MÀN BỐN

Nữ bác sĩ quay trở lại
Bác sĩ Havel nằm lên đivăng được một lúc, người đắp một tấm chăn len mỏng, thì nghe tiếng gõ cửa. Ông nhìn thấy khuôn mặt của nữ bác sĩ trong ánh trăng. Ông mở cửa sổ hỏi: “Có chuyện gì thế?”
- Mở cửa cho tôi, - nữ bác sĩ nói và tiến về phía cửa ra vào.
Havel cái áo sơmi, thở dài và ra khỏi phòng.
Khi ông mở cửa, nữ bác sĩ tiến đến không giải thích gì, và khi cô đã ngồi vào một chiếc ghế phôtơi trong phòng trực, trước mặt Havel, cô giải thích mình đã định về nhà thì bỗng cảm thấy rất bồn chồn, không thể ngủ được và bảo Havel nói chuyện thêm một chút với cô để trấn tĩnh lại.
Havel không tin lời nào mà nữ bác sĩ nói và khá xấc láo (hoặc thiếu thận trọng) nên để lộ điều đó ra.
Chính vì thế nữ bác sĩ nói với ông: “Tất nhiên rồi, anh không hề tin tôi, bởi vì anh cho là tôi chỉ đến đây để ngủ với anh thôi.”
Bác sĩ phác một cử chỉ phản đối, nhưng nữ bác sĩ đã tiếp lời: “Đồ Don Juan phù phiếm! Chắc chắn là thế rồi. Ngay khi một người phụ nữ nhìn thấy anh, cô ta sẽ chỉ nghĩ đến chuyện đó. Còn anh, khó chịu và căm ghét, anh hoàn thành cái nhiệm vụ buồn tẻ của mình”.
Havel lại phác một cử chỉ phản đối, nhưng nữ bác sĩ đã châm một điếu thuốc và uể oải nhả khói rồi nói tiếp: “Don Juan khốn khổ của tôi ơi, đừng sợ gì hết. Tôi không đến để gây khó dễ cho anh đâu. Anh không có gì chung với cái chết cả. Tất cả những cái đó chỉ là những trò nghịch lý của sếp thân mến. Anh không phải là ai cũng vơ lấy, vì lý do không phải tất cả phụ nữ đều sẵn sàng để bị vơ lấy. Chẳng hạn như tôi, tôi muốn đảm bảo với anh điều đó, tôi hoàn toàn miễn nhiễm đối với anh”.
- Đó là điều cô muốn nói à?
- Có thể. Tôi đến để an ủi anh, để nói với anh rằng anh không giống với cái chết. Rằng tôi, tôi sẽ không để bị vơ lấy.
Đạo đức của Havel
“Cô tốt thật đấy, - Havel nói, - tốt vì không để bị vơ lấy và còn đến để nói với tôi điều đó. Cô có lý, tôi không có gì chung với cái chết hết. Không chỉ tôi không vơ Elisabeth, mà tôi cũng sẽ không vơ cô đâu”.
- Ồ! - nữ bác sĩ nói.
- Tôi không muốn nói là tôi không thích cô. Ngược lại thì đúng hơn.
- Thế cơ đấy, - nữ bác sĩ nói.
- Đúng. Tôi rất thích cô.
- Thế thì tại sao anh lại không vơ lấy tôi? Hay là bởi vì tôi không quan tâm đến anh?
- Không phải, tôi nghĩ là điều đó không có quan hệ gì, - Havel nói.
- Thế thì tại sao?
- Bởi vì cô là tình nhân của sếp.
- Thế thì sao?
- Sếp hay ghen lắm. Đến khổ cho ông ấy.
- Anh cũng cẩn thận thế cơ à? - nữ bác sĩ cười nói.
- Cô cũng biết là tôi có không ít chuyện với phụ nữ trong đời, đến mức tôi coi trọng tình bạn giữa những người đàn ông hơn. Tình bạn đó không bị vấy bẩn vì sự ngu xuẩn của tình dục và là giá trị duy nhất mà trong đời tôi được biết.
- Anh coi sếp như một người bạn à?
- Sếp đã làm rất nhiều điều cho tôi.
- Cho tôi còn nhiều hơn, - nữ bác sĩ đáp.
- Cũng có thể, - Havel nói. - Nhưng đó không phải là chuyện hàm ơn. Đó là một người bạn, đơn giản có thế thôi. Đó là một tay khá đấy. Và ông ấy gắn bó với cô. Nếu tôi tìm cách chiếm đoạt cô, tôi sẽ buộc phải tự coi mình là một thằng khốn nạn.
Giám đốc bị bôi nhọ
“Tôi không chờ nghe được từ miệng anh một lời ca tụng tình bạn nhiệt thành như vậy đâu! - nữ bác sĩ nói. - Tôi phát hiện ra anh dưới một vẻ khác, mà với tôi là hoàn toàn mới mẻ và vô cùng bất ngờ, bác sĩ ạ. Trái với người ta chờ đợi, anh không chỉ sở hữu cái khả năng cảm thấy, mà còn biết cách thực hiện cái khả năng đó (và cái đó thật đáng xúc động) đối với một ông già, xám xịt và hói trọc, mà người ta chỉ thấy toàn là điều lố bịch. Vừa nãy anh có quan sát ông ấy không? Anh có thấy ông ấy lúc nào cũng đóng kịch không? Ông ấy luôn muốn chứng minh những điều mà không ai có thể tin được”.
“Trước hết, ông ấy muốn chứng tỏ mình có trí tuệ. Anh đã nghe ông ấy nói rồi đấy. Cả tối ông ấy nói mà chẳng để nói gì, ông ấy làm mọi người vui vẻ, ông ấy làm ra vẻ trí tuệ, bác sĩ Havel giống cái chết, ông ấy bịa ra đủ thứ nghịch lý về nỗi bất hạnh vì có một cuộc hôn nhân hạnh phúc (tôi nghe cái bài ca đó đến hàng trăm lần rồi!), ông ấy cố tìm cách chơi xấu Fleischman (sao mà trong việc đó ông ấy tỏ ra có trí tuệ đến thế!)
“ Thứ hai, ông ấy muốn được coi là một người rộng lượng. Trên thực tế, ông ấy căm ghét tất cả những ai còn tóc trên đầu, nhưng lại cứ làm ra vẻ. Ông ấy tán dương anh, tán dương tôi, ông ấy tỏ ra thân ái và dịu dàng với Elisabeth, và nếu ông ấy chơi xấu Fleischman, ông ấy vẫn cố làm sao để Fleischman không nhận ra điều đó.
“Và thứ ba, và là điều nghiêm trọng nhất, ông ấy muốn chứng tỏ mình là người không ai cưỡng lại nổi. Ông ấy tuyệt vọng cố sức che giấu cái vẻ bề ngoài ngày hôm nay đằng sau cái bề ngoài của ngày xưa, nhưng thật bất hạnh là chẳng ai còn nhớ nó thế nào cả. Anh đã thấy ông ấy khéo léo thế nào khi kể cho chúng ta chuyện về cô điếm nhỏ đó, người không muốn ông ấy, chỉ để nhân cơ hội đó gợi lại khuôn mặt của mình hồi xa xưa và làm quên đi cái bệnh hói đầu đáng buồn đó?”
Biện hộ cho giám đốc
“Tất cả những gì cô nói đều gần đúng, quý bà thân mến ạ, - Havel trả lời. - Nhưng tôi chỉ thấy ở đó những lý do phụ, và chính là những lý do để yêu quý sếp, bởi vì tất cả những cái đó làm tôi cảm động hơn là cô nghĩ. Sao cô lại muốn tôi chế nhạo sự hói đầu mà tôi cũng sẽ không thể tránh được? Sao cô muốn tôi chế nhạo cái nỗ lực bướng bỉnh của sếp để trở thành một người khác với chính mình?
“Hoặc một ông già chấp nhận là chính mình, nghĩa là cái cặn thừa đáng buồn của bản thân, hoặc ông ta không chấp nhận nó. Nhưng ông ta phải làm gì nếu không chịu chấp nhận? Ông ta chỉ còn cách vờ là người khác với chính mình; ông ta chỉ còn cách tự tái tạo, bằng một sự vờ vĩnh cẩn thận, cái không còn nữa, cái đã mất đi; phải tạo ra, chơi đùa, bắt chước sự vui vẻ, sức sống, sự thân mật của nó. Làm sống lại cái hình ảnh trẻ trung của mình, gắng sức hòa trộn vào nó và thay thế nó cho bản thân mình. Trong vở hài kịch đó của sếp, tôi nhìn thấy chính tôi, chính là tương lai của tôi. Nếu như tôi còn đủ sức để từ chối sự tức tối thì chắc chắn đó là một điều xấu tệ hơn cả cái vở hài kịch buồn bã đó.
“Có lẽ là cô đã nhìn rõ trò chơi của ông ấy. Nhưng chính vì thế tôi lại càng yêu quý ông ấy hơn, và tôi sẽ không bao giờ làm điều xấu với ông ấy, từ đó có thể kết luận là tôi sẽ không bao giờ ngủ với cô.”
Câu trả lời của nữ bác sĩ
“Bác sĩ thân mến, - nữ bác sĩ trả lời, - giữa chúng ta có ít khác biệt hơn là anh tưởng đó. Tôi cũng rất yêu quý ông ấy. Tôi cũng thương ông ấy như anh chứ. Và tôi nợ ông ấy nhiều hơn là anh nợ ông ấy. Không có ông ấy, tôi không thể có một vị trí tốt như ngày hôm nay. (Anh biết rõ, tất cả mọi người đều biết rõ). Anh nghĩ là tôi muốn làm hại ông ấy à? Là tôi lừa ông ấy? Là tôi có những tình nhân khác? Mọi người sẽ vui đến thế nào nếu biết tin ấy! Tôi không muốn làm điều xấu cho bất kỳ ai, cho ông ấy cũng như cho tôi, và do đó tôi ít tự do hơn là anh tưởng. Tôi hoàn toàn bị phụ thuộc. Nhưng tôi hài lòng vì chúng ta đã hiểu được nhau. Bởi vì anh là người duy nhất mà tôi cho phép mình không chung thủy với sếp. Thực thế, anh yêu quý ông ấy một cách chân thành và không bao giờ muốn làm điều xấu cho ông ấy. Anh sẽ kín đáo hết sức. Tôi có thể tin vào anh. Thế nên tôi có thể ngủ với anh…” và cô ngồi lên đầu gối Havel rồi bắt đầu cởi khuy áo anh.
Bác sĩ Havel đã làm gì?
Ông còn có thể làm gì…
MÀN NĂM
Trong một cơn lốc những tình cảm cao quý
Sau đêm là đến sáng và Fleischman đi xuống vườn để hái một bó hoa hồng. Rồi anh đi tàu điện đến bệnh viện.
Elisabeth nằm trong một phòng riêng ở bộ phận cấp cứu. Fleischman ngồi ở đầu giường cô, đặt bó hoa lên bàn ngủ và cầm tay cô để bắt mạch.
- Cô thấy đỡ chưa? - anh hỏi.
- Rồi, - Elisabeth nói.
Và Fleischman cất giọng đầy tình cảm: “Nhẽ ra cô không nên làm thế, bạn thân mến ạ.”
- Anh nói đúng, - Elisabeth nói, - nhưng tôi đang ngủ mà. Tôi đang đun nước để pha cà phê thì lăn ra ngủ như một con điên.
Fleischman bàng hoàng ngắm nhìn Elisabeth, bởi vì anh không hề chờ đợi cô rộng lượng đến mức ấy: Elisabeth muốn tránh cho anh khỏi những dằn vặt, cô không muốn làm anh bối rối với tình yêu của mình, và cô từ chối tình yêu đó!
Anh vuốt ve má cô, và cảm thấy tình cảm trào dâng, anh chuyển sang gọi cô theo lối thân mật: “Anh biết tất cả rồi. Em không cần phải nói dối đâu. Nhưng anh cũng cám ơn em vì lời nói dối đó.”
Anh hiểu là mình không thể tìm được ở bất kỳ ai khác nhiều phẩm chất cao quý đến thế, dịu dàng và tận tâm đến thế, và anh đã suýt không thoát nổi cám dỗ hỏi cô làm vợ. Nhưng đúng vào lúc cuối cùng thì anh tự chủ được (lúc nào cũng có thời gian để xin cưới một ai đó) và chỉ nói:
“Elisabeth, Elisabeth, em yêu quý. Anh mang hoa hồng này đến cho em đấy.”
Elisabeth kinh ngạc nhìn chằm chằm Fleischman và hỏi: “Cho tôi?”
- Đúng, cho em. Bởi vì anh hạnh phúc được ở đây với em. Bởi vì anh hạnh phúc vì em tồn tại, Elisabeth ạ. Có thể là anh yêu em. Có thể là anh rất yêu em. Nhưng chắc chắn đó lại thêm là một lý do để chúng ta dừng lại ở đây. Anh tin là một người đàn ông và một người phụ nữ càng yêu nhau hơn khi họ không sống cùng nhau và khi họ chỉ biết về nhau đúng một điều, là họ có tồn tại, và khi họ biết ơn nhau vì đã tồn tại và bởi vì họ biết là mình tồn tại. Và thế là đã đủ để hạnh phúc rồi. Anh cám ơn em, Elisabeth, anh cám ơn em đã tồn tại.
Elisabeth không hiểu gì hết nhưng cũng mỉm cười, nụ cười ngơ ngác, nụ cười ngu ngốc, đầy một vẻ hạnh phúc mơ hồ và một vẻ hy vọng mơ hồ.
Rồi Fleischman đứng lên, lắc lắc vai Elisabeth (dấu hiệu của một tình yêu ngập ngừng và kín đáo), và quay đi.
Tính không chắc chắn của mọi thứ
- Cô đồng nghiệp thân mến của chúng ta, người sáng nay tỏa ngời tuổi trẻ, chắc là đã tìm được lời giải thích đúng đắn nhất cho các sự kiện, - giám đốc nói với nữ bác sĩ và Havel, khi cả ba tập trung trong văn phòng khoa. - Elisabeth đã đun nước pha cà phê, và đã ngủ thiếp đi. Ít nhất là cô ấy nói thế.
- Ông thấy không, - nữ bác sĩ nói.
- Tôi không thấy gì hết, - giám đốc trả lời. - Cuối cùng thì không ai biết điều gì đã xảy ra. Có thể là cái nồi đã ở trên bếp. Nếu Elisabeth muốn tự tử bằng khí gaz thì tại sao cô ấy lại bỏ cái nồi ra?
- Nhưng cô ấy đã giải thích tất cả rồi mà! - nữ bác sĩ nhận xét.
- Sau vở hài kịch mà cô ấy đã đóng và nỗi sợ hãi mà cô ấy gây ra cho chúng ta, thì đừng ngạc nhiên khi cô ấy cố làm chúng ta tin là tất cả xảy đến vì chuyện một cái nồi. Đừng quên là ở đất nước này tác giả của một ý định tự tử sẽ tức khắc bị gửi đi chữa bệnh ở trại điên. Cái triển vọng đó không mỉm cười với bất kỳ ai.
- Ông thích những câu chuyện tự tử đó à, sếp? - nữ bác sĩ nói.
- Tôi rất muốn Havel phải dằn vặt vì hối hận, dù chỉ là một lần, - giám đốc vừa cười vừa nói.
Sự hối hận của Havel
Trong lời nhận xét không mấy ý nghĩa của giám đốc, ý thức xấu xa của Havel nhận ra một lời kết tội được mã hóa mà trời cao ngầm gửi đến cho ông: “Sếp có lý, - ông nói. - Đó không nhất thiết là một ý định tự tử, nhưng cũng có thể. Mặt khác, nếu tôi được nói thẳng, tôi sẽ không trách gì Elisabeth. Hãy nói cho tôi, liệu trong cuộc đời có tồn tại một giá trị tuyệt đối khiến vụ tự tử bị coi là không thể chấp nhận được về nguyên tắc? Tình yêu? Hay tình bạn? Tôi đảm bảo là tình bạn không kém mong manh hơn tình yêu và người ta không thể xây dựng được gì dựa trên tình bạn hết. Hay chí ít là lòng tự ái? Tôi muốn lắm. Sếp ơi, - Havel nói, gần như say sưa, và điều đó nghe như là một lời hối lỗi, - tôi thề với anh đấy, sếp ạ, tôi không hề yêu bản thân một chút nào đâu.”
- Các anh, - nữ bác sĩ mỉm cười nói, - nếu điều đó làm đẹp thêm cuộc sống, nếu điều đó cứu vãn tâm hồn của các anh, thì hãy quyết định rằng Elisabeth đã thực sự muốn tự tử. Được chưa nào?
Happy end
- Đủ rồi đấy, - giám đốc nói. - Đổi chủ đề thôi. Havel, những bài diễn văn của anh tỏa mùi của buổi sáng đẹp đẽ hôm nay! Tôi hơn anh mười lăm tuổi. Tôi có một niềm bất hạnh là quá hạnh phúc trong hôn nhân, nên không thể ly dị được. Và tôi bất hạnh trên tình trường, bởi vì, chà, người phụ nữ mà tôi yêu lại chính là cô bác sĩ đây! Thế nhưng tôi lại hạnh phúc trên trái đất này!
- Tốt, tốt lắm, - nữ bác sĩ nói với giám đốc, với vẻ dịu dàng hiếm thấy và cầm lấy tay ông. - Tôi cũng hạnh phúc trên trái đất này!
Đúng lúc đó, Fleischman gia nhập nhóm của ba bác sĩ và nói: “Tôi vừa từ phòng Elisabeth ra. Đó quả là một cô gái trung thực đến tuyệt vời. Cô ấy đã chối tất cả. Đã nhận về mình tất cả”.
- Anh thấy chưa, - giám đốc vừa cười vừa nói. - Không ít thì nhiều, Havel sẽ đẩy tất cả chúng ta đến đường tự tử.
- Hẳn rồi, - nữ bác sĩ nói. Và cô tiến lại gần cửa sổ. - Hôm nay trời vẫn đẹp lắm. Trời xanh quá. Fleischman, anh có thấy thế không?
Một lúc trước, Fleischman đã tự trách mình hành động quá giả dối và tìm cách thoát ra chuyện rắc rối bằng một bó hoa hồng và vài lời có cánh, nhưng giờ đây anh tự khen mình đã không làm rối tung mọi chuyện. Anh nắm bắt dấu hiệu của nữ bác sĩ và hiểu nó. Sợi dây cuộc phiêu lưu sẽ lại tiếp tục, đúng ở chỗ nó đã kết thúc vào ngày hôm trước, khi mùi gaz đã làm biến mất cuộc hẹn gặp giữa Fleischman và nữ bác sĩ. Và Fleischman không thể ngăn mình mỉm cười với nữ bác sĩ, ngay dưới cái nhìn đầy ghen tuông của giám đốc.
Câu chuyện tiếp tục ở điểm đã kết thúc ngày hôm qua, nhưng Fleischman tin là mình quay lại nó với nhiều tuổi tác hơn và mạnh mẽ hơn. Đằng sau anh là một tình yêu lớn bằng cái chết. Anh cảm thấy một đợt sóng dội lên trong ngực mình, và đó là đợt sóng cao nhất và mạnh nhất mà anh từng biết trong đời. Bởi vì điều làm anh phấn khích một cách thích thú nhất là cái chết: cái chết mà người ta đã tặng cho anh; một cái chết tuyệt đẹp và đầy khích lệ.
Cao Việt Dũng
dịch từ bản tiếng Pháp Le colloque

Xem Tiếp: ----