( Thứ Bảy. Giáng Sinh - Ngày nghỉ lễ. Trời nắng xanh. Đẹp! ) Bé! Sáng nay chú dậy muộn vì đêm qua thức rất khuya ở nhà cô em gái... Như mọi năm vào tối 24, tất cả các gia đình anh em tụ tập lại ăn uống, sum vầy, ca hát và nhảy nhót đến 5 giờ sáng. 5 giờ sáng, trời đông đá lạnh trên kính xe... 5h45' sáng về nhà, chú sắp xếp máy móc, dây nhợ để sửa soạn đi ngủ với tiếng nhạc hòa tấu rất nhẹ, nhẹ nhàng. Chú yêu âm nhạc và thích ngủ mơ ngon với âm nhạc - Thứ nhạc loại blue, jazz rất êm của dương cầm hoặc kèn saxo... Chú đã thấy thoải mái khi ngồi ở bàn tiệc của nhà em mình. Mấy xấp nhỏ ngồi chung một bàn. Người lớn ngồi một bàn khác... vì tuổi trẻ cỡ 20 - 23 có nhiều chuyện để nói, để cười đùa với nhau. Hãy để chúng tự nhiên như bao lần... Chú nghe các em nói chuyện trững giỡn với nhau. Chú lầm lì, ít nói ( không phải vì chú giận hờn ai ) nhưng vì chú muốn thưởng thức các món do các bà nội trợ khéo léo sắp xếp, dàn dựng, chú nói ít để rảnh tai nghe tiếng piano chạy dài trên những ngón thời gian... Thời gian đi vội lắm, nhanh lắm... Đêm ''văn nghệ'' này do chú tổ chức dàn dựng vì chú mang theo đồ nghề như table Mixer và máy hát, micro… để tất cả có thể thả hồn theo tiếng hát và những tình khúc. Lũ trẻ nhảy nhót đùng đùng với rock, pop, madison, R&B và disco.... Giờ hát những bài tình ca của ''người lớn'' đến sau vì phải ưu tiên cho trẻ con, con cái... Có lúc để hứng gió lạnh và ngắm đêm đông, chú ra vườn dạo vài bước và ngắm trăng đêm mờ, cóng... Trời lạnh xuống dưới 2 độ C. Chú yêu cái lạnh. Lạnh làm mình ấm áp nhớ lại những ngày cũ... ... Rồi chợt một thoáng, chú bống nghĩ đến những lời Bé viết trong mail lúc chiều 24/12... Bé nói chú rất ''Nhát Gan''! Chú bật cười. Ừ... ừ.. và ừ. Chú không thấy xấu hổ khi người ta biết và ''khám phá'' cái Nhát Gan - Không Can Đảm của riêng mình. ...Theo chú, can đảm và nhát gan theo một nghĩa danh từ và của động từ..../ Tôi can đảm đương đầu với tình thế. Tôi biết tìm lối thoát / - Và mặt khác, tôi rất nhát gan khi tôi nghĩ mình sẽ làm người khác khổ tâm vì những điều lầm lỡ của mình. Lầm lỡ từ một câu nói, một hành động không phải và không đúng lúc! Bé có thể đổ tội hoặc phê bình chú theo cái nhìn riêng của nội tâm mình ( chủ quan!? ) Đêm bên ngoài lạnh. Cái lạnh lúc nào cũng làm chú tỉnh táo. Trong những buổi tiệc, ít khi chú uống nhiều rượu, chỉ một hoặc hai ly vang nhỏ. Uống rất ít để có thể vui và tỉnh táo nghe người và nhạc nói cùng một lúc. Tỉnh táo để trí nhớ chạy đều và có thể ghi nhận những điều mình đã thấy và được nghe vào một câu, một đoạn của những bài viết đã sắp sẵn. ( Những lúc được ''một mình" như thế, chú thấy thoải mái. Cái lonely cố tình là điều chú thích từ ngày thanh niên ở Saigon yêu dấu.... Bé sẽ đọc thêm để hiểu về Chú ở: HÃY XEM NHƯ LÀ NHỮNG BỨC THƯ TÌNH - Kỷ Niệm cũ ) Bé hiểu chú để làm gì? Có gì bí ẩn mà phải tìm hiểu?! Có nhọc công lắm không? Khi Bé viết: " … Không bao giờ Bé bị "ngã" đâu. Nếu có " thầm thương trộm nhớ " thì cũng vừa đủ để có "gì đó gọi là" mà lẽo đẽo theo chú để giúp chú cái này cái nọ chứ, phải không...?!. Bé vì cái gì mà giúp chú hử...?! ( Ngoài ước muốn giúp chú thành công hơn với đống chữ nghĩa đã nhọc công trải lòng...?!). Thử lập luận một cách logique dùm Bé đi ha...?! Chú sách vở giáo điều quá trời, hèn chi nói cái gì cũng... sai. Hihihi! " Bé cười như thế, sẽ nguy hiểm cho Bé. Nếu bây giờ, ngồi trước mặt chú, nếu Bé đủ can đảm và ương ngạnh để nhìn sâu vào đôi mắt của chú, thì chỉ một vài phút ngắn ngủi, chú sẽ đọc được ý nghĩ sâu nhất, thầm nhất của Bé. Sự trải đời và nói theo một cách khác theo lý do nghề nghiệp thì chú sẽ Décoder được tâm trạng của Bé, ( 65,5 % ). Vì theo một lập luận có tổ chức hệ thống và logique thì..... ( Chú để Bé đoán và tự mình điền vào chỗ trống... Bé thông minh, nói ít, Bé có thể hiểu nhiều, và ít ra Bé phải hiểu đuợc Bé nghĩ gì trong đầu! ) Để thử nghiệm nhé. Đố Bé chú đang nghe nhạc gì khi vững trãi và thong thả viết những hàng chữ này? - (................. ) Và Chú biết được câu trả lời của Bé! ( Dễ thôi, Bé đã biết được ý thích của chú từ khi Bé vào đọc Lời Tình Trong Quán Nhạc …) Trong ý nghĩa của văn chương hoặc nói theo một cách khác về Văn Học... thì chữ '' Ngã '' khá quan trọng. Ngã té vì mình chưa đủ bản lãnh để trực diện sự thật qua chiều sâu của tư tưởng. Còn cái NGÃ của một Bản Ngã thì đã là đoạn viết trong Triết Học có câu: To be or not to be. - Ta là Ai? Và ta nghĩ gì để ta vẫn còn là ta? Đến với một người lạ, sau những lần nói chuyện, tâm tình và tìm hiểu cởi mở, có khi ta bị ''Ngã'' mà ta không hay biết. Ta tưởng ta có thể đứng vững mà thật ra... ta đã ngã, ngã êm đềm - không thấy mình đau đớn - Cái đau chỉ đến rất muộn. Sự muộn màng đó là cái ngoài ý muốn.... Người Mỹ hoặc người Anh nói: I’m falling in love ( Je suis tombé amoureux! ) Tôi ngã vào tình yêu hoặc vướng lưới tình. - Tôi phải làm gì, sẽ làm thế nào để thoát ra? Khi Bé viết câu như đùa, như giỡn:... Nếu có "thầm thương trộm nhớ" thì cũng vừa đủ để có "gì đó gọi là" mà lẽo đẽo theo chú để giúp chú cái này cái nọ chứ... (? ) Chú thấy và chú nghĩ..... Chú đang nghe nhạc. Ngoài khung cửa sổ của văn phòng, trời màu xanh báo hiệu cho những ngày rất lạnh sắp đến. Tiếng dương cầm thánh thót như những ngón tay chú đang âu yếm phím chữ. Có những lúc chú tạm quên những giáo điều, mô phạm để khỏi cứng ngắc đạo lý và khuôn khổ. Đã từ lâu, chú học đủ điều và đã đọc rất nhiều những chương sách về Thuật Tư Tưởng và Nghệ Thuật của sự Suy Nghĩ ( L'Art de Pensée ). Chú học để có thể đứng trước mặt các học trò, đứng thẳng và dùng cái nhìn rất thẳng để không bi ''ngã'' vì sự quyến rũ của sắc đẹp cũng như lòng nhục dục! Để làm gì?! Để có thể giữ đủ chữ Bổn Phận - Trách Nhiệm và Lương Tâm nghề nghiệp. Để có thể gọi mình là Người theo cái nghĩa: Người như thế nào? Ai đi bằng hai chân cũng có thể gọi là Người ư?! Khi ra trường và tuyên thệ, chú đã thấm cái câu: Thành Tài hay Thành Người?! ... Suy nghĩ như thế, chú tự cho mình cái quyền hỏi mình và tự trả lời: "Tại sao ngươi viết? Viết gì và Viết Để Làm Gì?" Chúc Bé vui và rất tử tế với những ý nghĩ của mình. Trân Quý! đăng sơn.fr 2. VIẾT CHO BUổI CHIỀU MÙA ĐÔNG Bé! Đã có một ngày bận rộn. Đã có những tảng băng đá đóng cứng trên con đường đi làm. Mùa đông ở đây là như thế. Dài lắm. Dài từ buổi sáng nối tiếp đêm lạnh. Dài từ bữa ăn sáng, chú không vội vã lắm đâu. Chú vẫn có cái thói quen tập thể dục khi thức dậy chờ những giọt cà phê nhỏ tí tách. Bàn ăn chờ chú với những động tác như thời nào đã học ở trường nhu đạo... Chú không vội vì những dự tính cho một ngày làm việc của mình, vẫn nghe cái đĩa nhạc êm dịu đã nghe lúc đêm trước giờ đi ngủ, buổi sáng yên tĩnh và tiếng piano làm chú tỉnh hơn trong lúc ăn sáng. Từ mẩu bánh mì có lát bơ mỏng, quyển sổ tay nằm gọn bên tay trái nhắc cho chú biết mình sẽ đi đến đâu, gọi ai, gặp ai. Cứ như vậy mà làm vì buổi đêm khuya, để dứt nợ nần với một ngày dài, chú có thói quen ghi rõ ràng những điều cần thiết vào sổ khi đối chiếu với cái agenda đầy những con số của tháng năm..... Tắt ngọn đèn ở bàn giấy và bàn ăn, chú xách chiếc cặp giấy tờ sửa soạn ra cửa. Cánh cổng trắng mờ hơi sương, chiếc xe ngoan ngoãn và những cửa kính đóng băng chờ chủ rất ngoan ngoãn để làm phận sự của nó. Đoạn đường xa lộ đầy lúc nhúc xe, dân Pháp có cái thú chạy xe rất nhanh, nhanh và vội vã trên những đoạn đường trơn trợt nên chuyện tai nạn, đụng xe là thường, thế là nghẽn xe kẹt lối. Càng nóng tính, la hét, làu nhàu càng kẹt xe... Chú vặn radio tìm nghe những bản tin tức... Báo chí, đài phát thanh thích loan những cái tin giật gân. Đài đang nói về chuyện cái xứ Côte d'Ivroie có cái ông cựu tổng thống không chịu rời cái ngai vàng của mình sau cuộc bầu cử tổng thống, thế là một xứ có đến 2 ngài Tổng Thống, dân chúng biểu tình phe này, phe kia đập nhau túi bụi.... Đài kể người ta mua gì bán gì ở mùa giáng sinh và ở những ngày trước tết tây. Chuyện buồn cười là dân chạy lên net tìm Ebay.com để bán tống, bán tháo những món quà không cần dùng đến. Vậy là toi tiền toi công, toi sức những người có lòng tặng quà ( Ebay.com và những Web tương tự thông báo là có đến hơn 3 triệu người online để mua bán trong ngày 25, 26 tháng 12! ) Đài phát thanh kể, đài nói về tuyết mùa đông làm cản trở việc lưu thông đường xá và các phi trường phải đóng cửa phi đạo làm biết bao ngàn người kẹt lại phải ngủ bờ, ngủ bụi. Những chuyện ấy ngày nào cũng nghe, nghe đến ngấy. Chỉ có chuyện những người không nhà, không cửa nằm đường chết lạnh là làm chú để ý và ghi vội vài hàng vào cái bloc note để hứa thầm trong bụng là sẽ liên lạc với các hội Thiện Nguyện để quyên góp...... Trong lớp dạy kịch và tâm lý, chú và các bạn chú cũng ghi nhận điều này và để dành một khoảng thì giờ kêu gọi và gửi lời báo động. Chú hiểu rằng: con người không thể nào tồn tại nếu không chung sức góp phần chia sẻ và xây dựng. Chia gì, sẻ thì sẽ như thế nào? Có ai chịu khó chú ý và làm đủ cách cho việc bảo vệ môi sinh thiên nhiên? Tiêu thụ nhiều thì sản xuất và xả rác nhiều. Xe càng nhiều, chạy càng nhanh thì vừa tốn xăng dầu và càng xả khí độc CO2.... Trái đất tội tình này sẽ đi về đâu? Vậy đó. Trên quãng đường nghẽn xe, chú cấm mình lèo nhèo càu nhàu. Khi chán và hãi các bản tin có thể làm mình nản lòng thì chú nghe nhạc. Có những bản nhạc theo thời thượng tân thời kiểu thương mại chẳng ra làm sao, cứ sau vài bản thì đài lại thẩy quảng cáo loạn xà ngầu...... Nghe nhức cái đầu lâu! Chú ấn cái Cd nghe nhạc hòa tấu hoặc những bản nhạc nhẹ của Sadé, Lionnel Richie... Chàng ca sĩ lỗi thời Christophe đang rên rên bản Amour Interdit. Lời thê lương quá chừng: '' Si tu savais que je souffre, sans toi, Je vis dans la souffrance....... car je t'aime, je t'aime.... Phải chi em biết điều anh khổ đau khi không có em Anh sống trong âu sầu vì.... Anh yêu em, yêu em..... '' Ngó cây quạt kính phủi bụi tuyết trước mặt và nhìn thẳng vào đoạn đường có những cây cầu bắc qua dòng sông phủ sương, tự dưng chú thấy buồn buồn, thoáng nghĩ về sự mầu nhiệm và những phi lý của tình yêu. Người ta đã đắm đuối yêu nhau, và khi xa nhau, người ta thê lương than khóc. Vậy thì yêu để làm gì?! Chú lái xe vào bãi đậu. Parking đã gần đầy nhóc xe chỉ còn vài chỗ. Chú không có thì giờ nghĩ ngợi ba cái lẩm cẩm về tình yêu và tình đời nữa. Cánh cửa văn phòng ở cuối dãy hành lang đang chờ chú mở cửa. Bàn giấy quen thuộc và những mớ hồ sơ đang chờ chú. Chú vặn thêm nhiệt độ cho máy sưởi. Giờ khách hẹn sắp đến. Chỉ còn năm ba phút nữa là chú có người ngồi đối diện. Chú sẽ hỏi gì và nghe điều gì? Và sẽ phải giải quyết ra sao? Khó khăn hay dễ dàng thì còn tùy đối tượng và những biến chuyển từ tâm lý và sự kiện chung quanh. Chú hít một hơi thở dài và hứa trong bụng là sẽ không nhìn vào cái đồng hồ nữa. Thời gian quay vùn vụt. Kệ nó! Nó chạy riết và nó sẽ mệt. Chú không cho phép mình mệt và bó tay trước 7 giờ chiều. Những buổi chiều ngày thứ ba và thứ sáu là chú mệt nhất. Các lớp kịch nghệ hoặc tâm lý đang nghênh nghênh mặt chờ chú. Chú quên đi cái tâm trạng vui vẻ hoặc buồn bã của riêng mình để làm công việc mình đang làm. Thế thôi. Cuối chiều, bóng tối xuống đã rất nhanh. Chú nán lại ở văn phòng, đọc vài hàng ở net và thử viết cho Bé như một hình thức kể chuyện. Viết trong khi nghe bài Je pense à toi với tiếng hát nồng nàn của Anh Tú. Còn Bé, Bé đang làm gì? Có gì vui để kể? ( Đừng kể chuyện buồn, chú sẽ buồn! ) Và chú sẽ biết lắng nghe Bé. đăng sơn.fr