Những Công Chúa Có Công Trong Việc Mở Mang Bờ Cõi Nước Việt
Bửu Diên Hoàng Oanh

Công Chúa Huyền Trân - Hoàng Hậu Chiêm Thành
Năm Quí Tị (1293) vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho vua Trần Anh Tông, rồi về làm Thái Thượng Hoàng.
Vua Trần Anh Tông là một vị vua có hiếu và thông minh, được nhiều bậc hiền tài ra giúp vua trị nước như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn.
Lúc bấy giờ vua thì hiền, tôi trung, phép nước nghiêm minh, việc học hành mở mang, thật là một thời thịnh vượng về đời Trần.
Năm Tân Sửu (1301), Thượng Hoàng Trần Nhân Tông sang du ngoạn nước Chiêm Thành, có hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Vua Chiêm sai Chế Bồ Đài và hơn một trăm người đem vàng bạc, hương quý vật lạ sang nước ta xin cầu hôn.
Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), Chế Mân xin dâng hai châu Ô, và châu Lý làm sính lễ. Vua Anh Tông bèn quyết định gả em gái là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Khi về Chiêm Thành, Huyền Trân công chúa được phong Hoàng hậu. Sang năm sau (1307), vua Trần Anh Tông nhận châu Ô và châu Lý, đổi tên lại thành Thuận Châu, Hóa Châu rồi sai Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị.
Huyền Trân công chúa lấy Chế Mân chưa được một năm thì Chế Mân mất, các hậu phải hỏa thiêu chết theo. Được tin ấy, vua Trần Anh Tông bèn sai Nhập Nội Hành Khiển Thượng Thư Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung và An Phủ Sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành tìm cách cứu công chúa Huyền Trân về. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308) công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành trở về.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: Đinh Mùi năm thứ 15 (1307) (Nguyên Đại Đức năm thứ 11). Mùa Xuân tháng Giêng. Đổi hai châu Ô Lý làm Châu Thuận và Châu Hóa, sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên nhân dân. Trước là vua Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu ấy làm lễ vật cưới, người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Hồng không chịu theo, vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý của Triều đình, chọn người trong bọn chúng bổ cho làm quan, lại cấp cho ruộng đất, tha tô thuế cho 3 năm để vỗ về.
Có nhiều người không đồng ý việc gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành nên trong dân gian đã có những câu hát ví von:
Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán thằng Mường nó leo
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục, lại vần than rơm.
Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan tương cà.
Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng bàn:
Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô thường quấy phá biên giới mới lấy con gái của dân làm công chúa gả cho thiền vu, kết hôn với người không phải giống nòi, các tiên nho đã từng chê. Song có ý muốn nghỉ binh, yên dân thì còn có thể nói được... Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho vua nước Chiêm Thành là nghĩa gì? Nói rằng nhân khi đi chơi mà trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không làm việc đổi mệnh có được không? Vua giữ ngôi Trời mà Thượng Hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh thì có khó gì, mà lại đem gả em cho người xa, không phải giống nòi cho đúng lời hẹn trước...
Nhưng trong bài vịnh Huyền Trân công chúa của Thái Xuyên thì chúng ta lại thấy tác giả khen:
Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,
Vốn đà không mất lại thêm lời.
Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi?
Lòng đỏ khen ai lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời?
Châu đi rồi lại châu về đó,
Ngơ ngẩn trông nhau mấy đứa Hời!
Như vậy về đời nhà Trần nhờ gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành mà chúng ta đã mở mang thêm được hai châu: Thuận Hóa và Hóa Châu. Về sau cũng có nàng công chúa bước theo con đường của công chúa Huyền Trân, góp công trong việc mở mang bờ cõi nước Việt về phía nam đó là hoàng hậu Somdach (hoàng hậu Cao Miên), một nàng công chúa xinh đẹp của triều Nguyễn.

Công chúa Ngọc Vạn - Hoàng Hậu Cao Miên
Trong lịch sử Việt Nam không thấy nói đến hoàng hậu Somdach nên chúng ta phải tìm kiếm tài liệu liên quan đến lịch sử Cao Miên.
Thời bấy giờ quân Xiêm thường hay xâm lấn Cao Miên nên vua Chey Chattha II xin cưới một người con gái của chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) làm hoàng hậu để được chúa Nguyễn ủng hộ. Bà hoàng hậu rất xinh đẹp và có nhiều đức tính tốt, được vua Cao Miên cưng quý vô cùng. Bà đã góp nhiều ý kiến hữu ích vào công việc trị nước của vua Chey Chettha II. Nhờ ảnh hưởng của hoàng hậu mà vua Cao Miên không phản đối khi bà xin cho nhiều người Việt Nam vào giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Cao Miên cũng như cho nhiều người Việt Nam lập hãng xưởng và buôn bán gần kinh đô.
Hồi đó chúa Nguyễn thường giúp quân Cao Miên chống lại những cuộc xâm lăng của quân Xiêm.
Năm 1623, chúa Nguyễn cử một sứ bộ, đem theo nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Huế. Phái đoàn yêu cầu cho dân Việt Nam đến lập nghiệp và xin lập một đồn thuế. Nhờ sự can thiệp của hoàng hậu Somadach, vua Chey Chettha II chấp thuận cho lập đồn thuế tại Prey Kôr để thu thuế những người Việt Nam buôn bán tại Cao Miên.
Chúa Nguyễn khuyến khích người Việt di cư đến để làm ăn. Vì vậy trong một thời gian ngắn người Việt đến định cư rất đông.
Từ năm 1628 (là năm vua Chey Chettha II mất) trở đi, người Việt Nam đến lập nghiệp ở các vùng Gia Định, Bà Rịa, Biên Hòa ngày càng thêm đông. Người Miên vì không muốn sống chung với người khác văn hóa và mạnh hơn nên hễ người Việt đến sống gần họ thì họ dần kiếm cách lánh đi nơi khác.
Đã có nhiều tác giả đề cập đến hoàng hậu Somadach.
- G. Maspéro viết trong cuốn Empire Khmer:
Vị vua mới lên ngôi là Chey Thettha II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Thettha II cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn.
- Ông Moura viết trong cuốn Royaume du Cambodge:
Tháng 3 năm 1618, Prea Chey Chessda được phong vương với tước hiệu Somdach Prea Chey Chessda Thiréach Réaméa Thupphdey Barommonpit. Lúc đó vua An Nam gả một người con gái cho vua Cao Miên. Công chúa này rất đẹp, được nhà vua yêu mến và lập làm hoàng hậu tước hiệu Somdach Prea Preaccac Vodey Prea Voreac Khsattey.
- Theo ông Henri Russier, tác giả cuốn Histoire sommaire du Royaume de Cambodge:
Chúa Nguyễn lúc bấy giờ rất vui mừng thấy Cao Miên muốn giao hảo bèn gả công chúa cho vua Cao Miên. Công chúa xinh đẹp và được vua Miên yêu quý vô cùng...
Năm 1623, sứ bộ Việt từ Huế đến Oudong yết kiến vua Cao Miên, dâng ngọc ngà châu báu, xin người Việt được khai khẩn và lập nghiệp tại miền Nam.
Hoàng hậu xin chồng chấp thuận và cua Chey Chetta đã đồng ý...
- A. Dauphin Meunier viết trong cuốn “Le Cambodge:
Năm 1623, Chey Chettha, người đã cưới công chúa Việt Nam, được triều đình Huế giúp đỡ để chống lại quân Xiêm... Một sứ bộ Việt Nam đã tới bảo đảm với Chey Chetta về sự ủng hộ của triều đình Huế. Sứ bộ xin phép cho dân Việt Nam tới lập nghiệp Việt Nam tới lập nghiệp ở các tỉnh phía Đông Nam Vương Quốc. Vua Cao Miên cho phép lập một phòng thu thuế tại Prey Kôr để tài trợ việc định cư.
- Trong cuốn Histoire des Pays de Lunion Indochinoise của ông Nguyễn Văn Quế có đoạn:
Chey Chettha II dời đô từ Lovéa Em đếu Oudong năm 1620 và cưới công chúa Việt Nam được phong làm hoàng hậu và rất được yêu quý nhớ đức hạnh và vẻ đẹp mỹ miều.
Vì đã giúp đỡ cho vua Cao Miên chống lại những cuộc xâm lăng của Xiêm nên chúa Sãi mới xin vua Cao Miên cho phép những người Việt di cư vào Nam được khai khẩn đất đai, trồng trọt, buôn bán và trả thuế ở Sài Gòn, Biên Hòa và Bà Rịa. Vua Cao Miên chấp thuận đề nghị của nhạc phụ.
- Ông Phan Khoang, tác giả cuốn Xứ Đàng Trong, nơi phần Chúa Nguyễn gây ảnh hưởng trên đất Chân Lạp có viết:
Từ thế kỷ XVII đã có nhiều người Việt Nam đến hai xứ Đồng Nai và Mỗi Xuy của Chân Lạp tức Biên Hòa, Bà Rịa ngày nay, để vỡ đất làm ruộng. Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Xiêm La nguy hiểm kia, đã xin cưới một công nữ con chúa Nguyễn làm hoàng hậu, trông mong sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa và chúa Hy Tông (chúa Sãi) có mưu đồ xa xôi, năm 1620, đã gả cho vua Chân Lạp một công nữ. Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp sau này. Bà hoàng hậu đem nhiều người Việt đến, có người được giữ chức hệ trọng trong triều, bà lại lập một xưởng thợ và nhiều nhà buôn gần kinh đô.
Đến năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prey Kôr tức Sài Gòn ngày nay và được ở đấy một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn rồi lấy cớ để giúp chính quyền Miền gìn giữa trật tự, còn phải một tướng lãnh đến đóng ở Prey Kôr nữa. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra bắc đến biên giới Chiêm Thành tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay, đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai.
- Giáo sĩ người Ý tên Christopho Borri ở Qui Nhơn đã nhìn thấy viện binh từ đàng Trong đi Cao Miên, ghi lại trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1631:
Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Cao Miên, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Cao Miên thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm.
Chúng ta thử tìm hiểu Hoàng hậu Somdach là ai?
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tức chúa Sãi, sinh năm 1563, mất năm 1635, hưởng thọ 72 tuổi, lên kế nghiệp chúa được 22 năm từ năm 1613 đến năm 1635. Ông là con thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng và là người đầu tiên mang họ Nguyễn Phúc. Chúa Sãi rất khôn khéo, biết xử dụng nhân tài giúp nước như: Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 11 người con trai và 4 người con gái.
Trong mục công chúa của Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên có ghi Chúa Sãi có bốn người con gái.
1. Công chúa Ngọc Liên, lấy Trấn biên doanh trấn thủ phó tướng Nguyễn Phúc Vĩnh. Vĩnh là con trưởng Mạc Cảnh Huống.
2. Công chúa Ngọc Vạn, không có truyện.
3. Công chúa Ngọc Khoa, không có truyện.
4. Công chúa Ngọc Đĩnh lấy phó tướng Nguyễu Cửu Kiều. Năm Giáp Tỵ (1684 Lê Chính Hòa năm thứ 5), mùa đông, Ngọc Đĩnh Mất.
Trong Généalogie des Nguyễn avant Gia Long (Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long) của Tôn Thất Hân và Bùi Thanh Vân (Bulletin des Amis de vieux Huế, năm 1920) có đoạn:
1. Ngọc Liên, con gái trưởng của Sãi vương, vợ của Nguyễn Phước Vĩnh là con trai Mạc Cảnh Huống.
2. Ngọc Đĩnh, con gái út của Sãi vương, vợ của Nguyễn Cửu Kiều, bà mất năm 1684.
3. Ngọc Khoa con gái thứ của Sãi vương, không để lại dấu tích.
4. Ngọc Vạn con gái thứ của Sãi vương, không có dấu tích gì về Ngọc Vạn
Như vậy, căn cứ vào các tài liệu nói trên ta có thể biết được bà hoàng hậu Somdach là một trong hai người con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên: Ngọc Vạn hoặc Ngọc Khoa.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì hai công chúa này, một người lấy vua Chiêm Thành và một người lấy vua Cao Miên.

Công Chúa Ngọc Khoa
Sau đây là một vài tài liệu nói đến vua Chiêm Thành Po Romé (1627 - 1651) có cưới người vợ Việt Nam:
- Trong bài ca Chiêm Thành Ni Danak Po Romé có câu: Vua Po Romé có ba vợ: hai người giống da sậm và một người Việt Nam, cả ba người đều ghen nhau, cãi vã ồn ào trong cung điện nhà vua.
- Trong Cổ Tích Chiêm Thành Po Romé có ghi: Po Romé sinh được một công chúa gả cho ông hoàng Phik Cheek. Ông hoàng này kết tình bang giao với Việt Nam. Do biết tính háu sắc của Po Romé, vua ở Huế bèn chọn công chúa đẹp nhất rồi giả làm người đi buôn vào đất Chiêm Thành. Danh tiếng cô nàng xinh đẹp đến tai Po Romé. Vua cho vời đến, vừa trông thấy mặt nàng là say mê, rước về làm vợ, tức là nàng Bia Út, hoàng hậu Út.
Tác giả Hoàng Trọng Miên, trong cuốn “Việt Nam Văn Học Toàn Thư cho rằng người đàn bà lấy vua Chiêm Thành Po Romé là nàng Ngọc Khoa.
Theo học giả Thái Văn Kiểm trong cuốn Đất Việt Trời Nam thì công chúa Ngọc Khoa đã lấy vua Chiêm Thành Po Romé.
Do đó ta có thể suy đoán rằng hoàng hậu Somdach là công chúa Ngọc Vạn con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Để ca ngợi công ơn của hai công chúa Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, Á Nam Trần Tuấn Khải có làm bài thơ sau:
Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn Ngọc Khoa
Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài
Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai
Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa
Một sớm ra đi mở đất đai
Mối tình hữu nghị Việt Chiêm Miên
Thần xỉ mong sao được vững bền;
Chúa Sãi bao năm nhờ diệu kế,
Giữ miền Nam Á đặng bình yên.
Đời vốn quen dùng sức lửa binh,
Gây nhiều thảm họa khổ sinh linh.
Riêng đây ngọc lụa thay gươm giáo,
Trăm họ âu ca hưởng thái bình.
Cũng vì hạnh phúc của muôn nhân
Vì nước, vì nhà, xá quản thân.
Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng,
Hiếu trung cho trọn đủ mười phân.
Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
Đem thân giúp há nhường trai.
Vắng trang lịch sử, nào ai biết?
Người đã hy sinh vị giống nòi.
Tới nay kể đã mấy tinh sương
Mượn bút quan hoài để biểu dương:
Bà Rịa, Phan Rang ngàn vạn dặm,
Công người rạng rỡ chốn quê hương.
Ngày nay chúng ta sống trên đất nước Việt Nam thân yêu, rộng lớn, miền Nam là nơi làm chơi ăn thiệt, đất rộng, sông dài, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, thiết tưởng cũng nên nhắc đến công chúa Huyền Trân, công chúa Ngọc Khoa và công chúa Ngọc Vạn để tưởng nhớ và tri ân các công chúa đã có công lớn trong việc thắt chặt tình giao hảo với các lân bang cũng như trong công cuộc mở mang bờ cõi của dân tộc Việt Nam.