- 9 -

(Tiểu thuyết lịch sử)
- 1 -

    
ội làng Phù Đổng đã đến gần. Rằm tháng Chạp. Các vãi già ngồi chật trong chùa để tìm lấy một người ngồi tướng.
Người đó phải là một cô gái đẹp nhất làng, trong nhà không có tang lớn, lại giàu có thì càng hay.
Những cô gái đẹp trong cả hàng tổng đều xôn xao trong dịp lễ hội này. Ai được chọn sẽ được hàng nghìn, hàng vạn con mắt để ý tới. Nhiều thầy khoá, những đại thương nhân, thậm chí những nhà đại gia bên kinh thành đều chọn người sang hội Gióng, để nhằm xem có người đẹp nào là chọn về bên vương phủ mình.
Vùng Gia Lâm là vùng có nhiều người đẹp nổi tiếng. Những cung tần, mỹ nữ, những mệnh phụ phu nhân thường là con gái vùng này.
Năm ấy Đặng Thị Huệ được chọn ngồi tướng của làng Gióng.
Phù Đổng là nơi Thánh Gióng sinh ra. Riêng chọn tướng, làng khắt khe hơn những làng khác. Họ lấy tích Đức Thánh thắng giặc Ân, bọn giặc coi như là tướng giặc lại hàng, đem diễu trước thần dân trong ngày chiến thắng. Sau này, để tôn thêm ý nghĩa, họ chọn đàn bà thay vào dẫn độ những viên tướng hoá trang mặt mày xấu xí, đầu cúi xuống vì nỗi thua một cậu bé lên ba bằng những cô gái đẹp, ý muốn nói, bọn tướng giặc chẳng qua nhát nhúa như đàn bà thời ấy vậy!
Nhưng dân chúng lại thấy lệ ấy rất hay. Bởi vì đằng sau sự giễu cợt khinh bỉ của các thầy nho, thì làng làng trong tổng, thực ra lại có một cuộc thi hoa hậu trong ngày lễ lớn...
Thị Huệ trẻ tuổi nhưng sắc sảo. Nhà cô bữa ấy còn nghèo. Ông bố sinh được hai chị em. Lân thì ngang tàng, còn Huệ thì thông minh và vô cùng xinh đẹp.
Năm mười ba tuổi, Huệ ra đường đã bị người chọc ghẹo. Mười bốn, mười lăm, đi đâu cũng bị trai làng, hoặc trai làng khác, rình rập trêu bỡn. Nhưng với cái miệng bẻo lẻo, cái uy của người có sắc đẹp, cô đảo mắt một lần, nhìn kỹ đứa cầm đầu và đứa sắc sảo trong bọn, liếc đứa này một liếc, đứa kia một liếc, đủ cho chúng nổi lên trong lòng ghen tỵ và đứa nọ ngăn đứa kia không gây nổi chuyện bậy bạ với cô. Huệ tần tảo tháo vát, cha mẹ mất sớm, cô buôn bán loanh quanh, chợ này chợ khác, buôn gì cũng lãi, làm gì cũng được, chẳng mấy lúc nức tiếng ở làng.
Năm ấy chọn thị Huệ, các vãi già cũng nổ ra những cuộc bàn cãi. Bà vãi Nhất nói:
- Ta chọn người về hầu Đức Thánh Đại Vương phải chọn người vừa đẹp, vừa hiền thục. Thị Huệ được về sắc, chứ chưa được về hạnh... tôi e rằng, các làng khác họ lại nói ra nói vào.
Bà vãi Nhì nói:
- Đẹp cũng có năm bảy đường đẹp. Hiền mà đẹp thì nhiều. Đẹp mà sắc sảo, lanh lợi mới khó. Tôi thấy cô Huệ thật đáng ngồi tướng. Làng ta năm nay, lại có nhiều khác vào ra cho mà xem. - Nói đoạn, bà tủm tỉm cười.
Soi đi, ngắm lại, trông giỏ bỏ thóc, cuối cùng người ta chọn một cô gái nhà giàu, gương mặt tròn như cái đĩa, lông mày rậm mà đen, phải tỉa đến vãi nước mắt mới được hai nhánh lông mày lá liễu. Người ta phải lấy phấn tầu trát vào mặt cô mới được làn da trắng. Và chân cô, phải dùng giẻ, buộc năm ngón chân, mới nong được vào đôi hài thêu kim tuyến...
Đặng Thị Huệ ức lắm. Hoá ra mình là con nhà nghèo, mà không ngồi tướng được. Được rồi, để ngày lễ hội xem sao.
Huệ đem tất cả vốn liếng buôn bán được, lên kinh thành, mua một bộ đồ thật đẹp. Nhờ nước da trời cho trắng như trứng gà bóc, nhờ sự linh hoạt, sắc sảo, khi Huệ xuất hiện, đám trai làng bâu cả vào xung quanh Huệ. Huệ cười với người này, đưa mắt với người kia, và cất tiếng hát đối đáp với họ, đám mê gái càng đổ đến vây bọc lấy xung quanh Huệ. Khi Huệ bước lên cây đu, thì hầu như cả sân đu đứng khép kín cả vòng trong vòng ngoài... Người nọ truyền người kia:
- Con Huệ hôm nay đẹp thế. Cái đám gái ngồi tướng chẳng đứa nào ra hồn. Chẳng qua, chúng nó có lợn, có xôi, có tiền khao làng mà được đó thôi... Ê đu lên! Bổng lên! Tuột váy đến nơi rồi!
Huệ hôm ấy coi như là người thắng cuộc. Cô nổi tiếng là người đẹp nhất trong tổng. Em của Huệ là Mậu Lân, kém Huệ chừng vài tuổi, vốn là một đứa ngỗ nghịch. Nó nhìn Huệ, cười hì hì mà nói:
- Chị Huệ à, hôm nay chị đẹp quá! Nếu em không phải là em ruột chị, thì em cũng quyết đấu với mấy thằng hảo hán để cướp lấy chị.
Huệ rất vừa ý về câu nịnh của em trai, song cũng vờ quắc mắt mà mắng yêu:
- Ăn với nói kìa! Hàng xóm mà nghe tiếng thì đẹp mặt nhỉ.
Lân quay cổ lại cãi:
- Bởi chị đẹp quá! Em mà say rượu thì chị cũng không thoát được tay em đâu.
Huệ tức quá nói:
- Đồ mất dạy! Cút đi cho rảnh mắt.
Lân nháy mắt với chị rồi mới đẩy cửa xông ra đám hội... Khi Lân trở về thì say mềm, đầu vai, tay chân bị đám trai trong lễ hội giành gái đánh cho chỗ thì sưng bằng quả ổi, chỗ thì tím bầm, chỗ nứt máu. Huệ chỉ thấy cửa bị đẩy toang, rồi một thây người, vứt đánh bịch một cái vào trong nhà. Huệ chạy đến, thì hoá ra Mậu Lân bị đánh sau một đêm hội tắt đèn.
Huệ sợ hết hồn, chỉ sợ em chết. Tuy Lân chơi bời láo lếu, nhưng Huệ rất thương em, nhất là từ khi mẹ mất đi. Nó muốn gì, Huệ cũng chiều. Huệ cho nó học võ, học chữ, nhưng cả hai nó đều học qua loa, võ vẽ. Chỗ nào có gái đẹp là nó mò đến. Nó tụm năm, tụm bảy bầy đủ các trò bẫy bắt gái để chọc ghẹo. Nó thường bị các tay chơi, những cánh con nhà giàu, đánh cho những trận thập tử nhất sinh như bữa nay vậy.
Huệ vôi đi lấy mật gấu, pha một tý cho Lân uống, rồi bóp khắp mình mẩy cho Lân. Huệ tự tay săn sóc em, tự mình làm lấy hết cả. Từ một xác chết, Lân dần dần cựa mình tỉnh dậy, mở mắt nhìn chị, rồi lại nằm thiếp đi vì mệt nhọc. Huệ khẽ kéo chăn đắp cho em ngủ, rồi đặt nồi cháo ý dĩ, nấu với chân giò cho em ăn. Ba hôm sau, thì Đặng Mậu Lân tập tễnh đi lại được.
 

*

* *

 
Huệ đang yêu một khách thương giàu có. Hiện nay, chị em Huệ sở dĩ có đồng ra đồng vào lại mua sắm những thứ đắt tiền, cũng nhờ người tình chu cấp. Thương nhân họ Đỗ, có cửa hàng ở Kinh thành, hay về buôn tơ ở vùng Gia Lâm, đem bán ở hải ngoại, rồi lấy gấm vóc lụa là ở Tô Châu, Hàng Châu đem về bán cho những nhà quý tộc trong nước. Ông giàu có, tiền tiêu như nước. Muốn gì cũng được. Huệ mới quen ông vài tháng nay, nhân lọt mắt ông, trong một bữa đem chè xanh, bán cho một trưởng giả ở làng Bịu. Ông nhìn thấy Huệ, đem lòng quyến luyến ngay. Hôm sau, tìm cách lân la đến nhà. Huệ ra tiếp lời lẽ rất khéo léo. Lòng rất ái mộ. Từ đấy khi nào rảnh việc ông đều mò sang làng Huệ, tìm người đẹp. Vừa gặp Huệ, ông đã tặng chị em Huệ một tấm lụa và năm lạng bạc để ăn Tết. Huệ cố chối từ mà không nhận, ông năm nỉ rất chân tình. Bởi ông mê Huệ, nên giữ gìn chưa tỏ ra suồng sã. Huệ chỉ tiếc rằng, ông ta dáng người xấu xí cục mịch, mà Huệ đang ở tuổi dậy thì. Trai làng và những cậu ấm, các công tử trong vùng đều đang mắt la mày lét mỗi khi gặp Huệ... Huệ biết mình đẹp, có giá. Nhưng chọn ai bây giờ, thì Huệ còn đang tính toán.
Nhờ có tiền lụa của gã thương nhân, mà Huệ thành người đẹp tưng bừng nhất của cả đám hội của hàng tổng. Khi vãn hội, ngày hôm sau, chẳng ai còn nhắc nhở đến cái đám ngồi tướng ở làng này làng nọ, mà chỉ nhắc đến chuyện của Huệ. Từ sáng đến tối, Huệ đã gây ra đến năm đám đánh lộn nhau, đến về đầu chảy máu. Lại có con quan Đốc Đồng tận trấn Sơn Tây, định bắt cóc luôn Huệ, may mà nhờ có đám trung nam hàng tổng, xúm lại đánh trả. Không khí đằng đằng như trận mạc thật. Có một gã nho sinh liền đặt một bài thơ:
Gái làng Phù Đổng đẹp như tiên sa
Áo mớ bảy, mớ ba...
Các nữ tướng đều nhường làm hoa hậu
Trai làng mắt hau háu,
Cậu ấm nho sinh dãi giỏ ròng ròng...
Có một gã thương nhân
Đi theo cười tủm tỉm....
Sau những lần áo mỏng
Là làn da trắng ngà.
Sau những lần áo mỏng
Ngực mơn mởn, diết da
Gái Phù Đổng như tiên sa
Áo mớ ba, mớ bảy...
Có người đọc cho Huệ nghĩa bài thơ ấy, Huệ cười thích thú và thuộc lòng ngay.
Gã thương nhân vẫn còn lẽo đẽo bám theo Huệ. Huệ tiếp nửa mặn mà, nửa khủng khỉnh, do thế gã càng lao vào như thiêu thân thấy lửa.
Một buổi chiều, Huệ mới đi làm về đã thấy người chú họ đến bảo:
- Đúng quá! Ông thật là cao kiến.
- Bây giờ muốn phá Quận Huy, cũng phải từ quân lính mà phá ra...
- Thế nghĩa là thế nào?
- Có gì đâu! Quận Huy chỉ làm chủ được một đạo quân Trung Vũ, chứ đâu làm chủ được tất cả các đạo quân khác ở trong hoàng thành. Quận Huy từ ngày nắm quyền chỉ xu phụ công hầu tin cẩn của Chúa mà quên quân lính ở hoàng thành. Đám lính chán nản ra phố phường tác oai tác quái làm loạn. Quận Huy sợ mất lòng dân lại nạt lính. Quân lính đang mang oán Quận Huy, lúc này là lúc ta ra tay được đấy!
Chiêu Lĩnh bá Nguyễn Trọng Chiếu nói:
- Theo như ngài nói, tức là bây giờ ta phải khích bọn kiêu binh, chỗ dựa của Quận Huy làm loạn, xui chúng bỏ Cán lập Tông, như thế mối bứt được Quận Huy ra khỏi quyền uy được, có phải không?
Bùi Bật Trực nói:
- Đúng là như thế. Tướng quân đúng là con nhà nòi. Chỉ cần tướng quân nói với tướng công, còn tôi thi lo khuấy động đám kiêu binh, nếu cả hai bên đều nghe, thì phương lược của chúng ta có thể thành công được!
Nguyễn Trọng Chiếu ghé sát đến Bùi Bật Trực hỏi:
- Ông là mạc khách, làm sao len lỏi vào đám quân lính để kích động chúng được?
Bùi Bật Trực ôm vai Chiêu Lĩnh bá, khẽ bảo:
- Ông có biết Mạnh Thường Quân xưa nuôi hàng nghìn mạc khách ở trong nhà, đều là loại vô dụng, đến khi sa cơ lỡ vận, chỉ một người xui đốt hết văn tự nợ đi, mà được việc. Người ấy, coi như là tôi hôm nay đấy!
Nguyễn Trọng Chiếu nghe Bùi Bật Trực nói, rất cảm động, liền ôm vai Bùi Bật Trực nói:
- Tôi không như cha tôi đâu, ông yên tâm. Kỳ này nếu thành công thì tôi và ông, ta sẽ nương tựa nhau suốt một đời, chỉ khuyên ông rằng, đám quân sĩ cũng hàng nghìn, hàng vạn kiểu người. Chúng chỉ như cái khiên, cái giáo, nếu biết dùng đúng lúc, đúng chỗ thì đều được việc; chúng cũng như đám cháy, cơn lốc, nếu để tung hoành thì sự phá phách cũng không phải nhỏ đâu!
Hai người hôm đó, ý hợp tâm đầu, mê nhau như trai gái.
Tuyên Phi Đặng Thị Huệ lo lắm. Bây giờ quyền lực thâu tóm ở trong phe cánh của mình cả rồi, thì hai con người mình trông cậy, nhờ suốt một đời lại đều là hai con người ốm yếu cả. Trịnh Sâm cầm quyền qua tay Quận Huy, còn Trịnh Cán, tuy đã được phong Thế tử, nhưng chưa làm nổi điều gì đê triều thần có thể hướng về được. Còn Quận Huy cúc cung tận tụy đấy, nhưng nếu chồng và con mình không khoẻ mạnh, thành người thì sau này lòng dạ Quận Huy thế nào, có ai mà biết được.
Suốt ngày Đặng Thị Huệ đắm đuối vào lo toan đủ trăm thứ nên người cũng phờ phạc, hao gầy đi. Phi có lúc minh mẫn, có lúc thì cuống quít. Ai bảo cầu đâu, khấn đâu cũng cầu, cũng khấn. Thấy bệnh tình của Trịnh Sâm ngày một xấu đi, Phi lo cuống cuồng, tức tốc bảo Quận Huy phải triệu ngay Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào cung.
Lãn Ông chờ mãi không thấy được vào hầu thuốc, cứ quanh quẩn hết đi thăm bệnh cho tước vương này, quận công nọ, tước hầu kia... Bệnh của họ nói chung là: người tạm gọi là có đức thì khí huyết hao tổn vì công việc; người say nghề thì nghèo, lại hay suy tưởng, nên lúc nào cũng bàng bạc, trắng không ra trắng, hồng không ra hồng; còn đại loại là đám đắm đuối vào tửu sắc, đứa thì bất lực, đứa thì lưng còng rạp, thở không ra hơi, đụng tay vào con bệnh, tâm linh người thầy thuốc ít có phút đồng cảm mà hết lòng vào chữa trị. Lãn Ông nghĩ một cách là chữa cho họ cảm thấy khoẻ lên, hi vọng, còn bệnh của họ, người thì tâm bệnh, người thì danh bệnh, người thì sắc bệnh, có hoạ thần y Thánh y mới chữa nổi!
Bữa ấy, Lãn Ông sang ngoạn cảnh ở Chùa Lý Bát Đế phía Gia Lâm, được quan đốc trấn Kinh Bắc mời về chơi, ngâm vịnh, thưởng hoa. Đang lúc đắc ý thì thấy người nhà Quận Huy đem theo lính, phu trạm sừng sực tới.
Viên nội sai gấp gấp nói:
- Có Thánh chỉ triệu quan Hộ Phiên Câu Kê về triều. Quan chánh đường nửa đêm hôm qua còn đến nhà tôi truyền báo. Xin cụ quay về ngay cho.
Lãn Ông nghe thế, quay lại vái chào quan Đốc đồng trấn Kinh Bắc, từ tạ rằng:
- Cái nghề thầy thuốc của tôi là thế, mong Quan Lớn đại xá cho. Cái thân Lão-già-lười này thì suốt đời làm đầy tớ cho hình hài, biết làm sao được. Xin hẹn tái ngộ.
Quá ngọ từ dinh quan Đốc Đồng, Lãn Ông đi cáng tận gần tối mới đến bên sông. Thương lính và phu trạm mệt, ông-già-lười bảo viên nội sai vào quán bên đường cơm nước rồi đi thẳng đến bến Bát Tràng, Hải Thượng Lãn Ông hỏi qua về tình hình bệnh của Chúa, thì viên nội sai nói:
- Chúa vẫn đi lại được nhưng không khoẻ, Chúa thở dốc, kém ăn. Chẳng qua Tuyên Phi cuống lên cứ đòi triệu cụ về cho bằng được đó thôi.
Hải Thượng Lãn ông nói:
- Trời tối sập mất rồi. Sông thì to, nước cường, đi đò nhỏ phải hai chuyến. Dù có gọi thuyền to sang ngang thì cũng phải chỉnh đốn áo mũ mới vào chầu Chúa được. Mà về đêm Chúa cần được nghỉ ngơi hơn ban ngày, tôi sợ kinh động đến sự cần yên tĩnh của Chúa. Chi bằng ta ngủ lại bên này mai sớm sang đò, như thế chẳng tiện hơn sao?
Viên nội sai nghe theo. Mờ sáng hôm sau, Lãn Ông đã sang sông, mặc triều phục, đến thẳng dinh Quận Huy. Chúa đang nghỉ ở cung điện phía đông. Quận Huy làm việc ở nhà Thập Tự.
Thấy Hải Thượng Lãn Ông vái chào, Quận Huy mừng rỡ nói:
- Cụ đã về đấy à? Xem ý cụ cũng mải chơi đấy nhỉ!
- Bẩm thì tuổi già, lâu ngày mới ra Bắc Hà mà ngoài này chỗ nào không có danh thắng đi hàng năm không hết. Vả lại chờ lâu không có lệnh chỉ truyền đòi, tôi cũng mạn phép du một chút, đâu có dám quên nhãng nhiệm vụ.
Quận Huy đuổi hết tả hữu ra rồi nói:
- Vừa rồi, Thánh thượng thấy lầu Ngũ Long báo có cuộc đua thuyền của thuỷ quân ở cung Vọng, người háo hức đòi đi xem. Mặc dù màn che, trướng rủ, nhưng người lại thích đứng ngoài khoang, về lại vui với Tuyên Phi hơi quá quy định của Thái y viện, sáng hôm sau không dậy nổi. Vả lại năm sáu năm nay, bệnh cũ lại phát, nguyên khí suy tổn, chỉ qua một đêm, sáng nay xem ra bệnh nặng lắm hãy chờ đây, chờ ta vào xem, thỉnh mệnh Chúa thượng, rồi vào xem mạch hầu thuốc nhé...
Rồi đứng dậy, sửa áo mũ, Quận Huy còn ngoái lại nói đùa:
- Ông mà chữa cho Chúa thượng khỏi, thì ta cho người võng lọng đưa ông đi du ngoạn hàng năm cũng được.
Quận Huy đi rồi, Hải Thượng Lãn Ông bắt đầu ngẫm nghĩ:
- Thế mói biết hàng đống thái y bên mình Chúa, mà chẳng ai đáng mặt thầy thuốc. Bệnh không chuyển mói triệu mình vào. Mong sao cảm gió còn dễ quay trở, chỉ e lâu ngày kiêng kỵ, Tuyên Phi lại đẹp hớp hồn, dính vào bệnh phạm phòng, thì thật khó cứu...
Quận Huy vào chầu Chúa thăm thẳm không thấy ra... Hải Thượng Lãn Ông không hiểu mô tê ra sao, đành cứ chầu chực, không dám bỏ đi đâu, trong lòng vừa chán vừa bực, không dám nói ra, càng nghĩ càng thấy rằng, dù có được đứng đầu Thái y viện ở đây, cũng chẳng bằng về cái xó Hương Sơn, non xanh nước biếc, chữa bệnh cho những gia đình dân giã.
Gần tố, Quận Huy mới thấy ló mặt ra. Ông ta nói:
- Cụ chờ lâu hẳn sốt ruột. Nhưng tôi không làm sao thoát ra được. Chúa thượng suốt buổi hôm nay vật vã chân tay, cáu kỉnh, lại nóng âm, có lúc mê đi rất lâu... Tuyên Phi không muốn cho thầy thuốc vào chầu ráng đợi ở đây, sáng mai vào hầu mạch vậy!
Hải Thượng Lãn Ông nói:
- Tôi được triệu gấp, đi cả ngày hôm qua, sáng sớm qua đò, tuổi lại cao, xin quan chánh đường cho về nhà nghỉ ngơi qua đêm nay, sáng mai xin vào hầu thuốc sớm.
Quận Huy hôm ấy lại vào hầu thuốc suốt đêm. Đặng Thị Huệ lo lắm. Bệnh của Trịnh Sâm, tưởng chỉ bình thường hoá ra quá nặng. Từ sáng tới giờ, Chúa không dậy nổi, nằm mê mệt. Bữa trước, Chúa đứng ở mũi thuyền lâu, tươi tỉnh nói cười thoải mái, và bữa nay mê man, lịt mịt, bệnh tật hành hạ, đến nỗi đầu óc mụ mẫm, sốt nóng triền miên, chân lạnh bụng lạnh, ngực và đầu lại nóng, chạm tay vào như sờ vào hòn than.
Nghỉ một đêm, dậy sớm pha ấm trà nóng, ra quán xôi, ăn một bát thật ngon, sở thích của Hải Thượng Lãn Ông chỉ có thế. Hải Thượng Lãn Ông lên kiệu vội vã vào phủ Chúa, rợ rằng đến chậm, sẽ bị quở trách.
Trên đường gặp hai ba người đi ngược lại truyền vào hầu thuốc. Phu cáng phải chạy gấp lên, gặp ai cũng mặc. Có người không tránh kịp bị xô bật sang một vệ đường. Đến cửa phủ Chúa, Lãn Ông vội vã xuống cáng đi vào. Quận Huy đứng ở thềm, mặt mày phờ phạc vì thức đêm, nét lo toan gần như cũng nhiều hơn buổi tối hôm trước. Ông ta nói:
- Cụ chờ đây. Ta vào bẩm Chúa trước đã nhé!
Quận Huy vào một lúc thì thấy Trạch Trung Hầu ra, cúi đầu chào rồi nói:
- Mời cụ vào ngay cho.
Thạch Trung Hầu đi trước, Lãn Ông chăm chú theo sau. Hai người đi qua một hành lang ngắn đến một ngôi nhà cao. Lên mấy bậc thềm, đi qua gian trước thì đến phòng ngủ của Chúa Trịnh, Thạch Trung Hầu ngoái lại, nắm lấy tay áo của Hải Thượng Lãn Ông. Hình như ông ta sợ ông-già-lười lại ngó nghiêng, không chịu vào ngay. Hai người qua mấy lần trướng màn bùng nhùng, đến lúc đứng trước một chiếc sập vàng, có treo màn lụa hồng, mặt trước màn là bức trướng kim tuyến và mới phủ lên. Quận Huy và một viên tham tụng đứng hầu ở bên trái sập ngụ. Phía sau giường ngự là một bức tường gấm nhung đỏ lớn. Phía trong có tiếng thì thào, lại thấy bức trướng rùng rùng nhẹ, như có người qua lại chạm phải. Lãn Ông chắc rằng, các bà phi, cung tần thấy thầy thuốc đến đều tránh vào đây. Trước sập Chúa ngự, trên một chiếc đôn lớn, đặt một giá nến lớn bằng đồng, trên thắp một ngọn nến hồng cực lớn, ánh sáng soi rõ cả căn phòng.
Thạch Trung Hầu dẫn Lãn Ông tới, đứng sang bên phải sập hầu Chúa. Lãn Ông đứng cách sập hơn mười bước, định sụp lạy thì quan Chánh đường truyền lệnh:
- Cho miễn lạy.
Chúa Trịnh nằm trên võng, từ sáng đến giờ xem ra khoẻ hơn. Chúa đã tỉnh, sốt cũng lui, người đã ăn được một bát yến...
Chúa nằm trên sập đưa tay ra cho Lãn Ông bắt mạch. Trịnh Sâm nhìn vào mặt Lê Hữu Trác rồi nói:
- Ta trông vẻ mặt ông giống mặt quan Thượng thư bộ Lễ Lê Hữu Kiều xưa đấy! Thì ra cũng là nhà dòng dõi...
Quận Huy nói:
- Mời cụ vào hầu mạch.
Hải Thượng Lãn Ông chắp tay, cúi mình lễ phép vòng qua trái bước tới. Viên tham tụng mời Lãn Ông ngồi. Đầu ghế bên kia là Quận Huy. Lãn Ông ngồi vào giữa, chỉnh đốn tư thế. Trịnh Sâm đặt tay lên chiếc gối gấm, nói:
- Các ông hãy cùng thầy thuốc họ Lê xem mạch đi.
Quận Huy hiểu ý liền ngồi xích lên. Viên tham tụng ngồi lui ra, Lãn Ông cũng nhích người theo. Quận Huy xem mạch xong, thì bảo:
- Cụ hầu mạch đi.
Lãn Ông cầm tay Trịnh Sâm đặt vào gối gấm, tay phải đặt lên cổ tay Chúa, ngón giữa và ngón cạnh đặt vào mạch lắng nghe. Có lúc ngón tay nâng lên, đặt xuống để xem mạch lúc mạnh lúc yếu cho tường tận thêm... khi đã thấy chấn mạch đủ để đoán bệnh rồi, thì buông tay ra, định đứng dậy, nào ngờ viên tham tụng lại nhích tới, lại tiếp tục hầu mạch cho Chúa.
Lãn Ông thầm hiểu, thì ra, mạch của Chúa phải có hai đại thần, cùng biết qua y lý, cùng xem để định liệu thuốc men...
Mấy người ngồi lui ra chiếc ghế sau. Lãn Ông vẫn cúi đầu khiêm cung. Quận Huy liền bảo:
- Cụ thấy thế nào, cứ thưa hết với Chúa thượng, để còn định các vị thuốc.
Lãn Ông nói:
- Thần Lãn Ông, được hầu mạch Chúa thượng, xin được tâu bầy: hai mạch quan, thốn hai bên tay phải, tay trái đều nổi rất to, mạch căng và nhanh. Mạch đỏ bên trái (tả xích) thì trầm, nhanh; mạch đỏ bên tay phải (hữu xích) thì lại phồng nổi, nhanh, ấn mạnh thì thấy yếu ớt.
Trịnh Sâm hỏi ngắt quãng, chứng tỏ đã trống hơi:
- Hai ông thấy thầy thuốc nói thế nào?
Quận Huy thưa:
- Thần thấy thầy thuốc họ Lê nói đúng, nhưng cảm thấy khác một chút, là mạch không căng lắm.
Quan tham tụng nói:
- Bẩm thần cũng thấy thế.
Chúa cười:
- Hai ông làm sao tinh tường bằng thầy thuốc được. Mời thầy Lê cơm nước chu đáo cho ta...
Lãn Ông lui ra, lặng lẽ kê đơn thuốc cho Trịnh Sâm. Bỗng Quận Huy lại đến.
Lãn Ông hơi cau mày khó chịu, rồi nét mày cũng giãn ra, theo tính nhu nhược của lão già cầu an. Lãn Ông nghĩ: Cái thằng Quận Huy này chẳng trách Chúa tin cũng là phải. Nó biết hầu hạ người đáng hầu hạ, qụy lụy người đáng qụy lụy, hầu Chúa hết lòng hơn cả con trai, vợ yêu... Song Lãn Ông cũng không cho là Quận Huy quá xấu như những sĩ phu Bắc Hà vẫn thường dè bỉu về ông ta.
Lãn Ông tin rằng, Quận Huy vẫn là người trọng sự chân thật và tình nghĩa. Quận Huy đến bên cạnh Lãn Ông kể lể hết cội nguồn gốc gác của bệnh của Chúa. Lãn Ông nghĩ:
- Phò Vua, phò Chúa phải như gã Quận Công này thì mới được tin cậy đến trèo lên đầu lên cổ trăm quan được.
Thấy Lãn Ông chưa nói gì, Quận Huy nói:
- Bệnh tình Chúa thượng thế nào?
Lãn Ông nói:
- Xin cứ cho uống thử thang thuốc này đã, sau xin được nói.
Rồi Lãn Ông ngồi kê đơn:
Thục địa: 5 lạng
Sơn dược: 3 lạng, tẩm nước cơm (sao 3 lần)
Sơn thù: 2 lạng (bỏ hạt, cho vào rượu nấu)
Mẫu đơn: 1 lạng năm đồng cân (sao)
Bạch phục linh: một lạng năm đồng cân (tẩm sữa)
Mạch môn: một lạng hai đồng cân
Ngũ vị: 8 đồng cân (để sống)
Phụ tử chế rồi: 5 đồng cân (kiêng lửa)
Tất cả các vị cho vào ấm đất sắc thật đặc, cho thêm hai lạng cao Lộc Nhung, một lạng củ ký, hoà đều, lại trộn bột quế lõi, đậy kín. Một lần Ngự dùng một thìa con hoà với nước sâm đặc.
Dưới lại viết câu:
“Thần, Hộ Phiên Câu Kê Lê Hữu Trác cẩn tấu”.
Quận Huy xem đơn nói:
- Thang thuốc này trị giá hàng trăm lạng bạc, ông cắt thuốc khác hẳn những thầy thuốc mà Chúa đã cho hầu hạ bao năm nay, thế là thế nào?
Lãn Ông nói:
- Ông có chịu nghe tôi nói không. Trước bệnh nhân với thầy thuốc thì thiên tử hay lê dân cũng chỉ là con bệnh. Khi đã quyết đoán được bệnh thì phải quyết đoán kê đơn, bốc thuốc.
- Ông thử kể bệnh không giấu giếm một chút nào ta xem nào, để ta còn liệu định.
Lãn Ông ngần ngừ một lúc, mặt trầm lại thưa:
- Tôi thấy quan Chánh đường hết lòng vì Chúa, nên cũng xin thú thực. Tôi chẩn bệnh thấy mình Chúa gầy rộc, da dẻ khô, nước tiểu vàng đục, đại tiện sẻn, bụng đầy, ợ hơi. Trong người thường âm dương quan cách, nóng bốc lên từng cơn, miệng khát, lưỡi dộp, ho mất tiếng... Những chứng bệnh này đều do tính huyết khô kiệt, mạch lại quá gấp chứng tỏ tim yếu. Tôi e rằng vị khí quá suy yếu... Chỉ còn chút hi vọng.
Quận Huy sốt ruột gặng hỏi:
- Ông nói tiếp đi!
- Tôi nghĩ rằng các thầy thuốc khi được vào cung, đều muốn Chúa tin, do đó, hay dùng thuốc công phá bệnh ngay, khiến Chúa thành nơi họ tung hoành trận mạc. Do thế mà thân thể hao kiệt, may mà Chúa còn là bậc thiên tử, thân thể vốn được nuôi dưỡng từ bé, chứ không thì không cứ nổi đến bây giờ.
Quận Huy vốn là người thông minh nghĩ ra ngay, liền bảo:
- Quả là đúng như lời ông nói. Trong cái đám quan thái y này, người thầy thuốc giỏi thì ít mà bọn hám lợi thì nhiều. Chỉ hiềm ta tiến cử ông quá muộn. Song trong đời ta, ta chưa thấy ai cắt thang thuốc bạo dạn, mà đắt đến chừng ấy.
Lãn Ông bình tĩnh cười nói:
- Thì là thuốc của vị Chúa tể đứng đầu thiên hạ kia mà.
Quận Huy nói:
- Cung cách của ông giống hồi ta làm tướng ở Nghệ An, phải tự tin và quyết đoán ở việc của mình làm, như thế công việc mới có hiệu quả.
Quận Huy đem đơn thuốc vào cho Chúa Trịnh xem, đến quá ngọ, Lãn Ông lại được gọi vào hầu mạch. Quận Huy và viên quan tham tụng vẫn được ngồi hầu cùng xem mạch. Thạch Trung Hầu thì hầu hạ phục dịch Chúa. Trịnh Sâm để Hải Thượng Lãn Ông xem mạch xong liền hỏi:
- Ông nói mạch của ta nhanh, sao lại còn dùng quế phụ?
Lãn Ông thưa:
- Bẩm Chúa thượng, thần thấy mạch nhanh, là do những cơn nóng giả từ phế gây ra, chứ tỳ thận thực ra lại hàn, do đó dâng bài thuốc có quế phụ là ổn đáng.
Chúa hỏi:
- Ta thấy nóng ngực, sao bụng lại đầy không tiêu hoá được?
Lãn Ông nói:
- Tâu, sách thuốc có nói: xem mạch mà thấy hiện tượng hoả nổi ngoài da, da dẻ nóng âm, thì chỉ là nóng “giả”. Bên trong lạnh mà gây ra nóng ở ngoài vậy thôi. Bởi “vị” lạnh nên ăn không tiêu bụng đầy chính là trên nóng dưới lạnh, sách gọi là trên thực dưới hư?
Chúa lại hỏi:
- Thế nước tiểu vàng, tức là nóng, ông lại bảo bên trong lạnh là làm sao.
Lãn Ông thưa, giọng chắc chắn:
- Tâu, sách thuốc Nội Kinh có nói: ở giữa không đủ sức điều hoà, thận chính là phần giữa vậy, chính vì vậy mà tiểu tiện khác thường, chính là do từ tỳ vị lạnh mà ảnh hưởng tới.
Chúa Trịnh nói:
- Ông thầy thuốc đã nói thế, thì cứ chế một thang, uống thử xem sao!
Quận Huy tâu:
- Thần tin là Quan Hộ Phiên Câu Kê đã hết lòng và bài thuốc là thoả đáng.
Lãn Ông trở ra, người mệt lử. Ông càng thấy đắm mình chữa bệnh cho vương hầu, vua chúa, chỉ chuốc lấy những phiền hà rắc rối vào thân. Người thường chữa bệnh, đón đúng thầy, đúng thuốc thì chỉ hết lòng tin theo thôi, như thế thì bệnh mới chuyển biến nhanh chóng được, có đâu lại vặn vẹo từng ly từng tý thế. Mà Quận Huy và viên tham tụng kia, có thể giỏi việc điều hành chính sự, nhưng y lý thì đâu là thầy thuốc giỏi mà Chúa lại nghe hơn cả mình.
Khi tiễn ra quán đợi, Quận Huy lại còn tỏ vẻ chưa tin, chắc là ông ta lại lấn bấn về những câu vặn hỏi của Chúa với Lãn Ông. Ông ta nói:
- Mạch đã to, nhanh lại dùng quế, chẳng là phụ thêm cho cơn nóng ở trong người. Tôi e không phải là “nóng giả” như cụ nói đâu, kiên quyết đến thế, kể cũng đáng ngại!
Viên tham tụng cũng tỏ ra hiểu biết hùa theo:
- Cách của cụ, khác gì lửa cháy đổ thêm dầu.
Hải Thượng Lãn Ông hơi khó chịu, nhíu lông mày nói:
- Tôi dẫu chỉ là gã thầy thuốc ở tít nơi cùng trời cuối đất, nhưng cũng biết trách nhiệm trước một bậc Vương giả. Hoạ phúc đều ở trong một thang thuốc. Nếu tính toán không kỹ càng, thì cái thân già chưa chắc về nổi quê cũ đất Hương Sơn. Xin hai vị đại thần cứ yên tâm, tôi xem hết các đơn thuốc thấy trước chữa cho Chúa thượng toàn dùng vị mát mà không chuyển, tức là chẩn đoán chưa đúng bệnh, thấy nóng mà dùng mát, thế thôi. Tôi cho rằng tỳ thận là hai nơi tạo ra cái nóng bị lạnh, nên dùng quế phụ để hỗ trợ cho các thứ bổ khác. Nóng đây là sắc ấm của dưỡng chất, chứ đâu phải là nóng của quế!
Quận Huy thấy mình chưa hiểu hết cái tính thâm của đơn thuốc, nhưng vẫn ra vẻ là người hiểu biết, liền nói:
- Ta cũng thử thêm xem cụ có kiên quyết không thôi. Vậy bây giờ hãy cứ bốc thuốc đi...
Hải Thượng Lãn Ông đem đơn tự đến cân thuốc. Ông già vừa cân vừa xuýt xoa ước ao, nếu mình được cái chỗ thuốc này mà cứu bệnh cho đám người dân giã thì hay biết mấy. Hai vị đại thần ngồi kèm bên Lãn Ông, nhìn vào từng mã cân tiểu ly, cho đến lúc cân hết cả thang thuốc mới đứng dậy. Thuốc được đem cho mấy viên nội sai, chỉ chuyên ngồi bên bếp lò chờ sắc thuốc cho Chúa và Thế tử. Hải Thượng Lãn Ông dặn dò kỹ lưỡng rồi quay về điếm nghỉ để chờ cho thuốc sắc xong.
Vừa đến chỗ nghỉ đã thấy quan hầu của Thái Tôn Thánh Mẫu đến hỏi:
- Thánh mẫu truyền chỉ cho cụ hầu mạch bốc thuốc cho Chúa thượng ra sao thì tâu lên.
Hải Thượng Lãn Ông hơi khó chịu, thấy rằng làm thầy thuốc cho vua chúa rắc rối quá lắm so với làm thầy thuốc cho thường dân. Song, vốn là con nhà quan, ông biết rằng, chỉ một lời nói hớ, cũng đủ mang vạ vào thân, nên ôn tồn thưa:
- Tôi vừa cắt thuốc cho Chúa thượng, chưa thể tâu trước được. Nhờ người về bẩm với Thái Tôn Thánh mẫu đợi cho Chúa dùng xong một thang thuốc này mới bẩm rõ được.
Thấy ngồi chờ ở đây còn phải hỏi han nhiều thứ, Lãn Ông liền cáo quan Chánh đường lui về nhà nghỉ. Quận Huy nói:
- Sớm mai, ông phải có mặt ở đây chờ mệnh đấy!
Mờ đất hôm sau Lãn Ông đã có mặt. Ông ngủ một giấc ngon lành, người tỉnh táo hơn trước. Tuy đến rất sớm, Lãn Ông được triệu ngay vào. Tự dưng ông đâm ra hồi hộp. Ông rất mừng thấy Chúa đã ngồi dậy được, thần thái hơn hẳn hôm qua. Chúa nhìn ông có vẻ thân mật, đưa tay ngay cho xem mạch, còn nói đùa:
- Thầy thuốc hôm nay hầu mạch hơi sớm phải không?
- Dạ, đó là vinh dự lớn của hạ thần!
- Ở quê Châu Hoan của ông, chắc các con bệnh trọng vọng ông lắm nhỉ, làm gì phải thức khuya dậy sớm thế này!
- Dạ, đó là nghề nghiệp của thầy thuốc, lúc nào bệnh khoan thì mới khoan được, lúc nào khẩn cấp thì dẫu chỉ là một đứa trẻ nghèo, cũng không dám trễ nải.
Chúa nghe cảm động khen:
- Ông thật là một lương y. Ta uống thang thuốc của ông đêm qua thấy dễ chịu, bụng đã tiêu không đầy, thấy muốn ăn!
Lãn Ông thưa:
- Thần nghĩ, Chúa thượng nên dùng một chút cơm nóng với chút canh nấm, nếu ăn thấy ngon miệng là tốt. Thần xin cắt thêm một thang nữa sắc theo lối thần cao, đợi khi Chúa thượng thuần sắc, thì xin hầu cả những thức ăn dân giã, sơn cước để phối hợp, thì bây giờ chắc là sẽ thấy muốn ăn giả bữa luôn.
Chúa thấy Lãn Ông rất thật thà, liền cười và gật đầu...
Chú thích:
(1) Quận Huy gọi nịnh