GUYỄN CÔNG HOAN (6 / 3/ 1903 – 6 / 6 / 1977) quê quán làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng). Sinh ra trong gia đình quan lại nho học thất thế, bất mãn với chế độ thực dân và bọn quan lại mới. Học trường Bưởi, năm 1922 học Cao đẳng sư phạm. Năm 1926 dạy học cho tới cách mạng tháng 8 - 1945. Tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu, làm Giám đốc kiểm duyệt báo chí Hà Nội, Phó giám đốc Sở tuyên truyền Bắc bộ. Kháng chiến 9 năm, tham gia bộ đội, làm biên tập viên báo Vệ Quốc quân, Giám đốc Trường văn hóa quân nhân trung cấp của Bộ tổng tư lệnh, Chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo... Sau hòa bình công tác ở Hội văn nghệ Việt Nam, làm biên tập viên NXB Văn Nghệ, Hội nhà văn thành lập (1957 - 1958) và liên tục là Ủy viên ban thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Nguyễn Công Hoan là nhà văn Việt Nam sáng tác liên tục. Di sản văn học của ông để lại thật phong phú với đủ các thể loại như tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, hồi ký... Ngòi bút của ông không mệt mỏi từ hơn 50 năm; ngay từ lúc văn học quốc ngữ còn non nớt. Ông là người đóng góp đáng kể cho sự phát triển văn xuôi Việt Nam, xứng đáng là một trong những con chim đầu đàn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm chính: Kiếp hồng nhan (1923), Tắt lửa lòng (1933), Lệ Dung (1934), Kép Tư Bền (1935), Ông chủ; Bà chủ (1935), Bơ vơ (1936), Nhật ký cô làm công (1936), Bước đường cùng (1938), Thanh Đạm (1942), Nông dân và địa chủ (1955), Tranh tối trang sáng (1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (tập I - 1963), Đời viết văn của tôi (1971) và rất nhiều truyện ngắn...