MÀN BA

Ai đã nói gì

Khi bốn bác sĩ ra khỏi bộ phận cấp cứu và ra đến ngoài sân, họ có vẻ kiệt sức.
Giám đốc nói: “Elisabeth bé nhỏ làm hỏng cả cuộc hội thảo của chúng ta.”
Nữ bác sĩ nói: “Những người phụ nữ không được thỏa mãn bao giờ cũng mang điềm gở.”
Havel nói: “Lạ thật đấy. Phải đợi đến khi cô ta mở vòi gaz chúng ta mới nhận ra là cô ta thật ngon lành.”
Nghe những lời đó, Fleischman nhìn (thật lâu) Havel và nói: “Tôi không muốn uống hay lên mặt dạy đời nữa. Chào.” Và anh đi ra phía cổng bệnh viện.

Lý thuyết của Fleischman

Fleischman thấy những lời của các đồng nghiệp của mình thật đáng tởm. Anh thấy ở đó sự vô cảm của đàn ông và đàn bà đang già đi, sự tàn bạo của tuổi tác đang dựng lên trước tuổi trẻ của anh như một barie thù địch. Chính vì thế anh sung sướng được ở môt mình và anh quyết định đi bộ để tận hưởng đầy đủ sự phấn khích: anh không ngừng lặp đi lặp lại với một nỗi sợ hãi ngọt ngào, rằng Elisabeth chỉ còn cách cái chết một bước và mình có trách nhiệm về cái chết đó.
Rõ ràng không phải là anh không biết một vụ tự tử có thể bắt nguồn không chỉ từ một nguyên nhân duy nhất mà thường thì từ cả một tập hợp các nguyên nhân; chỉ có điều anh không thể chối rằng một trong những nguyên nhân đó, và chắc chắn nguyên nhân quyết định là anh, chính anh, chỉ đơn giản bởi sự tồn tại của anh và thái độ của anh ngày hôm nay.
Lúc này, anh tự kết án mình một cách bi thiết. Anh tự nhủ mình là một kẻ ích kỷ với cái nhìn phù phiếm chăm chăm tìm kiếm sự thành công tình ái. Anh tự cho mình là thô lỗ cục cằn vì đã để bị mù quáng bởi mối quan tâm mà nữ bác sĩ dành cho anh. Anh tự trách mình đã biến Elisabeth thành một đồ vật giản đơn, một chất liệu mà anh sử dụng để trút giận khi ông giám đốc ghen tuông ngăn chặn cuộc hẹn hò ban đêm của anh. Anh có quyền gì mà đối xử như thế với một con người vô tội?
Tuy thế, chàng sinh viên y khoa trẻ tuổi không phải là một người đơn giản chất phác; mỗi trạng thái tinh thần của anh chứa đựng ở trong nó biện chứng của khẳng định và  phủ định, cho nên để trả lời lại giọng nói bên trong của người lên án, một giọng nói bên trong của người biện hộ lên tiếng: Những lời mỉa mai mà anh dành cho Elisabeth nhất định là không nên, nhưng chắc chúng không đến nỗi mang lại những hậu quả bi thảm đến thế nếu Elisabeth không yêu anh say đắm. Thế nhưng Fleischman có thể làm gì không khi mà một phụ nữ yêu anh? Liệu anh có nhất thiết chịu trách nhiệm về người phụ nữ đó không?
Anh dừng lại ở câu hỏi này, có vẻ như nó là chìa khóa của toàn bộ bí ẩn đời người. Thậm chí anh còn dừng bước và tìm câu trả lời một cách nghiêm túc nhất trên đời: Đúng, vừa nãy anh đã nhầm khi nói với giám đốc rằng anh không có trách nhiệm về những gì anh khơi lên một cách vô thức. Quả thật thế, liệu anh có thể tự rút gọn con người mình vào cái con người ý thức và có suy tư không? Điều mà anh gây hại một cách vô thức lại không thuộc về con người của anh ư? Còn ai ngoài anh có thể chịu trách nhiệm nữa đây? Đúng, anh có tội; có tội về tình yêu của Elisabeth; có tội vì đã không biết tình yêu đó; có tội vì đã lơ là nó; có tội. Anh đã dự phần giết một con người.

Lý thuyết của giám đốc

Trong khi Fleischman đang bước vào bài tập ý thức đó, bác sĩ, Havel và nữ bác sĩ quay về phòng trực. Họ không thực sự muốn uống; họ im lặng mất một phút; rồi: “Trong đầu Elisabeth nghĩ gì nhỉ?” - bác sĩ Havel cất tiếng.
- Không có tình cảm ủy mị đâu, - giám đốc nói. - Khi ai đó làm những trò dại dột như thế, tôi loại trừ tất cả cảm xúc. Mặt khác, nếu anh không cứng đầu và nếu anh làm với cô ấy điều mà anh không hề do dự làm với mọi người phụ nữ khác, thì việc có lẽ đã không đến nước đó.
- Tôi cám ơn anh đã cho tôi là người chịu trách nhiệm về một cuộc tự tử, - Havel nói.
- Hãy nhìn nhận chính xác hơn nào, - giám đốc nói. - Đây không phải một vụ tự tử, mà là một cách biểu hiện gây chết người được dàn xếp theo cách để tránh được thảm họa. Bác sĩ thân mến ơi, khi người ta muốn ngạt thở bằng khí gaz thì thoạt tiên người ta phải khóa cửa lại cái đã. Hơn thế nữa, người ta phải chú ý bịt mọi kẽ hở để người ngoài không phát hiện được ngay. Elisabeth không nghĩ đến cái chết đâu, cô ấy nghĩ đến anh.
“Chúa mới biết từ bao nhiêu tuần rồi cô ấy vui sướng với ý nghĩ được trực cùng anh đêm nay, và kể từ đầu buổi tối cô ấy đã tập trung vào anh một cách không ngượng ngùng. Nhưng anh lại chống lại. Và còn hơn cả chống lại, cô ấy càng uống lại càng tỏ ra khiêu khích: cô ấy đã nói, đã nhảy, đã thoát y…
“Anh thấy không, tôi tự hỏi liệu dù sao cũng có điều gì đó đáng xúc động trong toàn bộ chuyện này. Khi cô ấy nhận ra mình không thu hút được sự chú ý của cả mắt lẫn tai anh, cô ấy đã đặt cược tất cả vào khứu giác của anh và mở khí gaz. Và trước khi mở gaz, cô ấy đã cởi quần áo. Cô ấy biết mình có một cơ thể đẹp, và cô ấy muốn bắt anh cũng phải biết điều đó. Hãy nhớ điều cô ấy nói trước khi đi ra: Giá mà các người biết. Các người không biết gì cả. Các người không biết gì cả. Elisabeth mặt xấu xí, nhưng lại có thân thể đẹp. Chính anh cũng nhận ra rồi đấy. Anh thấy rõ là lập luận của cô ấy không đến nỗi ngu ngốc đâu. Thậm chí tôi còn tự hỏi bây giờ anh có chịu làm theo không.”
Havel nhún vai. “Có thể lắm,” - ông nói.
- Tôi thì tin chắc chắn như thế, - giám đốc nói.

Lý thuyết của Havel

“Điều mà anh nói có thể có vẻ thuyết phục đấy, sếp ạ, nhưng có một lỗ hổng trong lập luận của anh: anh đánh giá quá cao vai trò của tôi trong chuyện này rồi. Bởi vì đó không phải là tôi đâu. Dù sao tôi cũng không phải là người duy nhất từ chối ngủ với Elisabeth. Không ai muốn ngủ với cô ta cả.
“Vừa rồi, khi anh hỏi tại sao tôi không vơ lấy Elisabeth, tôi đã trả lời gì đó ba lăng nhăng về vẻ đẹp của trọng tài tự do và về tự do của tôi mà tôi muốn giữ. Nhưng đó chỉ là những lời ất ơ dành để che giấu cái sự thực nằm chính ở phía đối diện và không hề đáng vui: tôi từ chối Elisabeth bởi tôi không thể cư xử như một người tự do. Bởi vì không ngủ với Elisabeth đã trở thành một cái mốt. Không ai ngủ với cô ta, và nếu có ai đó ngủ với cô ta, anh ta sẽ không bao giờ sung sướng nổi bởi vì tất cả mọi người sẽ chế nhạo anh ta. Mốt là một con rồng khủng khiếp và tôi đã nghe lời nó một cách hèn hạ. Chỉ có điều, Elisabeth là một phụ nữ trưởng thành, và điều đó khiến cho đầu óc cô ấy bực tức. Và, có thể, cái làm cô ấy bực hơn hết thảy là tôi đã từ chối cô ấy, chính tôi, bởi vì tất cả mọi người đều biết tôi vơ tất. Chỉ có điều, với tôi mốt quý giá hơn là đầu óc của Elisabeth.
“Và anh có lý đấy, sếp ạ: cô ta biết mình có một cơ thể đẹp, và cô ấy cho là tình thế này quả thật quá phi lý và không công bằng, và cô ta muốn phản kháng. Hãy nhớ là trong suốt buổi tối cô ta không ngừng lôi kéo sự chú ý lên cơ thể của mình. Khi cô ta nói đến cô gái thoát y người Thụy Điển mà cô ta xem được ở Viên, cô ta vuốt ve ngực mình và tuyên bố chúng đẹp hơn vú của cô gái Thụy Điển. Và hãy nhớ điều này: trong suốt buổi tối, bộ ngực và cái mông của cô ta đã xâm chiếm cái phòng này như một đoàn người biểu tình. Tôi nói nghiêm túc đấy, sếp ạ, đó là một cuộc biểu tình.
“Và hãy nhớ đến cuộc thoát y của cô ta, hãy nhớ cô ta đã làm thế nào! Sếp ạ, đó là cuộc thoát y buồn thảm nhất mà tôi từng xem. Cô ta say mê cởi quần áo, nhưng không thoát được khỏi cái vòng kim cô đáng ghét của bộ đồng phục y tá. Cô ta cởi quần áo, nhưng không thể cởi quần áo. Và vẫn biết là mình sẽ không cởi quần áo, cô ta vẫn cởi bởi vì cô ta muốn chúng ta tham gia vào cái ham muốn buồn bã và phi thực tế của mình, đó là điệu hát ca ngợi cởi quần áo, bài hát về tính bất khả thi của cởi quần áo, về tính bất khả thi của làm tình, về tính bất khả thi của sống! Và thậm chí như thế, chúng ta cũng không muốn nghe cô ta, chúng ta cúi đầu xuống và chúng ta có vẻ thờ ơ.
- Ôi anh chàng tán gái lãng mạn! Anh thực sự tin là cô ấy muốn chết à? - giám đốc kêu lên.
- Hãy nhớ những gì cô ta nói trong lúc nhảy, - Havel tiếp. - Cô ta đã nói với tôi: Tôi còn rất sống! Tôi vẫn còn sống đây! Anh còn nhớ chứ? Kể từ lúc bắt đầu nhảy, cô ta đã biết mình sẽ làm gì.
- Thế tại sao cô ấy lại muốn chết trong bộ dạng trần truồng như thế? Anh giải thích thế nào?
- Cô ta muốn bước vào vòng tay của cái chết như vào vòng tay của người tình. Chính vì lẽ đó mà cô ta đã cởi quần áo, buộc tóc, đánh son…
- Và chính vì thế mà cô ta không khóa cửa lại à? Tôi xin anh đấy, thôi đừng tìm cách tự thuyết phục mình rằng cô ấy thực sự muốn chết đi.
- Có thể là cô ta không biết chính xác mình muốn gì. Anh có biết điều mà anh muốn không nào? Ai trong chúng ta biết được mình muốn gì? Cô ta muốn chết, và cũng không muốn. Cô ta rất chân thành muốn chết, và cùng lúc (cũng chân thành như thế), cô ta muốn dừng cái hành động dẫn cô ta đến chỗ chết lại, và nhờ nó mà cô ta cảm thấy mình lớn lên. Anh hiểu rõ là cô ta không muốn người ta nhìn thấy mình tím tái, thối inh và dị dạng vì cái chết. Cô ta muốn cho chúng ta xem cơ thể của cô ta, đẹp đẽ đến thế, bị coi rẻ đến thế, cái cơ thể đi giao phối với cái chết trong toàn bộ ánh hào quang của mình; cô ta muốn chí ít thì vào khoảnh khắc chính yếu đó chúng ta cũng phải ghen tị với cái cơ thể đó đến chết và phải thèm muốn nó.

Lý thuyết của nữ bác sĩ

“Thưa quý ngài, - nữ bác sĩ cho đến giờ vẫn im lặng chăm chú lắng nghe hai bác sĩ nói chuyện bắt đầu lên tiếng, - điều mà cả hai anh nói tôi đều thấy lôgic, với tư cách một phụ nữ tôi có thể đánh giá như vậy. Bản thân lý thuyết của các anh khá là thuyết phục và chứng tỏ một hiểu biết cuộc sống sâu sắc. Chúng chỉ có một chỗ yếu, đó là chúng không có lấy một gam sự thật. Elisabeth không hề nghĩ đến chuyện tự tử. Không tự tử thật mà cũng không tự tử vờ. Không hề có tự tử.”
Nữ bác sĩ nhấm nháp một lúc hiệu ứng của những câu của mình và nói tiếp: “Có thể thấy là các anh không chịu để ý gì. Khi chúng ta từ bộ phận cấp cứu về đây, các anh đã tránh không vào phòng nghỉ. Các anh không muốn nhìn thấy nó. Nhưng tôi, tôi đã kiểm tra thật kỹ càng, trong khi các anh làm hô hấp nhân tạo cho Elisabeth ấy. Trên bếp có một cái nồi. Elisabeth đã cho nước vào để đun nước uống cà phê, và cô ấy đã ngủ thiếp đi. Nước đã trào ra và làm tắt lửa.”
Hai bác sĩ đi vào phòng nghỉ cùng nữ bác sĩ. Chính xác, trên bếp có một cái nồi và thậm chí trong đó còn sót lại một ít nước.
- Nhưng trong trường hợp đó, tại sao cô ấy lại trần truồng như thế? - giám đốc hỏi.
- Nhìn kỹ nhé, - nữ bác sĩ nói và chỉ bốn góc phòng: chiếc váy màu xanh nhạt rơi xuống đất dưới cửa sổ, chiếc xuchiêng mắc vào tủ thuốc treo lủng lẳng, và chiếc quần cụt nhỏ màu trắng bị vứt xuống đất trong góc đối diện. “Elisabeth đã ném quần áo của mình khắp nơi, điều đó chứng tỏ cô ấy muốn thực hiện, dù chỉ có một mình, màn thoát y mà anh cho là không nên, sếp ạ.”
“Khi đã cởi hết, chắc cô ấy bỗng cảm thấy mệt. Cô ấy không muốn thế, vì cô ấy vẫn chưa thôi từ bỏ những hy vọng cho đêm nay. Cô ấy biết là cuối cùng chúng ta sẽ đi và Havel sẽ ở lại một mình. Chính vì thế mà cô ấy đã hỏi xin thuốc để thức. Cô ấy muốn uống cà phê và đặt nổi lên bếp. Tiếp đó, cô ấy lại ngắm nhìn cơ thể mình, và điều đó kích thích cô ấy. Các anh biết không, Elisabeth có một lợi thế đối với các anh. Cô ấy không nhìn bằng cái đầu của mình. Với cô ấy, cô ấy là một vẻ đẹp không chút tì vết. Cơ thể cô ấy đã kích thích cô ấy và cô ấy đã nằm lên đivăng vẻ ngả ngớn. Nhưng rõ ràng là giấc ngủ đã đến với cô ấy trước niềm hoan lạc”.
- Chắc chắn là thế rồi, - Havel nói. - Nhất là vì tôi đã đưa thuốc ngủ cho cô ta!
- Điều đó rất hợp với anh đấy, - nữ bác sĩ nói. - Thế thì còn điều gì chưa rõ ràng nữa không?
- Còn, - Havel nói. - Hãy nhớ lại điều cô ta đã nói: Tôi chưa chết đâu! Tôi còn rất sống! Tôi sống! Và những lời cuối cùng đó: cô ta đã nói nó vẻ bi thiết đến thế, như thể đó là những lời vĩnh biệt: Giá mà các người biết. Các người không biết gì hết cả. Các người không biết gì hết cả.
- Xem nào, Havel, - nữ bác sĩ nói. - Cứ như là anh không biết chín mươi chín phần trăm lời nói được nói ra là những thứ chẳng để làm gì vậy. Thế chính bản thân anh, phần lớn thời gian, anh nói những điều khác hơn là chỉ để nói thôi à?
Các bác sĩ còn nói chuyện thêm một lúc nữa rồi đi ra; giám đốc và nữ bác sĩ bắt tay Havel và đi xa dần.

Những hương thơm bay lơ lửng trong không khí buổi đêm

Cuối cùng Fleischman cũng ra đến con đường ngoại ô nơi anh sống với bố mẹ trong một villa nhỏ có vườn cây bao quanh. Anh mở cổng và ngồi ngay xuống ghế băng có hai bông hồng được mẹ anh chăm sóc cẩn thận ngả xuống.
Hương thơm bay lơ lửng trong không khí buổi đêm mùa hè và những từ “thủ phạm”, “ích kỷ”, “được yêu”, “chết” quay cuồng trong ngực Fleischman và làm đầy nó lên với một thích thú phấn khích; anh có cảm giác lưng mình mọc ra đôi cánh.
Trong cái luồng hạnh phúc buồn bã đó, anh hiểu là mình được yêu hơn bao giờ hết. Rõ ràng là đã có nhiều phụ nữ cho anh những bằng chứng cụ thể về tình cảm của họ, nhưng lúc này, anh đang ở trong một trạng thái minh mẫn lạnh lùng: liệu chúng có luôn là tình yêu không? liệu có đôi khi anh phải chịu đựng những ảo tưởng không? liệu anh có tưởng tượng nhiều hơn là thực tế không? liệu Klara, chẳng hạn, có quan tâm nhiều hơn là yêu không? liệu rằng cô có chú ý đến cái căn hộ mà anh sẽ phải xoay cho cô hơn là chú ý đến anh không? Tất cả đều nhợt nhạt khi đặt bên cạnh hành động của Elisabeth.
Những từ kỳ vĩ bay lơ lửng trong không khí và Fleischman tự nhủ rằng tình yêu chỉ có một tiêu chí duy nhất: cái chết. Tình yêu theo đúng nghĩa phải có cái chết, và chỉ tình yêu kết thúc bằng cái chết mới là tình yêu.
Những hương thơm bay lơ lửng trong không khí và Fleischman tự hỏi: liệu có ai sẽ yêu anh ngang bằng với người phụ nữ xấu xí đó không? Nhưng bên cạnh tình yêu thì cái đẹp và cái xấu có ý nghĩa gì? Vẻ xấu xí của một khuôn mặt đặt cạnh một tình cảm lớn đến mức phản chiếu được tuyệt đối thì có ý nghĩa gì?
(Tuyệt đối? Đúng. Fleischman là một thiếu niên mới bị vứt vào cái thế giới ít chắc chắn của người lớn. Anh làm mọi việc có thể để quyến rũ phụ nữ, nhưng điều mà anh tìm kiếm trước hết là cái ôm siết an ủi, vô tận, cứu rỗi, cái sẽ cứu anh khỏi tính tuyệt đối khủng khiếp của thế giới vừa mới phát hiện ra.)