Chương 1
Bóng dáng xưa (1940)

    
ơm nước xong bốn chị em quây quần dưới ánh đèn như thường lệ. Ở tỉnh nhỏ người ta hay ngủ sớm. Nhưng trong gia đình của bốn người con gái, ánh đèn dầu bao giờ cũng le lói khuya hơn tất cả mọi nhà. Xương còn phải lo giúp đỡ u già Ái về những công chuyện bếp nước sau bữa ăn, hay tính sổ với bà Thông về những khoản chi tiêu vặt vãnh trong nhà. Trong bốn chị em, Xương là cô thiếu nữ ham xem truyện nhất, nhưng bao giờ nàng cũng là “người đàn bà tháo vát” nhất nhà. Nếu không có Xương thì một mình bà Thông cũng nhiều khi vất vả. Vậy mà Xương lại không phải là chị cả. Nàng đẻ sau Thịnh một năm nhưng trông mặt nàng thì ai cũng phải nhầm nàng là chị cả. Hình như Xương sinh ra để mà gánh lấy tất cả gánh nặng của gia đình và của cuộc đời trên đôi vai gầy guộc. Khuôn mặt nàng có một vẻ khắc khổ như khuôn mặt của những kẻ đàn ông mà số mệnh bắt phải phấn đấu nhiều sau này trong cuộc sống. Thịnh thì tuy đẻ trước, nhưng nàng chỉ có được cái vẻ hồn hậu mà trời phú cho những người sẽ được hưởng nhiều phúc lộc của trời thôi.
Về phần sắc sảo khôn ngoan thì nàng phải thua Xương. Thịnh là cô học trò làm dáng nhất nhà. Áo quần Thịnh bao giờ cũng mới mẻ thơm tho. Không bao giờ người ta thấy Thịnh mặc một cái áo dài có vết. Thịnh thường nói rằng dẫu nghèo đến đâu, người ta cũng cứ vẫn giữ được cái vẻ “đài các” của người con gái. Bởi vậy, tuy gia đình bà Thông thật thanh đạm, nhưng đi đến trường, đi đến đâu, người ta cũng phải khen Thịnh là một cô gái gọn gàng, lịch sự. Thịnh không thích đi chơi với Xương ở ngoài đường, bởi vì nàng bảo: Xương không có dáng một người “quý phái”, Xương trông như một kẻ đàn ông rất “du côn”. Xương nhìn vào mặt tất cả mọi người, và hay la cà mọi chỗ.
Thịnh lúc nào cũng chăm là áo và khăn. Nàng chải tóc cẩn thận như một con mèo làm dáng. Nàng cố tập lấy một dáng điệu đứng đắn riêng, như một người tập “làm bà”. Bà Thông thấy vậy thường mỉm cười một mình. Bà biết rằng cô con gái trưởng của mình tuy vậy vẫn giấu một tấm lòng hiền thảo. Nhưng cái bề ngoài của Thịnh chỉ tỏ ra rằng trong bốn chị em, nàng là người đàn bà thiết thực, có tính quyết định, và sau này lớn lên sẽ có một cuộc đời chắc chắn an nhàn. Thịnh chỉ “ăn cánh” nhất cô em thứ ba tên là Ái. Ái cũng đương đi học. Nàng là cô bé thông minh nhất lớp. Nhưng nàng chỉ thích có ba món: ngụ ngôn đọc thuộc lòng, bài luận và tập vẽ. Vẽ thì bao giờ nàng cũng bỏ xa chúng bạn. Vì vậy cô giáo ở trường thường giao cho nàng tất cả các việc “tô điểm” trong lớp học. Những ngày nghỉ người ta trông thấy Ái nằm bò trên giường để vẽ xanh, vẽ đỏ vào những cái bảng “dùng thời giờ” trong lớp hay vẽ những loài động vật để dán vào tường, hay kẻ những câu phương châm cho học trò tập đọc. Những ngày có thanh tra đến khám trường, bao giờ Ái cũng được cô giáo gọi ra khoe với các bà giáo khác. Bởi vì Ái đã làm vẻ vang cho lớp học. Nhưng đến môn địa dư và toán pháp, thì Ái lại thường bị phạt quỳ luôn. Đã vậy, Ái lại còn lợi dụng cái tài vẽ giỏi của mình để vẽ cô giáo và các bạn cùng lớp với mình. Ái đã nhiều lần bị cô giáo tóm được về tội ấy. Những hôm như thế, thì Ái trở về nhà mắt đỏ hoe và nàng sà vào lòng Thịnh để cho Thịnh dỗ dành như một người mẹ trẻ.
Hình như Ái và Thịnh hợp nhau ở chỗ tính tình cùng vui vẻ hồn nhiên. Xương thì trái lại, có vẻ yêu mến nhất Thuần, cô em bé sau cùng. Thuần ốm yếu nhất nhà, và cũng là cô bé rút rát nhất nhà. Thuần rút rát đến nỗi bà Thông không dám cho nàng đến trường như các nữ học sinh khác bằng trạc tuổi Thuần. Một chuyện cỏn con gì cũng có thể làm cho Thuần sợ hãi. Đọc một bài hơi dài hay phải đi lên bảng để làm tính, đối với nàng đều là những cực hình. Một lời mắng nhẹ, một cái cau mày của bà giáo, một câu chế nhạo của học trò, cũng làm cho nàng tái mặt. Bà Thông đành để cho Thuần ở nhà. Thỉnh thoảng, lúc nào Xương được rảnh tay thì nàng lại đọc cho em một bài ám tả, hay luyện cho nàng vài bài tính ngắn.
Còn thì suốt ngày người ta để mặc cho Thuần đi theo u Ái vào trong bếp nhặt rau, hay chơi đùa với lũ mèo con mới đẻ. Không bao giờ Thuần theo các chị đi chơi đâu cả. Thiếu nữ như không bao giờ muốn đi xa cái nhà nhỏ của mình. Nàng yêu những cây cảnh trong vườn cũng như những đứa con nhà nghèo bên hàng xóm. Nàng mang những quần áo cũ và đồ chơi hay bánh kẹo của mình cho chúng. Nhiều khi, người ta thấy Thuần ngồi kiên nhẫn trong một xó nào đấy để vá víu lại manh áo cũ của một con búp bê què quặt. Buổi chiều, người ta thường thấy Thuần ngồi đan ở cửa để chờ ba chị ở ngoài về, hay chờ cái bóng của bà Thông hiện ra ở đầu phố, với cái dáng đi tất tưởi của những bà mẹ già sớm vì sự lo phiền về cái êm ấm của gia đình. Và khi bóng tối đã trùm lên thành phố, thì mọi người đều đã có mặt ở trong nhà. Ánh đèn tuy không lấy gì làm rực rỡ như ánh điện ở các nhà giàu hay các cửa hiệu, nhưng đó là sự dịu dàng rót vào lòng tất cả mọi người. Ai ai cũng thấy yên ổn vì được sống chung quanh những người thân. Ai ai cũng thấy lòng nở ra như những cánh hoa nở khi trời đã tối. Người ta thấy rằng giàu nghèo ở đời không đáng quan tâm bằng sự được sum họp yên lành dưới mái gia đình. Bà Thông không thấy lo ngại mấy nữa, khi bà đã ngồi bên bốn người con. Lúc bấy giờ tất cả nhà đều chỉ còn nghĩ đến ông Thông ở Hà Giang. Mẹ con đều nhắc nhở đến người vắng mặt. Và người ta lo rằng ở Hà Giang nước độc, nhỡ ông Thông không được khỏe chăng? Nếu có một món ăn ngon thì tất cả đều cùng ý nghĩ:
- Tội nghiệp, thầy vẫn ưa ăn cái món cá kho này.
- Thầy ở trên ấy, không biết ăn có được ngon không?
- Chắc thầy thấy chúng ta nhắc, thế nào cũng nóng ruột.
Những ý nghĩ như thế thường làm cho Thịnh và Ái cảm động, nếu phải hôm hai cô không học thuộc bài hay phải phạt. Còn Thuần thì mãi mới lên tiếng góp:
- Em sẽ đan cho thầy một cái khăn quàng và một đôi tất.
Nói xong, Thuần đỏ mặt, bẽn lẽn nhìn tất cả mọi người, tự cho mình là táo bạo. Cả nhà nói đến ông Thông làm như ông Thông ở bên mình họ. Một đôi khi nếu có một cái thư từ chỗ ông làm việc gửi về thì cả nhà cho là một sự long trọng, cần phải ngồi sát vào nhau mà đọc. Cũng có lần bức thư của người cha làm cho cả nhà cùng khóc. Nhưng đó là thứ nước mắt thiêng liêng, cần phải rỏ, cho đời người có ý nghĩa thêm ra. Giọt nước mắt của những kẻ quên cảnh yên vui của mình để nghĩ đến người xa xôi trơ trọi. Tiếng xe cộ bên ngoài, tiếng hàng quà rao đêm, tiếng gì cũng không lấn át được tiếng đập của những trái tim hòa chung một điệu, dưới đèn.
Mùi nước chè vối thơm bốc lên trong ấm. Cửa đã đóng kỹ càng rồi. U Ái có thể lên ngồi cùng bà Thông và bốn cô con gái như một người ruột thịt. Trong cái gia đình cũ kỹ này, u Ái đã nuôi Ái từ ngày mới đẻ. Không ai bằng lòng cho người đầy tớ trung thành kia trở về làng. Người ta giữ u như giữ một người đã có địa vị vĩnh viễn trong lòng tất cả mọi người. U Ái có thể góp vào câu chuyện thân mật của bà Thông như là chuyện nhà mình. Tuy đã nhớn, Ái cũng vẫn còn làm nũng u như thuở nhỏ. Ái bắt u kể chuyện, bắt u ru và hát. Bà Thông tuy phiền vì chồng ở xa và nước độc, nhưng bà cũng hả lòng khi nhớ lại rằng tất cả phố ai cũng khen bà có bốn cô con gái ngoan ngoãn.
- Cô Xương lại mới mua được cuốn truyện gì rồi đấy mợ ạ. Con Thu nó kêu ở trường cô giáo bắt được cô ả đương xem truyện trinh thám.
- Con Thu là đứa làm bộ, vì nhà nó mới giàu lên, ai chả biết. Tôi không làm bạn với những người như nó.
- Nhưng cô cũng ham tiểu thuyết vừa vừa chứ. Con gái mà đọc truyện nhiều không tốt, thầy thường nói thế.
Thấy hai con sắp cãi nhau, bà Thông liền lên tiếng:
- Thôi, các cô liệu đi ngủ sớm đi, kẻo tốn dầu đèn vô ích. Tôi đi nằm nghỉ một chút đây.
Bao giờ bà Thông cũng đứng lên đi vào buồng trước. Bà đã quen tính đi ngủ sớm để dậy được sớm trước cả mọi người. Bà làm lụng suốt ngày nên tối đến cơm nước xong là thấy mỏi rần lưng. Những lần sinh đẻ vất vả trong thời trẻ đã làm suy mòn sức khỏe của người đàn bà làm ăn chăm chỉ. Xương đứng lên xách giỏ nước và cơi trầu vào buồng cho mẹ. Còn lại ba chị em với u Ái thì mỗi người đều nghĩ ra một việc cỏn con để vừa làm vừa trò chuyện. Thuần thì cắt một cái áo nhỏ, hay giúp u Ái chẻ tăm, hay chẻ rau làm dưa. Thịnh thì giúp Ái làm bài vở nhà trường, hay hai chị em cùng làm những việc thủ công tỉ mỉ mà cô giáo thường hay nhờ Ái. Thì giờ cứ êm đềm trôi như vậy giữa cuộc đời của bốn cô gái cùng suýt ạoát tuổi nhau trong một gia đình nhỏ mọn, bên cạnh một người mẹ hiền từ. Cứ cuối tháng ông Thông ở Hà Giang gửi tiền lương về cho cả nhà. Ông chỉ giữ lại cho ông vừa đủ ăn tiêu, không muốn để thừa một đồng nào, e vợ con ở nhà sẽ thiếu.
Đã lâu, ông biết rằng gia đình ông nhiều phen túng quẫn, chỉ vì lương ông có hạn, mà con cái thì ngày một lớn dần. Trong thư lần nào ông cũng tỏ vẻ lo ngại là mình phải xa các con mà cảnh nhà thì eo hẹp. Nhưng có một điều chắc chắn là dẫu sao ông cũng lấy làm tự phụ vì đã có người vợ đảm đang, với một đàn con mà ông vẫn gọi rất xứng đáng là “chuỗi ngọc quý” của ông. Mỗi lần nhận được thư của các con, ông tưởng như được trông thấy mắt bốn người con gái, với tiếng cười, giọng nói trẻ trung của họ. Lòng ông tức thì sáng hẳn lên. Ông quên hết ưu phiền, nhọc mệt. Đồng hồ ở nhà thờ trong tỉnh đánh 10 giờ. Những tiếng động ngoài đường đã thưa thớt. Gió đập tầu cau vào mái nhà như có người cầm chổi quét. Có tiếng mọt gặm trong một cái tủ đựng đồ ăn. Xương gọi Thuần vào buồng ngủ chung của bốn người. Nàng vẫn ưa nằm chung với Thuần một giường từ bé. U Ái cũng thu xếp việc và cầm đèn xuống bếp. Trong buồng ngủ của bốn người chỉ còn một ngọn đèn hoa kỳ nhỏ cháy tù mù. Đêm nào Xương cũng không quên thắp nó lên, như người ta săn sóc đến một người bạn giữ phần hạnh phúc của gia đình. Chiếc đèn nhỏ cháy nhấp nháy như một con mắt lúc nào cũng mở để canh cho giấc ngủ của mọi người được yên lành. Trong đêm khuya vắng, đó là cái linh hồn giản dị và tốt lành của nhà cửa hiện ra ở cạnh ta. Một đôi khi người ta quên khép cánh cửa sổ trông ra đường cái. Thì chính Xương lại phải ngồi lên đi khép cửa. Đêm về khuya, nếu trời lạnh, em Thuần có thể ho chăng? Hay nếu trời nổi cơn giông thì gian buồng sẽ bị nước mưa hắt ướt. Xương như là một người chị, lúc nào cũng phải để tâm đến các em. Nàng thường có nét ưu tư trên trán như một người trải đời đứng tuổi. Nhưng tại sao Xương hay đứng lâu bên cửa sổ, và nhìn ra đường để làm gì? Các chị em vẫn thường hỏi vậy, trong khi mắt đã gần ríu lại vì buồn ngủ. Xương vẫn là một thiếu nữ kỳ quặc nhất nhà. Điều đó ai cũng biết.
Có lẽ vì Xương đã đọc nhiều truyện quá rồi sinh ra khác tính đi chăng? Không một ai biết rằng Xương vẫn thường đứng bên cửa sổ để nhìn lên một cái cửa sổ khác có ánh đèn, ở nhà xế cửa.