nh! Việc gặp lại anh trên chuyến cáp treo từ khu vườn thược dược đi đến đầm Ddokko ở Zao ấy là điều em không thể tin được”. Hai con người đó rất mực yêu thương nhau, nhưng lại phải đặt bút ký vào lá đơn ly hôn bởi một lý do không thể cưỡng lại được của số mệnh. Mười năm cách biệt. Họ gặp lại nhau tại Zao, nơi ngút ngàn màu đỏ của lá momiji. Và rồi, cô gái ấy đã viết cho người con trai một lá thư. Cuốn tiểu thuyết các bạn sẽ đọc là một câu chuyện lãng mạn của tình yêu và sự hồi sinh. Những dòng thư đi lại đã giúp hai con người ấy chôn vùi đi cái quá khứ cô đơn, buồn đau của mình. Miyamoto Teru (sinh năm 1947). Tác giả từng đoạt giải Dazai Osamu (1977) và đoạt giải Akutagawa (1978) – giải văn học cao quý của Nhật. Sự đồng hiện giữa nỗi buồn và niềm hân hoan cùng với nỗ lực vượt lên định mệnh đen tối chính là chủ đề của cuốn tiểu thuyết được dệt nên bởi bầu trời màu xám và những cây băng. - Thời báo Los Angeles Trong tác phẩm này, những trăn trở về kiếp người luôn hiện hữu đã đẩy các nhân vật tự khép mình trong vòng xoáy mâu thuẫn, rằng liệu con người có thể tự định đoạt số mệnh của mình hay không... Câu chuyện tình với nhưng đam mê nổi loạn và kết thúc đột ngột, đớn đau được Miyamoto khắc họa tinh tế đã mang đến cho người đọc một cảm nhận sâu sắc về sự đấu tranh với số phận trong sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.” - Thời báo Washington. LỜI BÀN VỀ TÁC PHẨM Sắc lá Momiji là một cuốn tiểu thuyết được tạo nên bởi các bức thư, một dạng tiểu thuyết rất hiếm gặp trên văn đàn Nhật Bản trong thời gian gần đây. Xoay quanh sự trao đổi thư từ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ, tôi cho rằng, chính kiểu kết cấu này đã khiến cho nội dung của cuốn tiểu thuyết được diễn tả cực kỳ chân thực. Có lẽ, bản thân hình thức theo thể loại viết thư đã đóng một vai trò nhất định cho xuất phát điểm của tiểu thuyết hiện đại, nhưng có thể nói rằng, cùng với việc tiểu thuyết hiện thực xuất hiện, hình ảnh của nó đã dần bị lu mờ đi. Đó là bởi, hình thức thể văn dưới dạng một nhân vật viết thư cho một nhân vật cụ thể khác có quá nhiều chế hạn, có quá nhiều những yếu tố gây trở ngại cho tác giả trong việc tự do triển khai, mở rộng thế giới trong tác phẩm của mình. Với ý nghĩa đó, thể loại tiểu thuyết dưới dạng thư từ giờ đây đã trở thành một thể loại mang phong cách có phần xưa cũ. Mặt khác, nếu nhìn vào cuộc sống của người dân thành phố bây giờ, có thể thấy sức nặng của thư từ đã giảm đi rất nhiều. Để chuyển tải suy nghĩ hoặc truyền đạt một nội dung công việc, đã có những công cụ khác hỗ trợ rất hiệu quả, chẳng hạn như điện thoại là một ví dụ minh chứng rõ ràng cho điều này. Từ những điều trên, có thể thấy, dù là đối với nghệ thuật tiểu thuyết, hay đối với cảm nhận của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, thư từ viết tay cũng ngày càng xa rời cuộc sống con người. Thế nhưng, bất chấp tất cả, trên thực tế, vẫn có những lá thư mà người ta phải viết bằng tay. Và ta có thể khẳng định rằng, đó chính là những lá thư thể hiện đúng nhất cái bản chất vốn dĩ của thư viết tay thứ mà sẽ không có bất kỳ một phương tiện nào khác có thể thay thế được. Những dòng thư được chính bàn tay một người phụ nữ viết cho một người đàn ông chất chứa những tiếc nhớ, nỗi muộn phiền và bao nhớ thương đã cho chúng ta thấy được tác dụng của những lá thư viết tay. Nói một cách khác, khi bóng dáng của những lá thư trong cuộc sống đời thường ngày càng lu mờ dần, thì ngược lại, những lá thư vẫn còn ở lại lại chứa đựng đậm đà chất văn chương. Chính bởi những yếu tố này, tác giả Miyamoto Tero đã lựa chọn phong cách văn chương theo thể viết thư có phần hơi xưa cũ này, để rồi mở ra một thế giới kỳ ảo trong tâm tưởng. Hơn thế, Miyamoto Teru còn được mọi người công nhận là một nhà văn có lối viết rõ ràng, rành mạch. Có thể khẳng định rằng, đối với người kể chuyện, thư tay chính là một khoảng không gian vô cùng đáng quý, nơi mà ở đó, người ta có thể thỏa sức giãi bày những tâm sự của bản thân. Bởi vậy, không còn cần đến những câu miêu tả hay lời giải thích mà ta vẫn thường thấy trong các cuốn tiểu thuyết được viết bằng lời kể chuyện của người thứ ba. Chỉ với những lời lẽ của người viết thư mà toàn bộ diễn biến câu chuyện đã được tái hiện một cách hoàn hảo. Chẳng hạn, chúng ta cùng xem một đoạn thư trong tác phẩm này. “Anh! Việc gặp lại anh trên chuyến cáp treo từ khu vườn thược dược đi đến đầm Ddokko ở Zao ấy là điều em không thể tin được.” Chỉ với vài dòng thư như thế này thôi đã hàm chứa bao nhiêu nội dung rồi. Trước tiên, chúng ta hiểu được có lẽ người phụ nữ và người đàn ông này mới vừa gặp lại nhau sau một quãng thời gian dài, hơn thế, đó còn là sự gặp gỡ tình cờ, và đối với người con gái, nó tình cờ như thể bất ngờ có tiếng sét của trời cao giáng xuống. Còn nữa, ta cũng hiểu được rằng đây là lá thư người phụ nữ viết cho người đàn ông mà cô đã gặp lại trong lần hội ngộ ấy. Đặc biệt, thông qua cách xưng hô “anh” được viết ở trong thư ấy, người đọc có được linh cảm rằng, sự gặp gỡ này không phải là một sự việc vô tình chỉ thoáng lướt qua trong cuộc sống của người phụ nữ, mà nó mang lại cho cô ấy một cú sốc, làm cho dòng chảy đời sống của cô ngưng lại đôi chút, cuốn theo cả cuộc sống của người đàn ông kia vào trong đó, để rồi tạo nên một câu chuyện giữa hai con người ấy. Nếu chú ý tới các từ nằm trong dòng thư ấy, ta cũng không thể bỏ qua: “vườn thược dược”, “đầm Ddokko”, “chuyến cáp treo”. Những từ ấy mang một giai điệu trầm buồn, khiến cho người đọc cảm nhận được sự gặp lại tình cờ giữa hai con người này mênh mang vẻ u sầu. Gặp lại, có nghĩa là đương nhiên, trong quá khứ, hai con người này đã có gì đó với nhau. Vậy, mối quan hệ đó là gì? Tại sao hai người đó lại phải xa nhau? Điều đó sẽ dần được làm sáng tỏ qua những dòng thư đi thư lại của người phụ nữ và người đàn ông ấy, như những thước phim hiển hiện muôn dòng ký ức trong quá khứ. Có nghĩa là, ở đây, quá khứ không phải là quãng thời gian đã đi qua và hết hẳn. Nó là quãng thời gian vẫn tồn tại lặng lẽ và chất chứa muôn điều mà cả hai con người ấy đều chưa hề biết tới. Và chắc chắn, việc đặt chân lên vùng thời gian đó chính là việc con người ta được sống lại với quá khứ để vững bước trong cuộc sống hiện tại. Thông qua lá thư đầu tiên do Katsunuma Aki gửi cho người đàn ông có tên Arima Yasuaki sau hôm hai người tình cờ gặp lại, người đọc biết được rằng, hai người ấy trước đây đã từng là vợ chồng, rồi cuộc chia ly vội vã giữa hai người đã diễn ra là bởi một vụ tự sát tình ái không thành giữa Yasuaki với một người phụ nữ khác, và những diễn biến của sự việc ấy vẫn luôn là một dấu hỏi với Aki. Tuy lưỡng lự, nhưng cuối cùng Yasuaki cũng đã kể mọi điều về mối quan hệ của mình với Seo Yukako, người phụ nữ đã tự kết liễu đời mình và định giết luôn cả Yasuaki nhưng không thành. Cứ thế, cứ thế, những lá thư được gửi đi giữa hai người gồm có mười bốn lá, kéo dài từ giữa tháng Một đến giữa tháng Mười một. Nhưng, quãng thời gian gần một năm trời ấy, hai con người này không chỉ sống với những dòng sự kiện và ký ức trong quá khứ. Hai người không phải chỉ mang cho nhau xem những mảnh ký ức của quãng thời gian trước khi họ cưới nhau, khi đã cưới và sau khi ly hôn. Trong khi nỗ lực lấp đầy chỗ trống, đi tìm lời giải cho những ẩn số của quá khứ, thì từ lúc nào không hay họ đã thoát khỏi quá khứ, và đặt chân vào hiện tại. Ồ không, họ đã cho thấy quyết tâm bước từ hiện tại tiến tới tương lai cho bản thân mình. Và, chúng ta nhận thấy, câu chuyện được ghi lại trong cuốn tiểu thuyết Sắc lá Momiji không phải nằm ở mối hận sầu trong tình yêu của người đàn ông và người phụ nữ này, mà thể hiện ở sự chuyển mình, sự biến đổi trong những dòng thư: Từ việc hai con người ấy chạy đuổi theo quá khứ, giờ đây, họ đã thực sự bước vào cuộc đời trong hiện tại của chính mình. Tại sao hai con người đã ly hôn nhau ấy đang chạy đuổi theo quá khứ, lại có thể thành công trong việc vượt lên quãng đời quá khứ ấy? Đó không đơn thuần là bởi họ đã lấp đầy được những khoảng khuyết thiếu trong quá khứ. Đúng vậy. Phải chăng đó là bởi, con mắt của họ giờ đây bỗng có được một nhận thức để giúp họ khơi dậy khả năng ấy. Trước tiên, đó là những cảm nhận chân thật của Aki về âm nhạc Mozart. Nghe nhạc Mozart, cô đã thấy rằng, “sự sống và cái chết có lẽ là như nhau”. Còn Yasuaki đã bị trọng thương ở cổ và ngực, bởi mũi dao của Seo Yukako, người đã tạo nên vụ tự sát tình ái, nhưng chỉ có mình cô bị chết. Yasuaki đã có những suy nghĩ sâu sắc hơn một chút về điều đó và đã viết như thế này: “Trong lúc đang lâng lâng như thế, tôi có cảm giác mình đã bắt đầu lờ mờ biết được thế nào là hình thù của cái vật nào đó cứ bám riết lấy và không có ý định đi xa khỏi một bản thân khác của tôi, cái bản thân đang dõi theo chính mình khi đang ở trong trạng thái chết ấy. Có phải tất cả những hành động tôi đã gây ra, và không chỉ có thế, ngay cả những điều chưa hiển hiện thành hành động, và những tình thế của lòng hận thù, của nỗi tức giận, của tình thương yêu, của sự ngốc nghếch mà tôi vẫn hằng ôm ấp trong lòng mình đã được khắc tạc vào sinh mệnh một cách rõ nét, biến thành những tì vết không bao giờ xóa đi được, rồi phang vào tôi khi tôi đang lưu lạc sang cõi chết. Và, tôi có cảm giác, bằng việc hồi tưởng lại những hình ảnh về Yukako, tại đâu đó, cái suy nghĩ ấy sẽ dần đi đến kết nối với từ nghiệp, cái từ mà đã đi qua tâm trí tôi trong một tích tắc nào đó.” Mọi thứ sẽ không kết thúc bởi cái chết, mà thực ra, từ đó, hình ảnh của sự sống mới bắt đầu biểu hiện một cách rõ ràng. Từ mà Yasuaki nói đến, “sinh mệnh”, có lẽ không phải là sinh mệnh mang ý nghĩa sinh lý. Nó là một vật thể thuộc về thế giới siêu nhiên, một thế giới mà cả thế giới của sự sống và thế giới của cái chết của anh ta đã hòa nhập vào nhau. Và, sự sống là việc con người ta khắc tạc vào sinh mệnh vô số vết thương, còn cái chết chính là việc người ta tiếp tục khám phá những vết thương ấy. Từ việc kết lại những chuyện quá khứ, rồi xin lỗi vì sự phản bội của mình, cho đến việc xưng tội, sự chuyển điệu trong những lá thư của Yasuaki ấy bắt đầu từ lá thư viết ngày 8 tháng 8, lá thư mà anh đã bày tỏ sự nhận thức của mình về sinh mệnh. “Có thể nói rằng, những sự việc xảy ra trong vài ngày ngắn ngủi vừa qua kể từ khi nhận được thư em cho tới ngày hôm nay đã được tôi ghi chép lại khá chính xác.” Ở lá thư này, Yasuaki đã bất ngờ chèn thêm cái hiện tại có thể nói là đớn hèn của mình, gạt sang một bên những ký ức về Yukako. Và, một người phụ nữ khác, Reiko, bắt đầu xuất hiện. Một cô gái đầy sinh khí, đúng như bản chất của sinh mệnh, cô gái có tên Reiko đã đến bên Yasuaki. Cô cũng cùng độ tuổi với Yukako vào thời điểm Yukako bị chết đi, hai mươi bảy tuổi. Yukako xinh đẹp đã vẫy gọi anh đưa bước chân đến với cái chết còn Reiko, cô gái đã xây dựng kế hoạch làm một tạp chí PR cho các tiệm thẩm mỹ bằng số tiền mình tiết kiệm được trong suốt thời gian đi làm ở siêu thị, đã kéo giật anh lên trên ngọn đồi của sự sống. Nhờ có sự xuất hiện của Reiko trong những lá thư của Yasuaki, mà ánh sáng đã lấp lánh chiếu rọi cả sang những trang thư của Aki. Điệu nhạc ban đầu u sầu ca lên bài ca hội ngộ giờ đã vang lên những âm thanh có phần ấm áp, tươi vui. Những sắc thái ấy bắt đầu hiển hiện từ thời điểm này. Aki có cậu con trai bị chậm phát triển về trí tuệ tên Kiotaka. Đây là kết quả của cuộc hôn nhân giữa cô và Katsunuma Soichiro, người mà cô đã kết hôn sau khi chia tay với Yasuaki. Có thể nói rằng, nếu như đối với Yasuaki, Reiko là cây đũa thần cho sinh mệnh của mình, thì bé Kiotaka là ngọn lửa sinh mệnh của Aki. Không phải với tình thương dành cho đứa con trai khuyết tật, mà với ý chí và nỗ lực của người mẹ, quyết tâm từng bước, từng bước luyện tập cho con mình có được những khả năng giống như của một người bình thường, Kiotaka đã trở thành ngọn lửa cho sinh mệnh của Aki. Và thế là, kể từ sau lần gặp lại nhau “trên chuyến cáp treo từ khu vườn thược dược đi đến đầm Ddokko”, người đàn ông và người phụ nữ ấy, trong quãng thời gian chưa đầy một năm, đã tìm ra con đường đi cho riêng bản thân mỗi người, và bắt đầu bước đi trên quãng đời mới. Sắc lá Momiji không thể gọi là một cuốn tiểu thuyết có đoạn kết có hậu (happy ending). Thế nhưng, nó cũng không phải một câu chuyện buồn cho một chuyện tình yêu đã kết thúc. Đó là câu chuyện cổ tích về sinh mệnh của một người đàn ông và một người phụ nữ đang vươn mình trong cơn gió thổi đến tương lai. Tháng một năm 1985 Nhà văn Kuroi Senji