Năm
Hồi Ký

Vẫn là những người quen biết nằm xuống. Tôi biết tin thi sĩ Bùi Giáng mất qua một mẩu tin ngắn trên báo. Dù là tin ngắn mà khá cảm động.
Bài báo nói sơ qua thân thế của Bùi Giáng, ông thọ 73 buổi, tuổi Đinh Dần. Người Sài Gòn ai cũng biết ông: ông điên, cái điên của ông có nhiều dạng, như thật, như giả, như cuồng chữ. Như tác giả bài báo đã nói. Ai cũng nói thế, chung chung là ông điên. Ông điên một mình, chẳng hại đến ai cả. Vì ông có thời gian để điên, để rong chơi với cái điên, cái tâm thần bất ổn của mình, có lần ông đã nói với tôi như vậy. Lần cuối cùng tôi gặp ông, không lâu lắm, thấy ông ngồi giữa đường Lê Quang Định thuộc quận Bình Thạnh (tỉnh Gia Định xưa). Phía trước ngõ vào chùa Già Lam, áng chừng ông tạm trú nơi đó.
Ông vốn là người từ xưa đến giờ chưa biết đến tờ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân là gì ông là người vô sản chân chính, chẳng thèm bon chen với đời. Điều không ai có thể chối cãi được ông là người trí thức, trí thức hơn nhiều người trí thức khác, ông là người bằng cấp đầy mình cũng được, không cũng chẳng sao. Ông đã từng dạy học, giáo sư Việt văn, cấp trung học và dậy cả đại học. Đại học Vạn Hạnh, thuở thầy Thích Minh Châu làm viện trưởng. Viết sách, dịch thuật làm thơ.
Thuở đó đã lâu lắm rồi, hồi nam 1952 ở Sài Gòn, tôi là học sinh trung học trường Kiến Thiết. Tôi là học trò của thầy Bùi Giáng. Giờ Việt văn, thầy thản nhiên đọc thơ tình, thơ của thầy Bài thơ nào đó ca tụng người vợ đã mất của thầy rồi thầy bỏ lên núi ít năm, núi gì đó ở Quảng Nam, quê hương của thầy.
Khi đó cuối cuộc chiến Việt Pháp, Việt Nam giành Độc Lập. Tình hình thành Phố Sài Gòn sôi động, học sinh các trường đều tham gia, biểu tình, phá rối. Nhiều thế lực chính trị lợi dụng lòng nhiệt tình của tầng lớp trẻ.
Có phá rối, chắc chắn là chính quyền cai trị thuở đó phải đàn áp. Sân trường Kiến Thiết hỗn loạn vì cả trung đội Công An Xung Phong, đội mũ bê rê xanh, Bình Xuyên, của tướng Bẩy Viễn xông vào đàn áp. Các lớp học không thể học được, thầy giáo và học sinh nào không tham dự thì đứng trên hành lang nhìn xuống. Máu tôi cũng sôi lên, tôi đứng cạnh thầy Bùi Giáng. Tôi hỏi thầy:
- Thầy nghĩ sao về bọn công an đàn áp học sinh?
Thầy Bùi Giáng cười, đôi mắt hấp háy sau cặp kính trắng:
- Em muốn tôi cho em một lời khuyên phải làm gì hả?
- Dạ thưa thầy, đúng vậy.
Thầy lại cười, nụ cười dễ chịu và lần này tôi nhìn thấy rõ hơn trên trán thầy có một vết sẹo nhỏ, tóc cắt ca rê, rất ngắn:
- Vậy thì thầy chẳng có lời khuyên nào cả vì thầy đứng ngoài những chuyện này, thầy dạy học, làm thơ và rong chơi bất cứ trong hoàn cảnh nào.
Đúng thế, thuở đó tại trường Kiến Thiết không thiếu gì các thầy đứng lên làm chính trị, không phe này cũng phái kia, nhân danh lòng yêu nước. Học sinh là đối lượng chính của các thầy dùng làm công cụ củng cố cho phe nhóm của mình. Truyền đơn truyền tay nhau rồi học sinh đi thả, đi dán trên tường đường phố. Học sinh bị bắt bớ, bị đánh hộc xì dầu, rồi bị bỏ tù. Bạn tôi, Trịnh Nhiên bị bắt bỏ tù trong tòa Bố Gia Định, nằm đếm lịch tới mùa hè nhìn hoa phượng nở đỏ rực ngoài song cửa tù mà buồn. Tôi nhớ mãi nụ cười hiền lành của thầy, đôi mắt kính trắng, vết sẹo trên trán và mái tóc cắt ngắt.
Năm 1954. Hiệp định Genève, đất nước chia đôi, cuộc di cư ào ạt. Một số bạn bè tôi ở miền Nam tập kết ra Bắc học và làm cách mạng. Tôi ở lại Sài Gòn và tiếp tục thấy thầy Bùi Giáng cho đến tận những ngày cuối cùng của đời thầy. Thấy và nghe nhiều về thầy và chứng điên loạn của thầy. Tôi chẳng biết nói thế nào về thầy cho đúng, mấy ai đã đủ tư cách nói về thi sĩ "điên" Bùi Giáng.
Nay thì trên đường phố Sài Gòn đã vắng bóng lang thang của thi sĩ điên Bùi Giáng. Có phải là một mất mát không, ở một thành phố tự hào có lịch sử 300 năm? Thi sĩ Bùi Giáng cũng là nhân vật của Sài Gòn đó, nói theo lối nói chuyện của cố học giả Vương Hồng Sến.
Một buổi chầu mùa thu ở Sài Gòn, trời cũng khá đẹp mặc dầu báo đài có thông báo cơn áp thấp nhiệt đới như mọi năm. Rồi tai ương đổ xuống. Nắng vàng ánh bạc trên kinh Nhiêu Lộc ở những căn nhà bị giải tỏa nham nhở hai bên bờ. Tôi qua cầu Công Lý xưa, đến chùa Vĩnh Nghiêm, xác của thi sĩ Bùi Giáng quàn ở Vãng Sinh Đường hay nhà Vĩnh Biệt cũng vậy. Ngay trên cửa vào trẹo một tấm "băng đờ rôn " màu đỏ khá lớn, chữ sơn trắng: Lễ truy điệu thi sĩ Bùi Giáng.
Tôi vào nhà rạp. Quan tài thi sĩ Bùi Giáng khá đẹp các sư đang tụng kinh. Khách khứa đến khá đông nhưng tôi thấy lạ hoặc, hoặc tôi kém cỏi ít giao tiếp nên không biết đến các vị ấy, những thi văn nghệ sĩ đương thời, những sao bắc đẩu núi thái sơn, họ lia chia ghi ghi chép chép vào sổ lưu niệm. Tôi thấy cả những bài thơ khóc Bùi Giáng. Tôi tự thấy mình chẳng là cái thá gì mà bon chen ghi sổ. Kìa có hai vị đang ca tụng nhau lời lời châu ngọc. Tôi có điều suy nghĩ về chuyện này, về cả con người của Bùi Giáng. Tấm hình thi sĩ phóng thật to, có nét tiên phong đạo cốt lẩm, nhưng gầy guộc hom hem. Thơ ông đề bên dưới:
Hỏi rằng ông ớ quê đâu
Thưa rằng người ở rất lâu quê nhà
Bên trong, chỗ để quan tài, nơi các nhà sư đang tụng niệm, tôi thấy có người mặc quần áo tang, nhưng tôi không rõ là bà con thế nào với thi sĩ Bùi Giáng. Bên ngoài, tít tận trên cao có hàng chữ đề lớn, viết tháu, kiểu thư họa: "Chúng rồi đã bỏ quên anh "
Một thông báo khác bên cạnh nhắc nhở những người anh em văn nghệ tối hôm ấy đến họp mặt, thơ văn tự do không giới hạn. Tôi dắt xe đạp ra khỏi Vãng Sinh Đường chùa Vĩnh Nghiêm. Tôi quên cả cắm nhang cho ông, tôi cảm thấy lạc lõng.
Trong cái xôn xao của buổi chiều Sài Gòn, tôi còn như thấy bóng hình của thầy Bùi Giáng tưng tưng giữa đời. Trên người thầy đeo đủ thứ quái dị, nhưng mỗi thứ là một biểu tượng đấy tôi suy ra thế.
Người ta nói thầy Bùi Giáng điên, thời thượng thì người ta nói thầy bị bệnh tâm thần, khi điên khi tỉnh, khi thật khi giả. Người bình dân khố rách áo ôm, có dịp gần gũi thầy thì bảo rằng thầy "khùng-điên-ba trợn". Cổ người nói thầy có bệnh cuồng.
Tôi đi theo dòng người, miên man nghĩ về thầy Ngày mai người ta mang xác thấy đi chôn ở Gò Dưa Thủ Đức. Tôi không biết vị Mạnh Thường Quân nào bỏ tiền ra làm đám ma cho thầy. Thời buổi này chết cũng mắc mỏ lắm. Hai mươi triệu đồng Việt Nam cho một đám ma là chuyện thường.
Tôi nghĩ hoài về câu thương tiếc chúng tôi đã bô quên anh. Ai nói câu đó thế?
Nói về những cơn điên loạn của thầy Bùi Giáng thì nhiều lắm. Tôi nghe kể lại về thầy cũng có mà chứng kiến cũng có. Tất cả đều trở thành giai thoại. Có thật và có giả, hay người đời thêm mắm thêm muối ra cũng nên. Nhưng chẳng có giai thoại nào có hại cho thanh danh tư cách của thầy, một người điên hòa nhập với đời sống mà lại là đứng ngoài cuộc đời, sống với đời mà không dính dáng gì cả, bao nhiêu năm qua rồi mà như kẻ bàng quan. Ông thi sĩ điên chứ không phải thằng điên.
Không ai rõ thầy khùng liên từ bao giờ. Những dấu hiệu cho thấy nhưng đôi khi vẫn bị coi là thầy giả vờ, để thi vị hóa cuộc đời mình, mà có lời giải thích nào đâu. Ông thi sĩ Bùi Giáng vẫn rong chơi, vẫn tưng tưng giữa đời bất cứ qua chế độ nào.
Thi sĩ thì phải có cuộc đời tình ái, người ta không biết, do chính thầy "làm" ra hay thầy thấy sao nói vậy. Thuở tôi còn học thầy, tôi nghe thầy đọc bài thơ dài lê thê ca tụng người vợ thầy đã khuất bóng, khi đó thầy còn rất trẻ. Một ngày vào những năm 1963, thi sĩ Viên Linh, bạn tôi nói rằng anh mới đèo xe đạp chở thi sĩ Bùi Giáng đi thăm người tình. Cô ta là ai, Viên Linh không biết, nhưng có chở thầy đến tận nhà cô ta ở Cống Bà Xếp, đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám). Thi sĩ Bùi Giáng rất trang trọng trong cuộc đi thăm này. Trước khi đi, ông mặc gần một chục chiếc sơ mi chồng lên nhau, áo sạch giặt ủi đàng hoàng. Ra khỏi cửa ông lột chiếc sơ mi đầu tiên ném xuống đường, hối Viên Linh đi, rồi lần lượt ném gần hết áo, tới trước nhà người yêu ông cởi đến chiếc kế chót, còn lại chiếc chót ông mới bước vào nhà người yêu. Một lúc sau ông trở ra hí hửng. Viên Linh hỏi ông:
- Sao ông mặc nhiều áo thế rồi cứ cởi ra vứt đi vậy?
Tau phải làm thế, đến với người yêu thì phải trong sạch từ tâm hồn đến thể xác. Những chiếc áo bận đi đường bị nhuốm bụi hồng trần, tau đến với nàng phải là chiếc áo tinh khiết nhất như tâm hồn tau vậy...
Nhà văn Cung Tích Biền, người đồng hương với Bùi Giáng kể rằng: Thầy Bùi Giáng được một trường trung học ở Mỹ Tho mời dạy. Trong lớp học, thầy liên miên giảng truyện Kiều. Thầy say sưa giảng dạy, ca tụng nàng Kiều, tự cảm động về số phận nàng, thầy đau xót, thầy bật khóc tu tu trước mặt học trò, đến đỗi thày phải ra sân trường leo lên cây ngồi khóc cho hả cơn thương xót. Rồi thầy bỏ trường đi biến. Hiệu trưởng, học trò nháo lên đi tìm thầy, họ tìm thấy thầy ở Sài Gòn. Hỏi thầy sao bỏ dạy học? Thầy trả lời rất đơn giản là thầy không dậy được vì khi giảng về nàng Kiều thầy xúc động quá, yêu nàng quá, có thế thôi.
Khoảng 1967-68, thuở thịnh thời của nhật báo Sống, do nhà văn Chu Tử làm chủ nhiệm, độc giả rất thú vị và say mê mục Ao Thả Vịt của Chu Tử. Độc giả cười nghiêng ngửa khi ATV loan tin rằng thi sĩ Bùi Giáng yêu say đắm kỳ nữ Kim Cương. Ông yêu đến đỗi phải làm thơ gọi Kim Cương là Mẫu thân. Kỳ nữ Kim Cương cũng phải chới với qua tình yêu mãnh liệt, kỳ quái của thi sĩ Bùi Giáng. Khối tình đó bền bỉ trong Bùi Giáng, có lẽ đến lúc ông nằm xuống. Giã từ cuộc đời rong chơi của ông.
Một thời gian sau tôi thấy thầy Bùi Giáng ở đại học Vạn Hạnh của Phật giáo. Tôi không nhớ thầy có dạy ở đó không, nhưng các thầy rất nể vì sở học của Bùi Giáng.
Thi sĩ Bùi Giáng có một phòng riêng tại viện đại học này. Thầy chuyên ăn khoai lang luộc, những củ khoai mốc xanh mốc đỏ, và thầy có lý luận riêng khi ăn những củ khoai lên men ấy. Cái áo của thầy có rất nhiều túi, mỗi cái túi đựng một chó con, thầy chơi với chúng. Tối, nhiều khi thầy bỏ phòng trong viện đại học ra sạp chợ nằm ngủ với bầy chó con.
Thuở đó nhiều người nói thầy điên rồi, kể cả những bài thơ của thầy cũng kỳ quái, dù rất có duyên, đầy ấp chất Bùi Giáng, điên điên mà phóng khoáng. Khi đó Bùi Giáng làm rất nhiều thơ kể cả dịch thơ của một số thi sĩ nước ngoài. Văn thì dịch Hoàng Tử Bé (Le petit prince) của Saint Exupery. Ông in nhiều tập thơ. Nghe đâu tiền tài trợ in thơ do bác sĩ Bùi Kiện Tín, vị bác sĩ nổi danh bào chế ra dầu gió Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín bán chạy trên toàn quốc. Ông bác sĩ này nghe đâu là anh họ của Bùi Giáng.
Sau năm 1975, Sài Gòn kẻ ở người đi, tôi là kẻ sót lại nên gặp lại thầy Bùi Giáng. Thời gian này thầy có vẻ điên dữ. Trong khi đó Sài Gòn sau cơn biến loạn có nhiều người điên, các dạng điên khác nhau.
Bùi Giáng cũng điên, nhưng là cái điên có phong cách riêng của thầy. Tôi muốn nói hình như cái điên của thầy vẫn là nói lên một điều gì ẩn ức. Tất cả những cơn điên của thầy đều là những biểu tượng, mang một ý nghĩa nào đó chỉ có mình thầy biết.
Dân Sài Gòn cũ ùa ra đường kiếm sống, quán cà phê, chợ trời mọc lên khắp nơi để tự cứu mình thuở gạo châu củi quế". Sĩ quan, ngụy quân, ngụy quyền lên đường đi học tập cải tạo, đời sống khó khăn cả vật chất lẫn linh thần. Người ta nói con người đang sống lùi lại thời đồ đá ăn lông ở lỗ.
Thi sĩ Bùi Giáng là dân thành phố, ông sống lang thang và có vẻ điên hơn. Tôi cũng bắt chước mọi người khác kiếm sống, mở một quán cà phê nhỏ ở lề đường, dưới một gốc cây nhìn ra hồ Con Rùa, phía trước Viện Đại Học Sài Gòn. ở đây tôi gặp lại nhiều anh cai cũ, thăm hỏi nhau, ai còn ai mất, ai đi ai ở.
Tôi hỏi về Bùi Giáng, anh em nói ông vẫn còn đó. Vẫn sống như không có chuyện gì xảy ra. Ông đang ở nhờ một ngôi chùa ở đường Lạc Long Quân. Để khỏi làm phiền đến sư cụ trụ trì về vấn đề cư trú ông ra ngoài vườn chùa đào một cái lỗ chui lọt người vào nằm. Ông nói ông đang ăn lông ở lỗ.
Không biết chuyện ấy có thật hay anh em nói chơi, nhưng tôi cứ ghi lại.
Tôi quan tâm đến thầy, tôi thấy chuyện có chất của Bùi Giáng, nên cũng không hỏi lại. Ban ngày Bùi Giáng đi lang thang, ăn mặc rách rưới, làm trò cười cho mọi người để đỡ buồn. Một hôm ông ghé qua quán tôi, gần trần như nhộng, tóc tai bù xù. Cặp kính trắng vẫn ngạo nghễ trên mắt. Ông nói "tau " đang ăn lông ở lỗ.
Có hôm gặp ông ngoài đường. Ông mặc quân phục chế độ cũ, lon lá huy chương đầy mình. Mọi người sợ hết hồn, vì thời gian ấy các sĩ quan chế độ cũ phải lên đường đi học tập cải tạo kẻ nào trốn cũng khó thoát khỏi lưới tình báo nhân dân". Kể cả những anh trước kia đeo lon giả để lòe gái hay trốn lính cũng bị tố cáo. Có anh nằm trong trại tù làm cả chục lá đơn minh oan vẫn chưa được phóng thích. Ông thi sĩ Bùi Giáng lại đâm đầu vào chuyện oan nghiệt ấy, không hề sợ hãi, phom phom nhận mình là sĩ quan quân đội chế độ cũ, sĩ quan cao cấp kia, từng "có nợ máu với nhân dân", bây giờ "ngã ngựa" rồi xin được đi học tập cải tạo để được trở thành người tốt đủ tư cách xây dựng đất nước đẹp bằng mười ngày xưa. Ông lang thang khắp các chợ trời, trên người đeo lỉnh kỉnh đủ các thứ đồ.
Có hôm ông đeo cả mấy chục cái lon đồ hộp trên người. Ông nói ông là người có nhiều "lon" nhất trên đời vậy mà ông vẫn yên ổn. Có hôm ông vào chợ cá Trần Quốc Toán, khi ấy trở thành chợ xe đạp. Ông "thó" một cái ghi đông xe cũ rích, rồi bỏ đi, người ta la lên ông ăn cắp. Ông trả lại liền, càu nhàu:
- Mẹ lụi bay, bị mất tất cả mà phải câm, tau chỉ ăn cắp cái ghi đông mà la rầm trời, có kẻ đang ăn cắp đấy... làm gì nó nào?
Ai mà chấp một người điên, khi biết người đó là thi sĩ Bùi Giáng. Hình ảnh Bùi Giáng trở thành quá quen thuộc với thị dân kể cả những người mới giữ gìn trật tự trong thành phố này. Thời gian này, Bùi Giáng dở chứng nói bậy và nói tục kinh khủng, mà có ai làm gì đâu. Kéo dài cả chục năm hơn, Bùi Giáng vẫn sống nhăn. Ông hiện hữu trong cái bái nháo của đời sống, trong sự chuyển mình của đất nước. Nghe nói ông vẫn làm thơ, chẳng phải để đăng báo, in sách, ông cóc cần điều đó. Những bài thơ ông ghi vội trên một tờ giấy nhàu nát, hoặc một bao thuốc lá.
Uống chén rượu, ăn tô phở ông điên, ông tỉnh, ông làm trò, chẳng một ai đụng đến ông. Tôi biết rõ một điều là ai cũng quí mến và chiều chuộng ông. Ông vẫn chung thủy với mối tình đơn phương dành cho kỳ nữ Kim Cương như thuở nào. Có hôm ông ngất ngưởng ngồi xe xích lô đến tận nhà thăm nàng. Ông sơn móng chân móng tay, đánh phấn thoa son cẩn thận. Gọi cửa nàng không ra, ông lấy đá chọi rầm rầm vào nhà. Nàng phải xuất hiện để ông thấy mặt và ông nói vài lời rồi ông ra đi, chỉ có thế thôi, cũng trữ tình ra phết.
Có một thời Hãng phim Giải Phóng ở thành phố, mời ông đóng phim, làm tài tử "xi la ma". Báo Điện ảnh có đăng tin và in hình ảnh ông. Tôi không biết ông đóng phim gì, nhưng ông có lãnh "cát sê" cẩn thận. Hôm ấy, ông ngồi xích lô đi từ xưởng phim đến đường Bà Huyện Thanh Quan, rải tiền đầy đường, trẻ con, người lớn chạy theo xe ông lượm tiền như một đám rước Bùi Giáng.
Bùi Giáng dừng lại sạp báo của nhà báo Nguyễn Kinh Châu hồi trước. Ông đề vội mấy câu thơ tặng bạn rồi lại ra đi phát nốt số tiền còn lại. Ông tới Hội Văn Nghệ thành phố uống bia say la đà.
Thời mở cửa, kinh tế thị trường mà sao tôi vấn khổ quá vì vấn đề cơm áo.
Gặp thầy Bùi Giáng, khi đó thầy có vẻ tỉnh táo. Tôi tâm sự với thầy về hoàn cảnh của mình, văn chương là nghề chính mà ế ẩm, bút phải gác lên mái lều, làm nghề lao động chân tay để nuôi vợ con, sức khỏe ngày một suy yếu. nghèo rớt mồng tơi. Tôi thật tình muốn điên, muốn tâm thần để kệ mẹ đời.
Tôi hỏi thầy vì thầy có kinh nghiệm điên:
- Em muốn điên thầy ạ!
Thái độ vừa bình ĩlnh vừa chậm rãi:
- Mày muốn điên thật hả?
- Dạ thật!
- Mày chưa đủ tư cách làm người điên vì mày mắc míu nhiều quá. Mày không có thì giờ để điên, lâu mới có thì giờ điên. Tau chửi mày là đồ ngu chứ không chửi mày là đồ điên.
Sau đó thầy Bùi Giáng "xuất chiêu " làm một loạt động tác điên, tôi thất kinh và thấy lời thầy dạy có lý quá. Nếu tôi điên thì "trật giuộc" hết trơn.
Đã nhiều năm tôi tự nguyện xa lánh các cuộc vui tụ tập ăn uống hay đàn ca hát xướng. Ngoài chuyện lo kiếm ăn tự nuôi sống mình và gia đình, tôi ở tịt nhà với vợ con, tôi không đi đến đâu và cũng chẳng gặp gỡ ai. Tôi sợ những chuyện thị phi nơi gió tanh mưa máu. Phải chăng tôi tự cô lập mình? Hay hoàn cảnh bắt buộc như thế?
Tôi không dự đám tang thầy Bùi Giáng sáng ngày hôm sau, nên không biết có bao nhiêu người đưa tiễn thầy?
Người ta không bỏ quên thầy, thế là mãn nguyện lắm rồi. Câu này dành cho những người sống hơn là người chết.
Thi sĩ Bùi Giáng là một con người ngạo mạn với đời. Ông chăng cần lưu danh vì một câu an ủi. Một cuộc đời với hơn năm mươi tác phẩm biên khảo, dịch thuật và hơn mười tập thơ Đó là một gia tài không nhỏ ông để lại cho đời.