ lực hay bảo an?
- Lính chủ lực, bận đồ tay-di, bị thương ở bụng. Tụi tôi nghi tên lính này bị máy bay chở đi đổ xuống biển!
Nghe nói thế, anh Tám Chấn ngoi đầu lên khỏi miệng hầm hỏi:
- Vẫn còn để cái xác đó ngoài nhà nò chú Tư à?
- Còn để ở ngoài
Anh Tám Chấn im lặng một lát rồi nói:
- Hôm kia trực thăng có tới chở lính bị thương đi, hay vớt được tên lính này ở nò thì đúng là trực thăng nó đổ rồi. Muốn biết chắc hơn, thím nên bố trí bà con hỏi nhóng tụi lính thử coi. Lựa lính chủ lực mà hỏi. Nếu binh sĩ họ xác nhận thì thím lập tức huy động bà con đem cái xác đó vô xóm, gây thành một sự xúc động và phẫn khích lớn trong binh sĩ, ra sức lôi kéo họ nhập cùng bà con đấu tranh vạch mặt Mỹ – Diệm, làm dữ với tụi chỉ huy hành quân, qua đó mà đánh sụp hẳn tinh thần chiến đấu của tất cả bọn quân lính hiện ở trên Hòn, đẩy chúng tới mức rệu rã không thể be đắp lại được..
Chị Hai Thép nói:
- Chắc phải cho tụi lính tới nhìn mặt cái thây mới được!
- Thím liệu sao cho ổn đó thì làm. Phải sắp đặt cho êm, kẻo tụi nó giựt lại cái thây!
- Tôi sẽ sắp đặt thiệt êm. Báo anh biết, lúc tôi chạy về đây, dọc đường đã thấy tụi nó hùng hùng hổ hổ kéo đi lấp hang. Nghe đâu chính thằng thiếu tá cầm đầu làm vụ đó..
- Được rồi, thím cứ đi lo chuyện này. Không dễ gì lấp hang được đâu. Nếu phát triển đấu tranh kịp thời, thằng thiếu tá đó sẽ bị lôi lưng về cho coi!
Trước khi đi, chị Hai Thép còn chạy lại bếp gọn gàng nhắc nồi cơm đem lại, đưa xuống cho anh Tám:
- Cơm sáng tôi nấu rồi đây, anh để dưới mà ăn. Trọn ngày nay chắc tôi búi lăm không về được.
- Thím ăn cơm chưa?
- Cơm nước gì nữa anh. Thôi tôi đi. Anh Tám ở nhà cũng chú ý coi chừng, hễ nghe ám hiệu trật, anh đừng mở hầm lên nghe!
Quả như lời chị Hai Thép vừa nói, từ sáng sớm thằng thiếu tá Sằng đích thân chỉ huy tấn công lấp hang. Thực ra hắn cũng chẳng xông vô. Hắn ngồi ở bên mé ngoài, chỉ huy bọn lính diễn tấn tuồng phóng qua phóng lại trước miệng hang để liệng lựu đạn. Rủi thay, hai thằng lính đầu tiên ngã vật xuống ngay vì súng trong hang bắn xổ ra. Và bốn trái lựu đạn MK3 trong tay chúng nổ tung, làm cho bốn thằng lính ấy ngã quay lơ. Tên thiếu tá ngồi cách đó mười thước bị mảnh lựu đạn văng chạt, cướp nguyên cái chỏm mũ ba rèm đang đội. Thành ra cái đầu hắn trống lốc. Bọn lính nằm thụp sau những bao xi măng, nhấp nhổm không dám chạy vọt ngang nữa.
Tên thiếu tá Sằng đưa tay sờ sờ chỏm tóc. Hoàn hồn lại, hắn rung cây gậy giục bọn lính tiếp tục tấn công. Rồi hắn lại nằm xoài xuống cỏ. Lần này bọn lính liệng vô hang được năm sáu trái. Lựu đạn nổ như bưng đất lên. Khói bốc mù mịt. Lợi dụng sự áp đảo đó, chúng bắt đầu vọt ngang như thoi, liệng thêm lựu đạn tới tấp. Lần này tiếng súng trong hang im bặt. Chỉ độc có tiếng lựu đạn nổ, kéo dài tới bốn năm phút.
Tên thiếu tá nhổm lên, quơ gậy la:
- Tấn vô mau!
Bọn lính liều mạng nhào vô miệng hang đầy khói. Chẳng thấy chúng đâu nữa. Chỉ nghe hàng loạt tôm-xông của chúng quét lia lịa trong đó.
Như lần trước, anh em đã rời ngõ hang ngoài để tránh lựu đạn nổ dồn dập. Sáu tên giặc tràn vào chiếm ngay được ngã hang ấy. Chúng ở đó bắn xỉa vào, không lui mà cũng không tiến. Cả hai phía đều không cho phép chúng tiến thoái.
Bên trong bắn ra đã đành, nhưng nay bên ngoài bọn ác ôn cũng chĩa súng thúc đít chúng. Theo lệnh tên thiếu tá, bọn lính ở ngoài xách thuổng đào móng và xốc xáo chuyển gạch đến để bịt kín miệng hang. Chúng xếp gạch vội vã. Trong tiếng súng nổ tằng tặc, tường gạch ba lớp mỗi lúc một chất cao. Bỗng bọn lính trong ngõ hang chạy nhào ra, xô bừa lớp tường mới chất đó. Tên thiếu tá vung gậy đập túi bụi vào bọn này. Hắn ra lệnh một mặt tung lựu đạn vào trong, một mặt xếp gạch lại.
Nghe lựu đạn vẫn còn nổ, anh em nín im trong các ngách. Cuối cùng miệng hang bị lấp kín. Bọn giặc trái xi măng lên. Song các kẽ hở hai bên rất khó trát. Thấy rơm hôm đốt hang còn vương vãi bên ngoài, chúng vơ guộn lại trám chặt các kẽ rồi trám xi măng lên. Muốn chắc hơn, chúng còn hè hụi xếp thêm mấp lớp gạch nữa. Bỗng giữa lúc đó, tên Sanh, thiếu úy tâm lý chiến từ trong xóm chạy ra thở hổn hển báo cáo với tên thiếu tá:
- Thiếu tá ơi, lính nó làm loạn lên ở trong.. Nguy lắm!
Tên thiếu tá hỏi giật:
- Cái gì? Lính làm sao? Hả, hả?
- Thưa.. Thưa..
- Nói mẹ ra đi, thưa thưa cái gì!
- Thưa thiếu tá, không biết dân chúng họ vớt đâu ngoài biển một cái thây lính..
Tên thiếu tá giật mình:
- Thây lính à?
- Dạ, lính.. lính chủ lực.. Họ.. họ vác vô xóm, bêu từ đầu xóm tới cuối xóm. Lính ùa ra coi. Tụi ở đại đội ba nhận ra là thằng Sáu Hơn. Tụi nó nói chiều hôm kia thằng Sáu Hơn bị thương được trực thăng chở đi cớ sao bữa nay lại chết giạt ngoài biển. Tụi nó la rùm lên, bảo là số bị thương hôm kia là trực thăng chở đi liệng xuống biển hết rồi.
Tên thiếu tá tái mặt:
- Anh ngó thấy cái xác không? Có đúng là thằng Hơn nào đó ở đại đội ba không?
- Có ngó thấy, đúng.. đúng là thằng Hơn ở đại đội ba.. kỳ quá!
Tên thiếu tá lấm lét liếc nhìn chỗ khác:
- Rồi sao nữa!
- Dạ tụi lính các đại đội khác thảy đều la ó chửi rủa.. Tụi nó chửi ba thằng Mỹ đem anh em liệng biển, nếu không liệng biển sao thằng Sáu Hơn trôi giạt vô nò..
- Trôi vô nò à?
- Dạ trôi vô nò. Thằng cha coi nò vớt được.. à quên thiếu tá đã hay tin bốn thằng bảo an bỏ trốn đêm qua chưa?
- Chưa, lại có vụ đó nữa sao?
- Dạ, bốn thằng trốn mất, không biết đi đâu!
- Đ.mẹ, chó đẻ quá!
- Thưa thiếu tá, về vụ cái thây lính Hơn, tụi lính nó làm dữ lắm. Có thằng châm lửa đốt tăng. Một số vụt súng suối nhập với dân chúng đi biểu tình..
Tên thiếu úy nghiên bộ mặt đầy mụn, lắng nghe và nói:
- Đó. Tụi nó đương la ì ì đó, thiếu tá không nghe sao?
Thiếu tá Sằng không đáp, hắn xây lại bảo tên trung úy công binh:
- Ông Tự, ông ở đây đốc thúc lập thêm gạch cho chắc nghe!
Đoạn xây qua tên thiếu úy, hắn quơ gậy:
- Đi, tôi với anh về trỏng coi sao?
Tên thiếu úy quày quả đi trước. Thiếu tá Sằng bước theo sau, lo lắng hỏi:
- Thằng cha giữ nò vác xác đó vô xóm hả?
- Nhiều người vác chớ không riêng gì thằng chả..
- Lúc đó anh ở đâu mà không ngăn tụi nó lại, hả?
- Thưa thiếu tá, tụi nó đem vô hồi nào tôi đâu có biết. Chừng biết thì vỡ lở ra hết rồi!
- Đ.mẹ, chuyện này nhứt định có bàn tay Việt cộng xúi giục!
- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng thưa thiếu tá là có cái thây đó thiệt, chớ nếu không thì Việt cộng làm sao xúi giục được!
- Thây thể, mặt mũi còn nguyên không?
- Cũng bị tróc da chút đỉnh, nhưng ngó vô thì biết là thằng Hơn liền. Mới bắt đầu sình thôi. Gặp nước mặn lâu sình.
Thiếu tá Sằng lặng thinh. Chốc sau, hắn hươi gậy vụt cỏ sậy ngã rạp, văng tục:
- Đ.mẹ, đánh giặc kiểu này thì Ngô Tổng thống đánh cũng thua nữa chớ đừng nói gì tôi.. Đánh phía trước động rần rần ở phía sau thì thắng mẹ gì được. Hồi mới xuống tôi đã nói là phải giữ kỹ đừng cho dân chúng họ dậy lên, rốt cuộc cũng giữ không nổi..
- Bây giờ cả lính cũng dậy ổ rồi..
Tên thiếu tá tức giận rống lên:
- Được rồi. Thằng nào liệng súng tao xách đầu bắn bỏ!
Tên thiếu úy nín im. Lát sau, đi ngang cây dừa ngã, tên thiếu tá ngó sợi dây treo chị Sứ hôm nọ còn lẳng lặng:
- Thưa thiếu tá, từ cái bữa mình chặt đầu con cán bộ tóc dài nọ thì dân tụi nó mới bắt đầu làm dữ.. Đáng lẽ..
- Sao?
- Đáng lẽ mình xử chầm chậm một chút thì hay hơn. Bởi con nhỏ đó được lòng người ta ở đây lắm. Nghe đâu khắp cái Hòn này ai cũng đều yêu mến nó. Giả tỷ bữa đó mà trung úy Xăm không chặt nó thì có khi ổng chưa chết..
Tên thiếu tá lắc đầu:
- Tôi không tin, con mẹ đằng Thố đó điên mà!
- Con mẻ không điên đâu, thưa thiếu tá. Điên sao không chặt người lối xóm, sao không chặt Việt cộng?
- Thì chặt con mình mới điên dữ!
Miệng nói thế, chớ bụng dạ tên thiếu tá Sằng hết sức hoang mang. Hắn ngỡ là chính tay bà Cà Xợi giết thằng Xăm và mong sao việc người đàn bà Khơ me giết con thật sự chỉ vì điên chứ không có ý thức căm thù. Hắn không muốn nghĩ rằng đây là một sự báo thù, mặc dù hắn cảm thấy vấn đề hình như là thế. Bởi nếu mọi tội ác đều phải trả như vậy thì bản thân hắn sẽ không tránh khỏi cái chết. Hắn không lo lắm về những món nợ cũ, vì rằng hắn đã rời khỏi các vùng đất, ướt máu đỏ. Cái hắn bắn chết người lính tại trường học hay như việc đổ bọn lính bị thương xuống biển mà hắn đã biết từ trước và thỏa thuận để bọn Mỹ làm việc ấy. Hắn kéo lê cây ba-toong trên đầu ngọn cỏ, bụng rắp sẵn: "Chuyện mình bắn chết lính ở trường học thì tụi lính đều biết, nhưng chuyện mình nhượng bộ để Mỹ đổ xác lính xuống biển thì tụi nó không biết. Nếu nó có hỏi, mình phải chối phăng, nói không hay biết gì cả..! Và mình phải nổi giận phải tỏ ra uất ức: "Tôi sẽ cùng anh em tranh đấu tới cùng. Phải vậy mới được, chớ không thì.."
Hắn và tên thiếu úy Sanh lội qua suối, sang bờ bên kia. Các lều của bọn biệt kích thì có lính, còn các lều của tiểu đoàn chủ lực vắng hoe không thấy một tên lính nào. Bọn biệt kích đang dựng hai ba chục khẩu "ga-răng" ướt nước trước lều:
- Thưa thiếu tá, tụi đại đội ba liệng súng xuống suối anh em tôi mới mò lên đó!
Thiếu tá Sằng ngó qua mấy cây súng. Bây giờ tai hắn cũng đã nghe tiếng hò reo nổi dậy rất rõ. Hắn nghĩ không thể đi ra xóm một mình, nên bảo bọn biệt kích:
- Mấy anh lấy súng đi với tôi. Đem cả "ép" theo!
Bọn biệt kích vào lều lấy súng, theo tên thiếu tá, tiến vô xóm.
Lúc này nắng đã rọi tới nửa thân dừa. Đoàn người khiêng anh lính chất Sáu Hơn vừa đổ qua ngã Sĩ Lỳ. Tên thiếu tá và lũ biệt kích mới ló ra tới đường đất thì nghe bên kia ngã quẹo vang lên tiếng thét chói lói của phụ nữ.
- Đả đảo bọn Mỹ – Diệm đổ anh em binh sĩ bị thương xuống biển!
- Đả đảo!
Tiếng hô "đả đảo" hưởng ứng vang rền. Kế lại có tiếng la:
- Mỹ – Diệm phải đền mạng cho anh em binh sĩ đã chết!
- Phải đền mạng, phải đền mạng!
Nghe tiếng gào thét dữ dội và nhác thấy bụi bốc mù ở ngã quẹo, tên Sằng thụt lui trở vô vườn. Hắn lắp bắp nói với tên thiếu úy:
- Tôi về đằng chỗ tôi, anh ở đây đón gặp họ bảo họ giải tán, kêu lính phải trở về nơi đóng quân ngay. Có yêu cầu gì thì cứ đưa lên tôi, tôi chuyển cấp trên giải quyết. Anh em biệt kích cứ giữ ở đây, đừng cho họ đi lung tung các chỗ khác nếu nột quá xổ vài băng "ép" để giải tán. Thôi tôi đi đây.
Tên Sằng quay lưng, đi luôn vào vườn
Bọn biệt kích vừa dàn ngang mặt đường xong thì đoàn người kéo tới. Tên thiếu úy tâm lý chiến đứng ở giữa đoàn người và bọn biệt kích, giơ hai tay lên trời:
- Anh em cô bác ơi, đứng lại, đứng lại để tôi có vài lời!
- Nói cái gì, xê ra.
- Một người lính nạt
- Thiếu tá biểu tôi..
- Biểu cái gì..
Tốp bà con và anh em binh sĩ đi đầu đứng lại. Tên thiếu úy hạ giọng:
- Thiếu tá biểu bà con anh em đừng kéo đi la ó, rất hại. Tụi Việt cộng sẽ thừa nước đục thả câu. Bà con anh em có yêu cầu gì cứ xin nói, thiếu tá hứa sẽ chuyển về trên để trên giải quyết. Còn anh em lính ở đâu phải về đó, thiếu tá không chịu trách nhiệm về hành động của anh em!
- Tụi tôi không nói chuyện với anh. Thiếu tá đâu?
Mấy người lính xông lên, hùng hổ. Tên thiếu úy vừa bỏ chân bước lùi vừa nói:
- Thiếu tá.. ổng ở.. ở đằng nhà ngói..
- Kéo lại chỗ thiếu tá đi anh em bà con ơi!
Mấy người lính la lớn, chạy sấn lên. Đoàn người ùa theo. Bây giờ có khoảng một trăm lính đi đầu, còn bà con đều đi sau. Bọn biệt kích ở mặt đường chĩa súng vào đoàn người. Vốn ghét bọn biệt kích từ lâu, anh em càng sôi sục:
- Đ.mẹ, thằng nào giỏi thử bắn coi?
Một số đông lính thuộc đại đội một còn đeo súng thấy thế liền lên đạn rốp rốp, chạy sổ tới. Họ chĩa súng vào bọn biệt kích, sẵn sàng nhả đạn. Bọn biệt kích cũng ghìm súng chĩa vào họ. Hai bên liếc nhìn nhau như kẻ địch. Ngón tay họ đều đặt lên cò súng, nín thở, căng thẳng. Giữa lúc ấy bỗng thím Ba ú vẹt đám đông đi tới. Thím bình tĩnh đến trước mặt bọn biệt kích, đưa bàn tay phẩy nhẹ một cái vào khoảng không, lấy giọng ôn tồn bày giải với cả đôi bên:
- Thôi mà.. Mấy cậu có oán thù gì với nhau đâu mà hầm hừ đòi bắn lẫn nhau! Mấy cậu bắn nhau thì cũng là người mình đổ máu, lợi ích gì.. Nghe lời bà con tụi tôi hạ súng xuống đi!..
Lính hai bên vẫn chưa chịu hạ súng. Thím Ba ú đưa tay nhẹ nhàng đè mũi súng của hai người lính chủ lực đứng bên cạnh. Và thím nói vợi bọn biệt kích:
- Mấy cậu à, bà con với anh em đây đâu có làm gì mấy cậu. Chẳng qua Mỹ dã mang liệng lính Việt Nam mình xuống biển, nên bà con anh em mới tranh đấu.. Mấy cậu nghĩ coi anh em đi lính bị thương nó nhắm không xà được nó vụt bỏ cho gió dập sóng dồi, cho cá rỉa quạ ăn thế đó.. Theo như mấy cậu bị vậy, mấy cậu chịu nổi không?
Bọn biệt kích nín thinh. Thím Ba lại nói tiếp:
- Xưa nay loại cầm thú nó còn biết thương nhau nữa là con người.. Tụi Mỹ nó khôngbằng con thú, nó đâu có thương gì anh em. Phải thương thì nó chẳng liệng xuống biển. Đây là bà con mới vớt được có một xác chớ còn bao nhiêu cậu lính giờ không biết bị sóng xy nơi nao, không chừng đã làm mồi cho cá mập cá mú hết rồi cũng nên..
Miệng nói, tay thím Ba khoát đè các mũi súng của lính chủ lực. Giọng nói khi cất cao, khi hạ thấp, khi ngọt ngào, khi tức giận của thím Ba làm cho các mũi súng đôi bên lần lượt chúc xuống đất hết. Tên chỉ huy cánh biệt kích lườm thím Ba:
- Thôi bà nội ơi, tụi tôi đâu có ngu. Dạy đời hoài!
Thím Ba vùng cười, xởi lởi:
- Tôi đờn bà dốt nát thấy sao nói vậy, chớ đâu dám dạy đời. Mấy cậu mới thông hiểu hơn tôi nhiều chớ!
Nói chưa dứt câu, thím đi sấn lên. Lính chủ lực và bà con ùa theo. Có cả bóng mẹ Sáu cầm khăn trầu đỏ chạy tới. Mớ tóc bạc của mẹ bời lên. Bọn biệt kích xuôi xị giạt qua. Thím Ba loáng thoáng nghe chúng bảo nhau:
- Con mẹ mậy này lanh quá, cái lưỡi nó nói dẻo quẹo!
Thím Ba giả điếc, lịch phịch đí tới. Bọn biệt kích tạt sang ngồi hai bên mé vườn, để mặc đoàn người kéo qua. Cái thây người lính được đặt trên chiếc cáng lót vải tre, do hai anh lính và hai anh lính và hai người đàn ông khiêng. Chú Tư Râu cũng ở trong tốp khiêng thây, mới được thay. Chú vừa đi vừa thở phía sau. Thây người lính giờ cũng nằm giống lúc anh ta mới được chú Tư vớt lên xuồng. Hai cánh tay anh vẫn co co như thế. Đôi mắt cũng vẫn he hé, duy có da mặt của anh thì xám hẳn lại và mớ tóc lật ngược ra sau của anh trông khô cứng, xửng lên, rắc một lớp bụi hoe hoe.
Tiếng phụ nữ bây giờ lại lanh lảnh thét lên:
- Đả đảo Mỹ – Diệm đổ anh em binh sĩ bị thương xuống biển1
Đoàn người hô "đả đảo" vang trời
- Mỹ – Diệm phải đền mạng cho anh em binh sĩ đã chết1
- Phải đền mạng! Phải đền mạng1
Anh em binh lính lại hô lẩy ra từng tiếng một:
- Chúng tôi không đi càn quét!
- Chúng tôi không đi càn quét!
Đoàn người kéo tới trước cái nhà nền đúc – tên thiếu tá Sằng ở. Anh em lính chủ lực nói với bọn lính gác đứng dọc theo các trụ đá hàng rào.
- Tụi bây vô kêu thiếu tá ra đây cho anh em cô bác nói chuyện coi!
Một tên lính đáp:
- Thiếu tá đi đánh trong hang chưa về!
- Đ.mẹ, nói láo hả? Tụi tao biết thiếu tá có nhà đi vô kêu không?
Mấy người lính chủ lực vừa xốc mũi súng tới. Bọn lính gác nói:
Thôi mà, anh em với nhau mà làm gì dữ vậy?
- Nếu muốn còn là anh em thì vô kêu thiếu tá ra, bằng không thì chẳng anh em gì hết!
Bọn lính nháy mắt vào phía trong nhà, xuống giọng nhỏ:
- ổng mới về, ở trong é.. Nhưng ổng dặn tụi tuôi nói là ông chưa về
- Cứ vô kêu đi!
Một tên lính khẽ bảo:
- Mấy cha "đả" vài phút súng.. chuo tụi tôi có cớ vô kêu, kẻo sau này ổng "động" tụi tôi!
Một người lính chủ lực cất mũi súng "ga-răng", bắn "bầm bầm" hai phát. Mấy tên lính gác vừa cười vừa chạy luồn vào trong. Anh em lính và bà con đứng đợi tên thiếu tá Sằng. Đợi khá lâu mà chẳng thấy tăm hơi hắn đâu cả. Anh em lính lại nổ thêm năm sáu phát súng tự động nữa. Lát sau, mới thấy tên thiếu tá ló đầu ra hành lang. Hắn cầm cây gậy quơ quơ, từ từ bước ra cổng. Hắn lấy dáng đi rất oai vệ, hai vai cứ nhích lên nhích xuống. Đến trước mặt anh em lính, hắn quắc mắt nhìn anh em, vẻ trấn áp.
Chị Hai Thép đứng giữa đám bà con nhóng lên thấy thế liền lập tức hô các khẩu hiệu
Tiếng thét của đoàn người lại vang lên. Tên thiếu tá hơi chùn lại, không dám giương mắt hăm dọa nữa. Bà con khiêng cái cáng đặt người lính chết, phăng phăng đi tới. Tên thiếu tá khoát khoát tay:
- Thôi khỏi, thôi khỏi. Tôi biết hết rồi, tôi có nghe nói
Thím Ba ú chống mạnh tay nơi sườn, cười lại:
- ờ, thì nhất định là ông phải biết chứ. Lẽ nào tụi Mỹ nó làm mà không bàn soạn với ông!
Tên Sằng hốt hoảng, chối lia:
- Không, không.. Tôi mới biết đây thôi, trước đó tôi chớ biết. Tụi Mỹ nó làm nó đâu cho ai hay.. Tôi, tôi cũng tức lắ.. tôi sẽ cùng tranh đấu với anh em cô bác, lính của tôi, tôi đau xót lắm chớ!..
Trong hàng lính, có tiếng xì xào to nhỏ. Một người lính vụt nói:
- Nhứt định vụ này ông có bàn tính với tụi Mỹ. Ông mà đau xót mẹ gì. Trước khi tụi Mỹ chở anh em đi vụt xuống biển thì ông đã bắn chết một người rồi.. Vậy nên anh em tụi tôi đây không thể đi với mấy ông nữa, nếu đi cũng có ngày thành thằng chỏng chết trôi. Tụi tôi cương quyết trả súng về nhà làm ăn..
- Không được!
- Tên Sằng kêu lên – Anh em đừng làm vậy. Tôi, tôi sẽ cùng anh em ký tên kiến nghị gởi lên trên.
- Ký thì ký, nhưng tụi tôi không ở!
- Trời ơi, anh em đừng mắc mớp mấy con mẹ đờn bà, chúng đang đánh Việt cộng, chúng ta sắp tiêu diệt tụi nó..
Anh em lính la át:
- Chúng tôi không cần đánh.. Ông muốn tiêu diệt thì cứ ở lại đây mà tiêu diệt.
Tên thiếu tá Sằng vụt đưa hai tay lên như rán sức trì níu lại cái gì vừa vuột khỏi:
- Tụi Việt cộng đang chết nghẹt trong hang. Tôi đã cho lấp kín miệng hang lại rồ..ồi!
5
Sau khi lựu đạn ngừng nổ một lúc, anh em trở ra một lúc, anh em trở ra hang. Họ phải mò mẫm lần vách đá mà đi, không còn thấy một rọi sáng nào từ ngoài hất vào miệng hang. Đạt kêu lên:
- ủa, sao tối đến vậy kìa!
Quyên và Ngạn cũng kêu:
- ờ, sao kỳ vậy?
Đạt vung cánh tay cản mọi người lại:
- Mấy anh đứng đây, khoan đi tới, để em ra dọ coi!
Mọi người dừng lại. Đạt thụp xuống, một tay cậu ta xách khẩu "các-bin" đã lên đạn, một tay quơ quơ, bò tới. Đạt bò rất chậm. Vẫn không thấy gì cả. mãi một lát sau, thình lình tay cậu ta quơ phải tầm tường bọn giặc ngăn trước mặt. Đạt sờ khắp mặt tường. Tay cậu ta rờ rờ, nhận ra hình thù những viên gạch và các chỗ kẽ còn bửa vừa xi măng ướt. Đạt chỏi tay rán sức xô thử bức tường nhưng bức tường không nhúc nhích. Cậu ta sợ quá, lẩm bẩm:
- Chết rồi, nó hàn miệng hang lại rồi!
Cậu vội vàng đi trở vào kêu:
- Mấy anh ơi!
- Sao đó?
- Tụi nó lấp kín miệng hang rồi!
- Cái gì, lấp miệng hang à?
- Dạ, nó lấp bằng gạch, em rờ thấy.
Anh Hai Thép xô tới:
- Sao, nó lấp miệng hang hả. Cha chả, lúc nãy nó liệng lựu đạn để lấp. Vậy thì cũng mới thôi, đâu mình ra coi. Có gì thì phải phá sớm, để lâu sẽ khó khăn.
Ngạn bảo:
- Anh ở đây, để tụi tôi ra!
Ngạn cùng Quyên, anh Ba Rèn theo Đạt mò ra. Tới nơi, mọi người sờ soạng thấy quả có bức tường đúng như lời Đạt nói. Anh Ba Rèn bàn:
- Phải phá liền mới đặng, để lâu xi măng nó cứng lại thì chết cha!
- ờ, nếu để vậy thiếu không khí thở, chết ngột oan lắm. Nhưng tôi thấy không cần phá hết có lẽ mình moi gạch để trống vài lỗ thôi. Như vậy rất có lợi mình vừa có công sự che chở vừa có lỗ châu mai chìa súng bắn ra!
- Hay lắm!
Đạt hớn hở:
- Để em moi cho!
Cậu ta nói xong, bắt đầu dùng ngón tay khượi xi-măng, rồi rút từng viên gạch. Xi-măng còn ướt nên gạch rút ra không khó mấy. Ngạn rờ coi chỗ Đạt đang moi trước Ngạn, nên lát sau cậu ta đã rút được viên gạch ngoài cùng. ánh sáng liền hắt vô, Đạt thì thào:
- Tới rồi!
Giữa lúc ấy bỗng một loạt súng nổ vang. Đạt kêu "ới" một tiếng. Người cậu ta bỗng từ từ trụt xuống, đổ vào chân Ngạn. Ngạn rụt tay lại, cúi xuống ôm xốc lấy Đạt. Tay anh rờ vuốt nhằm mặt Đạt đầm đìa những máu. Anh gọi:
- Đạt, Đạt!
Nhưng Đạt không đáp. Ngạn thọc tay vào ngực áo Đạn. Tim cậu ta không còn đập nữa. Ngạn đau đớn nín lặng. Bọn địch vẫn liên tiếp bắn vào cái lỗ của Đạt vừa moi. Giữa tiếng súng chát chúa ấy. Ngạn vụt nghe văng vẳng câu Đạt nói với anh hôm trước:
- "Em khoái ăn gỏi đu đủ trộn tôm xé lắm. Lần nào về, ngoại em cũng làm cho em ăn "đã" thôi!"
.. Quyên đứng nép bên cái lỗ, lặng người đi vì đau đớn. Cô quờ kiếm khẩu "các-bin" của Đạt cầm lên, coi lại ổ đạn. Không nói một lời, cô nín thở đứng im. Đợi loạt súng địch vừa bắn dứt, cô bước nhích qua, ghé mắt nhìn vào lỗ. Quyên nhìn thấy rõ một thằng giặc đang còn nhấc khẩu tôm-xông đâm băng. Quyên lập tức chĩa mũi súng vào lỗ gạch, bóp cò. Phát súng nổ "đoàng". Một tiếng kêu "trời ơi" vẳng lên, từ bên ngoài, Quyên thu ngay súng về đứng nép nguyên lại chỗ cũ. Không nghe một loạt tôm-xông nào bắn vào nữa, cô tự nhủ: "Thằng đó chết rồi. Chắc sẽ có thằng khác tới thay". Quả vậy, lát sau nổi lên tiếng "ga-răng" nhịp "hầm hầm". Gạch bể bắn tung tóe. Quyên nghĩ bụng: "Đợi nó bắn hết lam đạn, mình nổ liền, nhứt định là nó phải chết!". Quyên đếm từng phát "ga-răng" một. đếm tới phát thứ tám Quyên lách sang. Y như lúc nãy, cô chĩa súng qua lỗ gạch bắn liền một phát. Tiếng bọn giặc ở ngoài vùng la lên, láo nháo. Sau đó Quyên không nghe chi hết. Cả tiếng súng cũng nín bặt.
Anh Ba Rèn nói:
- út Quyên giỏi lắm. Cái thằng bắn tự động đó chắc chết rồi!
Quyên không đáp, lẳng lặng khoác đai súng lên vai cúi xuốngẩy nhẹ tay Ngạn ra, giành ôm lấy xác Đạn nóng hôi hổi, ấp vào lòng mình, vuốt tóc, vuốt máu. Rồi cô bồng Đạt từ từ đứng lên, đi vào hang trong.
Anh Ba Rèn sửng sốt nói với Ngạn:
- Nè, con út Quyên bữa nay bắn hai phát súng kỳ quá! Tôi không ngờ, thiệt không ngờ..
- Nhắm có chết thằng nào không? – Ngạn hỏi
- Chết chứ, hai tiếng đó chắc chắn chết. Bắn kiểu đó thì thằng nào mà tránh khỏi
Ngạn thở ra:
- Mình chủ quan quá, không dè tụi nó còn nấp ở ngoài!
- ừ, bậy quá!
- Bây giờ tính sao anh?
- Thôi, đừng nói nữa, moi một lỗ đủ rồi.. Không chết ngột đâu mà sợ. Kệ mẹ nó, nó lấp như vậy cũng không ăn thua gì đâu!
- Ngặt mình không lọt ra ngoài đây chớ?
- Để êm êm rút vô vườn rồi mình phá, lo gì. Phá vừa một người chui lọt thôi!
- ừ.. Thôi vô trong đi!
Hai người lần vào trong hang. Anh em đang ngồi xúm quanh xác Đạt vừa được đặt nằm trên tấm vải nhựa trải đất. Năm Nhớ quỳ một gối, cầm cây nến cháy. Cạnh đó, thằng út quàng tay ôm cổ con bé Thúy đứng ngó. Anh Hai Thép xếp bằng sát bên, mắt mở trân trân nhìn bộ mặt đã lau sạch máu của Đạt. Ngay giữa trán cậu ta in rõ ba lỗ đạn tôm-xông bằng đầu ngón tay, dụm vào nhau, nhòe máu. Quyên nãy giờ vẫn ngồi bết dưới đất tay luôn vuốt đôi chân đen mốc của Đạt.
Anh Hai Thép cắn môi nói:
- Chiến đấu mà chết là chuyện thường, không nói chi. Ngặt sau đây gặp bà ngoại nó mới khổ. Biết nói sao cho ngoại nó nguôi ngoai. Bà cụ chỉ có một mình nó bà cưng nó lắm!
Chú Tư Nghiệp chắc lưỡi:
- Tiếc quá. Tui chưa thấy chú em nào bảnh như vậy? Từ bữa vô trong hang tới nay, tự tay chú em đó bắn chết ngó thấy tận mắt là sáu thằng. Cái hôm khát nước dữ, chú em cũng cứ giỡn hoài, không hé miệng than tiếng nào..
Anh Hai Thép nói nho nhỏ:
- Xương cốt của ba nó giờ cũng ở trong hang đây. Cả cha lẫn con đều hy sinh..
Chú Tư Nghiệp nói giọng nghiêm trang:
- Để.. để tối nay tôi tụng một bài kinh cho linh hồn chú em được thung thăng như thuở chú em còn sống.
- Không cần – anh Ba Rèn nói – Nên lựa một bộ quần áo khá nhứt bận cho chú, rồi chọn tấm "ni-lông" nào rộng và lành lặn nhứt để gói ghép chú là được rồi!
Quyên nghẹn ngào nói gấp:
- Để em.. để em lo!
Anh Hai Thép trỏ vào vách hang:
- Cái ba-lô Đạt để ở kia, út Quyên soạn coi có bộ nào lành lặn đem bận cho chú
Năm Nhớ cầm cây nến đứng lên
- Thôi mấy anh cứ lo ngoài miệng hang, để tụi em lo gói ghém cho Đạt
Quyên cũng đứng lên theo. Hai chị em đi vào vách hang. Năm Nhớ soi nến cho Quyên mò kiếm ba lô của Đạt. Quyên lôi từ trong hốc vách đá ra một cái ba lô nhỏ như cái túi dết may bằng tơ càng nhuộm màu già. Quyên sờ sờ làn tơ thô sợi, rưng rưng nghĩ bụng: "Chắc của ngoại nó dệt" cô mở nắp ba lô, lôi ra một cái gói vuông vức bọc vải nhựa rất kỹ. Trong gói vải nhựa ấy ngoài bộ quân phục vải bồng bột xám tro còn có một bộ bà ba đen đã vá và một quyển sổ nhỏ. Quyên lật quyển sổ. Trang đầu dán bức ảnh Hồ Chủ Tịch, bên dưới có dòng chữ viết nắn nót: "Bác Hồ"
Quyên lấy bộ quân phục rồi gói cái gói lại, đút trả vào ba-lô. Bỗng tay Quyên chạm phải vật gì cồm cộm dưới đáy ba-lô. Cô lôi vật ấy lên. Hóa ra là một cái nạng giàn thun bằng gỗ cẩm lai đen mun. Quyên cầm cái nạng giàn thun lên coi rồi thơ thẩn nhét vào
Hai cô rời hốc đá đi trở lại bên xác Đạt. Mọi người đã kéo ra miệng hang. Chỉ còn lại thằng út ôm con Thúy lặng lẽ đứng bên. Quyên bảo chúng:
- Thôi mấy đứa vô trong chỗ anh Thẩm với anh Bé chơi đi! – thằng út "dạ". Con Thúy nói nhõng nhẻo:
-Anh út cõng em..
Thằng út vốn cưng con Thúy nên nó khom lưng cho con Thúy leo lên, cõng xốc đi. Con mực ngoe nguẩy đuôi chạy theo hai đứa. Năm Nhớ trao cây nến cho Quyên nói:
- Để tao đi lấy cái khắn rấp nước lau cho Đạt rồi hẵng bận quần áo
Quyên gật đầu. Trong lúc Năm Nhớ chạy đi, Quyên cầm cây nến cúi xuống. Cô đăm đăm nhìn ba vết đạn ở giữa trán Đạt, dịu dàng đặt ngón tay lên đó. Nghĩ tới hai phát súng bắn trả ban nẫy lòng cô nặng nề đôi chút. Rõ ràng Quyên nghe tụi nó kêu "trời ơi!". Đúng là cái thằng đã giết Đạt. Nghĩ lại, Quyên mới thấy nguy hiểm. Nếu chậm một chút rất có thể cô cũng bị những viên đạn 12 ly xuyên thẳng trán hệt như Đạt và rồi cô cũng nằm đây, đợi mọi người gói lại.
Nhưng đó là bây giờ cô mới nghĩ ra, chớ lúc nãy cô chẳng nghĩ thế. Lúc nãy trước mắt cô chỉ là Đạt ngã xuống, là chị Sứ bị treo lủng lẳng, là cái lu mái chứa đầy xương trắng. Và không có gì len vào ngoài ý muốn trả thù đã giục cô vồ lấy khẩu "các-bin", bắn ra. Lúc đó cô chỉ có mỗi ý nghĩ là mình bắn trúng, phải trúng.
.. Năm Nhớ trở lại với cái khăn sọc đen đã rấp nước. Quyên cùng Năm Nhớ tháo cúc áo Đạt, cởi hết quần áo Đạt ra. Không chút e ngại, hai cô lau khắp người Đạt, cẩn thận và trìu mến như lau tắm cho đứa em trai ruột của mình. Bàn tay của hai cô gái dịu dàng vuốt sạch máu, bụi và mồ hôi suốt bảy ngày nay không ngừng tuôn chảy trên người Đạt. Các ngón tay của hai cô gái lúc run rẩy lặng đi trên tấm thân nâu rám ấy.
Hai cô bắt đầu mặc cho Đạt bộ quân phục màu tro giản dị, bộ quần áo mà khi còn sống cậu ta hằng ưa thích. Quyên vuốt các nếp nhăn trên tay áo, cổ áo Đạt.
Lúc hai cô sắp sửa bọc Đạt vào vải thì Ngạn từ ngoài miệng hang đi vô. Anh bước tới ôm lấy xác Đạt, nhìn Đạt một lúc.. Rồi chầm chậm quỳ xuống nhẹ đặt cậu lên tấm vải nhựa màu hồng nhạt trong suốt.
Quyên và Năm Nhớ cúi bế Đạt lên. Quyên và Năm Nhớ đi theo anh.. Tới một phiến đá phẳng mặt, Ngạn đặt Đạt nằm lên đó. Anh đứng im một lúc, đoạn ngước cặp mắt đỏ hoe bảo Quyên và Năm Nhớ:
- Thôi đi ra hangđi!
Ba người ra tới ngoài thì anh em hãy còn hì hục, chọc phá miệng hang. Ai cũng nhất trí nên phá vừa để một người chui lọt thôi.
Xi măng còn ướt, nên anh em tháo gạch ra cũng dễ. Lần này, kinh nghiệm hơn, anh em vừa phá lớp gạch chót thì dừng lại, nhóng nghe. Anh Ba R2n cởi áo đưa Ngạn cầm giùm:
- Thôi anh em xê ra, không cần mai nữa, để tôi đạp một cái là đổ hết..
- Coi chừng tụi nó rình như lúc nẫy nữa đó!
- Không sao!
Anh Ba Rèn khom lưng chui vào lỗ. Anh mầy mò trong đó một chốc, rồi bất thình lình anh chỏi cẳng đạp mạnh một cái. Lớp tường vừa đổ nhào, anh bò thoắt vào hang, xô mọi người nép qua bên. Quản nhiên khi mọi người vừa nép vào các hốc đá thì bọn lính bắn xối vào chỗ tường vừa bị phá trống. Anh Ba Rèn cười ha hả. Bọn địch bắn một lúc thì ngừng không bắn nữa. Anh Ba Rèn đắc chí:
- Anh em thấy chưa, rút cuộc thì gà ai nấy bồng ăn thua mẹ gí
Anh Hai Thép nói:
- Hồi nãy mình chủ quan thành ra chú Đạt mới hy sinh chứ thiệt ra nó lấp hang kiểu này càng hại cho nó.
- Bây giờ tổ trực cứ ngồi đây rình, hễ thằng nào chun vô là nện, không thèm bắn nữa!
- Hay lắm, cũng sắp hết đạn rồi!
Cái giọng khàn khàn của chú Tư Nghiệp cất lên:
- Nói không phải mê tín chớ kéo ngay ra thì trời phật có độ mình đó mấy cha. Không độ sao lúc hết nước, cháy khô cổ thì ổng mưa cho một trận. Còn bây giờ hết đạn, ổng lại xui khiến tụi giặc đắp công sự giùm mình..
Anh em nghe chú Tư nói đều phì cười. Anh Hai Thép thấy anh em có mặt ở đây gần đủ nên nói:
- Anh em mình phải cảnh giác hơn. Kiểm lại bẩy bữa nay tụi nó đã dở đủ trò ác hiểm, nào là tập trung tấn công bằng lựu đạn, nào là bỏ thuốc độc xuống suối, rồi xông khói ớt, chiếu phim tác động, lấp hang.. Sắp tới coi chừng nó dở thêm âm mưu mới, độc ác hơn. Rất có thể nó xịt chất đột hóa học vô hang, hoặc đánh thuốc nổ hoặc gì thì đó..
Anh dừng một giây, rồi nói tiếp:
- Nói để đề phòng chớ xịt chất độc hóa học thì mình rút vô sâu không dễ gì nó xịt tới, còn đánh chất nổ thì đại khái như liệng một ngàn trái MK3 thôi. Tới bữa nay tính ra đã bảy đến tám ngày rồi, mình hy sinh hai, bị thương hai, tụi nó chết và bị thương cho ít gì cũng cỡ một trăm.
Mình cũng mệt nhưng tinh thần đều vững, tụi nó thối chí lắm rồi. Bây giờ chính là lúc mình phải kiên trì. Giỏi lắm nó rán thêm năm hôm nữa rồi cũng phải bỏ cuộc. Tình hình đấu tranh trong cả tỉnh bây giờ không cho phép nó giam quân ở một nơi nào quá nửa tháng đâu, nhứt là với số quân nay đã lên tới một ngàn rưỡi. Hồi đêm tôi nghe đài tụi nó đưa tin mình đang đánh các bót miệt Thứ.
Chú Tư gật đầu:
-Hay quá, nhứt định mấy chỗ khác mình đâu để nó yên!
Quyên có ý kiến:
- Báo cáo các anh số gạo dự trữ vậy là hết rồi. Chỉ còn hai chục lít Cà Mỵ đem vô bữa nọ. Mấy em đề nghị từ giờ trở đi mỗi người chỉ ăn một lon trong ngày.
- Hai chục lít.. Cho mười chín người – Anh Thép lẩm bẩm: - Nếu ăn một lon thì chịu được ba ngày. Gay đấy, nhưng thôi cứ tạm thời như thế cái đã.. để cho tăng cường đi bẻ dừa, bẻ mít..
Ngạn nói:
- Bẻ dừa thì may ra, chớ bẻ mít không được. Hôm nọ tụi tôi cũng tính vô kiếm mít chín, nhưng vô chưa tới đã đụng. Tụi nó đóng dày nghẹt, không vô được!
Anh Hai Thép suy nghĩ rồi bảo:
- Chuyện đó để rồi coi coi.. nhứt định phải tìm cách lỏn ra hái mít ăn chứ chẳng lẽ khoanh tay chịu chết đói?
Nói tới đây, anh Hai Thép hít hít mũi, cười:
- Không biết mấy ông có nghe mùi mít chín bay vô không, chớ tôi nghe tôi thèm quá!
Anh Ba Rèn thụi anh Hai Thép:
- Thôi đi ông, làm gì mà mùi mít bay vô tới đây?
Anh Hai Thép cười cười, hỏi thêm anh em:
- Còn có vụ gì nữa không.. Anh em bị thương có gì đáng ngại không?
Năm Nhớ đáp:
- Vết thương của em Bé và anh Thẩm có đỡ dần
Nhưng em khổ quá..
Ngạn lo lắng hỏi:
- Sao, cái gì khổ. Năm Nhớ?
- Anh Thẩm ảnh cứ than vãn là chưa chi đã bị thương làm cực anh em. Mỗi lần tụi nó tấn công, ảnh cứ nhấp nhỏm níu kéo đòi em phải dìu ảnh ra ngoài này để ảnh chiến đấu. Em không chịu, sau đó ảnh giận em cả buổi..
Ngạn cười:
- Tưởng gì chứ chuyện đó không sao.. Với vết thương ấy, kể ra Thẩm có thể chiến đấu được. Nhưng chưa cần, chúng ta chưa hết người. Để tôi nói với Thẩm.
Nói tới đây, chợt Ngạn ngước nhìn Quyên hỏi:
- à, còn vợ chồng Ba Phi nó ra sao?
- Em vẫn tới đó phát gạo rang và nước. Lần nào mụ vợ cũng khóc. Hôm qua, lúc em vào, mụ ta vùng khóc rống lên rồi sụp xuống dập dập đầu dưới chân em, nói hổn ha hổn hển: - "Đừng giết vợ chồng tôi, tôi xin ăn năn, từ nay tôi không dám làm điều gì quấy nữa..". Em mới bảo: "thôi đừng có khóc.."
Mụ ta hứa hẹn thề bồi là sẽ ăn năn hối cải, mụ nói: - "Vợ chồng tôi mà còn làm quấy nữa thì vợ chồng tôi chết không phải động tay..". Rồi mụta kêu xin được mở trói, em không mở..
Anh Hai Thép nói:
- Chưa mở trói được đâu.. thôi nghe, bây giờ còn có gì mình tiếp tục giải quyết sau. Tổ nào gác hang ở lại gác, còn anh em vô nghỉ ngơi lấy sức..
Anh Ba Rèn dõng dạc hô:
- Tổ Ba Rèn ở lại nghe!
Lúc Ngạn sắp đi vào hang, bỗng anh Ba Rèn bước tới, chụp tay anh đặt lên cây dầu vuông cạnh anh đang cầm:
- Chú coi cây này ngon không! Thằng nào cả gan thò đầu vô, tôi xáng cho một cây là chết tốt!
Ngạn cầm cây dầu vuông lên nâng nâng trong tay, gật gù:
- Cây này cầm nặng tay, đập rất sướng. Ông kiếm được ở đâu hay quá!
Ba Rèn đặc ý cười khin khít, không đáp.
6
Bữa nay đã hai mươi tháng chạp ta rồi.. còn có chục ngày nữa là Tết..
Tên thiếu tá Sằng nằm ngửa trên chiếc võng đan bằng dây dù, miệng lẩm nhẩm như thế. Chiều đã xuống. Sau một ngày tranh đấu, cả Hòn Đất như hãy còn vang tiếng thét. Trên mặt đường, bụi cũng chưa lắng xuống hết. Đó đây vẳng lên tiếng trâu nghé ngọ gọi bầy, tiếng súng nổ lẻ tẻ "bốc chát" và tiếng sóng biển đồng bọn ầm ĩ!
Tên Sằng nằm giữa buổi chiều ấy, thân thể rã rời. Hắn cảm thấy không yên tâm. Hồi xế hắn buộc lòng phải ký chung vào lá đơn của những người lính đòi mở cuộc điều tra về số phận của ngót năm mưới đồng đội bị thương của họ. Sau khi đặt bút ký rồi hắn thấy nản lòng và mất nhiều tin tưởng. Cái hang Hòn có vỏn vẹn mười chín người cố thủ này chiều nay đối với hắn càng trở nên kiên cố, hóc hiểm. Nằm đây, hắn nhìn thấy đỉnh Hòn xanh ri, trơ trơ, sừng sững ra đó một cách đáng ngán. Ban trưa, giữa lúc hắn còn kỳ kèo chưa chịu ký vào lá đơn thì tên trung úy Tự trở về báo là Việt cộng đã moi được hang. Hắn bối rối, mới hạ bút ký. Chớ theo lẽ thì hắn cũng chưa chịu xuống nước đến thế. Hôm nay hắn không có được mối hy vọng như mấy hôm mới đến. Sự cả tin đánh diệt được hang Hòn của hắn cứ theo từng ngày mà sụt thấp xuống mãi. Đây là lần đầu tiên sau sáu năm, một tên thiếu tá chí cốt như hắn lại gặp trở lực lớn như vậy.
Chiều nay hắn chán lắm rồi. Hắn không muốn thúc lính xông vô hang nữa. Hắn chẳng thiết cái vùng đất Hòn nhiều cây trái này nữa. Cả bãi Tre mà buổi đầu đặt chân đến hắn đã tắc lưỡi khen đẹp và dự định trong thời gian ở đây hắn phải tắm mỗi ngày ít nhất một lần. Bây giờ bãi Tre với hắn chẳng có gì là đẹp đẽ nữa.
Đúng vào lúc hắn nằm chán ngán nhìn cái đỉnh Hòn sừng sững như thách thức, thì ở phía sau nhà có tiếng tên giữ máy bộ đàm người Bắc léo nhéo:
- A lô.. vâng, vâng. Anh dũng đây!.. Vâng, thiếu tá.. à đợi một tí nhé..
Tên Sằng nhỏm ngay dậy. Hắn hỏi tên điện báo viên người Bắc vừa ló đầu ra:
- ở đâu kêu tôi đó?
- Thưa thiếu tá, Vẻ vang gọi
Thiếu tá Sằng liền hất võng, chạy vào. Hắn tròng vội máy vào tai, cầm lấy ống nói:
- A lô, Vẻ vang đâu, Vẻ vang đâu?.. A.. Vẻ vang đó à?.. Phải.. Phải.. chính tôi đây..- Giọng tên Sằng vụt trở nên cóm róm: - Dạ, dạ..dạ tôi nghe.. Dạ, vừa rồi tôi đã báo cáo vụ đó.. Dạ không yên, khó khăn lắm. - Đến đây vẻ mặt tên Sằng vụt sa sầm rồi lại bỗng nhiên hớn hở hẳn lên: - Dạ, dạ.. trước sáng.. dạ được, dạ để tôi cho đánh.. dạ, dạ sẽ cho đánh ngay..
Tên Sằng buông máy, mặt hớn hở. Hắn gỡ ống nghe ở tai ra, đứng dậy. Tên điện báo viên tò mò hỏi:
- Thưa thiếu tá. Vẻ vang kêu đánh nữa đấy à?
Tên Sằng vui vẻ vung nắm tay:
- Chớ sao, phải đánh tới nữa chớ sao!
Bỗng hắn đặt ngón tay lên môi, ghé sát vào tai tên điện báo viên, hạ giọng:
- Nè, nói cho mình anh biết thôi.. có lịnh rút rồi!
Tên điện báo viên gật đầu
Tên Sằng quay ra ngoài. Hắn bảo một tên thiếu úy:
- Anh báo cho các ban chỉ huy tiểu đoàn, đại đội cử người về họp ngay bây giờ?
Tên thiếu úy đến một cái bàn kê gần đấy, quay điện thoại, gọi hết cánh quân này đến cánh quân khác, xuống lệnh triệu tập.
Xong rồi, y đi đốt hai cây đèn khí đã đặt lên cái bàn ở giữa nhà. Tên thiếu tá Sằng trở lại ngồi võng phì phèo điếu thuốc. Trời đã nhá nhem. Bấy giờ trước mắt hắn, đỉnh Hòn Đất mỗi lúc một sẫm đậm. Và đến khi bóng đêm đã thực sự đổ xuống, đỉnh Hòn vẫn không biến đi mà cứ hiện sờ sờ ra đó, khum khum như một chiếc mai rùa đen in nổi giữa nền trời đầu hôm nhuộm màu lam biếc.
Hồi sau, bọn sĩ quan lục tục kéo đến. Tên thiếu tá Sằng nhổm dậy:
- Tụi lính ra sao rồi, mấy anh?
- Cánh tôi bình thường!
- ở đại đội tôi tụi nó vẫn dục dặc, chửi rủa tới tối!
- Mẹ, lính ở cánh mấy anh làm kiểu đó lây qua tới bên tôi. Tụi nó cứ bàn tán hoài!
- Thôi được! – Tên Sằng cắt ngang, và đứng hẳn dậy.
Hắn đến ngồi ở cái ghế đặt đầu bàn, gõ ngón tay lóc cóc lên mặt bàn rồi báo cho tụi sĩ quan biết cái tin rút quân. Thằng nào nghe xong cũng cố nén nỗi mừng, cố nén để khỏi thở phào ra một cái. Tên Sằng nói thêm, giọng nhỏ lại:
- Lịnh trên biểu chậm gì thì trưa mai cũng phải về tới quận lỵ Tri Tôn. Cho nên chúng ra phải rút khỏi đây trước sáu giờ sáng. Mà phải rút thiệt êm. Nhớ giữ kín, đừng cho tụi lính biết trước, nghe không?
Tên Sằng dừng lại, búng khẩy tàn thuốc:
- Đó là việc chánh, còn một việc nữa rất quan trọng là trước khi rút, đêm nay chúng ra sẽ phá hang..
Bọn sĩ quan nghe nói thế liếc mắt ngó nhau. Tên Sằng biết chúng lo lắng, nên giảng giải:
- Bộ mấy anh tưởng phá banh cả hang hả? Không phải. Muốn phá banh cái hang đó phải đợi có bom nguyên tử mới phá nổi. Chúng ta hiện còn thuốc nổ hôm nọ đem xuống mà chưa xài. Đêm nay sẽ xài hết. Anh Tự đâu?
- Có tôi
- Đêm nay anh lo điều động đem mấy bọc thuốc nổ đó vô đánh hang. Còn thiếu úy Sanh, anh cho sửa soạn loa phóng thanh. Hễ vừa đánh miệng hang là anh loan tin khắp xóm cho dân chúng họ biết.
- Thưa thiếu tá, bất kỳ kết quả ra sao, chúng ta cũng loan tin?
Tên Sằng nói:
- Lẽ nào với bây nhiêu thuốc nổ đó mà không đem lại kết quả gì hay sao?
Tên trung úy công binh là Tự đáp:
- Miệng hang thì có thể phá sập. Nhưng Việt cộng nó không lắm, tôi e nó rút vô sâu như mấy lần trước thì cũng không ăn thua!
Tên Sằng chặt bàn tay xuống mặt bàn:
- Cứ đánh cho tôi!
Và hắn đứng bật dậy:
- Chúng ta cần có một tiếng vang trước khi rút khỏi chỗ này!
- Thiếu tá nói đúng, cần phải cho tụi nó biết là không phải mình yếu!
Một số tên trong đám sĩ quan ngụy hưởng ứng theo, đầy vẻ a dua. Chúng đứng dậy nói thêm vài câu chuyện với tên thiếu tá rồi lộc xộc kéo nhau ra khỏi ngôi nhà nền đúc.
Tên thiếu úy Tự và tên thiếu úy Sanh hãy còn ở lại. Tên Tự hỏi:
- Thưa thiếu tá, chừng nào khởi sự?
- Tùy anh, khởi sự chừng nào cũng được. Nhưng.. có lẽ để khuya khuya, thừa lúc tụi nó mệt mỏi buồn ngủ mà đánh thì hay hơn!
- Tôi cũng tính vậy.. Nhưng phải cho chuyển thuốc vô sớm!
- ờ phải, anh cho chuyển vô ngay bây giờ là vừa đừng đánh sớm mà cũng đừng để trễ. Đúng năm giờ sáng là rút quân anh tính sao thì tính. Có lẽ nên đánh lối mười hai giờ. Giấc đó tụi Việt cộng gác hang thế nào cũng có thằng ngủ gục..
Tên thiếu úy nói:
- Vậy đúng mười hai giờ tôi sẽ đánh!
Thiếu tá Sằng "ừ" rồi day sang tên thiếu úy Sanh dặn:
- Còn anh, giác đó đừng có ngủ quên nghe!
- Dạ tôi thức chứ đâu ngủ được. Loa phóng thanh tôi sẽ phát giữa đêm khuya. Tụi dân chúng chắc sẽ rụng rời khi nghe tin hang Hòn bị phá hủy. Gẫm ra cái phim chiếu đêm qua cũng không đến nỗi vô ích đâu thiếu tá!
Tên Sằng nhếch mép cười:
- Cái phim của anh thì ăn thua mẹ gì mà nhắc!
- Thưa thiếu tá, cái phim đó và những tiếng nổ dữ dội đêm nay khắn với nhau lắm chớ!
Tên Sằng cười lạt:
- Anh còn "nai" lắm. Đầu tôi đã mọc hai thứ tóc, tôi hiểu Việt cộng, hiểu dân chúng hơn anh nhiều mà. Cái giống họ khó bề lung lạc lắc. Anh tưởng khuya nay anh phát loa nói diệt hết tụi nó rồi dân chúng họ tin liền sao. Đâu có dễ vậy?.. Tôi đã nói, trước khi rút khỏi đây, chúng ta cần có một tiếng vang. Vậy thôi!
Tên thiếu úy Sanh còn rán hỏi:
- Một tiếng vang vô nghĩa sao?
- Sao lại vô nghĩa, anh thiệt là ngu..
Tên thiếu tá nói thế, và liền lúc đó hắn nghĩ ngay tới những điều mà hắn sắp sẵn để báo cáo lên cấp trên. Nhưng hắn chỉ chợt nghĩ tới thôi chớ không nói ra.
.. Tên trung úy Tự đã đi làm nhiệm vụ
Y không gặp một trở ngại nào trong việc điều động bọn lính vác những bọc thuốc nổ vào miệng hang. May mà những tên lính thuộc đơn vị của y chưa bị cơn lốc đấu tranh chống đối ban sáng cuốn theo. Chỉ có một sự rủi ro xảy ra sau cùng là lúc chúng vào sát miệng hang thì tên lính vác bộc phá bị vấp té đánh phịch một cái.
Do đó, tổ anh em gác ở miệng hang nghe thấy. Tổ này gồm có Trọng và hai anh du kích. Một anh tên Lến, còn anh kia tức là Hai Cá Trèn. Cả ba đều giật mình. Trọng nói:
- Cái gì giống như ai té?
- ừ, coi chừng tụi nó mò vô nghen!
Trọng chắn bàn tay, bấm đèn. Tại lỗ miệng hang vẫn như thường. Ngoài những miếng lựu đạn MK3 rải rác lúc nhúc như cứt trùng, tịnh không có gì khác. Trọng tắt đèn, Lến thì thào:
- Hồi nãy tổ của Tới gác thì êm rơ, có gì đâu?
Trọng bảo:
- Hồi nãy khác, bây giờ khác. Có khi xê xích một phút là thay đổi rồi, phải thủ kỹ mới được. Rõ ràng tôi nghe như có thằng nào vấp té!
Nói xong, Trọng nhích họng súng tôm-xông tới sát lỗ hang dặn:
- Băng đạn tôi chỉ còn chẵn mười viên. Hễ có chuyện tôi bắn vừa dứt thì mấy cha chém liền nghe. Thằng nào chun vô, cứ bình tĩnh bửa đầu nó cho tôi!
Hai anh du kích lăm lăm mã tấu trong tay:
- ừ, anh vắn hết đạn rồi cứ nánh qua một bên, để tụi tôi!
Ba người bàn với nhau như thế và sẵn sàng chờ đợi. Họ rún chân, đứng dợm trong bóng tối.
Mấy phút trôi qua, họ vẫn không thấy gì. Rồi cả mấy mươi phút sau, cũng không có gì xảy đến. Đứng riết mỏi chân họ ngồi xuống. Có tới một tiếng đồng hồ mà mọi sự vẫn bình yên. Hai Cá Trẽ nói:
- Hồi nãy chắc là chồn chạy!
- Chồn đâu ở đây. – Trọng thắc mắc
Hai Cá Trẽn cười, vẻ thông thạo:
- ở trên Hòn thiếu gì.. Anh ít ở đây nên không biết chứ các thứ chồn, khỉ, rắn hổ mây, không thiếu thứ chi.. Có cả con vích nữa, con vích lớn thì bằng cái nia, con nhỏ nhứt cũng cỡ thúng giạ.
- Chừng tan trận này về tụi mình kiếm vài con rắn hổ đất nấu cháo ăn chơi.
- Cha, thứ hổ đất bây giờ có hơi "khiếm khuyết". Đẻ ra con nào đều bị dân kiếm bắt sạch trơn. Anh ăn trăn không, con trăn lạt thua hổ đất xa, nhưng nếu mình không ham lột da bán lấy tiền, cứ để nguyên da nấu ca-ri thì ăn cũng đỡ ngặt lắm..
Hai Cá Trẽn bắt đầu nói thao thao. Anh ta thấy Trọng ưa chuyện, nên càng cao hứng:
- Anh biết con vích nó đẻ ra làm sao không?
Chẳng đợi Trọng đáp, Hai Cá Trèn nói tiếp: - Thứ đó đẻ ngộ lắm. Tháng nắng đi kiếm ăn ba đồng bảy đỗi ngoài biển, lúc trời gầm gừ muốn sa mưa nó mới bò về Hòn lo đẻ. Nó đẻ trứng bự bằng trái đu đủ, bươi đất thành hố, ủi lăn trứng xuống hố rồi lăn kềnh ra dùng mai nện láng lức. Xong rồi nó lại bỏ Hòn ra biển. Hễ trời mưa xuống là nở trứng nứt đất, vích con đội đất ngoi lên, lóp ngóp bò ra biển tự kiếm ăn..
- Ngộ quá ha! – Trọng kêu lên
Hai Cá Trèn gật đầu, thản nhiên:
- Còn nhiều thứ ngộ nữa chớ.. Giả tỷ như con nhím, ở Hòn đây cũng nhiều. Cái thứ này kỳ cục nhứt trên đời, nó vừa giống đực vừa giống cái..
- Sao?
- Nghĩa là nó tự ăn ngủ lấy, rồi có chứa, rồi đẻ..
- Cha, cha!
Hai Cá Trèn bảo:
-Hòn này có nhiều con thú quý lắm. Tôi tính tới chừng giải phóng miền Nam rồi tôi rủ người bạn ăn ý, lâu lâu đi săn bắt các loài thú trên Hòn cũng đủ hốt bạc!
Anh Lết hỏi xeo:
- Tới chừng đó rủ tôi đi không?
- Không, mày hay xạo sự quá, đi theo hư hết. Người săn thú phải có tánh ý, phải đàng hoàng..
Anh Lết cười ré, bảo Trọng:
- Anh ít về đây nên anh không biết danh thằng Hai Cá Trèn. Nó thấy anh lạ, nó đẩy dốc anh đó.. Chớ hồi cha mẹ tôi sanh tôi ra ở Hòn Đất tời giờ tôi có thấy nó bắt được một con nhen con sóc nào, chớ chưa nói tới chồn, khỉ, rùa, rắn chi cho mệt..
Hai Cá Trèn nín im một lát, đoạn nói:
- Ê Lến, vậy hôm rằm tháng bảy mày hay thằng nào vác mặt tới nhà tao ăn cháo rắn hổ đó?
- Con rắn đó thằng út đập cho mầy, mà mày dám nói là mày đào bắt, dóc quá, bữa đó có mặt vợ mày nên tao không nói, sợ mày mất mặt với vợ mày tội nghiệp..Vậy mà bây giờ mày còn khui ra!
Hai Cá Trèn cự:
- Thằng út nào đập, thằng út nào đập?
- Thằng út con chú Tư Râu chớ thằng út nào nữa. Nó có ở đây, để rồi tao kêu nó ra đối chất lo gì!
Hai Cá Trèn nín thinh. Trọng cười, nói vả lả cho anh ta đỡ ngượng:
- Cái gì chớ loài thú thì trên Hòn tôi tin chắc có nhiều:
Lến đáp:
- Có, thú thì có!
Vừa lúc ấy trong hang có tiếng chân đi ra. Hai Cá Trèn đứng dậy phủi đít bảo:
- Tổ anh Ngạn ra thay kia rồi. Thôi mình vô làm một giấc coi. Buồn ngủ quá!
Ngạn đã ra đến nơi. Cùng đi với anh có chú Tư Nghiệp và Quyên. Ngạn nói:
- Thôi anh em vô nghỉ, tới giờ rồi!
- Mười giờ hả? – Lến nói – Ngồi nghe Hai Cá Trèn nói dóc hết giờ hồi nào không hay!
Trọng nói với Ngạn:
- Tình hình không có gì. Cách đây độ một tiếng rưỡi tụi tôi có nghe một tiếng động bên ngoài, giống như ai vấp té phịch một cái..
- Vậy hả?
- Nhưng từ đó tới giờ thì vẫn êm không xảy ra chuyện chi.
-Nghe giống tiếng người vấp ngã à?
- Phải, nhưng cũng có thể là chồn chạy..
- Thôi được, đưa đèn pin cho tôi!
Ngạn ngồi xuống bấm đèn. Anh ngồi cách lỗ miệng hang chừng một thước, sau lưng anh là Quyên, rồi tới chú Tư Nghiệp. Ngạn dùng khẩu tôm-xông. Quyên nay giữ cây các-bin của Đạt. Riêng chú tư Nghiệp thì thủ cây đầu vuông cạnh của anh Ba Rèn mới đưa cho. Ngồi yên tại chỗ của mình, chú Tư Nghiệp moi thuốc ra vấn:
- Nhờ bà con bữa nọ tiếp tế nên bữa nay đâu còn mấy điếu. Tôi có để ý mấy chùm rán bay trên vách đá. Chừng nào hết thuốc, gỡ rán bay đó đem sấy hút cầm cự đỡ được.
Ngạn nói:
- Cái đêm đó.. thiệt là nhờ bà con lanh trí tiếp tế cho chớ không thì bữa nay mình nguy rồi. Thuốc chẳng có hút mà gạo cũng không có ăn, nghe vụ Cà Mỵ, Thiệt tội..
Sau câu nói của Ngạn, ba người đều im lặng. Hình như bên ngoài, trời bắt đầu nổi gió. Vì mọi người nghe gió lùa qua miệng hang mát cả chân. Đến lúc bên ngoài dậy lên tiếng rào rào, hu hú thì ai nấy biết là gió nổi thực sự rồi. Quyên có cảm giác biển mỗi lúc một ùa vào gần hơn. Cái âm ba rì rào ấy nay cứ mạnh mẽ lên dần, mạnh mẽ lên mãi. Rồi tiếng sóng dọi vào hang bắt đầu nghe rùng rùng như đổ.
- Biển lại động – Quyên khẽ kêu và chép miệng nói với Ngạn:
- Trời.. Không biết mấy bữa rầy ở ngoài ra sao.. Em lo quá. Em lo cho má quá.. Chị Ba chết.. má có chịu qua nổi không?
- Chắc má sẽ chịu nổi.. Nhưng tội nghiệp cho má. Phải nói là chị Ba hay em, má đều cưng hết, nhưng má cưng em cách bồng bột, còn với chị Ba thì má cưng cách đằm thắm. Có lần nghe má nói: ‘Dộu phải đợi mươi năm, con Sứ nó cũng đợi được.. Tao chỉ lo tới chừng đó tụi nó già hết rồi.."
Quyên nín im một lúc rồi thốt:
- Thiệt.. em là con nhỏ bộc tuệch bộc toạc chớ không được như chị Ba..
Chú tư chợt cười, ghé chuyện:
- út nè, tao hỏi thiệt bây cái này, trả lời thử tao nghen?
Chú tư hỏi chi?
Chú Tư Nghiệp rít thêm hơi thuốc nữa, giụi tắt cái tàn thuốc:
- Nói con Sứ dám đợi thì tao tin.. Còn giả dụ như bây giờ Đảng xuống lệnh điều chú Ngạn đi công tác xa chừng mươi, hai mươi năm thì con út bây tính sao?
- Đâu có chuyện đi biệt luôn như vậy! – Quyên bảo
- ấy, nói giả dụ như vậy mà!
Quyên nín thinh
Chú Tư Nghiệp giục:
-Sao? Nói tao nghe coi?
Quyên chợt ngây mặt ra trong bóng tôi. Cô nghĩ: "ồ chuyện mình ít nghĩ tới thiệt đó!" Song cô thốt rất nhanh:
- Cháu không đợi! – Rồi cô bụm miệng cười
Chú Tư Nghiệp bảo:
- Đó, chú Ngạn nghe con Quyên nó nói chưa?
- Nghe chứ!
Và Ngạn cố lấy giọng mỉa mai:
- Cháu biết mà, cháu đâu có nước non gì mà người ta đợi
.. Thường Quyên và anh gắn bó với nhau không phải ở cảnh thoải mái vui chơi như người khác mà là trong hầm, trong cứ, và giờ đây trong hang mỗi một phút một giây đều căng thẳng, sôi sục, thiêng liêng. Giờ đây thấy mình có được sự kề vai sát cánh đầy đủ quá, từ đồng chí, đồng đội, từ Quyên..
Anh vừa chợt nghe có tiếng gì sột soạt rất khẽ, như là gió thổi đùa lá vào lỗ hang. Tức khắc, anh bấm đèn "pin" chiếu xuống lỗ miệng hang, rọi cho ba người trông thấy một cái bọc vải mầu xám vuông dài buộc thắt nhiều đường dây đang nhủi vào. Có một ngọn sào tre ở phía sau chỏi cái bọc đó. Và ở mép bọc, một sợi dây mồi đang ngoe nguẩy cháy ngún, xịt khói. Cả Ngạn, Quyên và chú Tư Nghiệp trố mắt kinh sợ nhìn cái mồi cháy rồn nhanh vào. Ngọn sào vừa đẩy gói bộc phá quá khỏi lỗ miệng hang, liền rụt lại. Ngạn cầm đèn và súng chưa kịp xoay xở ra sao thì Quyên đã để khẩu cac-bin xuống, nhảy chồm tới. Cô chụp đại gói bộc phá liệng trở ra khỏi lỗ hang. Khi cô lăn mình lùi lại, nằm rạp xuống, thì Ngạn đưa cánh tay đỡ lấy ngực cô. Bộc phá nổ một tiếng lớn. Đất đai hang động như bưng lên hết. Ba người bị nhấc khỏi mặt đất, rồi rớt xuống. Quyên nhờ Ngạn nâng ngực nên không bị dội tức. Cô còn tỉnh trí, quờ tay chụp lấy khẩu "cac-bin". Ngạn vội thét:
- Vô trong mau!
Anh bấm đèn rọi cho Quyên và chú Tư Nghiệp chạy trước. Rồi anh luồn theo. Vào tới ngách hang trong, ba người đứng lại. Chú Tư Nghiệp ngồi xổm, thở hổn hển:
- Thiếu chút nữa ba đứa mình biến thành bụi hết rồi! Mẹ, sợi dây mồi cháy coi thiệt ớn!
Anh em từ trong hang đổ xô ra. Anh Hai Thép hỏi:
- Ngạn đâu? Anh em có sao không?
- Tôi đây anh, không sao.. Nó chuồi bộc phá vô, tụi tôi phát hiện kịp, Quyên ôm vụt gói bộc phá ra ngoài!
- Biết thế nào nó cũng "chơi" thuốc nổ mà!
Anh Hai Thép rọi đèn ra miệng hang. Không thấy có gì, anh bảo:
- Thôi cứ tránh ở đây.. Đề phòng đanh tụi đột nhập. Ba Rèn đâu?
- Có tôi
- Tổ anh cũng lo giữ ở đây!
- Đồng ý!
Anh Ba Rèn bước tới. Anh mò kiếm chú Tư Nghiệp, rờ rẫm khắp người chú, cười hà hà:
- May quá, ông già còn nguyên ta!
Đoạn anh lần tay chú Tư, rón lấy cây dầu vuông:
- Thôi, đưa cái cây cho tôi, ông vô nghỉ!
Giữa lúc đó ngoài miệng hang lại nổ ầm một tiếng. Mọi người đang đứng dự dưng bị xốc nhớm gót lên. Đá bụi tung rào rào. Bọn địch đã đánh tiếp bộc phá thứ hai. Luồng ánh sáng rọi cho mọi người thấy một vầng khói đen xạm, dày đặc. Khắp hang rung rinh mãi hồi lâu vẫn còn nghe thấy tiếng kêu răng rắc như đá đang bị nứt. Anh Hai Thép nói:
- Tôi rọi đèn, anh em tất cả súng lên vai, chú ý theo dõi thằng nào lọt vô đây diệt ngay thằng đó!
Ngạn gác khẩu tôm-xông lên một mỏn đá. Anh chỉ cho Quyên một mỏm đá kế đó. Quyên đặt khẩu các-bin lên từ từ áp báng vào vai. Anh em khác cũng ghìm súng đợi. ánh đèn pin từ tay anh Hai Thép vẫn rọi thẳng ra hang. Quyên nhìn thấy trước mũi súng của mình, vầng khói tản ra và bức tường mất biến một nửa. Một nửa còn lại chỉ là đống gạch vụn lổn nhổn. ánh đèn pin bỗng vụt tắt. Một giây sau, khi anh Hai Thép chiếu đèn trở lại thì trong quầng ánh sáng của đèn xuất hiện rõ một thằng địch đang ôm thu lu gói bộc phá nhảy qua chỗ gạch vụn.. Ba bốn phát súng nổ vang lên cùng một lúc.
Thằng địch đứng sứng, buông gói bộc phá rớt xuống. Nó khuỵu tại chỗ, nghẻo đầu, mà hai tay vẫn ôm vòng cái gói có sợi dây ngòi đang cháy ngún. Quyên mở miệng kêu "á" lên một tiếng. Cô vừa nép vào ngách hang thì bộc phá nổ ầm.
Anh Hai Thép bấm đèn rọi ra. Miệng hang lần này cũng dày đặc khói đen như lần trước. Lúc khói tan, không trông thấy thằng địch đâu nữa. Hai bên vách, đá tuông đổ rào rào. ở trên miệng hang bị phá rộng toác, còn bên dưới đá gạch vụt đùn lên.
ánh đèn pin từ tay anh Hai Thép vẫn chiếu sáng rực. Anh em vẫn ghìm súng đợi, hy vọng sẽ cho tái diễn cái cảnh ấy lại lần nữa. Nhưng một phút trôi qua. Rồi năm phút. Mỗi mãi đến khi ánh đèn pin lu đi cũng không thấy tên địch nào ôm bộc phá nhảy vô kiểu đó nữa.
Đợi quá lâu, anh Hai Thép tắt đèn. Nhưng không yên tâm, anh lại bấm đèn lên. Cứ bấm cứ tắt mấy lượt, vẫn không thấy gì.
- Chắc nó rút rồi – anh Ba Rèn nói
Chú Tư Nghiệp ngăn:
- Khoan! Cứ rọi đèn. Trăng gần mọc rồi!
Bên ngoài gió vẫn dậy ào ào. Đôi lúc gió lùa qua miệng hang sụp lở, kêu hu hú. Và sóng biển vẫn rùng rùng như tiếng trống chầu đổ hồi, không dứt.
Các tay súng vẫn giữ nguyên tư thế sẵn sàng nhả đạn. Quyên sốt ruột vì ánh đèn pin khi nhá sáng, khi tắt ngấm. Ngón tay trỏ của cô đặt nơi cò súng thả ra, co vào không biết mấy lượt. Nhưng mắt cô lúc nào cũng mở to trố nhìn cái miệng hang chợt sáng chợt tối ấy. Thế rồi một lát sau, khi ánh đèn tắt khá lâu Quyên vẫn nhận ra miệng hang. Đúng như chú Tư Nghiệp nói, trăng đã lên. Miệng hang không tối như trước nữa. ở đó, bóng tối ngả sang mầu xanh sẫm, nhợt thêm một chút, rồi rạng biếc.
Quyên đã có thể phân biệt rõ đống gạch đen lù lổn nhổn kia với ánh trăng sáng hửng miệng hang.
Anh Hai Thép thôi không rọi đèn nữa.
Anh phân công Ba Rèn ở lại gác như bình thường và cho anh em vào nghỉ. Quãng đêm còn lại ấy trôi qua một cách yên tĩnh, yên tĩnh hơn cả những đêm hôm trước. Bộc phá không còn gầm lên, và anh em cũng chẳng nghe thấy tiếng súng bắn "bóc đùng" ở ngoài xóm như mọi đêm.
Tổ gác miệng hang đã trở ra ngồi gác sau đống gạch vụn.
Người tổ trưởng phiên gác cuối cùng là anh Hai Thép, lần đầu tiên nhìn thấy ánh bình minh được nới rộng hơn trước, qua cái miệng hang vừa bị thuốc nổ công phá hồi đêm. Khi anh kêu: ‘sáng rồi!" thì lúc đây đêm đã nhợt dần, nhòa đi. Biển cũng đã lặng. Anh nghe thấy tiếng chim kêu ríu rít. Rồi anh bắt đầu nhận ra những ngọn cỏ ngoài hang ươn ướt hơi sương. ánh gnày mát rợi và dịu dàng lướt trên những ngọn cỏ đó, lan ra mãi. Bây giờ thì anh lại nhìn thấy bãi cỏ bị nhiều dấu giày xéo nát, và anh giật mình thấy anh ngay trước mặt có một khúc chân bê bết máu. Anh nói với anh em du kích cùng tổ:
- Chắc của thằng hồi hôm!
Lúc đó anh nghe sau lưng có tiếng cười hì hí.
Anh quay lại. Thì ra thằng út mới ngủ dậy, mò ra. Nó vừa giụi ghèn xong, hai tay vịn gối chân đừng rùn rùn, trố mắt nhìn cái khúc cẳng. Thằng út lè lưỡi nói:
- Coi lớn quá hên chú Hai?
- ừ, nó lãnh nguyên bao bộc phá mà vừa gì! Còn được cái cườm cẳng đó là may..
Anh Hai Thép hỏi:
- Hồi đêm hôm tụi nó đánh hang, mày hay không út?
Thằng út không đáp. Nó đang lo nhìn cái gì ở ngoài, người nhổm tới.
- Chắc là lúc đó mày ngủ khò chứ hay biết cái gì hả út? – Anh Hai Thép lại hỏi.
Thằng út vẫn lo nhướn mắt nhìn. Bỗng nó lào thào:
- Trời ơi.. tụi nó, tụi nó vố
Nó vụt trỏ tay ra phía ven vườn:
- Kìa kìa, tụi nó kéo đến nghẹt kia kìa, chú Hai ơi!
- Đâu, đâu?
Theo ngón tay thằng út, anh Hai Thép thấy quả có một đám lính kéo tới rất đông. Hình như chúng đang chạy tới. Anh thét:
- Núp vô, chuẩn bị!
Cả ba anh du kích và thằng út đều núp vào vách đá. Anh Hai Thép lên đạn khẩu "ga-răng" đánh "rốp" một cái, mắt chăm chú theo dõi. Đám lính mỗi lúc một rời xa mí vườn. Thình lình thằng út chớp mắt vụt la:
- ủa.. không phải lính!
Vừa lúc hai anh du kích cũng đồng kêu:
- ủa.. Đâu như bà con mình mà.. Ai chạy trước giống má Sáu quá, tóc trắng như bông.. Thôi đúng rồi!
Cả ba anh nhớn nhác nửa tin nửa ngờ. Thằng út chỉ chỏ reo:
- Ba tôi đó, ổng chạy tới chớ ai!
Anh Hai Thép lẩm bẩm:
- Kỳ qua, hay là tụi nó lùa bà con chạy trước làm bia đỡ đạn?
- Không, đâu có lính!
- Cứ núp sát vô!
Ngoài kia, đám người mỗi lúc một tới gần. Họ đã chạy qua quá nửa vạt đất trống. Hiển nhiên là ở phía sau họ không có một thằng lính nào. Anh Hai Theép bắt đầu nhận ra được từng người. Mẹ Sáu, vợ Ba Rèn, chú Tư Râu, anh Tấm Chấn, thím Ba ú. Trời ơi, đủ hết. Có cả vợ anh, thím Tư Nghiệp, vợ thằng Lến. Cả Hòn Đất không thiếu một ai. Người lớn, trẻ nhỏ, mạnh ai nấy chạy nhào tới, tất tưởi. Có người vấp té chúi, lại gượng dậy, lại chạy. Còn cách miệng hang vài chục bước, mấy người chạy đằng đầu đứng lại, đặt bàn tay lên miệng, hổn hển kêu lớn:
- Anh em ơ...ơi, tụi nó rút rồ..ồi!
Thấy trong hang vẫn im lìm, giữa đám người vút ó tiếng khóc òa lên. Chú Tư Râu đang khom lưng chạy tới, rán sức gào:
- Bớ anh em! Còn sống khô..ông?
Nghe rõ tiếng kêu, anh Hai Thép lách mình, xách súng nhảy qua đống gạch đá vụn. Kế đó thằng út với hai anh du kích cũng phóng vọt theo.
Anh Hai Thép cầm khẩu "ga-răng" vừa chạy lại phía bà con. Chú Tư Râu ôm chầm lấy anh. Anh Tám Chấn chạy tới chụp vai Hai Thép lắc lắc, cười nói:
- Cha chả, tưởng ông không còn về gặp má bầy trẻ nữa rồi chớ!
Mọi người vây quanh anh, vây quanh thằng út, chụp hai du kích mà đấm thùi thụi, níu kéo lăng xăng, kẻ cười, người khóc. Chị Hai Thép không cười, chị ngó nhìn anh Hai, rưng rưng nước mắt. Chị thấy mặt chồng mình nay xám xạm trông hốc hác hẳn đi. Anh Hai báo cho bà con biết mọi người còn đủ, trừ Sứ và chú Đạt. Anh đến bên vợ khẽ hỏi:
- Sắp nhỏ đâu rồi mình?
Chị Hai Thép đáp:
- Tôi gởi nó ở trong xóm
Giữa lúc đó, thằng út vùng vuột ra khỏi tay mấy người đang ôm nó, chạy trở vô hang. Anh Hai Thép đưa mắt tìm kiếm mẹ Sáu. Anh thấy mẹ Sáu đang đứng sững gần đó. Đôi mắt mẹ trân trân nhìn tới trước, ráo hoảnh. Khi anh chạy đến bên mẹ thì mẹ chẳng nói gì cả, bước đi. Mẹ bước chầm chậm về phía hang, tay phải vò chặt chiếc khăn rằn đỏ đưa lên miệng.
Anh em trong hang được thằng út vào cho hay, giờ đã ùa ra. Hai bên gặp nhau trước miệng hang, la hét, cười khóc. Trong khi đó con chó mực của thằng út chạy loăng quăng, kêu sủa mừng rỡ. Mọi người xô tới ôm ghì lấy nhau trên khoảng đất bị đạn cào bấy. Anh du kích Hai Cá Trèn cõng thằng Bé trên vai, Quyên cõng con Thúy từ trong cũng vừa luồn ra. Tới đống gạch đổ, cô nhấc mũi súng "các-bin" đeo nơi vai, rấn bước qua. Mẹ Sáu lập cập chạy tới, run rẩy dang hai tay ôm cả Quyên lẫn con Thúy vào lòng, òa khóc. Con Thúy thấy ngoại nó khóc thì cũng khóc theo, rồi nó nhớn nhác đưa mắt tìm kiếm. Hàng trăm cặp mắt đều nhìn dồn vào Thúy. Chợt con Thúy la:
Ngoại, ngoại, má con đâu, má con đâu ngoại?
Mẹ Sáu không đáp. Con Thúy vùng ra khỏi lòng ngoại nó kêu lớn:
- Má.. Má ơi!
Con bé vừa kêu vừa chạy kiếm. Nó chạy từ đám người này tới đám người khác, ai cũng hoảng sợ, nhìn nó bằng đôi mắt đau đớn lặng đi. Trong tiếng kêu xé ruột của con Thúy, tốp người trong hang vẫn tiếp tục đi ra.
Năm Nhớ xốc dìu anh Thẩm. Cái chân bị thương của Thẩm cứ cà nhắc, bước thấy bước cao.
Người thứ mười bảy và là người ra khỏi hang sau cùng là Ngạn. Anh bế trên tay mình cái bó vải nhựa trong suốt đó lờ mờ để lộ ra khuôn mặt của Đạt. Anh Tám Chấn xổ tới. Anh đứng sững trước Ngạn hồi lâu rồi lặng lẽ bước tới đưa tay đỡ lấy thân Đạt. Anh nghó trân trân khuôn mặt Đạt hồng lên sau lần vải nhựa mỏng. Đôi mắt anh mở to, đồng tử mắt không động, chốc mắt anh sau đỏ hoe, rân rấn. Không khác chi những anh em khác, khuôn mặt Ngạn như sắt lại, hốc hác, dính đầy bụi.
Người nào cũng thế. Trên mình họ, chẳng có cái quần cái áo nào còn lành. Tất cả đều bị rách ống, rách vai hoặc toạc hở lưng. Giờ họ đã đuối sức, bụng dạ lại cồn cào, cổ cháy bỏng. Chừng như bây giờ họ mới thấm mệt, rã rời.
Bước chân của họ đi hơi loạng choạng trong buổi sớm nắng hửng. Và đây là những tia nắng đầu tiên mà họ bắt gặp lại, Nắng chiếu lóng lánh các giọt sương đọng trên ngọn cỏ. ánh nắng chớm sáng ven vườn, rọi rực rỡ các vòm lá. Hòa vào trong nắng ấy là làn gió đương xuân, hây hẩy, lao rao. Ngoài kia, sau những thân tre vàng óng đang chới với đu đưa, sóng biển đẫm nắng vỗ rối rít và ngoan ngoãn trườn nhẹ vào bãi.
Đang đi, Ngạn chợt dừng chân, ngoảnh lại. Trước mặt anh, mép miệng hang như vừa bị một con quái vật khổng lồ nào cạp cho lở lói. Vách đá trước vốn là màu xanh rêu nay ám khói đen xịt. ở hai bên mép miệng hang, xi măng đã đùn đống, vung vãi. Đi hơn chục bước, Ngạn hãy còn nghe mùi máu tanh tưởi, mùa xác chết ở đây đấy, và rõ rệt hơn cả là mùi khói thuốc nổ phất lên mũi anh nồng nặc.
Viết xong hồi tháng 5 - 1965.

Xem Tiếp: ----