Chương 8

Rốt cuộc Tai To vẫn ra đi với chú Xuân.
Ba đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi gọi điện cho chú và quyết định của ba không thể thay đổi được.
Ba ôm lấy bờ vai đang rung lên của cô con gái yêu, trầm giọng an ủi:
- Nín đi con! Nhà chú Xuân cũng gần đây thôi mà! Mỗi tuần ba sẽ chở con qua đó thăm Tai To!
Nghe ba nói vậy, nhỏ Hạnh cảm thấy nhẹ nhõm được phần nào. Nhưng nó không nói gì, chỉ gục đầu trên ngực ba “híc híc”.
Không chỉ có con Hạnh khóc. Tùng rón rén rời phòng ngủ, nhón gót bước lại đầu hành lang nhìn qua khe cửa, thấy dì Khuê cũng đang ngồi thổn thức bên rổ rau, chốc chốc lại đưa tay áo lên quẹt nước mắt.
May mà mẹ đi làm! Nếu mẹ ở nhà, chắc mẹ cũng sụt sà sụt sịt như thế, có khi đến phút chót mẹ đòi giữ con Tai To lại không chừng! Lúc đó thì gay go to! Tùng hoang mang nhủ bụng và nó sè sẹ bỏ ra nhà trước lôi tập vở ra cắm cúi ngồi học, cố quên đi câu chuyện về Tai To.
Tùng cố quên câu chuyện Tai To nhưng khổ nỗi câu chuyện Tai To lại không chịu quên Tùng. Chú Xuân đem con Tai To đi chừng hai ngày là lớp biết hết.
Ðầu đuôi cũng do thằng Ðạt lẻo mép. Nó đến chơi nhà Tùng, không thấy Tai To đâu, liền giương mắt ếch lên hỏi han hết người này đến người khác. Ðến khi biết chuyện, nó nôn nóng chờ đến sáng hôm sau là vọt lẹ lên trường “phi báo” cho cả lớp, ra cái điều ta đây vừa biết được một tin quan trọng. Cái thằng ngốc ơi là ngốc! Về “vụ án” hành hạ Tai To vừa rồi, nó bị ghép tội chung với mình mà bây giờ nó làm như nó vô can, cứ xoen xoét cái mồm, thật khổ! Mà Tùng khổ thật! Từ khi tin tức về con Tai To loan đi, tụi bạn liền xúm lại quanh Tùng thi nhau chất vấn, dò xét, xỏ xiên, bình luận, thôi thì không thiếu một thứ gì!
Nhỏ Cúc Phương cứ tò tò đi theo Tùng, luôn mồm hỏi:
- Bạn cho con Tai To đi đâu vậy?
Nhớ đến “mối thù” trước đây, Tùng sầm mặt:
- Ði đâu hỏi làm gì?
Cúc Phương nhỏ nhẹ:
- Phương hỏi để Phương ghé thăm!
Tùng nhết mép:
- Bạn muốn biết thì bạn đi mà hỏi thằng Ðạt hớt lẻo ấy!
- Phương đã hỏi rồi nhưng Ðạt không biết! – Giọng Cúc Phương vẫn nhẫn nại – Ðạt chỉ biết là nhà bạn vừa cho con Tai To đi thôi!
Vẻ cầu cạnh của nhỏ Cúc Phương không lay chuyển được Tùng. Nó lạnh lùng:
- Cái thằng hớt lẻo đó mà không biết thì chẳng ai biết!
Biết Tùng chưa quên thù cũ, nhỏ Cúc Phương đành buồn bả bỏ đi, chờ dịp khác.
Nhưng ở đời chẳng thiếu gì người muốn làm khổ Tùng. Nhỏ Cúc Phương vừa đi thì Nghị trờ tới. Nó hỏi Tùng đúng cái câu Cúc Phương vừa hỏi:
- Bạn cho con Tai To đi đâu vậy?
Với Nghị thì Tùng chẳng cần dài dòng. Nó quạu quọ:
- Tao không biết! Mày muốn biết thì đi tìm thấy bói mà hỏi!
Nghị chẳng phải tay vừa. Nó đốp lại ngay, cũng chẳng buồn kêu Tùng là “bạn” nữa:
- Chẳng cần xem thầy, tao cũng biết! Tóm lại là nhà mày chẳng cho con Tai To đi đâu cả!
Câu nói của Nghị khiến Tùng chưng hửng:
- Ai bảo mày vậỷ
- Cần gì ai bảo! – Nghị nheo nheo mắt – Tao thừa biết là con Tai To chết rồi!
- Chết? – Tùng ngạc nhiên.
- Chứ sao! – Nghị gật gù - Mày hành hạ Tai To như thế, nó sống làm sao nổi!
- Láo toét! – Sự phỏng đoán có ý kết tội của Nghị làm Tùng tức điên.
- Có mày láo toét thì có! – Nghị vẫn thản nhiên – Con Tai To chết rồi mà mày bảo là đem cho!
Mặt Tùng nóng bừng bừng. Nó ngoác mồm cãi:
- Nhà tao đem con Tai To cho chú Xuân rõ ràng! Mày đừng có đoán mò!
- Chú Xuân nào?
- Thì chú Xuân chứ chú Xuân nào! Bạn của ba tao ấy!
Nghị liếm môi:
- Thế nhà chú ấy ở đâu?
Tùng vung tay:
- Nhà chú ấy ở bên kia kinh Tàu Hủ chứ đâu! Leo lên đò chạy vèo một cái là tới!
Nghị gãi cằm:
- Thế nhà chú ấy... số mấy, ở đường nào?
Nãy giờ Nghị dùng kế “khích tướng” để âm thầm thăm dò tung tích Tai To. Trong khi đó, Tùng vô tình rơi vào bẫy của Nghị, cứ tức khí nói huyên thiên.
Nhưng đúng vào lúc Tùng sắp sửa buột miệng khai ra địa chỉ mới của Tai To, nó bỗng khựng lại. Câu hỏi quá xá cụ thể của Nghị khiến nó sinh nghi.
- À, à! – Nó liếc Nghị, nhăn nhăn mũi – Tao không có để mày lừa đâu!
Nghị giật thót:
- Tao có lừa gì đâu!
Tùng hừ giọng:
- Cúc Phương dọ hỏi tao cả buổi không được, nó kêu mày tới “điều tra” chứ gì?
Rồi không để Nghị phân trần, Tùng khoát tay, giọng dứt khoát:
- Tao đã nói rồi! Muốn biết Tai To hiện giờ ở đâu, mày đi kiếm thầy bói mà hỏi!
Ðuổi được Nghị, Tùng lại phải loay hoay đối phó với những đứa khác.
Tùng bực cái đám láo nháo này nhất. Nghị và Cúc Phương là hai đứa hài tội Tùng trên lớp, nhưng dù sao đó cũng là những đứa yêu quí Tai To thực lòng. Vì vậy, tụi nó quan tâm đến số phận của Tai To là điều có thể hiểu được. Còn những đứa khác chưa từng biết mặt mũi Tai To tròn méo ra sao, vậy mà khi nghe thằng Ðạt bô bô phao tin, tụi nó cứ lân la lại bên Tùng hỏi thăm tíu tít, làm như thể Tai To là bạn chí cốt của tụi nó không bằng!
- Sao mày? – Một đứa khều vai Tùng – Bộ nhà mày cho con Tai To đi thật đấy hả?
- Ừ.
- Thế sao phải cho đi vậy?
Tùng nhấm nhẳng:
- Không thích nuôi nữa thì cho chứ sao!
Ðứa kia bĩu môi:
- Chứ không phải mày “tẩm quất” nó ghê quá, ba mẹ mày sợ nó chịu không nổi, phải đem cho nó đi hả?
Cái giọng của thằng bạn rõ là giọng gây sự. Tùng thu nắm tay:
- Mày muốn chơi nhau hả?
- Chạy mau đi! – Ðứa bên cạnh thấy vậy liền rụt cổ bảo bạn – Thằng Tùng nó tưởng mày là con Tai To đấy!
Một đứa khác láu lỉnh hùa theo:
- Ðúng rồi đó! Chạy mau đi! Nếu không thì nó lấy bao ni-lông bịt mõm mày lại bây giờ!
Hai, ba cái miệng nhao nhao khiến Tùng muốn lộn ruột. Nhưng biết mình thân cô sức yếu, Tùng chẳng dám động thủ. Nó hậm hực quay mình bỏ đi, răng nghiến trèo trẹo.
So với ở trường, không khí ở nhà dù sao cũng dễ chịu hơn. Gần như không ai trách móc gì Tùng nữa.
Thỉnh thoảng mẹ chỉ nói trống không:
- Cứ thấy nhà cửa nó vắng vắng sao ấy!
Dì Khuê thì đếm từng này. Hôm trước dì nói:
- Thế là đã một ngày!
Hôm sau dì lại chép miệng:
- Ðã hai ngày rồi!
Ðó là dì tính khoảng thời gian Tai To ra đi. Mà nó cũng chỉ mới đi có hai ngày chứ mấy! Dì thật lẩm cẩm! Hai ngày mà cứ làm như hai năm không bằng!
Nhỏ Hạnh không nói gì, không than thở cũng không tính đếm. Nhưng mỗi khi đi học về là nó tót lên gác nằm lì trên đó. Vẻ lặng lẽ của nhỏ Hạnh báo cho Tùng biết là bà chị buồn lắm. Buồn mà không nói ra đó thôi.
Riêng Tùng, nó không rõ là mình buồn hay vui. Lúc Tai To còn ở nhà, thấy mọi người nuông chiều nó, Tùng không khỏi ghen tị. Rồi vì nó mà mình thường xuyên bị trách mắng, Tùng càng thêm căm. Nhưng khi Tai To đi rồi, Tùng lại đâm ra... nhớ nhớ, lạ thật!
Mà về Tai To thì có rất nhiều điểm để nhớ. Mỗi lần Tùng đi học về, bao giờ Tai To cũng mừng rỡ chạy ra đón. Nhưng nó không dám chạy xồ ra cửa quấn quít bên chân như vẫn làm với ba mẹ, dì Khuê hay nhỏ Hạnh. Với Tùng, Tai To chỉ chạy ra tới giữa nhà rồi đứng đó giương đôi mắt đen láy nhìn ra, đuôi ve vẩy.
Những lúc như thế, thái độ của Tai To rất buồn cười. Nó vừa muốn bày tỏ tình cảm của mình với cậu chủ nhỏ lại vừa sợ cậu chủ nổi hứng tung cước vào người mình. Vì vậy, đuôi nó chỉ tung tẩy một cách vừa phải để sẵn sàng cụp xuống chạy trốn bất cứ lúc nào.
Khi Tùng bước vào nhà cũng vậy. Tai To vẫn nồng nhiệt đi quanh cậu chủ nhưng nó đánh một vòng khá rộng để đề phòng mọi bất trắc, mắt không ngừng theo dõi nhất cử nhất động của Tùng.
Dĩ nhiên là Tùng biết thừa tâm trạng phấp phỏng của Tai To. Trong khi nó thập thò quan sát Tùng thì Tùng cũng kín đáo “nghiên cứu” nó. Những lúc ấy, máu nghịch ngợm trong Tùng lại nổi lên. Nó đột ngột vung tay ra. Chiếc cặp bay vù xuống sàn nhà đánh “rầm” một tiếng. Thế là Tai To hồn xiêu phách lạc, cong lưng chạy bán sống bán chết. Ðuổi theo sau là tiếng cười hăng hắc của Tùng.
Bây giờ nhớ lại những hình ảnh đó, Tùng không khỏi xao xuyến. Nó không cảm thấy Tai To là một “kẻ tranh chấp” đáng ghét nữa. Dù sao Tai To cũng là một con cún hiền lành, tội nghiệp! Mình đối xử với nó quả có phần bất công thật! Nhưng dù sao tất cả cũng đã muộn màng. Chắc chắn chú Xuân sẽ không đời nào chịu “phóng thích” Tai To về với nhà mình! ý nghĩ đó khiến Tùng bất giác thở dài. Và bây giờ thì nó hiểu tại sao mọi người lại buồn bả vì sự ra đi của Tai To đến thế!