Chương 2
Bóng dáng xưa (1940)

    
hư người ta đã thấy, không có gì giản dị hơn cuộc đời của mấy mẹ con bà Thông trong cái tỉnh nhỏ êm đềm kia. Và cũng không có gì trong sạch hơn trái tim của bốn cô thiếu nữ. Buổi sáng mai ngủ dậy, gian buồng của bốn cô đã đầy những tiếng cười và ánh sáng. Bà Thông không muốn để cho con mình quen tính ngủ trưa, nên từ lâu đã tập cho họ dậy sớm như gà. Chỉ có Thịnh và Ái là bao giờ cũng cố nằm rốn lại năm ba phút để được cuộn tròn trong hơi ấm của chiếu chăn. Nhưng u già Ái đã đến kia. U phát mạnh vào các cô, và lôi các cô ngồi thẳng lên, như người ta phải xử tệ với những cậu học trò lười biếng.
Nhiều khi Xương cũng phụ vào một tay, Xương cầm một chiếc gối bông ném vào đầu hai người, hoặc lôi mất chăn đắp trên người. Thế là cả bốn chị em đuổi nhau khắp gian buồng, cho đến khi nghe tiếng bà Thông gọi mới thôi. Thuần không mấy khi dự vào cuộc chơi đùa của các chị em. Thường gà ở chuồng nhà lên tiếng gáy thì nàng đã đi ra sân múc nước rửa mặt, chứ không đợi cho u già phải hầu mình. Nàng đi xuống bếp xem nồi cháo sáng của bà Thông có được ngon không. Hay nàng bước ra vườn giúp mẹ tưới mấy luống rau thơm. Vả lại Thuần cũng còn mấy cây hoa của mình nữa. Nàng chăm nom những cây hoa của nàng cũng âu yếm như nàng đã chăm nom những con mèo nhỏ đáng yêu. Thỉnh thoảng trong nhà có việc vui mừng hay giỗ chạp gì, thì trên bàn ăn hay trong buồng của bốn chị em, người ta lại thấy vài bông hoa tươi của Thuần mới hái xinh đẹp như màu hồng trên môi đứa trẻ con. Cả nhà đều biết tính Thuần ưa thích những cái “nên thơ” như vậy, nên ai cũng có vẻ kính trọng người con gái nhỏ. Những con mèo của nàng, những cây hoa của nàng đều được mọi người kính trọng như nàng. Và u Ái thường nói đùa Thuần là ngày sau lấy chồng, nàng phải lấy một người đàn ông thực là lịch sự và ý tứ. Nhưng Thuần đã đỏ mặt lên ngay, và trả lời u Ái:
- Thuần không bao giờ lấy chồng đâu u Ái ạ. Thuần sẽ ở mãi trong nhà này với mẹ và các chị cũng giống như u Ái ở suốt đời với mẹ và các chị.
* * * * *
Những ngày thứ năm, chủ nhật hay nghỉ lễ, Xương thường phải đến chơi nhà cô Cả ở cách nhà cũng không xa. Cô cả là chị ruột ông Thông. Bà rất giàu, nhưng góa chồng đã lâu và không con cái. Tính bà rất khắc nghiệt, nên bốn cô cháu gái cũng không ưa lắm. Mặc dầu thế, bao giờ bảo con sang thăm cô, bà Thông cũng cho con mang hoa quả hay quà bánh gì sang biếu chị chồng. Ông Thông lúc phải đổi đi xa có dặn chị thỉnh thoảng sang với vợ con mình và trông qua nhà cửa xem bà cô có điều gì cần giúp đỡ thì giúp đỡ. Nhưng đó là ông nói lấy lòng chị mà thôi. Ông vẫn biết tính chị mình keo kiệt và bẳn gắt. Tuy nhà nghèo, nhưng chưa bao giờ ông ngỏ ý gì nhờ vả hay vay mượn chị. Có lẽ vì thế mà bà Cả lại càng tức tối. Bà biết mình trơ trọi mặc dầu có của, bà chỉ còn có em và các cháu là những người thân thuộc ở trong cái tỉnh của mình. Những người đó lại không có ý gì thiết tha đến của cải của mình để phải khuất phục mình.
Bởi vậy, những lần bà Cả đến là bà Thông cùng các con phải khổ sở vì những lời đay nghiến của bà. Bà kêu ông Thông sở dĩ phải chịu túng nghèo là vì vợ con chỉ toàn những kẻ nhàn rỗi, không biết lo toan hay buôn bán làm ăn thêm, chỉ trông vào món lương tháng của ông Thông. Bà kêu Xương đã nhớn rồi mà ăn mặc không gọn gàng, đi đứng nói cười không ý tứ, như những con nhà không ai dạy bảo. Thế nhưng, không ai lấy thế làm điều cả. Ông Thông đã dặn vợ con là dẫu sao cũng nên nhịn cô đi. Cô đã có tuổi, vì không con cái nên cô buồn bã mà sinh khó tính. Chỉ còn có hai chị em ở trên đời, người ta phải ăn ở cho phải đạo. Ông Thông là người cổ, vợ ông cũng thuộc về một gia đình lễ giáo, nên những lời ông căn dặn ở nhà đều nghe theo. Bà Cả tha hồ muốn nói gì thì nói. Lâu dần không ai cho là quan trọng nữa. Người ta lại lấy thế làm vui vui. Mỗi lần bà cô đi rồi thì bốn chị em lại ôm nhau cười rúc rích. Xương thường bắt chước dáng điệu của cô để làm trò cho cả nhà cười. Nhưng khi Xương phải đến nhà cô thì khác hẳn. Nàng cho là không còn có sự bực bội nào hơn nữa. Bà Cả có khi bắt Xương phải nấu nướng cho bà ăn hay lau cửa lau nhà như một con ở. Bà bẻ hành bẻ tỏi như chính mình đẻ ra Xương. Bà bảo Xương hư vì bà Thông không biết dạy con dạy cái. Xương là một thiếu nữ nhẫn nại đã từng xốc vác từ bé, nên có thể nói là cả nhà chỉ có một mình nàng chịu đựng được cô. Nàng lại nhanh tay nhanh chân hơn tất cả, nên chẳng bao lâu bà Cả xem chừng có ý mến Xương hơn tất cả. Những lần bà đi lễ, đi trảy hội chùa xa với các bạn già, bà thường giao phó nhà cửa cho cô cháu gái. Xương được giữ tiền nong và coi sóc, thu vén mọi việc trong nhà bà cô như một người nội trợ từng trải và đứng đắn. Bà Cả tuy mặt ngoài vẫn làm ra nghiêm nghị, nhưng trong lòng thường vẫn đinh ninh rằng nội các cháu mình chỉ có Xương là đáng cho bà để ý sau này. Mỗi khi trái gió giở trời bà Cả chỉ cho gọi có Xương sang hầu hạ, đấm bóp hay đọc truyện cho bà nghe. Trong gian nhà sạch sẽ như lá và ngăn nắp, như phần nhiều nhà các cụ già, tiếng Xương đọc truyện vang lên rõ ràng, chậm chạp. Bà Cả không thích Xương đọc láu táu như ăn cướp chữ, bởi vì mỗi lần đọc nhanh như vậy là Xương bỏ quãng từng đoạn một, chẳng còn hiểu ra sao được nữa. Xương bỏ quãng cho chóng xong, để xin phép cô về, vì thiếu nữ cho là ở đời không có công việc gì khó chịu hơn là việc đọc truyện hầu một bà già như vậy. Ngày giờ hóa ra chậm chạp quá chừng. Chiếc đồng hồ cổ thỉnh thoảng đánh lên vài tiếng buồn rầu như linh hồn các người già lão. Bà Cả ngáp. Những vai trong truyện Mạnh Lệ Quân, Thủy Hử, song phượng Kỳ duyên cũng hóa ra uể oải theo giọng đọc uể oải của cô thiếu nữ tinh ranh. Bà Cả dần dần nhắm mắt thiu thiu ngủ. Thế rồi, đến khi nghe bà cô ngáy to lên là Xương đọc thấp giọng dần dần đi, như ru ngủ, rồi Xương lùi rất nhẹ ra đường. Lúc bấy giờ nàng mới khoan khoái thở ra một hơi dài như cất một gánh nặng. Và khi thuật lại cho các chị em ở nhà nghe thì ai cũng rùng mình.
Số phận của Xương là như vậy. Hình như trong gia đình có việc gì khó khăn nặng nhọc là Xương phải giơ vai ra hứng lấy, còn mọi người thì cứ việc sống trong sự an vui rất dễ dàng. Ngày giờ cứ qua đi như vậy. Thú gia đình hòa thuận. Tình mẹ con đầm ấm hôm mai. Đấy là hạnh phúc rất đơn giản của hạng người lương thiện. Những người đàn bà trong tỉnh nhỏ này mỗi lúc lên đèn lại càng thấy rằng mỗi ngày sợi dây thiêng liêng mầu nhiệm của tình thân ái cứ buộc chặt thêm người cùng máu mủ vào nhau, tưởng không có tai nạn gì trên đời chia rẽ được. Và trong thâm tâm của mỗi người đều có một tin tưởng vững bền về sự vĩnh viễn của những ngày vui trong suốt như da trời xanh giữa trưa hè không vẩn màu giông tố. Nhưng cứ mỗi đêm đóng cửa sổ để lên giường, Xương vẫn nhìn lên cái cửa sổ ở nhà xế cửa.
Có khi Thuần tưởng là chị mình đứng như vậy để lắng nghe một tiếng dế vọng vào phòng từ bãi cỏ um tùm mọc ở hè đường, có khi nàng nghĩ rằng Xương mơ màng đến những người trong cuốn tiểu thuyết mà nàng vừa mua giấu chị em nhà để đọc trong những giờ trưa nàng không ngủ. Nhưng không phải, ở trong khung cửa sổ nhà xế cửa thường thường có bóng dáng một người con trai đương tuổi lớn lên qua lại. Cả nhà đã biết đó là ai, nhưng không một ai để ý, trừ Xương ra. Bóng người con trai mỏng mảnh như thân hình một người thiếu nữ ốm yếu vì không bao giờ rời khỏi phòng mình. Người con trai đó là Hòa. Bốn cô thiếu nữ vẫn thường nghe tiếng cụ án gọi đến cái tên này những buổi sáng mai khi cụ thức dậy đi thơ thẩn trong vườn hoa của cụ. Hòa là cháu nội cụ. Nhưng Hòa không còn cha mẹ nữa. Chàng ra đời thì cả cha và mẹ đã theo nhau sang bên kia cõi đời. Chàng là kết quả của một tình yêu vụng trộm và bất hạnh. Cụ án là một người cha nghiêm khắc. Cụ không thể nào chấp nhận được việc người con trai độc nhất của cụ, ông Hoàng Mai lại đi mê một người đào hát và nhất quyết lấy nàng làm vợ. Người con nối dõi tông đường, nối dõi một thế gia lệnh tộc! Cụ đuổi ông Mai ra khỏi cửa nhà. Người đào hát đã đẻ được một đứa con trai trong khi đôi tình nhân mang nhau đi nương náu ở một tỉnh xa về miền thượng du. Đứa con ra đời thì người đàn bà vì kham khổ, vì khí hậu không quen, đau ốm mà từ trần. Người con cụ án thất vọng, chết theo người yêu dấu. Hòa còn một mình ở trên đời. Một người từ thiện thương tình cứu vớt đứa hài nhi vô tội. Hòa lớn lên trong cảnh chia lìa tan tác, nhưng chẳng bao lâu cụ án đổi lòng hối hận. Cụ thương thân mình cô độc lúc tuổi già. Cụ sai người đi tìm cho được Hòa về. Đã bao nhiêu năm đứa cháu sống bên cạnh ông nội, nhưng mà vẫn có một cái gì cách biệt hai người. Cụ án vẫn không quên được rằng vì người đào hát mà con trai mình tự tử. Cụ ghét lây cả đứa con của người đào hát. Cụ sống một mình trong một nếp nhà rộng lớn như một con gấu e;a ngày một buồn rầu, kém ăn, và không bao giờ có một tiếng nói to, một nụ cười. Ngờ đâu bỗng chốc mấy cô gái nhỏ ở nhà trước cửa đi vào nhà cụ, và họ làm thay đổi hết, như là phép nhiệm mầu. Tất cả gánh dĩ vãng nặng nề trên vai cụ án rơi đổ tức thì. Cụ săn sóc đều tất cả mọi người chung quanh. Cụ đã tìm thấy hạnh phúc được sống ở đời. Cụ mừng thầm rằng cháu cụ khỏe mạnh ra, và ham học, ham chơi hơn trước.
Mà thực vậy, mỗi lần ông giáo Phúc chấm bài ông cũng ngạc nhiên thấy Hòa rất chịu khó, rất cố gắng trong sự học. Hình như trong lòng người con trai đương tuổi lớn lên đang có một nguồn há vọng dồi dào, bồng bột. Nó như một ngọn suối nhỏ đã gặp được một dòng sông chảy mạnh để cùng tìm ra bể rộng. Và mỗi buổi chiều đi bên cạnh Xương trên bờ sông, Hòa cũng thường bảo với cô bạn thân mến của mình rằng:
- Hòa muốn chiếm hết cả các bằng ở trên đời này, Xương ạ. Hòa muốn học mãi để giúp ích cho đời. Bởi vì nhiều người khổ quá! Hòa muốn tất cả mọi người sẽ bằng lòng Hòa. Hòa sẽ học và sẽ yêu... tất cả mọi người.
Trong lúc Hòa nói thế thì Xương nhìn người bạn trai của mình bằng đôi mắt kính phục. Mà Xương cũng tin rằng Hòa sẽ làm được như mình đã định. Ánh sáng trong đôi mắt Hòa có một cái gì vừa cương quyết vừa dịu dàng. Xương nói:
- Hòa có ông Hòa giàu như thế thì học đến đâu mà chẳng được. Sau này Hòa sẽ đi ngoại quốc học thêm, bao giờ về thì mọi người sẽ được bằng lòng và sung sướng, vì thấy Hòa sung sướng.
Hòa vội trả lời:
- Không phải thế đâu, Xương ạ. Nếu ông Hòa giàu mà Hòa không được gặp chị em Xương thì chưa chắc Hòa có thích học như bây giờ không kia đấy! Hình như đã lâu, Hòa vẫn coi gia đình chị em Xương như gia đình của mình rồi. Cả trước kia cũng vậy, những hôm đứng ở gác nhìn sang nhà Xương, được chứng kiến cái cảnh hòa thuận êm ái của nhà Xương, Hòa cũng thấy vui lòng và đỡ trơ trọi. Hòa biết rằng thế nào một ngày kia, Hòa cũng được dự một phần vui ở giữa cái gia đình ấy. Hòa sẽ có một địa vị trong lòng những người mà Hòa yêu mến. Và rồi mọi người cũng sẽ yêu Hòa như vậy.
Chàng ngừng một lát nhìn Xương rồi nói tiếp:
- Ngày nay đã là sự thực, Hòa thấy vang trong lòng một nỗi vui mới mẻ, dịu dàng mỗi khi trông thấy Thịnh, hay Thuần, hoặc Ái chạy quanh Hòa. Cũng như trước kia, Hòa đứng trên gác nhìn sang nhà Xương mà được nghe tiếng bà Thông ở trong nhà gọi đến tên mấy chị em Xương đương chơi đùa ở trong vườn. Những cái tên Xương, Thịnh, Ái, Thuần, Hòa đã nhớ rõ như chính tên mình. Nó đã vang lên vui vẻ trong lòng Hòa từ ngày Hòa đến ở với ông. Rồi Hòa kể đến cái thuở bé của mình ở miền rừng. Những ngày đó đã xa xôi quá, Hòa chỉ còn nhớ lờ mờ như chuyện đã xảy ra trong mộng. Hình như cha mẹ Hòa yêu nhau lắm. Hai người thường dắt Hòa mỗi buổi mai đi hóng mát ở trên bờ một con sông chảy giữa hai hàng núi. Nước có khi nông trông thấy cả đáy rêu xanh và cuội trắng. Hai người thường nhặt những hòn cuội cho Hòa chơi.
Thế rồi hai người cùng đi mất, Hòa sống với một gia đình xa lạ. Hòa không được yêu chiều như trước nữa. Cho đến một ngày kia ông Hòa cho người đón Hòa về. Những chuyện đó đã làm cho chị em Xương cảm động, và vì thế họ càng thương người bạn trai của họ. Tình bạn hữu giữa mấy thiếu niên càng ngày càng thêm khăng khít. Và trong bức thư nào gửi đi Hà Giang cho ông Thông, bốn cô con gái cũng nói đến tên Hòa và cụ án. Ông Thông thấy mình ở xa nhà, mà được cụ án để tâm giúp đỡ cho gia đình mình như vậy cũng rất lấy làm cảm kích. Ông Thông càng vui lòng hơn khi thấy vợ con nhắc đến chuyện ông thân mình ngày xưa là học trò ông đẻ ra cụ án. Ông Thông là người biết ăn ở lắm. Chuyện ân nghĩa trước kia, ông vẫn để tâm, chứ không phải là ông không biết. Ngặt vì ông thường thấy cụ án tỏ ra ghẻ lạnh và cao kỳ với tất cả mọi người hàng xóm, nên ông không muốn đi lại, sợ có kẻ không hiểu mình lại cho là ông cầu cạnh, làm quen với kẻ giàu sang quyền quý. Ông nghèo nhưng bao giờ cũng rất giữ gìn. Bây giờ, thấy vợ con ca tụng cụ Án bằng những lời chân thành sốt sắng, ông cũng thấy hả lòng. Ông lại càng dặn vợ con ăn ở với cụ Án cho phải phép để đáp lại chỗ tốt của một ông già chỉ đáng thương mà không đáng trách.