ăm Ất Dậu (1285), quân Mông cổ tấn công sang nước ta như nước vỡ bờ. Đạo quân Mông-cổ do Nạp-Tốc-Lạt-Đinh thống lĩnh từ Vân Nam kéo sang. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trấn thủ ở trận tuyến này đã chận địch ở Thu-Vật (tức Yên-Bình, Yên-Bái) và ngày 20 tháng 2 năm Ất Dậu (1285) nhằm Rằm tháng giêng, cánh quân của ông rút về đến Bạch Hạc, toàn quân được lịnh dừng lại bên sông (khoảng gần cầu Việt Trì ngày nay) cắt tóc tuyên thệ với trời đất rằng «dốc lòng trung để báo đền quân thượng». Tình thế thật nguy kịch. Để làm giảm áp lực địch, vua Trần Nhân Tông sai Trung hiến hầu Trần-Dương sang trại Mông-cổ nghị hòa. Đồng thời khiến Đào-Kiện đưa quốc muội là công chúa An-Tư (em gái út vua Thánh-Tông) sang doanh trại Thoát Hoan. Quân Nguyên phái Ngại-Thiên-Hộ sang khuyến dụ: «đã muốn xin hòa, tại sao không đích thân tới để cùng bàn luận». Thực ra cho người đi nghị hòa với giặc chỉ là một hình thức trì hoãn chiến để cho quân đội ta có thời giờ chấn chỉnh hàng ngủ nên chuyện sang gặp Thoát Hoan sẽ là chuyện không bao giờ xảy ra. Có một điều đáng nói là đưa công chúa An-Tư cho kẻ thù là một chuyện vạn bất đắc dĩ phải hy sinh người trong gia tộc để cứu lấy đất nước. Thay vì với cương vị một hoàng đế, đức ngài có thể tìm một người khác trong dân chúng để thế vào thay vì dùng người nhà của mình dâng cho giặc. Phải là người có tấm lòng rộng lớn như biển cả, cũng như phải có một trí tuệ bao trùm trời đất mới có thể thực hiện được điều khó làm này. Đó là phong cách của một vị Thánh nhân «nhẫn được những điều người khác không thể nhẫn và làm được những điều người khác không thể làm». Thử hỏi trong lịch sử cổ kim có vị vua nào làm được việc này? Sau khi công chúa An Tư đi vào trại giặc, các Sử gia người Việt cũng không thấy nhắc tới tung tích của Bà. Riêng về sử tàu thì nói rằng sau này bà có hai con với Thoát Hoan. Đối với công chúa An-Tư chúng ta phải trân trọng ghi ơn và tán dương cũng như ghi tên bà vào danh sách những anh hùng kháng Nguyên của cuộc chiến vệ quốc (1285-1288). Vì nếu không có sự hy sinh của bà thì làm sao quân ta có đủ thời giờ rút lui an toàn ra khỏi thành Thăng Long để chỉnh đốn binh mã và tinh thần để chuẩn bị những trận phản công sấm sét đánh đuổi quân xâm lược. Thoát Hoan vì say mê Bà nên đã chậm trể trong việc tấn công vào kinh đô của ta và đây là một cơ hội ngàn vàng cho triều đình nhà Trần trong lúc nguy cấp. Công trạng của bà không thể nào thua kém hơn Bà Trưng, Bà Triệu xưa kia được. Tuy nhiên có người đã không nhìn ra ý nghĩa của hành động vì nghĩa quên mình của Đức vua Trần cũng như An-Tư (hay Thiên Tư trong Việt Sử Tiêu Án) công chúa, họ đã phê phán một cách cạn cợt thiếu tình người như Việt Sử Tiêu Án «Vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn nước…thật không còn kế sách gì, đáng cười lắm…». Nhưng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì công bình hơn đã ghi «Sai người đưa công chúa An-Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy». An-Nam Chí-Lược của Lê Tắc (phản thần của triều Trần) ghi «Lại sai kẻ cận-thị là Đào-Kiên đưa bà chúa em vua cho Trấn Nam Vương xin hòa giải». Tóm lại công chúa An-Tư xứng đáng được ghi vào danh sách anh hùng kháng Nguyên để hàng hậu bối biết đến và tưởng nhớ công ơn của bà đối với dân tộc. Con gái út vua Trần Thái Tông. Vào mùa xuân năm Ất Dậu (1285; Trần Nhân Tông, Trùng Hưng nguyên niên), khi giặc Mông Cổ xâm lấn nước ta, thế lực hết sức mạnh mẽ (quân Nam liên tiếp thua luôn mấy trận ở Vạn Kiếp, Phả Lại, rồi kinh đô Thăng Long thất thủ, bại quân ở Nghệ An, ở sông Đại Hoàng…), trước tình thế cấp bách, vua Nhân Tông sai Trung Hiếu Hầu Trần Dương và quan hầu cận là Đào Kiện đưa người cô là An Tư Công Chúa về Thăng Long dâng cho Thái tử Mông Cổ là Thoát Hoan để thư nạn nước. An Tư Công Chúa là người đàn bà đã hy sinh cho nước nhà trong cuộc kháng Nguyên ở hậu bán thế kỷ XIII. Tài liệu: Nguyễn Huyền Anh. Việt Nam Danh Nhân Từ Điển, trang 12. Lời bàn (do Lost-dude): Vì ba lần đánh bại quân xâm lăng bách chiến bách thắng của Mông Cổ, nhà Trần đã lập ra những trang sử hào hùng, không những cho con cháu về sau, mà cho cả thế giới biết đến tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tuy vậy, cái giá phải trả cho nền tự chủ ấy rất cao; vua nhà Trần đã phải vị đại nghĩa mà hy sinh cả người thân tộc. Đọc tiểu sử của An Tư Công Chúa và những vị anh hùng anh thư thời kháng Nguyên, ta mới hiểu tại sao ông bà ta vẫn muốn tôn nhà Trần lên làm vua sau khi Lê Quí Ly phế cháu ngoại của ông ta là Trần Phế Đế và lập ra triều đại nhà Hồ (1400-1407). Cái câu “giặc đến nhà đàn bà phải đánh” thật thấm thiết. Từ thời lập nước đến nay, phụ nữ đóng một vai trò tương xứng với những bậc mày râu trong công cuộc dựng nược, xây nước và giữ nước; đôi khi dẫu chỉ là sự hy sinh thầm lặng của các ngài. … Giống Hồng Lạc Hoàng Thiên đã định, Mấy nghìn năm suy thịnh đổi thay. Trời Nam riêng một cõi này, Anh hùng hiệp nữ xưa nay kém gì. … (Trích trong bài “Hai Chữ Nước Nhà” của Á Nam Trần Tuấn Khải).