- 9 -


- 8 -

     gô Thì Nhậm cử tang cha xong lên triều nhậm chức. Nhậm được Huy mời vào trướng đãi tiệc. Quận Huy nói:
- Sự biến của Thế tử mưu loạn, nếu không có ông, thì kinh thành đâu có được như hôm nay. Ta đã tâu lên Chúa thượng, dành cho ông chức Hữu thị lang bộ Công rồi đấy.
Nhậm ra vẻ khiêm tốn nói:
- Tôi tài học bạc nhược, chức lại quá cao, sợ không kham nổi. Chỉ mong đại quan nhân cho làm một chức nào đó, có thể giúp nhà nước soạn những sách cổ, bàn bạc lời lẽ của Thánh hiền, đó là sở nguyện.
Quận Huy rót rượu cho Ngô Thì Nhậm và nói:
- Tài của ông có thể làm đến tể tướng chứ chức Thị lang nào có bõ bèn gì. Ông là người thức thời lại sắc sảo, xin hãy cùng ta và Tuyên Phi làm thế chân vạc ở triều đình này.
Ngô Thì Nhậm biết Huy muốn lôi mình thành vây cánh, không nói gì, lặng lẽ uống rượu. Quận Huy lại còn đưa Nhậm vào ra mắt Chúa, gặp Tuyên Phi, nhắc lại công lao vụ án hồi Chúa ốm, Chúa Trịnh phủ dụ rồi gọi nội giám ban cho thêm một bộ áo chầu mới. Ngô Thì Nhậm lạy tạ lui ra...
Nhậm vào phủ Chúa làm việc, các quan chức đồng triều đều ghẻ lạnh. Chỉ có những người thân với Quận Huy thì lăng xăng săn sóc. Người ta lấy vụ án năm Canh Tý để đánh giá Nhậm, cho Nhậm có học mà mưu mô phản trắc, không đàng hoàng theo lối chính nhân quân tử. Chức Thị lang của Nhậm là giết cả cha và ba đại thần khác là thầy học, là bạn của cha mà có… Nhậm biết, lòng cũng dao động chán nản, ít đi lại tiếp xúc. Chức Thị lang bộ Công chỉ lo việc xây dựng tu bổ đền đài nhà cửa đường sá trong hoàng thành; xây cất phủ dinh cho các đại thần, bầy soạn những cảnh quan để Chúa tế trời, tế đất, phối hợp điều những xe cộ, kiệu cáng cho các đại thần, vua chúa trong những ngày Quốc lễ, đại lễ... Những việc chỉ cần xem qua một lượt điển lệ, cách bố trí của người xưa, nghe ý của Chúa và các quan Tham Tụng, Bồi Tụng chỉ xuống mà làm cho đúng ý, không phải là những chuyện trị dân, xét án của một trấn, một tỉnh lớn. Chức thì lớn, việc nhiều, nhưng nhàm, không phải động não... Nhậm nhân thế mà đọc kỹ thêm sách Thánh hiền, xem xét sâu về việc trị nước, chí lại rất thâm trầm, chờ thời để thi thố tài năng...
Tuyên Phi Đặng Thị Huệ từ ngày dựa vào Quận Huy, thanh thế lừng lẫy, hầu như đã thâu tóm được cả triều đình. Hoàng Tố Lý bây giờ đứng đầu trăm quan. Các quan gặp Huy không dám gọi tên, gọi chức, chỉ dám gọi là quan Chánh Đường. Huy quận công oai trùm lên cả Nội Mật Viện, thực sự quyền bính chỉ còn sau Chúa... Các quan biết vậy, những đại thần phe của Thánh mẫu thái tôn, mẹ của Chúa Trịnh, cứ im miệng làm tròn chức trách mà hưởng giàu sang, còn những quan chức phe Quận Huy thì từ việc nhỏ đến việc to đều hết sức tỏ ra mẫn cán, hết lòng vì Chúa, vì Tuyên Phi, vì quan Chánh Đường.
Quận Huy cũng chọn những chỉ huy quân Ngự Lâm ở Hoàng thành phần lớn là quân Thanh Nghệ, từ thời các Chúa, là người của mình. Hằng năm, cứ mùa xuân và mùa thu, quân Ngự Lâm lại được tập luyện, thi võ và cất nhắc. Sự thực đó là những cuộc thay người khéo léo và tinh tế, Huy Quận công đích thân nhúng tay vào... Về hoàng thành có vài năm mà Quận Huy đã trở thành một phú gia địch quốc. Người ta nói trong nhà quan Chánh Đường thứ gì cũng có, có thứ còn quý hơn cả bên phủ Chúa, bởi vì, bây giờ ở Thăng Long người buôn lớn rất nhiều. Các lái buôn đi đường biển vào rất đông. Phố Hiến, Kinh Thành, chợ sông chợ biển, chỗ nào cũng tấp nập. Người của Tuyên Phi và Quận Huy đều là những kẻ biết móc nối, biết ban phát lộc cho đám thương nhân, lại rành về những hàng hoá hiếm quý tung ra bán cho những nhà buôn lớn ở Kinh Thành, do đó, họ giàu lên rất nhanh...
Chúa Trịnh thì, từ sau trận ốm nặng, không được khoẻ như trước. Mọi việc triều chính thâu tóm vào tay Quận Huy cả...
Tuyên Phi Đặng Thị Huệ sinh được Vương Tử Cán, dựa được vào Quận Huy, lúc nào cũng đắm đuối vào việc lo sao cho Chúa nhường ngôi cho con mình, phế Trịnh Tông. Sau vụ án năm Canh Tý, dẫu Chúa hành tội Trịnh Tông như thế vẫn thỏa đáng, nhưng Chúa chưa giết Tông, nên Đặng Thị Huệ vẫn cảm thấy Tông như cái gai trước mắt chưa nhổ được.
Còn Vương Tử Cán, nuôi mãi vẫn cò lả quá bé, nhiều lần Huệ giục Quận Huy, lôi kéo các đại thần, dâng sớ lên với Chúa sách phong Thế Tử cho Cán, có lúc Tuyên Phi tâu xin thẳng với Trịnh Sâm, nhưng Chúa ôm lấy Huệ mà nói:
- Ái Phi sao cứ vội vàng mà làm gì. Phong hay không phong, đó chỉ là vẻ bên ngoài. Ta dành ngôi Chúa cho ai, cái đó mới quan trọng. Phải biết kiên nhẫn chờ đợi.
- Chờ đợi, chờ đợi... Bao giờ Chúa Thượng cũng chỉ có một lời khuyên như thế thôi. Chúa Thượng chưa thật hết lòng vì mẹ con thiếp!
- Chưa hết lòng ư? Chưa hết lòng mà Phi và Vương Tử Cán được như thế.
Tuyên Phi vặn vẹo:
- Đấy khi gọi con, chỉ có Chúa và thần thiếp Chúa cũng chỉ mới gọi nó là Vương tử, đâu có gọi là Thế tử...
Chúa nghiêm sắc mặt mà nói:
- Phi đòi hỏi quá cũng không được đâu. Một lời nói, một cử chỉ của ta đều có ảnh hưởng đến nhiều người khác. Thôi dẫn ta vào thăm con ta đi...
Cán đang chơi với các a hoàn ở trong sân. Cán ngồi giữa các a hoàn, mỗi người mặc màu áo khác nhau bò lồm cồm để sẵn sàng làm ngựa cho Cán cưỡi chơi.
Trịnh Cán cầm chiếc roi chỉ vào lưng từng cô a hoàn:
- Con này! Con này! Con này! Này này! Con này!
- Ngài cưỡi con nào?
- Không con nào cả! Tất năm con!
Các a hoàn lại bảo:
- Cưỡi một con thì được, làm sao cưỡi cả năm con một lúc.
Trịnh Cán lại dãy nảy lên:
- Không cưỡi một đâu, cưỡi cả năm con kia...
Chúa và Tuyên Phi vào thấy ngay cảnh tượng ấy. Chúa rất vui. Các a hoàn định đứng lên khấu đầu bái kiến Chúa và Tuyên Phi, nhưng Chúa bảo:
- Cứ chơi với Vương tử... Ta miễn lễ.
Rồi Chúa quay sang Trịnh Cán hỏi:
- Sao con không cưỡi một con mà đòi cưỡi cả năm con!
- Cha không biết gì cả? Một con một sắc thôi không đẹp. Phải cưỡi cả năm con, mới đủ màu ngũ sắc chứ!
Chúa rất đẹp lòng, cho là Cán có khẩu khí đế vương. Nhưng Chúa ôm Cán mà nói:
- Mày có máu làm Chúa từ lúc nứt mắt ra hử? Không biết sau này có làm nên trò trống gì không?
Rồi trao cả Cán cho ca hoàn, giang tay đưa Tuyên Phi vào phòng...

*

* *

 
Tuyên Phi rất yêu con và luôn luôn lo lắng về con. Trịnh Cán, thông minh, đẹp, nhưng lại yểu tướng. Cán luôn ốm đau quặt quẹo, bụng to, rốn lồi, tay chân nhỏ, da mặt khô, biếng ăn, thức khuya mói chịu ngủ, thích nằm, thích vuốt ve, ít chạy nhảy, tính nết hiền nhưng thất thường, từ năm lên sáu, qua một cơn sởi, người bấy bớt lại càng bấy bớt.
Chúa đích thân cho tìm danh y khắp nơi về chữa chạy. Cán rất đãi thuốc, thầy nào cắt cho dăm bảy thang, kê đơn, bốc thuốc, định phương pháp trị liệu đều dựa dẫm người trước, sợ không vừa ý Chúa. Để có hiệu quả, họ dùng thuốc công phạt nhiều, cốt để chuyển động chút ít, lấy lòng tin của Chúa, của Tuyên Phi, cho được dự vào hàng thái y ở nội cung, cũng đủ vinh hoa...
Huấn đạo Nguyễn Thực đang làm quan ở tỉnh có bốc thuốc cho mấy đứa trẻ con trong nhà chữa được bệnh cam, bệnh sởi, vốn quen Quận Huy, liền được vào hầu bệnh. Thực đâu có phải thầy thuốc chuyên nhưng khéo nói, khéo tán, được lòng Quận Huy, được lòng Chúa, do đó thăng lên chức Tiến triều.
Một gã nhà buôn từ Vân Nam xuôi sông trở về, vào yết kiến quan chánh đường Quận Huy, lễ lạt rất hậu. Nhân thấy gã buôn thuốc, Quận Huy cũng vỗ về biết đôi chút về thuốc, hỏi cách chữa cho trẻ bị cam xài, y nói vanh vách. Quận Huy nói với Tuyên Phi, Phi cũng cho mời vào chữa cho Trịnh Cán. Bệnh của Cán tuy không thuyên giảm, nhưng người béo tốt, tươi tỉnh hẳn lên. Thầy Tầu ấy là Chu Nghĩa Long. Chỉ có thế mà Chúa đã quý Long lắm. Nhân lúc ban thưởng lại hỏi thêm Long về sách vở. Long nhanh mồm, cứ lấy các sách Đông Chu, Tam Quốc mà bàn, lại bàn rất hợp ý Chúa... Thuốc cho Trịnh Cán, Long đã hết ngón, liền cứ thú thực với Chúa. Chúa cho Long là người thật thà... Long muốn lập nghiệp ở nước Việt, lại cũng ham chức tước. Quận Huy được Long đút lót rất nhiều, liền tâu với Chúa cho Chu Nghĩa Long trông coi việc quân, lại lấy tước hầu ban cho gã...
Tuyên Phi cho rằng Vương tử Cán là người tiên, người Phật chăng, nếu cầu cạnh không đúng chỗ, thì hẳn là Vương tử chưa được khoẻ mạnh. Do đó, Tuyên Phi nghe ở đâu đền đài có tiếng linh thiêng, đều thưa với Chúa đến cầu xin và tu bổ. Lúc thì Chúa xuống Sơn Nam, cầu Liễu Hạnh, Chúa đích thân vào Hương Tích cầu Quan Thế Âm bồ tát, phù hộ cho con trai mình... Chúa đến trước đền Hán Thọ đình hầu Quan Vân Trường ở bên hồ Hoàn Kiếm để bán khoán Vương tử Cán, lấy sớ, lấy tên thần ban cho về trong cung... Tuyên Phi nghe nói ở làng Nhân Mục có một đạo sĩ, dòng dõi Từ Vinh, Từ Đạo Hạnh, pháp thuật cao cường, hô phong hoán vũ, liền tâu với Chúa, cho vào trong cung, xem tướng số và bói quẻ cho Vương tử Cán.
Đạo sĩ vào cung, dáng đẹp như tiên, tay cầm phất trần, mặc áo lụa hồng, thắt đai bạch, trông như Thái Bạch Kim Tinh. Khi cho tiếp kiến Vương tử, ông già đặt phất trần trên ghế, lạy bốn lạy, rồi cứ thần mặt ra nhìn Vương tử, mắt long đỏ lên như thôi miên. Vương tử Cán trông linh hoạt hẳn lên, đang ngồi trên sập, nhảy xuống sàn đất, chạy sà vào lòng Tuyên Phi mà hỏi:
- Chị sinh, người này ở trên trời xuống đấy ư?
Tuyên Phi lại dấy lên một niềm hy vọng mới, ôm lấy Vương tử và nói:
- Ông ấy là Thái Bạch Kim Tinh đấy!
- Thái Bạch Kim Tinh là ai hở chị sinh?
Tuyên Phi để kiêng thần Thánh khỏi bắt đi, nên cho Vương tử gọi mình là chị sinh. Đặng Thị Huệ nhìn con âu yếm nói:
- Đó là một vị tiên rất giỏi và đẹp ở tít trong cung của Ngọc Hoàng, là một chân nhân có phép biến hoá thần thông, phép thuật rất cao cường.
- Thế có thể biến được con kỳ lân bằng gỗ này thành con kỳ lân thật không?
- Thôi Vương tử đừng hỏi nữa, chân nhân sẽ vì Vương tử mà cầu Thánh thần phù trợ cho đấy.
Khi Chúa coi chầu về, Huệ liền nói chuyện Từ đạo sĩ đến thăm Vương tử Cán với Chúa, lại dẫn đạo sĩ vào yết kiến. Chúa hỏi đến các thuyết lý về đạo Lão về Đạo Đức Kinh, Nam hoa Kinh, về Thái Thượng Lão Quân đều trả lời rất rành mạch. Chúa lại hỏi:
- Khí số của con ta thế nào?
- Vương tử do mộng mà sinh, do mong mà có, tinh thần ở cõi ảo, thể xác ở cõi thực... ảo thực chưa liên minh. Phía trời còn lưu giữ, phía đất còn nhân nhượng chưa tiếp nhận, do đó thần thái tinh anh, nhưng chưa khoan khoái, nội lực tụ mà chưa phát huy, do đó phải lập đoạn tràng xin với Cõi Trời, để Thiên địa hoà đồng, ứng phù hoà hợp, như thế bệnh tật sẽ dứt, tinh anh lanh lợi khác thường.
Chúa nghe tâu, vui vẻ nói:
- Vậy thì ngươi lập đàn tràng cầu Trời, khấn đất cho con ta đi! Chỉ mong sao cho hiệu quả, mọi thứ đã có quan Chánh Đường...
Đàn tràng lập tức được đặt ở giữa hoa viên của Phủ Chúa. Đàn cao năm trượng, dựng bằng đất. Năm tầng, bầy năm hương án quay ra đông tây nam bắc, Trên đỉnh cao lại có một hương án lớn. Cờ ngũ sắc phía dưới hình vuông, phía trên cờ đuôi nheo. Người đứng trùm kín mặt dàn đều năm tầng đàn, mặc phẩm phục cũng theo năm màu, theo các phương. Mỗi phương một màu: đen, xanh, đỏ, vàng, trắng..., tay cầm những ngọn đuốc lớn. Đạo sĩ vận áo đại lễ, cầm phất trần, lễ từ đàn thứ nhất, đến đàn thứ hai, cầu nguyện chư Phật, chư tiên ở cõi trời, cõi đất hãy đến, linh nghiệm cho hồ lô thuốc của đạo sĩ chưng cất đủ bảy ngày, bảy đêm, ở trên thượng tầng... Đêm đến, một mình đạo sĩ đọc những lời kinh huyền bí, thỉnh thoảng lại hét to một tiếng “cấp cấp như luật lịnh”. Gió thổi hất những ngọn đuốc mờ ảo hình người hình cây, loằng ngoằng trên nền đàn, nền đất, nền trời... như hàng đàn âm binh cùng đến hưởng ứng...
Đạo sĩ khấn trời, khấn đất, phù thuật xong, lấy thuốc trong hồ lô, lấy bùa trấn yểm ở các nơi trong hậu cung cho là có tà khí, Đặng Tuyên Phi dẫn Vương tử Cán đến đàn tràng. Công tử thấy lạ, có vẻ thích thú trèo hết cả năm tầng lại cười nói, chỉ chỏ linh hoạt khác thường... Đến tối về nhà, ăn cơm ngon và ngủ yên, Tuyên Phi mừng lắm, cho là đạo sĩ cao tay, cầu nguyện có linh ứng, thưởng cho đạo sĩ rất nhiều.
Nhưng khi đạo sĩ nhận vàng ra khỏi thành, đàn dỡ đi, thì bệnh tật của Vương tử lại hoàn nguyên như cũ. Rốn vẫn lồi, tướng vẫn yểu, lại biếng ăn, biếng ngủ, chỉ tiếng nói là lảnh lót như ma khôn...
Quận Huy cố chiều Tuyên Phi, lùng tìm thấy thuốc khắp nơi, song vẫn chưa có gì hiệu nghiệm.
Có đứa nịnh Chúa, tố cáo trong cung có người ghen tức với Tuyên Phi trấn yểm bùa, mướn đồng cốt, kết hình nhân Vương tử, chôn người gỗ ở trong cung để phù thuật, trấn áp, do đó thần khí lúc nào cũng bị âm binh, âm tướng ám ảnh, bệnh tật triền miên, không thoát ra được. Chúa giận lắm, sai người niêm phong tất cả các phòng riêng ở tam cung, lục viện, cho nội thị sục tìm đào bới từ trần nhà đến sàn đất, thấy có gì nghi hoặc thì xem xét, có đúng như lời tố cáo không.
Bọn đồng cốt thấy động, liền trốn hết, thu sạch vết tích, không lùng tìm được gì, chỉ thấy mấy đạo bùa vắt trên ngọn cây, hỏi đến các phi, tần của Chúa, thì họ nói đó là bùa từ đàn tràng của Chúa cầu siêu cho Vương tử bữa nọ bay đến.
Có một cung phi còn nói:
- Bùa hôm ấy, gió thổi bay khắp hoàng thành, đông như bươm bướm, làm sao thu nhặt hết. Chúng tôi biết phận mình đâu dám làm điều xằng bậy...
Không sao tìm ra chứng cớ, Chúa định phạt kẻ tố cáo xằng, nhưng Tuyên Phi xin cho, Chúa lại thôi...
Khi Thế tử Trịnh Tông, do vụ án Canh Tý bị giáng truất xuống làm con út, thì bệnh của Vương tử Cán năm ấy lại hơi đỡ. Mùa đông ấy, trời rét buốt, bệnh đậu mùa lan tràn khắp kinh thành, nhiều trẻ bị bệnh đợt đầu đều chết. Bệnh truyền từ nội thành ra ngoại thành, các thầy thuốc nổi tiếng ở băm sáu phố phường và ở trong vùng đã không cứu xuể...
Dịch bệnh kéo dài đến vài tháng, trẻ con chết có vài ngàn... Có nhiều cửa hàng lớn phải đóng cửa vì phải kiêng cữ cho trẻ mắc bệnh...
Không may cho Vương tử Cán, cũng mắc bệnh ấy. Đặng Thị Huệ cuống quít lo sợ. Chúa Trịnh cũng lo sợ theo, vội gọi các thầy thuốc giỏi ở trong cung đến chẩn trị. Chữa bệnh đậu mùa, thường đã nhiều qui tắc. Trước hết, lo sao cho trẻ được kín gió, bên trong trợ lực bồi dưỡng sức khoẻ để chống những tai biến đột xuất. Đậu mọc xuôi thường từ trán xuống chân; nếu mụn đỏ chia đều, phát triển bình thường, rồi tự nung mủ, kết vẩy là an toàn, nếu giường chiếu không sạch, bồi bổ và thuốc trị không đúng làm cho mụn không lên hết được, hoặc dày quá làm cho sức chịu đựng không nổi, trẻ sẽ lịm dần mà chết trong cơn sốt cao hoặc tâm thần hoảng loạn...
Đậu càng cuối trận dịch càng nhẹ. Do thế, được các thấy thuốc xúm nhau vào chữa một bệnh mà các bài thuốc trong các sách cổ đã bàn kỹ, nên bệnh của Vương tử Cán phát triển bình thường và cuối cùng đã lành bệnh, chỉ để lại vài nốt sẹo hoa trên trán, trên mặt và trong thân người.
Vương tử Cán qua được trận đậu mùa này, Đặng Thị Huệ thở phào nhẹ nhõm. Chúa Trịnh còn mừng hơn ai hết.
Hôm Vương tử được ra sân chơi, đi lại bình thường, ôm con vào lòng, Chúa Trịnh nói với Tuyên Phi và Quận Huy:
- Con ta lúc bé cam sài thế này, có lẽ với nhà thường dân cũng là chuyện thường. Bởi con nhà Chúa nên quá lo lắng thế thôi. Đến như Vương tử lên đậu rồi cũng qua khỏi kia mà..., như vậy lo gì mà nó chẳng nên người.
Trong lúc vui vẻ, Trịnh Sâm ban thưởng rất hậu cho các thầy thuốc, lại thưởng mỗi người một lượng vàng, năm lượng bạc, cho ai ngày đêm hầu hạ Vương tử... những người khác kẻ nào có công cũng thưởng bốn lạng bạc, ai công lao chút đỉnh cũng được một lạng... Từ đấy trong cung ngoài triều đình, ai cũng hướng về Vương tử và Tuyên Phi, không còn ai muốn phò Thế tử cũ là Trịnh Tông nữa…

*

* *

 
Chúa Trịnh từ khi ốm nặng trở lại, không được khoẻ như trước, Công việc coi chầu ở phủ Chúa, thường buổi có, buổi không. Lê Quý Đôn được điều ra Thuận Quảng vỗ về dân mới. Triều chính chỉ nằm trong tay Quận Huy thao túng. Huy thì dương dương tự đắc, cho mình từ ngày về triều, sau khi ngả hẳn về phe cánh Tuyên Phi, hết lòng thờ Trịnh Sâm, phò Trịnh Cán thì không việc gì là không thuận.
Dinh phủ của Quận Huy được Bộ Công xây dựng liền kề trong phủ Chúa. Huy khôn mà tham ngầm, không mấy ai biết. Bề ngoài Huy có vẻ khiêm nhường, dinh thự không sa hoa lộng lẫy, khách khứa vào ra có khi ít hơn cả những quan tham tụng, bồi tụng. Nhưng Quận Huy chọn những tay thân tín, sành sỏi, biết tiếp khách, biết chọn việc, biết giao dịch nơi kín đáo và nhiều hiệu quả, cho nên chỉ mấy năm Quận Huy đã giàu có khác thường.
Quận Huy có trong nhà mấy hòm châu báu, vàng nên có bận, quản gia phải chọn xây một phòng riêng, hàng ngày cứ đổ vào trên sàn, sau cho người đúc thành thỏi lớn, chất riêng vào một kho...
Những thứ sang trọng như lụa là, gấm vóc Quận Huy chỉ nhận đủ ban phát cho các quân hầu, đầy tớ, thị nữ trong nhà... Nhưng những đồ cổ từ nhà Minh, nhà Thanh, do các sứ thần, các lái buôn gửi đến, thì Huy đều nhận cả...
Lại những thứ lạ như đồng hồ phương Tây, kính viễn vọng Huy để vài cái để giải trí và thoả mãn tính tò mò của khách, còn phần lớn Huy giao cho một gia nhân tin cẩn móc nối với các vương hầu đang ham của lạ, mới, đem đổi lấy đồ cổ hoặc định giá bằng vàng bạc.
Lại có những đại quan nhân đem chim thú lạ biếu Quận Huy, thứ gì quý đẹp, Huy đem biếu Chúa, như con vượn bạc má, con khỉ mặc quần, chim thanh yến, đồi mồi, báo gấm... khiến cho đại hoa viên của Chúa Trịnh thành nơi thưởng ngoạn bậc nhất của kinh đô.
Một bận một thương gia Ý đem đến một giống hồng trồng tận chân núi Địa Trung Hải, cánh đen, nhị vàng, lộng lẫy, kiêu sa, lại gửi kèm theo một cuốn sách nhỏ dặn dò kỹ lưỡng cách chăm sóc, Huy đem vào biếu Tuyên Phi Đặng Thị Huệ, Tuyên Phi thích lắm, mời Chúa đến thưởng hoa và xem tuồng Tạ Ngọc Lân lăn lửa.
Chúa Trịnh rất vui, đêm ấy ở lại với Đặng Thị Huệ, không kiêng cữ. Lại đem chậu hoa về phòng thắp nến suốt đêm, trò chuyện ân ái đến tận sáng, hôm sau Chúa ngủ đến tận lúc mặt trời bằng con sào mới dậy.
Huệ hết lòng hầu hạ, khi dậy, Chúa còn đê mê trong hương hồng đen lan toả trong phòng. Buổi ấy, Chúa thường nhắc với Đặng Tuyên Phi, coi như một đêm mỹ mãn với Phi. Và cả hai người hết lòng tin cậy Quận Huy, yên tâm mà trao quyền bính để Quận Huy có thể một mình cáng đáng trong lúc Thánh thể chưa thật cường tráng như xưa...
Quận Huy dựa vào quân cấm vệ lúc ban đầu để tham gia triều chính. Đám quân Thanh Nghệ được Huy cho hưởng những bổng lộc đặc biệt. Có khi chúng yêu sách rượu thịt, tiền nong, Huy cũng phải chiều.
Khi Quận Huy lăn lưng vào thao túng triều đình, việc quân chểnh mảng đi, lo kéo bè, kết cánh, thì bọn kiêu binh lại càng lên nước. Chúng thường bỏ doanh trại ra băm sáu phố phường, la cà các quán rượu, ở những cửa hàng để rong chơi.
Chúng tụ tập bạc bài, gà chọi, có đứa đem cả ca nữ về doanh trại để hát... Chúng kết liên thành từng nhóm, đồng huyện, đồng xã, để đi hạnh họe dân chúng... Những quán ăn lớn có lúc bàn nào cũng đầy nghẹt áo kiêu binh. Chúng ba hoa, ăn nói sỗ sàng, tục tĩu, trêu chọc các bàn ăn khác. Ai nhẫn nhục thì thôi, ai tức bực kháng cự, thì chúng bâu đến, gây sự, nhẹ thì cạo lông mày, cạo một bên râu, thậm chí lột quần áo, vứt ra ngoài đường rồi cười hô hố; nặng thì chúng rút đoản dao dí vào ngực, bắt tự mình nộp hết tiền bạc dắt trong người, lại phải sụp lạy, đập đầu xuống đất để tạ lỗi...
Dân chúng kêu ca đến tai Quận Huy, Huy gọi mấy tên chỉ huy đến quở trách, rồi lấy mấy đứa hung hãn làm quá đem phạt, đem đầy răn bảo... Chúng bớt được vài bữa, sau lại đâu hoàn đấy... Quận Huy có bận những việc khác, nên đành thả lỏng việc quân ngũ, định bụng sẽ có lúc phải rèn cặp lại... Trước mắt, Quận Huy hết sức chiều chuộng đội quân thiện chiến và cũng khá bất kham này...
Đặng Thị Huệ thấy Trịnh Sâm không được khoẻ như trước mà Vương tử Cán vẫn còn bé, nếu theo như tục lệ thông thường, thì bao giờ mới được lập phủ Thế tử. Do đó, Huệ cho gọi Quận Huy vào và hỏi:
- Ông còn đợi bao giờ mới nghĩ đến việc lập Vương tử Cán làm Thế Tử?
Quận Huy sửng sốt khi nhìn thấy mặt Đặng Thị Huệ đỏ bừng trong cơn giận dữ. Huy bàng hoàng thần người ra một lúc. Sao lại có người đẹp đến thế. Trong cơn giận, mắt Tuyên Phi long lên mà đen, ngực thở rộn ràng, gò má ửng hồng, thế chắc rắn cương nghị, một vẻ đẹp khác hẳn những người đàn bà khác.
Quận Huy thần người ra ngắm Tuyên Phi, đến nỗi không biết Tuyên Phi vừa nói gì. Đặng Thị Huệ cảm nhận được cái chất mê đắm của đàn ông trong phút chốc ấy, nhưng nàng đâu có để ý, mà là chuyện ngôi Thế tử của đứa con trai.
Huệ gặng một lần nữa:
- Khi ông chạy sang cửa ta, ông hứa hẹn ra sao? Bây giờ quên hết rồi ư?
Quận Huy như bừng tỉnh vội thưa:
- Ơn lớn của Tuyên Phi tôi ghi lòng khắc cốt, có bao giờ dám quên.
- Vậy thì làm những gì mà ta bảo đi chứ...
- Dạ thưa...
- Thưa... thưa... cái gì?
- Tôi làm sao nói cho hết được trăm quan đồng thanh lập Vương tử Cán làm Thế tử được, nhất là Vương tử chưa đủ tuổi lập phủ đệ riêng.
Tuyên Phi hứ một tiếng khinh bạc, rồi nói thẳng vào mặt Quận Huy:
- Ông mà cũng ăn nói kiểu ấy với ta ư? Nói trắng ra là ông không hết lòng. Khi ông đến với Thế tử Tông, ông đem nhiều vàng bạc lắm kia mà. Khi ông quay về phò tá Chúa và ta, ông cũng biết đem các thứ mà Chúa và ta thích để tặng. Còn bây giờ trong trăm quan, kiếm lấy một vị ở phủ Tham tụng hoặc Bồi tụng dễ bảo, làm một tờ sớ, nói đến việc phải định vị Thế tử cho yên lòng dân, rồi sai người đi lấy sự ủng hộ của những người cùng phe cánh của ta ở các dinh phủ, các viện. Người nào có công nhiều hứa sẽ thăng chức lớn, người nào công vừa thăng chức vừa, người công nhỏ nhất cũng thăng một vài trật. Vàng lụa trong kho ta đó, ta giữ làm gì, ngươi cứ bảo nội tán, các bảo mẫu lấy mà trang trải, việc gì mà không xong.
Quận Huy cúi mặt, ngắm lén Tuyên Phi rồi vờ tâu:
- Nhưng tôi làm sao lay chuyển được ý tứ Thánh mẫu thái tôn...
- Việc ấy để ta nói với Chúa. Không cần phải đến ông? Được chưa?
- Dạ được...
Quận Huy về nhà, liền đi ngay đến phủ Khanh Quận Công Trịnh Kiều và Hoàng quận công Nguyễn Hoàn, cả hai đều ưng thuận ngay.
Kiều là chú của Trịnh Sâm, Hoàn là thầy học của Trịnh Sâm, nên hai vị đều hăng hái. Nguyễn Hoàn thảo sớ, Trịnh Kiều thì thân xuất ban tâu trước ngôi Chúa xin định vị ngôi Thế tử. Trịnh Sâm ra vẻ như trù trừ chưa quyết, thì một loạt các quan đại thần đã được Quận Huy mách bảo hãy a tòng vào việc lập Thế tử, người trước người sau, mỗi người viện một lẽ đều đến việc Chúa phải phá nếp cũ, không chờ Vương tử Cán đủ tuổi mới cho mở phủ, dựng ngôi, mà phải phong cho Cán ngay từ bây giờ...
Trịnh Sâm tưởng trăm quan đều hết lòng với mình, lòng rất vui, nhưng hẹn để buổi chầu sau sẽ quyết định, rồi lui về phủ Chúa.
Ngay chiều hôm đó, chính phi, các quí phi là Dương Ngọc Hoan, Trương Ngọc Khoan, Trần Thị Lộc và các bà tiệp dư khác, bị Chúa bỏ quên trong cung, đều ghen tức với Tuyên Phi liền kéo đến Thánh mẫu nói Người hãy ngăn việc lập Thế tử Cán. Thánh mẫu thái tôn liền đi ngay sang phủ Chúa. Trịnh Sâm thấy mẹ đến, vội ra tiếp đón. Thánh mẫu hỏi han sức khoẻ của Chúa rồi ra đại hoa viên xem hoa... Tuyên Phi cũng xin đi hầu, nhưng Thánh mẫu giơ tay nói không cần.
Xem hoa xong, trở lại phủ Chúa, Trịnh Sâm gọi dâng yến cho mẹ, nhưng Thánh mẫu xua tay nói rất ân cần:
- Mẹ không ăn đâu con ạ. Mẹ chỉ muốn nói riêng với con một điều quan trọng, con có nghe không?
Trịnh Sâm đuổi hết tả hữu người hầu ra ngoài, Thánh mẫu nói:
- Mẹ tự hào về con. Cha con nối nghiệp bác con mà họ Trịnh giữ vững được giang sơn. Đến đời con, việc chọn lập Thế Tử đúng, nên con đã không hổ với cha ông làm cho họ Trịnh vẻ vang thêm. Nước non mở rộng, nước láng giềng triều cống, trăm quan nhiều người tài giỏi đáng tin cậy... Chỉ có việc lập Thế Tử, nếu con chọn đúng người kế vị thì tức là tụ hội được đức tin, yên triều chính. Ta nghe nói con định lập cháu Cán làm Thế tử ư?
- Thưa mẹ, đó là ý của triều đình. Họ cũng có những ý nghĩ tốt đẹp như mẹ về vận mệnh quốc gia. Do đó, họ thấy Vương tử Cán xứng đáng với ngôi Thế tử, họ dâng sớ và đồng thanh mong con định vị ngôi kế nghiệp Chúa cho yên lòng dân thôi. Chẳng hay mẹ không bằng lòng hay sao?
Thái Tôn Thánh mẫu dịu lời và nói:
- Trịnh Tông và Trịnh Cán đều là cháu của ta cả. Việc phế trưởng lập thứ, nếu như đúng với tôn vị, tài năng thì cũng là lẽ thường trong thiên hạ, ta cũng chẳng cần bàn thêm với con. Họ Trịnh ta, từ hồi Thế Tổ dựng nghiệp đến nay, cũng từng xảy ra rồi. Mẹ không hề coi Cán hơn Tông, hay Tông hơn Cán. Có điều Trịnh Tông đã lớn tuổi và khoẻ  mạnh, còn Vương tử Cán còn nhỏ tuổi, lại đau yếu luôn... Chúa hãy tạm lui lại việc đặt người vào ngôi Đông cung có được không?
Trịnh Sâm biết mẹ không ưng Tuyên Phi và Trịnh Cán, song cũng không dám nói năng quá lời, chỉ thưa rằng:
- Thưa mẹ, con đã nghĩ rất nhiều. Nếu tạm lui, tạm khất mãi, ngôi Đông cung chưa hẳn là ai, thì chỉ là đầu mối sinh ra bè cánh... Do đó, con phải lo toan từ bây giờ. Ngôi tôn của thiên hạ, không thể coi thường, phải giao phó vào tay người xứng đáng. Con ở ngôi Chúa, lấy xã tắc làm trọng, không thể đem tình riêng đem ngôi Chúa cho đứa con này, hay đứa con kia. Trịnh Tông là thằng bất hiếu, thiên hạ biết đã giăng giăng..., cho nó ngồi ngôi Chúa được ư? Cha chưa chết đã lo tiếm ngôi, tội ấy không chém là may... Còn mẹ lo Vương tử Cán còn ít tuổi, thì con đâu đã già. Nó thông minh, tuấn tú, có thể tin được. Còn như nó yếu đuối, thì cả nước này không lo chữa được cho nó ư? Đến bệnh đậu, nguy hiểm là thế nó cũng vượt qua được, thì nó ắt thành người, mẹ không phải lo… Giả dụ, trời không tác phúc cho dòng này, thằng Cán bệnh không khỏi, thì con cũng không trao ngôi Chúa cho cái thằng con hư đã gây ra vụ án năm Canh Tý được, con thà trả lại ngôi Chúa cho con Quận Công, để dòng trưởng lại lo việc quốc gia đại sự còn hơn.
Thánh mẫu thái tôn thấy ý Chúa đã quyết như thế không dám nói gì thêm.
Ngay hôm ấy, Trịnh Sâm họp trăm quan, sai làm tờ tâu lên vua Lê Hiển Tông xin lập Trịnh Cán làm Đông cung thế tử...
Đặng Thị Huệ và Quận Huy hả hê lắm. Bè cánh của Tuyên Phi lại được một phen nịnh bợ và cố lấy lòng Huệ và Huy. Dân chúng ghét cả hai, liền đặt vè:
Thằng Quận mà quấn cành hoa
Cành hoa đang nở loà xoà Quận ơi.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Cành hoa héo quắt Quận thời cũng tong
Lẳng lơ con đĩ đánh bồng
Để cho thằng Quận đèo bòng đa mang...
Tịch tình tang, tịch tình tang
Bao giờ thì hết đa mang đèo bòng...