P 6

Tiếng reo hò ồn ào của hàng ngàn khán giả trong cái rạp nóng hầm, lẫn trong tiếng “rền” tiếng “rền” thoát ra khỏi rạp như con chim sổ lồng, nó bay cuống quít quanh quẩn, rượt đuổi nhau trên nhiều con đường nhỏ lanh quanh trong phố huyện, mà vào giờ nầy thường lặng trang. Tiếng “rền” đang chạy trốn vào liệm hủ tiếu ngang rạp, một số theo gió đưa đẩy tới tận trên cây cầu bắc qua sông chợ. Theo đuôi nó là tiếng vỗ tay rượt đuổi như pháo nổ và tiếng... “ồ”... lớn, thán phục lẫn kinh hãi, làm cho mấy tay anh chị đang ngồi nhậu trong quán hủ tiếu bất chợt đứng lên nhìn, hiếu kỳ. Mấy tay du thủ du thực nầy đã say mềm, bắt đầu ngả nghiêng đi qua đường với nhiều tiếng chửi thề, họ nghênh ngang đi qua rạp hát, trên đường họ gây gổ với nhau như bầy chó điên.
Thường lệ bà Trần cố ngồi lấy liền cửa cho tới sau màn phóng dao, bà mới cho xả giàn, giàn cửa có hai thanh gỗ chận ngang, Điệp ngồi trên một thanh, một chân gác qua thanh kia, bọn người say rượu vừa đi vừa đá mấy cái ghế đẩu của bà bán hột vịt lộn, mấy cái ghế lăn lóc trên sân trước rạp hát. Trong số những tay anh chị đó có một tay ít ai dám tới gần, anh ta thường được gọi bằng cái tên chướng lai “thằng dịch vật” đó là một người đàn ông thấp lùn, vai ngang, mặt rỗ hoa, đôi mắt lúc nào cũng đỏ như tôm luộc. Anh ta có một cái tật khủng khiếp, lúc nào nhậu tới chỉ là khóc, rồi trăm lần như một thế nào cũng rút chốt quả lựu đạn bỏ vô cái ly cối khiến cho mọi người sợ hãi bỏ chạy tán loạn, “thằng dịch vật” hung tợn và hám gái, xuất diễn nào anh ta cũng vô cọp hay lên hẳn sân khấu, đứng cạnh cánh gà lấp ló ngây dại coi vũ “sexy”.
“Thằng dịch vật” bước tới xô bà Trần qua một bên, nó vẫy tay ra lịnh cho đám thuộc hạ xông vào rạp, Điệp lấy chân ngáng cửa ngăn nó lại, nó lừ đừ quay lại nhìn Điệp lớn tiếng chưởi thề, Điệp nói:
- Mấy anh vô coi phải mua vé chứ, vô như vầy gánh hát lấy gì mà sống.
Lập tức cả bọn vây quanh Điệp, một người cầm cây dao răng cưa chặt nước đá chém ngay vào đầu Diệp, Điệp nhảy xuống đất tránh nhát dao, lưỡi dao rớt xuống cắn vai, anh rút nhanh thanh mã tấu, nhưng một người khác cầm cái ghế đẩu đập vào thanh mã tấu, cánh cửa sắt bị cả bọn đóng lại, hơn hai chục người vây Điệp vào góc tường. Nhiều khán giả hạng cá kèo đứng cuối rạp, đang quay lưng lại với đám đánh lộn, nghe tiếng la của bà Trần, họ vội vàng quay lại, trông thấy Điệp dựa lưng vào vách. Từ thế đứng nầy, Điệp có cơ hội phản công, anh chém ngã thêm khá nhiều thằng, trong đó có tên cầm dao chặt nước đá, nhưng không ngờ một tên lém lỉnh khác, chui từ sau đâm trúng lưng Điệp bằng một lưỡi lê. Trong lúc một người nữa đập trúng đầu Điệp bằng một cây ba phân vuông cắm đầy đinh, máu từ trên đầu chảy xuống mặt Điệp, anh tung cửa sắt chạy ra sân rạp, cả bọn chạy theo đánh hôi, một người cầm chiếc ghế đẩu đập Điệp túi bụi. “Thằng dịch vật” có súng, đó là một cây cạc bin M2 cưa nòng, báng súng rất ngắn, hắn dấu trong ngực áo, tiếng súng đanh gọn cùng một nhịp với tiếng vỗ tay hào hứng của khán giả đang theo dõi trò phóng dao trên sân khấu. Điệp loạng choạng cố đứng lên với khuôn mặt đầy máu, anh bị cả bọn “thằng dịch vật” vừa đánh vừa đá, xô đẩy anh lê lết lên cầu, mưa bỗng rơi lộp bộp trên những mái tôn, câu chuyện nầy diễn ra nhanh và ngắn gọn như không...
Những hình ảnh cuối cùng trên tấm vải trắng làm cho mọi người cười lăn lộn, mưa cũng cười rào trên nóc rạp, một màn giễu cợt hết mức, người ta đánh nhau bằng bánh kem, một ông Tây hộ pháp to tướng, có hàm râu quặp, trúng nguyên một cái bánh kem giữa mặt. Tất cả diễn ra rất lộn xộn giữa người và kem, sau đó là những con số nhảy ngược trên màn ảnh và bỗng nhiên nó trả lại cho tấm vải một màu trắng toát, đèn trên sân khấu bật sáng trưng. Tiếng “rền” của hàng ngàn giọng cười ngưng lại chung quanh chị Phương, chú Thành lia hai chiếc dùi gỗ trên mặt trống da dê, tấm màn nhung cũ kéo vội qua hai bên, nó xếp gọn gói thuốc lá với ba sợi khói trong những nếp nhăn, ban nhạc trỗi lên bài “Pa si đốp” quen thuộc. Chú Ba Kim Cương mang mắt kính đen, dùng miếng sừng trâu mỏng vo vo trên những sợi dây thép cứng của cây đàn măn-đô-lin, chú Bảy Hơn thấp người, ngậm cái dâm kèn trôm pét, phùng mang thổi, và một nhạc công trẻ có mái tóc vàng chơi công-đờ-pát bằng thùng khuy xăng, nháy nháy mắt với một cô gái ngồi hàng ghế đầu, thật sát ban nhạc đệm, còn bầy con nít chôn rộn trèo hẳn lên sân khấu, mọi sự đều ngộ nghĩnh nhộn nhịp.
Chú Tư Trắng bước ra sân khấu:
- Kính thưa bà con cô bác khán giả Mạnh Thường Quân, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, bà con cười, cười quên thôi, cười về tới nhà vẫn còn cười, chun vô mùng cười mỉm chi cọp, nằm chiêm bao cũng cười, với những màn xiệc hề, ảo thuật hề, kịch hề chiếu phim cũng hề. Đêm mai đúng 8 giờ đoàn xiệc điện ảnh Nghệ Tinh chúng tôi sẽ lên màn biểu diễn tiếp, bà cô bác ăn trầu nhả bã hút thuốc phà hơi trong giây lát cũng tiêu tan, sáng mai trong buổi chợ xin kính mời cô bác anh chị và mấy đứa con nít tới ngay phòng vé, lấy ngay một vé trước mua vui sau làm nghĩa, chương trình đêm mai hoàn toàn thay đổi...
Chú Tư giăng hai cánh tay như con chuồn chuồn, la thật lớn:
- Sau đây là tiết mục hay nhứt, căng thẳng nhút, hồi hộp nhứt, đứng lim nhứt, màn phóng dao bịt mắt chưa từng có... do nam nghệ sĩ Hoàng Dũng và nữ Thần Đồng Ngọc Hà biểu diễn, đặc biệt có sự xuất hiện của Sạc lô “Sáu” Mã Văn Tài.
Chú Tư lùi vô cánh gà, thiếm Tư đứng ở đó, tay nách một thằng nhỏ đang khóc ơi là khóc, thiếm la làng:
- Ông nội mầy chết, hay ba mầy chết, mà khóc từ hồi chiều tới bây giờ, nè.
Thiếm thảy thằng nhỏ lên tay chú Tư, chú chụp hụt thằng con, thằng nhỏ lé xuống sàn sân khấu, nó càng khóc dữ, chú Tư bạt tay thiếm, thiếm té nhào vô một góc miệng chú chửi thề:
- Bộ mầy muốn giết nó cho chết hả mậy.
Vợ chồng chú Tư chỉ có một đứa con trai, nó tên là thằng Nhựt, hai người thường đánh lộn vì thiếm vừa cộc tánh lại vừa hậu đậu, mà chú Tư lại rất cưng con. Nhựt năm đó mới có 4 tuổi nhưng khó dạy. Anh chàng chơi công-đờ-pát chỉ có một cái quần tây, khổ thay lại thủng đít, càng khổ vì chơi loại đàn nầy phải đứng, anh ta cứ xoay người lúng túng sợ cô gái thấy, cho tới khi đèn dưới rạp tắt.
Chú Thành lia hai chiếc dùi trên mặt trống “làm màu” cho anh tôi bước ra sân khấu, anh chàng công-đờ-pát tóc vàng mới tỉnh người.
Qua kẽ tấm ván tôi thấy anh tôi bước ra sân khấu, anh mặc sơ mi sa-ten đen, quần nỉ đen, chân mang đôi giày chữa lửa cao su đen, chiếc khăn choàng cổ của anh cũng màu đen tuyền, tôi ngạc nhiên vì chiếc áo choàng rộng trên vai anh. Tay anh cầm một xấp dao nặng, run run (vì tôi thấy rõ chuôi dao cột chỉ màu ngũ sắc lay động) tôi cũng thấy thật rõ chú Bảy Hơn, dưới thềm sân khấu, cây kèn cũ kỹ, cái cần câu cơm của chú, trước đây thổi đám ma, cái giá nhạc luôn luôn có một cái loa nhỏ để che ánh sáng. Có lẽ chú không muốn làm loé mắt người phóng dao, tôi để ý không biết bao nhiêu lần, mỗi một lần lưỡi dao bén bay về phía em tôi chú lại cúi người xuống để khỏi trông thấy, chú nói nhỏ: mô Phật.
Không hiểu sao cơn sốt lại tới với tôi vào lúc nầy, tôi không kềm được hai bàn tay của mình, trán tôi nóng hầm với những giọt mồ hôi nhưng cả người lại lạnh. Nhịp tim tôi dồn dập khác thường, tôi cố nhìn sâu xuống hàng ghế quen thuộc, nơi chị Phương ngồi, chị vẫn còn ngồi đó còn anh Tùng không biết đã đi đâu, một lần nữa tôi ước ao sao cho chị biến mất đi vào lúc nầy, linh cảm cho tôi biết, sự nguy hiểm sẽ tới trong phút chốc cho em tôi dẫn tới từ cái nhìn bi kịch của chị với anh tôi.
Cuối cùng, hỡi trời, màn phóng dao cũng bắt đầu khi anh tôi hất chiếc áo choàng ra sau lưng, mái tóc anh đen tuyền trên một khuôn mặt trắng xanh, anh đưa mắt lường khoảng không gian khá rộng từ mũi giày của anh cho tới tận chân tấm ván, anh phóng thử những lưỡi dao khởi động, tua dao bay không đều như mọi đêm trước, có lưỡi dao rớt ngay lần phóng đầu tiên, điều nầy từ trước cho tới nay không hề có. Chú Tài “say” hôm nay không dấu được ai rằng chú đã say mèm, chân nầy đá chân kia, khi chú tới gần tấm ván để gỡ những lưỡi dao và cúi lượm các lưỡi dao rớt, tôi nghe mùi rượu nặng và hơi thở mệt nhọc của chú. Anh tôi lui vào một góc sân khấu, cứ lau hai bàn tay vào một chiếc khăn trắng chiếc khăn của chị Phương!
Cũng những khuôn mặt mà tôi trông thấy hàng đêm dưới hàng ghế khán giả, khi diễn ra trò phóng dao, tôi không tìm thấy vẻ háo hức, mà lần nầy sao lại nặng nề, họ im phăng phắc, chăm chú nhìn anh tôi. Anh tiếp tục phóng khởi động, đôi mắt anh dại đi như người mất ngủ, thiếu hẳn vẻ tự tin, và không tập trung, có cái gì đó trong mắt anh như là sương mù, anh tôi phân tâm khi anh nhìn về phía chị Phương.
Em tôi dừng lại một chút bên cánh gà, bên ngoài cánh gà là một cảnh đời khác hẳn, nó sẽ một mình trần trụi trước những mũi dao, tối hôm nay em tôi mặc áo sơ mi sa-ten màu trắng trên cái cổ gầy nhom quấn chiếc khăn thêu. Mái tóc sữa lưa thưa màu râu bắp non của nó cột thành đôi bím nhỏ, cùng với một cánh hoa lim tím, hoa lục bình dại. Tôi nhìn về phía chị Phương, tôi thấy chị đưa một bàn tay lên ngực, bàn tay không cầm khăn, nó dị dạng khác thường. Chiếc khăn đang ở trên sân khấu, nụ cười của chị Phương ở đâu? Tôi muốn trông thấy nó, nụ cười mà ai thấy cũng ấm lòng, sao tôi không còn thấy trên mặt chị, đó là một điềm gở. Em tôi bước ra sân khấu trong tiếng trống rè, hình như tôi nghe tiếng ai chắc lưỡi, đôi chân mang giày ba la nhỏ của nó bước chậm trên sàn ván mục, chú Tài “say” phải kê thêm cho nó một cái thùng, vì nó quá thấp, em tôi mở mắt ngạc nhiên nhìn hàng ghế của những người đến coi xử án. Hôm nay họ tới thật đông đủ, em tôi cúi chào và bắt đầu thế đứng thế đầu tiên của màn phóng dao, thế đứng trực diện với anh tôi, anh đang đứng chéo góc sân khấu, tay cầm những lưỡi dao, cách đứa em ruột của mình khoảng mười bước chân, khúc xạ từ thứ ánh sáng đan chéo, cho thấy anh có nét mặt ngơ ngác... Nhưng tất cả mọi việc giờ đây không thể dừng lại được nữa, và bỗng nhiên anh lại lùi thật sâu vào một góc tối.
Nhạc đệm cho xiệc khá khác thường, nó như dồn thúc, nào tiếng trống trận, tiếng kèn khàn đục lập binh, tiếng trầm của cõi nào vọng lại ma quỷ, những khuôn mặt tôi nhìn thấy đêm nay. Có lẽ do cơn sốt làm quáng mắt cho nên tôi thấy nó kết dính lại từng chùm, một người có nhiều đôi mắt và nhiều người khác lại hiếm thấy rõ mặt, nó là một bức chân dung rất trừu tượng, mặt của những con cá ươn.
Từ một góc sân khấu, trong bóng tối, anh tôi bước nhanh ra, người ta chưa kịp nhìn rõ anh cũng như chưa biết anh định làm gì thì một lưỡi dao đã xoay tròn bay vút tới tấm ván, lần nầy không hề phóng vào tấm ván trơ trụi mà có vật thí thân mua vui, tôi nghe tiếng dao vút đi, tiếng ma sát của thép với gió, ánh dao như pháo hoa sáng ngời. Lưỡi dao cuộn tròn chém ngọt vào khoảng không gian theo chiều dọc, dao bay như tia chớp tới tấm ván, cắm phập vào sát thân hình khẳng kheo của em tôi, hình như tôi nghe tiếng tim nó đập mạnh ở trước tấm ván, ngay khi đó là một tiếng “rền” lớn. Những lưỡi dao kế tiếp bay tới, nó bay lệch qua chiều ngang, như cắm vào tim tôi, một lưỡi dao trúng vật gì đàng trước tôi, không phải là tấm ván vì vậy mà nó rớt xuồng sàn sân khấu một cách xấu hổ, với tiếng huýt gió chê bai. Ở thế đứng nầy em tôi thường xoãi cánh, và hai bàn tay, lúc nào cũng nắm thật chặt mép tấm ván, nó đang tìm bàn tay tôi, khi bàn tay tật nguyền của tôi chạm vào tay em tôi thì như tôi chạm vào một tảng nước đá. Bàn tay nó lạnh như xác con chim bị đạn, em tôi đã trúng dao, trong khi tôi gần như muốn nhảy bổ ra khỏi tấm ván thì những lưỡi dao khác cắm phập trên tấm ván, bỗng từ phía trước tràn ngập tiếng vỗ tay. Và một tiếng “rền” kỳ lạ mà tôi chưa bao giờ nghe, nó như tiếng kêu của loài cá.
Đó là những cú phóng đẹp mắt, chí ít là với người mua những tấm vé, mười một lưỡi dao cắm sát mặt cô gái nhỏ đứng trước tấm ván, chưa khi nào sát hơn tuyệt đối hơn và nguy hiểm hơn, trừ một lưỡi dao xé rách tay áo của cô nhỏ. Chú Tài “say” lẫn vào sau tấm ván, chú run như người sốt rét, với khuôn mặt hề, có ai mà biết, cứ nghĩ đó là miếng giễu, cho nên gây nên một tràng cười lớn như một tiếng sóng gầm vang dội, lúc đó tôi nghe vẳng lại từ trước cửa rạp có tiếng súng nổ đanh gọn...
Chú ba Kim Cương nghe tiếng súng, người khiếm thị có đôi tai thính, chú hỏi:
- Chuyện gì vậy anh Bảy?
Chú Bảy Hơn nhìn thấy bà Trần chạy vội vã trong đám đông, bà lên hậu trường bằng cửa sau rạp, ông Trần không có trên sân khấu, các diễn viên lo lắng lớp nhìn ra sân khấu lớp nhìn ra của rạp, trong tiếng khóc thét của thằng Nhựt, nó vừa khóc lớn vừa chỉ xuống đám đông, nó có vẻ quá sợ...
- Không biết, tôi thấy bà bầu chạy vô rạp, chắc có chuyện gì ngoài cửa.
Chú Bảy Hon ngập ngừng trả lời, cô gái ngồi hàng ghế đầu cũng là một con cá, nó ngoái nhìn ra cửa, nhưng không phải hầu hết những con cá đều nhìn, những con cá khác không quan tâm tới chuyện ngoài rạp, phần đông bị cuốn hút nào “tấm thớt” trên sân khấu.
Ngoài sau tấm ván, lần đầu tiên trong đời tôi tôi kêu gọi sự nhiệm mầu nào đó:
- Trời ơi?
Chếch về phía trái sân khấu có một người làm tôi khó rời mắt, người đàn ông nầy cao tới nỗi bất bình thường, ông ta nổi bật trong đám đông, trên ngực mang chiếc máy ảnh lớn, cũ kỹ, đôi mắt như cá chết đục ngầu, u ám lạ kỳ, ông ta chính là, con cá ngồi sau lưng chị Phương, con cá nầy bơi tới gần sân khấu từ lúc nào tôi không biết. Tôi chưa biết mặt quỷ sứ, như mẹ tôi thường kể chuyện con người lúc chết, lũ quỷ kéo tới mà kẻ nầy là hiện thân. Chung quanh ông ta là một cái gì lạnh tanh mờ tối, hầu như không có ai trông thấy ông ta ngoài tôi, ông ta nháy mắt với tôi, rồi dùng một ngón tay chỉ lên môi, bỗng nhiên tôi run lên khi nhìn cặp môi ông ta động đậy tôi nghe vẳng lại tiếng thì thầm khàn đục:
- Con dao, con dao?
Hay là tôi đã ký một hợp đồng làm thuê cho quỷ dữ rồi, tận cùng sâu thẳm, dưới đáy của một thứ hang động (mà có khi ai đó) bỏ quên, đen tối, trầm uất, bí ẩn, người ta luôn có có bên mình con vật, tên gọi là bản năng, nó luôn sống chờ đâu đó, tôi chợt nhớ trong tôi có một con người thứ hai, rất nhiều khi nó hoá trang thành cái bóng của tôi, rất ác tính. Tôi không chống lại nổi ý định quái gở về việc sử dụng con dao làm cá của Mẹ tôi, suốt cuộc đời nó, nó đã quen với máu. Như một lần tôi cầm nó rượt trối chết kẻ nhạo báng mình, không hiểu sao trên tay tôi, con dao như thúc dục, nôn nao, còn bây giờ, con dao như có hồn ma nầy, ngẫu nhiên làm sao, tôi lại giắt sau lưng tấm ván, nó giống một vật sống, ngọ ngoạy muốn thoát ra ngoài. Khi bàn tay tôi chạm vào nó, con dao nóng rực như mới trui trong lửa, tôi nhớ lại giấc mơ của mình, một lần nào đó tôi đã giết người, cũng với con dao nầy, con dao đã đi theo tôi vào tận cùng giấc mơ, nó có thật khi tôi thức dậy và hiện giờ tôi đang đứng trước nó.
Anh cứ thử cầm một con dao rọc giấy hay là dùng xẻ dưa, đừng dối mình rằng anh đã không giết chúng, có người đùa với nhau bằng vật bén nhọn sau đó giết chết người, cũng đừng nói là vô tình, lúc đó một thoáng anh có manh nha ý tưởng bạo hành, một phản xạ có điều kiện, liên tưởng nầy dẫn tôi tới hình ảnh anh tôi với những lưỡi dao trên tay.
Từ lâu tôi không muốn, tôi không thích, cứ mỗi đêm lại đứng ngoài sau tấm ván phóng dao, cái tấm thớt tanh tưởi, hay là tấm ván hòm nầy, nhưng tôi khó thoát ra được, nó đã là xiềng xích quen thuộc, đầy ắp điều kiện chằng chịt, liên quan giây mơ rễ má với nhau. Có cái giá phải trả, cái giá không thể mặc cả, và hoàn toàn ngoài tầm tay, có cái gì đó làm cho anh tôi chạnh lòng, khiến cho đôi, mắt thường ngày cẩn thận tinh anh, đêm nay đờ đẫn mất hồn, anh đang ngã giá...
Chú Thành lia hai chiếc đùi trống, lần nầy ở rìa mảnh da dê, trên mảnh da con vật chết khô tan xác tội nghiệp, căng cực thẳng ba sợi lò xo, động, nhẹ tới nó lập tức nó kêu lên, một giọng than rè rè. Đây là thế phóng dao nghiêng người, người phóng dao xoay tròn theo vài nhịp nhạc, người đứng trước tấm ván phải khom lưng, cúi đầu cho những lưỡi dao cắm chung quanh cằm và gáy. Tai tôi đã quá quen với tiếng trống của chú Thành, cứ mỗi lần lưỡi dao của trò-phóng- chung-quanh-đầu nầy phô diễn, dao cắm vào mảnh ván, chú lại đập dùi lên cái da đồng.
Tôi-nín-thở-đếm-theo-từng-tiếng-đĩa-đồng-vang: một... hai... ba... bốn... năm... sáu... bảy... tám... chín. Trong không khí nóng như lửa địa ngục, tôi nhìn thấy cả những người cởi trần, đang hết sức khích động, có người nhảy chồm lên lưng ghế nồng nhiệt vỗ tay, nhiều tiếng chắc lưỡi ghê rợn, đám con nít vẫn cứ chen lấn trên thềm sân khấu cạnh ban nhạc đệm. Tôi khẽ nhìn về phía người mang máy ảnh, lúc nầy ông ta le lưỡi, con mắt cá chết nhắm lại. Nếu ông ta là con quỷ thật, cũng phải sợ trò chơi nầy của người. Tôi rất lo, rất sợ, trò phóng dao chung quanh đầu, nó dễ trúng và gây sát thương chết người hơn là trúng vào da thịt, nếu người bị thương không chết, nó càng thảm hại hơn vì điên cuồng bịnh tật.
Còn ba lưỡi dao theo như lệ thương nó phải cắm cho sát phần đầu của người đứng gần cổ họng tôi bắt đầu đêm thẹo tiếng đĩa đồng, một tôi không nhận được tiếng dao cắm vào ván, hai vẫn vậy tôi nghe một thứ tiếng khác và tôi hốt hoảng biết chắc chắn ba lưỡi dao cuối cùng đã không chạm vào tấm ván, nó chém vào một vật mềm hơn, tiếng dao rớt xuống sàn sân khấu có nghĩa là nó đã chém vào em tôi,... tôi nghe tiếng chú Tài la làng:
- Trời ơi... cô... Tư.:. bị... thương... rồi!!
Đã quá nhiều lần, trong tuyệt vọng tột cùng, tôi mong mọi sự mầu nhiệm diễn ra, nhưng lần nầy thì không, tôi nghĩ rằng không có ơn cứu chuộc nào, cho một đứa con gái vị thành niên tội nghiệp nầy, mặc dù nó chưa làm cho ai phải buồn lòng. Tôi nổi giận, không chỉ giận một người, tôi giận tôi và hết thảy mọi người, tôi giận trái tim tôi, tôi muốn từ bỏ nó, trong thân phận của kẻ hèn mọn cùng cực, tôi ao ước mình không có trái tim. Tôi muốn tấm màn nhung nặng như vải phủ quan tài khép lại vĩnh viễn, tôi muốn mọi người chết đi và tôi cũng nên chết, trong sám hối, có được như vậy, may ra tôi mới vứt bỏ nỗi buồn trong lòng tôi. Tôi đã lo nhiều cuộc hẹn giúp người, tôi cũng đáng trách vì không tin rằng trên cõi đời nầy lại có một người cưu mang giúp đỡ tôi. Song, giờ phút nầy xin cho tôi nhận, chí ít về trách nhiệm máu thịt với em gái tôi, còn hơn là cứ thụ động đứng sau tấm ván ghê tởm nầy, cho dù là tôi với nó, người bạn của tôi ơi, bạn cũng tổn thương.
Bàn tay của tôi chạm vào con dao giắt sau tấm ván, tôi sống tới đây chắc cũng đã đủ, lâu nay tôi có ích lợi chi cho ai, tôi thấy sắc lạnh của lưỡi dao, nó như thôi thúc, tôi muốn giết chính tôi. Tôi vẫn hay ngồi một mình, khó nhứt khi người ta còn có mỗi một mình, tôi hết sức cố gắng làm cho tôi hiểu được, tại sao tôi sinh ra, rồi một ngày nào đó như ngày hôm nay tôi lại muốn chết đi. Một sự xếp đặt trước rất ngẫu nhiên và vô phương hạn chế, một người nầy ngẫu nhiên gặp gỡ một con người khác, sau đó lớn lên, trong vô số ngộ nhận, tôi là một hình thành tệ hại nhứt, trong chuỗi di truyền của dòng họ tôi.
Tôi với anh tôi ngồi trên một câu cầu tàu, có lẽ nó bị bỏ quên từ lâu, khi nước ròng sát đáy sông, chân cầu cao lêu nghêu rỉ sét bám đầy vỏ ộc, những con ốc bén đứt chân như không. Cầu tàu nầy không xa rạp hát cho lắm, tôi cột tấm ván phóng dao dưới chân cầu, nước đang lớn và chảy xiết sóng lăn tăn trên mặt sông, dưới nắng con sông giống như một đĩa bạc lóng lánh chạm trổ. Anh tôi đang nhìn mặt nước sủi bọt, theo kinh nghiệm của anh, nơi đó có cá, những lúc như vậy khó nói chuyện với anh, anh đang hết sức chú ý về con cá. Sợi giây gân trên cần câu của anh run bần bật, một ngón tay anh khẽ chạm vào sợi giây, hình như anh thấy con cá... đang vờn quanh mồi. Nhưng bất thần anh gác cần câu vào cái giá, nhìn tôi cười:
- Con cá nầy khôn hơn mầy?
Giữa trưa, gió trên sông mát rượi, anh tôi nằm xuống sàn cầu tàu, lấy cái khăn tay đắp kín mắt thiu thiu ngủ. Tôi đoán chắc anh biết “tánh” con cá nầy, nó còn vờn chung quanh quan sát miệng mồi, thời gian nầy đủ... cho anh tôi ngủ một giấc. Dưới dòng nước ai mà biết con cá làm gì, chỉ có đoán, anh tôi chờ, còn con cá cú sủi bọt chọc tức. Cũng có khi con cá cao tay hơn, nó thong dong bơi hẳn vào trong bóng mát của những nhánh bần, hay chui vào đám ô rô ngủ trưa, cả hai gờm nhau:
- Cẩn thận tốt hơn.
Tôi không hiểu cái thú vị của việc câu cá, lẽ nào lại là chờ với chờ, tôi không đủ kiên nhẫn, khéo léo như anh, tôi vụng tính, lại long bong lật đật, cầm cái gì cũng rơi làm việc gì cũng hư, láu táu như mẹ thường nói về tôi.
- Cái thằng, chưa đi đã chạy, hồi nhỏ nó cũng vậy, chưa lật đã bò, chưa đúng vững đã muốn nhảy, trên đầu nó biết bao nhiêu là thẹo vì nó là vua... té.
Đúng là trên đầu tôi nhiều vết thẹo, có vết thẹo lạ hình chữ V, nỏ là dấu in của một mảnh sắt, còn thẹo vì đứt tay hay thẹo do cụng đầu vô tường là chuyện thường, anh tôi trong suốt như con sứa, không một vết thẹo, tôi muốn “sạch sẽ” như anh mà không được, anh còn cái nầy tôi thua xa anh, anh rất tỉnh táo nhứt là khi đi câu cá...
Tôi không câu cá, bởi gì cá là bạn của tôi, tôi cầu mong cho con cá dưới đó về với má nó cho yên thân. Anh tôi vẫn ngủ, nước lớn cuống cuồng chảy, nước bị chân cầu chận lại thành những cái xoáy mạnh, rất nhiều lục bình trôi mắc vào đó, tôi cũng sụp cái vành nón của tôi trên mắt, rồi tôi cũng thiu thiu ngủ như anh. Một lúc thật lâu, tôi giật mình vì một tiếng động, tiếng quẫy đuôi của một con cá, anh tôi đã thức từ lúc nào, anh đang ghìm chặt cái cần câu bằng tre già, vừa đưa nó ra đàng sau lưng, lại vừa cuốn sợi giây gân vào cái lon cũ. Cứ mỗi lần như vậy khoảng cách từ con cá tới anh tôi thu ngắn lại, sợi giây căng thẳng, chưa thấy con cá nổi lên, nhưng có dấu hiệu nó cố sức thoát ra lưỡi câu, lúc nầy đôi mắt anh tôi nghiêm nghị, sáng rực, thủ đoạn. Một con cá Dứa lớn, trần trụi lao lên mặt sông rồi chúi mũi xuống nước, nó mang theo sợi giây, lặn sâu nhưng lại phóng lên cao ở gần giữa sông, nó kháng cự một cách đáng nể, nó lôi sợi giây nặng bơi về phía trái, qua phải. Có khi vượt hẳn tới trước làm cho sợi giây chùng lại, bất ngờ, nó quẫy chiếc đuôi màu rêu xanh làm tung toé những bọt nước trắng. Con cá mất tăm, đã thoát. Anh tôi không ghìm cần câu nữa, anh thả thêm giây, cuộn giây tuôn ra gần hết, bỗng anh nhấp nhẹ cái cần, bất ngờ giật mạnh hết lực về phía sau, sợi giây lại căng thẳng trên mũi, cần câu. Cái cần hoằng xuống theo sức nặng của con cá và dòng nước chảy ngược, tạo thành một khoảng cách cực ngắn giữa tay sát thủ và nạn nhân, một kẻ nghèo nàn, ngây thơ, không manh áo hèn mọn, thất thế.
Anh tôi hớt mạnh cần câu về phía sau một lần nữa, con cá tội nghiệp bị vật tung lên mặt nước lóng lánh, con cá với cái lưỡi câu thép móc chặt bên mép, ngạnh nhọn làm rách toạc tận mang, nó thoi thóp thở. Anh tôi có cái vợt dài, con cá Dứa mắc lưỡi nằm nghiêng trong cái vợt, sau đó, nó rơi vào một hoàn cảnh bi đát, một nơi không muôn tới, trên sàn xi măng khô ráp, của cái cầu tàu cũ, đôi mắt tròn đục uất hận, tuyệt vọng.
Lúc nào đi câu anh tôi cũng câu được cá, còn tôi, chỉ ra sông để ngâm tấm ván, ngắm nhìn sông, còn nếu như đi với anh, khi anh câu cá, tôi nhìn công việc nầy với tiếng thở đài, tôi như Cha tôi, không có tham vọng và khái niệm về vật chất, chỉ thích những gì hiện có của mình. Tôi khoái bơi lội chung quanh những con cá, hơn là câu nó, đó là một trong nhiều điều làm cho tôi khác hẳn với anh tôi, làm cho chúng tôi không thể dấu nổi dị biệt, bối rối, tôi hối hận vì có lúc tôi cũng có một cái cần câu. Nhưng đồng thời tôi thường nghĩ, mình chính là một con cá, tôi khó thể đành lòng giết bạn bè của tôi, tôi nói với anh điều đó, anh suy nghĩ một chút, hỏi:
- Vậy chớ tao hỏi mầy, trời sinh ra con cá làm gì?
Có ai trả lời được câu hỏi nầy, không chỉ hỏi về việc con cá để làm gì, mà nó là ai? Với hàm ý giá trị, tôi nói rằng có thể nuôi nó, lập tức, ngay đó tôi nhận một cái nhìn nặng cân và nụ cười tha thứ... Một hôm, chú Bê và tôi lén ăn cắp một con cá của anh tôi, chúng tôi đem nó ra sông, thả nó về với nước, điều đó làm cho nhiều người giận, vì mất miếng ăn:
- Luật sinh tồn, con cá ăn con kiến, con kiến ăn lại con cá! Con người thì nhai ráo.
Tôi sinh ra trên dòng sông, có nhiều “người cá” như tôi chăng? Làm sao tôi biết, nhưng tôi lại khác, tôi không quên nổi những dòng nước, nó là cái mà tôi nhìn thấy lúc ban đầu, gắn chặt vào tâm hồn tôi. Rồi buổi nào, trong một trường hợp khá lạ, tôi bẻ gãy cái cần câu mà anh tôi đã làm cho tôi, sau đó tôi khóc vùi đầu, làm cho Mẹ tôi lại hết sức ngạc nhiên.
Chuyện xảy ra cũng trên chiếc cầu tàu nầy, cũng trên dòng dòng khó quên nầy, nơi tôi thấy Phương lần đầu, vào một buổi chiều nắng muộn úa vàng trên sông, lúc nầy em gái tôi ngồi trên thành cầu (hầu như từ khi tôi biết chiếc cầu, tôi chưa hề thấy con tàu nào ghé lại). Nước lên mấp mé sàn cầu, em tôi thả chân khuấy nước, em cứ nhìn mấy con cá nhỏ bơi tung tăng, vài con cá không tên bơi chung quanh “cắn” nhẹ vào bàn chân em tôi, tụi con nít nhỏ lăn xăn, nghịch ngợm dễ thương.
Anh tôi lúc nào cũng câu cá, tôi cứ nhìn cây cần câu mà anh làm cho tôi, ngần ngại, chính anh mài một lưỡi câu bằng cọng thép thật sắc cho tôi:
- Mầy phải có một cần câu mạnh, một sợi nhợ gân chắc, với lưỡi câu bén co nầy, may ra mầy mới câu được cá?
Tôi nhìn cái lưỡi câu, nó bén như dao lam và nhọn không thua mũi tên, nếu cái lưỡi câu cá “cần cẩu” nầy móc trúng một chiếc tàu lặn, nó cũng lôi chiếc tàu lên bờ. Còn nếu như có con sấu khùng nào lang thang vô ý mắc... cái “neo tàu” nầy... nó cũng phải khóc. Ngạnh lưỡi câu ngược và sắc một cách bí hiểm, cộng thép cứng đàn hồi, nhưng không thể gãy, hay biến dạng, anh nói:
- Con Trời cũng không thoát, đừng nói con cá!
Nhìn lưỡi câu tôi phát sợ, nói chi là con cá, nó thấy là né ngay, tôi thử đưa cái cần câu lớn ra sau lưng, bắt chước anh khi anh quăng sợi giây quá dài, lần nào cũng vút tận giữa sông, tôi vụt nó về phía trước, có một cảm giác hơi thất thường, dễ chịu, thoả mãn, như khi chinh phục một cái gì mạnh hơn mình. Nhưng không hoàn toàn là vậy bởi vì tôi lại là đứa hậu đậu, vụng về, mà bất ngờ hơn, cần câu của tôi có cục chì khá nặng, lúng túng cách nào đó, tôi đã không kềm nội lực đẩy, cục chì bay vòng như viên đạn, nó bắn mạnh vào đầu anh tôi. Tôi chỉ còn kịp thấy anh nẩy mạnh cái đầu, cục chì tiếp tục đi con đường của nó, kéo theo cái phao lông vịt... và cái lưỡi câu lớn như mũi, tên bén, ngót, móc vô vai anh tôi, em tôi mặt cắt không còn giọt máu.
Lưỡi câu xé toạc mảnh vải áo trên vai anh, nó móc cái ngạnh sâu trong thịt anh, với kinh nghiệm riêng, tôi biết rằng sẽ hết sức đau, đau tận tim khi bị một vết chém lẫn đâm như vậy. Có thể ngất xỉu, hay đột quỵ, mặt khác, để lấy cái ngạnh lưỡi câu ra cho được, không phải là chuyện dễ, cần phải hết sức bình tĩnh và gan góc, việc nầy như cực hình. Tôi đứng chết trân, không biết nên làm gì, anh tôi... nhìn cái lưỡi câu giây lát. Anh là một người chịu khó, anh cắt đứt sợi giây gân, cách ly cục chì với phao lông vịt... Anh từ tốn bẻ ngược lưỡi câu vào phía ngực, lưỡi câu cuốn cái ngạnh sắc của nó, theo chiều móc nhọn, nhưng nó cũng đem theo một mảnh thịt và máu. Em tôi rú lên, nó nhắm nghiền mắt lại, run bây bẩy, tôi tưởng là anh sẽ nhảy tới đánh tôi, nhưng không phải như tôi nghĩ, anh tôi không làm vậy, anh chỉ nhìn tôi với cặp mắt tha thứ, rằng tôi chẳng làm nên tích sự gì, ánh mắt anh càng, làm cho tôi đau đớn hơn hơn...
Trái với một lần khác, khi anh vô tình làm té em chúng tôi, lúc đó nó còn chập chững mới biết đi, tôi đã định xông tới đánh anh, anh cũng không giận, tại sao điều nầy cũng làm cho tôi tổn thương, nói ra, cũng không tiện nhưng... (do tôi cố chấp vì anh hơn tôi nhiều việc).
Tôi bẻ gãy cần câu, sau đó trong suốt cuộc đời tôi, không khi nào tôi nhìn hay tới gần một người câu cá, lúc về tới rạp hát tôi nhủi vô một góc, tôi tránh Cha tôi, cũng như không đám đứng trước mặt Mẹ tôi. Tôi không ăn cơm không uống nước để tự trừng phạt mình, tôi là một kẻ hồ đồ, luôn luôn, là như vậy trước mắt mọi người, anh tôi không bao giờ nhắc lại điều nầy, tôi còn nhớ, anh cứ nhìn tôi mỉm cười. Anh kéo sợi giây câu của anh vào bờ, đắp vết thương bằng mẩu thuốc lá để cầm máu, từ hôm đó anh đi câu không có tôi, chỉ về sau nầy anh luôn đi với anh Tùng. Tôi chưa đủ sức nhận định một việc gì nêu nó khá tinh tế, nhưng tôi ngờ rằng anh tôi ghét tôi hơn cái gì khác trên đời, do vậy anh có vẻ tha thứ, độ lượng, dưới mắt anh, một người đầy tài hoa, tôi chỉ là con sâu cái kiến, điều nầy vô hình trung làm cho tôi tầm thường, vô cùng khôn đốn, buồn cười dưới ánh mắt mọi người.
Anh cũng thích thả điều, anh cẩn thận vót những nan tre, làm cho tôi với em tôi những con diều đẹp (không khi nào tôi làm được một con diều đẹp) lúc tôi còn nhỏ anh thường cõng tôi trên lưng, nhảy qua những con rạch (mà tôi không bao giờ dám nhảy) khi chúng tôi đi dạo chơi trong vườn cây... Rõ ràng như ban ngày, mặt ngoài, anh không ghét tôi.
Nhưng triệt tiêu khả năng tiềm ẩn, năng khiếu và ước mơ của tôi bằng nhiều cử chỉ mềm mại như vô tình, làm cho ai cũng thấy tôi tội nghiệp, tôi rất vui khi mình có một người anh tuyệt vời như vậy khi tôi còn quá nhỏ, nhưng cùng một lúc đó đã nảy sinh một mâu thuẫn không ai nhìn thấy nổi, có một lúc kể cả là tôi, chúng tôi càng lớn lên, mối bất hoà càng đậm, lại càng tai hại giữa anh và tôi, em trai anh, và sẽ thiếu sót nếu như không kể tới em gái của chúng tôi.
Chúng tôi khó quên những kỷ niệm ngọt ngào, khi còn nhỏ, tới nơi nào có một dòng sông, anh em tôi đi dài theo nó ở trên bờ, chọn một chỗ dưới những tàn cây rậm mát, ngồi nói chuyện và nằm ngủ dưới những tán lá, chúng tôi sống trong một gia đình, với tình cảm thiêng liêng ruột thịt. Anh em tôi sống trên sàn chiếc ghe chật chội, lang thang nổi trôi qua biết bao nhiêu thôn làng, chúng tôi khó mà nhớ cho hết bạn bè, mỗi nơi mình đi qua, rồi nhiều khì trở lại. Trong ba anh em, khi lớn lên, anh tôi đĩnh đạc khó lường, tôi u uẩn dốt nát tội nghiệp, ruột để ngoài da, em tôi khô cằn khó ai hiểu nổi, nó ít khóc, ít cười, cũng ít nói, nhưng mà lần đó, khi có máu đổ, em tôi cứ khóc nó khóc triền miên như bão lũ suốt nhiều ngày, anh em chúng tôi thương mến nhau vô cùng, nếu như không có những cái lưỡi câu, và trò phóng dao ác nghiệt.
Mẹ tôi thường cuộn những sợi tóc mềm, ít ỏi, của em tôi vô một chiếc đũa nóng, bà nướng đũa trên bếp lò, uốn tóc cho nó, những sợi tóc mềm vàng hoe mà người ta nói là tóc máu. Có lẽ em tôi không thay tóc, rồi tới khi nó đã có đủ một số tuổi buồn cười, tóc của nó vẫn pha máu, một dòng máu hung hăng khác thường, di truyền suốt nhiều đời, trong dòng họ tôi, gia đình tôi!
Cứ mỗi chiều, trong lúc nền trời còn sáng xanh, thì dưới những tán lá rậm của không biết bao nhiêu là khu vườn cây ăn trái, chạy dài theo trục lộ từ miệt trên chợ Bún xuôi về Lái Thiêu, tiếng ve hát vang. Trên cây sầu riêng cao thẳng đứng, lá ngả màu hổ phách, cây bòn bon trái tròn, cây dâu xanh với chùm trái dính trên những sợi tua tủa ngộ nghĩnh, cây măng cụt nhánh là đà sát mặt đất, dễ thương là trái măng còn non, vỏ trái măng xanh khác thường, mủ măng sống chát nhưng lõi trắng như sữa, giòn ngọt.
Đêm trong vườn cây, nhiều ngôi mộ thắp sáng lân tinh lập lòe, con đường xuyên qua các khu vườn cây không biên giới, chỉ có những cái mương đào xuôi ngược, còn con đường độc đạo từ huyện nầy qua xã khác, chỉ lọt đủ chiếc xe bò. Ánh trăng treo lơ lửng trên bầu trời, cái đèn dầu buồn buồn lắc lư theo nhịp chân bò, nhiều chủ xe bò chở mía, hay trái cây, lu khạp chén dĩa, về miệt chợ, treo võng nằm đong đưa dưới lườn xe. Có khi một hàng dài mấy chục chiếc xe bò rủ nhau bước chậm trên con đường khuya, hai bên cỏ tranh chen lấn, mọc dài theo cái trảng sâu dựa nhiều sườn đồi đất cao cao, mưa lất phất, đất lở tuôn xuống đường, ẩm ướt lầy lội, đất đỏ dẻo quánh dưới chân, những con bò quen đường tới nỗi chủ nó ngủ khò mà nó vẫn... bò tới chợ. Tuy nhiên chủ xe mía hay trái cây vẫn lo khi tới nhiều khúc quanh trên đường, gần tới Cầu Ngang vào khu An Sơn, nơi hiểm địa nầy họ hay gặp “ông Cướp” ông nầy nếu gặp còn khó chịu hơn là gặp “ông Ba Mươi”.
Bỗng nhiên lũ bò rống lên thảm thiết, chúng cứ cố lùi lại mặc dù vướng víu gông xiềng, trong gió thoảng mùi khen khét khó chịu, trên con đường, chỗ trảng tranh đàng xa kia có sự hoảng loạn, bóng một người áo đen phi ngựa bên trái, bên phải, ngoặt ngang, mất hút dưới dốc, rồi lại xuất hiện trên cao. Bầy thỏ rừng vượt ngang con đường như chớp mắt, để lại nhiều vệt trăng trắng, hai đốm sáng ở ngay tim đường sửng sốt, đó là cặp mắt sợ sệt của con nai gạc, có cái gì di động trên cỏ tranh dầy bên mạn sườn đồi trái, lũ bò bấn loạn kéo những cỗ xe nặng dạt hẳn qua bên mặt, sau đó trong cỏ tranh có một tiếng gầm thật chói tai, vang xa và lay động cả trời đất.
“Ông Ba mươi” nầy mất một chân, chính ổng cắn bỏ chân mình trong cái bẫy sắt, rồi sau đó, cả ban ngày người ta cũng thấy dấu chân cà thọt của ông trên con đường lầy lội, có khi quanh quẩn bên các lò chén, hay cạnh bãi tha ma bên đình thần dưới chợ, có khi bất thần, từ trong trảng tranh, ông nhảy ra cắn cổ con bò đang kéo xe. Hàng chục chiếc xe bò chở mía, trái cây, khạp lu, dừng lại ẩn vào bên bờ đồi đất đỏ, tắt hết đèn, chủ xe dáo dác ngước nhìn lên đồi đất, trên ngọn tranh mọc cao khỏi đầu người, dưới bầu trời xanh thấp thoáng ánh trăng, có một bóng người thanh mảnh chạy như bay. Lẩn quẩn đâu dưới gốc tranh chật chội có tiếng gầm gừ, một khoảng tranh rộng bị cày nát, con cọp ba chân phóng nhanh như tìm đường thoát, trên đầu nó lúc nào cũng có bóng người theo sát, người đó di chuyển cực khéo trên một cây tre dài, cành cây tre cong hoằn làm đòn bẩy cho các bước nhún nhảy xa và cao.
Mây che gần trọn mảnh trăng, trong trảng tranh dầy diễn ra một cuộc quần thảo quyết liệt, lũ bò cứ rống lên từng tiếng lo sợ, trăng lại thoát ra khỏi mây và bị mây che khuất, cho tới khi ở chân trời ánh lên một viền đỏ thấp thoáng, mọi sự im lặng nặng nề. Từ trong trảng tranh bước ra một người đàn ông trung niên, bận quần lãnh mỹ a màu đèn, áo xá xẫu nút bằng vải hở ngực, cho thấy nhiều hình xâm mực xanh đậm, mái tóc đen dài xoã bên vai, trên tay cầm cây mác dài, một thân tre dài bằng khoảng ba người chồng lên vai, cổ quấn cái khăn đen, ông ta cắm cây mác cán bằng gỗ trắc đen giữa tim đường, cây tre dựng bờ đất. Rồi ngồi bên vệ đường quấn điếu thuốc rê, ánh lửa ở đầu điếu thuốc cháy bùng lên trong sương sớm, cho thấy một khuôn mặt trắng xanh quắc thước lạnh băng.
Con đường qua trảng tranh lầy lội dưới chân và những dấu bánh xe bò, cây mác dài vẫn cắm giữa đường, nó có nghĩa là mãi lộ, cũng có nghĩa là tiền công đánh đuổi cọp. Gần chục ngày đường, những chuyến xe bò chậm chạp đã hiện trên một con dốc thoai thoải xuống khu chở, tiếng lục lạc treo trên cổ bò va chạm reo vui khi chúng ngang qua các khu phố thấp, mái liền nhau đỏ au, với rêu xanh và cỏ dại. Đường xuống bến sông chợ cũng qua nhiều con dốc, đồi đất, bên cạnh con suối róc rách, với những chiếc gàu múc nước xoay tròn theo cái guồng, kéo nước cho lò chén, rất nhiều lò chén.
Chợ nằm túm tụm ở bến sông, ghe xuồng lấp nập, cây cầu cũ kỹ, bên nầy cầu, rạp hát nằm giữa những thân cây sao cao lớn, rậm lá che mát một khoảng sân rộng, con nít chạy chơi, leo lên cây. Mỗi khi có gánh hát cải lương về hay những ngày cúng đình, chỗ nầy như một khu hội chợ, lô tô bài cào xóc đĩa, bông vụ bầu cua hốt me, tập trung những tay cờ bạc anh chị, ở đây cũng lập trung thương lái, bãi xe thổ mộ và xe bò, nơi thả ngựa dê trâu bò nhẩn nha nhai cỏ. Ngoài sau rạp hát ngôi đình thần âm u, sau đình thần là một bãi tha ma hoang vu kéo dài tận chân trời.
Tảng sáng, trên dốc xuất hiện bóng ngựa, nó là con ngựa ô đen tuyền của ông Bảy Quờn, ngựa lồng lên tung hai chân trước, đứng hai chân sau như chào, nó phóng xuống dốc, mất hút sau khu lò chén và bỗng xuất hiện sau đình thần. Ông Bảy ngồi trên yên ngựa, tướng người dong dỏng cao, ông sống bằng nghề chứa bài, sống nhờ sòng bài mà chết cũng vì lá bài, gọi là nghề cơm gạo, dưới tay ông có nhiều em út, canh giữ sòng bài, thạo nghề đâm thuê chém mướn. Một hôm chà chốp tới sòng bài gây sự, kiếm tiền, một thân một mình ông Bảy tới nói chuyện với nó, ông Bảy đi thẳng tới trước mặt chà chốp, nó ngồi uống cà phê trong một cái quán cóc, tay nầy chưa kịp nói một tiếng ông Bảy chém ngay. Chà chốp thấy ông Bảy đi tay không, không ngờ ông Bảy đã giấu sẵn cây mác dài trên máng xối của quán cà phê, ông chỉ với tay là cầm ngay cán cây mác, chà chốp chưa kịp rút súng đã ngã dài trước sân quán. Cả chợ xôn xao tin chà chốp bị Bảy Quờn chém. Ông Bảy tự trói tay mình chờ đám lính tới, trong số họ có người nể ông, không dám đánh đập xô đẩy, ông bị giải lên Sài Gòn ở tù khám lớn, sau đó ra “Côn Nôn”. Một điều lạ là từ khi ông Bảy Quờn bị bắt thì những chuyến xe bò chở mía hay lu chén không còn thấy cây mác màu đen cắm giữa đường ăn tiền mãi lộ.
Ông Bảy Quờn biệt tăm không trở lại Lái Thiêu, ông bỏ lại nơi nầy một người vợ, bà có một căn nhà nhỏ cạnh đình thần nhìn ra bãi tha ma, đứa con trai của ông Bảy lớn lên giống ông như khuôn đúc, tướng mảnh khảnh, da mặt trắng xanh, mái tóc đen dài. Người nầy tên là Chạy, hiền hậu, đờn ca tài tử rất hay, đáng lý là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng chú Chạy không gặp thời, suốt đời chú chỉ ca hát quanh quẩn nơi mình sinh ra, thời gian sau bà Bảy qua đời, người con trai của bà sống thui thủi trong bãi tha ma bên cạnh chai rượu, một cuộc đời vô danh buồn rầu.
Không ai nhìn chú Tư Trắng mà quên nổi bộ tướng của chú, chú gần như một người lùn nhưng không phải, chỉ thấp đậm, vai ngang phè, trông chú càng thấp hơn, một khối bê tông chắc chắn như cây cột nhà. Gọi là Trắng nhưng nước da chú “bánh ít”, mỗi khi chú Tư cười, lóe sáng hàm răng vàng, cẩn hình trái tim xanh xanh đỏ đỏ, vui mắt. Chú là nghệ sĩ phóng dao sau đó chuyển qua đi dây thép chùng, chú nói chú có bị Tây đày ra “Côn Nôn” nhưng không nói bị tội gì. Chú kể:
- Bị vì cái tướng tao ít ai có cho nên hay bị bắt lầm! Nhờ vậy mà tao mới biết “Côn Nôn” chỗ đó là nơi một đi không trở lại. Đó là đối với ai kìa, còn với ông Bảy Quờn thì “nơ pa”. Tù hình sự nha, nhưng tụi cặp rằng sợ đái trong quần, tụi Tây kêu bằng tù “du côn” khó trị, ông Bảy kết bè vượt ngục, về tới Bạc Liêu, cải danh, có một người vợ khác, đẻ ra hai đứa con, một trai một gái.
Người con trai của ông Bảy với bà vợ sau cũng nóng tánh y chang như ổng, cũng thoi một thằng Tây, làm cho má nó nhìn nó không ra, nó phải đi nhà thương, ảnh bỏ xứ lưu lạc giang hồ qua tới bên Xiêm, bên Miến Điện, nhờ đi mà học lỏm được nhiều nghề, ảnh tên là Quới, Ba Quới, nhưng ai cũng kêu bằng Hai Trần.
Tướng cướp áo đen, đánh cọp, với cây mác dài cắm giữa đường đòi tiền mãi lộ, tay anh chị chém chà chốp là ông Nội của tôi, tôi có gặp chú Chạy một vài lần, chú kêu Cha tôi bằng Anh Hai. Có một lúc nào đó đã quá xa mờ, trong ký ức sương khói của tôi, tôi nhớ mình có sống một nơi mà trên đường về nhà mình tôi đi qua những hàng cây quần quân trái chín đỏ đậm, bên cạnh một lò đúc đồng, đúc những cái ống ngoáy ăn trầu ngộ nghĩnh, mỗi chiều ông Nội tôi “đồng đồng” tôi trên vai ông, tôi ngồi bỏ hai chân xuống ngực ông đong đưa, từ trên vai ông tôi nhìn xuống đất chóng mặt vì nó quá... xa. Ông thích cái tánh lỳ đòn của tôi, tôi nhớ ông hay bận bộ bà ba may bằng lụa Hà Đông màu mỡ gà, ông đội nón nỉ rộng vành, tới đây tôi đã biết tung tích của Cha tôi, vì sao tên ông vỏn vẹn chỉ một chữ Trần vừa là họ vừa là tên. Ông tôi đã là người cải danh trốn tránh, cho tới đời Cha tôi cũng không khác. Mẹ tôi luôn có nỗi lo lắng tuy bà không nói ra, mỗi khi nhìn anh em tôi bà thường thở dài nói “cái nòi nầy có huông”.
Về sau nầy tôi có dịp đọc cuốn tiểu thuyết về tù hình sự vượt ngục của một tác giả cũng là nhân vật chính có thật, ông là người Pháp, trong đó mô tả những nhà tù Pháp trên các hòn đảo thuộc địa, cuốn Bướm vượt ngục. Tôi hình dung ông Nội tôi cũng không khác chi nhân vật trong tiểu thuyết nầy, có một điều buộc tôi phải suy nghĩ: người Pháp, mà hầu như mọi người đều nói rằng họ rất lịch sự, văn minh. Sao lại có quá nhiều nhà tù khắc nghiệt dùng để nhốt chính đồng bào của mình, và lại có nhiều nhà tù không phải trên đất họ, để nhốt và hành hạ người bản xứ. Ông tôi nói: “A lê tụi Tây nầy là thực dân”.
Ngôi nhà của ông Nội tôi, tôi nhớ ở trong khu xóm chật hẹp trước cổng nhà thờ, mỗi sáng sớm tiếng chuông đổ từng hồi, ông tôi không biết vì sao lại có đạo (bất ngờ với lính khí ngổ ngáo như ông) ông cũng hay đi lễ nhà thờ rồi sau nó tôi được học vài năm trong trường bà xơ, thật là tiếc cho những ngày êm đềm bên Chúa, nhưng tôi lại là con chiên không ngoan đạo. Mẹ tôi ngao ngán nhìn tôi bà nói tôi là quỷ “Luysiphe”. Trong một buổi lễ Misa, khi đó tôi làm học trò “giúp lễ” cho ông cha xứ người Pháp, tôi lén uống gần cạn chai rượu chát của ổng, rồi ngủ gục sau bàn lễ. Ông Nội tôi xách lỗ tai tôi đi khắp xóm đạo không cho tôi đi học trường nhà thờ. Không bao lâu sau đó Cha tôi bị ông tôi đuổi ra khỏi nhà, Cha lập một gánh hát, tôi lại theo Cha tôi, và Chúa cũng không còn nhớ làm gì cái thằng nhỏ uống trộm rượu của Chúa.
Ông Nội tôi hay ở trần quấn “xà rông” nhờ vậy tôi được dịp chiêm ngưỡng một bức tranh đầy màu sắc thần thoại trên khắp người của ông, bức tranh mỹ thuật khó có trên da người. Hai đầu gối thật là thích hợp cho việc xâm hai đầu voi kể cả tai và với, dài cho tới tận bàn chân, ông thường để tôi ngồi... Ôm voi, rồi ông đong đưa cái vòi. Trên ngực ông diễn ra thường trực trận chiến khốc liệt giữa Tề Thiên Đại Thánh với Na Tra đi trên hai bánh xe lửa, Ngưu Ma Vương với Sa Tăng đáng lý đánh nhau sau lưng ông thôi, nhưng vì thiếu chỗ nên họ chạy lung tung nửa phần lưng ra tới ngực. Hai cánh tay của ông xâm quá nhiều bùa Miên, còn trên lưng ông đủ loại thú dữ, không thể thiếu con rồng, binh tôm tướng cá, những vết sẹo đâm chém ngang dọc cùng với vết roi vết phỏng, có ba dấu lạ ẩn sâu như “đồng tiền” gần bả vai ông, ông nói đó là vết đâm của cây “đinh ba”. Tôi thấy ông ngủ không yên với trận hỗn chiến trên da ông, ông là một tay anh chị thời kỳ khai hoang, ngộ nhận về những người anh hùng cá nhân kiểu Lương Sơn Bạc. Tôi rất kính trọng thương yêu ông tôi, nhưng hoàn toàn khó mà hãnh diện về điều nầy, bởi cuộc đời ông là bạo lực, bạo lực mà ông đem tới cho người khác đồng thời họ cũng đền đáp đủ cách, đủ mọi trò với ông. Rồi một buổi chiều như mọi buổi chiều thông thường chán ngán khác, chuông nhà thờ vang lên báo tử, tôi không hề nghĩ ông tôi phải chết, mà tôi cũng chưa biết chết là gì, Mẹ tôi khóc nói với tôi: ông Nội con về nước Thiên Đàng rồi. Cha tôi không khóc, có lẽ Cha tôi nghĩ: ông Nội tôi bay lên trời, hình dáng xanh xanh đỏ đỏ như con Cắc Kè Bông như vậy chắc cũng làm cho ông thánh Phê Rô nghi ngại. Ông Nội tôi nằm yên lặng trên chiếc giường, hai bàn tay chấp trên ngực, cha xứ vẩy nước Thánh trên người ông, xua đuổi ma quỷ, mỗi chiều vào giờ nầy ông hay “đồng đồng” tôi trên vai đi chơi khắp trong xóm, nói chuyện Nga-Tây-Anh-Mỹ đại chiến “Trục Tam Cường” Đức-Ý- Nhật, với người thợ đúc ống ngoáy trầu. Bây giờ tôi cứ nhìn ông, không hiểu gì sao ông cứ nằm đó, cứ nhắm mắt, tôi chưa biết ông đã chết. Mẹ tôi lại nói:
- Ông Nội ngủ?
Ông tôi đối xử rất tốt với người con dâu... Miến Điện của ông, mà Mẹ tôi cũng cảm kích tấm lòng của người cha chồng “bản xứ” tử tế. Xác ông được đem đi xa, khỏi thành phố tới một nơi gọi là Gò Dưa, năm tháng trôi qua, một vài lần Cha Mẹ tôi với anh em tôi còn chịu khó tới thắp nhang trên nấm đất sần sùi mà ông nằm ngủ dưới đó. Nhưng về sau thì thưa dần và dứt hẳn, không một lý do nào khác hơn là mọi người hầu như đã quên ông. Cha tôi bán ngôi nhà trước cổng nhà thờ để trở lại nghề gánh hát. Ông tôi ngủ một giấc triền miên, ngủ quá đỗi lâu, mơ màng trong tôi, không phân biệt giữa ngủ và thức, có điều gì đó mà Mẹ tôi không nói thật, khu nghĩa địa xa xăm đó về sau san bằng, để lấy đất cất nhà cho những người còn thức, ông tôi ngủ quên mất cả hồn lẫn xác. Tôi nghe Mẹ tôi khóc nói về Cha tôi: Đối xử với Cha Mẹ như vậy thành ra làm ăn cho tới chết cũng cất đầu không lên!
Dường như không còn ai nhớ tới ông ngoài tôi, tôi nhớ một người ruột thịt quá đỗi thương yêu tôi, tội nghiệp ông tôi với những vết thẹo quá đáng mà ông mang trên thân người. Ông sống một cuộc đời nhọc nhằn, không bình yên, sau khi ông ngủ cũng không bình yên, khó yên giấc, lũ quỷ dữ mà Mẹ tôi gọi là “Luysiphe” sẽ tiếp tục gây cho ông nhiều vết thương khác, những con quỷ tai dơi đuôi chuột cống mà tôi thấy trong bức tranh u ám “giờ lâm chung” của quyển Kinh Thánh.
Khi ông tôi còn sống ông cũng cưng anh tôi, bằng cách khác hơn là tôi, ông thường làm những con diều bằng giấy “bạch” loại giấy nhẹ và rất dai cho anh tôi, ông cũng cưa cắt làm cho anh những cái ná thun. Ông tôi hoàn toàn đối xử khác với con của ông, ông với Cha tôi xung khắc, mặc dù cả hai giống nhau như hai ngọn núi lửa, lạ thường thay, càng lớn lên tôi càng thấy mình giống những người sinh mình ra, tôi cũng là một ngọn núi lửa, tuy tôi nhu nhược có vẻ ngoài chịu đựng, nhưng trong lòng tôi là một khối ưu tư, bất mãn, nóng nảy kinh người.
Tôi là cái cộng lại của hai ngọn núi lửa, nhưng nó cuộn vào trong, trên khuôn mặt nguội ngắt trơ như đá của tôi chỉ có đôi mắt là sáng, và có vẻ hài hước: Nhưng trong những cơn điên vì giận tôi thường cụng cái đầu hớt trọc đã quá nhiều thẹo của tôi vào tường, và bất cứ đâu, điều nầy làm cho tôi nguôi ngoai, nhưng Mẹ tôi không vui:
- Thằng nầy nó giống ai mà mang chứng bịnh điên?
Có lẽ không ai biết rõ mình hơn là chính con người đó, tôi biết tôi hay có những cơn điên bất chợt, khi nào bị ai chế giễu, hai lỗ tai tôi nặng như đeo chì, và nó lạnh tới nỗi tôi không còn cảm thấy nó còn trên đầu tôi, người tôi lên cơn sốt, may cho tôi lại là kẻ nhút nhát, cho nên thường thì tôi “bườm” vào một chỗ vắng, nơi nào đó, để còn mỗi một mình tôi, rồi tôi ngồi khóc. Bình thường tôi cũng đã yêu sự cô độc, cơn giận càng làm cho tôi trốn tránh mọi người, tôi chờ khi lửa tắt lịm trong tôi, tuy vậy nó cũng nhen nhóm việc trả thù, trong tôi di truyền dòng máu thảo khấu, tôi lo tôi sợ rồi một ngày nào đó tôi cũng phải giết một người, nhiều khi tôi ngồi lặng lẽ bên một dòng sông u tịch, tôi ngắm nhìn thật kỹ bàn tay phải tật nguyền của tôi, nó xa lạ hình như không phải của tôi mà do ai đó cắt ghép cho tôi, tôi sợ luôn cả khuôn mặt héo hon của tôi, nói thật lòng chính tôi cũng không thể lường trước cho hết được việc gì sẽ diễn ra khi nào tôi bất chợt “gặp lại” cơn giận dữ của mình, hàng ngày có khi vô cớ nó vẫn sôi sục và đó là điều làm tôi hoang mang đau đớn khôn tả nổi.
Ông Nội tôi có nuôi một bầy bồ câu, cái chuồng cao ngang cháng ba của một cây trứng cá mà ông trồng bên cạnh, tôi thường leo lên đó ngồi suốt buổi nhìn những con bồ câu. Thiệt ra chúng không hiền lành, những con bồ câu hung bạo dành ổ, chúng đánh nhau dữ dội, ông tôi cũng có nuôi một con cá bông dữ dằn dưới đáy giếng sâu trước sân nhà, cạnh chuồng bồ câu, ông thường cõng tôi đi bắn những con thằn lằn cho cá ăn, khi nghe tiếng ông tôi chắc lưỡi từ lên miệng giếng, con cá bông quẫy đuôi trồi lên mặt nước, nó như con thuỷ quái với hai hàm răng nhọn trắng dã, nó đớp không trật những con thằn lằn tội nghiệp, nhiều khi còn sống. Chung quanh tôi mọi thứ đều dữ dằn, một đêm trước nhà ông tôi nhưng xế cạnh con đường lớn có đường ray xe lửa điện, tiếng còi báo động rú lên ầm ĩ, những vệt sáng quét ngang quét dọc trên nền trời đen phát hiện máy bay, lũ lính Lê Dương mặt gạch chận hai vợ chồng một người đi đường, chúng hiếp người vợ và bắn chết người chồng. Chung quanh tôi thời thơ ấu của tôi hung dữ đầy bạo lực, kể cả những con bồ câu.