Dịch giả: Phạm Văn Vinh
Phần Thứ Nhất
Nguyên tác tiếng Pháp: Pêcheurs d' Islande
Nhà xuất bản Hachette, 1980

Họ có tất cả năm người, to lớn vạm vỡ đến phát khiếp. Cả bọn đang quây quần trong khoang tàu tối om và mặn mòi để uống rượu. Khoang tàu quá thấp so với vóc người của họ thót dần về phía mũi như bụng con cú mèo đã moi hết ruột. Con tàu tròng trành, rên rỉ tiếng thở than đơn điệu nghe phát buồn ngủ.
Bên ngoài là đêm tối và biển cả. Nhưng họ chẳng hề biết. Nóc tàu chỉ có mỗi một cửa nhỏ khoét vào trần, đậy bằng một nắp gỗ, bên trong chập chờn một chiếc đèn dầu cũ kỹ, treo trên trần.
Hơi nóng từ lửa bếp lò toả ra làm quần áo ướt mấy người đang mặc bốc hơi quyện với khói thuốc từ các tẩu bay lên.
Một chiếc bàn lớn chiếm gần trọn khoang tàu, chung quanh chỉ còn đủ chỗ cho thuỷ thủ lách vào để ngồi trên các thùng gỗ treo vào vách tàu. Những chiếc rầm gỗ to nâng mui tàu chạy ngang dọc sát ngay trên đầu họ, sau lưng mỗi người là một chỗ nằm khoét sâu vào thành tàu như cái cũi quàn người chết. Tất cả đồ đạc trong khoang đều bằng gỗ đẽo thô ngấm nước và muối, mòn nhẵn vì bị chân tay cọ sát lâu ngày.
Họ đang uống rượu nho và rượu táo. Nét mặt người nào cũng tươi vui, cương trực hiền lành. Rượu rồi họ còn ngồi lại tán gẫu với nhau về đủ thứ chuyện yêu đương.
Bức tượng Đức Mẹ Đồng trinh treo áp vách, trên một tấm ván mỏng, phía trong cùng tại một vị trí trang trọng. Bức tượng bằng gốm đã cũ trạm khắc thô sơ, là thần hộ mệnh của thuỷ thủ, được giữ gìn lâu bền qua mấy đời người. Tấm áo dài xanh đỏ của tượng gây cảm xúc hơn mọi đồ vật xám xịt trong khoang tàu. Đức Mẹ đã từng nhiều lần nghe những lời cầu khẩn thiết tha vào giờ phút lâm nguy. Họ đã treo dưới chân Người hai bó hoa tự tạo và một chuỗi tràng hạt.
Năm người ăn mặc giống nhau, áo len dày màu xanh bó sát người bỏ trong quần, mũ vải sơn chống mưa gió, một loại mũ hay dùng ở bán cầu này nơi gió tây nam thường kéo theo mưa.
Họ mỗi người một tuổi, thuyền trưởng khoảng bốn mươi, ba người kia từ hăm nhăm đến ba chục, người trẻ nhất tên là Sylvestre hay còn gọi là Lurlu, mới mười bảy, nhưng tầm vóc và sức khoẻ thì như người lớn, bộ râu đen, thanh mảnh và xoăn, riêng đôi mắt vẫn như mắt trẻ con, xanh biếc rất hiền thật ngây thơ. Trong khoang tàu chật chội và tối om, họ ngồi xít vào nhau, trông thật đầm ấm.
Bên ngoài là đêm tối và biển cả, nước sâu, đen ngòm, mênh mông đến não lòng. Một chiếc đồng hồ vỏ đồng treo trên vách chỉ mười một giờ, có lẽ là mười một giờ đêm, còn trên nóc khoang taù mưu tí tách nhỏ giọt.
Nhưng tình yêu đối với những con người đã được tôi luyện như họ, vẫn là chuyện lành mạnh, trong sạch.
Trong khi ấy Sylvestre vẫn băn khoăn sao mãi không thấy một người nữa vào, một người tên là Jean, hay theo cách gọi của người địa phương xứ Bretagne là Yann.
Yann đang ở đâu nhỉ? Sao lúc nào anh ta cũng lúi húi với công việc ở trên ấy vậy? Sao không xuống tham dự vào tiệc vui với anh em?
“Mà sắp nửa đêm rồi đấy!” Thuyền trưởng nói và đứng dậy lấy đầu đủn bổng tấm ván đậy cửa để gọi Yann.
“Yann! Yann!”
Yann, thưa giọng cộc lốc: “Có”.
Một luồng ánh sáng lợt lạt ùa vào giống như ánh mặt trời lúc chiều tà, tuy đã sắp nửa đêm.
Cửa mui đóng lại, trong khoang lại tối như đêm, chiếc đèn dầu nhỏ treo trên trần lại toả ánh sáng vàng vọt, người ấy trèo xuống thang gỗ, chân mang đôi giày to tướng.
Nó bước vào cúi gập đôi người như một con gấu to chẳng khác một tên khổng lồ. Mùi nước mắm mặn chát làm nó nhăn mặt lấy tay bịt mũi.
Nó to quá khổ người thường, lưng to bè thẳng đuỗn nhìn trước mặt, bắp thịt vai như hai cục thịt nổi cộm lên dưới làn áo len xanh, đôi mắt to màu nâu luôn mang vẻ dữ dằn ngang tàng.
Sylvestre ghì anh ta vào sát người mình âu yếm như hai đứa trẻ, nó sắp lấy em gái Yann nên coi Yann như anh. Yann để mặc Sylvestre, chỉ nhoẻn miệng cười, nhe hai hàm răng trắng ởn như một con sư tử được mơn trớn.
Hàm nó rộng, răng nó thưa, cái nọ xa cái kia, trông càng như nhỏ lại. Hai ria mép màu hung và ngắn, tuy chẳng bao giờ tỉa, xoắn và quăn vón lại thành hai cuộn đặt đăng đối trên hai bên vành môi nhỏ và đen, đến khoé mép thì trở nên rối bù, râu cắt ngắn để lộ hai má đỏ và phớt lông căng như trái quả chín.
Cái cốc lại được rót đầy khi Yann ngồi xuống. Chú bé phục vụ nhồi thêm thuốc vào các tẩu của các anh thuỷ thủ. Chú bé nhân đấy mà được hút một tí. Đó là một cậu con trai khoẻ mạnh, nét mặt tròn trịa, là em họ của tất cả thuỷ thủ này, họ ít nhiều đều là họ hàng với nhau. Chỉ có điều công việc nặng nhọc, chứ nó được chiều chuộng nhất dưới tàu này. Yann cho nó uống rượu trong cốc mình, rồi người ta bảo nó đi ngủ. Câu chuyện về vợ con giữa mấy thủy thủ lại tiếp tục:
“Này Yann, Sylvestre hỏi, bao giờ chúng tôi tổ chức đám cưới của anh nhỉ?”
“Cậu không thấy xấu hổ, - thuyền trưởng cũng nói, - to xác lộc ngộc hăm bảy tuổi rồi mà chưa lấy vợ. Bọn con gái nó nghĩ thế nào về cậu nhỉ?”
Với vẻ khinh miệt phụ nữ, Yann nhún vai trả lời:
“Đám cưới của tôi, tôi làm vào đêm nay mà cũng có khi làm ngay bây giờ, còn tuỳ đấy”.
Yann vừa mới xong năm năm nghĩa vụ quân sự. Thời gian ấy anh ta làm thuỷ thủ tàu pháo hạm và cũng tại đấy anh học nói tiếng Pháp và có những luận điệu hoài nghi. Rồi anh kể về cuộc tình mới đây, một cuộc tình dài mười lăm ngày.
Đó là cuộc gặp với một cô ca sĩ ở Nantes. Một buổi tối đi biển về, đang ngà ngà say, anh ta đến một quán lớn thấy trước cửa có một phụ nữ bán hoa giá hai mươi francs một bó. Anh ta mua ngay một bó chẳng biết để làm gì. Rồi mang vào ném thẳng vào mặt một cô gái đang hát trên sân khấu, nửa để tỏ tình nửa để chế giễu con búp bê trát quá nhiều son phấn đỏ hồng. Cô gái cắn câu ngay và đã đi theo anh ta gần ba tuần lễ.
“Lúc tối ra đi nó lại còn tặng cái đồng hồ vàng này nữa” – Yann nói và quăng chiếc đồng hồ lên mặt bàn cho mọi người xem, như vứt một đồ chơi rẻ mạt.
Câu chuyện kể với giọng bỗ bã làm ngạc nhiên các bạn chài, những chàng trai cù mì vốn quanh năm sống với biển cả, giữa đêm tối mịt mùng, phải nhìn lên trời mới biết những ngày hè nơi bắc cực sắp qua đi.
Cử chỉ của Yann làm cho Sylvestre ngạc nhiên và buồn lòng. Sylvestre là một đứa trẻ hãy còn thơ dại lúc bé được bà là vợ goá một dân chài ở Ploubazlance, một phụ nữ rất sùng đạo, nuôi nấng. Ngày ngày nó theo bà ra quỳ trước mộ mẹ cầu kinh. Từ khu nghĩa địa này ở trên vách núi có thể nhìn thấy mặt nước màu xám xịt của biển Manche nơi bố nó đã qua đời trong một vụ đắm tàu. Bà cháu nó nghèo lắm. Ngay từ lúc nhỏ tuổi nó đã phải ra khơi vào làng, suốt tháng quanh năm lênh đênh ngoài biển cả. Tối tối chăm chỉ đọc kinh, đôi mắt lộ rõ lòng kính Chúa. Nó cũng xinh xắn như Yann, và sau Yann nó là đứa chững chạc nhất trên thuyền. Giọng nói của nó rất dịu dàng, phát âm như đứa trẻ con có phần trái ngược với vóc người to cao và bộ râu đen sịt, có lúc nó ngượng vì thấy mình lớn nhanh, cơ thể to bè. Nó cũng đã định sẽ lấy em gái Yann, nhưng không dám ngỏ lời trước.
Trong khoang tàu cả bọn chỉ có ba chỗ nằm, mỗi chỗ cho hai người, thay đổi nhau, mỗi người nửa đêm.
Khi họ xong tiệc rượu mừng kỷ niệm ngày Đức Mẹ lên trời, thì đã quá nửa đêm một tí. Ba người trong bọn chui vào ngủ trong cũi giống như những nhà mồ; còn ba người kia lên boong để tiếp tục câu cá. Ba người này là Yann, Sylvestre và một đồng hương là Guilaume.
Bên ngoài lúc này là bầu trời sáng, như mãi mãi là bầu trời sáng vô tận.
Sáng đấy nhưng chỉ là một thứ ánh sáng lợt lạt, chẳng giống cái gì cả, rọi lên mọi vật như những tia mặt trời lúc chiều tà. Một khoảng trống vô biên không màu sắc ập quanh họ và ngoài những tấm ván thuyền ra, tất cả đều mờ nhạt, huyền ảo, vô hình.
Mắt nhìn ra biển chỉ thấy lờ mờ; đầu tiên như một tấm gương rung động, chẳng phản ảnh một hình bóng nào, nhìn ra thêm thì lại như một mặt phẳng đầy hơi nước, rồi sau cùng chẳng thấy gì nữa, không thành vách, cũng chẳng có chân trời.
Không khí thì dịu mát, ẩm và đậm đặc hơn lúc trời rét, thở mạnh thấy mặn mặn. Lúc này  đã hết mưa, chung quanh yên tĩnh. Trên cao những đám mây không màu sắc, không hình thù như có ánh sáng tiềm ẩn, người ta vẫn nhìn rõ biết là đang đêm nhưng tất cả mọi vật đều bàng bạc, không rõ đậm nhạt ra sao, không xác định được gam màu.
Ba người đấy đã sống từ lúc thơ ấu trên những vùng biển lạnh giữa những ảo ảnh lờ mờ và rối loạn. Họ đã từng quen với cảnh tượng ấy, luôn luôn đổi thay chung quanh khoang thuyền của họ, mắt họ đã quen với không gian ấy như mắt những loài chim biển.
Con tàu đứng yên một chỗ, tròng trành làm bật lên tiếng than thở đều đều như giọng hát xứ Butague do một người ngủ mê hát lên. Yann và Sylvestre đã chuẩn bị xong cần câu, lưỡi câu, còn người kia cũng đã mở nắp thùng muối, mài sẵn dao, ngồi đợi đằng sau.
Chỉ một lát, Yann và Sylvestre đã kéo từ dưới nước lên những con cá nặng, da xám ánh thép.
Những con cá thu tươi rói vẫn đều đều cắn câu, hai người lặng lẽ giật hết con nọ đến con kia. Còn người thứ ba không ngớt tay mổ bụng, ướp muối và đếm. Đống cá cao dần sau lưng họ, món tài sản quý giá của họ nay mai khi quay tàu về. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Trong khoảng không trống rỗng, ánh sáng thay đổi dần và trở nên thật hơn. Trước đây ánh sáng chỉ nhợt nhạt như ánh hoàng hôn hay ánh chiều ở miền Bắc, thì bây giờ lại như lúc bình minh, mặt biển như tấm gương phản chiếu những tia hồng;
Bỗng chốc Sylvestre bảo Yann: “Anh phải cưới vợ đi anh Yann ạ”. Lần này nó nói một cách nghiêm túc, vì nó biết rằng  anh ấy đã để mắt vào một cô gái ở Bretagne nhưng nó rụt rè không dám nói ra vì là vấn đề quan trọng không dám đụng đến.
Yann mỉm cười trả lời: “Được rồi, sẽ có ngày tao cưới, nhưng không phải kết hôn với một cô gái nào ở quê đâu, tao sẽ kết hôn với biển cả”. Anh nói câu ấy vẫn với giọng khinh khỉnh như thường lệ và nói thêm: “Tao sẽ mời tất cả chúng mày đến dự tiệc cưới của tao”.
Họ cứ vừa trò chuyện vừa câu, chứ không ngừng tay mất thì giờ, họ đang gặp một bãi cá lớn, một đàn cá đang kéo nhau đi tìm mồi, bơi qua suốt hai ngày rồi mà chưa hết.
Cả ba người dã không ngủ đêm qua, câu suốt mười ba tiếng liền được hơn một nghìn con cá thu cỡ thật lớn, vì vậy tay họ mỏi rời và vừa câu vừa ngủ. Chỉ có cơ thể họ thứ, tự cơ thể nó câu, còn hồn họ thì lơ lửng trong giấc ngủ. Nhưng vì không khí ngoài trời trong lành như thuở hồng hoang đầy sinh khí nên tuy có mệt mà ngực họ vẫn nở nang, má vẫn tươi mát.
Rồi ánh sáng lúc ban mai, ánh sáng thật cuối cùng đã đến, ngăn cách với bóng đem còn đang chồng chất nặng trĩu phía chân trời, nhìn kỹ thì sẽ thấy rằng lúc  này người ta đã ra khỏi màn đêm, còn cái ánh sáng lúc trước mơ hồ và khác lạ như trong giấc mơ.
Da trời một màu đen kịt, dày cộm, chỉ đôi chỗ có những mảng rách như những lỗ thoáng trổ trên các nóc vòm, để lọt qua những tia sáng ánh bạc pha hồng.
Phía dưới chân trời, mây đen đặc quánh xếp thành một dải vòng quanh mép nước, tạo thành một vùng tối mờ mờ, vô định, làm c ho người ta tưởng nhầm đấy là một không gian khép kín, có đường ranh giới, có những tấm màn ngăn cách với khoảng trống vô tận, để che giấu những bí ẩn do con người tưởng tượng. Buổi sáng hôm ấy, không gian nơi Yann và Sylvestre đứng câu thật tĩnh lặng dường như ở một cung điện những chùm ánh sáng rọi từ trên sân cung điện bằng đá hoa cương. Rồi dần dần tận phía xa hiện ra một quái vật khác: đó là một mũi đất ở Islande, cao lêu đêu giương lên trời.
“Tao kết hôn với biển cả”. Sylvestre vừa câu vừa nhớ lại câu nói lúc trước của Yann. Nó buồn khi nghe Yann giễu cợt một việc rất hệ trọng là việc hôn nhân, việc của cả một đời người. Nó thấy sợ hãi nữa vì nó mê tín.
Đã từ lâu nó vẫn nghĩ đến việc hôn nhân của Yann. Nó vẫn đinh ninh rằng, Yann. Nó vẫn đinh ninh rằng, Yann sẽ cưới Gaud Mevel, một cô gái ở Paimpol và nó sẽ được dự ngày hôn lễ trước khi nó đi nghĩa vụ quân sự, trước cái cuộc “đi đầy” năm năm, ngày đi thì có mà ngày về thì chưa biết thế nào, ngày ấy, lại sắp đến nơi làm nó buồn lòng.
Lúc này là bốn giờ sáng. Mấy người ngủ trước đã dậy, lên boong để đổi phiên. Họ đi bốt vào trèo lên mui, dang tay thở mạnh hít không khí, chớp chớp mắt cho khỏi chói.
Yann và Selvestre vội ăn lót dạ mấy miếng bánh qui, họ lấy vồ đập cho vỡ, bỏ vào miệng nhai giòn giã, vừa nhai vừa cười thấy bánh rắn quá. Nghĩ đến lúc sắp được ngủ, được chui vào chăn ấm, nằm sít bên nhau, hai cậu vui đùa ôm nhau nhảy đi dần vào khoang vừa đi vừa rủ rỉ một điệu hát cổ.
Trước khi vào giường nằm họ còn đứng lại đùa với con Ture, con chó nuôi trên tàu, giống chó vùng Đất mới, hãy còn nhỏ, có đôi chân to, vụng về và dại dột. Hai người lấy tay trêu nó, nó cắn vào cho đau tay. Yann nhăn mặt, tức lên nện mạnh làm con chó ngã lăn ra sủa ầm.
Yann tốt thật, nhưng vẫn còn mang thói dữ tợn, một cái vuốt ve dịu dàng ở anh ta nhiều khi cũng mau biến thành một động tác tàn nhẫn.
°
°
Con tàu của họ tên là Marie, thuyền trưởng là Guermeur. Hàng năm họ đem tàu đến đánh cá ở vùng nước lạnh, nơi này mùa hè không có đêm.
Con tàu cũ lắm rồi, cũ như bức tượng Đức Mẹ bằng sứ, thần hộ mệnh của họ. Mạn thuyền dày cộp, then nứt nẻ, xù xì, thấm nước và muối nhưng vẫn khoẻ, thơm mùi hắc ín. Lúc đậu một chỗ, con thuyền có vẻ nặng nề, cục mịch, nhưng khi gió tây thổi, nó trở lại khoẻ khoắn, nhẹ nhàng như hải âu được gió đánh thức dậy. Nó biết cách lướt sóng lanh lẹn hơn cả những con thuyền mới đóng thanh thấu hiện đại.
Còn sáu thuỷ thủ và thằng nhỏ là người xứ Islande, những dân đi biển dũng cảm. Họ thường sống rải rác ở Paimpol và Trégueer, tận tuỵ với nghề chài lưới từ đời cha đến đời con.
Họ gần như chẳng bao giờ được thấy mùa hạ của đất Pháp. Cứ cuối mùa đong họ cùng với bạn chài khác chịu lễ cầu phúc ở Paimpol để xuất hành. Vào ngày ấy, một trạm nghỉ được dựng lên tại bến cảng; nó bắt chước hình dáng một hang đá, chung quanh là những cái neo, những mái chèo, những lưới, tất cả vớt nhặt từ khắp nơi đem về. Chính giữa là tượng Đức Mẹ đồng trinh, thần hộ mệnh của thuỷ thủ, được rước từ trong nhà thờ ra. Với đôi mắt giả, từ thế hệ này qua thế hệ khác, bức tượng nhìn những người ra đi gặp may mắn cũng hệt như nhìn những kẻ có đi không về.
Lễ cầu phúc xong thì đến tiết mục diễu hành. Những người mẹ, người vợ, người chị, người em, người yêu đi quanh hải cảng một vòng. Các tàu xứ Islande cắm cờ vẫy chào khi đi ngang qua. Linh mục dừng lại trước mỗi con tàu nói mấy lời và làm phép chúc phúc.
Xong rồi cả đoàn tàu nhổ neo ra khơi, để lại đằng sau một miền đất vắng bóng những người chồng, người cha, người con trai, người yêu. Đoàn thuyền vừa đi vừa ca hát vang lừng. Họ hát những bài thánh ca chúc mừng Đức Mẹ Sao biển.
Mỗi năm lại có một ngày lễ và cuộc tiễn đưa như thế.
Sau đó lại là cuộc sống ngoài khơi. Ba bốn bạn chài lẻ loi trên con thuyền vẫn lênh đênh giữa miền biển lạnh giá phía Bắc.
Cho đến bây giờ, con tàu của họ hàng năm vẫn trở về, Đức Mẹ Đồng trinh Sao biển phù hộ, che chở cho con tàu mang tên Người.
Cứ cuối tháng tám là thời điểm các con tàu quay về. Nhưng theo tập quán của nhiều con tàu Islande thì tàu Marie chỉ lướt qua cảng Paimpol để đi thẳng xuống Vịnh Gascogne ở đấy bán cá được giá hơn, rồi xuôi các bãi muối để mua muối làm vụ cá tiếp theo.
Trên các hải cảng miền nam lúc này đương còn mùa nắng. Trong mấy ngày tàu đỗ lại, các chàng trai thuỷ thủ toả đi khắp nơi háo hức khoái lạc say sưa với đất liền và phụ nữ, tận hưởng không khí ấm áp của khoảng khắc còn lại của mùa hè.
Để rồi khi đợt sương mù của mùa thu đến, họ quay về với tổ ấm ở Paimpol hay về những mái tranh nghèo rải rác xức Goelo để lo công việc gia đình, con cái hay cưới xin dạm hỏi. Gần như quy luật, những đứa trẻ ra đời lúc này là từ các bà mẹ mang thai từ mùa đông năm trước và giờ đây đợi có cha đỡ đầu để chịu lễ ban phước. Dân chài phải có nhiều đứa con để hiến dâng cho Islande phàm ăn.
°
 Ở Paimpol, vào một buổi chiều chủ nhật tháng Sáu năm ấy, có hai người phụ nữ đang bận vào việc viết một lá thư.
Việc đó diễn ra trước một khung cửa sổ mở rộng, trên bạo cửa bằng đá granit bày một rặng chậu hoa.
    Cả hai người đang cúi đầu trên bàn. Trông họ có vẻ còn trẻ, một người đội mũ rộng vành kiểu ngày trước, còn một người kia mũ hẹp vành kiểu bây giờ. Có thể đây là hai người đang yêu đang thảo chung một lá thư gửi cho một chàng trai Islande nào đấy.
Người đang đọc - người đội mũ rộng vành -  ngửng lên để suy nghĩ, tìm lời. Hoá ra một bà già, già lắm, nhìn sau lưng, đầu lại bịt khăn cứ tưởng là một thiếu nữ. Trông bà phải đến sáu mươi là ít. Nhưng vẫn đẹp vẫn tươi tắn, đôi gò má hồng hào. Nhiều cụ già rồi nhưng vẫn giữ được nét trẻ trung. Chiếc mũ bằng vải mỏng ấn sâu xuống trán, che kín cả gáy, để lộ khuôn mặt hiền hậu đầy vẻ tôn nghiêm, giữa màu trắng toát của lớp vải. Đôi mắt hiền lành đầy vẻ nhân hậu. Bà không còn chiếc răng nào, khi cười chỉ thấy hé ra hai lợi. Cằm bà nhọn như mũi giầy – bà hay nói vui như thế - nhưng nét mặt không vì thời gian làm tàn úa nhiều lắm. Bà đã giữ được điều độ và trinh trắng như các thánh thần.
Bà nhìn ra cửa sổ, nghĩ xem có còn gì kể để cho cháu bà vui lòng.
Ở cả xứ Paimpol này không tìm đâu ra một bà già khéo như thế. Chuyện chẳng có gì mà bà kể cứ vui. Trong thư đã có ba bốn chuyện thật hay mà đều là chuyện thật thà, không chút ác ý. Bà không bao giờ có ác ý với ai.
Người kia thấy chừng như không còn gì để viết thêm nên ghi địa chỉ thật cẩn thận.
Anh Moan Sylvestre, tàu Marie, thuyền trưởng Guermeur – Vùng biển Islande ở Rayjevik.
Viết xong người ấy ngửng đầu lên hỏi:
“Hết chưa, bà Moan?”
Người này còn rất trẻ, trẻ một cách đáng yêu trông mặt chỉ mới độ hai mươi. Cô gái có mái tóc hung, hiếm thấy ở xứ Bretagne, nơi thường có mái tóc nâu. Trên gương mặt hiện lên đôi mắt màu xám với cặp mi đen và hai nét mày còn sẫm hơn, biểu lộ một ý chí mạnh mẽ. Gương mặt hơi ngắn trông có vẻ quí phái, cái mũi dọc dừa ngang thẳng trên khuôn mặt, như gương mặt người Hy Lạp. Một lúm sâu phía dưới càng tôn thêm vẻ đẹp vành môi. Thỉnh thoảng bận suy nghĩ điều gì, cô gái lại cắn môi để lộ hàm răng trắng muốt. Cả con người cô toát lên nét tự hào, hơi nghiêm trang; đấy là nét di truyền của những người Islande sống nghề hàng hải. Đôi mắt vừa hiền dịu lại vừa bướng bỉnh.
Chiếc mũ của cô gái giống hình vỏ ốc, che kín trán, ép chặt vào đầu như một dải băng, hai bên hếch lên để lộ hai bím tóc dầy quấn hình xoắn ốc trên hai vành tai. Đây là kiểu làm đầu từ ngày xưa ở Paimpol còn sót lại.
Cô gái, gọi bà già là bà nhưng thực ra đấy là bà cô họ xa, sống rất vất vả.
Cô là con ông Mével, một người dân đảo Islande, giàu lên bằng nghề cướp biển.
Gian phòng cô gái vừa ngồi viết bức thư là phòng của cô, một gian phòng xinh đẹp, trong phòng có một chiếc giường đóng kiểu thành thị, có rèm che bằng vải mỏng viền đăng ten, trên tường căng tấm giấy màu nhạt để che đi những chỗ lồi lõm của đá granit. Qua lớp vôi trắng phủ trên cách thanh gỗ to ở xà nhà, người ta biết được ngôi nhà làm đã lâu đời. Các cửa sổ đều quay ra phía quảng trường thành phố Paimpol, nơi có chợ họp. Ngôi nhà này là của một thị dân khá giả.
“Hết rồi à bà Yvonne? Bà không còn gì để nói thêm nữa à?”
“Hết rồi cháu ạ. Chỉ nói thêm bà gửi lời chúc sức khoẻ con trai ông Gaos”.
Con trai ông Gaos tức là Yann đấy. Cô gái bỗng đỏ mặt và cảm thấy tự hào khi viết vào lá thư cái tên ấy.
Viết xong câu ấy vào cuối trang, cô gái ngửng đầu lên quay ra phía quảng trường, như để nhìn cái gì rất thú vị.
Lúc cô gái đứng dậy, vóc người hơi đậm bó khít trong tấm áo, không có nếp gấp trông rất duyên dáng. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, trắng muốt trông thật xinh, chứng tỏ cô không phải làm những công việc nặng nhọc.
Lúc còn nhỏ, mẹ mất sớm, bố bận đánh bắt suốt mấy mùa ngoài biển khơi. Gaud, tên cô gái, suốt ngày bị bõm lội chân không đùa nghịch dưới nước. Cô bé thật xinh, má hồng, môi đỏ, tóc buông lơi, tính nết ngang ngạnh, lớn lên hàng ngày trong gió chướng của biển Manche. Giữa lúc này, cô bé được một bà già nghèo là bà Moan đón về, giao cho việc trông coi thằng Sylvestre trong lúc bà bận đi làm thuê cho các gia đình ở Paimpol.
Cô bé chỉ hơn Sylvestre có mười tám tháng nhưng nó biết chăm nom nó chẳng khác gì mẹ chăm con. Thằng bé tóc nâu, còn cô gái tóc hung, thằng bé hiền lành dễ bảo, còn cô gái t hì hăng hái tính nết bất thường.
Cô gái nhớ lại lúc thiếu thời của mình, khi ấy cảnh giàu sang nơi thành thị không làm cô mê say, cô hồi tưởng lại thời kỳ cô sống một cách tự do không có khuôn phép gì như nhớ lại một thời mờ mịt đầy bí hiểm thời kỳ mà mắt cô nhìn những hòn sỏi thấy to tướng và những vách núi quá đồ sộ được. Ngày cô lên năm lên sáu, lúc ấy bố cô đang kiếm nhiều tiền do mua vào bán ra những xác thuyền cũ, bố cô đã đưa cô lên Saint Brieue rồi sau lại lên Paris. Bé Gaud đã trở thành cô Marguerite, lớn nhiều, đứng đắn, có đôi mắt nghiêm nghị. Lên đây được bố để cho mặc sức nên cô gái vẫn giữ bản chất một đứa trẻ ương bướng. Những điều cô hiểu biết về cuộc sống cũng chỉ là tự nhiên mà đến không phân biệt hay dở. Nhưng lòng tự tôn bẩm sinh đã ngăn ngừa cho cô những sai phạm. Cô thường nhiều lúc tỏ ra ngang tàng dám nói thẳng vào mặt người ta một cách bộc trực khiến người ta phải ngạc nhiên và không bao giờ chịu cúi mặt trước những chàng trai. Nhưng thái độ của cô thành thật vô tư, nên họ không có những nhận định sai lầm về cô, họ biết rằng cô là người chân thực có tấm lòng trong sáng.
Đến ở những thành phố lớn này cô đã thay đổi cách ăn mặc. Tuy vẫn giữ chiếc mũ thường đội của người phụ nữ xứ Bretagne như trước, nhưng cô đã mau chóng học cách ăn mặc khác. Cơ thể của cô bé dân chài, nay đã trở nên thon thả như một tiểu thư thành phố.
  Lâu lâu bố cô lại đưa cô về Bretagne vào mùa hè như kiểu người đi du lịch tắm biển, để được thấy lại những kỷ niệm ngày trước và được nghe gọi cái tên Gaud của cô lúc bé, được nhìn những người Islande mà cô chỉ mới nghe nói, được thấy tận mắt vùng biển Islande mà cô thường tưởng tượng như một cái vực sâu ở xa và bây giờ đã trở nên thân thiết với cô...
Rồi một hôm, bố cô đã đưa cô về ở hẳn cái xứ dân chài ấy. Ông muốn sống những năm tháng cuối cùng của đời mình như một thị dân thành phố Paimpol này, nơi quảng trường này.
Bà cụ già cảm ơn và ra về sau khi đã nghe đọc lại bức thư và dán kín phong bì. Bà ở xa mãi tận thôn Ploubalance trong một xóm cạnh bờ biển, vẫn tại ngôi nhà tranh, nơi bà đã sinh ra, lớn lên và có con có cháu.
Trên đường, bà gặp lại nhiều người chào hỏi, bà là người xưa nhất ở nơi này, còn sót lại của một gia đình tử tế được quý trọng.
Cũng chỉ với chiếc áo cũ đã vá thôi, nhưng do khéo tay nên bà ăn mặc bao giờ cũng tươm tất. Trên đầu bao giờ cũng thấy chiếc khăn màu nâu kiểu khăn trùm tóc của phụ nữ Paimpol. Đã sáu chục năm nay người ta vẫn thấy chiếc khăn nâu ấy rủ sau lưng dưới vành rộng của chiếc mũ trắng quen thuộc. Chiếc khăn quàng ấy, bà có từ ngày làm lễ cưới, đến ngày con trai bà là anh Pierre lấy vợ, bà đã đem đi nhuộm lại một lần, rồi từ ngày ấy trở đi, cứ chủ nhật nó lại được lấy ra đi lễ nhà thờ. Đến nay chiếc khăn ấy vẫn còn dễ coi.
Bà đi vẫn thẳng người không lòng không như những bà già khác; cằm bà hơi dô, nhưng mắt vẫn sáng, khuôn mặt vẫn thanh, trông bà vẫn đẹp lão lắm.
Bà rất được kính trọng, ai gặp cũng chào hỏi lễ phép.
Trên đường về bà đi ngang qua nhà người đàn ông ngày xưa đã để ý bà. Ông là người làm nghề thợ mộc bây giờ đã tám mươi. Ông ta thường ngồi ở cửa trông cho con cháu làm. Người ta nói rằng ông không sao quên được việc ngày trước bà từ chối không nhận lời lấy ông. Đến nay ông vẫn còn hằn học. Mỗi khi gặp bà ông thường nửa đùa nửa nhạo mà hỏi rằng:
“Này bà già xinh đẹp, đã cần tôi đến đo cho bà chưa?...”
Bà cảm ơn, nói rằng bà chưa phải cần đến bộ quần áo ấy. Ông ta ác khẩu muốn nói cái bộ áo sáu tấm ấy mà, bộ áo quan bằng gỗ thông.
“Hễ bao giờ cần bà cứ bảo tôi, đừng e ngại gì, nhé...”
Ông ta đã nhiều lần khôi hài như thế nhưng hôm nay bà cụ chẳng thấy buồn cười, với câu pha trò của ông ta, bà thấy mệt mỏi quá vì cuộc đời làm lũ của bà, người đàn ông cuối cùng trong gia đình, lượt này ở Islande về nó phải đi lính năm năm, có thể ra trận, mãi Trung Quốc. Chả biết lúc nó hết hạn về bà có còn không.
Bà đang mải nghĩ về chuyện ấy, những muốn khóc được.
Có nhiều khả năng người ta sẽ lấy nó đi. Đứa cháu cuối cùng của bà... Chao ôi! Ta chết mà không được gặp mặt nó!... Cũng đã vận động mấy ông ngoài thành phố để xin miễn cho nó nhưng không được. Vì nó có một thằng anh là thằn jean Moan đào ngũ, bỏ trốn sang Mỹ. Vậy nên nó mất quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Bà cụ lại còn bị rút trợ cấp goá bụa vì người ta cho rằng bà không đến nỗi túng thiếu.
Về đến nhà, bà cầu kinh rất lâu, cầu cho những người quá cố, cầu cho con bà, cháu bà, và cầu cho Sylvestre rồi bà nghĩ đến cái áo quan, đến cái giờ phút phải ra đi, bà thấy thắt ruột thắt gan. Bà thiu thiu ngủ.
Còn lại một mình, cô gái ngước nhìn những vệt nắng vàng vọt của ánh chiều tà hắt lên những mảng tường bằng đá granit, và ngoài trời những con chim én đen đang chao đảo. Thành phố Paimpol buồn đến chết vào những buổi chiều tháng năm, ngay cả những ngày chủ nhật, những cô gái chẳng hề có một mống con trai nào đến ve vãn, cứ hai hay ba người rủ nhau đi dạo, vừa đi vừa mơ về các chàng trai xứ Islande.
“... Gửi lời chúc sức khoẻ con trai ông Gaos...” Câu nói ấy và cái tên người ấy đã làm cô gái xao xuyến, bần thần mãi không thôi.
Cô gái vẫn thường ngồi ở cửa sổ này vào những buổi chiều tà. Bố cô không muốn cô đi dạo với những cô gái khác. Ông lấy làm hài lòng mỗi khi ở tiệm giải khát ra, miệng ngậm chiếc tẩu vừa đi vừa trò chuyện với các bạn chài cũ, lại nhìn thấy con gái mình đang ngồi trên cửa sổ có khuôn bằng đá granit, chung quanh là các chậu hoa, của một căn nhà khá giả.
“Con trai ông Gaos”, cô gái vẫn còn như nghe thấy mấy tiếng bà cô dặn viết thêm vào lá thư. Cô bất giác nhìn ra phía biển ở mãi đằng cuối phố, nơi các chàng thuỷ thủ vẫn từ đấy về. Cô miên man nghĩ về nơi xa xôi có sức hấp dẫn mạnh mẽ, như thôi miên ấy, cô nghĩ về nơi có vùng biển bắc cực, có con tàu Marie, thuyền trưởng là Guermeur.
Cái anh con trai ông Gaos này thật kỳ lạ. Lúc nào cũng trốn lủi, không sao mà giữ lại được!
Trong lúc mơ màng, cô nhớ lại lần về thăm Bretagne năm ngoái.
Vào một buổi sáng chủ nhật tháng Chạp, sau một đêm hành trình, con tàu khởi hành từ Paris đã đưa cha con cô về Guimgam vào lúc tinh mơ mờ đất, trời rất lạnh. Cái thành phố cổ nhỏ bé ấy, từ xưa tới nay cô chỉ về vào những ngày hè, bây giờ cô không còn nhận ra nữa. Cô cảm thấy như đã là một quá khứ xa xôi. Thành phố vắng lặng quá. Nhịp sống ở đây như ở một thế giới khác, con người như đi trong sương mù, bận vào những công việc vụn vặt, những căn nhà cũ kỹ bằng đá granit tối om, đen ngòm, sũng hơi nước và xám bóng đêm; tất cả mọi vật của cái xứ Bretaque vào buổi sáng sớm hôm ấy làm cho cô gái vô cùng buồn chán. Các bà nội trợ quen dậy sớm đã ra mở cửa. Nhìn vào bên trong các ngôi nhà cổ với những lò sưởi kềnh càng, cô gái thấy các bà già đầu đội mũ rộng vành đang ngồi trò chuyện. Đến lúc trời bắt đầu có ánh sáng, cô gái ghé vào nhà thờ  để cầu kinh. Thánh đường vẫn còn trong bóng đêm, tói om, các chân cột đã mòn vẹt qua năm tháng rồi hơi mốc, hơi ẩm, mùi khét bốc lên. Phía trong cùng, sau hàng cột, một ngọn nến đang cháy, đằng trước là một người đàn bà đang quì chắc là để cầu xin gì đó. Ánh sáng từ ngọn nến hắt ra chỉ đủ chiếu mờ nhạt lên vòm nhà thờ. Cô bỗng thấy trong lòng rộn lên một cảm giác xa xôi, cảm giác sự hãi ngày còn bé lần đầu tiên người ta dẫn cô vào nhà thờ Paimpol vào một sáng mùa đông.
Nhưng cái thành phố Paris ấy, cô không hề luyến tiếc, mặc dầu ở đấy có nhiều cái đẹp, cái vui. Trước hết, là người có dòng máu dân chài nơi biển cả, cô thấy Paris chật chội quá, sau nữa cô thấy mình lạc lõng xa lạ; những người phụ nữ ở Paris có cái cọ lưng giả, đi đứng kiểu cách, hai tay thọc vào đôi găng vẽ hình cá voi, cô không muốn bắt chước những chuyện như thế. Với chiếc mũ trắng cô thường đội theo phong tục phụ nữ ở Paimpol, cô cảm thấy khó chịu khi đi trên đường phố Paris, cô cảm thấy khó chịu khi đi trên đường phố Paris người qua lại cứ ngoái lại nhìn, mặc dầu, thực ra họ muốn nhìn vì thấy cô xinh đẹp quá.
Cũng có đôi ba người trong số những phụ nữ ấy có dáng đi hấp hẫn, nhưng cô lại thấy họ khó gần. Còn những người muốn làm quen với cô thì cô lại không thích, cô cho là hạng hạ đẳng không xứng đáng giao du. Vậy là cô sống lẻ loi chẳng bè chẳng bạn ngoài bố cô suốt ngày bận rộn, suốt ngày vắng nhà. Vì những lẽ đó mà cô không hề luyến tiếc cuộc sống ở Paris, cuộc sống vô công rồi nghề, đơn độc, xa quê.
Về đến Bretagne cô gái thấy ngỡ ngàng, cảnh vật rất đỗi thê lương. Rồi lại còn phải ngồi xe bốn năm tiếng đồng hồ nữa đi sâu mãi vào những miền đất hưu quạnh mới về đến Paimpol. Ý nghĩ đó làm cô gái lo ngại, trong người như bị đèn nén.
Suốt cả buổi chiều hôm ấy hai cha con cô ngồi bẹp trên chiếc xe cũ nát, trống huếch trống hoác, đêm đến phải qua những làng xóm buồn thiu, dưới những bóng cây âm u, sương nhỏ giọt thánh thót trên nóc xe. Rồi phải thắp đèn cho xe chạy. Lúc này ngồi trên xe chẳng còn nhìn thấy gì ngoài hai vệt sáng dài xanh lét trên đường, trước mũi xe, cạnh những con ngựa kéo, giữa hai hàng đậu bên đường chạy dài chẳng biết đến tận đâu. Nhưng tại sao giữa tháng chạp mà hàng rào lại xanh tốt được nhỉ? Lúc đầu, cô gái ngạc nhiên cúi nhìn cho rõ, nhưng rồi cô nhớ ra: đây là giống hoa gai, mọc quanh năm xanh tốt, mọc trên đường đi và vách núi ở Paimpol. Cô còn nhận ra làn gió mát dịu đem theo vị muối mặn.
Đến cọc đường cô gái tỉnh hẳn và thấy vui vui với ý nghĩ vừa ào đến. Cô gái nghĩ bụng: “Bây giờ là mùa đông, ta sẽ được gặp các chàng trai ngư phủ biển Islande đây”.
Thật thế, năm nào cũng đến tháng chạp, thuyền đánh cá các nơi trở về, chồng con, anh em, người yêu, chồng chưa cưới, tất cả xa gần về hết. Thời gian này, tối đến ngoài đường dập dìu từng đôi trai gái, cười nói râm ran, kẻ ở nhà, người đi vắng, hỏi han nhau mọi chuyện vui buồn và cả những dự định nay mai của đôi lứa. Ý nghĩ đó làm cô gái khấp khởi, cô nghĩ đến một người…