P 4

Bà Tư khéo chọn một chỗ ở hoàn toàn không giống ai, nhìn từ xa căn nhà nhỏ xíu sau của bà trông như một bức tranh sơ sài, mà người ta vẽ bằng thuỷ ngân mặt sau tấm kiếng... tủ thờ, thường thấy ở nông thôn, đàng sau căn nhà là con kinh cạn, bùn đen khô quánh. Hậu cảnh đen đủi như vậy vô tình làm sáng lên tiền cảnh đơn sơ song lại khá nhiều màu sắc, mái tôn chỗ thì bạc phều chỗ lại nâu còn có nhiều mảnh giấy dầu do mưa gió qua nhiều năm tháng khiến nó không còn ra màu gì. Cánh cổng mới độc đáo làm sao, nó bằng tre trang điểm bằng hết sức nhiều loại gây leo, nào là mồng tơi lá tim tím, giây chùm bao còn được gọi là nhãn lồng, giây tóc tiên mảnh dẻ lơ thơ, và nhiều giây leo khác. Sân gạch tàu đỏ ối, những khoảng nối giữa những tấm gạch vuông là cỏ chỉ, người ta sẽ nói gia chủ khéo léo lạo một khu vườn theo ý thích riêng nhưng thực ra Bà cứ có gì trồng nấy cho vui... ngoài ra cũng còn có một con Mèo nằm ngủ vùi nơi góc nhà.
Gió lùa từ con kênh qua cửa sau nhà Bà Tư, luồn qua cửa trước, cả hai cửa đều không có cánh cửa... chỉ mỗi hai cái khung, nền nhà thì cao mà mái nhà lại thấp, coi có vẻ hài hước ngộ nghĩnh. Bà Tư đang nằm ngủ trên cái giường tre, bà trông giống một đứa con nít hơn là người trung niên, một đứa trẻ già cỗi suy dinh dưỡng héo hắt, gầy nhom, bên cạnh cái giường tre là cái bàn gỗ cưa chân, trên bàn có chén cơn nguội, vài miếng dưa chuột, trên kệ là cái truyền hình nhỏ nhắn... cũng ngủ, nó.. đắp một lớp bụi mờ.
Ông Ba đạp chiếc xe đạp minh, mà lại đội nón an toàn, cái nón lớn như một nồi cơm điện, che gần hết khuôn mặt khôi hài của ông. đàng sau chiếc xe là một cây tre khá cao trên đó lủng lẳng nhiều con rối vải tự làm, ngự trên ngọn cây tre là một con rối y kiểu, nhưng lớn hơn. Ông dựng chiếc xe kỳ cục của ông nơi cổng, mắt hấp hái nhìn vô nhà, trông thấy... Bà Tư ngủ, ông bước nhẹ trên nền gạch cố tránh cỏ, rồi ông ngồi xuống một cái thùng sắt, ông hút thuốc đen trong ống vố, khói trắng bay lơ lửng chung quanh căn nhà nhó, khói len lỏi qua các cành lá, chỉ có lá và lá.
Rốt cuộc ông cũng thiu thiu ngủ, nơi nầy gần như không có nổi một tiếng chim hót, chỉ có vậy, một lúc thật lâu lúc nầy không biết là trưa hay chiều, không gian, thời gian lại như ngủ quên. Bà Tư mỉm cười nhưng không phải vì thấy ông Ba, bà vẫn còn ngủ, một người nằm ngủ, một người ngồi ngủ cho... tới khi chung quanh nắng bỗng vàng rượm, lần hồi tắt hẳn, nắng nhạt nhoà đàng xa, trên con đường nhỏ cũng không một bóng người, lúc đó màu lá chung quanh khu vườn nhỏ chìm dần, cứ như vậy không có gì khác, cho tới tối. Một ánh lửa bé xíu như chiếc lá, in bóng Ba Tư chập chờn trên nền gạch, bước tới gần ông Ba, ông đang trời như lời xin lỗi:
- Ngủ quên, lúc nào cũng ngủ quên.
Bà Tư:
- Em cũng vậy... chừng thức thấy anh ngủ ngon để anh ngủ.
Lúc sau Bà lại hỏi tiếp:
- Anh Ba... lớn rồi, ngủ còn nằm chiêm bao hông?
Ông Ba cười:
- Còn mà ít.
Hai anh em nhìn ra sân, buổi tối đã về, lúc xưa khoảng giờ nầy là chộn rộn tiếng phát thanh quảng cáo, trong cái đĩa cứ quay tròn là giọng ca buồn buồn của một nghệ sĩ cải lương, nổi tiếng với bài Tình anh bán chiếu, những buổi chiều sau khi đi “rao bảng” về tới rạp, mà trời lại đổ mưa, thì bài vọng cổ nầy nghe càng thêm đứt ruột.
Ông Ba nhớ lại:
- Thiệt là lâu, mà vẫn không quên, cô Tư nhớ không hồi... đó cứ mỗi buổi chiều Cha lại biểu hát đĩa quảng cáo rầu nhứt là “Ông Hai Thiên” cầm cây dù xuống mua giàn, cái gì cũng có thể quên được nhưng mà bài vọng cổ nầy khó mà quên.
Mưa lất phất nơi một chợ quê, bài ca từng tiếng một như những hạt mưa buồn rầu, cái buồn làm cho người ta nhớ dai hơn là niềm vui, vì nó dở dang phiền muộn. Tất cả mọi chuyện bây giờ nhớ lại như một đoạn phim câm, một thời bôn ba kiêm sống, trôi nổi trên sóng nước, chuyến xe lãng mạn lướt đi trong đêm trường, sân khấu cũ mục tồi tàn, và muôn triệu ánh dao như sao băng.
Ngón tay trỏ của bàn tay mặt ông Ba có thói quen viết vào khoảng không, lúc nhỏ ông hay viết những chữ cái trên cát để tập đánh vần, ông cũng hay thấm nước để viết trên mặt bàn, ông không nhớ nó đã như vậy từ lúc nào, ông không nhớ ông viết bao nhiêu chữ vào khoảng không, nó có ý nghĩa gì, viết vào nơi mà thời gian cứ thổi phăng đi muôn triệu dòng chữ vô hình. Nhưng gần như lúc nào ông cũng viết, có khi trong giấc ngủ, có khi trong vô thức, tất cả là một quyển nhật ký dầy cộm nhưng... không có chữ nào! Nhưng ông sẽ không bao giờ quên vì nó chính là nỗi buồn. Nỗi buồn của sự tồn tại vô ích, không lý do, của một kiếp người như ông, như nhiều đồ vật cũ kỹ nằm trong xó nhà, mà ai cũng có, rỉ sét lụi tàn, biết vậy mà không thể bỏ đi được, người ta đã quen thuộc, lưu luyên với những gì mình có... tới nỗi khi nhìn lại nó, thì mọi chuyện sống động, ai cũng gọi những nỗi buồn bằng chỉ một cái tên mỹ miều: Kỷ niệm.
Bà Tư hỏi:
Anh có gặp anh Hai không?
Ngón tay của ông Ba “viết” một hàng số:
- Cách đây hai ba năm anh có gặp anh Hai, vào đêm Giáng Sinh, anh đang đứng bán mấy con rối nầy trước nhà thờ Tân Định, ảnh đứng sau lưng anh mà anh đâu có biết, một hồi sau, anh có cảm giác như có ai nhìn mình, anh quay lại thấy anh Hai.
Con đường lớn trước khu nhà thờ Tân Định đông nghẹt người, xe cộ như mắc cửi, người ta bày bán cây thông, hang đá và những bức thằng nhỏ, những ngôi sao bằng giấy màu, lóng lánh ánh đèn, kim quyên. Ông Ba... cũ sì, đứng bên chiếc xe đạp minh với thật nhiều con rối vải thô sơ người qua kẻ lại hờ hững, một cặp vợ chồng trung niên ngang qua những con rối, cười nói vui vẻ... bỗng người vợ níu tay chồng, bà ta chợt thấy con rối lớn trên ngọn cây tre của ông Ba... nhúc nhít? Ông Ba “tiếp thị” bằng cách dùng bàn chân... nhịp nhịp sợi kẽm, nối trong ruột cây tre cho tới đầu và tay con rối, người đàn bà cười toe, kéo chồng tới gần con rối lớn, bà ta nói vớt chồng:
- Ngộ quá, mua đi anh.
Ông Ba bỗng quay ngược lại sau lưng mình, nhìn người đàn ông đứng sau một cột đèn, một khuôn mặt nghiêm nghị, sắc cạnh với hàm râu đen nhánh, và mái tóc dài. Bên cạnh người, dưới ánh đèn đường là những giải băng kim tuyến chấp chới, rất nhiều ngôi sao giấy, ông Ba kêu lên:
- Anh Hai.
Ông Hai gật đầu nhìn em mình, ông vẫn đứng yên tại chỗ, ngón tay chỉ cặp vợ chồng trung niên, ông Hai có ý nhắc em mình nên lo chuyện bán hàng trước đã. Nhưng người chồng đã kéo bà vợ đi thật mau, ông ta nói:
- Ba cái đồ quỷ đó mua làm chi?
Ông Ba đẩy chiếc xe đạp theo dòng người, dưới ánh đèn màu rực rỡ tưng bừng của đêm Noel, ông Hai đi cạnh em mình, từ ngày ở đậu nhà chú Út trong nghĩa địa tới nay, đã nhiều năm, hai anh em mới gặp lại nhau, hai người tới ngồi trên một ghế đá, bên kia đường có một nhà hàng lớn, cạnh rạp hát lộng lẫy, những chiếc xe hơi sang trọng đậu lại rồi chạy đi.
Ngọn đèn dầu sợi tim lụn dần, bà Tư đưa tay run run vặn cái vòng nhỏ, cạnh chụp thuỷ tinh vàng úa, ám khói.
Hai anh em ngồi im lặng, ông Ba nhồi thuốc vào ống tẩu bật diêm, những sợi khói mỏng bay là đà chung quanh hai người:
- Anh Hai chỉ nói có một câu “cho anh gởi, em giữ dùm anh tất cả giấy tờ, với hình ảnh nầy, gởi lời thăm Cha Mẹ, với cô Tư, có lẽ anh em mình không bao giờ gặp lại”.
Bà Tư rên lên:
- Sao vậy hỡi trời?
- Anh cũng không hiểu!
Nói xong anh Hai như biến đi trong bóng tối, hình như có người nào đó theo dõi ảnh, ngay khi anh thấy ảnh trước cửa nhà thờ, coi bộ ảnh có chuyện gấp lắm.
Bàn tay của ông Ba, đặt trên đùi, ngón tay ông bỗng viết những dòng chữ, ông viết tự nhiên, theo quán tính chăng? Nét mặt của ông thản nhiên cho thấy ông hoàn toàn không chú ý gì tới điều đó, có nghĩa... giữa ông và ngón tay ông là hai thế giới riêng, nhưng ông viết những gì? Nó không lưu lại chút gì là dấu tích, loại tốc ký nầy chỉ có ông nhớ trong giấc mơ, những dự báo của cơn bão lớn.
- Hồi xưa, anh Hai của tụi mình là một người tự tin.
Ông Ba trầm ngâm, giờ thì ông nói nhiều lời chững chạc:
- Tự tin nào phải là vốn liếng chi gọi là lớn, người tự tin thái quá gặp một cú sốc dễ mất thần, dễ bị gãy, một lâu đài trên cát cũng đầy vẻ tự tin, nhưng nó có tồn tại đâu, nếu như gặp con sóng lớn.
Cơn gió nhẹ lúc nào cũng quẩn quanh trong ngôi nhà của bà Tư, có khi nó lay nhẹ chút tóc lưa thưa của bà, có khi nó cuống cuồng rượt đuổi theo một chiếc lá ngoài sân. Ngoài đó nắng quái úa vàng trên bậc thềm rêu xanh thẫm, hai anh em... bỗng nhiên im lặng, những gì mắt họ nhìn thấy dưới nắng lúc đó... gần như không thật, những ảo ảnh. Ông Ba lấy từ trong cái bị vải, mà lúc nào ông cũng mang trên vai ra một cuốn tập học trò, màu giấy đã cũ, những tấm ảnh cũng cũ, lẫn lộn trong nhiều giấy tờ tuỳ thân, tất cả cột lại bằng dây thun.
- Gia tài sự nghiệp của anh mình đây? - ông Ba nói với em.
Bà Tư cầm một tấm hình, bà cứ nheo nheo mắt, rất nhiều hình phụ nữ dán trong cuốn lập, phần nhiều người trong hình khá đẹp, hình của ông Hai lúc còn trẻ, mái tóc chải láng với chiếc áo đen, hình chụp trong một tiệm chụp hình tỉnh lẻ, hậu cảnh luôn là bức tranh vụng về buồn buồn. Một tấm hình khác, ông Hai chụp chung với một cô gái xinh xắn, vẻ mặt nhân hậu, với chiếc khăn choàng cổ màu tim tím, nước hình ngã màu, người ta cắt tấm hình bằng loại dao bàn có răng cưa, sau lấm hình có ghi dòng chữ bằng mực tím. Bà Tư thảng thốt:
- Chị Phương?
Đã lâu mà nụ cười của người trong hình còn như thật, sống động, dù cho đó chỉ là tấm hình đen trắng cũ kỹ, chị Phương như sống lại từ đôi môi, mái tóc và cặp mắt, người thợ chụp hình đã bấm máy đúng lúc, bắt gặp giây phút chạnh lòng, nó là niềm vui đêm trước của mọi éo le ngang trái. Ông Ba nhìn tấm hình trên tay bà Tư, bàn tay nhỏ nhắn đầy gân xanh của bà run run, bà thở dài khó nhọc:
- Hình nầy chị Phương chụp ở chợ Lái Thiêu, hôm đó em có đi theo, em nhớ cái tiệm chụp hình gần rạp hát, buổi trưa mà anh nói anh chiêm bao thấy mình thành con chó, tối hôm đó Cha kêu người thợ chụp hình tới rạp.
Bàn tay phải tật nguyền của ông Ba cầm lên một tấm hình khác. Ông chợt nhớ ra người đàn ông chụp những tấm hình nầy, ông ta cao một cách không bình thường, người nầy có đôi mắt cá chết. Đêm đó ông ta đứng chéo góc sân khấu nhưng nổi bật hơn mọi người, chiếc máy ảnh trên tay người thợ kỳ quặc, nó không còn gì để cũ hơn, một màu đồng thau ten rỉ. Cái tiệm chụp hình như bị bỏ quên của ông ta lặng lẽ nằm nơi góc phố mái ngói thấp, khung cửa thật hẹp, như nó hiện lên từ cõi nào, hay thời gian nào đã mất, bên trong tối đen một cái tủ kiềng ngả màu, với những tấm hình lúc nào cũng như muốn nói lại điều gì!
Trong tấm hình là một cảnh hoàn toàn hoảng loạn, bên trái là cái bóng của ai đó vô tình che mất một phần hình, thời chụp và tốc độ máy nhanh bắt dính những mũi dao bay loang loáng, đàng xa, ngoài trước tấm ván có một cô gái thật nhỏ bé đang khuỵ xuống trong bàn tay đỡ của một anh hề. Tấm ván ngã cho thấy một người khác sau nó, tay cầm con dao như chợt xông tới trước, còn lại, trong tấm hình là đám đông hốt hoảng, giống như họ đang trông thấy một cảnh khủng khiếp.
“Trên trời ba vị thần ngồi nhìn tấm gương lớn, trong gương có chiếc ghe nhỏ trôi trên một dòng sông, rồi một thằng nhỏ mới đẻ ra đã cười, một con nhỏ gầy nhom ít tóc với tay qua những mảnh ván, vuốt ve vài nhánh lục bình bông màu tím đang trôi ngược lại. Đứa khác lớn hơn ngồi cuối mũi ghe, chân khoả nước, bên cạnh người đàn ông vạm vỡ ra sức chèo ghe, ông Trần ngồi chùi những chiếc vòng ảo thuật, bà Trần ngồi lật vài lá bài tây, tấm ván phóng dao cột lại bằng sợi dây dài, bị kéo theo sau chiếc ghe. Thần Tiền nói:
- Xiệc rong vậy cũng buồn, không có gì đáng coi, hai ngài cũng thấy cái chợ huyện nầy cũng buồn hiu, chỉ có một rạp chiếu bóng quèn, hay là ta kết hợp họ lại cho vui.
Thần Vàng và Thần Bạc đang lim dim buồn ngủ bỗng hỏi:
- Để làm gì?
Thần Tiền tinh nghịch nói:
- Có quá nhiều chuyện đáng coi, chuyện thứ nhứt, con trai ông bầu gánh hát xiệc rong, người phóng dao trẻ tuổi nầy không lường sức mình, anh ta mơ tưởng tới con gái cưng của ông chủ rạp chiếu bóng.
- Không lạ?
Thần Bạc nói, nhưng Thần Vàng cười thật lớn, lớn tới nỗi sóng trên sông nổi lên cuồn cuộn, khiến cho chiếc ghe chao đảo, người chèo chiếc ghe lập tức la lên:
- Coi chừng mấy đứa nhỏ chị Hai ơi!
Thần Tiền nhìn vào tấm gương nói:
- Sao lại không lạ, ông chủ rạp chiếu bóng vốn hám tiền, kết hợp chiếu bóng với xiệc rong với ông Trần, ông ta có lợi hơn, như vậy có dịp cho cô con gái đi theo gánh hát, không nói các ngài cũng thấy mùi bi kịch rồi.
Ba vị thần chăm chú nhìn vào tấm gương, chiếc ghe hát trôi theo dòng sông, đàng xa kia là một nhánh cây khô, con chó ngồi trên tấm ván, bỗng nó nhảy xuống sông cùng với một cậu thiếu niên bơi về một bến chợ chiều.
Bên kia cầu có rạp hát nho nhỏ lúc nây nhộn nhịp tiếng trống, người người xúm lại coi chú hề con đánh trống quảng cáo bên ánh đèn “măng xông” con chó quẫy đuôi làm trò, nó đứng hai chân sau đi vòng vòng người đánh trống, mọi người trầm trồ khen ngợi.
Thần Tiền nói lớn hả hê:
- Như vậy là tốt rồi, tay chủ rạp chiếu bóng cho ông Trần mướn máy đèn, âm thanh quảng cáo, xe hơi. Máy chiếu phim thì khác, chính ông ta cho hai đứa con trai theo chủ động chiếu phim, ăn chia cũng nhiều mâu thuẫn tin tôi đi, nơi nào có đồng tiền thì nơi đó khắc lớn chuyện.
Bà Tư cười buồn:
Em nghĩ có một thế lực nào đó thật mạnh, khéo sắp đặt mọi chuyện, mà anh em mình như con sâu cái kiến không thoát ra được.
Ông Ba nói:
- Tự thân nó là như vậy.
Ông bồi hồi nhớ lại, đó là những ngày tháng vui nhứt của gia đình ông, vào những tháng nắng trời xanh thâm thẫm, nắng reo lên trên nhiều bến sông chợ huyện, bên kia sông là huyện Trà Ôn sầm uất líu lo tiếng nói cười ông Trần đã mướn được đâu đó một món tiền kha khá, lệ thường ai có chút lúa rồi người ta mới tử tế cho mượn gạo. Ông Trần cho tu sửa dụng cụ biểu diễn, vẽ mới panô quảng cáo may phục trang phông màn, lại còn tự thân mình may một tấm vải trắng dùng chiếu phim. Chú Bê “Picasso” hăm hở trổ tài vẽ tấm panô bự chảng, chú tha hồ tưởng tượng thêm như một bức tranh huyền hoặc, với thằng nhỏ “người cõi trên” phụ việc rửa cọ, nấu a dao pha màu, hai chú cháu vẽ ua hề Sạc lô trên phim, rồi hai anh hề Mập- Ốm “người phóng lao” được vẽ theo kiểu không gian ba chiều rất điện ảnh, những lưỡi dao bay xa hơn, xa hơn sân khấu thật, còn cô đào phóng dao đẹp hơn, nẩy nở hơn, rực rỡ hơn, trông như hoa hậu, mọi sự được nâng lên, người ta chấp nhận chuyện quá đáng nầy vì nó cần thiết, mặt quảng cáo phải như vậy, để kéo khách mua vé. Chiều chiều chiếc xe hơi nhỏ chạy quanh chợ huyện phát “giò ram” nói loa, làm cho cả huyện nóng hơ lên, ai cũng nôn nao, ai cũng muốn tối mau mau, đặng xem xiệc với chiếu bóng, gánh Nghệ Tinh xiệc điện ảnh của ông bầu Trần.
Ông Trần nóng nảy đứng bên kia sông chờ vị Mạnh Thường Quân, ông Quản lái chiếc xe hơi bề thế đang chuẩn bị qua phà, trên xe nhiều bành phim hề mới và nhiều cây “đũa than” dùng cho máy chiếu phim khá nặng, lâu nay chỉ chiếu phim một rạp địa phương ông bà cũng buồn, nhân tiện muốn đi đây đi đó cho vui, cùng đi với hai ông bà có anh em Tùng- Điệp và cô con gái út tên Phương. Phương luôn dấu bàn ta trái trong một chiếc khăn tay và khi không có mặt Cha, cô gái lại chăm chú đọc cuốn tiểu thuyết dầy, lúc nào cũng cài trang chưa đọc bằng một cành hoa ép khô.
Ông Trần tỏ ra vui bao nhiêu thì ông Quản lại lạnh nhạt bấy nhiêu! Ông Quản có gương mặt của người sẵn tiền, giàu cũ giàu trong trứng giàu ra, còn ông Trần mới ky kỏm chút ít, giàu mới đồng tiền của kẻ khó còn quá nóng. Một mâu thuẫn khó tránh, từ trong thâm thâm ông Quản, dưới mắt nhìn của ông, tay nghệ sĩ giang hồ nghèo mạt rệp kia, xuất thân hát xiệc Sơn Đông mãi võ dù sao cũng là kẻ làm công cho ông mà thôi. Mỗi một đêm sau khi trả tiền mướn máy đèn, mướn máy hát quảng cáo mướn máy chiếu phim, tiền mướn phim, ông Quản ăn 6 còn ông Trần được 4 tính theo tổng số cùi vé bán ra, với số tiền nầy ông Trần còn trả lương cho các nghệ sĩ xiệc của ông? Công cốc, mèo vẫn hoàn mèo, theo voi chỉ được bã mía, nhưng được cái là đoàn hát bề thế hơn, lại có chút bã mía.
Phương đi với Mẹ vòng chợ Trà Ôn, lúc sau gặp chiếc xe quảng cáo, Phương nói với mẹ “đi nhờ” xe về rạp, lúc nầy Phương mới có dịp nhìn gần “người phóng dao” danh tiếng mà ai cũng hâm mộ. Anh ta lạnh nhạt hầu như không biết có cô con gái nhà giàu ngồi cạnh mình: Một kẻ kiêu hãnh thấy ghét - Phương thầm nghĩ... nhưng sao lạ lùng, dù là ghét thật đó, nhưng đôi mắt cô con gái không thể nào rời anh chàng lãng tử nầy cho được, khác với vẻ hào hoa trên sân khấu, anh có hốc hác đi một chút, vẻ hốc hác đến tội nghiệp nầy làm chạnh lòng cô gái mới lớn, cô khẽ... thở dài, khiến cho bà Mẹ ngạc nhiên.
Anh Tùng vui tánh và tay Điệp lắc xắc chuẩn bị chiếc máy chiếu bóng nặng nề trong căn phòng nhỏ nóng bức cuối rạp, căn phòng lót ván, nó có hai lỗ vuông như cửa sổ, anh Tùng nhờ tôi kéo phụ giây điện. Ông Trần nôn nao cho đóng kín các cửa vào rạp, từ trong cái lỗ vuông vức cuối rạp nghe tiếng máy chạy rè rè lạ tai, bỗng một tia sáng trắng loá mắt thoát ra chiếu thẳng vào mảnh vải trắng trên sân khấu, ban đầu nó nhảy múa những con số ngược, sau đó là hình ảnh vui mắt, tôi cứ ngẩn ngơ ngẩn ngơ nhìn chiếc máy kỳ diệu làm cho anh Tùng phát cười lớn...
Trong rạp nóng hầm, Phương đưa mắt nhìn quanh, ngẫm nghĩ: Đáng lý với cảnh lạ mắt nầy hay là buổi hợp tác đầu tiên nầy anh ta phải háo hức, lịch sự có mặt, trái lại anh chàng không có trong rạp, tức ghê. Nhưng khi mình tới coi anh ta phóng dao trong chợ Tân Hiệp đêm nào, anh ta có vẻ hoảng hốt khi chạm phải mắt mình kia mà, anh ta còn tỏ ra ngạc nhiên... sau đó đôi mắt anh ta dịu lại, và rồi lúc vãn hát... chính anh chàng ngạo nghễ nầy thơ thẩn như mất hồn nhìn theo ai? Dừng có dấu, chết đứng rồi mà còn làm dáng, hay là anh sợ!
Vào đêm đầu tiên diễn ở Trà Ôn, khán giả đông như kiến, sự hợp tác thành công tới nỗi gương mặt tủ lạnh của ông Quản cũng thấy được nụ cười, màn phóng dao cũng suôn sẻ, nhưng nó có cái gì đó còn đọng lại trong lòng Phương. Phương bồn chồn đứng tim trong khi coi phóng dao... và không thấy “hay lắm” như lần trước, những ngày sau đó, ban ngày Phương cố tới gần cô gái nhỏ đứng trước tấm ván, ban đêm Phương lại lẻn vô hậu trường nhìn cô gái xanh xao được ông hề già tô son điểm phấn. Vẻ chịu đựng của cô nhỏ khi người ta hoá trang cho mình cũng không thua gì khi cô đứng trước tấm ván, đó là một con người ư, khác hẳn, dù cho đó là một con người bằng xương bằng thịt nhưng hoàn toàn khác và xa cách, không thân thiện, nghi ngại, hầu như với cô bé, lòng tốt, sự tử tế không có trên cõi đời nầy, đồng thời cô nhỏ tỏ ra quá nhạy cảm, có lẽ với xâu chuỗi trên tay, hằng đêm cô khóc thầm. Phương không cầm nổi xúc động khi lại coi màn phóng dao.
Ông Quản và bà vợ tử tế của ông của ông trở về Tân Hiệp, ông có nhiều việc khác hơn là rạp chiếu bóng.
Những ngày hè nóng bỏng với hoa phượng đỏ rực khắp các sân trường vắng bóng học trò, cũng là những ngày tháng không quên với Phương, khi nghỉ hè theo hai người anh vui chơi trong gánh hát phiêu bạt. Chú Tài “say” nói nhỏ với bà Trần:
- Chị Hai à, thiên thời địa lợi nhơn hoà, số anh Hai khá rồi đó, mà còn có chuyện nầy nữa nè, chị sắp có dâu. Thằng Hai với cái cô con gái ông chủ rạp chiếu bóng thương nhau rồi, hợp tác kiểu nầy có nhiều sự tới.
Bà Trần khấp khởi mừng, lúc nầy bà hay nhìn Phương, cô con gái nhà giàu nhưng có vẻ bình dân, ai cũng mến. Phương hay nói chuyện và chăm sóc cô Tư, cô gái nhỏ cũng quyến luyến Phương, nhiều lúc hai chị em coi chung trang tiểu thuyết và cùng... khóc thút thít.
Từ Trà Ôn, Cha tôi đem gánh hát xiệc điện ảnh của ông đi dọc theo lục lộ cái xuống các tỉnh thành thuộc Miền Tây, qua nhiều quận huyện trù phú sông nước ruộng đồng xanh ngát, Phương tướng mảnh khảnh như Cha nhưng trời cho một khuôn mặt khác hẳn, vui vẻ như người Mẹ mập mạp của chị, thêm nét hồn nhiên dễ làm quen, cũng... có khi chị khó đăm đăm, cái nết con gái nhà giàu nhưng sau đó chị lại... hay khóc, chị ít nói nhưng hay chăm sóc mọi người, trong gánh hát ít ai ghét chị, kể cả những cô gái người Hoa làm xiệc cũng thích chị, nhìn chị Phương xách giỏ đi chợ phụ nấu cơm hội với Mẹ tôi, tôi cũng thấy... thương thương: Ngồi lặt rau, cắt thịt, vo gạo bên cạnh chị Phương, tôi thấy... bâng khuâng, nhìn chị mồ hôi nhễ nhại bên cái chảo nóng bừng bừng tôi cũng... xót ruột.
Miền Tây.
Những chuyến xe khởi hành trong đêm cô quanh và lãng mạn, thường Phương hay ngồi trên mui xe, với chú Bê và tôi, xe lướt qua những cánh đồng, gió bật tung mái tóc của chị, chị có cái gáy thon và trắng ngần, sau đó gió dịu dàng, trìu mến buông thả mái tóc Phương dài xuống lưng. Còn những đêm dọn bên trên chiếc phà, trăng in hình dưới dòng nước êm đềm, chạy theo nhìn say mê chị Phương, chị có chiếc khăn quàng cổ màu tím rất độc đáo, làm cho chị có dáng nghệ sĩ. Nhứt là nửa đêm về sáng, sương sớm mờ ảo trên sông, Phương đàn ghi ta và hát rất hay, trăng cứ như trôi theo chúng tôi khắp các nẻo đường, và sương muối thì ướt lạnh vai, ướt lạnh cả phím đàn, nghe tiếng Phương hát không còn việc gì có thể buồn bằng, mây trời có lẽ cũng buồn theo. Chúng tôi tới núi Ba Thê, đứng nơi cửa sông, nhìn qua một cánh đồng ngút ngàn, tới vùng Năm Căn mà trước kia, thời khoai hoang chỉ có năm căn nhà, rồi ngược về Cái Nước một chợ nhỏ hoang vu, lộng gió.
Mặt trời mọc rồi lặn trên những dòng sông, có khi cuối ngả đường nào đó, Cha tôi vui vẻ bên cạnh Mẹ tôi, dọc theo sông những giỏ cá đầy, nhiều nhứt là cá linh, loại cá nhỏ vảy lóng lánh màu bạc. Còn hai bên đường lúa tràn đồng, cây trái xum xuê, nối tiếp khu chợ, trường học, chùa chiền, miền Tây đất lành cho những gánh hát nghèo tha phương cầu thực, nơi đây gạo trắng nước trong người dân hiền hoà hiếu khách. Chị Phương có học, thỉnh thoảng dạy thêm cho tôi với cô Tư một vài chữ, chị hầu như luôn có mặt bên cạnh Mẹ tôi, vốn thích nấu ăn, chị hay đổ bánh xèo nhân tôm thịt và bông điên điển, trên mâm cơm hội cũng thường có thêm món nầy món nọ do chị nấu. Cha tôi mỉm cười nhin “hai mẹ con” là Mẹ tôi với chị Phương ngồi bên cạnh trò chuyện, Mẹ ít chữ nhưng nói chuyện khá hay, tức cười nhứt là, tuy có học mà chị Phương lại... mê tín, chị thích coi bói. Mẹ tôi coi bói cho chị, bà nói toàn là điều tốt đẹp cho chị, rất khác thường, toàn bộ câu chuyện là tương lai sáng ngời không chút sóng gió, cuộc đời trong bộ bài của Mẹ lúc nầy tràn ngập “quới nhơn “, tuy vậy trong lòng bà có chút ngần ngại, có lẽ bà cũng không tin chuyện “lương duyên” của Phương và anh tôi có thể lại thành, bà không nôi gì về điều đó, mặc dù là rất trông mong.
Những buổi trưa hè, cứ sau một lúc thật im lặng, lũ ve lại rủ nhau đồng loại kêu vang dội trong vườn cây, nhất là khi chiều tới, anh Tùng với anh tôi thường đi bắn chim, tay Điệp có lúc đi theo nhưng do nóng nảy nên chỉ tổ làm cho lũ chim hoảng hốt, anh ta ở lại rạp... tập tạ.
Anh Tùng với anh tôi cũng thích đi câu cá trên những nhánh sông, còn tôi bơi dọc theo sông với tấm ván, chỉ là khám phá những miền đất hoang vu và hái bần ổi cho em tôi... với chị Phương. Anh tôi khéo tay chế tạo cần câu và nhiều chiếc ná thun, với ná anh tìm loại gỗ gõ nâu bóng, anh cưa lộng thành hình, dùng miếng chai cạo cho tròn lẳn trơn tru, sản phẩm thủ công mỹ nghệ nầy anh tặng cho anh Tùng, tay Điệp, tôi và cả chị Phương... nhưng chị không bắn chim lẫn câu cá, chị sợ phải sát sanh.
Trong vườn cây, dưới chân lá ẩm mục mát lạnh, nắng xuyên qua kẽ lá như những sợi thuỷ tinh đan chéo, cả bọn chúng tôi gồm anh tôi, anh Tùng, tôi và chị Phương len lỏi dưới cành cây vú sữa rậm rì. Trồng chen với cây nhãn và ổi “xá lỵ” cây khế ngọt cây “quần quân” trái nhỏ nâu tím ngộ nghĩnh, vài tiếng chim cu gáy trong vườn, anh Tùng nháy mắt với anh tôi trong khi chị Phương có vẻ không bằng lòng trò chơi ác tính nầy, tôi cũng buồn vì những chú chim sắp lâm nạn. Anh tôi, ngoài tài phóng dao anh còn là một người bắn ná thun bách phát bách trúng, mỗi lần đi bắn chim trở về rạp, trên sợi dây kẽm dài của anh có hàng chục con cu cườm xâu thành chuỗi. Tay Điệp thích anh tôi do những con cu cườm nướng gừng hai bên ức đầy thịt.
Cứ mỗi lần nhìn thấy một con chim trúng đạn, cái đầu dập máu, chị Phương quay chỗ Khác nhăn mặt, chị đi theo trong vườn cây chỉ là mua trái cây cho Mẹ tôi... và chỉ để nhìn anh tôi, tuy e sợ tài bẩn chim của anh nhưng ánh mắt chị không dấu nổi trìu mến, điều nầy khiến tôi có chút ganh tỵ. Dưới ánh sáng mờ ảo chập chờn trong vườn cây, khuôn mặt chị Phương đẹp không thể tả, có điều tôi không hiểu, lúc nào bàn tay trái của chị cũng ở trong chiếc khăn tay, cô con gái nào lại không có khăn tay, rất thông thường, nhưng với chị lại khác, chị có vẻ như dấu bàn tay của mình, điều bí ẩn nầy chỉ có người xét nét như tôi mới để ý- Đồng thời nó báo cho tôi biết, trong chuyện nầy, tốt nhứt vẫn là không nên nói tới, nó nhạy cảm và không lường trước được cơn giận dữ, dù cho đó là người hiền hậu như Phương. Về sau nầy khi tôi có dịp đọc một cuốn tiểu thuyết, hay là tập truyện ngắn, trong đó có truyện “Ngàn Cánh Hạc” của một nhà vãn Nhật, ông miêu tả vô song mặc cảm khôn nguôi của người đàn bà trong câu chuyện - mà nào có gì, chỉ là cái bớt nhỏ trên ngực, tàn hại cả đời.
Anh Tùng luôn có ấn tượng tốt trong lòng tôi, một con người hiểu biết rộng, dễ gần gũi, vui tánh, tôi thầm cầu mong cho anh gặp nhiều may mắn trên đường đời, ao ước rằng trái đất nhỏ bé của chúng ta có thật nhiều người như anh. Anh tôi với anh Tùng bổ sung cho nhau nhiều thứ, kể cả những chuyện vui chơi, như bắn chim và câu cá. Chuyện thứ hai anh tôi cũng rành rẽ nhưng chị Phương cũng không thích, có khi vãn hát rồi anh Tùng và anh tôi còn đi câu cá, “cần câu” của hai anh cũng kỳ quặc nó... chỉ là hai lon sữa bò cũ, và cuộn nhợ gân, tất nhiên là có lưỡi câu nhưng do anh tôi tự cuốn, quan trọng hơn là cục chì và cái phao. Không đêm nào anh tôi về tay không, thế nào cũng có vài con cá Dứa nặng ký, người ta còn gọi loại cá ngon nầy là cá Bông Lao, anh tôi là một tay sát chim sát cá. Mẹ tôi luôn khen anh tôi bất cứ chuyện gì trước mặt mọi người, nhứt là khi có chị Phương. Mẹ có vẻ thương anh nhiều hơn là tôi với đứa em gái tội nghiệp của tôi, mặc dù cũng là do Mẹ mang nặng đẻ đau? Anh tôi 19 tuổi hơn chị Phương một tuổi, cả hai sinh ra đời để chờ nhau ở đâu đó, mặc dù có xung khắc đôi chút nhưng phải gặp, đó là cặp uyên ương màu sắc giống nhau, kiếp trước chắc là anh em một nhà. Anh nói chuyện gì chị Phương cũng lắng nghe... say sưa còn tôi thì chán phèo, tôi hãnh diện khi anh tôi kể cho chị Phương nghe “những giấc mơ đặc sắc” của tôi, chị vừa ngạc nhiên vừa rất thích, từ những câu chuyện hoang đường nầy lần hồi chị có “cảm tình” với tôi hơn, và thường mỉm cười nhìn tôi. Có lẽ chị nghĩ sao tôi cứ vác tấm ván phóng dao, còn với tôi mỗi khi vác nó qua mắt chị tôi như người hùng, tôi khá... kiệt sức vì liên tục tỏ ra mạnh mẽ, kỳ lạ thay cho một thằng cóc cắn như, tôi lại có ảo tưởng được yêu? Tôi có chút ít niềm vui khi nhìn hàm răng đều như bắp luộc của chị Phương, và đó là mối tình đầu năm tôi 17 tuổi.
Chị hay hỏi:
- Sao em ốm quá vậy Ba?
Tôi nhìn chị say sưa:
- Chắc là tại em... khổ quá?
Tôi muốn nói là tại “anh nhớ em”, chị Phương có lẽ hiểu điều đó qua ánh mắt tôi, chị hơi sợ, lần đầu tiên được nhìn khá “cận cảnh” một người con gái, mà là một người con gái tuổi dậy thì quá đẹp, tôi chắc lưỡi thầm trách, trời sinh ra làm chi giống cái “nguy hiểm” nầy! Bởi lẽ ngoài tiền bạc, danh vọng, quyền chức nó còn là nỗi ám ảnh, nguy cơ sụp đổ của một thành trì, chỉ bằng vài giọt nước mắt. Khổ nỗi mùi da thịt con gái thật là thơm, mùi vị là lạ “gây nghiện” hơn là bọn con trai khét nắng hôi hám vì suốt ngày lội sình, đá banh, như tôi. Vì tôi suốt ngày trôi trên sông cho nên tôi nghĩ, mùi thơm nơi Phương có vị cỏ hoang, hay là dễ chịu như mùi bông lục bình, buộc lòng lắm tôi mới kêu Phương bằng chị, tôi chỉ thua Phương có một buổi thôi mà, lỗi tại tôi mọi sự.
Một cái tôi quá đáng luôn luôn có những ý nghĩ ngông cuồng, tôi còn một tôi bên cạnh biết phải quấy hơn, tôi kính trọng chị Phương do tôi cảm được lòng tốt, sự tử tế của chị, chị thật tinh tế hơn nhiều người khác. Mỗi khi chị thấy tôi khiêng vác tấm ván phóng dao quá sức tôi, cũng như chị trông thấy những mũi dao mỗi đêm bay về phía em tôi, khuôn mặt chị thoáng buồn, chị khóc. Chị hay ngồi khá lâu trên một chiếc ghế trong rạp vắng (mỗi rạp chỉ một chiếc ghế khi gánh hát trở về nơi cũ) chị nhìn lên sân khấu trống hoác lúc ban ngày, nhìn Cha tôi đi lại xôn xao, nhìn Mẹ tôi trầm ngâm với bộ bài, em tôi ngồi trong một góc (cũng như chị, nó luôn có một góc ở mỗi rạp) và lúc nào cũng với xâu chuỗi, nhìn tôi nằm ngửa mặt ngó lên trần rạp, chị thở dài. Cuộc sống của chúng tôi mới nhàm chán làm sao, trùng lấp, vô định như cái máy với nhiều trục quay vô nghĩa và vô ích, đôi khi tôi không biết mình sống để làm gì!
Thấm thoát cũng đã qua gần nửa mùa hè, chị Phương chắc cũng phải trở về nhà đi học, chúng tôi xuống miệt Thủ Thừa, Mộc Hoá, bên kia sông Thủ Thừa là Đồng Tháp Mười. Có chuyện gì đó mà ông Quản cho người xuống kêu chị Phương về nhà, anh tôi có vẻ bồn chồn khi vắng chị, đêm hôm sau Cha tôi cho nghỉ diễn vì anh tôi bất thần đi Mỹ Tho tìm Chị Phương, anh Tùng cũng cấp tốc về nhà chỉ còn Điệp ở lại gánh. Vài ngày sau anh Tùng với anh tôi trở lại gánh hát, không có chị Phương, suốt một ngày, cả hai, anh tôi với anh Tùng không nói gì, họ không dấu được vẻ buồn, rạp Thủ Thừa khá lớn, nó nằm hơi xa chợ, đêm diễn đầu tiên không bao nhiêu khán giả, không khí trong huyện nhổ có cái gì khá căng thẳng. Bên kia sông, máy bay chúi xuống cánh đồng, có tiếng bom nổ rền và những đụn khói, đêm thứ hai lên màn cũng không hào hứng, ngay trong buổi biểu diễn có tiếng nổ vang rền trong rạp, điện tắt tối đen, tiếng người la hét, người ta phải dùng những tấm bảng quảng cáo khiêng người bị thương ra ngoài, giữa hàng ghế khán giả có một lỗ trũng sâu, đầy máu, gãy vụn nhiều hàng ghế với guốc dép bỏ lại. Gánh hát hạ ngay bảng hiệu, Cha tôi bị mời lên huyện điều tra, cả đám không được ra khỏi rạp, tất cả ngồi nằm trên sân khấu, lo lắng chờ Cha tôi về, Mẹ tôi cứ đốt những nén nhang cầu tổ nghiệp, còn em tôi run rẩy vì sợ.
Thì ra mấy ông Dân Vệ say rượu vô coi cọp làm rớt trái lựu đạn “mãng cầu gai”; sau vụ “tai nạn” ở Thủ Thừa, Cha tôi cho dọn gánh xuống miệt Cai Lậy - Cái Bè. Nhưng từ ngày đó trở đi, hát ở đâu cũng không đậu giàn có khi di chuyển trong đêm, tôi với chú Bê ngồi trên mui xe nhìn thấy những lằn đạn lửa bay về một phía nào đó, tảng sáng xe phải dừng lại trên đường, giữa dòng xe đò đàng trước đàng sau dài ngoằng. Trên đường nhiều thây người chết, còn phía xa trên cánh đồng, bên những luỹ tre vang lên nhiều tiếng súng. Cha tôi với chú Tài “say” quyết định chuyển về vùng khác, thuộc Miền Đông, chúng tôi tới chợ Bún, sau đó vài ngày dời gánh hát qua chợ Lái Thiêu..