Lansdale đi rồi, phái bộ cố vấn quân sự Hoa Kỳ mới bắt đầu huấn luyện quân đội Nam Việt Nam theo những.chiến thuật sai lầm một cách tai hại vì không thích hợp với tình hình. Đáng lẽ chuẩn bị cho họ đối phó với một cuộc chiến tranh du kích do Cộng sản lãnh đạo thường diễn ra ở xã, thì người Mỹ lại huấn luyện cho họ chống lại một cuộc xâm lăng của quân đội chính quy Bắc Việt Nam. Vì vậy, quân đội Sài Gòn đã tiến thành bản sao mờ nhạt của quân đội Hoa Kỳ, với mấy anh lính bộ đội nhỏ con, xúng xính lỉnh kỉnh với bộ trang phục của Mỹ đi khắp nông thôn, hành quân đúng như trong sách giáo khoa của trường lục quân Fort Benning. Một số quan chức Mỹ đã phản đối việc biến quân đội Nam Việt Nam thành một quân đội kiểu Mỹ - trong số đó có Lansdale, dĩ nhiên, mà cũng có cả một người từ trước tới nay bao giờ cũng theo quan điềm chính thống là Bộ trưởng ngoại giao John Foster Dulles.Trong trường hợp này, ông bộ trưởng lại nhấn mạnh tới việc phải tiến hành một cuộc chiến tranh chống du kích mới đúng. Sai lầm sớm trở thành một sai lầm có tính chất quyết định nhưng chính Lansdale cũng cho rằng sai lầm này khó tránh khỏi, bởi vì đó không phải do dốt nát mà không biết, mà chính là do một kinh nghiệm lịch sử còn mới mẻ quá, mới năm năm trước đây Bắc Triều Tiên đã mang quân chính quy xâm lăng Nam Triều Tiên do Mỹ ủng hộ. Thiếu tướng Samuel (Hanging Sam) Williams hiện đang làm trưởng phái bộ cố vấn quân sự Hoa Kỳ từ năm 1955, trước đây đã tham gia chiến tranh Triều Tiên. Tin tình báo mà ông nhận được cho thấy là Bắc Việt Nam trang bị cho quân đội của họ bằng súng Liên Xô, biến thành một quân đội chính quy hiện đại, càng làm cho ông tin rằng sớm muộn gì họ cũng xâm lăng Nam Việt Nam. Hơn nữa, chính Diệm cũng thích có một đội quân chính quy, ông cũng sợ một cuộc xâm lăng của Bắc Việt Nam và cũng sợ với mức độ như vậy một cuộc nổi dậy của nông dân vũ trang chống lại ông. Với một quân đội quy ước ông có phần dễ thao túng những người chỉ huy của họ mà tiếp tục cầm quyển. Trong vòng mười năm sau, mỗi lần đọc hay nghe nói về Việt Nam thì dân chúng Mỹ lại được tiếp xúc với hàng lô lý thuyết về “chống nổi dậy” và làm thế nào để đánh lại một cuộc “chiến tranh nhân dân”, những lý thuyết có vẻ mơ hồ và xa xôi là lạ. Nhưng vấn đề cơ bản của nó thì rất đơn giản. Làm thế nào một lực lượng vũ trang chính quy chống xâm lăng lại đánh nhau với một lực lượng vũ trang không quy ước tiến hành chiến tranh du kích trong nội địa? Sai lầm này thực ra đã bắt đầu từ trước khi người Mỹ hoàn toàn nắm quyền kiểm soát từ tay người Pháp. Châu đã thấy điều đó. Ông nhận thấy rằng người Mỹ hiểu Việt Nam kém hơn người Pháp và tỏ ra không có khả năng học hỏi. Cuộc chiến tranh của Pháp kết thúc thì Châu leo lên địa vị chỉ huy cao cấp. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy một đại đội nằm trong một lực lượng xung kích của Pháp, gọi là toán cơ động (gtoupe mobile). Ông đã nhiều lần bị thương trong chiến đấu, và có một lần nặng đến nỗi mà vợ ông phải vào nhà xác trong ba ngày liên tiếp xem ông có bị giết như hầu hết đồng đội trong tiểu đoàn không. Khi Diệm tới Sài Gòn thì Châu đang chỉ huy một tiểu đoàn bên ngoài Đà Nẵng. Châu đã sớm bị lôi cuốn vào âm mưu đảo chính chống Diệm của Nguyễn Văn Hinh, người mang quốc tịch Pháp. Một trong những người ủng hộ Hinh đã bay vào Sài Gòn và ghi tên Châu trong danh sách những người tham gia lật đổ. Châu không có gì chống Diệm, vả lại, Diệm cũng mới vừa lên cầm quyền có hai tháng, nhưng hầu hết bạn của ông đều ủng hộ đảo chính nên ông cũng đồng ý tham gia. Người ta thu xếp để ông được chuyển về Huế làm chỉ huy một trường võ bị và một lực lượng xung kích, làm người chỉ huy phó cuộc nổi dậy ở thành phố lớn thứ hai của Nam Việt Nam. Sau khi Lansdale đã dập tắt âm mưu này từ trong trứng thì những người cầm đầu đảo chính mới cho Châu biết rằng họ đã tính sai, vì từ nay trở đi không thể làm bất cứ chuyện gì mà không được sự chấp thuận của Mỹ, vì vậy mà họ thất bại. Họ bảo Châu rằng bây giờ Châu phải đến xin lỗi một người em của Diệm là Cẩn, đang sống ở Huế và thực tế là đang nắm quyền hành ở miền Trung Việt Nam. Xin lỗi ư? Châu hỏi lại. Không bao giờ. Ông không phải là người lãnh đạo cuộc đảo chính mà chỉ là một sĩ quan bị cấp trên lôi kéo tham gia. Họ nói nếu vậy thì được, ông không thể ở lại Huế được. Họ sẽ điều ông về làm chỉ huy trưởng trường sĩ quan tại Học viện quân sự Đà Lạt nơi ông đã dạy một lần trước đây. Châu tới Đà Lạt với quân hàm thiếu tá. Ít lâu sau thì Thiệu đến. Thiệu bây giờ đã là trung tá và là người lãnh đạo trường võ bị. Châu với Thiệu không ở chung với nhau nữa nhưng vẫn chơi thân và làm việc chung với nhau rất tốt. Lúc đó Diệm từng bước củng cố quyền lực của mình. Hoàng đế Bảo Đại, do Pháp xúi giục, đã định cách chức Diệm nhân lúc các giáo phái nổi dậy. Nhưng Diệm từ chối rời bỏ quyền hành và tuyên bố một cuộc trưng cầu ý dân xem dân chúng có chọn Bảo Đại làm Quốc trưởng hay chọn ông làm Tổng thống. Lansdale làm cố vấn cho cuộc tuyền cử của Diệm, chọn cho Diệm màu đỏ trên lá phiếu, cộng với nhiều may mắn, trong khi lá phiếu của Bảo Đại màu xanh, hy vọng sẽ lôi kéo nông dân trở về với Diệm. Nhưng mọi công lao của Lansdale đều không cần thiết. “Tôi bảo Diệm là đừng có ăn gian”, Lansdale nói. “Thế mà ông ta lại có tới chín mươi tám phần trăm số phiếu. Lạy Chúa tôi!?” Diệm cũng tuyên bố rằng ông không hề có ý định tham gia một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước giữa miền Bắc và Nam vào năm 1956 như Hiệp định Genève đã quy định. Diệm nói với Lansdale rằng ông không tin Cộng sản sẽ thẳng thắn trong những cuộc tuyển cử. Lansdale không phản đối, có thể còn khuyến khích Diệm là khác. Ông thuyết phục Diệm tổ chức một cuộc tuyển cử bầu Quốc Hội lập hiến để hợp hiến hoá chính phủ của Diệm và mời một người nào đó từ Philippines qua thảo giùm cho Diệm bản hiến pháp. Tuyển cử được tổ chức, và một Quốc hội được thành lập đóng vai trò chất cho nền độc tài của Diệm. Nhưng những sự kiện đó hình như quá xa đối với Châu vì Châu đang ở Đà Lạt với đồi núi trùng điệp và những hồ nhỏ xinh đẹp phong cảnh yên tĩnh của một thành phố đại học. Ông và các bạn sĩ quan Việt Nam khác đang phải thực hiện một cuộc chuyển mình: họ đã học nói tiếng Pháp và những nghi thức của Pháp trong giao dịch; bây giờ họ phải học tiếng Anh và phải làm quen với cái kiểu không nghi thức khó chịu của người Mỹ. Đối với Châu, sự chuyển mình này rất là khó chịu. “Tôi phải mất một thời gian mới cởi bỏ được cảm giác tự phản bội”, Châu nói, “như tôi đang tự liên kết với một nhóm ngoại bang mới là người Mỹ để kiếm sống - sau bao nhiêu năm tìm cách tự tách mình khỏi một nhóm ngoại bang khác, người Pháp”. Tuy vậy, ông rất vui mừng khi được lệnh đến trình diện tại căn cứ Fort Benning, tiểu bang Georgia, để theo một khoá huấn luyện bộ binh trong mười tháng. Ông sẽ có dịp được thấy tận mắt nước Hoa Kỳ và tìm hiểu cái đám ngoại bang mới. Trong số hai mươi lăm sĩ quan trong nhóm đi Fort Beuning, không có ai đủ tiếng Anh để nói chuyện cả. Khi họ xuống San Francisco, họ rất khích động trước những khả năng của vùng đất mới giàu có này. Nhưng một ngày trước khi họ đi xe lửa theo dự kiến tới Georgia thì bao nhiêu phấn khởi đều tiêu tan khi một đại uý phụ trách nhóm của họ cho biết là họ phải đi xe buýt màu vàng đề ra ga. Họ đã nghe quá nhiều về tệ phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ rồi. Có phải họ buộc phải đi xe buýt vàng vì màu da của họ không? Cả nhóm đang phân vân không biết phải làm gì. Một số thì cho rằng nên làm thinh cho rồi nhưng một số thì chủ trương phải phản đối sự sỉ nhục này mới được. Cuối cùng, Châu đã thu hết can đảm để nói với viên đại uý Mỹ. Khi viên đại uý hiểu được câu hỏi bằng thứ tiếng Anh chập chững của Châu, thì ông ta ngửa đầu ra mà cười. Không, ông nói, xe buýt màu vàng (Yellow Cabs) chẳng có liên quan gì đến chủ nghĩa chủng tộc cả, mà đó chỉ là tên của công ty đó mà thôi. Các sĩ quan Việt Nam thở phào và cũng bật cười theo về sự hiểu lầm của họ, nhưng Châu vẫn cảnh giác. Nói về chủng tộc, người Mỹ không như người Pháp. Ông đã thấy ví dụ khi ông đến dự một buổi hoà nhạc ở Nat Kinh Cole tại Phoenix, tiểu bang Alabama, không xa Fort Benning. Bất ngờ có nổ ra đánh nhau và buổi hoà nhạc bị hoãn lại, Châu nghe nói là vì có một người da đen đã ôm hôn một phụ nữ da trắng trên sân khấu. Chỉ tới khi ông đi chơi một chuyến lên Washington và ở tại nhà một người Mỹ tên là Klein thì Châu mới bắt đầu có cảm tình với người Mỹ. Châu thấy gia đình Klein rộng rãi và ân cần, tiếp nhận ngay một người ngoại quốc và một người Châu Á như ông như một người trong gia đình. Họ là những người kỳ diệu, ông nghĩ vậy, và thời gian ông ở chung với họ đã giúp ông thanh toán mối nghi ngờ của ông đối với người Mỹ nói chung. Cũng như những sĩ quan học viên ngoại quốc khác, Châu không thể không choáng ngợp trước sự phô bày hoả lực hiện đại tại Fort Benning - hoả lực bộ binh tập trung, đại bác, tầm xa, xe tăng, máy bay phản lực, máy bay ném bom, tất cả để yểm trợ cho người lính bộ binh. Và mặc dầu ông vẫn lo ngại rằng tất cả những cái đó chưa chắc là cái tốt nhất để đánh một cuộc chiến tranh du kích, ông đã trở về học viện quân sự Đà Lạt trong một tâm trạng phấn khởi sau khi tốt nghiệp ở Fort Benning tháng Chín 1956. Những thay đổi ở học viện Đà Lạt thể hiện rất rõ. Sự chuyển mình đã hoàn tất. Người Mỹ có mặt khắp nơi. Một số vợ con các sĩ quan Mỹ cũng đi theo chồng sang đây. Tại một cuộc tiếp tân, Châu thấy chướng tai gai mắt khi một trung sĩ Mỹ ngồi chung một di-văng với vợ một trung tá và nói chuyện với bà ta như một người ngang hàng. Ông chưa bao giờ thấy một chuyện như vậy ở người Pháp mà cũng chưa bao giờ thấy ở người Việt Nam. Cái kiểu đối xử không phép tắc như vậy của người Mỹ cần phải có một thời gian mới quen được. Nhưng nếu trong giao dịch xã hội, người Mỹ không nghi thức thì trong quan hệ công tác, họ lại rất khắt khe. Châu được bổ nhiệm làm Giám đốc giáo vụ của trường và có trách nhiệm hợp tác với người tương nhiệm của ông bên phía Mỹ, một thiếu tá của trường West Point, để soạn thảo chương trình đào tạo bốn năm cho các sĩ quan Việt Nam. Châu rất thích công việc này vì ông nghĩ rằng đã đến lúc chấm dứt hệ thống đào tạo cũ của Pháp, và tạo ra một loại sĩ quan mới cho Việt Nam, nhưng ông lại nghĩ rằng trong chương trình đào tạo cần phải có sự cân đối giữa những kỹ thuật quân sự hiện đại với những tư tưởng văn hoá truyền thống Việt Nam. Nhưng viên thiếu tá người Mỹ chẳng quan tâm mấy tới dự định của Châu và nói cho Châu biết rằng chương trình của Học viện Hoa Kỳ và bản sao của nó được áp dụng ở Philippines phải được áp dụng nguyên xi ở Việt Nam. Châu không kịp phản đối việc Mỹ hoá Học viện quân sự thì đã bị điều đi nơi khác tháng Năm 1957, vì những lý do chính trị. Thiệu cũng bị điều đi trước đó khỏi chức chỉ huy trường, do sự vận động của đảng Cần Lao, đảng của ông em Diệm, phần đông đảng viên là người theo đạo Thiên Chúa được giao cho những nhiệm vụ then chốt trong chính phủ và quân đội. Không biết có phải trò chính trị bất lương đã đưa Thiệu tới chỗ hiểu thêm về đạo Thiên Chúa không thì không chắc, nhưng chỉ biết là ông ta đã sớm từ bỏ đạo Phật để theo một cái đạo có ảnh hưởng chính trị mạnh hơn. Rồi tới Châu, con người mộ đạo Phật, chịu sức ép của đảng Cần Lao, đã bị chuyển đi khỏi học viện. Ông được tạm thời chuyển về làm tham mưu trưởng một sư đoàn do một người bạn cũ làm tư lệnh. Sài Gòn không chịu bổ nhiệm chính thức và đã sớm thay ông bằng một đảng viên Cần Lao. Châu lại bị điều đi nơi khác, lần này đến một trung tâm huấn luyện. Xem ra thì sự nghiệp của Châu đã tới đường cùng. Bởi vì ông đã tham gia cuộc đảo chính hụt của Hình, ông bị coi là một người chống Diệm, nhưng không phải vậy; và ông đã từ chối tham gia đảng của Nhu là đảng Cần Lao. Ông không hề được đề bạt một lần nào kể từ khi cuộc chiến tranh của Pháp chấm dứt tới nay. Một số bạn bè và người đồng thời với ông đã lên tướng. Nguyên Văn Thiệu làm đại tá. Nhưng Châu cũng không oán trách. Viên tướng phụ trách trại huấn luyện đã từng làm chỉ huy an ninh trong cảnh sát của Pháp, và Châu ghét tất cả những người Việt Nam đã cộng tác với Pháp, khác với con người mà ông cho là một quân nhân đáng kính trọng trong cuộc đấu tranh chống Cộng sản, nhưng ông cũng không ngờ là ông lại hợp tác rất tốt với ông này. Viên tướng được cử đi quan sát một chuyến ở Israel và khi trở về ông đã nhờ Châu viết giùm một bản báo cáo. Châu đã hết sứt cố gắng để cho ông tướng cũng như bản báo cáo của ông ta gây được ấn tượng càng nhiều càng tốt. Không lâu sau đó, Châu nhận được một bức thư gọi về Sài Gòn để có một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Diệm. Châu không biết rằng báo cáo của ông tướng đã được đánh giá cao và ông tướng này đã nói chính Châu đã giúp ông thảo ra báo cáo đó. Khi Châu bước vào dinh Tổng thống, Diệm đã chào ông, mời ông ngồi và bắt đầu nói về gia đình Châu. Diệm biết bố Châu, vị quan toà hưu trí, Diệm nói rằng mặc dầu ông với bố Châu có những bất đồng chính trị nhưng ông vẫn kính trọng bố Châu là một người liêm chính. “Còn anh thì sao?” Diệm hỏi. Châu nói rằng ông cố làm một đứa con hiếu thảo và tiếp tục truyền thống phục vụ đất nước do tổ tiên để lại. Nói xong điều đó thì cuộc tiếp xúc cũng chấm dứt và Châu trở lại trại huấn luyện. Châu đã quen với cái lối giao thiệp kín đáo của Việt Nam, giống với mọi người đồng hương của mình không thích cái kiểu xông thẳng vào vấn đề nhưng ông không biết phải làm gì với cuộc nói chuyện của Diệm. Nhưng ông tướng ở trại huấn luyện đảm bảo với ông rằng ông sẽ không còn ở đây lâu nữa đâu. Diệm đang chú ý tới ông và dĩ nhiên là Diệm sẽ có kế hoạch cho ông. Một tuần lễ sau, Châu được bổ nhiệm làm thanh tra dân vệ. Diệm mời ông đến nói chuyện một lần nữa. Lần này Tổng thống nói thẳng. Nhiệm vụ mà ông giao cho Châu, ông nói, là một nhiệm vụ mà ông cho là cực kỳ quan trọng, bởi vì chính ở cấp dân vệ quan hệ quân dân mời hình thành. Diệm yêu cầu Châu bỏ ra ba tháng đi khắp trong nước nói chuyện với dân thường xem họ nghĩ gì về quân đội. Đây là cố gắng nghiêm chỉnh đầu tiên của chính quyền Sài Gòn, dĩ nhiên là có CIA thúc giục, nhằm hạn chế sai lầm đã biến quân đội Nam Việt Nam thành một quân đội quy ước chống xâm lăng từ bên ngoài hơn là tập trung sự chú ý vào lối phản ứng linh hoạt kiểu dân vệ ở xã là nơi diễn ra cuộc chiến tranh du kích. Châu đã đi khắp nơi và kinh hoàng trước những gì ông được thấy. Quân đội đối xử không tốt với dân chúng, hành động ngang ngược, nhiều khi còn cướp bóc tài sản của dân chúng nữa. Viện trợ Mỹ đã bị sử dụng sai mục đích đề ra. Ban hội tề được chỉ định ở làng cư xử như những ông vua con. Lúc đó Cộng sản chưa kiểm soát được nhiều ở nông thôn nhưng Châu cho rằng cách đối xử không tốt của quân đội đối với dân chúng sẽ mở đường cho Cộng sản. Ông trở về Sài Gòn viết một bản báo cáo chỉ trích rất mạnh những việc nói trên. Nhiều tháng trôi qua mà Châu không thấy hồi âm gì. Ông cho rằng Diệm không thích bản báo cáo của ông vì nó chứa đựng những tin xấu, hoặc là bản báo cáo đã lạc mất trong dinh Tổng thống rồi. Nhưng hoá ra là Diệm phải mất một thời gian để có quyết định. Diệm muốn Châu làm một điều gì đó để cứu vãn tình hình. Ông phong cho Châu làm chỉ huy dân vệ ở một vùng, dân vệ là những người lính hoạt động ở làng và không thuộc vào quân đội chính quy. Nhiệm vụ của Châu là dựng lên một điển hình cho cả nước bắt chước làm theo. Ông phải dạy cho quân lính cách đối xử với dân chúng, lập một mô hình về ban lãnh đạo xã, và làm cho người nông dân tự nguyện tham gia chương trình tự phòng thủ. Đó là vào đầu năm 1961 và cái mô hình của Châu đã thu hút sự chú ý của Mỹ. Đây là một việc làm kết quả mà lại do người Việt Nam tự làm lấy. Giám đốc chi cục CIA William Colby đã tổ chức cho người ta tới tham quan chương trình của Châu. Châu gặp các ông tướng Mỹ được phái tới Sài Gòn, kể cả Charles Timmes, đứng đầu phái bộ cố vấn Mỹ, ông này về sau đã thừa nhận rằng công việc của phái bộ biến quân đội Nam Việt Nam thành một quân đội chính quy nhằm chống lại một cuộc xâm lăng từ bên ngoài là một sai lầm then chốt trong chiến tranh. Châu cũng còn gặp và làm bạn với một trung tá tên là John Paul Vann, được cử đến làm cố vấn cho một sư đoàn đóng bên cạnh. Diệm cho gọi Châu vào dinh Tổng thống để làm người báo cáo tình hình cho hội đồng an ninh quốc gia, người tồng hợp mọi tài liệu từ các Cục khác nhau lại, làm một bản tóm tắt, rồi báo cáo cho Diệm. Diệm đánh giá cao việc làm của Châu nên đã quyết định bổ nhiệm ông làm tỉnh trưởng của một trong bốn mươi tư tỉnh của Nam Việt Nam. Ông bây giờ là Trung tá Châu, tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hoà, ở phía Nam Sài Gòn.