Chương 9

Dịch giả : Lê Kim
Chương 3
Việt Minh chuẩn bị tiến công

Tháng 8 và tháng 9, mưa rơi trên toàn cõi Đông Dương, chỉ trừ có dải đất dài và hẹp vùng bờ biển miền Trung, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn che chắn cho Huế và Đà Nẵng trước những đợt gió mùa. Mưa rơi hàng giờ có khi suốt cả ngày.
Nước mưa tràn ngập ruộng đồng rừng núi, biến những lớp bụi thành bùn sâu làm những con đường mòn trở thành dốc trượt patanh. Cả một thế giới cá và ếch tràn lên mặt đất. Những con rùa to tướng cổ dài và mềm oặt với cái đầu giống như mỏ vẹt thò ra khỏi mai, cố bò lên mặt đường và mặt để nhưng lại bị trượt xuống. Những vết nấm mốc huy hoại sợi vải, thấm vào da người, thành những nốt đỏ dễ ngứa giống như rôm sảy và nốt đậu mùa.
Chiến tranh như đang ngủ li bì. Nhưng nó vẫn sống, vẫn đang thở phập phồng vẫn có mặt ở khắp mọi nơi. Bởi vì hai tháng mùa mưa là mùa chuẩn bị cho những chiến dịch lớn, không cản trở “cuộc chiến tranh nhỏ”. Trong khi những trận mưa rào giảm dần thì cơn sốt chiến trận của con người lại tăng lên, Bộ Tổng chỉ huy ở cả hai phía đều chuẩn bị hoạt động.
Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Tướng Giáp đã và sẽ còn giữ quyền chủ động chiến dịch. Tương quan lực lượng cơ động hai bên và chiến thuật mà tướng Giáp sẽ áp dụng đảm bao cho ông chiến thắng. Ông còn có thuận lợi ở chỗ có quyền chọn địa điểm tiến công theo ý muốn của mình. Ông cũng đang nghiên cứu kế hoạch và chuẩn bị lực lượng. Tại vùng trú quân ẩn kín ở miền Trung du Bắc kỳ, các sư đoàn Việt Minh phấn khởi trước những thắng lợi vừa qua, đang ra sức tập luyện cho những trận chiến đấu mới.
Tướng Henri Navarre quay trở lại Sài Gòn vào cuối tháng 7. Ông lại đắm chìm trong thực tế hối hả của cuộc chiến tranh, bù đầu đọc các bức điện, trong khi tại các cơ quan cấp Bộ bên Pháp vẫn đang nghiên cứu bản kế hoạch chiến lược dài hạn của tướng Navarre trong không khí ôn hoà.
Tướng quân chỉ có sáu mươi ngày chuẩn bị để đối phó với tám tháng tiến công của Việt Minh. Chắc chắn đối phương sẽ tiến đánh bằng sức mạnh chưa từng thấy kể từ ngày bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp - Việt.
Trước hết, Tổng tư lệnh Navarre phải tập trung quân, tổ chức lại lực lượng dự bị để đối phó với tất cả các mặt trận trên một chiến trường rộng tới 750.000 kilômét vuông.
Với tính năng nổ và tác phong tỉ mỉ đôi khi làm điên đầu những người giúp việc, tướng Navarre quyết định xây dựng các tiểu đoàn chủ lực cơ động bằng cách rút tỉa từng trung đội đang bị dính chặt vào hàng ngàn đồn bốt nhỏ lẻ được phản ánh trên tấm bản đồ Đông Dương bằng hàng ngàn những mũi đinh đánh dấu nhiều màu sắc. Những tiểu đoàn cơ động được xây dựng từ những binh lính rút khỏi những ruộng nước khi được tổ chức, tăng cường và huấn luyện sẽ trở thành những binh đoàn cơ động, rồi trong vòng một năm sẽ là những sư đoàn hoàn chỉnh có khả năng đối chọi với các sư đoàn chủ lực của tướng Giáp.
Tại những vùng ổn định nhất, tức là những nơi mà đồn bốt chỉ làm nhiệm vụ bình định khi cần thiết, quân đội Bảo Đại sẽ thay chân quân Pháp.
Với đội quân thay thế này cũng phải tổ chức trang bị huấn luyện, bố trí cán bộ vực nó lên.
Đồng thời, tướng Navarre cũng chỉ thị tiến hành, và kiểm soát việc tiến hành các hoạt động ở khắp mọi nơi có thể hoạt động khi thấy cần thiết.
Tướng quân dự tính đến mùa khô sẽ tiến hành các hoạt động lớn ở Trung Kỳ, ở Thượng Lào, Luang Prabang, Cánh đồng Chum mặc dù mưa nhưng vẫn có thể cải thiện được các vị trí của Pháp. Còn ở Bắc kỳ thì phải luôn luôn chống lại sự thâm nhập của Việt Minh đang làm cho vùng đồng bằng trở nên một ruỗng.
Từng giờ, từng giờ, tướng Navarre chăm chú đọc các bản tin tức tình báo của Ban 2(1) và các bản dịch những tin tức nghe lén được từ các đài địch. Ông theo dõi cẩn thận sự chuẩn bị và những ý định của đối phương, với hy vọng có thể cản phá hoặc ngăn chặn bằng các hoạt động phòng ngừa.
Tướng quân cảm thấy không được để mất một phút nào. Ngay từ ngày 24 tháng 7 khi mới tan cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, vừa ra khỏi điện Elysée, tướng Navarre đã điện cho đô đốc Abogneau phải “ký ngay huấn thị chuẩn bị cho chiến dịch mùa mưa”, để lệnh cho cấp dưới thi hành.
Bản huấn thị này tướng Navarre đã soạn thảo từ tháng 6 ở Sài Gòn và xem lại khi về Paris. Nhìn chung, đó là bản huấn thị đề phòng địch tiến công.
Hãy còn quá sớm để có thể biết được kế hoạch tiến công của Bộ Tổng chỉ huy quân đội Việt Minh những chúng tôi cũng đã có thể ước tính được lực lượng và dự kiến khả năng hoạt động của họ. Có ba nguy cơ rõ rệt: Một là, ngay khi mở màn chiến dịch, tướng Giáp có thể tập trung tiến đánh vùng đồng bằng Bắc kỳ. Hai là cùng trong lúc tiến đánh đồng bằng, có thể mở thêm một mũi tiến công phối hợp đánh vào miền Trung Đông Dương, cắt đứt Đông Dương làm hai ở chiến trường đánh thông từ Vinh sang Thà Khẹt. Ba là, cuối cùng có thể mở một mũi tiến công nữa đánh lên Thượng Lào theo những con đường mòn đã sử dụng để hành quân năm trước.
Cùng trong lúc đặt ra những giả thiết chính và phụ như trên, bản huấn thị cũng nghiên cứu các biện pháp đề phòng nhằm cản trở những mũi tiến công của Việt Minh, hoặc ít, hoặc nhiều. Đây mới là lúc tướng Navarre liên hệ tới Điện Biên Phủ lần đầu tiên. Nhằm cản phá sự uy hiếp của Việt Minh đối với Thượng Lào và Luang Prabang (mà trong bản tường trình gửi chính phủ ông đã nhấn mạnh kinh đô Lào là mục tiêu “chán nhất” nhưng vẫn cần phải được bảo vệ) tướng Navarre chỉ thị cho các Tư lệnh Bắc kỳ và Lào phải nghiên cứu phối hợp tiến hành mọi hoạt động đề phòng, bằng cách bất ngờ chiếm lĩnh Điện Biên Phủ biến thung lũng này thành một căn cứ lục - không quân.
Trong một cuộc họp ngày 31 tháng 7 năm 1953, tướng Cogny là Tư lệnh Bắc kỳ phát biểu ý kiến của mình trước đông đủ mọi người. Trên cương vị tư lệnh Bắc kỳ, tướng Cogny không chịu trách nhiệm bảo vệ Luang Prabang. Theo quan điểm của ông việc chiếm đóng Điện Biên Phủ là một thung lũng lớn nhất miền Tây Bắc mới thật sự đáng quan tâm, vì có Điện Biên Phủ trong tay sẽ nắm được nhiều lợi thế mà ông đã nhiều lần đánh giá. Trước hết là vì lợi ích chính trị của xứ Thái, việc chiếm đóng Điện Biên Phủ có thể tạo lá chắn để bảo vệ Lai Châu và cũng có thể tiếp nhận Lai Châu khi cần rút bỏ địa điểm trống trải và biệt lập ở tận đầu cùng thượng nguồn sông Đà. Điện Biên Phủ cũng là điểm có thể đón nhận lực lượng từ Nà Sản rút về, vì từ lâu mọi người đã tính đến việc rút bỏ cái đồn canh vô ích này nhưng chưa có dịp và điều kiện thực hiện.
Tướng Cogny cũng đã nghiên cứu và nhận định việc chiếm đóng Điện Biên Phủ sẽ là một hành động tiếp theo việc rút bỏ Nà Sản. Những đơn vị cuối cùng ở Nà Sản không rút được bằng máy bay sẽ đi theo đường bộ rút về thung lũng Điện Biên Phủ. Tướng Cogny còn phác hoạ giai đoạn cuối của cuộc hành quân rút khỏi Nà Sản bằng một chuỗi hoạt động liên tiếp và tập trung. Cánh quân chính có thể xuất phát từ Lai Châu theo con đường mòn Pavie, trong khi lính dù được thả xuống các điểm vành đai như Mường Phăng, Tuần Giáo, Bản Cang để yểm trợ. Giai đoạn cuối cùng là “tổ chức phòng ngự” cứ điểm Điện Biên Phủ trên cơ sở xây dựng những cứ điểm, mỗi cứ điểm do một tiểu đoàn quân trấn giữ, có hệ thống lưới lửa đan kết với nhau, không cho địch tiến đến gần sân bay, liền sau đó xây dựng thêm các cứ điểm phòng ngự trên các mỏm đồi phía Đông có trận địa pháo, cối. Đây là ý tưởng nảy mầm cho các dự án trong tương lai.
Cogny kết luận trong ban tường trình gửi Tổng tư lệnh Navarre: “Tôi đề nghị ngài cho lệnh rút bỏ ngay Nà Sản. Chỉ có biện pháp duy nhất là rút bỏ Nà Sản mới cho chúng ta có được số quân cần thiết để chiếm đóng Điện Biên Phủ”.
Vấn đề khẩn cấp lúc này là rút bỏ tập đoàn cứ điểm Nà Sản đã được nghiên cứu từ thời tướng Salan. Ngay khi vừa nhậm chức Tư lệnh Bắc kỳ, tướng Cogny cũng đã đề nghị. Nhưng hồi đó, nhiều người còn lo ngại xảy ra rủi ro khi rút quân nên đã phản bác. Đến đầu tháng 7 năm 1953, theo lệnh của tướng Navarre dự án này mới lại được nghiên cứu trở lại. Nay chỉ còn chờ một quyết định dứt khoát.
Ngay từ buổi bình minh sáng thứ hai, ngày 3 tháng 8, tướng Navarre đã rời Sài Gòn, thoát khỏi những bữa tiệc tùng chiêu đãi hội hè chào mừng ngài Tổng Cao uỷ mới đến. Cuối buổi sáng, chúng tôi đã bay tới Hà Nội, ngay trước cơn dông vào buổi trưa. Tướng Cogny có mặt ngay tại chân cầu thang máy bay. Cuộc đón tiếp rất nồng nhiệt như tấm thảm đỏ trải dưới chân. Từ sau chiến công nhảy dù đánh úp các kho tàng của Việt Minh ở Lạng Sơn đến nay hai người mới lại gặp nhau. Báo chí và dư luận đang ca ngợi ê-kíp mới, có vẻ như đang dẫn dắt đội quân viễn chinh Pháp ra khỏi sự đờ đẫn trước kia, và nay đã có thể tiến công mỗi lần đối phương sơ hở. Đó là điều dễ hiểu, kế hoạch Navarre đã được Paris tiếp nhận, và tháng lợi của Cogny ở Lạng Sơn cũng đang được biết đến.
Hai người cùng ca ngợi lẫn nhau nhưng chưa nhiệt liệt lắm. Phải chờ đến ngày kia, khi tướng Cogny được Tổng tư lệnh Navarre gắn Huy chương Chiến công trước lễ duyệt binh các tiểu đoàn dù đã đánh úp Lạng Sơn lúc đó hai người mới ôm hôn nhau đúng nghi thức.
Tướng Navarre đến Hà Nội để tổ chức việc rút quân khỏi Nà Sản.
Suốt buổi chiều hai vị tướng cùng ngồi làm việc với ban tham mưu trong thành Hà Nội, một doanh trại xây dựng từ lâu tối tăm và ẩm thấp.
Cho mãi đến đêm khuya, mới có quyết định dứt khoát giữa những cơn mưa như trút nước. Đội quân đóng tại Nà Sản sẽ di tản về Hà Nội bằng máy bay. Như vậy là lúc này chưa chiếm đóng Điện Biên Phủ như tướng Cogny đề nghị. Tiếu đoàn bộ binh số 3 gồm toàn lính Thái là đơn vị cuối cùng bảo vệ sân bay Nà Sản không thể đưa lên máy bay được sẽ rút vào rừng, gia nhập các đội biệt kích hoặc sẽ… biến mất? Thời gian di tản được quyết định sau khi bộ phận theo dõi tình hình thời tiết báo cáo thời điểm thuận lợi nhất, như các thầy bói thời xưa thường đoán ngày lành tháng tốt cho các vị tướng xuất quân đi đánh trận.
Buổi tối, tướng Navarre dự cơm do Thủ hiến Trí mời rồi rút về biệt thự dành riêng cho ông, lúc này tâm trí ông mới được nghỉ ngơi. Ông đã quyết định rút bỏ Nà Sản, đồng thời cũng đã rút bỏ sự hoài nghi khỏi đầu óc và sự lo ngại khỏi trái tim.
Tất cả ý chí và khả năng của ông trong lúc này tập trung vào việc điều hành cuộc di tản. Ông đã ngủ được một giấc thanh thản. Tám giờ sáng hôm sau tướng Cogny đến gặp, để dẫn ông đi thị sát chuỗi đồn bốt trên đường Phủ Lý, bảo vệ vùng đồng bằng ở mặt phía Tây.
Hai vị tướng cùng ngồi một xe. Ngay lập tức, tướng Cogny lại nghĩ đến Nà Sản. Ông đang lo ngại. Ông nhớ đến những rủi ro mà các sĩ quan tham mưu, căn cứ vào những yếu tố không thuận lợi đã trình bày trong những lá phiếu thăm dò ý kiến. Nhìn thấy vẻ đăm chiêu, lo lắng của Cogny, Tổng tư lệnh Navarre ngạc nhiên và rồi cũng bối rối theo. Ông hỏi Cogny, liệu có xuất hiện những yếu tổ mới nào dẫn đến việc hoãn rút bỏ Nà Sản vào một dịp khác không? Không! Cogny vẫn luôn luôn muốn rút bỏ Nà Sản, nhưng mà…
Sự quanh co tế nhị của Cogny về vấn đề Nà Sản ông đã tự viết ra trong thư đề ngày 2 tháng 7 gửi Navarre. Có thể nói, đây là một tác phẩm tinh vi có những đoạn nổi bật đáng lưu trữ làm hồ sơ tài liệu về tính cách con người ông. Cogny viết:
Trong khi thông báo với Đại tướng về những thuận lợi trong việc chuyển quân từ Nà Sản về Điện Biên Phủ, tôi vẫn lưu ý ngài là cuộc hành quân di tản này, ngược lại cũng có những khó khăn nguy hiểm
Nếu tôi nghiêng về giải pháp chờ đợi thời cơ, đó là vì tôi nghĩ rằng, tự đi vào canh bạc, chuốc lấy những rủi ro không tránh khỏi.
Mãi ba tuần sau đó, sau khi đã cân nhắc rất lâu những may mắn có thể, tôi mới đi đến chỗ quyết định đề nghị ngài cho lệnh di tản. Tướng Bodet sẽ nói với ngài là chính ông đã thấy tôi nghiên cứu kỹ vấn đề và tôi đã biểu lộ niềm vui rất cao khi ông cho tôi biết, ngài muôn xem xét lại.
Tôi cũng đã đoán được sự ngạc nhiên của ngài khi không thấy tôi nêu lên điểm cuối cùng trong bản nghiên cứu của tôi đệ trình ngài. Đó là một thiếu sót chắc chắn chưa được bổ khuyết, nhưng phù hợp với ý muốn của tôi, muốn được thể hiện tất cả trách nhiệm của tôi truởc ngài, phần nữa tôi cũng được yên tâm vì đã không làm phiền ngài”.
Phải chăng, đây chỉ là những do dự, ngần ngại chính đáng mà bất cứ người nào có tinh thần trách nhiệm cao cũng suy nghĩ trước khi hoạt động? Điều rất rõ là tướng Cogny là người có trí thông minh sâu sắc. Ông có những phân tích mạnh mẽ, rõ ràng, kiên quyết, nhưng lại dao động lắc lư sau khi có quyết định. Phải chăng đó là sự yếu đuối trong tính cách của ông. Trong phần lớn cuộc đời hoạt động của mình, tướng Cogny toàn làm việc trong văn phòng Bộ hoặc các cơ quan khác. Ông đã quá quen thuộc với những thủ thuật những quanh co uẩn khúc những do dự dè dặt trong các hoạt động chính trị, sự co giãn trong thái độ kỳ cục của ông riêng với vấn đề Nà Sản, ông đã dự liệu trước rồi. Thất bại hay thành công: ông đã đề nghị rút bỏ Nà Sản trước khi có lệnh cấp trên đó sao? Nếu thất bại, ông đã trình bày những rủi ro khi có lệnh rút và những điều ông trình bày rõ ràng đã chứng tỏ là những suy nghĩ đúng. Tùy theo từng trường hợp, ông sẽ đưa từng loại hồ sơ lập luận ra đối chứng.
Những biến động trong ý nghĩ kiểu như thế này, tướng Cogny đã bày tỏ trước khi thực hiện cuộc nhảy dù đánh úp Lạng Sơn mang tên cuộc hành quân “Con chim nhạn”. Đó là tập hồ sơ “thắng lợi” mà ông đã đưa ra trình bày trước các nhà báo, hồi tháng 6, tháng 7.
Ông tiếp tục đi theo những con đường như thế này trong việc trình bày những quan điểm khác nhau của ông đối với nhiều ẩn ý trong luận điệu phù hợp với tính phức tạp và tầm quan trọng không lường trước được của trận đánh.
Trước khi đoán biết kết quả việc di tản Nà Sản, có nhiều lý do chính đáng để lo ngại. Thời tiết xấu trong mùa này có thể cắt đứt việc vận chuyển đường không hoặc làm chậm nhịp độ bốc quân lên máy bay một cách nguy hiểm. Tướng Giáp, được cấp báo kịp thời có thể có thời gian điều quân tới bao vây, tiến công đánh chiếm tập đoàn cứ điểm đã quá suy yếu không thể chống cự nổi và chưa rút hết quân để không thể trở thành một mục tiêu không thú vị nữa.
Những dè dặt của Cogny sau khi đã có quyết định rút bỏ Nà Sản là điều rất dễ hiểu. Lần này, những do dự đó đã trở thành vô ích. Dù sao thì đã quyết định rồi những biện pháp đề phòng cũng đã dủ liệu rồi, chi còn mong vận may sẽ đến.
Trước giờ “G”, một hoặc hai tiểu đoàn dù đóng tại Hà Nội được lệnh sẵn sàng bay lên Nà Sản.
Đây là một biện pháp nghi binh, nhằm đánh lừa mạng lưới tình báo của Việt Minh trong thành phố cho rằng “Pháp chuẩn bị tăng cường Nà Sản” để truyền tin tình báo này tới cấp trên. Trên thực tế những chiếc máy bay Dakota đầu tiên hạ cánh sảng ngày 7 tháng 8 xuống Nà Sản có chở theo một số lính dù “mũ bê-rê đỏ”. Có điều, khi bay trở về Hà Nội, chiếc máy bay nào cũng chật lèn quân.
Nhịp độ rút quân được tiến hành với mốc từ năm mươi đến một trăm chuyến bay một ngày trong thời gian đầu. Đột nhiên, ngày 10 tháng 8 thời tiết đột ngột xấu, không cho phép máy bay tới gần hoặc hạ cánh trong vùng thượng du. Cuộc di tản phải dừng lại. Mọi người lo ngại nếu tướng Giáp được biết tin, nhất định sẽ điều động các tiểu đoàn chủ lực tới tiến công. Nà Sản đang bị suy yếu vì rút quân sẽ là mồi ngon. Nhưng đến ngày hôm sau, thời tiết lại tốt dần. Chiếc cầu hàng không tiếp tục được duy trì và đến ngày 12 thì kết thúc cuộc di tản. Chiếc máy bay cuối cùng chỉ chở theo vài người còn lại đã cất cánh trên đường băng hoang vắng mà không có dấu hiệu nào chứng to Việt Minh có mặt.
Tuy nhiên, phía Việt Minh cũng có những tổ chức quan sát theo dõi vị trí Nà Sản. Chiều ngày 6 tháng 8, nhóm trinh sát của Việt Minh đã nhìn thấy những lính “mũ nồi đỏ” từ máy bay Dakota bước xuống sân bay Nà Sản. Họ nghĩ rằng Pháp tăng cường cho cứ điểm. Đến chiều hôm sau, trinh sát Việt Minh phát hiện thấy có cả những viên chức dân sự gia đình vợ con và có cả lính Thái từ Nà Sản bước lên máy bay. Đến tối ngày 8 tháng 8 thì Việt Minh không còn nghi ngờ gì nũa: một cầu hàng không đã được thiết lập, Pháp đang di tản Nà Sản. Do trục trặc về kỹ thuật, đến tối ngày 9 tháng 8 bức điện đầu tiên từ trạm thông tin của Việt Minh ở khu vực Nà Sản mới được gửi đi, báo tin quân Pháp rút. Khi những đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Nà Sản thì vị trí này đã trống rỗng.
Trong lúc đó, tướng Cogny tổ chức một cuộc họp báo tại Hà Nội. Ông đích thân trình bày bản thông báo thắng lợi, lúc nghiêm nghị lúc tươi cười, lúc thân mật, lúc dối trá, ông luôn luôn tỏ ra hấp dẫn quyến rũ được người nghe. Ông còn cường điệu những rủi ro ghê gớm mà ông đã chấp nhận, và pha trò khi nói đến chuyện ông đã đánh lừa được Việt Minh.
Lucien Bodard là phóng viên tờ Nước Pháp buổi chiều ngồi ngay trên hàng ghế đầu, trong chiếc ghế bành của vị trưởng lão. Nhưng, trong giới báo chí, ông không hề được công nhận là người đứng đầu. Tại trụ sơ cơ quan báo chí tại Hà Nội, có hai biệt thự tiện nghi, gồm cả quán rượu sàn nhảy, phòng tắm vòi hoa sen, giường nghỉ, tạo ra một khung cảnh tự do thoải mái rất đáng yêu. Trụ sở này được coi như một cái chốt ngoài vòng cương toả. Báo chí tha hồ đến đây thu thập các tin tức được thông báo chính thức, và có thể moi móc cả những nguồn tin mật. Do thông thạo tình hình Đông Dương, có nhiều kinh nghiệm, lâu năm trong nghề và cũng có tài nũa, Bodard nổi lên như một “lãnh tụ” làng báo, có trách nhiệm trước hàng triệu bạn đọc. Ông thường khai tâm, dạy lớp vỡ lòng cho các đặc phái viên, khuyên bảo các phóng viên thường trú, dạy cách đánh tin điện. Tướng De Lattre thường dành ưu tiên cho Lucien Bodard.
Đối với tướng De Lattre thường được gọi là “vua Jean” những sự kiện thực tế thường kém giá trị hơn những sự mô tả bên ngoài. Một trận đánh không rõ rệt có thể trở thành một chiến thắng nếu biết cách tuyên truyền rùm beng. Ngược lại, một chiến thắng sẽ không được công nhận nếu chẳng ai biết đến. Các chính phủ thay nhau cầm quyền ở Pháp đều theo dõi dư luận thông qua giới báo chí.
Vì vậy, tướng De Lattre đã trực tiếp phụ trách và giữ độc quyền thông báo tin tức chiến sự với báo chí.
Ông cũng to ra ưu ái với Bodard. Nhà báo này được quyền xộc thẳng vào phòng làm việc của Tổng tư lệnh De Lattre vào bất cứ lúc nào được một chỗ ngồi trong chuyên cơ của De Lattre và một ghế ngồi trong các cuộc họp hạn chế. Lucien Bodard là nhà báo được biết tình hình chiến sự đầu tiên- ngoài ra còn được biết cả những dự định, những phương án bí mật, những sự kiện không thể được tiết lộ. De Lattre thường hay xét người căn cứ vào dáng vẻ bên ngoài. Nhà báo Lucien Bodard có vóc dáng cục mịch, quần áo xộc xệch đầu tóc bù xù, nhưng theo De Lattre ông lại giấu kín bên trong một tinh thần năng động và một lá cờ Tổ quốc ba màu nhỏ bé.
Còn Tổng tư lệnh Navarre thì chỉ tin tưởng vào giá trị thực chất của sự kiện đáng ghi vào ịch sử một cách trung thực, không thể thay đổi. Ông thường nói:
- Hoặc là tôi sẽ thành công và sẽ được báo chí bốc lên tận mây xanh, hoặc là tôi sẽ thất bại và sẽ bị dìm xuống tận đáy bùn.
Khi tôi nài nỉ ông tiếp các nhà báo, ông vẫn không đồng ý vì cho rằng đây chỉ là những con người có tâm hồn hời hợt. Dù có ý thức hay dù vô ý, họ vẫn dễ đánh lừa dư luận. Ông nói thêm: “Vả lại, tôi rất sợ họ viết về tôi”.
Tại Sài Gòn những người có vai vế trong giới báo chí cũng chỉ được gặp tướng Navarre qua những trung gian không chính thức, không chịu trách nhiệm, chỉ được biết tình hình chiến sự qua những thông báo chính thức, khô khan, và chỉ tìm hiểu những ý định của Tổng tư lệnh sau khi các cơ quan bao mật đã kiểm duyệt chặt chẽ.
Trong thòi kỳ đầu tiên giới báo chí cũng đã có điều kiện thuận lợi để làm việc với vị Tổng tư lệnh mới. Từ ngày Thống chế De Lattre qua đời, Bodard đã được chứng kiến sự thiếu thống nhất trong quân đội viễn chinh Pháp, mới đầu chỉ biết một phần, do Bodard không thích tướng Salan. Khi tới Hà nội thay Salan: tướng Navarre cũng đã vài lần tiếp các nhà báo. Trong những cuộc tiếp xúc này tướng Navarre thường tỏ ra gian dị, thẳng thắn, khiêm tốn. Ông không có gì để nói ngoài mấy nét đại cương về sự cần thiết phải giành lại thế chủ động chiến dịch. Thế cũng đủ để ê-kíp mới thoát ra khỏi sự so sánh giữa tinh thần tiến công của Tổng tư lệnh mới với tinh thần nhẫn nhục phòng ngự của người cầm quân cũ. Salan đã đọc được những lời bình luận này trên đường trở về Pháp. Ông rất bực tức, đã viết một bức thư chua chát gửi Navarre. Từ đó trở đi, Navarre gần như ác cảm với giới báo chí.
Buổi tối ngày 5 tháng 8 sau lễ duyệt binh mừng chiến thắng “Con nhạn” nhảy dù đánh úp kho tàng Việt Minh ở Lạng Sơn, tướng Navarre đã cho mở một tiệc rượu chiêu đãi các nhà báo. Ông đã chìa bàn tay lạnh nhạt, hờ hững bắt tay từng người, nhăn mặt điểm một nụ cười xã giao lạnh tanh như cốc nước giải khát ướp đá mà người hầu bàn Hoa kiều vừa mang lại. Ông đã khôn khéo trả lời các câu hỏi mà không hề tiết lộ một chút gì về thân thế, về ý định, về bất cứ một chuyện gì vượt ra ngoài phạm vi mẩu giấy thông báo chính thức.
Tan tiệc khách mời nghiến răng ra về. Vậy mà ngay buổi tối hôm đó, cơ quan kiểm duyệt của Navarre còn cắt xén tất cả những tin, bài của họ, kể cả những câu ca ngợi Tổng tư lệnh mới.
Sáng sớm ngày 7 tháng 8 năm 1953 trong lúc bắt đầu thiết lập cầu hàng không tới Nà Sản và sân bay Bạch Mai hãy còn sương ẩm, chúng tôi rời Hà Nội bay vào Sài Gòn. Ngày hôm sau chúng tôi lại cùng đi với Tổng Cao uỷ tới Lào và Campuchia trình thư uỷ nhiệm tới các Quốc vương nước này. Đây là một hành trình dễ chịu. Máy bay đưa chúng tôi thẳng một mạch từ thế kỷ 20 đến nền văn minh xa xưa của châu Á. Tôi tham gia tốp sĩ quan tháp tùng vị chúa tể là Tổng Cao uỷ toàn quyền Đông Dương tới thăm các vị hoàng đế những nước chư hầu, vấn đề này không phải ai cũng hài lòng.
Vị đại diện cao nhất của Pháp ở Đông Dương cũng cảm thấy bị đặt trong một tình thế khó khăn. Trong khi đặt trụ sở tại dinh Norodom ở Sài Gòn với vẻ đồ sộ của thủ đô toàn Liên bang, có vẻ như ông đã đi đôi ủng của các Toàn quyền cũ. Nhất định, ông không có tư tưởng càng không có uy thế và quyền lực như quan Toàn quyền cũ, nhưng dưới con mắt của người châu Á, óng vẫn phải chịu đựng một cách oan ức tình cảm không hài lòng và sự đắng cay, chua chát của các xứ thuộc địa cũ, nay được gọi là các nước liên kết với Pháp.
Hoàng đế An nam Bảo Đại là người có phản ứng đầu tiên theo cách riêng của mình.
Trước mặt các quan chúc Pháp, Bảo Đại vẫn thường tỏ ra giản dị, cởi mỏ theo những nguyên tắc xã giao phương Tây. Khi Tổng Cao uỷ Dejean đến Buôn Ma Thuộc thăm Bảo Đại, lúc đó Cựu vương đang ở trong một ngôi nhà nghỉ mát làm bằng gỗ, náu mình trong một thái độ thanh bình cao cả đượm màu sắc thiêng liêng của nghi lễ triều đình.
Với khung canh này, khó mà trông mong vào một sự hợp tác tin cậy. Bảo Đại thường bộc lộ với những người Pháp thân cận nhất:
- Các ông nghĩ thế nào nếu như đại sứ Hoa kỳ ở Pháp lại ở trong điện Elysée là Phủ tổng thống Cộng hoà Pháp, viện cớ ông là đại diện của một nước giàu nhất và mạnh nhất thế giới phương Tây.
Từ ngày trở về Việt nam, Bảo Đại chỉ ở Sài Gòn vài giờ trong tháng. Ông cho rằng, Quốc trưởng như ông thì phải ở trong dinh Norodom, tức Phủ Toàn quyền cũ. Nay trụ sở này thuộc về Tổng Cao uỷ, vì vậy Bảo Đại đã lên Tây Nguyên, còn gọi là “Hoàng triều cương thổ” tức đất đai của nhà vua, và cũng phần nào của riêng mình. Ông thường ở lâu nhất trong ngôi nhà làm bằng gỗ, vẫn dùng làm nơi tạm trú lúc đi săn. Đó là một toà biệt thụ bốn phòng xây dùng trên một quả đồi nhỏ bên cạnh hồ Buôn Ma Thuật giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng. Các ghế ngồi đều lót da thú trên tường treo đầy những đầu con vật đã săn bắn được, trên giá có nhiều vũ khí hiếm thấy. Hoàng đế chỉ sống với vài cận thần, lặng lẽ chờ đợi những diễn biến thời cuộc trong một cuộc sống hoàn toàn nhàn hạ. Hằng ngày, mãi tới gần buổi trưa Ngài mới thức dậy đọc sách báo nghe nhạc, xem các báo cáo gửi tới đệ trình. Đến nửa đêm, Ngài mới lên chiếc xe ôtô Cadillac có thể bỏ mui, hoặc đi bộ vào rừng săn bắn thú hiếm, với chiếc mũ đội đầu có gắn đèn soi chạy pin. Thi thoảng Ngài bỏ nhà đi vào rừng suốt mấy ngày cùng với một hoặc hai người bạn để tìm bắn voi có sừng và bò tót. Bảo Đại không bao giờ mệt mỏi trên những con đường mòn trong rừng trong những chuyến đi săn. Ngài ăn cơm nắm với cá khô uống nước suối, ngủ bất kể chỗ nào, trong túp lều đầy chấy rận và ám khói đen của người Thượng, hồi đó còn gọi là một cách miệt thị là người Mọi.
Bảo Đại không thiếu tinh thần can đảm và đầu óc thông minh. Ông hiểu rất rõ, ông không tượng trưng cho một sức mạnh năng động nào trong nước Việt nam sôi đọng này. Nhưng ông nghĩ, ông đại diện cho truyền thống. Trong khi lánh xa Việt Minh và lánh xa cả Pháp ông tin rằng sau này sẽ giữ được một vai trò trung gian hoà giải giữa đôi bên.
Sau hết nền độc lập của Việt nam mà nước Pháp đã tuyên bố trong văn bản ngày 3 tháng 7 năm 1953 mà Tổng Cao uy Dejean lãnh sứ mệnh trao cho Bảo Đại, liệu có khác gì bản Tuyên ngôn độc lập mà chính Nhà vua đã tuyên đọc tại Huế từ ngày 11 tháng 3 năm 1945. Bản Tuyên ngôn này nói rõ:
Chính phủ Việt nam tuyên bố: “Bắt đầu từ ngày hôm nay Hiệp ước Bảo Đại ký kết với Pháp chính thức huy bỏ và nước Việt nam giành lại mọi quyền độc lập”. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Bảo Đại yêu cầu các cường quốc Đồng minh công nhận nền độc lập của Việt nam. Trong thư gửi De Gaulle, ông viết: “Chúng ta có thêm dễ dàng hoà giải và trở thành những người bạn của nhau nếu các ngài từ bỏ mưu toan trở lại làm chủ chúng tôi”. Sự thừa nhận về mặt quốc tế này có lẽ Bảo Đại đã gần đạt được, nhưng cuộc cách mạng đã bùng nổ. Vua Bảo Đại đã “thoái vị”. Ba ngày sau, Hồ Chí Minh tiến vào Hà Nội đã trao cho ông vua thất sủng danh hiệu “Cố vấn tối cao của Chính phủ” phải chăng để trấn an phương Tây.
Tám năm đã trôi qua. Chiến tranh vẫn kéo dài, không hy vọng có thể giải quyết được bằng một giải pháp quân sự. Trong thời điểm có thể thương lượng đàm phán này có khả năng người ta sẽ tìm đến Cựu hoàng để hợp nhất hai miền Nam, Bắc Việt nam. Trong lịch sử An nam đã có tiền lệ.
Nhưng Bảo Đại không phải là Gia Long. Ông không có tham vọng để tạo thành ý chí, không có niềm tự hào để tạo thành sức mạnh chinh phục toàn bộ lãnh thổ triều đình. Vả lại ông bỏ mặc tất cả.
Ngày 1 tháng 8, Bảo Đại đáp chiếc máy bay cá nhân đi sang thành phố Nice ở miền Nam nước Pháp để nghỉ ngơi.
Sau khi Cựu hoàng An- nam bỏ đi rồi. Tổng Cao uỷ Dejean chọn Lào là nước thứ hai trong chuyến thăm xã giao. Đây là miếng ăn mềm nhất, và ngài Tổng Cao uỷ đã chọn miếng này để đáp lại sự ngúng nguẩy của ông vua bé nhỏ nước Campuchia láng giềng. Chặng đầu cuộc hành trình là Viêng Chăn, được coi là thủ đô hành chính của Chính phủ Lào. Chúng tôi được Thái tử Savông tiếp đón, bởi vì Quốc vương Vivanông Vông đã đi Pháp nghỉ mát từ ngày 22 tháng 5 mãi đến nay vẫn chưa về. Nhà vua lợi dụng thời gian ở Pháp để đàm phán tay đôi với Chính phủ Pháp nhằm ký kết những hiệp định song phương tiếp theo bản Tuyên bố ngày 3 tháng 7 của Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Lào. Cuộc đàm phán về Lào được tiến hành ở Paris vì Viêng Chăn không có tầm vóc chính trị. Chuyến thăm của Tổng Cao uỷ Pháp tại Viêng Chăn thuần túy theo nghi thúc. Nhưng cuộc đón tiếp tại Luang Prabang vẫn do Thái tử Savông chủ trì đã đem đến cho chúng tôi những vinh dự rất thắm thiết.
Thời tiết xấu. Chiếc Dakota chuyên cơ phải bay thấp dưới mây, dọc theo sông Mêkông, viên phi công cố chọc thủng mây đen do đợt gió mùa đưa tới để bay tới kinh đô Lào. Đi máy bay là cách duy nhất hồi đó để tới được kinh đô Lào vì thành phố này không có con đường bộ nào nối với thế giới bên ngoài. Luang Prabang vào thời điểm này coi như biệt lập trong không gian, không thay đôi theo thời gian, thủ phủ Vương quốc Lào như nằm ở đầu cùng thế giới tự do.
Những chiếc xe Cadillac nặng nề của Nhà vua chờ sẵn chúng tôi ở sân bay cũng có dáng vẻ khác thường. Những con quái vật sắt thép này từ các xí nghiệp ôtô General Motors ở Mỹ đã được đưa tới đây bằng máy bay. Đàn quái vật ôtô uể oải chạy vào thành phố trên những con đường đất lồi lõm, với tốc độ ngang với những con ngựa trong nước.
Những khu phố lầy lội đều nằm giữa những khu vườn trồng cây anh túc có nhựa thuốc phiện đang nở những bông hoa màu đỏ, trắng, vàng trong khung cảnh không vội vã, mặc dù đang là giờ phút mua bán ngoài chợ. Đàn ông đi bộ uể oải la cà giữa những thùng đựng trái cây, những lồng chim, những súc vật bị trói đem đi bán. Đàn bà dân tộc Lô-lô mặc áo thêu sặc sỡ như nữ thần, chằm chằm nhìn đoàn xe chở chúng tôi đi qua. Đàn ông chắp tay cúi chào chúng tôi tùy theo kiểu cách của từng người. Các cô gái mặc váy dài, ngực nịt chật trong nếp áo màu, thêu chỉ vàng, đôi vai để trần nhìn chúng tôi mỉm cười vô cớ.
Hôm nay là sáng chủ nhật. Nhưng đối với người dân Luang Prabang tươi cười, thanh bình cởi mở, ngày nào cũng là chủ nhật. Khi rời khỏi đất nước Lào, tôi không hề nghĩ rằng sáu tháng sau tôi lại đến Đông Dương để bảo vệ các đường biên giới của vương quốc này. Nhưng ngày hôm nay, khi nghĩ về Mường Sài bị Việt Minh bao vây và đang đi tới chỗ sụp đổ, tôi cho rằng tôi đã không chiến đấu vì các hiệp định mà tôi không hề biết. Tôi chỉ chiến đấu vì một cái gì đó cao quý hơn, vì một ngọn lửa leo lắt, vẫn được thắp sáng một cách lạ lùng trước những trận gió lịch sử, những biến động trong thế kỷ chúng ta, mà tôi đã từng nhìn thấy sự toả sáng trong thành phố nằm ở tận cùng thế giới này.
Tại Campuchia, bản Tuyên bố ngày 3 tháng 7 của Pháp trao trả độc lập cho nước này chẳng làm thay đổi tình hình một chút nào cả. Norodom Sihanuk vẫn đòi Pháp phải trao cho Campuchia mọi quyền hành không hạn chế, kể cả quyền chỉ huy trực tiếp các lực lượng vũ trang. Việc ngài Tổng Cao uỷ Dejean đến thăm kinh đô Phnôm Pênh có nguy cơ bị coi như một sự khiêu khích.
Sihanuk không thể làm gì khác hơn là phải tiếp Dejean, nhưng đã đón tiếp với tất cả triều đình để phô trương uy lực. Vị đại diện tối cao của nước Pháp được nhà vua cho phép triều kiến ngay tại cung vua, trong chính điện có đặt ngai vàng.
Đi sau ông Dejean mặc lễ phục màu trắng là tướng Navarre trong bộ quân phục vải ka ki. Đoàn khách người Pháp đi giữa hai lớp hàng rào các cận thần và bộ trưởng Khmer đeo các loại huân chương, huy chương tiến về phía nhà vua người trên ngai vàng, đặt trước bình phong cũng bằng vàng. Những người hầu trong cung đình dưới sự điều khiển của quan đại thần phụ trách lễ tân mời các quan chức Pháp ngồi xuống hai hàng ghế đặt hai bên ngai vàng. Với kiểu xếp đặt như thế này khó trao đổi với nhau những câu chuyện tâm tình thầm kín giữa chủ và khách.
Dejean trình bày lý do tới Campuchia. Đó là để trình thư uỷ nhiệm. Nghe nói như vậy, nét mặt Đức vua vẫn lạnh như ngọc thạch. Bộ trưởng Dejean cầm giấy trong tay thể hiện rõ vẻ bói rối của mình. Về phía triều đình Campuchia, không một bộ trưởng nào, một cận thần nào đụng đậy mi mắt. Dejean cố tỏ vẻ nằn nì. Điều quy định của triều đình có nguy cơ bị sụp đổ.
Đột nhiên ông vua nhỏ bé đứng phắt dậy làm viên quan đại thần phụ trách lễ tân bói rối ra mặt.
Nhà vua kéo Dejean và Navarre vào sau tấm bình phong với dáng vé kích động. Lính hầu lập tức khiêng chiếc bàn gập vẫn dùng để chơi bài và ghế ngồi đến. Nhà vua, Tổng Cao uỷ, Tổng tư lệnh ngồi chung quanh chiếc bàn phủ thảm xanh. Dejean đặt lên bàn thư uỷ nhiệm hãy còn để trong phong bì, tỏ vẻ cầu xin nhà vua đón nhận. Đến lúc đó Đức vua mới nói.
- Ông Tổng Cao uỷ, ông làm tôi ngạc nhiên đấy, ông là người đã được chính phủ duy nhất của các ông chỉ định làm người đại diện cho nước Pháp, đến đây yêu cầu được tiếp nhận. Nhưng các ông đã quên là Pháp và Campuchia đã cùng trao đổi đại sứ với nhau rồi. Ông đại sứ Risterrucci đã trình thư uỷ nhiệm của Chính phủ Pháp. Tôi đã chấp nhận sau khi đã tham vấn về tư cách cá nhân của ông đó. Ông Risterrucci thích hợp với tôi. Tôi thấy không có lý do gì để công nhận thêm một vị đại sứ thứ hai nữa.
Dejean hoàn toàn mất hết vẻ đường bệ của mình. Ông nói lí nhí mấy câu rồi cố đẩy chiếc phong bì có thư uỷ nhiệm về phía Quốc vương Campuchia.
Vua Campuchia lại đẩy chiếc phong bì về phía Tổng Cao uỷ. Cuối cùng, sau nhiều lần đun đi đẩy lại, Sihanuk đành cầm lấy chiếc phong bì có in Quốc huy Pháp rồi hờ hững đưa cho một tên thị vệ. Dejean vùa ghi được một bàn thắng. Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc hẳn ông phải mở hội ăn mừng.
Vài ngày sau, Tổng Cao uỷ về Pháp cưới vợ, trong lúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương từ từ thức giấc. Mặc dù vẫn đang còn những trận mưa tháng 8, quân đội Pháp vẫn cố tiến hành một sỏ hoạt động nhằm cải thiện các vị trí trước khi chiến dịch lớn xảy ra vào mùa khô.
Tại miền trung Trung Kỳ, lợi dụng những ngày đẹp trời, tướng Leblanc mở một cuộc tập kích bất ngờ theo kiểu diều hâu vồ mồi, đánh vào căn cứ Việt Minh ở ngay cửa ngõ thành phố Huế. Nhưng ông đã cất vó hụt. Trong lưới không có cá. Trung đoàn 95 Việt Minh vẫn lọt lưới sau vài trận đụng độ nhỏ.
Giữa tháng 8, nỗ lực của Pháp hướng vào Phan Thiết ở cửa ngõ Liên khu. Cuộc hành quân Concarneau đã rơi vào khoảng trống. Cuộc tiến công này do đại tá Berteil chỉ huy. Thời tiết lúc này rất nóng. Tiểu đoàn bộ binh thuộc địa lính da đen người Senegal phải lùng sục các cồn cát để tìm Việt Minh nhưng không thể. Đến 10 giờ sáng binh lính đòi nước uống. Trên toàn bộ lãnh thổ Đông Dương không chỗ nào có cát mà lại có nước. Vì vậy phải dùng máy bay thả dù xuống cho đám lính những thùng nước giải khát mua của xí nghiệp rượu bia và nước đá từ Sài Gòn.
Tại Lào, lính Pháp từ Mường Sài và Phông Xa Lỳ mở những cuộc tiến quân thăm dò về phía Mường Khoa và càn quét thung lũng Nậm Hu.
Trên trục giao thông Xiêng Khoảng-Sầm Nưa, lính Pháp chiếm được Bản Ban. Những cuộc hành quân này cho phép Pháp ngăn chặn được Việt Minh bám chân trên hai trục đòng giao thông tiến đánh Lào.
Trong vùng đồng bằng Bắc kỳ, Từ sáng sớm ngày 5 tháng 8 đã mở màn cuộc hành quân Tarentaise. Những tiểu đoàn khinh quân lính bản xứ đã thay thế các tiểu đoàn thuộc lực lượng viễn chinh Pháp ở vùng Bùi Chu, đi đầu cuộc hành quân càn quét. Đây là thử nghiệm đầu tiên để rút kinh nghiệm. Vì vậy, chiến trường được chọn trong khu vực có những điều kiện thuận lợi nhất để dành thắng lợi. Bùi Chu là một tỉnh có nhiều người theo đạo Thiên chúa, quyền hành chính thực tế nằm trong tay giám mục địa phận. Hầu hết mỗi làng đều có một nhà thờ, đứng đầu là một linh mục. Các tiểu đoàn trang bị nhẹ, gọi là tiểu đoàn khinh quân, phần lớn binh lính đều là thanh niên đi đạo. Trung tá Đồng là sĩ quan đầu tiên được củ làm chỉ huy lực lượng cơ động duy nhất gồm toàn lính bản xứ, đích thân chỉ huy cuộc hành quân càn quét. Đi theo sau là các nhóm bình định sẵn sàng quản lý các khu vực được “giải phóng” khỏi sự kiểm soát của Việt Minh.
Từ ngày 1 tháng 9 không còn một đơn vị lính Pháp nào đóng tại Bùi Chu nữa. Trách nhiệm dân sự và quân sự trong địa phận hoàn toàn chuyển giao cho chính quyền Bảo Đại.
Tướng Navarre theo dõi cuộc hành quân với một sự quan tâm đặc biệt. Ông đã soạn thảo các kế hoạch xây dùng một quân đội tương lai cho chính quyền người Việt thân Pháp: với sự năng nổ, nhiệt tình. Ông cũng ấn định một phần thời gian biểu thay quân. Vấn đề còn lại là thử xem đội quân này có đối đầu được với Việt Minh không. Không có thử nghiệm này, sẽ không có giải pháp rút lui.
Câu trả lời cho thử nghiệm này đến nhanh chóng.
Ngay từ thượng tuần tháng 12, một hoạt động sôi nổi về chiến tranh du kích đã bùng nổ sớm hơn thường lệ tại vùng tứ giác Hung Yên ở phía Đông Hà Nội. Vùng này vẫn là nơi ẩn náu từ xưa của trung đoàn Việt Minh 42. Nhờ sự mưu trí của trung đoàn trưởng cánh quân này hầu như luôn luôn thoát khỏi những cuộc càn quét. Từ năm 1951, trung đoàn đã phát động một cuộc thi đua yêu nước bằng các hoạt động đánh mìn phá hoại, phục kích…, trong toàn khu vực.
Ngày 5 tháng 9, trung đoàn chiếm gọn một đồn binh cách thị trấn Kẻ Sặt có 5 kilômet do hai trung đội bộ binh địa phương đóng giữ. Đến ngày 9, vẫn trung đoàn này lại đánh tiếp một cứ điểm lớn hơn cũng ngay gần Kẻ Sặt, do một tiểu đoàn lính Mường trấn giữ tiêu diệt nhanh chóng ba trung đội. Ngày 14, cứ điểm Lệ Khu bị đánh chiếm. Một cụm pháo 105 mm cùng với ba xe tăng tạm trú trong đồn này đêm hôm đó cũng bị Việt Minh phá hủy.
Ngày 22 tháng 9 Bộ chỉ huy Pháp quyết định mở một chiến dịch lớn, mang tên Brochet, kéo dài đến tận ngày 10 tháng 10, cố càn quét tiêu diệt trung đoàn Việt Minh “lẩn như ma” này. Cơ quan báo chí ở Hà Nội tung ra một bản thống kê số thiệt hại của Việt Minh. Trong mười tám ngày liên tục chiến đấu Pháp đã huy động 17 tiểu đoàn bộ binh có nhiều xe bọc thép pháo binh, không quân, hải quân yểm trợ diệt 672 Việt Minh bắt sống 569 tù binh, nhưng phía Pháp cũng có 121 binh sĩ thiệt mạng, 621 người bị thương. Căn cứ vào tương quan lực lượng về binh lực, hoả lực, nhiều người cho rằng, trong cuộc càn quét này chính Việt Minh mới là người chiến thắng. Mỗi làng do Việt Minh kiểm soát biến thành một pháo đài, phía Pháp phải dùng xe tăng mở đường xung phong đánh chiếm, các ngả đường nhỏ dẫn vào làng đều gài mìn và cạm bẫy. Chiến tranh du kích lan rộng khắp tỉnh Hưng Yên.
Cùng trong lúc đó, dường như muốn chứng tỏ rằng mình vẫn giữ thế chủ động, ngay trong vùng đồng bằng là khu vực Pháp chiếm ưu thế Việt Minh mở cuộc tiến công đánh vào Bùi Chu. Từ ngày 20 tháng 9 nhiều đơn vị Việt Minh thuộc hai trung đoàn chủ lực 46 và 50 đã thâm nhập sâu, vượt qua những mắt lưới phòng ngự của các tiểu đoàn khinh quân do Pháp huấn luyện. Đêm nào Việt Minh cũng tiến công và chiếm được trung bình mỗi đêm một đồn bốt. Trong đêm 4 rạng ngày 5 tháng 10, Việt Minh tiến công vào khu vực có bốn tiểu đoàn khinh quân đang co cụm để bảo vệ lẫn nhau nhừ đàn gà trong đêm tối. Kết quả là: 200 lính khinh quân bị chết và bị thương, 200 người bị mất tích. Nhưng phải chờ đến ngày 18 tháng 10 mới thật sự xuất hiện một kỷ lục thuộc loại này: trong số 3 tiểu đoàn khinh quân bị đánh ở gần Vạn Lý chỉ có 8 lính bị chết và 25 bị thương, nhưng có tới 424 binh sĩ bị mất tích với gần 500 vũ khí và 16 điện đài.
Ngày 29 tháng 9, tướng Navarre tới thị sát sở chỉ huy của trung tá Đồng đang chỉ huy lính khinh quân càn quét trong khu vực Bùi Chu. Việt Minh đã mở một loạt cuộc tiến công liên tiếp trong ba đêm trước, buộc Bộ chỉ huy Pháp phải rút một số binh đoàn cơ động đang tham gia chiến dịch Brochet về ứng cứu cho Bùi Chu. Nhưng bất cứ điểm nào quân Pháp kéo tới cũng không bắt liên lạc được với lính khinh quân.
Tướng Navarre lại quay trở về Hà Nội. Ngay buổi tối hôm đó ông cùng với tướng Cogny nghiên cứu tập hồ sơ tình báo do Ban 2 đệ trình: những tin tức thu lượm được đều nghiêm trọng.
Mãi tới trung tuần tháng 9, kế hoạch tiến công của Việt Minh vẫn mới chỉ là những giả thuyết dựa theo phán đoán của Cục Quân báo Pháp. Càng phán đoán nhiều khả năng tiến công của tướng Giáp, càng bộc lộ nhiều nguy cơ về phía quân đội viễn chinh Pháp. Tướng Giáp đã chọn những phương án nào. Nhằm vào những điểm nào?
Cho mãi tới những tuần cuối cùng của mùa hè 1953, chúng tôi mới dần dần thu lượm được một số tin về những dụ định của đối phương. Tại Sài Gòn, trung tá Guibaud là trưởng Ban 2 tập hợp tất cả những thông tin mà các cơ quan tình báo đã thu lượm được trên toàn lãnh thổ Việt nam. Guibaud nghiên cứu, phân tích sàng lọc, vạch kế hoạch theo dõi. Nguồn tin chủ yếu của chúng tôi là nghe trộm điện, đài Việt Minh vì đó là những tin tức thường xuyên, chắc chắn thời sự nhất.
Việt Minh có ba khoá mã khác nhau để đánh các điện mật. Mật mã tác chiến của Việt Minh hầu như rất khó giải nếu dựa vào kỹ thuật phương Tây. Còn mật mã dùng trong các bức điện chính trị thì thỉnh thoảng chúng tôi vẫn giải được, dù đối phương có thay đổi mã số. Mật mã dùng trong các bức điện yêu cầu cung cấp hậu cần thì mỗi năm mới thay đổi một lần vào quãng cuối tháng 9 đầu tháng 10. Đây là loại mật mã chúng tôi dễ giải nhất, thường được sử dụng để lập các biểu đồ, các thống kê. Chỉ vài ngày sau khi đối phương thay đổi mã số, nhóm giải mã của chúng tôi đặt tại một biệt thự vô danh ở Đà Lạt đã có thể tìm được cách giải. Chúng tôi thu được và giải được nhiều bức điện mật mã xoay quanh các mệnh lệnh, các báo cáo về hậu cần của Việt Minh.
Chính vì vậy cho nên chúng tôi đã giải được những điện mật về việc Trung Quốc viện trò ồ ạt nhiều súng tự động cho Việt Minh và những vũ khí này được nhập vào các kho hậu cần ở Lạng Sơn.
Đại đội công bỉnh cùng nhảy dù theo tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 xuống Lạng Sơn trong trận đánh úp ngày 17 tháng 7 đã phá hỏng được hàng ngàn tấn vũ khí đang chất đống trong các hang động. Có bức điện mật, ra lệnh chuẩn bị “khẩu phần đặc biệt”.
Có nghĩa là sẽ có cố vấn Trung Quốc tới. Những báo cáo về việc bố trí kho tàng lương thực theo từng cung đường, giúp chúng tôi biết được đối phương đang chuyển quân sẽ đi theo những tuyến đường nào số quân là bao nhiêu. Những bức điện mật mà chúng tôi đã giải mã được, đã cho chúng tôi biết trước về điểm và hướng tiến công sắp tới của Việt Minh.
Nhờ tổng hợp các nguồn tin khác nhau, chúng tôi được biết khá chỉ tiết về lực lượng chủ lực cơ động tác chiến của Việt Minh, về số quân, cách biên chế tổ chức, trang bị, phương thức tác chiến, hệ thống cung cấp tiếp tế, thậm chí biết được cả họ tên và tính cách một số cán bộ chỉ huy đơn vị. Hơn nữa, chúng tôi còn biết được quan điểm tiến hành chiến tranh từ đó suy ra kế hoạch tác chiến của họ.
Trong lúc này, thành phố Sài Gòn đang mê say bởi những vụ buôn tiền và các thú ăn chơi chỉ bị lôi cuốn nhẹ nhàng theo nhịp thở của chiến tranh. Còn tại Hà Nội nơi thường tổ chức những cuộc diễu binh mừng thắng trận và những tiếng hò hét của lính chiến cũng vẫn không sao rũ bỏ được sự buồn chán dính chặt như hơi ẩm đọng trên tường nhà. Vào những giờ trước bữa cơm tối phòng trà tiệm nhảy mang tên Normandie thường chật ních người, hầu hết là quan chức dân sự và sĩ quan không quân tụ tập trong căn phòng bé nhỏ. Trong vài ba hộp đêm, các nhạc công Philippin và gái điếm từ Đài Loan tới biểu diên như một cái máy, không chút hào hứng. Thi thoảng, lại nhìn thấy hai hoặc ba sĩ quan sơ cấp vội vã đi ngang qua thành phố trong lúc đêm khuya để trở về nơi đóng quân tại các đồn binh nhỏ lẻ. Trong tiếng cười của họ có vẻ như bị kích thích giả tạo và thú vui nhưng không vui mà họ vùa tìm đến chỉ là để tìm sự quên lãng.
Trong những ký ức, những tài liệu mà tôi thu lượm được, và cả những bức thư tôi viết hồi đó đều bộc lộ sự lo ngại thể hiện sự lo lắng nặng nề trong các buổi hội ý tại cơ quan tham mưu rồi lan đến các binh lính, tăng dần theo nhịp độ phát hiện được kế hoạch tiến công sắp tới của tướng Giáp.
Những dấu hiệu đầu tiên của ý đồ tiến công là những huấn thị từ Bộ chỉ huy tối cao Việt Minh gửi cho các chỉ huy sư đoàn. Những tài liệu này chỉ thị cho các sư đoàn, trong thời gian mùa hè phải luyện cho bộ đội tập chiến đấu trên địa hình bằng phẳng, đánh chiếm các cứ điểm phòng ngự kiên cố trên địa hình đó với lực lượng bộ binh được yểm trợ bằng pháo binh và súng phòng không. Ngoài ra còn luyện tập tác chiến trên đường phố. Một số đơn vị như sư đoàn 312 đã di chuyển địa điểm, tìm đến những nơi có địa hình bằng phẳng để tập luyện.
Cùng trong khoảng thời gian này, Bộ chỉ huy và cơ quan các sư đoàn đã được sắp xếp lại, cán bộ được tăng cường, quân số được bổ sung bằng các thành phần tốt nhất rút từ các đơn vị bộ đội địa phương đưa lên.
Theo nhận định của thiếu tá Levain, trưởng Ban 2 tại Hà Nội thì trong mùa hè năm 1953 các sư đoàn của tướng Giáp đều nhận được huấn lệnh “thuần túy hướng về đồng bằng”.
Một dấu hiệu quan trọng nữa là hoạt động của các đại đội trinh sát thuộc các đơn vị lớn của Việt Minh. Những đại đội này có nhiệm vụ trinh sát chiến trường, vận động nhân dân và các đơn vị bộ đội địa phương chuẩn bị cho hoạt động sắp tới của các sư chủ lực.
Từ tháng 9 năm 1953, đại đội trinh sát của sư đoàn 312 đã bám chân trên trục đường Vĩnh Yên, Phúc Yên hướng về Hà Nội.
Đại đội trinh sát của sư đoàn 308 hoạt động trên trục Lục Nam - Bắc Ninh. Đại đội trinh sát của sư đoàn 320 hoạt động tại Bắc Phủ Lý, trong vùng Tây Nam khu vực đồng bằng.
Cuối cùng, vào nửa cuối tháng 9, các sư đoàn đã tập trung đầy đủ tại các vị trí tập kết ở vành ngoài vùng đồng bằng, phía sau các đại đội trinh sát. Cùng lúc này, tại khu vực Phủ Nho Quan và Bắc Thanh Hoá xuất hiện lực lượng đầu tiên gồm hai sư đoàn hình như có nhiệm vụ thâm nhập vùng đồng bằng.
Một lực lượng thứ hai gồm các sư đoàn 308, 312 và sư đoàn pháo 351 đóng ở khu vực phía Bắc đồng bằng: giữa hai tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên.
Trong bản phân tích hồi tháng 9, trung tá Guibaud viết:
“Lực lượng cơ động tác chiến của địch tập trung ở vành ngoài đồng bằng đã được nghỉ ngơi, củng cố tổ chức, sẵn sàng giáng cho chúng ta những đòn đáng gờm. Tất cả tin tức thu lượm được đều khẳng định mục tiêu chính của đối phương sẽ là vùng đồng bằng Bắc kỳ…”
Guibaud phán đoán, trong giải đoạn đầu của chiến dịch, tướng Giáp sẽ cho sư đoàn 320 thâm nhập những vùng hậu cứ của Pháp ở đồng bằng. Sư đoàn này xuất phát từ Phủ Lý sẽ tiến vào Hưng Yên gặp trung đoàn 42. Có thể sư đoàn 304 cũng sẽ tiến vào vùng Bùi Chu, Phát Diệm là khu vực đã có hai trung đoàn độc lập 46 và 50 chiếm đóng, cũng dễ dàng hình dung được những gì sẽ xảy ra trong vòng hậu phương của chúng ta (tức quân Pháp) do sự phối hợp của chiến tranh du kích được tiến hành bởi mười tám tiểu đoàn chủ lực đang phân tán thành từng đơn vị nhỏ, hoạt động phá hoại, cắt đứt các tuyến đường giao thông, tập kích các đồn bốt nhỏ lẻ mà không một đồn bốt nào có khả năng cầm cự được vài giờ. Các căn cứ không quân của chúng ta cũng có thể bị tiến đánh.
Tôi đã quan sát gương mặt tướng Cogny khi tóm tắt hình hình, báo cáo với Navarre. Cả hai vị tương đều đứng trước tấm bản đồ treo trên tường phòng làm việc của Tổng tư lệnh tại Hà Nội. Hai vị đang đứng với nhau thì tôi bước vào đưa tướng Navarie ký bức điện báo cáo với Chính phủ Pháp mà tối nào tướng Navarre cũng gửi về Paris, tóm tắt tình hình trong ngoài dự kiến kế hoạch hôm sau.
Tướng Cogny đang nói, thỉnh thoảng lại khua tay trên tấm bản đồ:
- Sau một tháng đối phương phát động cuộc chiến tranh du kích với cường độ hiện nay vẫn chưa lường hết được, tôi không thể đảm bảo chắc chắn cho việc tự do vận chuyển, ngoại trừ một hoặc hai trục lộ giao thông chính. Tuy nhiên đến tháng 11 này hoặc chậm hơn một chút, lực lượng địch ở mặt Bắc gồm 308, 312, 351 có thể sẽ sẵn sàng tiến công Vĩnh Phúc và Bắc Ninh nhằm tiến về Hà Nội hoặc về Hải Dương, cắt đứt đường số 5 nối liền Hà Nội với Hải Phòng. Căn cứ vào giả thuyết này và dù không bi quan tôi vẫn có nhiệm vụ phải nghĩ đến chuyện cho di tản khỏi Hà Nội nếu không có các phương tiện cần thiết để chiến đấu ngăn chặn Việt Minh.
Cho tới hôm nay, tôi vẫn nghĩ rằng Cogny hồi đó đã nhìn nhận đúng. Ông được coi là người của đồng bằng. Ông sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh có trận tuyến nếu Việt Minh cũng mạo hiểm tiến hành chiến tranh chính quy. Thế nhưng, muốn như vậy thì tướng Cogny phải có đủ các phương tiện chiến tranh của toàn lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Tướng Cogny đã đề nghị, muốn “giữ được đồng bằng Bắc kỳ” thì phải có trong tay 8 binh đoàn cơ động, trong khi trên toàn lãnh thổ Đông Dương mới có 7 và nếu Hà Nội thất thủ thì đó chẳng phải là mở đầu cho sự sụp đổ đó hay sao? Tướng Navarre không muốn mạo hiểm bằng cách chỉ sử dụng một lá bài bởi vì tướng Giáp còn có thể tiến công ở nhiều địa điểm khác và đã bộc lộ rõ các phương án này.
Để tiến đánh xứ Thái và Thượng Lào, tướng Giáp đã có một sư đoàn hoàn chỉnh chuyên trách khu vực này. Đó là sư đoàn 316 trong đó có tiểu đoàn 910 đang chiếm lĩnh Điện Biên Phủ. Sau cuộc diễn tập thành công hồi mùa xuân vừa qua, sư đoàn này đang sẵn sàng tiến quân lên vùng thượng du. Mục tiêu đầu tiên của sư đoàn 316 là Lai Châu, chỉ cần sử dụng một trung đoàn 910 cũng đủ để đánh chiếm thị xã này. Rồi, không vội vã có thể đến tháng 5, các tiểu đoàn trong sư đoàn mới tiến đánh Luang Prabang, Xiêng Khoảng. Viêng Chăn.
Tại khu vực nam Thanh Hoá, sư đoàn 325 cũng chuẩn bị hành quân mở chiến dịch. Sau khi vượt dãy Trường Sơn mà sư đoàn đã mở được những cửa đột phá Đông-Tây, sư đoàn này sẽ tiến về Thà Khẹt, mở một con đường tiến quân dễ dàng xuống phía Nam, tới Campuchia, Tây Nguyên rồi từ đó có thể tiến xuống khắp Nam Kỳ.
Cuối cùng, các lực lượng vũ trang Liên khu 5 có tới bốn trung đoàn chủ lực, đã bắt đầu mở những hoạt động trinh sát ở khu vực Bắc và Đông cao nguyên, đánh chiếm Tây Nguyên, nơi được coi như một bao lơn khống chế Nam Kỳ và Campuchia.
Đó là đại cương sự phán đoán của cơ quan tình báo Pháp về kế hoạch tổng phản công của Việt Minh hồi đầu tháng 10 năm 1953. Để làm việc này, tướng Giáp đã rèn được một vũ khí sau cuộc chỉnh quân mùa hè, nay là lúc đem thử lực để tôi luyện.
Chú thích:
(1) Tức Cục tình báo quân sự, còn gọi là Cục Quân báo