Mưa Tàn Đông

     ơn mưa mỗi lúc một nặng hạt; gió rít từng cơn như nổi dông kéo những làn nước dầy đặc tạt nghiêng. Từng tia chớp vụt lóe sáng lên, rạn nứt vết chân chim in đậm trên nền trời tối đen tạo thêm uy lực cho tiếng sấm gầm kinh hồn, phá nát sự yên tĩnh ù lì của mặt đất cũng như sự ù lì trong tôi tưởng đã ngủ yên bao tháng ngày. Dọc theo bờ biển, nước cuồn cuộn nhào lặn, sôi sục, hung hãn vật nhau với thủy quái vô hình trong cơn thịnh nộ của đất trời. Lòng tôi có khác nào dòng nước cuồn cuộn kia? Nhưng nước có kẻ thù để đánh; còn tôi đang đánh chính tôi, đánh cá tính yếu hèn khiếp nhược đã phá hủy lần mòn sự sống của mình.
Chiếc quạt nước trên kiếng xe làm việc hết sức lực nhưng vẫn sợ hãi run rẩy dưới làn mưa đậm đặc ồ ạt trút xuống. Tôi chợt khám phá ra tôi cũng đang run rẩy vật vã theo cánh quạt. Có điều cánh quạt là vật vô tri; còn tôi là một sinh vật đang bám ngậm sự sống, bám ngậm lấy con đường trước mặt dù mỗi lúc một mờ nhạt theo ánh đèn xe bọc kín dưới làn mưa đục, bám ngậm cả mặt đường trơn loáng đang bị kéo trì theo sức gió và vướng cản bởi độ dầy của mặt nước. Đàng trước, một vài chiếc xe vội vã táp vào lề đường; phía sau ánh đèn pha nối đuôi mỗi lúc một thưa dần trả lại vùng bóng tối ghê rợn, trả lại trong tôi sự mịt mù sâu thẳm và trơn trượt không nơi bám víu.
Bít bùng trong chiếc xe 8 máy, tôi ghìm cứng tay lái như người thủy thủ dùng hết sức lực thi thố với cuồng phong, như kẻ mù quên hiểm nguy xông xáo trong dòng nước đang chảy xiết để cố chiến đấu với kẻ thù cực kỳ nguy hiểm. Tôi cũng đang bám vào kẻ thù của mình, kẻ thù cuộc sống; nó đã và đang cột tôi bằng xiềng xích trói buộc trong danh từ hoa mỹ: trách nhiệm và bổn phận, nhưng nó đâu biết rằng muốn cột cổ con muỗi đâu cần sợi xích sắt.
Một con muỗi muốn cởi bỏ xích xiềng? Ý nghĩ khôi hài khiến tôi bật cười ngang, nụ cười chua chát để rồi liên tưởng đến hành động đang làm. Lao đầu giữa cơn mưa chiến đấu với nội tâm hay thách đố với tử thần? Phải chăng đó là hành động của kẻ không màng đến mạng sống?
Đã nhiều lần như thế trên những chiếc cầu dài, hai bên là nước sông mênh mông, mênh mông nhưng an bình; tôi cảm thấy thật dễ chịu nếu được nhận chìm xuống dòng nước ấy. Trên dốc cao với tốc độ 85, vượt tất cả mọi xe lớn bé cùng chiều, tôi một mình ngạo nghễ xông xáo như đi vào chỗ không người; một mình tiến vào cõi chết như đoàn quân cảm tử thí mạng cho quê hương. Họ chết cho lý tưởng cao cả; còn tôi sự chết như một trốn chạy, một đầu hàng nhục nhã vì trò chơi vợ chồng quá cay nghiệt. Chỉ cần xoay nhẹ tay lái bất cứ bên phải hay trái, thành cầu khô cứng lạnh chất thép kia sẽ phải vỡ toang đủ để chiếc xe điên cuồng và con người coi thường sự chết trong tích tắc tung lên cao trước khi đâm xầm xuống mặt nước.
"Xong một kiếp người!" Câu kết luận ngắn ngủi bao giờ cũng làm tôi chùn tay và rồi từng đôi mắt thân yêu của các con tôi hiện ra. Những đôi mắt khờ khạo, hoang vắng và tơi tả như chiếc chuồng gà bị muông thú kéo nhau về dày xéo. Khung chuồng xiêu vẹo, mái lá trống trơn, tất cả như chờ bàn tay tôi sửa sang tạo dựng lại...  Tất cả chờ bàn tay của tôi...  Tự dưng tôi rùng mình và lỏng tay lái cho xe ép vào lề. Thôi thì như mọi lần đành khuất phục trước Đấng Linh Thiêng, như định mệnh đã an bài, an bài từ 20 năm về trước. Rằng tôi được sinh ra là để chịu thiệt thòi và chấp nhận; rằng đàn bà là một loại dây leo phải sống bám vào đàn ông; rằng hôn nhân là những sợi dây thòng lọng tự treo cổ. Ai cũng không thoát khỏi án lệnh nhưng sự may rủi bao giờ cũng do chiếc ghế để chân đứng. Chiếc ghế vững, người đàn bà sẽ không có sự chết mà ngược lại sợi dây biến thành những thắt buộc tuyệt vời. Chiếc ghế vững, người đàn bà sẽ vui vẻ trèo xuống lật ngược nó lên, chiếc thang tình yêu chờ đón và trò chơi trẻ nít bắt đầu. Lúc đó hôn nhân thật sự biến thành thiên đàng.
Tôi không có thiên đàng; nói đúng hơn, tự tôi đã đi tìm hỏa ngục và ngụp lặn trong sự thiêu đốt bỏng cháy đó. Cả một đời ai chả có những lầm lỡ ngu dại; riêng tôi sự ngu dại kéo dài triền miên. Biết lầm lỡ mà không dám thay đổi, biết là ngu dại mà không dứt bỏ được chỉ vì hôn nhân do chính tôi lựa chọn.
Thuở ấy, tôi đã gạt loại biết bao nhiêu người si mê theo đuổi để chọn Cự, một trong số những người trí thức và địa vị trổi bật nhất. Tôi không tin chỉ bấy nhiêu mà có thể làm cho đứa con gái 20 trở nên mù quáng để nghĩ rằng người chồng hơn vợ 14 tuổi là tuyệt vời, là sẽ được cưng chiều và không phải lo lắng tan vỡ hạnh phúc vì với tuổi càng cao thì kinh nghiệm tình yêu và hôn nhân càng nhiều. Tôi cảm thấy có một cái gì thiêng liêng ràng buộc giữa tôi với chàng mà đến giờ này tôi vẫn không thể hiểu và vượt thoát ra được.
Quyết định lấy Cự, tôi không cần suy nghĩ về ý kiến của gia đình.
-Bây giờ còn chênh lệch như thế thì sau này mày chưa già nó đã lão.
Anh tôi dè bỉu; mẹ tôi cay độc hơn:
-Trông cứ như hai bố con.
Bố trái lại chỉ thở dài:
-Phúc đức tại mẫu.
Bố trách mẹ đã không dạy dỗ cho tôi nên người hoặc ít ra cũng có cái nhìn chín chắn và ý thức hơn:
-Già cả đối với bố không thành vấn đề. Có điều bỏ cái bằng cấp đi con người của nó chẳng là cái gì cả.
-Cá không ăn muối cá ươn. Thời này tao chả muốn gả ép, hôn nhân tự quyết định lấy. Có điều suy nghĩ cho kỹ, sau này có khổ thì cũng ráng mà cắn răng con ạ!
Mẹ chì chiết, riếc móc nặng nhẹ nhưng tôi lúc bấy giờ như con chim non vừa biết bay; thoát ra khỏi tổ nhìn vật gì cũng lạ, cũng xinh tươi. Mọi sự vật có xấu xa cách mấy cũng trở nên tốt lành, có khác chăng chỉ là hình dáng bên ngoài. Cự khác nhiều người ở cái trí thức đã được đánh bóng bằng danh từ hào nhoáng: "ông kỹ sư điện tử." Nhưng tôi đã lầm. Tiền bạc chỉ giúp cho con người thêm phương tiện và cuộc sống thoải mái chứ không thể tạo cho họ sung sướng, hạnh phúc. Địa vị chỉ làm cho họ trổi bật chứ chưa chắc đã phải là giới thượng lưu trí thức. Cho nên đàng sau cái danh từ bóng lộn kia, Cự chỉ là những kết tụ tầm thường của bùn đất, tanh tưởi và hôi thối. Tôi đã mù quáng đánh giá trị của Cự qua bằng cấp. Tôi đã đổi cuộc đời con gái, đổi cuộc sống vô tư sung sướng để nhận thiên chức làm vợ và làm mẹ một cách dại khờ ngu xuẩn. Người giàu có chết đi mang theo được những gì ngoài mảnh khăn liệm và chiếc hòm gỗ? Tôi chưa chết nhưng hồn tôi đã chết vì ngay sau ngày cưới tôi biết là mình đã lầm; chồng tôi không phải là người tôi chọn lựa trong sự mơ ước.

 

Mưa đã nhẹ hột. Trên đường, một vài chiếc xe đi lại chậm chạp. Những lằn sấm chớp không còn lóe lên đe dọa và gió cũng thôi kêu rít oán hờn nhưng sóng biển vẫn cuồn cuộn. Qua lớp kiếng loang loáng nước, cả đại dương đen thẫm đang sùng sục sôi. Từng đợt sóng ồ ạt nhào lộn tạo thành âm thanh dãy chết, kéo theo tất cả rong rêu rác rến từ tận cùng sâu thẳm hất mạnh lên bờ; phơi bày niềm đau đã dấu kín từ nơi sâu thẳm nhất của lòng tôi và bóc trần luôn những xấu xa của chàng mà tôi đã cố tình che đậy đắp điếm theo năm tháng. Qua ánh sáng vàng nhạt của ngọn đèn đường, tôi nhìn rõ những vật thừa thãi dơ bẩn nằm trên mặt cát ướt, những thừa cặn của xã hội, những rác rưởi tanh hôi. Mí mắt tôi chợt cay cay... Tội nghiệp anh, tội nghiệp tôi và tội nghiệp cho các con tôi. Những đứa con mà chồng tôi chưa một lần mơ ước tạo hình. Những đứa con bị sinh ra bất đắc dĩ của đòi hỏi xác thịt, trong thương yêu gượng ép và trong thế giới lạc lõng của loài người. Các con tôi. Ôi! Những giọt sương mềm lẻ loi và ngơ ngác. Ôi! Những khung chuồng đan bằng gỗ tre xiêu vẹo, mái trống trơn chờ bàn tay vá đắp. Tôi phải làm gì? Làm gì với đôi tay chai cứng và khối óc nhu nhược này?
Từ khi lấy Cự, tôi sống như một cam chịu. Chấp nhận đày đọa bản thân vì sự sai lầm chọn lựa và đó cũng là hình thức che đậy sự dối trá. Tôi sợ ánh mắt thương hại lẫn nguyền rủa của người đời; tôi sợ sự trách cứ của bố mẹ tôi và tôi sợ luôn cả toà án lương tâm. Vâng, tôi đã thấy mình có lỗi. Hôn nhân không phải là trò đùa; cuộc sống vợ chồng cũng không thể dễ dàng dứt bỏ như người ta thay đổi chiếc áo. Hơn nữa ngày xưa lấy Cự tôi đã chấp nhận sống chết có nhau, dù cho có thế nào cũng không được bỏ chồng...
Tôi không dứt bỏ lời nguyền vì tin vào đấng tối cao, cũng không dám chối bỏ lời nguyền vì tin rằng cuộc sống thế gian chỉ là tạm bợ. Ráng thời gian ngắn nữa thôi. Vâng, chỉ thời gian ngắn nữa thôi vì khi về đến thế giới bên kia tôi sẽ được bù đắp. Chẳng biết tôi đã tự dỗ ngọt mình như bà mẹ dỗ con bằng những viên kẹo xanh đỏ hay tại trong tôi không còn con đường nào khác để chọn lựa? Cũng có thể cuộc sống chồng vợ cho tôi nhờm gớm hãi sợ nên không còn một chút nghị lực nào để nghĩ rằng sẽ vượt thoát sang một bến bờ nào khác.
Giờ này có lẽ Cự đã tắm xong và ngồi chờ bữa ăn tối. Như thường ngày, vừa để cái bóp xuống mặt bàn là tôi đi vội xuống bếp nhắc nồi cơm điện và xào nấu các thức ăn đã ướp từ sáng sớm hoặc hôm trước. Công việc không đòi hỏi sự cực nhọc nhưng thời gian; mà thời giờ lúc này đối với tôi quý hơn vàng bạc. Cự không biết điều đó, chàng vẫn ung dung ra vào nhàn nhã dù rằng chúng tôi làm chung một chỗ, về cùng một lúc và bước chân vào nhà ngang nhau. Tôi không phân bì với Cự vì đầu óc luôn mang nặng đặc tính Á Đông. Dẫu ở đâu, hoàn cảnh nào thì tôi vẫn là người V.N, là người vợ thuần túy nhưng làm sao không nảy sinh ít nhiều so sánh giữa chàng với những người đàn ông khác.
Cũng thời khắc nhàn rỗi đó, những người bạn đồng nghiệp của tôi đang hăng say nuốt ngấu nghiến những tài liệu tham khảo hoặc vùi đầu viết những cảm tưởng, những suy tư về cuộc sống thăng trầm của đất nước hoặc đang hội họp trong một đề tài sôi bỏng để mang đến lợi ích cho thế hệ trẻ sau này. Còn chồng tôi? Hẳn đầu óc chàng đang đặc nghẹt những món lươn um lá lốt thơm phức, đang say sưa thả hồn bên dĩa tái thỏ tương gừng và ly Henessy nồng cay. Tôi không hiểu bên trong đôi mắt lờ đờ màu trắng đục kia đang ẩn chứa những gì? Rượu? Đồ nhắm hay sex? Đâu ai có thể ngờ cũng chính đôi mắt ấy đã có một thời làm tôi si mê, điên đảo khi đi bên tôi vô tình chàng nhìn về một hướng nào khác. Giá như tôi nhận biết điều đó trước ngày cưới thì hay biết mấy, để chẳng phải ân hận khi nhìn thấy chàng cắm cúi gắp vội miếng bào ngư tròn to xào chung với nấm mèo nằm tênh hênh trên dĩa. Những món đồ ăn bốc khói ngon ngọt thấm tận cuống lưỡi. Cự vừa ăn vừa say sưa chiêm ngưỡng tôi như thực khách chiêm ngưỡng sự khéo léo của đầu bếp trứ danh. Ba cha con cắm cúi ăn không ai nói với ai một lời. Chiếc ti vi không được bật nên không gian im lặng một cách đáng sợ ngoài trừ những tiếng nhai chóp chép của miệng môi và chén đũa chạm nhau.
Cự vẫn bảo giờ ăn là giờ của gia đình, là giờ cởi mở tâm tình giữa vợ chồng con cái. Tâm tình làm sao khi tôi chưa được ngồi chung bàn vì bận nấu nướng? Cởi mở làm sao khi miệng lưỡi chàng luôn mắc nhai thì còn dư miệng nào để hỏi chuyện các con? Có phải thức ăn ngon đã làm đầu óc chàng đậm đặc, lưỡi đóng màng và tê đi? Tôi không tin là thế vì những khi ra ngoài thì hầu như sự ăn uống không còn cần thiết đối với chàng; rõ ràng chàng cần nói hơn ăn. Nguyên do nào đã làm mồm mép chàng khép lại? Có phải vì không gặp đúng những kẻ được gọi là đồng môn, đồng thuyền?
Nhiều lúc nghĩ ăn uống cũng là một phần giải trí nhẹ nhàng nên tôi đề nghị:
-Theo em nên bật ti vi trong lúc ăn. Vừa coi được tin tức, bình luận thế giới hoặc đôi khi có những phim giáo dục để so sánh và giải thích thêm cho các con nó hiểu về tập quán phong tục của xứ sở mình.
-Ôi thôi dẹp đi, ồn ào ba cái nhăng cuội nhức cả đầu. Xí xa xí xô cả ngày ở ngoài tiệm chưa đủ sao?
-Tại sao anh không nghĩ đến con? Trách nhiệm giáo dục chúng là do cha mẹ chứ đâu phải học đường..?
-Không đi làm nghỉ ở nhà vài bữa xem có rã cổ ra không chứ ở đó mà trách nhiệm với chả trách cứ.
Cự cau có ra điều khó chịu, chàng bảo vệ lý lẽ của mình nhưng đâu biết rằng các con cả ngày bên bàn học với những bài vở, những bài toán hóc búa cũng cần một vài phút giải trí cho giãn đầu óc. Không khí căng thẳng trong bữa cơm chẳng khác nào một hình phạt. Cũng may, chúng chỉ ăn trong vòng 15' trước khi tôi đặt món cuối cùng lên bàn.
-Có món đậu hũ nhồi thịt ngon lắm sao không ăn?
-Con ăn đủ rồi. Hương trả lời khi đứng lên lấy cây tăm xỉa răng.
-Ăn uống phải từ từ mà nhai không thôi đau dạ dầy. Còn cam táo này, không ăn tráng miệng à!
-Chút nữa con ăn sau.
Tuy trách con nhưng đến khi ngồi vào bàn tôi cũng ăn vội vàng; chẳng có gì để nói vì khi ăn mọi tế bào trong chàng đều ngưng hoạt động ngoài trừ ba vật cần thiết là tai, răng và tay. Tai có làm việc thì mới nghe được tiếng răng nghiền trên thức ăn quyện theo vị dẻo của tuyến nước miếng mà tăng thêm khẩu khoái trong thú ăn uống. Răng có đập vào nhau thì đôi tay mới hoạt động để gắp các thức ăn dồn lên miệng. Tôi không muốn chỉ trích về sự ăn uống, có điều lối ăn của Cự hơi khác người. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi làm cách nào chàng có thể kéo dài bữa ăn đến gần 3, 4 tiếng khi có mỗi một mình? Hỏi thì hỏi chứ chẳng bao giờ tôi can đảm theo dõi để tìm câu trả lời. Nội nhìn chàng gắp miếng thịt cũng phát nóng cả người. Chiếc đũa ngà đâu phải là trơn tuột mà khi gắp vào thịt cứ rớt lên rớt xuống như ếch nhảy. Tôi đề nghị lấy muỗng múc cho lẹ thì chàng cười bảo tôi dốt không biết thú câu cá của những kẻ nhàn rỗi. Người ta câu đâu cần lấy cá; chàng cũng vậy, gắp để mà gắp cho thi vị miếng ăn. Tôi không phải là mẫu người thích tranh luận nên không thích mổ xẻ về những ý tưởng kỳ quái của chồng, cũng không phải là người vợ gương mẫu chịu khó ngồi phục dịch chồng chăm chút từng miếng ăn, thức uống. Đôi khi thấy mình thiếu sót nhưng có cố gắng lắm cũng chẳng thể theo Cự kéo dài cho hết 3 tiếng.
Dọn dẹp phần mình và rửa chén xong xuôi, tôi vào phòng tắm tẩy rửa mùi thức ăn lẫn tôm cá sau một ngày dài vất vả làm việc. Qua Mỹ được hơn 2 năm chúng tôi quyết định mở tiệm sea food đông lạnh, một nghề ít vốn nhiều lời lại ít cạnh tranh vì tanh hôi và ướt át. Nhưng thôi, nghề nào cũng là nghề, miễn cuộc sống đỡ chật vật lo lắng là được rồi. Hơn nữa Cự không được tháo vát lanh lợi nên không thể kiếm một nghề khác nhàn hạ hơn. Khách hàng đa số là Mỹ đen thuộc giới bình dân nên các con tôi ngoài giờ ở trường là thay ba mẹ lo công chuyện nhà, thu vén cho sạch sẽ chứ tôi không bằng lòng cho chúng ra tiệm phụ giúp.
Cự làm chung với tôi nhưng công việc của anh ở trong kho và mặt sau, chỗ bến đậu tàu. Dưới tay chàng còn có 3 người thợ chuyên phân loại tôm, lột vỏ và đóng hộp. Một ngày trung bình 3 chiếc tàu cặp bến đổ hàng, Cự chỉ việc coi cho thợ cân tôm rồi làm sổ sách, trả tiền. Hàng tiêu thụ đã có thợ vậy mà thỉnh thoảng mệt nhọc, Cự la ó om xòm với cả khách mua hàng. Công việc không có gì vất vả quá đáng nhưng đòi hỏi sự bền bỉ chịu đựng. Được cái Cự an phận không tiếc nuối một thời quá khứ vàng son, cũng có thể nhìn chung quanh không thấy ai hơn mình, nhất là những ông cấp tá cấp úy có người thân phận thật thảm đã phải nai lưng đứng  rửa chén cho những nhà hàng Mỹ.

 

Cơn mưa đã gần như dứt hột, mặt đường trở lại trơn và loáng nước dưới ánh đèn xe vùn vụt lướt qua. Gió cũng ngưng thổi vì những làn mưa bụi không còn chao nghiêng. Duy chỉ có sóng biển, nó dễ sôi động nhưng cũng khó yên bình. Lòng tôi lúc này không khác gì mặt biển, nhất là từ lúc khuôn mặt Cự hiện ra, khuôn mặt bị thịt và lầm lì.
Mọi ngày Cự vẫn về chung với tôi viện cớ mắt chàng rất kém không thể lái xe được. Tôi biết Cự nói dối vì mỗi trưa chàng vẫn đi ăn cơm tiệm hoặc buổi tối cần soda, rượu, thuốc ngủ chàng vẫn đi một mình. Tuy nhiên tôi chấp nhận sự dối trá đó vì thấy nó vô hại. Hơn thế nữa, từ tiệm về nhà mất hơn nửa tiếng, thời gian đó chàng có thể nhắm mắt nghỉ ngơi hoặc sắp đặt công việc cho mai sáng. Nhiều lần tôi thèm nghe một bản nhạc, một tin tức về thời tiết hay cần biết nhiệt độ của ngày mai cũng không dám. Chàng sợ ồn ào, sợ tiếng động và có những độc đoán rất vô lý: mỗi khi nghỉ ngơi là tất cả mọi người chung quanh đều phải im lặng. Cự đâu biết rằng chàng nằm nhắm mắt nhưng tôi không thể nhắm mắt theo chàng. Tôi phải cần tỉnh táo để lái  xe, cần tiếng khua động vang lên để tránh cơn buồn ngủ. Đứng cả ngày 10 tiếng ròng rã, giờ được ngồi trên xe với ghế bọc nệm êm êm, máy lạnh chạy điều hoà là giờ phút dễ ru vào giấc ngủ nhất. Cự không biết được điều đó, nói cho đúng, chàng chỉ biết có chàng. Những khi vô tình bật nhạc, Cự gắt lên và hung hãn như đã làm tổn hại đến đầu óc tính toán của chàng. Cự có công việc làm ăn, tôi cũng có những tính toán riêng của nó nhưng đâu thể mang những công việc đó lôi kéo theo dọc đường hoặc về đến tận nhà ngoài trừ bữa ăn, giờ linh thiêng của chàng. Tôi không tin đó là triệu chứng của những người già.
Tối nay trái với thường lệ, 6 giờ Cự mở garage lấy chiếc xe hàng to lớn; chiếc xe có máy làm đông lạnh những hàng hoá cần giao ở nơi xa mà chỉ có thợ mới xử dụng trước đôi mắt lo sợ và oán trách của tôi. Mọi lần đâu có thế! Dù cho có giận dữ thế nào chàng vẫn chờ tôi đóng cửa tiệm và về cùng chung trong chiếc xe nhỏ. Thật ra tôi chẳng sợ chàng bị xe đụng vì chiếc xe có những 8 bánh chỉ cán xe chứ xe nào cán được chàng mà là lo cho chính mình, cho những người bán hàng một mình vào buổi tối ngay trung tâm thành phố xô bồ cướp bóc. Mọi ngày, khi mọi sinh hoạt ngưng lại, người làm rửa vội chân tay và kéo nhau ra về. Riêng tôi vẫn phải lau chùi, dọn dẹp bên trong. Trước tiên bao nhiêu cá tươi tôi dồn vào từng bịch bỏ trong freezer, lớp đá vụn bên dưới được hốt đổ vào sink cho tan xuống cống rãnh. Sau đó tôi lấy nước rửa hết một lượt thùng nhôm cho khỏi hôi; những tủ kính cũng được lau bằng một loại thuốc riêng của nó. Cái "mop" được xử dụng triệt để vào giờ phút này. Nền nhà nhầy nhụa trơn ướt, mùi tanh tưởi của cá mú nồng nặc; sự làm việc khiến mồ hôi rịn ướt áo; bằng đó thứ đủ để tôi đuối sức bật buông những lời an ủi riêng tư "Thôi kệ, làm thay vì tập thể dục." Những câu tương tự kế tiếp theo nhau để thời giờ rút ngắn lại hơn nhưng ngày nào chẳng thế, hết cân rồi lại gói, hết gói rồi lại đổ thêm đá, hết đá lại chạy vào luộc thêm crawfish hoặc đóng thùng cho những người cần mang đi xa. Công việc tăng gấp đôi khi phải cho hàng vào thùng xốp, đổ đá vô và cột lại kỹ lưỡng. Không ai bắt mình làm việc đó nhưng tôi muốn làm để giữ khách. Ngoài những khách từ phương xa, còn lại đa số là những người trong xóm nên bán lắt nhắt cả ngày, người vài ba pounds tôm, người lựa một hai con cá. Đồng tiền tạo bằng mồ hôi, bằng sức lao động cực khổ vẫn cho tôi niềm tự tin và hãnh diện: Ít ra tôi cũng không phải ăn bám vào xã hội, một nước ngoại chủng.
Bình thường Cự hay phụ tôi lau chùi những tủ kiếng nhầy nhụa, có đôi lúc chàng tự tay xếp lại những hộp đồ khô trên kệ bị xê dịch, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự có mặt của chàng. Có người đàn ông, sự an toàn tăng lên gấp đôi dù Cự chẳng có vẻ gì là vú em cả. Cự biết điều đó và biết luôn là tôi cần chàng trong lúc mang tiền ra xe. Vài trăm, một ngàn chẳng phải là con số lớn nhưng nó là công sức của ngày dài vất vả, là sinh mạng con người nếu gặp cướp. Nhìn Cự thản nhiên ra xe tôi ứa nước mắt. 6 giờ! Mọi lần có cố gắng dọn dẹp cho thật mau cũng phải mất hơn nửa tiếng. Nhưng thôi, Cự về sớm; các con tôi sẽ bớt sợ trong căn nhà trống vắng và về sớm, chàng đã tránh được cơn mưa tầm tã.

 

Máy vẫn nổ đều đều từ lúc tôi ngừng xe lại nhưng hình như độ ấm không đủ. Dù mưa nhưng vẫn còn hơi hám của mùa đông nên lạnh quay lạnh quắt; lạnh không khác gì tối hôm qua chúng tôi xuống ăn cơm ở nhà người bạn. Tiệc giỗ nên họ mời khá đông, đa số là thành phần bạn nhậu với nhau. Tôi không thích đi đến chỗ quá xô bồ nhưng chị vợ lại là bạn thân; hơn nữa có qua có lại, nhiều lần hai vợ chồng đến nhà chúng tôi nên lần này đáp lễ là chuyện đương nhiên. Dọc đường thấy Cự vui vẻ, tôi đề nghị:
-Lát uống ít thôi nghe anh!
-Đi mà không uống thì đi làm gì?
-Em thấy uống nhiều hại người lắm.
Tôi nói dối và có lẽ Cự cũng biết như thế; đã từ lâu tôi không còn đề cập đến chuyện ăn nhậu của chàng vì uống hay không câu chuyện lúc nào cũng xoay quanh vấn đề nhảm nhí. Mượn rượu gỡ tội cho chồng tưởng cũng không có gì quá đáng.
-Rượu vào lời ra, em thấy giảm tư cách con người.
-Đã vậy đừng đi chung với nhau nữa, anh nói từ lâu rồi cơ mà!
Cự có vẻ gay gắt khó chịu; hình như lời nói của tôi làm chướng tai chàng:
-Em nói trong tinh thần xây dựng, nếu không bằng lòng cũng cứ nghe em nói hết đã. Chấp nhận hay không tùy ở anh cơ mà. Tự do là điều cần thiết nhất.
-Đã vậy thì anh yêu cầu tự do được tôn trọng ngay từ bây giờ. Anh không muốn nghe.
Tôi cảm thấy ngực nghẹn lại, hơi thở bắt đầu nặng nề nhưng chỉ trong khoảnh khắc rồi chợt bùng lên, sôi sục như đang chứng kiến cảnh tủi hổ hôm nào. Tuần rồi nhân buổi văn nghệ tổ chức ở nhà một người bạn, bạn của em gái út tôi thì đúng hơn, toàn là bọn trẻ tuổi từ 20 đến 35 và Cự là người già nhất trong đám. Mọi sự chú trọng và kính nể như dồn hẳn về phía chàng vì ít ra người ngồi cạnh chàng, tôi, cũng được mọi người biết và mộ mến.
-Các bạn biết không? "Ra đi vợ đã dạy rằng. Nói thời uốn lưỡi 7 lần cho xuôi."
Tôi đá nhẹ vào chân để Cự im đi nhưng chàng vẫn phớt lờ:
-Tôi có tật thích vui chơi mà lần nào vợ tôi cũng cứ rầy rà...
Mọi cặp mắt đổ dồn sang phía tôi kinh ngạc nhưng vẫn im lặng nghe chàng nói... Mới 3 lon không đủ để thấm lưỡi chứ đừng nói gì đến chuyện say. Người ngồi bên cạnh chữa ngượng:
-Anh ấy say quá rồi!
-Vâng, say nhưng được cái vui tính.
Tôi trả lời không có ý bào chữa mà thực ra nói không khác gì cái máy. Mọi lần Cự vẫn huênh hoang trong bàn tiệc nhưng chỉ độ 5, 7 người đồng thuyền đồng lái. Câu chuyện có bậy bạ đến đâu mà cả nhóm đã khởi xướng, đồng tình kẻ tung người hứng thì cũng chẳng có gì quá đáng để phàn nàn. Chồng tôi không thích thoát khỏi vùng u mê đó thì thôi nhưng hôm nay trước mặt cả nhóm sinh viên trẻ với khí huyết hăng say, với lòng yêu nước tràn đầy mà chàng nói gì thế kia!
-Anh ạ, tôi nói thật khẽ khi gắp bỏ miếng thịt quay cho Cự, chuyển đề tài khác đi. Đây đâu phải là thế giới của anh, của những người ăn tục nói phét đâu.
Từ lâu, tôi vẫn phản đối về thái độ và hành động thô tục khi ăn uống nhưng lúc này lại cầu xin cho Cự cắm cúi ăn và đừng nói gì hết. Con cá có bao giờ chịu đứng im một chỗ khi vừa được thả xuống mặt nước. Cự quẫy mạnh; những giọt nước bắn lên tung tóe. Cự muốn mọi người để ý và khâm phục cho nên thuyết phục chàng ăn lúc này quả là phí lời, tổn sức.
Mồ hôi tôi bắt đầu nhỏ giọt vì Cự vẫn tiếp tục xổ văn chương "nho táo" của chàng. Đám trẻ đã có những tia nhìn khinh miệt và diễu cợt.
-Ăn đi rồi hãy nói. Món gỏi sứa khá lắm, anh thử chưa?
Tôi bỏ thêm thức ăn trong chén; cái chén đã đầy lại đầy hơn nhưng Cự vẫn tảng lờ.
-Các cậu biết không, xưa nay người ta nói tôi là vua hề vì tôi diễu những show rất hay...
Tôi thở dài, tuyên dương một thằng hề giữa những mầm non của đất nước để đầu độc chúng? Cự đâu biết rằng muốn làm hề cũng phải lựa giờ lựa giấc, đâu thể diễu trước một đám ma và cái khôn khéo là làm thế nào cho họ bật cười mà không bắt bẻ được mình. Hề diễu thanh sạch mang nụ cười dí dỏm, diễu tục tĩu dơ bẩn tạo trăm nụ cười nhạo báng và tư cách bị đánh giá ngay. Người ta phải làm hề vì kế sinh nhai còn chàng làm hề để mọi người chú ý những chất dơ đã đóng bám lâu ngày.
Câu chuyện xảy ra đâu đã lâu và tôi nào đã quên những giây phút buốt nhói đó. Mặt tôi nóng ran nhưng cũng cố đè nén lời nói của mình:
-Lẽ ra em không dặn nhưng hôm nọ quá chén anh nói nhăng cuội chẳng ra đâu vào đâu. Cũng may cậu Tuấn hiền chứ không tống cổ chúng mình ra khỏi nhà thì nhục nhã biết chừng nào.
-Anh làm gì mà nó dám đuổi anh?
-Anh bảo cậu ta chuyên môn "bắc cọp," anh còn muốn em phải nói lái cái chữ bẩn thỉu hôi hám đó ra nữa?
-Nói thế thì đã sao? Đã chết ai chưa?
-Biết là anh đùa nhưng một cái đùa vô ý thức. Anh nên nhớ đầu mình đã ngả hai thứ tóc.
Cự mím môi mắt mở trừng trừng nhìn về phía trước. Tôi vẫn cố giữ sự bình tĩnh:
-Ở tuổi anh, em thấy nên bỏ những mẫu chuyện vớ vẩn cá nhân để xoay qua lợi ích cho cộng đồng. Thí dụ như nói về văn hóa dân tộc, nhất là thời thế bây giờ sau 16 năm thống trị của chế độ Cộng Sản biết bao nhiêu đề tài sôi nổi...
-Dân tộc cái cục "c". Câm mồm đi. Mở miệng ra là xây dựng, là dân tộc, là tinh thần trách nhiệm. Thử nhìn lại xem bà đã làm được những chuyện gì hay cũng vẫn chỉ là con mẹ bán tôm? Có ngon có giỏi sao không ăn nói trước đám đông mà lại về nhà dậy khôn thằng này?
Tự dưng tôi buột miệng, câu nói mà 20 năm qua chỉ được khiển trách trong tâm não câm nín để riêng răn dậy cho chính tôi:
-Anh đừng mạ lỵ như vậy. Tư cách con người không phải nhìn vào từ bằng cấp, công việc lao động mà từ thái độ, lời ăn tiếng nói của mình. Em nghĩ nếu không giúp gì cho quốc gia dân tộc thì cũng đừng để cho họ đánh giá trị mình xuống hạ tầng.
-Đánh giá trị thì chết à! Đâu phải viết được ba cái chữ nghĩa lăng nhăng là bày đặt "lên lớp". Tóm lại chỉ vì bà sợ mất cái thể diện của bà. Thể diện của một văn sĩ. Văn sĩ, văn sĩ là cái quái gì? Văn sĩ là người viết văn? Viết văn để mà sống? Văn nó nuôi bà hay lại cũng lăn lộn chui rúc trong đống tôm cá tanh hôi để có miếng cơm? Rồi còn cái máy computer mấy ngàn bạc nữa, từ đâu mà ra? Nó không phải từ những đầu tôm thối tha bẩn thỉu mà ra hay sao? Ngôn ngữ văn chương cứ tưởng bở, văn chương viết từ đầu cá thối, miệng lưỡi cũng toàn mùi cá tanh mà phách tướng...
Như chưa hả cơn giận Cự mở cửa định phóng ra; bắt buộc tôi phải dừng xe lại giữa đường. Chàng không ngừng phun nọc độc:
-Nói cho văn sĩ biết. Từ bây giờ chỗ nào có bà là không có tôi.
Cánh cửa đập mạnh kèm theo cái nhìn căm thù pha lẫn thách đố. Tim tôi nhói đau như ngàn vạn mũi kim phóng đến tới tấp; nó theo mạch máu vướng ngang dọc trong vòng luân chuyển và cuối cùng xếp hàng loạt đàng sau ót. Tiếng còi xe chung quanh bóp lên inh ỏi; bên kia đường Cự đi vùn vụt về phía điện thoại công cộng, có lẽ gọi cho bạn đến đón hoặc kêu taxi về nhà. Luống cuống, tôi đạp chân ga cho xe chạy thẳng về phía trước như kẻ mất hồn, đầu óc căng thẳng và chập chờn những lời phỉ báng của Cự. Ngay lúc đó, nước mắt tôi chợt trào ra nhạt nhòa dưới hai hàng mi rậm...

 

Tôi không muốn về nhà lúc này mặc dù trời đã tạnh hẳn. Thành phố về đêm bừng sống theo tiếng gầm rú của xe cộ qua lại, theo ánh đèn xe quét ngang dọc và theo những tàng cây oak loáng nước óng ả dưới ánh đèn, một thứ ánh xanh lạnh lẽo buốt giá. Tôi đưa tay gạt cần "heat" tới nhiệt độ cao nhất; tiếng máy chạy kêu xào xào và hơi nóng phà lên mặt; không có một chút gì ấm áp trong cơ thể khi trái tim đã lạnh căm.
Tối qua, lúc Cự giận bỏ về dọc đường; cố gắng lắm tôi mới gạt bỏ phiền muộn để tới nhà người đã mời nhưng về thật sớm. Vậy mà khi bước vào nhà mọi người đã đi ngủ, ngủ lúc 9 giờ tối. Lần mò trong bóng đêm lén lút như tên ăn trộm, tôi không dám gây tiếng động sợ phá giấc ngủ của mọi người; giờ mà thường ngày các con tôi còn đang học; giờ mà chồng tôi vẫn còn đang ăn, cỗ bàn bày la liệt món nhậu. Tuy nhiên tôi không mấy thắc mắc lâu vì những khi Cự trở chứng là tất cả mọi người phải chịu những đàn áp vô lý của chàng.
Tôi không còn tâm trí nào để nghĩ đến việc đánh răng rửa mặt và thực ra cũng không dám vặn nước vì sợ tiếng kêu sè sè sẽ là cái cớ cho Cự thức dậy gây gỗ. Để nguyên quần áo, tôi ngã dài trên giường với niềm đau vỡ oà mà đã cố tình che đậy suốt thời gian hơn một tiếng trên nhà bạn. Niềm sầu khổ không theo nước mắt vơi cạn nhưng nghĩ tới công việc hàng ngày, tôi ngồi vùng dậy vào bàn đánh nốt bài gửi cho toà soạn để kịp lên khuôn báo vào đầu tuần.
Tôi không phải là nhà văn như lời Cự nói vì văn phải là người và đi theo công việc hàng ngày nhưng tôi có bầu máu nóng sôi sục thương yêu và ý thức được trách nhiệm, bổn phận của những người đi trước. Những năm lưu lạc nơi xứ người, sự cực khổ bôn ba đã biến tay chân tôi trở thành cằn cỗi, gân guốc và đầu óc trở nên một cái máy tính nhưng trái tim tôi vẫn nguyên vẹn. Nó vẫn quặn thắt mỗi khi nghĩ về quê hương và những người còn ở lại. Nó vẫn rung lên những dây chuông thổn thức khi hàng lớp thuyền nhân bị ném xuống biển hoặc bị đuổi trở về hỏa ngục tù đày. Tôi yêu quê hương tôi, điều đó không thể chối bỏ. Tôi yêu mảnh đất khô cằn sỏi đá nhưng luôn nảy chồi những anh hùng trong lịch sử dân tộc. Tôi yêu dòng sông khô cạn nhưng chứa chan tình đồng loại. Tôi yêu từng núm nhau còn trong bụng mẹ và tôi thương từng đứa trẻ VN bập bẹ tiếng dady, mamy. Làm sao bây giờ, cả một thế hệ mai sau sẽ ra sao nếu những người đi trước không duy trì tiếng mẹ đẻ và bảo vệ những truyền thống dân tộc? Nếu bảo rằng bàn tay tôi tanh đầy tôm cá không xứng đáng cầm viết thì với Cự ai sẽ là người xứng đáng? Người sạch sẽ chân tay, nghề nghiệp mà không có lòng cũng là những kẻ vô dụng. Hơn nữa, việc làm của tôi đâu phải vì lợi ích cá nhân, đâu phải vì hai tiếng văn sĩ như Cự đã kết án. Viết những mảnh truyện nhi đồng, những vần a, b, c ấu trĩ, những bài công dân đức dục mà mọi người lớn ai cũng có thể làm được thì ước vọng của tôi có phải là quá cao xa?
Ngày 10 tiếng ở tiệm, tối về lo cơm nước ăn uống tắm gội, có cố gắng lắm cũng chỉ có thể bớt xén hơn một tiếng để viết bài và đánh máy. Tôi nghĩ giá trị không nằm trong bài viết mà ở trong tâm hồn, trong tấm lòng của tôi. Tôi đã lấy giờ nghỉ ngơi của mình; giờ của những người đàn bà hạnh phúc đều muốn hưởng ái ân bên chồng; giờ của những người đang giỗ giấc ngủ để gìn giữ sắc đẹp mãi trường tồn...
Buổi sáng ngồi make up trước gương, cửa phòng tôi hé mở nhưng con bé út không vào. Tôi thấy nó thay chiếc áo đầm ca rô xanh đồng phục, đi qua đi lại nhưng tuyệt nhiên không nhìn vào phòng mẹ dẫu một lần. Tôi ngờ ngợ nhìn qua khe cửa, có cái gì khác lạ, khó hiểu. Mọi khi vừa mở mắt chưa kịp đánh răng rửa mặt là nó đã chạy vội sang tôi, bước thấp bước cao, mắt nhắm mắt mở ôm chặt lấy mẹ như sợ biến mất. Sau đó thể nào nó cũng ôm quần áo sang và bắt tôi nhắm mắt lại để cho nó thay viện cớ phòng mẹ ấm hơn. Khi đi học cũng không quên "mi" mẹ một cái thật kêu. Đứa con gái lớn cũng thế, năm nay 14 tuổi rồi, hơn con em 6 tuổi chứ đâu còn nhỏ nhít gì mà quên cả chuyện đi thưa về gửi. Hay là hôm qua chồng tôi đã nói gì với chúng?
Cánh cửa khép mạnh. Biết là Cự đã ra khỏi nhà, tôi vùng chạy lên phòng khách nhìn qua khung cửa sổ. Con đường đẫm ướt hơi sương, ánh nắng còn nằm sát tận chân trời mang màu buồn thảm, trơ trọi. Hai đứa con tôi như gà con gặp lạnh đứng ủ rũ, ngơ ngác chờ xe bus. Mọi lần đâu như thế này? Mọi lần là hình ảnh ríu rít của đôi chim bên bịch popcorn, đôi chân sáo không chịu dừng lâu ở một chỗ. Phải có một cái gì... Lòng tôi quặn đau và nước mắt ứa ra...

 

-Về thôi... Về thôi...
Tiếng nói trong tim vang lên thúc dục. Tiếng máy sưởi vẫn kêu xè xè và mặt tôi bỏng rát, hình như hơi thở chậm mất vài giây vì sự ngột ngạt này. Tôi đưa tay hạ heat và đôi mắt dán chặt vào chiếc kim đồng hồ. 8 giờ! Một tiếng sớm hơn tối qua, giờ uy quyền của người bố. Tự dưng tôi thấy chán ngẫm khuôn mặt phì nộn của Cự. Khuôn mặt bóng nhậy những mỡ và chiếc cằm 2 ngấn đỡ cặp môi dầy nặng trĩu thức ăn. Khuôn mặt chứa hai con mắt nhỏ lờ đờ màu trắng đục, thỉnh thoảng vẩn lên những vệt sáng quái gỡ khi bất chợt nhìn thấy dĩa rau xào nghi ngút khói. Tôi không muốn thấy mặt Cự trong lúc này, giờ giấc mà chàng cho là linh thiêng trong cuộc đời. Cái "linh thiêng thể xác" bên trà dư tửu hậu, bên các thức nhắm linh đình. Giờ linh thiêng đó, trái tim Cự sẽ rung lên và các mạch máu thi đua nhảy mạnh. Nhưng chắc chắn xúc cảm chỉ từ men rượu chứ không phải tình người, xúc cảm của thể xác chứ không phải ở trong tâm hồn.
Xưa nay, nếu Cự đừng tuyên bố với mọi người rằng những đứa con tôi sinh ra là bị "accident" thì ít ra tôi cũng không đến nỗi ghê sợ chuyện gần gũi với chàng. Một người chồng gần gũi với vợ để ươm những hạt giống mà gọi là accident thì đâu được gọi là chồng. Một người đàn ông tạo hình tượng trẻ thơ bằng nguồn cảm hứng xác thịt thì đâu xứng đáng gọi là cha. Tôi mãnh liệt chống đối chuyện ăn nằm với Cự khi vừa sang Mỹ; và sự vùng lên đòi thể xác không được chồng tự do xâm phạm không ngờ cho tôi những bài học thấm thía. Những gì tôi nghĩ về chàng đều là đúng và những gì tôi đã buộc cũng không thể cởi. Như vậy sự khinh khi đi song song với ràng buộc hôn nhân đục đẽo tôi như những con vi khuẩn nằm sâu dưới làn da tái ngắt giết lần mòn sự sống. Đã biết bao lần nước mắt ứa ra để thương xót chính tôi và cũng biết bao lần bị đánh đập trong khi cố gắng chống cự. Bị đè nén về sinh lý, Cự như con thú điên mất hẳn tính người... Thân thể tôi, của người đàn bà không biết rung động giờ phải đeo dính một quái thai không mặt...

 

Dưới vệt đèn quét dài, con ngõ thân thuộc hiện ra. Từng vũng nước nằm cách khoảng theo lằn trũng lồi lõm, gồ ghề tựa những giao động đã qua. Cỏ bên đường ướt lóng lánh như pha thủy ngân. Hai hàng cây giao nhau trên đầu tạo thành vòm trời đen thẫm sâu hun hút theo làn gió nhẹ làm rơi những giọt nước còn cố bám lại trên cuống lá. Sự phiền não bỗng dưng theo từng giọt nước vội rơi. Nó rơi một cách mau lẹ đến nỗi chính tôi cũng phải bàng hoàng.
Mưa tạnh, trời trong và trăng bắt đầu lấp ló sau rặng cây. Ánh sáng nhè nhẹ rắc đều trên phiến lá khiến khung cảnh trở nên kỳ ảo. Lòng tôi một phần nào được vơi nhẹ theo ánh trăng tan hòa trong khắp vũ trụ. Mùi hoa dại nở vội lẫn mùi cỏ ướt làm tôi ngây ngất; sự tinh khiết đánh tan những ô uế vẩn đục phủ chụp lên đầu tôi suốt trọn ngày.  Có một chút gì nhẹ nhõm và ấm áp len lỏi tận trong tâm hồn, không ngờ thiên nhiên ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống con người, mới đau khổ buốt giá đó mà bây giờ sự sống đã muốn trở lại. Phải chăng căn nhà và khung cảnh này đã kéo những kỷ niệm thân thương trở về?
Dưới vòm cây lớn, chiếc ghế xích đu nhập nhòa bóng tối. Chiếc ghế mà đứa con gái lớn tôi hay ngồi đong đưa hoặc nghêu ngao hát vào những buổi trưa hè cuối tuần. Tiếng hát như tiếng chim cuốc kêu hè... " Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ. Nơi xa xăm kia..." Giọng nó ngọt và nhẹ, nhẹ đến nỗi đưa cả hồn tôi bay bổng về bên kia bờ đại dương.
Nó đang mang hình ảnh tôi của hơn 20 năm về trước, cũng hay thả hồn về miền Bắc dấu yêu, nơi tôi được sinh ra nhưng không được lớn lên và trưởng thành ở đó. Hình ảnh đứa bé dắt con chó Nhật Bổn "Bí Bo" to bằng chiếc giầy của bố tôi hôm chạy loạn vẫn còn ám ảnh. Chiếc tàu há mồm và đoàn người gánh gồng chăn chiếu... Thuở ấy, tôi nhớ miền Bắc dấu yêu đâu bằng mẹ tôi quay quắt mỗi khi nhìn thấy tôi nghêu ngao hát...  Giờ đây cũng thế, tâm hồn con tôi đang u uẩn những tình cảm nào...? Niềm nhớ nhung và nỗi mất mát nào...? Riêng tôi, tiếng hát đã nhận chìm xuống tận cùng nỗi nhớ. Tôi nhớ quê hương, nhớ bụi tre khóm trúc, nhớ người thân, nhớ người đã sinh đẻ dưỡng nuôi tôi, nhớ "nơi chốn xưa có bà mẹ già, mắt lệ hoen mờ... Mẹ ơi...!"
Tiếng ngân kéo dài làm tê liệt mọi cử động; mắt tôi mở tròn nhìn con như chiêm ngưỡng một vì tiên đang hoá phép. Con bé bắt chước y hệt giọng tôi, cả dáng điệu và cử chỉ. Có điều nếu tôi tự hát đã không có những xúc cảm như thế. Nếu hát, tôi chỉ thổn thức khi kêu hai tiếng mẹ ơi thương thương nhớ nhớ chứ không có hình ảnh đứa con gái, hiện thân của tôi ngày xưa đã cãi lời cha mẹ điên dại mù quáng trong hôn nhân. Lấy Cự chẳng những đắc tội với gia đình mà còn đắc tội với cả tôi, đã giết mầm sống của một con người. Thượng đế sinh  ra loài người để tạo cho họ hạnh phúc chứ đâu phải mang đến sự đau khổ thù hận...
Cánh cửa sau mở vội, ánh sáng ùa ra làm tôi chóa mắt nhưng vẫn nhìn thấy cả nhà đang ngồi trên bàn ăn. Một nỗi cay đắng len lỏi vào tim và nhói đau khi bằng đó con mắt đổ dồn về phía tôi. Những con mắt mang hình lưỡi cưa nhọn và sắc như dao chặt đá. Những con mắt chứa đựng đầy ánh xa lạ quét ra những tia lạnh làm toàn thân tôi buốt giá; những luồng phản xạ đủ sức đẩy bật tôi lùi lại và thoát chạy ra ngoài. Trong giây phút bàng hoàng, trái tim tôi co lại và niềm tê tái phủ chụp; tôi run rẩy bước nhanh về phòng mình.
Cánh cửa khép lại cách ngăn thế giới ác độc bên ngoài, tôi đổ người xuống giường và vật vã trong cơn đau. Nước mắt ứa ra như bờ đê rạn nứt. Mọi lần Cự vẫn nhìn tôi như thế đấy nhưng không đủ sức làm nước mắt tôi tuôn lả chả, đâu đủ sức làm tôi vật vã rên xiết. Ôi! Những đứa con của tôi. Những đôi mắt khờ khạo, hoang vắng và tơi tả như khung chuồng tre xiêu vẹo. Lần này được người bố trang bị cho thứ khí giới giết người, mắt chúng được bọc sắt, bọc đinh, bọc gang thép để chống trả với người đã đẻ ra chúng, một người mẹ khốn khổ đáng thương. Ôi! Một con sâu  không có bản năng tự vệ mà Cự là thằng bé quái ác với chiếc que dài trêu chọc. Lần này bằng nắm que cứng đủ sức đâm xuyên qua lớp da màu xanh biếc, Cự đã thắng trong niềm hãi sợ tột cùng của tôi.
Tôi sợ thật sự, sợ mất hình ảnh người mẹ hiền trong tâm tưởng các con tôi. Cự đã nói gì với chúng? Tại sao chúng lại quét lên người tôi bằng những luồng khí lạnh của vùng Bắc cực? Tại sao buổi sáng chúng không có những sinh hoạt vui vẻ như thường lệ? Tại sao đôi chim non không chân sáo khi đến trường? Và tại sao tối nay cả nhà lại ăn cơm trước? Ai cũng biết cơn mưa đổ xuống vội vã thì sự về trễ của tôi đâu phải là không có lý do?
Tôi đã dậy con tôi những gì? Đang ăn thấy bất kỳ ai đến là phải mời, đi đâu về thấy khách là phải chào. Bài học vỡ lòng khi các con tôi vừa chập chững. Mười mấy năm trời dậy dỗ nay chúng trả bài cho người dậy chúng như thế hay sao? Tôi không tin điều đó là đúng mà chắc chắn có sự khống chế của Cự. Chàng đã đầu độc chúng, đã lôi con ra không phải làm sứ giả hoà bình mà là chứng nhân cho sự tranh chấp. Để cái lý của mình vững, chắc chắn Cự phải đẩy lỗi hoàn toàn sang cho tôi.
Đã từ lâu Cự luôn luôn chống đối tôi, không trực tiếp mà qua lời thở than với con cái. Có lần con bé út nhảy tọt vào lòng cản trở khi tôi đang làm công việc.
-Mẹ cứ đánh máy hoài chẳng chịu chơi với con.
-Chơi gì bây giờ. Con học xong chưa mà đòi chơi?
Con bé không trả lời thẳng câu hỏi mà phụng phịu ra điệu dỗi hờn:
-Mẹ làm con buồn.
Tôi sững sờ nhìn con như đang phạm lỗi thực sự:
-Chuyện gì vậy. Nói mẹ nghe đi con gái cưng?
-Mẹ không thương con cứ muốn sống riêng một mình.
Con bé rơm rớm nước mắt làm lòng tôi chao động:
-Ai nói thế! Mẹ thương con "nhất trần đời, mất cả trí khôn" cơ mà!
Tôi hay nhại con bé mỗi khi nó nhõng nhẽo bắt ẵm tí và thường bá cổ tôi khi nói "Con thương mẹ nhất trần đời mất cả trí khôn."
-Mẹ thương cái máy hơn con.
A! Thì ra con bé ghen với cái computer. Tôi ôm con vào lòng và hít một hơi dài lên đôi má bầu bĩnh thơm ngọt mùi trái chín của nó:
-Hư nào, mẹ phải làm chứ. Không làm chậm trễ hết công việc.
-Nhưng mẹ làm thế đâu có tiền. Tờ báo đâu có cho mẹ tình thương, đâu có nuôi sống được mẹ, đâu có trả bill hàng tháng...
Mặt tôi nóng bừng lên vì biết chắc con bé chỉ lập lại những lời của Cự nhưng cũng trấn tĩnh được liền ngay sau đó. Đám con trẻ đâu hiểu được những công việc của người lớn, của những tranh chấp riêng tư. Tôi ôm con vào lòng vuốt ve nó:
-Con thích học tiếng Việt không? Mai sau còn đọc truyện mẹ viết nữa chứ!
-Ba nói sau này sẽ không còn ai nói tiếng Việt nữa.
Làm sao tôi dám nói với con là đừng nghe lời bố nói vì sai và thiển cận; làm sao tôi dám để cho đầu óc non nớt của các con tôi hằn lên ý tưởng nghi ngờ về người đã sinh ra chúng. Trẻ nhỏ không thể bị nhét trong đầu những tư tưởng và quyết đoán nông cạn nhất thời của người lớn.
-Nếu không học tiếng Việt sao con đọc được thư của ông bà, rồi còn thay mẹ viết thư trả lời nữa chứ!
Miệng nói, tay tôi chỉ lên màn ảnh và bắt đầu từng chữ một:
-... Lúc đó, bé Hạnh giận bố quá; nó bỏ chạy vào trong rừng thẳm bất chấp mọi hiểm nguy đang bủa vây...
Thế là mỗi tối sau khi học bài xong, con bé chạy thật nhanh vào phòng tôi và trọ trẹ từng chữ trên màn ảnh tiếng được tiếng mất.
-Chuyện hay quá, tội nghiệp con sói con quá hở mẹ.
Tôi mỉm cười gật đầu tán thành mà lòng không khỏi sung sướng vì mẫu chuyện nhi đồng hào hứng vô tình giúp con tôi tự học tiếng mẹ đẻ. Lúc đó lòng tôi trỗi dậy một niềm tin mãnh liệt; con tôi chính là hiện thân của những đứa trẻ cô đơn lạc lõng nơi xứ người vừa tìm thấy nguồn sống. Chuyện lo sợ những mầm non bỏ quên tiếng Việt chỉ còn mờ nhạt trong tôi vì với thời gian chật vật mà tôi còn khắc phục được thì biết bao nhiêu người cùng chí hướng sẽ như những ngọn sóng thần cuốn tới quét sạch những ô uế để dọn một con đường sạch sẽ, sáng sủa trong tương lai; sẽ như những ngọn đuốc sáng mãi lên nấu sôi lòng yêu nước, nung cao khát vọng ngày trở về khôi phục lại quê hương.
Một năm học truyện bên cạnh mẹ, con tôi đã đọc trôi chảy, biết viết thư cho ngoại, thậm chí còn chỉ cho cả chị. Cự không nhận thức được điều đó; nói cho đúng chàng cố tình chối bỏ và coi thường sự cố gắng của tôi. Chàng đã dùng những danh từ cay độc nhất để phỉ nhổ sự thành tâm của vợ. "Con mẹ bán tôm" danh từ của kẻ vô học. Như vậy bằng cấp của chàng đâu phải tạo dựng bằng kiến thức. "Văn sĩ cái cục c." Những ngôn ngữ không phải của loài người, "chuyên môn bắc cọp"... Mặt tôi nóng ran lên và nước mắt ngưng chảy tức khắc. 20 năm tôi đã khiếp nhược để chàng chà đạp lên danh dự và nhân phẩm. Lần này thì không. Chàng phải trả giá cho sự khinh mạn đó... Có điều... đánh chuột sợ vỡ bình quý. Tôi không biết có nên nói cho con tôi biết sự thật về chàng? Về một người mang dòng máu đỏ, da vàng nhưng không có rễ nguồn. Về  một con người chỉ biết sống ích kỷ hẹp hòi và hưởng thụ riêng cho cá nhân, và những cấm đoán việc tôi làm chỉ vì muốn tôi suốt đời sống bẹp dưới bùn đất, làm kẻ đầy tớ nô lệ cho chàng. Làm sao bây giờ? Trong chúng tôi phải có một người sai. Nếu là chàng, con tôi sẽ đớn đau như tôi suốt 20 năm đã cam chịu. Nếu là tôi, con tôi sẽ theo bước chân của chàng và xã hội lại nảy sinh thêm hai ung nhọt. Từ 3 thành 9 và cứ thế tăng theo cấp số nhân nhảy vọt.
Không, nhất định không thể nói cho con tôi biết trong lúc này. Nhất định không để cho các con tôi tham dự vào trận xung đột của cha mẹ. Bao lằn tên mũi đạn sẽ ghim vào tận tim óc chúng. Không! Các con tôi, những con chim bé nhỏ, những khung chuồng xiêu vẹo nghiêng đổ; phải được sửa lại ngay từ bây giờ. Để có được kết quả, tôi phải sửa chính tôi trước, sửa thái độ ù lì chấp nhận, sửa những cam chịu ngu xuẩn và kế đó là đến lượt chồng tôi phải thức tỉnh...
Có ai cắt ung nhọt mà không cảm thấy đau? Có ai hốt một đống phân mà không phải nín thở?
Phải thay đổi lại. Phải phá tan cái giá lạnh dù đã sắp tàn đông để mầm sống được vươn lên dưới ánh thiều quang rực rỡ...