Một lớp Sương mù bồng bềnh trải lên khắp cánh đồng, khiến cây cối lúc ẩn lúc hiện, thành những hình thù mờ ảo trên nền trời u ám. Xa xa, trong bóng chiều tà, dãy núi Lytchfield đã chuyển sang màu tím, nhô lên trên làn sương mù, chỉ còn là những đỉnh núi bồng bềnh, nhấp nhô. Toàn bộ cảnh vật đó nằm bất động trong gió chiều khiến người ta có cảm tưởng như cả thế gian ngưng lại. Hồi mùa hè, khắp cánh đồng phủ cỏ xanh mướt, đây đó những cây hướng dương, hoa nở vàng rộm, mọi thứ tươi vui, nhưng bây giờ đã sang tiết thu, và vào buổi chiều thứ tư lạnh giá trong tháng mười một này, cảnh vật mờ ảo và u buồn biết bao. Mọi khi Stevie Jardine ít chú ý đến thời tiết sương mù này, bởi nó dễ gợi cho nàng những kỷ niệm trong quá khứ, những kỷ niệm về miền đất Yorkshire hoang vu và về trang ấp cổ xưa của tổ tiên nàng. Tuy nhiên hôm nay khí trời lạnh giá đến mức Stevie cảm thấy như cái lạnh lọt vào đến tận xương tủy. Đột nhiên Stevie bỗng thấy một cảm giác rờn rợn rất lạ. Khép chặt tà áo choàng bằng vải len vào người, nàng rảo bước, cố gạt đi cái linh cảm mơ hồ kia. Bất giác Stevie rùng mình. Nàng tưởng như có ai đang bước qua trên mộ chàng, và nàng rùng mình lần nữa. Nàng ngước mắt nhìn lên. Bầu trời cao và lạnh giá đang chuyển sang màu xanh lục nhạt rất đặc biệt. Một cảm giác kinh hoàng xâm chiếm tâm hồn nàng, thế là Stevie vội rảo bước nhanh thêm, gần như chạy, để mau về đến nhà. Nàng hết cả hào hứng đi dạo chơi ngoài thiên nhiên. Mới lúc nãy thôi, thời tiết còn dễ chịu đến thế, vậy mà sao sương mù kéo đến nhanh làm vậy và trời tự nhiên tối sầm lại một cách rất lạ. Stevie đã quá quen thuộc lối đi trên cánh đồng và chân nàng bước thoăn thoắt như cái máy. Xuống đến chân đồi, sương mù lại càng nhiều. Stevie rùng mình một lần nữa và nàng khép chặt thêm tà áo choàng vào người. Lát sau con đường thoai thoải lên dốc và sương mù cũng bớt dầy đặc, Stevie thấy dễ chịu hơn đôi chút. Nhìn thấy ngôi nhà của mình nằm thu mình dưới thung lũng, nàng thở phào nhẹ nhõm. Khói bay lên cuồn cuộn từ các ống khói. Các cửa sổ le lói ánh đèn. Không trung ấm áp như chào đón nàng. Stevie bỗng thấy sung sướng đã về đến nhà. Trang ấp này rất cổ, đã hai trăm tuổi, xây từ năm 1796, tọa lạc trong một thung lũng hẹp và dài, dưới chân dãy núi Lytchfield của miền Connecticut. Lần đầu tiên nhìn thấy nó cách đây năm năm, nàng thấy có thứ gì xót xa: trong mấy chục năm qua, người ta đã nối vào đó những gian vẩy thêm làm xấu cả tòa nhà. Nàng đã phải tiến hành cả một cuộc sửa sang và phục hồi công phu mới lấy lại được vẻ đẹp ngày xưa của dinh cơ này. Stevie bước nhanh qua bãi cỏ đẫm sương, giẫm lên những bậc thềm rồi vào nhà theo lối cửa nách, đi thẳng vào phòng để áo ngoài. Treo xong tấm áo choàng đẫm sương lên mắc, Stevie bước vào gian sảnh lớn. Một đầu gian sảnh là cầu thang chính, rất rộng, dẫn lên tầng hai, còn đầu kia là sàn lát gỗ mun đen, đánh bóng lộn, soi gương được. Trần trang trí hình tròn với các nan quạt xòe ra. Những cửa bằng gỗ sồi dầy, nặng và những cửa sổ kiểu cổ nói lên tuổi tác của tòa nhà. Xưa nay Stevie vẫn cho rằng gian sảnh này là trung tâm của ngôi nhà, vì các phòng châu tụ xung quanh nó. Từ lúc nàng dọn về sống ở đây, gian sảnh này được dùng làm phòng sinh hoạt chung, mọi người gặp gỡ nhau tại đây. Các ngọn đèn đều được bật lên, tỏa xuống một làn ánh sáng hồng đầm ấm, mời mọc. Một chiếc thảm lớn, cổ kính trải trước lò sưởi, những bàn và tủ đóng từ hai thế kỷ trước, bằng gỗ mun đen, chạm trổ tinh vi. Những chiếc xô pha nệm rộng, phủ thảm len màu xanh ngọc và rất nhiều ghế nệm đặt quay mặt vào lò sưởi đang đỏ lửa. Lúc Stevie đi ngang qua gian sảnh, khuôn mặt nàng đột nhiên sáng lên. Không khí thật ấm cúng và thanh bình. Một khúc củi lớn đang cháy rừng rực trong lò sưởi, mùi gỗ thông thơm tỏa ra ngọt ngào cộng với mùi khói và mùi táo chín. Từ gian bếp đưa sang mùi bánh đang nướng trong bếp lò. Đứng lại trước lò sưởi, Stevie đưa hai bàn tay ra hơ trước ngọn lửa. Đột nhiên tiếng cười bật lên từ trong cổ họng nàng và Stevie bắt đầu cười vang. Nàng tự cười giễu bản thân mình. Vậy mà mới lúc nãy, ở ngoài trời nàng đã hoảng sợ, tưởng như vừa mới có chuyện gì bất hạnh xảy ra. Nào có thứ gì khiến nàng phải sợ hãi đâu? Cái linh cảm về điều chẳng lành kia chỉ là một hoang tưởng vô căn cứ. Stevie lại phá lên cười lần nữa. Sau vài phút, Stevie quay ra chỗ cầu thang lớn để lên gác. Nàng yêu mọi ngóc ngách trong tòa nhà cổ kính này, đặc biệt là phòng giấy nhỏ nằm bên cạnh phòng ngủ của nàng. Khi đẩy cánh cửa và bước vào bên trong, Stevie không thể không trìu mến ngắm nghía căn phòng. Mọi thứ đều cân đối, hài hòa, từ cái trần kiểu trần nhà thờ, mấy cửa sổ cao nằm ở một mặt tường và một lò sưởi lớn nằm ở mặt đối diện, hai mặt tường còn lại chật kín những giá đựng sách. Stevie đã thuê hẳn một họa sĩ để sơn căn phòng này, ông ta phủ lên các bức tường nhiều lớp sơn màu hổ phách rồi mới đánh bóng. Cách xử lý kiểu Venetia này tạo cho các bức tường như được thếp vàng, như lúc nào cũng có ánh nắng chiếu vào đến tận các góc kín đáo nhất. Những bức họa quý, được lựa chọn sau bao nhiêu năm tháng, rồi một loạt tấm ảnh gia đình lồng trong khung bằng bạc, vô số kỷ vật và những cuốn sách được ưa thích là những thứ làm cho căn phòng này đúng là của Stevie, thuộc về riêng nàng. Củi đã xếp sẵn trong lò sưởi, Stevie quỳ gối, đánh diêm châm vào một tờ giấy, thế là chỉ vài giây sau lửa đã bùng lên, reo tí tách khắp bên trong lò sưởi, các lưỡi lửa hướng lên phía ống khói. Stevie đứng dậy, đi ngang qua căn phòng, đến ngồi bên chiếc bàn giấy hình bầu dục kiểu Georgia, kê bên phía hàng cửa sổ. Nhưng nàng chỉ liếc nhanh nhìn chồng giấy tờ xếp ngăn nắp trên bàn, bao hào hứng làm việc đã tan biến đâu hết. Rồi nàng quay đi, ngả người lên lưng ghế, thả cho đầu óc bay bổng tận đâu xa lắc. Stevie lơ đãng đưa cặp mắt lướt qua những đồ đạc nàng đặc biệt ưa thích. Chiếc đèn bàn hình dạng quái đản theo trường phái Tân Nghệ thuật nàng mua được ở chợ Trời Paris rẻ đến mức gần như cho không; chiếc lọ mực bằng bạc kiểu Georgia mẹ nàng cho từ ngày xưa, rồi cả một loạt những bức ảnh người thân mà nàng hết sức yêu quý; cái ống bút Meissem màu kem, tạc hình con Rồng Đỏ của bà nội nàng, cắm đầy những bút chì nhỏ xinh xắn; đến dòng chữ viết theo kiểu thư pháp một câu châm ngôn ấn Độ cổ đại rồi được khắc trên một tấm xà cừ... Stevie lại nhìn rất lâu vào dòng chữ đó, dễ đến lần thứ mấy ngàn không biết: “Mua được một viên kim cương tức là sở hữu được một mẩu của vĩnh hằng". Câu châm ngôn cổ xưa ấy được Ralph viết kiểu chữ cổ rất đẹp, và chàng đã tặng nàng ít lâu sau khi họ cưới nhau. Do chàng luôn nhắc lại câu này như thể đó là điều đúc kết những cảm nghĩ của chàng về kim cương. Kim cương là mặt hàng kinh doanh của Ralph và chàng đặc biệt yêu quý chúng. Chính thông qua chàng, Stevie đã hiểu biết được rất nhiều điều về thứ đá đặc biệt quý giá này. Cặp mắt xanh lục pha chút màu tro của Stevie dừng lại trên tấm ảnh Ralph và nàng, chụp đúng hôm họ cưới nhau vào tháng mười một năm 1966, cách ngày hôm nay tròn ba mươi năm chẵn. Chính vì lẽ đó mà suốt từ sáng sớm đến giờ Stevie luôn nhớ đến chàng. Bây giờ lại một lần nữa nàng đắm chìm vào những kỷ niệm của thời kỳ đầu hai người chung sống. Ralph là con người hoàn hảo, đáng quý nhất trong số những người đàn ông nàng biết. Chàng yêu, thậm chí có thể nói mê vợ, và tận tụy với nàng ngay từ giây phút đầu tiên hai người quen nhau. Và hẳn chàng đã phải hết sức quyết tâm, vì cha mẹ chàng kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân với nàng, chống lại đến mức tàn bạo. Ông Bruce và bà Alfreda ngay từ đầu đã không công nhận nàng là con dâu, lấy cớ nàng còn quá trẻ. Và còn vì nàng quốc tịch Hoa Kỳ, đấy là chưa kể gia đình nàng không cao sang cũng chẳng giầu có gì, mặc dù chuyện quốc tịch và hai chữ tài sản họ không hề nói ra miệng một lần nào. Tuy hai chữ đó không được thốt ra nhưng Stevie cảm nhận và hiểu ra rằng giá như nàng được quyền thừa kế một tài sản lớn và dùng nó làm của hồi môn thì chuyện tuổi tác, quốc tịch của nàng không bị hai ông bà Jardine coi trọng đến thế, thậm chí có thể hoàn toàn không thành vấn đề đối với họ. Stevie cảm thấy hiểu rất rõ cha mẹ Ralph. Họ đánh giá con trai họ hết sức cao, đặt bao nhiêu hy vọng về tiền đồ của chàng và nghĩ phải một cô gái như thế nào mới xứng đáng kết hôn với chàng. Nhưng Ralph lại không hề nghĩ như vậy. Là người suy nghĩ độc lập, chàng coi việc lấy Stevie là điều chàng đã quyết tâm thực hiện, không gì có thể lay chuyển. Ralph công khai chống lại cha mẹ, và việc này làm sụp đổ mọi hy vọng của hai ông bà Jardine Bruce và Alfreda về tương lai rực rỡ của con trai họ. Từ nơi nào xa lắc, Stevie như nghe văng vẳng thấy giọng nói bằng thứ tiếng Anh quý tộc của ông Bruce thốt lên trong cơn giận dữ, bằng những từ ngữ xấu xa nhất, những câu chữi nàng không bao giờ quên được. “Ơn Chúa, anh đã hai mươi bảy tuổi rồi? Hẳn anh đã nếm mùi lang chạ và đã hiểu ngủ với gái cần phải cẩn thận như thế nào rồi. Tại sao anh còn để con ấy có thai? Mà đã lỡ rồi thì phải thu xếp để nó hủy cái thai ấy đi chứ. Hãy đến gặp lão Harry Axworth. Lão ta là thứ người dám làm mọi việc vô đạo đức. Tất nhiên tôi không bảo anh giao du với lão, nhưng lúc này, lão là người duy nhất anh cần đến. Lão sẽ giới thiệu anh với một bác sĩ nhận làm cái việc đó chỉ lấy năm chục bảng thôi." Hôm đó Stevie đứng đợi Ralph trong gian tiền sảnh rộng thênh thang và sang trọng. Nàng ngồi ghé lên chiếc ghế, thần kinh căng thẳng, hai bàn tay run lẩy bẩy, nghe thấy câu nói của ông Bruce Jardine lọt ra qua khe cánh cửa gỗ mun dầy đóng kín. Ralph không thèm thốt lên một lời nào để đáp lại cha. Chàng đi nhanh ra khỏi phòng đọc sách, đến chỗ Stevie. Sau khi ôm chặt nàng một lúc lâu để trấn an, Ralph đưa nàng ra ngoài đường, rồi đi xa hẳn khỏi tòa biệt thụ của dòng họ Jardine trên đại lộ Wilton Crescent. Mặt Ralph tái nhợt đi vì uất giận, và chàng không nói với nàng một lời nào cho đến khi họ đã vào đến bên trong căn hộ độc thân của chàng ở phố Mayfair. Tại đây Ralph nói chàng yêu nàng đến mức nào và chàng muốn được sống với nàng cho đến khi lìa khỏi cõi đời. Hai tuần sau, họ đăng ký kết hôn ở quận Marylebone. Lúc đó Stevie mười sáu tuổi kém Ralph mười một tuổi, và đã có thai được bốn tháng. Hai ông bà Jardine vẫn không nhượng bộ, tỏ thái độ khinh bỉ và giận dữ bằng cách nhất quyết không công nhận cuộc hôn nhân của con trai. Cả Alyce, em gái Ralph, cũng vậy. Nhưng mẹ nàng, bà Blair Connors xinh đẹp đã có mặt. Bà đã có thời là người mẫu nổi tiếng nhất thế giới, một "siêu người mẫu”, mặc dù thời bấy giờ chưa có cụm từ này. Đi cùng với bà Blair buổi sáng hôm đó là ông chồng mới của bà, ông Derek Rayner, diễn viên sân khấu Anh nổi tiếng, được công chúng coi là người kế tục sự nghiệp của diễn viên đại tài đã quá cố Larry Olyvier. Sau lễ cưới, ông Derek đưa họ đến ăn tại nhà hàng The Ivy, nhà hàng nổi tiếng nhất của giới nghệ sĩ sân khấu London, nơi những nghệ sĩ ưu tú của sân khấu và điện ảnh thường xuyên lui tới. Ăn xong đôi vợ chồng trẻ bay sang Paris hưởng tuần trăng mật. Bị cha mẹ Ralph ruồng bỏ, Stevie và Ralph sống vì nhau và coi toàn bộ thế giới bên ngoài như thể không có. Stevie bất giác thở dài. Trong một thời gian dài, nàng đã nhận ra rằng những kỳ nghỉ cuối tuần và ngày lễ mà nàng về trang ấp nằm giữa miền Yorkshire hoang vu này chính là những quãng thời gian sung sướng nhất đối với nàng, thậm chí là những khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong suốt cuộc đời nàng. Điều đau xót là những ngày đó không bao giờ còn trở lại, niềm sung sướng kia nàng sẽ không bao giờ còn được hưởng nữa. Mình còn trẻ quá, Stevie thầm nghĩ, lúc bấy giờ mình còn quá trẻ. Vậy mà đã là mẹ của ba đứa con: Nigel, ra đời lúc mình vừa tròn mười bảy, tiếp đến cặp con trai sinh đôi, Gideon và Miles, khi mình mới mười chín. Một nụ cười nở ra trên đôi môi Stevie khi nàng hình dung về những đứa con. Cả ba đứa trẻ tóc đều màu vàng rất nhạt gần như trắng, mắt xanh và trong vắt như nước suối giữa rừng. Nay chúng đã thành người lớn, trong khi mẹ chúng vẫn còn trẻ, mới bốn mươi sáu, nhưng đã lên chức bà, do Nigel sinh con cách đây hai năm. Stevie cười thầm trong bụng. Bao nhiêu người đã tưởng lầm nàng là chị của các con và điều này khiến cậu con cả Nigel không vui. Anh ta không muốn thấy ai tưởng lầm như thế. Ngược lại, hai đứa em sinh đôi của anh ta lại coi đấy là điều chúng thích. Thậm chí chúng còn cố tình làm cho những người không biết tưởng chúng chỉ là em trai của Stevie. Chúng coi đó là một trò chơi lý thú, đánh lừa được người lạ. Cặp sinh đôi Gideon và Miles lấy làm vinh dự thấy mẹ chúng vẫn giữ được dáng trẻ trung, vóc người mảnh mai và cử chỉ nhanh nhẹn, tràn đầy sức sống. Nigel thì suy nghĩ ngược lại. Stevie có cảm giác mọi thứ gì của nàng đều làm con trai cả khó chịu. Khi nghĩ đến Nigel, nàng hơi cau mày. Đến khi nhận ra, nàng vội gạt cái ý nghĩ bực bội ấy đi. Stevie yêu con trai cả, nhưng nàng biết rằng Nigel có nét nào đó thừa hưởng của ông nội nó. Mà ông Bruce thì chưa bao giờ được nàng thật sự yêu quý mặc dù trong suốt những năm qua, ông ngày càng trọng thị con dâu hơn. Đặc biệt từ khi bà Alfreda qua đời. Còn khi mẹ chồng nàng đang sống, mối ác cảm đáng sợ của ông đối với con dâu không hề thay đổi, nhất là khi trong mối quan hệ có đụng đến bà Alfreda. Stevie lại bất giác thở dài, rồi quay mặt về phía ngọn lửa trong lò sưởi. Ký ức đưa nàng trở về với hai ông bà Jardine Bruce và Alfreda thời gian khi bà Alfreda còn sống... Sau khi Ralph và nàng lấy nhau được bốn năm, cô em gái của chổng nàng, Alycia, chết vì bệnh bạch hầu. Ông Bruce buộc phải xem xét lại tình thế và thực hiện một sự nhượng bộ, nhằm kết thúc vấn đề con trai và con dâu. Ralph và Stevie đã là bố mẹ của ba đứa cháu nội ông, những người sẽ thừa kế cơ nghiệp dòng họ Jardine của ông, sẽ theo bước chân của ông và cha chúng, quản lý doanh nghiệp Jardine và Công ty ở London, công ty đã được nhận danh hiệu "Hãng Kim hoàn Hoàng gia" và nhận trách nhiệm trông nom, sửa sang, mua sắm, bảo dưỡng toàn bộ các đồ kim hoàn và trang sức của hoàng gia nước Anh. Cuối cùng, tuy có phần miễn cưỡng, nhưng Stevie và Ralph đành chấp nhận thái độ nhượng bộ của cha mẹ chàng. Tuy nhiên hai vợ chồng nàng vẫn kiên quyết không chịu để hai ông bà can thiệp vào việc dạy dỗ các cháu nội của họ. Cách hai vợ chồng thường làm mỗi khi cần tránh xa cha mẹ là thực hiện một chuyến đi nghỉ dài ngày ở trang ấp tại miền Yorkshire này, đưa cả các con đì cùng. Trang ấp này quá cũ kỹ, lúc nào cũng có chỗ cần được sửa chữa, nhưng lại là thiên đường đối với họ. Chỉ tại đây hai vợ chồng nàng mới cảm thấy hoàn toàn thoải mái và họ coi nơi này mới thật sự là “nhà" của họ. Và cũng chính tại đây Stevie mới thật sự hạnh phúc. Trong nhà luôn có những tiếng cười vui vẻ. Tuy đã nhiều năm trôi qua, nhưng cho đến nay nhớ lại, Stevie vẫn thấy niềm hạnh phúc nàng có được trong những quãng thời gian sống ở Yorkshire chính là nhờ tính tình phúc hậu, cách cư xử yêu thương của chồng. Ralph đúng là người đàn ông tuyệt vời nhất trong số những người nàng biết. Niềm hạnh phúc diệu kỳ của Stevie bên cạnh chồng con chỉ chấm dứt vào cái ngày Ralph qua đời. Lúc đó chàng mới ở tuổi ba mươi tư. Còn quá trẻ. Và mới hai mươi ba tuổi, Stevie đã trở thành góa bụa. Cũng từ lúc đó cuộc sống của nàng bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Tất nhiên khó khăn nhiều nhất là do bố mẹ chồng gây ra cho nàng. Tìm mọi cách gạt con dâu ra khỏi mọi chuyện trong nhà, không cần biết đến nỗi đau khổ và bất lực của nàng sau khi mất chồng và cũng mất luôn cả chỗ dựa dẫm, hai ông bà Bruce Jardine và Alfreda vẫn tìm mọi cách ly gián các con nàng với mẹ của chúng. Đó chỉ là điều mơ tưởng hão huyền, làm sao hai ông bà thực hiện được điều đó. Stevie là người mẹ hoàn hảo, mẫu mực, không hề làm điều gì sai trái hoặc nóng vội dẫn đến cãi cọ. Người bạn thân nhất của Ralph, ông James Allerton, trước đây đã là đại diện hợp pháp của chàng thì nay, sau khi chàng qua đời ông thành đại diện hợp pháp của nàng. Bây giờ Stevỉe coi ông là chỗ dựa chính yếu và mỗi khi cha mẹ chồng gây khó khăn gì cho nàng, Stevie đều tìm đến James hỏi ý kiến và nhờ ông chỉ dẫn cách đối phó. Trong một lần gặp hai ông bà Jardine, ông James đã gần như cười giễu họ và nói toạc ra rằng họ thật tồi tệ, tất nhiên ông nói bằng những từ ngữ lịch sự hơn. Nguyên về mặt pháp lý, quyền thừa kế tài sản của gia tộc Jardine đã thuộc về Stevie, nhưng trong trường hợp này còn có cả di chúc của Ralph. Trong văn kiện đó, chàng bầy tỏ rất rõ tình cảm của chàng đối với nàng, không chỉ tình yêu và lòng mến phục, mà cả niềm tin tưởng nàng sẽ dạy các con chàng nên người. Ralph nói rõ trong chúc thư rằng mọi thứ gì thuộc chàng sở hữu đều truyền lại cho Stevie. Chàng cũng nói rõ ý nguyện của chàng là nàng được quyền độc lập, không phải phụ thuộc vào cha mẹ chồng. Tài sản của Ralph sẽ thừa kế cho các con của chàng và chàng chỉ định Stevie là người thực hiện di chúc. Do James đã nói rõ từng điều với hai ông bà Jardine cho nên Stevie có được mọi chủ bài trong tay và trở thành người chiến thắng. Cha mẹ chổng nàng đành bó tay, chịu thất bại. Chính nỗi căm ghét cha mẹ chồng đã giúp ích nàng rất nhiều trong năm 1973. Stevie sử dụng nỗi uất giận đó theo hướng có lợi cho nàng và càng quyết tâm giữ chặt các con luôn bên mình. Còn một điều nữa hồi đó Stevie chưa nhận ra, đó là chính lòng uất giận kia đã đẩy tham vọng của nàng lên cao và giúp nàng làm được những việc mà trước kia nàng tưởng không làm nổi. Trong óc Stevie hình thành cả một kế hoạch, nhằm tạo cho mình thành người mà ông Bruce Jardine không thể thiếu trong công việc kinh doanh, đồng thời nhằm giữ vững được quyền kiểm soát con cái cho đến khi chúng trưởng thành, có thể tự sống. Năm đó, do bị cha mẹ chồng gây khó khăn và do nỗi đau đớn chưa nguôi, nàng chưa thực hiện được kế hoạch, nhưng nó đã chín dần trong tâm trí nàng, giống như một hạt giống đã được gieo, sẽ đến ngày nẩy mầm bén rễ. Bản chất Stevie là người thực tế. Nàng không lúc nào quên rằng tất sẽ đến một ngày các con nàng tiếp thu công việc kinh doanh của gia đình, vì vậy chúng cần được giáo dục chu đáo, chuẩn bị cho công việc đó. Hãng Kim hoàn Jardine thành lập từ năm 1787. Cụ tổ vốn là một thợ kim hoàn xứ Scotland, khi chuyển ra sống ở kinh đô London đã mở tại đây một cửa hiệu kim hoàn nhỏ. Từ ngày đó đến nay, hãng Jardines bao giờ cũng do một người mang họ Jardine làm chủ. Thế là phải đến năm 1974, Stevie mới bắt đầu lấy lại được thăng bằng đã bị mất sau cái chết của Ralph. Nàng khôi phục lại mối quan hệ với cha mẹ chồng, lấy cớ để gần gũi với gia đình bên nội, tất nhiên nàng có nhờ James nói lót hộ để việc đó thuận tiện và hợp lý. Bà Alfreda vẫn giữ thái độ thù địch và bà luôn tìm ra được dịp để gây khó khăn cho con dâu. Tuy nhiên Stevie hiểu rằng đã đến lúc các con trai nàng phải gần gụi ông bà nội chúng, đặc biệt là ông nội, ông Bruce Jardine, bởi ông chính là chìa khóa để mở ra tương lai cuộc đời cho chúng. Phải làm sao để ông Bruce huấn luyện chúng, truyền cho chúng những kinh nghiệm trong kinh doanh, để đến khi ông không làm việc được nữa, chúng có thể tiếp nối công việc quản lý cái doanh nghiệp to lớn này. Doanh nghiệp Jardines được công nhận là hãng Kim hoàn Hoàng gia từ thời Nữ hoàng Victoria trị vì. Phải làm sao để các con trai nàng tinh thông nghề nghiệp. Chuông điện thoại reo làm Stevie sực tỉnh, và khi nhấc máy, tâm trí nàng đã quay về với hiện tại. "Alô! " “Xin cho tôi gặp bà Jardine.” “Tôi đây." “Chào Stevie. Tôi là Matt Wilson đây." Ngạc nhiên quá đỗi, nàng kêu lên, “Chào anh Matt. Anh ở đâu gọi đến đấy?" Nàng liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Năm giờ ba mươi. “Không phải ở Paris chứ? Bên ấy lúc này hẳn đã là đêm khuya lắm rồi.” Matt cười to, “Không, tôi đang ở Los Angeles. Cùng với ông chủ. Hai chúng tôi đến đây để gặp một khách hàng. Ông khách hàng này ngỏ ý muốn gặp bà. Thế là tôi quay số điện này ngay.” “Cảm ơn anh Matt.” Lát sau tiếng ông già André Birron đã vang lên ở đầu dây bên kia.”Stevie, Stevie thân mến, cô vẫn mạnh khỏe chứ?" “Tôi khoẻ, cám ơn ông.” Stevie nói, và nàng cười thích thú khi nghe thấy giọng nói quen thuộc. Vào tuổi bảy mươi lăm, ông già André đã thành một trong những nhà kim hoàn nổi tiếng, thậm chí có thể nói nhà kim hoàn nổi tiếng nhất thế giới. Là vua trong nghề kinh doanh kim hoàn, từ lâu ông André đã thân với Stevie. Mỗi khi nàng cần đến ông giúp đỡ, ông đều tận tình. “Rất vui được nghe giọng nói của cô, cô Stevie ạ", ông ta nói, "Và nếu được gặp thì tôi còn thích thú hơn nữa. Tôi đã đến New York cách đây khoảng chục ngày rồi. Để dự buổi bán đấu giá của hãng Sotheby. Tôi tin rằng cô cũng sẽ đến đó.” “Vâng, thế nào tôi cũng đến. Và tôi hy vọng ông thu xếp được thời giờ để đi ăn tối với tôi một bữa. Hoặc ăn trưa cũng được, ông André ạ.” “Tối hay trưa tôi đều sẵn sàng, mà nếu cả hai bữa thì càng tốt ấy chứ, cô bạn trẻ thân mến ạ.” Ông ta ngừng một giây rồi nói tiếp, "Cô dự định sẽ tìm cách mua bằng được viên Nữ Hoàng, có phải không đấy?" “Vâng, đúng thế.” “Tôi cho rằng cô nên cố mua. Tôi biết xưa nay cô vẫn khao khát có nó.” Ông ta cười khúc khích.”Cô vẫn luôn nằm mơ thấy nó, đúng không Stevie?" “Quả là tôi rất ao ước có được nó, ông đoán chính xác.” Stevie đáp và cũng cười khúc khích. “Ông hiểu thấu ruột gan tôi đấy, ông André ạ. Nhưng ai mà chẳng mơ ước có được nó? Tôi nghĩ nó là viên kim cương quý giá nhất thế giới đấy?" “Cô nói đúng. Nhưng tôi thì không tính mua nó, cô Stevie ạ. Không phải vì nhường cô đâu. Mà vì tôi không đủ sức. Chắc chắn giá của nó sẽ leo thang lên đến những khoản tiền khổng lồ. Vì số người ao ước có nó không phải ít. Mà họ đều giàu sụ. Vả lại tôi cũng không yêu nó đến mức như cô yêu đâu, mặc dù tôi rất thán phục nó. Nó là viên kim cương mà cô, và chỉ cô, mới xứng đáng sở hữu.” “Cảm ơn ông đã cho tôi biết là ông sẽ có mặt trong buổi bán đấu giá nó. Tôi cho rằng mua được nó cũng ngang như bay lên trời cao đấy. Ông đồng ý với tôi không, thưa ông André?" “Đồng ý. Viên kim cương này từ thập niên năm mươi chưa thấy xuất hiện trên thị trường, cho nên lần này đem ra rao bán, tôi tin rằng nó sẽ được rất nhiều người quan tâm. Đấy chính là lý do tôi gọi điện cho cô ngày hôm nay, cô Stevie bé bỏng của tôi ạ. Chỉ cốt để cô biết sẽ không có sự tranh chấp giữa cô và tôi. Và tôi còn rất vinh hạnh được tháp tùng cô đến dự buổi bán đấu giá, nếu cô cho phép.” “Tôỉ lại rất mong được như thế, ông André ạ. Xin cảm ơn ông.” "Và sau buổi bán đấu giá, chúng ta sẽ cùng đi ăn tối. Bữa ăn đó sẽ là một sự ăn mừng.” Stevie cười vang. ”Nhưng chỉ là ăn mừng nếu tôi đoạt được viên Nữ Hoàng ấy, thưa ông André quý mến.” “Tôi thì tin rằng cô sẽ đoạt được nó, Stevie".