Chương 3

 Sáng hôm nay, tôi ngủ dậy, cánh cửa sổ mở sẵn, ánh sáng bên ngoài len lén tràn vào phòng từ lúc nào, và những lá cây xanh mướt còn mát hơi sương vẫn với vẻ đong đưa thân thiên. Hạnh phúc cũng chan hòa trong tôi. Hạnh phúc vừa mới tới, còn xanh non, như một trái cấm, tôi muốn cắn cho ngập những vết răng tham lam, vội vã.
Vết răng để dấu vết trên trái hạnh phúc non xanh, chao ôi, tôi mê sảng đi vì những cảm xúc, vì đê mê. Một tình yêu vừa mới chớm, không, một tình thương mới dạt dào. Chàng đó, người tình thứ nhất trong đời với bàn tay run run còn lâu mới với tới, đôi môi ngạt ngào những lời chưa thể nói vội. Và cả buổi chiều hôm qua, chúng tôi mới nhìn nhau, bằng mắt và đã nhìn thấy tận tim gan nhau trong suốt.
Buổi chiều hôm qua, trời như đẹp hơn mọi hôm, điềm lành cho đời người bao giờ cũng tới cùng lúc với những ngày đẹp trời. Buổi chia tay lúc tan trường với bè bạn lúc nào cũng tràn ngập niềm vui hứa hẹn những giờ khắc sắp tới. Cẩm Lệ trước khi cho xe rẽ đã nhét vào tay tôi một phong thư: Anh gửi em, tối đọc nhớ anh nhé. Đồ quỷ sứ, đồ khỉ đột. Tôi mắng yêu bạn, liếc vội phong thư và nỗi náo nức ran khắp thịt da. Thư chàng. Thư cho Phù Dung, nét chữ quen thuộc, cứng rắn luôn luôn nằm ở một góc nhỏ của phong bì, phía dưới hàng địa chỉ của Cẩm Lệ trang trọng.
Lá thư thứ nhất, đặc biệt trong đời. Về tới nhà, bỏ cặp sách thay bộ đồ lụa mát trong nhà, tôi nhét lá thư của chàng vào trong áo, sợ mẹ tôi trông thấy, tôi lén cửa sau ra vườn. Ngồi một mình trên bến sông, dưới tàng cây xanh mát, tôi dở thư chàng ra đọc. Một tấm ảnh rơi ra. Tôi sững sờ, sũng sờ đến độ để rơi tấm ảnh xuống đá, xuýt nữa làm gió vô tình thổi mất xuống mặt sông. Tôi vội vã nhặt tấm ảnh lên nhìn ngắm. chàng đó. Khuôn mặt mới nhìn qua đã biết nòi đa tình. Trong ảnh, mắt chàng đã nhìn tôi như thôi miên, rõ ràng chàng không phải là một người đẹp trai nhưng sao tôi vẫn thấy chàng đẹp ngất người. Đôi mắt, chiếc miệng tươi cười và khuôn mặt thanh tú, nho nhã. Tôi lật mặt sau, hàng chữ sắc, mạch lạc: Phù Dung, đây là hình ảnh của người xa. Và dưới một chữ yêu to tướng, chữ yêu thay cho một người. Trái tim tôi nở lớn ra, ngoan ngoãn nhịp nhàng reo vui với tiếng nước róc rách đâu dưới dòng sông sâu kín.
Lá thư che ngang mắt tôi, che cả dòng sông, cả bầu trời.
Và đêm vừa qua, ở ngay cõi trần gian, người thơ đã hiện một chàng hào hoa như Tống Ngọc, và tôi, Phù Dung đã trở thành một nàng yểu điệu như Văn Quân, có khác họ nói chuyện ái ân mượn tiếng đàn, còn chúng tôi nói chuyện thương yêu bằng ánh mắt trong ảnh, bằng lời thơ, bằng những lời tỏ tình đầu tiên của tuổi mới lớn.
Phù Dung, chẳng có bao giờ em nghĩ ra rằng, có một ngày em nhận được lá thư tỏ tình của anh, có phải vậy không? Tại sao lại không nhỉ? Khi đà nhận thư chàng, trả lời thư chàng, Phù Dung chả chờ đợi một lời tỏ tình ân ái, đẹp như một bài thơ là gì. Và bây giờ, tấm ảnh cũng đã thay chàng bao lời nói. tôi đã tìm ra một người mà đôi mắt thơ chàng như Ải Vân.
Nhưng tôi không rảnh để ngồi mơ mộng, sung sướng với thứ hạnh phúc tuyệt vời đó. Tôi còn phải đi tới trường. Tôi phải òa vỡ niềm vui ra cho Lệ, cho Đỗ Quyên cùng biết. Tôi cũng phải cho sách của tôi biết, bài vở, bàn ghế và thảm cỏ xanh ngoài sân trường biết nữa.
Dì Tường đã dọn thức ăn sáng. Mẹ tôi biết hà hiện bằng cách bảo dì Tường nấu xôi với muối mè. Xôi với muối mè cũng ngon chán. Tôi ăn hết đĩa xôi dì Tường bới riêng cho tôi. Chị Thảo cũng đã hết bịnh, nhưng chị được ưu đãi hơn. Chị ăn bát cháo thịt bò nóng, còn anh Toan thì chỉ có xôi với cơm mới chắc dạ.
Tôi tới trường vẫn còn sớm lắm, phải đứng đợi ngoài cổng. Lúc nào có ba hồi trống cánh cửa gỗ mới mở ra với bộ mặt bác cai trường nghiêm nghị. Mà bắt buộc bác phải nghiêm nghị thế chớ không cứ mỗi buổi sáng phải cười với chừng đó học sinh, không cần đợi bị phong đòn gánh, bác cũng méo miệng.
Tôi đứng dưới một gốc cây long não trước trường. Và để giết thì giờ tôi cúi xuống bứt những ngọn lá non vò nát trong tay. Mùi lá long não thơm nức. Cũng có nhiều học sinh tới sớm như tôi, nhưng phần đông các em lớp dưới. Chúng tụm năm tụm ba dưới những gốc cây chuyện trò. Giờ này các cậu bên trường Quốc Học cũng đã lượn lờ đi bộ ngang qua. Tôi biết mặt cậu nào cậu đó rất nghiêm trang, nhưng mắt liếc đã có đuôi, đố cô nào thoát được ra ngoài vòng mắt các cậu.
Dòng sông Hương màu thu êm đềm đã hiện rõ. Sương mù đã tan dần. Buổi sáng hôm nay trời không nhiều sương như những hôm khác. Thường thường những hôm sương dày đặc, đi trên đường không trông thấy dòng sông. Tôi nhìn những cây dừa hai bên bờ, trên ngọn như còn đầy bụi sương và hơi sương mỏng. Hình như ảnh chàng lại hiện ra cùng với những xúc động đến vò nát những cánh lá trong tay. Phù Dung, cho anh được nói lời anh yêu em. Anh xin nhắc lại: Anh yêu em, yêu em lắm. Lời tỏ tình giản dị có thế nhưng khó nói vô cùng, và chàng đã lỡ nói ra, và tôi đã không từ chối. Trước đó, tôi đã gửi cho chàng một tấm ảnh chụp thẳng mặt với mái tóc phủ kín hai bờ vai. Trong tấm ảnh đó, mắt tôi buồn lắm, tôi không cười. Không hiểu sao tôi muốn chàng biết tôi qua hình ảnh một cô gái Huế sầu mộng. Vẻ sầu mộng của tôi, ngờ đâu đã là một bài thơ đẹp cho tình yêu của chàng.
"Người ta bảo mắt em buồn lắm
Tôi cũng mong sao nó thật buồn
Khăn trắng mai sau còn chít chứ
Lệ sầu tiếp nối những chiều đông."
Và bây giờ thì yêu em anh làm thơ.
Tôi biết chắc chắn rằng, buối sáng hôm nay, và cả chiều hôm nay nữa tôi không thể nào chú tâm tới việc học hành. Tâm hồn của tôi đã chia hai, nữa giam trong gia đình, sẻ trong lóp học, và nữa cho đôi mắt nhìn từ phương trời xa.
Tâm hồn tôi, càng lớn lên càng ưa thích sự phóng khoáng, nhưng sự phóng khoáng phải có chừng mực. Tình yêu cũng phải có chừng mực. Tôi ưa có một mối tình, tình nhẹ nhàng thôi, như một niềm yêu tới thêm trong tâm hồn xanh mướt mơ mộng.
− Ê, đi học sớm rứa Phù Dung?
Duy Phước tới, bà chị trướng lớp này luôn luôn cố gắng làm gương mẫu. Duy Phước ngồi trên xe đạp, một chân chống xuống đất, mái tóc bị che nữa trong vành nón. Tôi cười:
− Chị trưởng lớp đi sớm rứa?
− Ừ, qua cầu trời cả sương mù mịt, mấy lần định đâm đầu vào vai cầu.
Tôi nói:
− Qua cầu còn bận ngả nón trông cầu, cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu.
Duy Phước dựng xe, tới gần tôi:
− Khỉ, chỉ giỏi đùa. Ê, biết chuyện chi chưa?
− Chuyện chi?
− Lớp mình sắp làm bích báo. Mi là trưởng ban văn nghệ phải lo đó nghe.
− Tau biết chi mà lo.
− Nghe nói thằng Hân bên Quốc Học làm thơ tán mi đăng trong tờ văn nghệ học sinh.
Tôi nhăn mặt. Tôi ghét cái anh chàng thơ thẩn lẩm cẩm này lắm. Thằng cha hay giả vờ đi ngang đi lại nhà tôi. Hắn ở cùng đường, buổi tối hay đem bài ra học ngoài cột điện gần nhà tôi. Hân thích làm quen với anh Toan, nhưng anh Toan của tôi là hạng đàn ông ưa ăn chắc mặc bền, không ưa loại văn nghệ văn gừng. Anh Toan lừng khừng trong việc giao du bè bạn, bạn của anh Toan toàn loại nữa người  nữa ngợm như anh hết.
− Ai nói với Duy Phước rứa?
− Con Thuỷ Tiêu. con Thuỷ Tiêu là em chú bác với thằng Hân.
Tôi càng bực mình hơn. Thuỷ Tiêu, con bạn cùng lớp có cái tên chín mùi đó cũng là một đứa lãng mạn số dách. Tôi là một đứa ưa mơ mộng nhưng không chịu đựng nổi cái thứ lãng mạn của Thuỷ Tiêu. Chừng đó tuổi, trong lúc chúng tôi mơ ước những chuyện trong lành, Thuỷ Tiêu chín rệu mùi tình. Từ năm 13 tuổi nó đã bắt bồ với ông anh họ tới dạy học cho nó, Câu chuyện đổ bể tùm lum, im đi một thời gian rồi lại xẩy ra xì căng đan khác. Chuyện Thuỷ Tiêu ngủ với thầy giáo, chuyện Thuỷ Tiêu đi với bồ lên Lăng, lên đồi, chuyện Thuỷ Tiêu vừa cho de tên này cặp bồ với tên khác, cứ tiếp chuyện này tới chuyện khác như không bao giờ dứt.
− Răng mi mần thinh, có hay không?
Tôi khinh khỉnh:
− Thuỷ Tiêu à, chuyện bạn đó nói tôi không dám có ý kiến.
− Phe của tụi bây có vẻ ghét phe cúa con đó há.
− Ừ.
Phe của con đó, con Thuỷ Tiêu là bọn con Hoàng Lan, con Thu Nhi và con SươngThu. Thường thường trong lớp chia ra từng nhóm, một nhóm từ ba tới năm đứa là nhiều. Vả ba đứa, trong bọn Thuỷ Tiêu đều lãng mạn và có những thành tích giống nhau. Con SươngThu có hai bà chị, một bà chị lăng nhăng hết người này tới người khác, cuối cùng bà mẹ khôn ngoan bắt được một thằng rể cù lần, cho cả hai đứa và làm ăn ở SGòn để có dịp bà vào Sài gòn trốn chồng bay bướm với các công sồn sồn dối vợ ở xa. Cô chị thứ hai tên là Thục Nữ, văn nghê. xanh rờn, bạn bốn phương, bạn văn nghệ sĩ từng đống, chỉ mong có một người nào cứu vớt lấy về làm vợ cho an phận như cô chị, nhưng đợi hoài, bắt địa hoài mà chưa được. Bà mẹ sẵn sàng phụ cấp một cái nhà, bỏ tiền ra làm lễ cưới, nhưng tỉnh nhỏ không kín tiếng, mỗi lần bắt địa được một anh thì y như rằng bụi tre có lỗ tai nghe, và chàng gài số de vọt mất. Bây giờ tới thời của cô em SươngThu. SươngThu rất đẹp, nhưng lại hưởng cái gia tài phong phú của bà mẹ và hai cô chị sính văn nghệ. Nhà SươngThu luôn luôn mở rộng cửa đón nghệ sĩ hai phương trời. Những nghệ sĩ này lưu truyền từ đời bà mẹ, tới hai cô chị, và gia tài đó bây giờ dành hết cho em gái SươngThu.
Cả hai chị em, và SươngThu thích kết bạn với bọn tôi lắm, nhưng tôi nhất định không thèm làm bạn. Vì thế giữa hai nhóm thường có những xích mích nói xấu, đố kỵ nhau. Đỗ Quyên rất bực mình, con bé cũng đáo để, nói đối lại nhiều câu làm SươngThu cứ lịm người đi.
Duy Phước nhìn ra bờ sông:
− Sương tan hết rồi, Phù Dung.
Tôi nhìn theo Duy Phước. Dòng sông xanh đã hiện ra rõ ràng và mặt trời đang rọi những tia sáng rực rỡ trên mặt sông. Sắp tới giờ vào học. Trong lớp tôi sẽ có nhiều thì giờ yên tĩnh để nhớ lại bức thư của chàng, nhớ chàng, một khuôn mặt vẫn còn nhiều nét trong tưởng tượng.
Đỗ Quyên và Lệ đã tới. Chúng dựng xe đạp gần xe tôi rồi ba đứa tụm lại. Đỗ Quyên nhìn tôi reo lên:
− A, răng bữa ni thấy con Phù Dung lạ hẳn, đẹp hẳn.
Cẩm Lệ ngắm nghía:
− Răng mà mới buổi sáng má đã phớt hồng. Đứa mô mới đi ngang qua liếc mi đó.
Tôi cười, nụ cười bỗng nhiên lành hẳn:
− Khỉ, chọc hoài.
Nhưng Đỗ Quyên là một đứa tinh mắt, nó không tha:
− Có chuyện chi vui há. Ê, giấu không được mô nghe.
− Có chi mô.
− Nì, túi qua gặp con Duy Phước, nó nói số báo học sinh mới ni có bài thơ tặng mi, thơ của anh Hân lùn bên Quốc Học.
− Có cả trăm người tên Dung, mô phải chỉ có tau là Dung.
− Ừ, tên Dung có cả trăm người nhưng chỉ có một Phù Dung của Hân thôi.
Hai con lỏi cười giòn giã. Tôi đập túi bụi vào vai chúng. Cũng may trống trường đã đánh báo giờ cổng trường mở. Hai đứa dắt xe đạp, tuần tự theo đoàn và sân trường.
Chưa có buổi học hôm nào vui đến thế. Cô giáo mới thay cô yên Chi phụ trách hướng dẫn còn rất trẻ, vừa mới đổi từ Đà Nẵng ra. Cô vừa trẻ vừa đẹp, ăn nói hoạt bát. Tên cô là Diễm Ly, cô chưa có chồng. Cuộc điều tra đầu tiên của đám học trò mới được có thế.
Cả tuần qua, tới giờ cô Yên Chi là chúng tôi được nghỉ học, cô giáo mới chưa có. Cô Diễm Ly mới tới Huế gần một tuần nay, và đây là giờ thứ hai trong lớp tứ B3. Giờ đầu tiên, học trò xúm ngoài cửa sổ nhìn cô rất đông, tôi phục cô là cô không hề có một chút lúng túng nào. Nghe đâu cô mới ra trường không bao lâu, nhưng tài đâu có đợi tuổi.
Giờ học của cô Diễm Ly vui quá làm tôi quên khuất mất hình ảnh chàng, và nếu có nhớ tôi cũng không đủ thì giờ để mơ mộng, nghĩ tới chàng nữa. Cô Diễm Ly bàn về việc ra một tờ bích báo. Nhưng Duy Phước xin cô ra tập san mùa thu. Tập san riêng của lớp tứ B3. Mỗi năm trường chỉ ra tập san mùa xuân thôi, cô Diễm Ly có vẻ chú ý tới đề nghị của Duy Phước.
− Được, cô sẽ hướng dẫn các em ra một tập san mùa thu. Bây giờ các em giới thiệu cho cô biết mặt em trưởng ban văn nghệ.
− Thưa cô, Phù Dung.
− Phù Dung.
Cả lớp nhao nhao. Tôi xấu hổ cúi mặt. Cô Diễm Ly nhìn quanh:
− Đâu, Phù Dung đâu?
Tôi ngượng ngập đứng lên:
− Dạ thưa cô em.
Thuỷ Tiêu cười khúc khích:
− Thưa cô, nàng thơ của xứ Huế đó.
Cẩm Lệ nguýt xuống bàn Thuỷ Tiêu:
− Có duyên dữ.
Cô Diễm Ly nhìn tôi, cười:
− À, cây quốc văn đây phải không? Nào Phù Dung, bạn văn nghệ của em có bao nhiêu người.
− Dạ thưa cô mười người.
− Ai là phó trưởng ban.
Thuỷ Tiêu mạnh bạo đứng dậy:
− Dạ em.
− Phù Dung, Thuỷ Tiêu. Hai em rất xứng đáng với chức vụ các bạn đã bầu. Bây giờ cô giao cho hai em lo việc bài vở về tập san. Cô sẽ giúp đỡ về mặt tinh thần.
− Thưa cô giúp đỡ về cả vật chất nữa.
Thuỷ Tiêu nhanh nhẩu. Nó muốn qua mặt tôi làm bộ giỏi giang trước mặt cô giáo mới đây mà. Tôi mỉm cười khinh bỉ ngầm. Cô Diễm Ly trả lời:
− Được, nhưng một mình cô không đủ. Phù Dung viết một lá thư kêu gọi sự giúp đỡ của giáo sư.
− Thưa cô, chúng em cũng xin đóng góp thêm cách bớt tiền quà sáng.
− Tinh thần Thuỷ Tiêu khá lắm. Cô hoan nghênh.
Cả lớp phải miễn cưỡng vỗ tay theo cô giáo. Thuỷ Tiêu ngồi xuống nghênh nghênh tự đắc. Con bé này cũng làm thơ đăng báo, cũng quen nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi ở Sài Gòn, ánh sáng mặt trời lớn rọi về tỉnh lẻ. Thỉnh thoảng Thuỷ Tiêu in được vài bài thơ. Sự quen biết của nó đều qua trung gian của SươngThu. Thuỷ Tiêu ngồi chưa yên đã chỉ bạn:
− Thưa cô, Sương Thu cũng một cây văn nghệ.
− Lớp này nhiều cây cối quá sá.
Cả lớp phì cười. Thuỷ Tiêu nói thêm:
− Sương Thu quen biết nhiều văn sĩ ở Sài gòn. Thưa cô, các văn sĩ thi sĩ đều nhận đỡ đầu cho SươngThu.
Tôi biết có rất nhiều cô đang nhìn SươngThu với lòng khâm phục. Trong ban văn nghệ của tôi, mười cô thì hết năm, sáu cô ngưỡng mộ đời sống của gia đình SươngThu. Mỗi lần có văn nhân nào về Huế, bà mẹ SươngThu cũng mời mọc, tiệc tùng. Tất cả đều phải đến từ đó và đi từ đó. Riêng tôi, tôi biết rõ không bao giờ tôi có thể dung hòa đời sống mình với đời sống của SươngThu được.
− SươngThu nói lí nhí trong miệng:
− Thưa cô, em không biết chi hết.
− Thôi đi, chưa cô SươngThu nói dối đó. SươngThu văn nghệ lắm.
Đỗ Quyên khúc khích bên tai tôi:
− Văn nghệ dấn thân. À quên, liều thân.
Cô Diễm Ly lại hỏi:
− SươngThu có trong ban văn nghệ lớp không?
− Dạ có.
− Tốt lắm.
Quay sang tôi, cô nói:
− Bắt đầu từ hôm nay, cô giao cho Phù Dung trông coi việc báo chí, Phù Dung cố gắng nghe.
− Dạ
− Còn bây giờ lấy giấy ra làm bài. Sắp hết giờ rồi.
Có tiếng năn nỉ phía mấy bàn dưới:
− Thưa cố sắp hết giờ, cho tụi em ngồi chơi đi.
Cô Diễm Ly đập cái thước xuống bàn:
− Chưa chi đã nhác rồi. Không được, Lấy giấy ra.
− Dạ Thái Dương đau bụng.
− Đâu, Thái Dương là ai?
Nhiều tiếng cười. Cô giáo biết là học trò của cô đang đem một nhân vật ra đùa bỡn, cô cười xòa.
− Tôi mới tới các em chưa biết tính tôi. tôi dữ lắm chớ không hiền đâu. Lớ xớ là ăn hột vịt kỷ luật.
− Dạ cô hiền khô, tụi em biết.
− A, cố kéo cho hết thì giờ phải không? Làm bài.
− Dạ thưa cô...
− Gì nữa...
− Dạ cho chúng em biết nhà để chủ nhật tới thăm cô...
− Cám ơn, chuyện đó để lại sau. Giờ làm bài...
Nhưng cô nói chưa dứt câu, ba tiếng trống đã đánh thùng thùng. Tiếng giấy loạt soạt bỗng im bặt, những cây viết vừa mở nắp ra đã đặt lăn lóc trên bàn. Cô Diễm Ly xếp chồng sách của cô, đứng dậy:
− Hết giờ. Giờ tới làm bài.
− Dạ.
− Các em lém lắm, lần đầu tôi dễ dãi, lần sau là bị khép vô kỷ luật sắt.
− Dạ kỷ luật chì đi. Chì dễ chảy. Tụi em khóc tài lắm.
Mấy tên nổi tiếng đanh đá trong lớp bắt đầu giở thói hỗn hào. Tôi bắt đầu khó chịu. Cô Diễm Ly vẫn vui cười đi ra khỏi lớp. Cô có cái eo không chê vào đâu được, dáng đi của cô dịu dàng. Những đôi mắt nhìn theo cô chắc đã có những cặp mắt bắt đầu trồng cây si và đầu óc chiếm đoạt.
Ông giáo giờ vạn vật đã lớp ló ở cửa, đợi cô Diễm Ly ra khỏi là bước vô liền. Ông đặt cái cặp da thật bự ở trên bàn, nhanh nhẹn bước lên bục ngồi xuống ghế:
− Lấy vở ra viết bài.
− Dạ thưa thầy, bữa ni có hình vẽ không?
− Có. Phù Dung, lên lấy sách xuống đọc cho các bạn chép.
Tôi miễn cưỡng bước lên bàn thầy để nhận một công việc bất đắc dĩ. Ông giáo này chuyên môn tới là bắt học sinh chép bài trước mới giảng. Ông bắt tôi đọc cho cả lớp viết, tôi cũng vừa đọc vừa viết theo, hết câu lại đọc tiếp. Trong khi đó ông giáo không còn trẻ và cũng chưa đến nỗi già này nghiêm trang ngồi chấm bài vở. Ông dạy nhiều môn, lớp tôi ông phụ trách môn vạn vật, các lớp dưới ông dạy lý hóa, luân lý. Một ông thầy dạy trường nữ, nhất là có dính dáng tới môn luân lý phải có khuôn mặt nghiêm trang như thế.
Tôi đọc khoảng mười phút thì hết bài, đem sách lên trả thầy. Cả lớp ngồi khoanh tay nghe thầy giảng, thêm khỏang chừng năm phút vẽ hình nữa là tới giờ hồi hộp nhất: Trả bài. Cô trưởng lớp Duy Phước bị triệu lên đầu tiên. Duy Phước thì khỏi lo cho nó, một cây thuộc bài, đọc từ đầu tới cuối không thiếu một chữ. Tôi lo lắng mở cuốn sách dưới gầm bàn để lẩm nhẩm đọc lại. tối qua chẳng vì lá thư của chàng là gì? Vì lá thư của chàng mà tôi đã bỏ học bài. Lá nữa không may bị kêu lên bảng, tôi sẽ làm cây thông hay cây kiểng cho bạn bè ngắm. Cẩm Lệ véo nhẹ tay tôi:
− Bộ chưa thuộc bài?
− Chưa.
− Tối qua mần chi không học?
− Kệ tau. Để tau nhìn một tí.
Nhưng Đỗ Quyên xếp sách của tôi lại:
− Khỉ không thuộc cứ lờ đi. Làm rứa ông để ý.
Tôi giật mình, quả tôi có thật giật mình. Ông thầy dạy vạn vật tinh mắt lắm, đến giờ thấy học trò nào mắt la mày lét là ông gọi lên bảng ngay. Tôi nghe lời Đỗ Quyên, xếp sách lại khoanh tay lên bàn. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông giáo, cố tạo vẻ mặt tin tưởng nhưng trái tim tôi đập thình thịch, nghe rõ hơn cả tiếng trống trường. Quả bậy quá, tôi tự hứa lần sau không bao giờ tôi còn để trường hợp bê bối này xảy ra. Phù Dung biếng học, Phù Dung không thuộc bài. Ra thường tôi lấy gì để cất mặt nhìn cây cối. Cũng tội cho tôi, đêm qua tôi cũng giở sách ra, cũng học, nhưng bao nhiêu tinh thần sáng suốt trong đầu đã bị hình ảnh chàng che lấp hết. Tôi học không vô một chữ, và cho tới bây giờ, dù trong lòng đang ngổn ngang trăm mối, hình ảnh chàng vẫn hiện ra, sáng chói, làm lu mờ hết cả mọi vật, cả lớp học, cả khuôn mặt ông giáo đang rình mò từng đưa để gọi lên đoạn đầu đài.
Tôi còn may mắn lắm. ông giáo đã gấp sách lại, ông giơ cổ tay nhìn đồng hồ, còn dư năm, mười phút gì nữa đó. Ông dõng dạc:
− Hết giờ, thôi cho ngồi chơi. Đừng có nói chuyện ồn để tôi chấm bài nghe chưa?
− Dạ nghe.
Hàng chục tiếng dạ nghe ngoan ngoãn. Nhưng chỉ vài giây sau tiếng xì xào nổi lên như ong vỡ tổ. Đỗ Quyên cười, ghé tai tôi:
− Đóng kịch giỏi chưa.
Tôi cười:
− Không hiểu sao hôm nay bài học hoài cứ quên. Tau quên một đoạn chớ không phải không thuộc cả bài mô nghe.
Đỗ Quyên che mặt cười khúc khíc:
− Mi là một cây ngụy biện. Nhớ anh nào thì khai cho bạn bè biết với chớ. Mà ông thầy ni đặc biệt tuy bài tụi học dở. răng con Thái Dương hôm nay thoát nạn khỏi lên bảng làm cột cờ hí.
Hai đứa chúng tôi đang nói chuyện xì xầm thì cả lớp bỗng nhao nhao. Có cô đứng cả dậy vớ tay ra đằng sau. Tôi cũng quay lại, ở bàn áp chót Mị Lan đang phân phát cái gì mà các bạn đang xúm lại giành giựt tranh nhau như vỡ chợ. ông giáo liếc mắt xuống, cầm cái thước đập mạnh trên bàn:
− Mị Lan, muốn chủ nhật đi biên phạt không?
Nhưng tiếng thầy giáo vẫn không có công hiệu gì. Những bàn tay vẫn chới với về phía Mị Lan, và những mảnh gì nhỏ đang phân tán cùng lớp. Đỗ Quyên cũng chồm người xuống, chúng tôi mỗi đứa giựt được một mảnh. Thì ra, đó là những tấm ảnh, mà ác liệt là ảnh các cậu trai. Không biết Mị Lan lượm ở đâu được nhiều thế. Ông giáo lừ lừ đứng dậy, đi xuống giữa lớp:
− Ngồi xuống, ngồi xuống hết.
Cả lớp im lặng, mọi người ngồi vào chỗ của mình. Ông thầy vạn vật nhìn Mi Lan:
− Mị Lan, đứng dậy.
− Dạ thưa thầy....
− Chuyện gì vậy?
− Dạ thưa thầy...
− Đưa cái gì đang cầm ở tay đây tôi.
Mị Lan vội mớ bàn tay ra, ông thầy vạn vật cầm tấm ảnh nhỏ lên, mở lớn mắt:
− Ảnh của ai đây hí? Kép của Mị Lan phải không?
Ông cầm tấm ảnh, đi lên bàn:
− Đi học, tới trường là để học, chuyện trai gái của mấy chị để riêng ngoài đường riêng ở nhà nghe chưa?
Có nhiều tiếng cười khúc khích trong lớp. Mị Lan cúi gầm mặt xuống bàn. Duy Phước đứng dậy gỡ cho bạn học:
− Dạ thưa thầy mô có phải bồ của chị Mị Lan, dạ tụi em đứa nào cũng có một cái hình, dạ đang chọn lựa.
Ông thầy vạn vật ngã người ra một lúc rồi phì cười:
− Thôi bỏ đi, lát nữa ra chơi rồi chọn lựa, cho người ta sống với chớ.
Tôi hiểu ra rồi. Không biết Mị Lan lượm được ở đâu một số hình của các cậu học sinh bên trường Quốc học, những ảnh này chắc của các cậu gửi tới làm thẻ học sinh, hay bị loại trong các kỳ thi. Khổ thay những tấm ảnh này lọt vào tay con bé Mị Lan, nó đem tới lớp làm trò giễu.
Bộ ba SươngThu lên tiếng:
− Thưa thầy, tại thầy cho ngồi chơi nên chúng con chọn người yêu. Dạ thầy chọn giùm.
− Các chị lớn rồi, còn giỡn cũng giỡn vừa vừa thôi nghe.
Nói xong ông lại tiếp tục cúi xuống tập giấy trước mặt. Thấy thầy giáo làm nghiêm, bọn học sinh lại quay về trò chơi cũ. Chúng nhao nhao giành nhau, đổi với nhau những tấm hình và chọn lựa. Đỗ Quyên, tôi và Cẩm Lệ trải ba cái hình trước mặt:
− Thằng của con Cẩm Lệ đẹp trai nì.
− Thằng của con Phù Dung lé.
− Còn con Quyên, thằng của mi có vẻ trâu trước. Cái miệng với hàm răng này có thể che mưa che nắng được.
− Ừ, sắp tới mùa đông rồi mà.
 Tường nói:
Tôi che miệng cười. Cẩm lệ cũng cười:
− Thằng của con Quyên nổi nhứt hé.
Đỗ Quyên úp xấp ảnh lại:
− Thôi, tau ưa đứa mô có hàm răng vàng hơn, ăn chắc mặc bền mà.
Trò chơi kỳ cục này vẫn còn sôi nổi hào hứng trong lớp học. Ông thầy vạn vật coi bộ đầu hàng lớp nữ sinh nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò này, ông mỉm cười và lắc đầu hoài. Còn tôi, tôi chán trò chơi này ngay từ phút đầu, tôi còn bao nhiêu thứ để nhớ, để suy nghĩ. Tôi vòng tay lên bàn ngồi như một cô học trò ngoan ngoãn nhất.
Nhưng Đỗ Quyên và Cẩm Lệ đâu có tha cho tôi. Thấy tôi mơ màng nhìn ra khoảng trời ngoài cửa sổ đầy nắng, chúng nó đứa giật tóc đứa lay vai tôi:
− Ê, mơ mộng chi đó.
− Khỉ, cho tau nhìn trời một chút chớ.
Đỗ Quyên cười:
− Tau biết rồi. Chuộc tau cho chuộc nì.
Tôi giật mình. Tay Đỗ Quyên giấu vật gì dưới bàn. Thì ra trong lúc tôi mơ mộng nhìn ra cửa sổ. Đỗ Quyên đã lén thò tay vào cặp sách tôi và lôi ra bức thư của chàng. Tôi hoảng hốt giựt lá thư lại, nhưng Đổ Quyên còn nhanh hơn tôi nữa. Tôi năn nỉ:
− Quyên ơi, mi cho tau xin lại đi, mi ác lắm.
− Xin chi.
Cẩm Lệ cũng nhào tới:
− Chi rứa, chi mà bí mật rứa?
Tôi muốn nổi nóng vì trò đùa quá quỷ của Đỗ Quyên, nhưng tôi biết là nổi nóng lúc này cũng vô ích, càng làm cho trò chơi của bạn thâm thú vị. Tôi lại xuống nước:
− Quyên, đưa cho mình đi.
− Không, mình không đưa cho ấy mô.
− A thư thằng mô gửi, đưa tau coi với.
Cẩm Lệ đưa tay giằng. Tôi sợ quá, nếu ông thầy nhìn xuống bắt gặp thì tôi đến nước bỏ lớp mà về nhà trốn biệt luôn. Tôi vừa sợ vừa giận, và đã muốn ứa nước mắt:
− Quyên chi chi lạ rứa. Mình không chơi mô nghe.
Và tôi ứa nước mắt thật. Quyên nhìn tôi, ban đầu chế giễu nhưng rồi ngạc nhiên:
− Ủa khóc thiệt há
− Mình không chơi kiểu đó. Làm ơn trả đây mình.
Cẩm Lệ thấy tôi khóc biết là không phải lúc đùa, nghiêm mặt nói với Đỗ Quyên:
− Trả Phù Dung đi Quyên. Nó không thích, chọc mần chi.
Đổ Quyên đưa lá thư trả lại tôi. Tôi giấu vào cặp sách, gài cảnh cáo trò đùa nham nhở của bạn mới được. Đỗ Quyên hay đùa bỡn mà đùa thì đùa dai đến cùng. Nhiều lần tôi và Quyên đã giận nhau cả tuần lễ vì tính tình của Quyên không chịu thay đổi. Lần này tôi cùng giận Quyên quá. Tôi ngồi im, đưa khăn tay thấm nước mắt. Đỗ Quyên ve vãn tôi:
− Thôi xin lỗi nghe. Tau tưởng thư chi không quan trọng.
− Xin lỗi chi mà xin. Chơi lạ rứa.
− Ta xin lỗi rồi mà. Đồ chút chi cũng khóc, mít ướt lủng cùi.
Cẩm Lệ phì cười nhưng tôi không cười. Tôi cười theo được thể Đổ Quyên lại làm già và lần này dám nó giấu biệt lá thư. Đỗ Quyên có vẻ hối hận, nhưng tính nó bướng bỉnh, thấy tôi giận, nó nhìn lơ đi phía khác. Tự nhiên hai đứa chúng tôi trở thành ba cô học trò ngoan nhất lớp. Và nhờ vụ giận lẫy nhau, cả buổi học sáng lẫn buổi học chiều ngày đó tôi được yên thân. Buổi trưa về nhà nghỉ ngơi giây lát tôi chỉ kịp đem lá thư của chàng ra đọc lại. Buổi chiều, trong giờ sửa địa, tôi cũng lén đem thư chàng ra đọc một lần nữa. Thôi chết rồi, tôi đã u mê dần trong tình yêu. Tôi bắt đầu xao nhãng việc học.
Nguy nan hơn nữa là buổi chiều, sau buổi học đáng nhẽ tôi phải về nhà đúng giờ, tôi lại xách xe đạp lang thang trên con đường hàng Đoát, con đường nổi tiếng là đẹp, vắng vẻ, thơ mộng nhất của thành phố. Tôi đi qua nhà bưu điện, tới cầu Tràng Tiền, và lúc đã quá chiều, mặt trời đỏ lòm trên những khóm tre tôi mói dong xe trở về Vỹ Dạ.
Con đường trở về nhà chiều nào như chiều nấy, vẫn đẹp đẽ, thơ mộng. Lòng tôi cũng trải rộng theo ngút trời xa. Tôi ân hận với sự lạnh nhạt giả tạo đối với Đỗ Quyên. Tội nghiệp tôi chưa, tâm hồn lặng lẽ của tôi đã bắt đầu có những biến cố.
Hôm nay, tôi ao ước về tới nhà được ăn một bữa cơm ngon, sau đó ra vườn ngồi chơi một lúc, tôi sẽ tìm lại sự thanh thản của tâm hồn và bắt đầu rứt bỏ những xao nhãng để học hành lại. Nhưng tất cả mọi điều không như tôi tưởng. Về tới nhà, vào sân, tôi đã nghe tiếng mẹ tôi la hét đập phá trong nhà. Vừa ló mặt vào, tôi đã bị một cai tát:
− Con ngựa thượng tứ. Đi học chừ mới về hả?
Tôi lủi thủi đi vào phòng đóng chặt cửa lại. Ba tôi cũng đã bỏ đi lúc nào. Trong nhà vài ly chén bị vỡ nằm ngổn ngang. Tôi không thấy chị Thảo đâu hết, cả anh Toan nữa. Vậy mà mẹ tôi vẫn la lối, tru tréo ở nhà ngoài. Tôi để nguyên quần áo nằm vật ra giường. Tôi bịt tai, bịt mắt, không muốn nghe, không muốn nhìn gì hết.
− Dung.
− Dạ
Nằm chưa nóng chỗ, tôi đã phải vùng dậy chạy ra, mẹ tôi mắt nẩy lửa, nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống:'
− Mi có qua kiu thằng cha mi về không, tau đập hết nhà ra chừ.
− Dạ ba con ở mô?
− Bên quán chớ mô.
Tôi đi ra đường, tới nơi cái quán xép của ông Vạn. Quả ba tôi đang ngồi ở đó, tay cầm ly rượu thuốc. Tôi nói:
− Dạ thưa ba về ăn cơm.
Ba tôi nhìn tôi, uống cạn ly rượu rồi về. Tôi đi theo đằng sau lưng ba tôi, lòng xót xa khi thấy ba tôi càng ngày càng gầy gò, bạc nhược. Tôi đi nhanh tới cầm tay ba tôi:
− Ba
Ba tôi đã ngà ngày say, nhưng ông còn tỉnh táo nhận ra tôi. Ông nhìn tôi chăm chăm:
− Mạ mi đập đồ nhiều lắm há?
− Con tưởng ba đập chớ.
− Tau đập khi mô. Răng dạo ni mạ mi lộng quá.
Tôi bùi ngùi. Ba tôi quả là một người suốt đời chỉ muốn yên phận. Muốn yên phận mà không yên phận được. Tôi sống gần mẹ tôi, rồi mai sau, tôi cũng kiếm được một người đàn ông yên phận như ba tôi. Không, tôi ghê sợ đời sống gia đình như thế lắm. Chị Phương Thảo bằng lòng với gia tài tiền bạc và tâm tính của mẹ cha, còn tôi, tôi chống đối đến cùng.
Tôi lại hỏi:
− Chuyện chi mà ba với mạ cãi nhau hoài rứa?
− Mạ mi bắt thằng Toan lấy vợ. Thằng Toan chưa chịu, mạ mi bực thằng Toan rồi đổ lên đầu tau.
Bắt anh Toan lấy vợ. Tôi vừa ngạc nhiên vừa vui thích. Anh Toan lấy ai? Cô gái nào được mẹ tôi chọn? Trời ơi, cô gái đó phải ly kỳ lắm. Giữa thời đại này đi mô cũng che mặt, đi guốc gỗ, mặc áo rộng thùng thình. Phải làm bếp đầu tắt mặt tối, phải xấu nữa.
− Ba biết mạ định đi nói ai cho anh Toan ba?
− Con Minh, con Minh con mụ Nghè Vinh ở trên Cầu Lòng, bạn tứ sắc với mạ mi.
Con Minh, thôi đúng rồi, con Minh đúng với tiêu chuẩn chọn lựa của mẹ tôi. Dáng nó lùn, mập, người đen, mấy bà bạn của mẹ tôi thường nói: Con gái thứ đó đẻ như vịt. Cầu trời cho con Minh về làm dâu nhà tôi đẻ ra một bầy vịt con. Tôi khoái trá bật cười lớn. Ba tôi không hiểu, ông nhìn tôi, rồi đi nhanh về nhà. Ý chừng cũng ngán cuộc gặp gỡ với bà vợ dữ như sư tử.
Mâm cơm được dì Tường dọn lên. Mẹ tôi đã dịu cơn giận. Anh Toan, chị Thảo cùng ngồi vào bàn ăn. Mẹ tôi lêng tiếng:
− Ba nó khuyên nhủ nó, con trai lớn tồng ngồng rồi. Năm ni cũng đã lên đại học chứ nhỏ nhít chi. Cưới vợ về cho nó làm việc nhà. Tui già rùi, cưới vợ cho nó xong tui lên chùa làm công quả.
Anh Toan đặt chén cơm xuống:
− Mạ nói rứa con nghe không được. Con còn nhỏ không vợ con chi hết.
− Hứ, thằng cha mi không dạy mi. Mi thích đi rương với mấy con quỷ cái, mấy con ngựa thượng tứ, mấy con ngựa bà. Dâu con tau phải đàng hoàn. Bộ mi thích rước mấy con ngựa về rùi sai tau rót nước há?
− Con không thích lấy vợ
− Mã cha mi cha không thích. Mi nói nghe giống giọng thằng cha mi. Tau chọn con Minh, mi không chịu tau cũng cưới. Tau cưới dâu về nhà ni là được rùi.
− Mạ cưới về mạ lấy, tui không lấy.
Thằng cha mi chớ bướng. Tau giao cho ba mi dạy mi, dạy không được đừng kể là cha, là chồng.
Chi Thảo nghe nhắc tới tên Minh, mắt chị cũng sáng ra:
− Con Minh há mạ? Con nớ được rồi, nó nhà quê, thật thà. Nó làm việc giỏi lắm. Phải đó Toan, mi lấy con đó được.
− Việc chi chị mà xía vô.
− Bộ mi ham mấy con quỷ cứ rượng rượng đi ngang đi lại nhà mình há?
− Xí, chị vô duyên òm,. Chị không thuộc vô hạng mấy con ngựa thì là chi, mí con bà trời chắc.
− Tau đập cái chén vô mặt chừ chơ hỗn. Mạ coi nó nói rứa mà không ai dám đụng nó tề.
Khi thua, chị Thảo hay cầu cứu mẹ tôi. Bà một lòng binh chị Thảo. Bà chửi tất cả con gái đỏng đa đỏng đảnh là ngựa, nhưng chị Thảo thì không, chị càng đỏng đa đỏng đảnh, dưới mắt mẹ tôi chị càng quý phái xứng đáng lấy được chồng giàu. Nghe chị Thảo kêu, mẹ tui trừng mắt:
− Toan, mi chửi chị mi đó phải không? Trời ơi, rứa mà ông ngồi ngó được. Trời đất, trời đất.
Anh Toan bỏ đi trước tiên. Chị Thảo thả chén cơm cái bịch, rồi mẹ tôi cũng đứng dậy. Ba tôi thì đã nghẹn họng từ miếng cơm đầu. Chỉ còn tôi với dì Tường. Dì Tường phụ với tôi dọn mân cơm xuống. Con ở lo rửa chén. Hai dì cháu ngồi ở góc bếp nhìn ra sân. Trên nhà, tiếng mẹ tôi vẫn nặng nhẹ với chồng con. Dì Tường nói:
− Tau biết răng con Thảo thích mạ mi cưới con Minh về. Nó sợ thằng Toan lấy vợ đẹp hơn nó. Con nớ chúa ganh ghét, nó bần tiện nhất nhà.
− Dì biết tại răng mạ nhất định cưới con Minh không?
− Còn răng nưa, mạ mi đánh tứ sắc, mụ Nghè Vinh cho vay, chắc mắc nợ quá nhiều chừ rước con gái mụ Nghề về trừ nợ. Con mụ nớ cho vay cắt cổ cả Huế đều biết tiếng. Bởi rứa đẻ con đứa mô cũng đen thui, ròn quay, nữa heo nữa người.
Dì nói tiếp
− Con nớ mà vô làm dâu nhà ni còn thua con Ớt ở đợ với nhà mình nữa.
− Cháu thích anh Toan lấy con Minh.
Dì Tường mở lớn mắt, ngạc nhiên:
− Mi cũng như con Thảo?
− Mô phải, cháu nghĩ khác. Tại anh Toan cù lần, gặp con Minh là đúng đôi rồi.
− Mi đừng tưởng thằng nớ mà cù lần. Mi không biết chuyện chi hít há. Tối mô cũng hẹn với con Toan Ánh ở dưới bến bà Vàm. Lát nữa mi muốn coi tau dẫn đi coi tận mắt nì.
Tôi tò mò:
− Thiệt không? Cháu không tin. Anh nớ mà cua được con Toan Ánh. Còn lâu.
− Rứa mới lạ. Hai đứa du dương lắm. Tối mô cũng hẹn nhau. Tau gặp hoài. Con nớ đẹp thiệt. Cái eo của nó mê luôn.
Con Toan Ánh ở gần nhà tôi, cách hai khu vườn. Nhà Toan Ánh nhỏ nhưng vườn cây của nhà nó xinh lắm, được ông già nó chăm bó cẩn thận. Nhà nó có nhiều hoa tỷ muội, hoa cúc, hoa ngọc lan. Dạo nhỏ tôi chui hàng rào nhà nó ăn trộm nhãn, bẻ hoa hoài. Con bé đang có nhiều chàng đang đeo đủi, không hiểu sao lại mết một anh chàng cù lần như anh Toan được. Tôi nữa tin nữa ngờ. Toan Ánh học sau tôi một lớp nhưng có vẻ nhiều tuổi hơn tôi. Đi học về tôi thấy có nhiều anh kè kè xe đạp theo tán nó. Không hiểu sao nó có thể mê anh Toan tôi được.
Buổi tối tôi thấy anh Toan đứng trước hiên, ngọn đèn trước nhà không được bật sáng như mọi hôm chứng tỏ anh hkhông học bài. Chị Phương Thảo bận tiếp anh Vĩnh Đương ở trong phòng khách. Có anh Vĩnh Đương tới, mẹ tôi đóng vai trò một bà mẹ heêt sức khoan hòa hiền hậu.
− Cậu tới chơi. Mời cậu ngồi. Thảo ơi, có anh Đương lại nì.
Chị Thảo cũng đóng kịch không kém:
− Dạ thưa mạ, con nghe rùi.
Chị yểu điệu đi ra, mẹ tôi rút vào nhà trong cho đôi trẻ tự do trò chuyện. Anh Toan lặng lẽ đứng trước nhà. Chắc anh đang giận hờn lắm. Lúc này tui có thể yên thân được rồi. Tôi dại gì không rút vào phòng với lá thư của chàng. Nhưng vừa thấy tôi đi ngang chị Thảo đã sai rót nước. Sau đó, anh Toan dạy kèm tôi học. Tôi lơ đãng bị anh đánh mấy cái thước kẻ vào mu bàn tay đau điếng. Anh trút giận gia đình lên đầu tôi, thây kệ anh, tôi không cần chấp kẻ đang đau khổ vì tình.
Anh Vĩnh Đương nói chuyện với chị Thảo một lúc ra về. anh tìm ba tui, mẹ tui để thưa. Chị Thảo phải đi mời từng người. Anh chào anh Toan, anh Toan ừ hử trong miệng. Chị Thảo ném cho anh Toan một cái nhìn tàn nhẫn như thầm doạ: Mi coi chừng. Rồi chị mỉm cười, làm duyên ngay sau đó. Anh Vĩnh Đương cúi nhìn xuống cuốn bài làm của tôi, cười:
− Phù Dung, em biết thằng Hân hong?
− Dạ không
− Nó si em đó
Tôi giả vờ ngây thơ kêu lên:
− Anh dị òm. Em không chơi với anh mô.
Anh Đương đi rồi, tôi còn xấu hổ với vẻ ngây thơ giả tạo của mình.
Tối tôi phải thức hơi khuya để học bài. Ngày mai tôi không thể không thuộc bài để chịu những giây phút hồi hộp như ngày hôm nay. Tôi mở cửa sổ ngửi hoa Hoàng lan thơm nức. Tôi cố dằn lòng học xong bài vở mới lấy thư chàng ra đọc. Em muốn làm một cô học trò ngoan trước khi làm một người yêu ngoan. Sương vườn xuống nhiều lắm vì tui đã nghe thấy hơi lạnh.
Có tiếng nước xối ngoài giếng, tiếng dì Tường cười khúc khích:
− Cho sướng thân. Tau biết mà, mi mang mùi nước mắm cùng mình.
Tôi lắng tai nghe ngóng. Giọng anh Toan cằn nhằn từ góc vườn:
− Mai tui gặp được tui đập bể mặt. Đồ con ai chơi mất dạy.
Dì Tường vẫn cười khúc khích:
− Ai mượn tối mô cũng hẹn với gái. Tụi nó bơm nước mắm cho đầy tóc tai mặt mũi. Con Ánh chắc cũng ăn nước mắm tùm lum rùi há.
− Dì biết chi mà nói.
− Chuyện chi tau hong biết. Mi hẹn với con Ánh dưới bến.
Tiếng nước xối rào rào. Tiếng dì Tường cười rúc rích, tiếng anh Toan càu nhàu. Tôi mỉm cười thích thú. Dạo nhỏ, tui cũng hay bày trò chơi ni. Tôi với mấy đứa bạn bỏ nước mắm vào ống bơm, thấy anh chị nào hò hẹn là núp nơi mấy dãy hàng rào bơm nước mắm vào người họ rùi bỏ chạy. Xóm Vỹ Dạ nhà nào cũng có bến. Vậy mà còn có bến chung nữa và những bến chung ni là nơi cho trai gái hẹn hò. Một lát sau ngoài nghe tiếng kéo cửa, tiếng gài thanh gỗ cửa. Đêm nào trước khi đi ngủ dì Tường cũng xem xét cửa ngõ cẩn thận. Nhà tui có hàng rào cao trồng chè tàu, rồi phía ngoài còn có tường bọc trộm cắp khó lọt vào, tuy vậy vẫn phải đề phòng. Bọn trộm có thể lội dọc theo sông, nhập vào vườn từ phía bến. Bi chừ thì tôi có thể yên tâm làm việc một mình trong căn phòng nhỏ của tôi. Tôi khép bớt một cánh cửa sổ, vậy mà hương hoàng lan vẫn xông vào thơm phức. Hương hoàng lan ngào ngạt, hương dạ lý hương ngai ngái, hương hoa nhài, hoa ngâu nồng nàn, vườn tôi đêm đêm đặc mùi hương hoa cỏ quyện lại.
Mở lá thư trước mắt, lòng tui cũng nồng nàn mến thương.Lá thư được ướp trong một phong bì kín được tôi dùng kéo cắt một đầu thư cẩn thận, khi mở ra, mùi giấy thơm nồng. Mùi giấy hay mùi hơi thở của chàng còn ươm trong đó. Khi chàng viết, lá thư nằm trước hơi thở và chắc chàng còn hút thuốc lá nữa. Hơi thở chàng phải có hương thơm. Tôi nhìn ảnh chàng, mắt chàng nhìn tôi vừa thương yêu vừa nghiêm nghị. Vẻ mặt này ghen phải biết, dữ phải bít, và độc tài nữa đây. Người tôi mê lặng đi trong niềm sung sướng.
Nhưng đồng thời, lòng tôi cũng dấy lên chút ngậm ngùi. Bắt đầu từ giây phút này, những ngày vừa qua chỉ còn là chiếc bóng đẹp. Tui không còn hồn nhiên thơ ngây nữa. Tôi đã tới tuổi thiếu nữ, biết mơ mộng yêu thương, và những ngày ở ghế nhà trường đã bị chi phối.Tôi sẽ cố gắng, không biết có cố gắng được như sự hứa hẹn không, tôi làm sao trả lời nổi.
Trường hợp quen biết giữa tôi và Vịnh đúng là có sự sắp đặt của tạo hóa. Bởi tôi rất ghét viết thư từ, vậy mà khi nhận lá thư thứ nhất của Vịnh tôi đã viết trả lời ngay, dù lá thư đó được xé đi, không gửi. Tui nhớ lại, một buổi sáng khi đem khoe bài thơ nhứ nhất cho Đỗ Quyên xem, Đỗ Quyên vỗ tay reo:
- A, thơ được lắm, cái gì mà quê tui có luỹ tre xanh, có con cá mập, có cành rong trôi...
Dĩ nhiên là nó ghẹo tui, đọc lệch lời thơ để chế giễu. Và rồi không cần đợi tôi đồng ý hay không, Đỗ Quyên giữ lấy, bỏ vào phong bì gửi cho một tờ tuần báo học sinh. Tui thấp thỏm cả tuần lễ. Bài thơ có được trả lời trên báo nhưng không được đăng. Tui thất vọng hết sức. Cẩm Lệ giễu tôi: Mi làm vè gửi họ đăng chơ thơ họ chê rùi. Cẩm Lệ vừa nói vừa bịt mũi. Đêm đó tôi về không ngủ được, thức tới hai giờ sáng, sáng tác bài thơ khác. Tôi âm thầm gửi đi, và lần này, may mắn thay, bài thơ của tôi được đăng, chắc là để an ủi hay trám vào một chỗ trống nào đó.
Tôi không cần khoe tụi nó cũng biết. Chỉ một buổi sáng sau khi tờ báo được gửi tới Huế, cả lớp đều trầm trồ đọc bài thơ của tui và nhìn tui  bằng con mắt khâm phục. Rồi một tuần sau nữa, đọc trên số báo mới tôi nhận được một dòng nhắn tin nhỏ: Phù Dung (Huế). Thơ đã in. Gửi tiếp nhé. Thân ái. Không biết ai đã viết lời nhắn kia với chữ thân ái làm tôi cảm động đến lịm người. Tôi lại tiếp tục thức đêm, tiếp tục làm thơ. Năm bảy bài tôi mới chọn được đăng một bài, hình như người tuyển chọn biết sự cố gắng của tôi và muốn khuyến khích an ủi. Và cũng nhờ đó, tôi nhận được lá thư của chàng gửi tới khen tặng một bài thơ nói về áo trắng và nón bài thơ.
Vịnh có chân trong ban biên tập tờ báo học sinh, và chàng tiết lộ chính bạn thân của chàng đã chọn những bài thơ của tôi gửi.
Nếu tôi muốnn biết thêm về chàng, tui có thể hỏi SươngThu. SươngThu quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ. Với người chị của SươngThu hình như đã lần lượt làm người tình hết ông này tới ông khác để rùi lấy một ông chồng văn ghệ non. Chắc hắn SươngThu có nhiều người quen biết rõ về Vịnh. Nhưng tôi muốn kín đáo. Sương Thu biết là cả lớp biết rồi cả trường biết, chắc tôi khó sống nổi. Với lại biết đâu SươngThu cũng là bạn của Vịnh. Ừ biết đâu đấy, chàng chẳng viết trong thư là chàng thích Huế rất nhiều là gì? Thỉnh thoảng tôi có đọc một vài bài thơ của Vịnh đăng trên báo học sinh. Những bài thơ có nhiều câu rất hay, tui thường học thuộc. Khổ nỗi, trong tuần báo này có bao nhiêu mặt làm văn nghệ đều gửi thư về làm quen, tôi không trả lời nhưng Đỗ Quyên và Cẩm Lệ đã chớp được vài địa chỉ, trả lời thay tôi. Tôi nghĩ là chuyện không quan trọng gì, để cho bạn nghịch ngợm.
Mải đọc đi đọc lại lá thư của Vịnh, mải nghĩ vu vơ, tôi đã quên khuấy mất việc cô Diễm Ly giao phó cho việc phụ trách một tập san mùa thu. Đáng nhẽ hôm ni tôi phải lo lăng xăng cho tờ báo một tí để ngày mai vào trường họp với ban văn nghệ để chọn những đề tài cho tập san và phân chia công việc. Nhưng học bài xong tôi không thể làm gì được. Học thuộc bài lá thư sẽ viết cho Vịnh. Lá thư có lẽ phải trong một tuần lễ mới viết xong. Tôi sẽ tả cảnh, tả tình, sẽ tự thuật? Chao ôi, học bao nhiêu chữ rồi, vậy mà viết một lá thư cho người tình sao mà khó khăn thế.
Tui sẽ ướp theo cùng lá thư bao nhiêu hương thơm trong vườn. Hoa nhài, ngọc lan, cả hoa chanh hoa khế nữa. Như vậy là tôi sẽ tả cảnh trong lá thư thứ nhất cho người tình. Đêm ni trời cũng rất thơm, lòng tôi ngạt ngào cảm xúc. Tôi mở toang hết cửa sổ. Sau những lá cây dày đậm kia là dòng sông đêm, sông vô cùng hiền hòa, xin cho tình yêu của tôi với Vịnh muôn đời hiền hòa như thế. Nhưng sự mơ mộng của tôi bị chặn ngang. Hình như có tiếng động trong vườn, tiếng chân người và tiếng lá cây bị vẹt ngang. Ai đi trong vườn giờ này? Chú Đặng giờ này đã bị nhốt sau căn nhà nhỏ. Ăn trộm chăng? Tôi rùng mình muốn rút vào đóng cửa lại. Nhưng không kịp nữa, một bóng trắng đã lấp ló sau lá cây. Bóng trắng có mái tóc xõa dài gần đến gót. Tôi muốn la lên mà không la được, muốn chạy vào cũng không chạy được. Tôi như bị chôn sống ở đó, mắt mở trừng trừng nhìn bóng trắng không rời. Một con ma. Không, từ lâu tôi không tin ma quỷ. Nhiều đêm mùa hạ trời nóng quá, tôi dám một mình ra bờ sông ngồi, nhất là những đêm trăng, ngồi trên bến sông nhìn trăng chảy mênh mông trên dòng nước, tôi đã mơ mộng đủ chuyện, tuổi nhỏ mơ mộng chuyện thần tiên, tuổi mới lớn mơ mộng những tình thương dịu hiền, những hình bóng êm đềm thật mơ hồ. Đây là lần thứ nhất trong đời tôi nhìn thấy một bóng ma. Tôi bị thu hút bởi bóng trắng rất lâu, bóng trắng vẫn đứng yên lặng ở sau lùm cây, và điều lạ là mắt hướng về phía ngôi nhà nhỏ của Chú Đặng. Giờ thì tôi biết bóng trắng không phải ma mà cũng không phải trộm. Bóng trắng là một người đàn bà. Nhưng cô ta là ai, đến làm gì trong vườn tôi lúc nữa đêm? Một người đàn bà xa lạ không thể lọt vào vườn tôi lúc nữa đêm được. Con chó ở nhà tôi rất dữ, chỉ một tiếng động nhỏ là sủa ầm lên rồi. Hôm ni con Vện ở đâu không thấy lên tiếng. Lòng đầy sự tò mò, tôi đưa tay khép nhẹ hai cánh cửa sổ và chỉ chừa đủ chỗ để hé mắt theo dõi bóng trắng ngoài vườn. May mắn tôi bật ngọn đèn ở bàn học, ánh sáng bị cái chụp tròn che không hắt được ra phía cửa sổ, mà ở ngoài vườn chỗ bóng trắng đứng bị ánh điện từ trong căn nhà chú Đặng dọi ra sáng trưng. Mái tóc của bóng trắng che kín hết một khoảng lưng, dài gần tới gối. Thình lình bóng trắng quay mặt nhìn về phía phòng tôi. Tôi xuýt rú lên. Khuôn mặt dưới ánh đèn hiện ra thật rõ ràng. Khuôn mặt dì Tường. Dì Tường tôi có điên không? Có điên không? Có điên không mà dì Tường nữa đêm khuya xõa tóc như con ma dại, đi thất thơ thất thểu trong vườn một mình. Mà tại sao dì lại cứ nhìn về căn nhà của Chú Đặng. Dì Tường chỉ nhìn về phòng tôi một thoáng rồi quay đi, như yên tâm tôi không hề biết gì. Tim tôi đập thình thịch, tay chân tôi run rẩy theo từng bước chân của dì Tường tiến tới căn nhà nhỏ. Dì Tường đã khuất sau một lùm cây khác. Dù cố gắng, tôi cũng không đứng vững một chỗ, chân tôi như tự động đi tới bên cửa lớn, tôi cũng thoát ra ngoài vườn. Tôi đi cách xa dì Tường một khoảng cách sợ dì Tường phát giác được.
Dì Tường đã tới sát căn nhà nhỏ áp tai vào cửa nghe ngóng. Tôi núp vào một lùm cây kín gần đó. Núp ở đây, tôi có thể nhìn thấy những cử động của dì Tường rõ ràng, tôi cũng có thể nghe rõ nếu dì Tường lên tiếng nói nữa. Dì Tường áp tai vào cửa nghe ngóng một hồi rồi tôi nghe những tiếng gõ nhẹ nổi lên. Lúc ni tôi không trông rõ mặt dì Tương, dì quay lưng về phía tôi và mái tóc của dì vẫn tối đen một khoảng lưng, chảy dài xuống gối.
Bên trong hoàn toàn im lặng, chắc chú Đặng đã ngủ. Tui bước tới gần dì Tường hơn chút nữa. Lần ni dì Tường vừa gõ vừa gọi:
− Chú Đặng, chú Đặng.
Bên trong vẫn im lặng. Tiếng gõ của dì Tường mạnh hơn:
− Đặng, Đặng.
Dì lại áp tai chờ đợi. Cánh cửa vẫn bị khóa ở bên ngoài. Chìa khóa cửa phòng chú Đặng tôi giữ, lúc ni chiếc chìa khóa đó nằm trong ngăn kéo. Dì Tường chờ đợi một lúc lại gõ, lại gọi:
− Đặng, Đặng ui
Lần này bên trong có tiếng động, rùi tiếng chú Đặng, giọng có vẻ tỉnh táo:
− Ai đó?
− Tường. Tường đây.
− Tường hả? Chuyện gì vậy?
− Anh có khoẻ không? Anh còn tỉnh đấy chứ?
Bên trong không có tiếng trả lời. Dì Tường lại nói:
− Đặng đã ngủ chưa? Đặng còn thức đấy chứ?
− Còn thức. Mà ai gọi vậy?
− Tường đây. Tường đây mà. Anh nhận ra giọng Tường không?
− Nhận ra rùi.
− Buổi chiều anh lên cơn, anh phá quá. Bể một cái chậu rùi.
− Buổi chiều nóng quá, tui muốn đi tắm, muốn nhảy xuống sông.
− Anh Đặng, tại sao anh xưng tôi?
− Tường đó hả? Tường ơi.
− Anh tỉnh không? Anh vẫn còn tỉnh táo đấy chứ? Anh nhớ chưa? Giờ này anh đâu có điên được, anh Đặng.
− Trời có mưa không?
− Không. Anh gọi tên em đi chứ?
− Tường. Em Tường.
Cả người tôi run lên lập cập. Điều bí mật vừa hé mở lại khép chặt. Tôi không hiểu gì hết. Dì Tường, chú Đặng. Rõ ràng chú Đặng điên, sao giữa đêm phải chú lại tỉnh táo thế. Và tại sao chỉ giữa đêm khuya họ mới nói chuyện với nhau. Cảnh này xẩy ra bao lâu rồi mà tôi không hề bíêt.
Dì Tường vẫn áp tai vào cửa, dì nói gì nho nhỏ tôi cố gắng hết sức chỉ nghe tiếng được tiếng mất. bên trong chú Đặng im lặng nghe, hay có trả lời mà tôi không nghe nổi. Tôi như bị thôi miên bởi hình ảnh của dì Tường đang áp người vào cánh cửa, hình như mỗi lúc dì áp mỗi sát hơn, và tiếng nói của họ nhỏ hơn. Đang theo dõi tui bỗng giật nẩy người lên vì tiếng hét của chú Đặng: Thôi, cút đi, cút hết. Xuýt tí nữa tôi té nhào xuống đất. Nhưng dì Tường như đã nghe quen, dì chỉ hơi lùi bước rồi đứng yên. Giữa đêm khuya tôi vẫn nghe tiếng chú Đặng hét như thế, nhưng tôi không để ý, đêm chú Đặng vẫn thường khóc, thường cười. Nhưng tiếng hét bất chợt của chú đêm nay làm tôi muốn nghẹt thở vì sợ hãi. Chú Đặng hét xong thì bên trong nhà có tiếng lục đục như các vật bị va chạm, dì Tường vẫn cố gắng:
− Anh Đặng, anh Đặng.
− Cút đi. Ông sợ thấy mồ.
− Anh Đặng, em đây mà.
− Em hả?. Ai là em?
Chú Đặng cất tiếng cười, đúng là tiếng cuời của một kẻ mất trí. Chú đã hoàn toàn rơi vào thế giới của người điên. Chú cười, chú khóc, như một trò đùa của trẻ con vô tội vạ.
Dì Tường như sượng người, và rồi dì cũng bật khóc: Anh Đặng. Anh Đặng. Tiếng khóc nghẹn ngào của dì Tường thê thảm chìm lẫn trong tiếng khóc cười vô tri của chú Đặng.
Tôi lạnh người, gai ốc nổi cùng mình. Hình như sương cũng đã xuống nhiều lắm, mái tóc tôi đã thấm ướt, cả vai áo tôi cũng dính những hạt sương nhỏ như bụi. Màn kịch chắc tới đây là kết thúc, bởi dì Tường đã ngước mặt lên nhìn trời và khóc tức tưởi. Rồi dì đập mạnh vào cánh cửa, lảo đảo bỏ đi. Tui nép mình sát vào bụi cây, đợi cho dì Tường đi khuất mới lén vào phòng. Nhìn ra từ cửa sổ, căn nhà nhỏ của chú Đặng hoàn toàn yên tịnh, cả tiếng khóc của chú cũng biến mất.
Tôi bàng hoàng ngồi xuống ghế. Lá thư của Vịnh còn nằm ở trên bàn. Một cánh cứa sổ bị gió đập đóng lại như có bàn tay ai đẩy nhẹ. Tôi rùng mình, lúc này hơi sương mới thấm vào người và hai bàn tay tôi giá buốt. Tôi xoa tay vào nhau rồi đi thay áo. Hình ảnh dì Tường xõa tóc tới nói chuyện khóc lóc bên ngoài căn nhà của chú Đặng ám ảnh tôi mãi. Tôi thừ người suy nghĩ và càng lúc sự hiểu biết của tôi càng rắc rối thêm. Gia đình tôi kể từ truớc khi tôi khôn lớn là một bí mật, kể từ sau khi tôi khôn lớn, cũng là một bí mật, và tôi cũng đang bị bó dần trong niềm bí ẩn của gia đình, bó dần dần mà tôi hong nhận ra nổi.
Dù sao tôi cũng phải trả lời thư cho Vịnh, chàng đang chờ tôi từng giây phút, chàng bắt đầu chờ từ khi thư mới gửi đi. Tôi soạn giấy bút viết thư trả lời. Tôi ngồi rất lâu trước trang giấy trắng, loay hoay mãi không viết nổi một lá thư. Thư tình khó viết thật, chắc chỉ khó lúc ban đầu. Đây là lá thư đầu tiên, tôi khổ sở vì sự bày tỏ cảm tình trong bức thư đầu. nhưng rồi tôi cũng viết nổi. Vì vừa mới chứng kiến cảnh dì Tường, lòng tôi bị phân tán, lá thư tôi viết cho Vịnh quá ngắn ngủi. Cuối cùng lá thư cũng đuợc bỏ vào phong bì dán kín lại.
Tôi nằm trằn trọc mãi. Tôi mong tới sáng để nhìn lại khuôn mặt dì Tường. Lâu nay tui mải vui với nhà truờng, với bạn bè, tôi không chú ý gì tới những việc xảy ra với người ở chính cạnh mình. Ba má tôi, anh Toan, chị Thảo, và dì Tường nữa. Tui vẫn tưởng dì Tường an phận là một cô gái già, sống kéo chuỗi ngày còn lại bên cạnh các cháu. Tôi đã lầm lẫn quá.
Gần về sáng tôi nghe tiếng sương rơi lộp bộp. Lúc này ngoài sông, ngoài vườn sương đã vây kín. Không biết dì Tường có ngủ được không? Dì đang nghĩ gì? Tôi hiểu ra được dì Tường từ trước tới nay không phải là một người tầm thường sống hiền lành, yên phận trong gia đình.
Và rồi giấc ngủ cũng đến sau tiếng gà gáy canh ba. Trong giấc mơ, tôi gặp được Vịnh, khuôn mặt người tình đầu tiên trong đời con gái. Phù Dung ơi, liệu mày có giữ mãi môt khuôn mặt này trong suốt đời mày. Phù Dung. tên tôi đó, như một thứ ánh sáng quá rựa rỡ nhưng cũng quá dễ biến mất. Trong giấc mơ, tôi cũng nhìn ra tôi qua hình ảnh một bông hoa phù dung, càng nôn nao càng chóng tới giờ tàn rụi.
Và giấc mơ còn dài nhưng làm sao tôi nhớ nổi.
 

Xem Tiếp: ----