Dịch giả: Lê Minh Đức
Chương 19
Sài gòn 1975

Tháng Ba 1975, tướng Văn Tiến Dũng, Tham mưu trưởng quân đội Bắc Việt Nam tập trung quân của ông bên ngoài thị xã Buôn Ma Thuộc ở cao nguyên miền Trung. Nơi ông ở cũng không xa nơi quân chính quy Bắc Việt Nam đã đụng độ với quân Mỹ lần đầu tiên ở Ia Drang mười năm về trước trong trận đánh lớn lần đầu tiên giữa các lực lượng chính quy. Quân Bắc Việt đã thua trong trận đó và đã điều chỉnh chiến thuật của họ, tránh trực diện đối đầu với quân Mỹ bảy năm sau đó cho tới khi họ thấy thời cơ đã tới để công khai đánh nhau với xe tăng và đại bác. Nhưng họ đã bị không lực Hoa Kỳ đánh bại trong trận tấn công 1972 nên họ lại rút vào bí mật cho đến khì quân Mỹ và máy bay của họ rút đi. Bây giờ thì họ sẵn sàng tấn công.
Cuộc chiến tranh du kích do Việt Cộng phát động đầu những năm 1960 đã chấm dứt vào khoảng 1970. Người ta có thể nói là quân Mỹ, với sự khủng khiếp của bom và đạn pháo, được hỗ trợ bởi một vài chương trình bình định như Phượng Hoàng, đã thắng cuộc chiến tranh này. Dư luận công chúng ở Mỹ lại không nhận thức được thắng lợi đó, bởi vì tới lúc đó, họ chỉ mong làm sao kết thúc sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam cho rồi. Nói chung, sự rút lui của Mỹ đã để lại một tình huống là quân chính quy Nam Việt Nam phải đương đầu với quân chính quy Bắc Việt Nam. Mặc dầu Lầu Năm Góc vẫn đưa ra những báo cáo lạc quan về chương trình “Việt Nam hoá” - nhấn mạnh sự cải tiến quân đội Sài Gòn - rõ ràng là quân Bắc Việt Nam đã ở thế thượng phong.
Không còn ai nghi ngờ - chắc chắn là Nguyễn Văn Thiệu càng không hề nghi ngờ - rằng quân Bắc Việt Nam sẽ phát động một cuộc tấn công đại quy mô sau khi hiệp định hoà bình năm 1973, buộc Mỹ phải rút toàn bộ quân của họ về nước, và Thiệu đã triển khai một kế hoạch khẩn cấp để đối phó với đòn tấn công mạnh mẽ được dự đoán trước của Bắc Việt Nam. Ông dự định rút bỏ hai vùng chiến thuật giáp với Bắc Việt Nam và tập trung lực lượng vào chu vi phòng thủ quanh Sài Gòn, bảo vệ trung tâm hành chính và kinh tế của đất nước, cùng với vùng lúa gạo sinh tử của đồng bằng sông Cửu Long.
Kế hoạch khẩn cấp này được một thiếu tướng người Úc tên là Ted Sarong, thảo ra sau khi quân Mỹ rút lui, ông tự nguyện tới, tự mình hiến kế làm Cố vấn quân sự cho Thiệu, nhưng ý kiến tách Nam Việt Nam ra lập một vùng dễ bảo vệ hơn đã có từ nhiều năm qua và không phải là không lôgíc, bởi vì người ta tính rằng, trong tấn công, quân Bắc Việt Nam dễ tập trung ưu thế quân lực vào một điểm nhất định hơn quân Nam Việt Nam đang phải dàn mỏng ra bảo vệ nhiều vị trí trong khắp nước và có ít quân lực dự trữ.
Tháng Ba 1975, khi quân Bắc Việt Nam tràn ngập thị trấn Buôn Ma Thuộc, họ đã buộc Thiệu phải đem kế hoạch khẩn cấp ra thực thi. Hà Nội đã giao cho trung Văn Tiến Dũng nhiệm vụ đánh chiếm Buôn Ma Thuộc, như là một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn mà Bắc Việt Nam hy vọng là sẽ đưa tới sự sụp đổ của Sài Gòn - năm 1976, khi người Mỹ bận rộn với cuộc bầu cử Tổng thống của họ và không muốn phản ứng nữa. Trong chiến thắng này, tướng Dũng đã bắt được một sĩ quan cao cấp của Sài Gòn, ông này không biết kế hoạch khẩn cấp, nhưng hiểu rõ thái độ của Thiệu lúc này, đã nói với Dũng trong cuộc thẩm vấn rằng rất có thể Thiệu sẽ bỏ những thị trấn then chốt ở cao nguyên là Pleiku và Kontum nếu bị sức ép mạnh. Dũng đánh điện cho các đồng chí của ông ở Hà Nội yêu cầu tấn công mạnh hơn nữa vào hai quân khu phía Bắc của Nam Việt Nam. Hai hôm sau, Hà Nội tán thành yêu cầu của Dũng, phát động cái đã trở thành cuộc tấn công cuối cùng của chiến tranh.
Một trong những khuyết điểm trong kế hoạch khẩn cấp của Thiệu là đã không có cải tiến gì trong sự phân công giữa các cấp chỉ huy quân sự của quân đội Sài Gòn kể từ thời Diệm. Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn chẳng có quyền hành gì cả. Các Tư lệnh sư đoàn báo cáo trực tiếp cho Thiệu và Thiệu bổ nhiệm họ tuỳ theo lòng trung thành của họ đối với ông, để đề phòng một cuộc đảo chính, y như Diệm đã làm.
Vị Tư lệnh trung thành với ông ở vùng chiến thuật mà ông ra lệnh rút bỏ, coi đó là giai đoạn thứ nhất của kế hoạch khẩn cấp, là Trung tướng Phạm Văn Phú, ông này cũng như Thiệu, đã phục vụ trong quân đội Pháp. Trong thực tế là Phú đã bị bắt cùng với quân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, đã bị giam trong một trại tù binh mà mỗi lần nhớ lại ông ta còn run sợ như ông đã nói với bạn là Lou Conein: “Tôi quyết không bao giờ để bị bắt một lần thứ hai. Một lần nữa thì chắc là tiêu luôn”. Khi Thiệu ra lệnh cho Phú bắt đầu rút quân khỏi vùng hai chiến thuật thì Phú đã kinh hồn hoảng vía chạy tìm chỗ an toàn ở một cái chốt vùng ven biển và, việc rút khỏi Kontum và Pleiku thành một cuộc tháo chạy hoảng loạn, thành bước đầu tiên của sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn.
Bắc Việt Nam thường gọi quân đội Sài Gòn là “quân đội bù nhìn”, nhưng họ cũng không ngờ tới một sự sụp đổ nhanh như vậy, y như một con rối đứt dây. Nói một cách nào đó thì quân đội Sài Gòn bị Quốc Hội Hoa Kỳ cắt dây, bởi vì sau khi có lệnh ngừng bắn năm 1973 và việc đón tù binh chiến tranh của Mỹ về nước thì Quốc Hội Hoa Kỳ quyết tâm chấm dứt cuộc chiến tranh này, một lần và dứt khoát, cho dù điều đó có nghĩa là một thắng lợi của Bắc Việt Nam. Thay vì cung cấp cho Nam Việt Nam khoản viện trợ 1,45 tỷ đô la như chính quyền Nixon xin cho năm 1975, Quốc Hội đã cấp không được một nửa số đó - 700 triệu - và có ý sẽ cắt toàn bộ viện trợ cho Sài Gòn. Sau khi Bắc Việt Nam đánh chiếm Buôn Ma Thuộc, chính quyền Ford xin thêm một khoản viện trợ khẩn cấp 300 triệu đô la cho Nam Việt Nam, nhưng yêu cầu này cũng bị Quốc Hội bác bỏ.
Quang cảnh Sài Gòn trong cơn sụp đổ có những nét giống như những ngày đầu chiến tranh, khi mọi sự đều tan tác cả. Ngay cả khuôn mẫu các nhân vật cũng không khác gì nhau. Thay vì Diệm thì nay là Thiệu, con người giờ đây lại tỏ lòng ngưỡng mộ phong cách lãnh đạo của nhà độc tài đã bị giết và cũng thường thu mình trong vỏ kén của mình. Một vị Đại sứ Mỹ gây nhiều tranh luận khác của Mỹ đang lãnh đạo sứ quán, Graham Martin đã tới thay thế Ellsworth Bunker năm 1973 và được một số cộng tác ngưỡng mộ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp không khoan nhượng trong khi một số người khác, số này ngày càng nhiều hơn coi là một người ngoan cố bướng bỉnh không chịu chấp nhận thực tế cho tới khi suýt nữa thì không kịp tổ chức cuộc di tản khỏi Sài Gòn. Cả hai nhóm người này lại thống nhất với nhau ở chỗ thừa nhận rằng Graham Martin tới Sài Gòn khi nhân dân Mỹ đã quay lưng lại cuộc chiến tranh và Quốc Hội Mỹ chỉ muốn cắt đứt mọi khoản viện trợ thì sự bổ nhiệm này chỉ có thể đưa ông ta tới chỗ thất bại mà thôi.
Tương tự như vậy, trong những ngày cuối cùng này, Charles Timmes đã đóng vai trò tương tự như Lou Conein trước cuộc đảo chính Diệm. Ông là người của CIA liên hệ với các tướng lĩnh Nam Việt Nam trong những cơn giẫy giụa cuối cùng. William Colby đã đích thân chọn Charles Timmes trong một bữa ăn trưa tại một nhà hàng ở Washington. Hai người là bạn cũ, và Timmes đã gần sáu mươi tuổi, nghĩa là sắp rút lui khỏi quân đội với quân hàm Trung tướng. Colby và Timmes rất giống nhau nên Colby đã chọn một người giống mình để đảm nhận chức vụ này. Cả hai đều có bề ngoài không diễn cảm, ăn nói nhẹ nhàng mềm mỏng, tỉ mỉ, ôn hoà, nhã nhặn - và cả hai đều rất cứng rắn và đặc biệt gan dạ. Timmes hồi trẻ muốn làm một ca sĩ opéra, nhưng trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã nhảy dù xuống vùng Normandy, với tư cách là một Tiểu đoàn trưởng trong sư đoàn không vận 82, tảng sáng ngày D, và đã được tặng thưởng huân chương cao hạng hai về lòng dũng cảm trong chiến đấu. Năm 1962, ông được chọn làm người đứng đầu phái bộ Cố vấn Hoa Kỳ ở Việt Nam và trong nhiệm kỳ này ông đã quen với một số sĩ quan trẻ Nam Việt Nam nay đã lên cấp tướng. Một trong những người đó, lúc trước là thiếu tá, nay là Nguyễn Văn Thiệu. Colby có ý sử dụng sự quen biết của Timmes để có được mối quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo mới của Nam Việt Nam, để thay thế cho mối quan hệ của Lou Conein với giới lãnh đạo cũ. Lou Conein thì uống rượu và tán gẫu với họ, còn Timmes thì rủ họ chơi tennis và nghe những lời ta thán của họ, tới năm 1974 thì ông đã nghe được khá nhiều chuyện.
Timmes nói: “Các sĩ quan Việt Nam đều biết rằng Quốc Hội Hoa Kỳ đang cắt hết mọi khoản viện trợ. Các Tư lệnh quân sự đều nói chuyện này. Họ nói “Vậy thì chúng tôi phải đổ máu vô ích đề làm gì?” Họ cho rằng Hoa Kỳ không làm tròn nghĩa vụ của mình”.
Tình hình chính trị trong những ngày tàn này lại trở lại với những tiêu chuẩn của thuở ban đầu và những tin đồn về đảo chính vẫn lan tràn khắp nơi. Sau khi cuộc tấn công của Bắc Việt vừa bắt đầu thì Nguyễn Cao Kỳ cũng bắt đầu tìm cách lật đổ Nguyễn Văn Thiệu là người đã đánh bại ông trong cuộc tranh giành quyền bính trước đây. Kỳ sẽ gặp một viên tướng để tìm cách lôi kéo ông này tham gia một cuộc đảo chính, và CIA sẽ cử Charles Timmes đến gặp viên tướng này để nói ông ta đừng theo Kỳ. Để tranh thủ thời gian, Timmes chở Đại sứ Graham Martin trong chiếc Volkswagen cũ kỹ của ông tới gặp Kỳ tại nhà, và hai người cố làm cho Kỳ tin rằng họ sẽ ủng hộ Kỳ làm Quốc trưởng tương lai nếu ông kiên nhẫn chờ đợi và đừng chống lại Thiệu. Nhưng lại có nhiều dấu hiệu khác cho thấy là một cuộc đảo chính có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Trần Văn Đôn đã thay đổi bao nhiêu chức vụ từ một viên tướng thành một Thượng Nghị sĩ rồi làm Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng vẫn là một mưu sĩ không mệt mỏi đang âm mưu lật đổ Thiệu và thay thế ông ta, cùng với người đã cùng tham gia đảo chính lật Diệm, Dương Văn Minh, con người mà qua bao nhiêu năm tháng vẫn không thông minh và quả quyết hơn chút nào.
Cuối cùng Đại sứ Graham Martin nhận thức ra rằng Thiệu phải ra đi, nếu còn có một cơ hội nhỏ nhoi nào đó để thương lượng một cuộc ngừng bắn với Bắc Việt Nam, những người đang chạy đua về phía Sài Gòn trên những chiếc xe tăng của họ. Ông thu xếp để gặp Thiệu và bắt đầu kiểm điểm tình hình quân sự và tìm cách đề cập vấn đề với Thiệu.
“Tình hình quân sự thật là tồi tệ”, Martin kết luận. “Và nhân dân cho rằng đó là lỗi tại ông”.
Lúc đầu Thiệu không chịu từ chức ngay, nhưng sau đó nghĩ lại, ông ta mới đọc một bài diễn văn lâm ly thống thiết trên truyền hình, trong đó ông ta đả kích Henry Kissinger và Hiệp đinh hoà bình đưa tới việc rút hết quân Mỹ năm 1973, rồi rút lui, giao Sài Gòn vào tay Trần Văn Hương, Phó Tổng thống già bảy mươi mốt tuổi và thân Pháp, ông này lấp bấp nói rằng số phận đã đưa ông đến chỗ lãnh đạo đất nước, làm như ông ta lẩm cẩm cho mình là Charles de Gaulle vậy.
Hai ngày sau khi Thiệu từ chức, Hương yêu cầu Graham Martin đưa Thiệu rời khỏi đất nước để cho ông ta không còn là một chướng ngại trong việc Hương thương lượng với cộng sản. Martin giao cho Timmes nhiệm vụ lo đưa Thiệu đi. Timmes gọi điện thoại cho Thiệu, cho ông ta hay là sẽ có một trực thăng đến đón ông ta tại dinh Tổng thống, nhưng Thiệu nói để ông ta tới tổng hành dinh của quân đội tại sân bay, tại đó họ sẽ uống rượu với nhau trước khi ra đi với những người chung quanh gồm hai mươi hai người phần lớn là tướng tá. Frank Snepp được giao trách nhiệm lái chiếc li-mu-din chở Thiệu và Timmes mười phút ra máy bay, cất cánh đi Đài Loan.
Sau đó thì Martin và Timmes lại vận động cho Hương từ chức, giao quyền hành lại cho Minh Lớn. Trần Văn Đôn và Đại sứ Pháp, Jean Marie Mérrillon, đã tác động tới Martin và Tom Polger, Chi cục trưởng của CIA, rằng chỉ có Minh Lớn là người có khả năng thương lượng một cuộc ngừng bắn với cộng sản để cứu thành phố Sài Gòn. Người Pháp, trong những ngày cuối cùng này, lại chơi cái trò xác định lại ảnh hưởng của họ ở Đông Dương, với những công cụ của họ là những người thân Pháp theo kiểu Trần Văn Đôn, họ đã học nói tiếng Anh nhưng vẫn giữ ảnh hưởng văn hoá của Pháp. Chi cục trưởng Polgar cử Timmes tới gặp Minh Lớn hỏi xem ông ta có chịu lên nắm chính quyền và thương lượng với cộng sản nếu Hương bị gạt ra một bên không.
Timmes báo cáo rằng: “Minh Lớn tin rằng cộng sản sẽ nói chuyện với ông và ông có thể thươnglượng với họ. Sau đó thì đại bác của cộng sản đã bắt đầu nã đạn vào thành phố. Tôi nói với Minh Lớn là hãy nói chuyện với cộng sản để tìm cách làm im tiếng súng, nhưng họ không nghe ông ta. Tôi thấy là mọi việc đã kết thúc. Đêm hôm đó, tôi rời khỏi Việt Nam”.
Nhiều người Việt Nam khác cũng hấp tấp chạy trốn khỏi Sài Gòn trước khi những chiếc xe tăng đầu tiên của cộng sản vào thành phố ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nguyễn Cao Kỳ và một đoàn tuỳ tùng mười hai người đã lên máy bay trực thăng bay ra biển và trước khi hết nhiên liệu, đã kịp đổ bộ xuống chiếc tàu Midway của hạm đội Mỹ. Nguyễn Cao Kỳ xúc động không nói nên lời khi vừa bước ra khỏi trực thăng, ông vào căn phòng được dành cho ông và bật khóc.
Châu cũng tìm cách rời khỏi Sài Gòn trước khi thành phố này rơi vào tay cộng sản. Ông cho rằng người duy nhất có thể giúp ông là nhà báo Keyes Beech, vừa quay trở lại Việt Nam để viết bài và đang ở tại khách sạn Caravelle. Beech rất vui mừng gặp Châu và rất sẵn lòng giúp đỡ. Đoàn báo chí ở đây có hệ thống di tản riêng, và Beech đã giúp cho một số nhân viên Việt Nam làm cho các cơ quan truyền thông Mỹ ra đi khỏi nước này, và ông nghĩ là cũng có thể giúp Châu như vậy. Nhưng suy đi nghĩ lại, Beech thấy rằng làm như vậy cũng không hay lắm, bởi vì Châu không làm cho một tổ chức nào của Mỹ. Beech có những mối quan hệ rất tốt với cơ quan CIA ở đây, ít ra cũng tốt tới mức ông có thể nhờ họ đưa Châu và gia đình đi theo hệ thống của họ. Ông gọi điện thoại cho người chi cục phó của CIA. Viên sĩ quan CIA này trả lời là để ông ta xem có thể làm gì được không.
Beech kể lại: “Một sĩ quan CIA đã tới gặp Châu. Ông ta muốn tuyển mộ Châu nằm vùng ở lại sau khi cộng sản cướp chính quyền. Nhưng rồi ông ta đi tới kết luận rằng Châu ở lại nằm vùng chắc là không tốt, nên đồng ý giúp Châu di tản”.
Nhưng sau đó thì Châu không nghe gì nữa từ cơ quan CIA, và tới sáng 29 tháng Tư, 1975 ông lại gọi điện thoại cho Beech nhờ liên hệ lại với CIA thử xem. Beech rất ngạc nhiên nói: “Tôi sẽ xem làm cách nào và bao giờ thì có thể đưa anh đi được”. Beech gọi điện thoại tới cơ quan CIA, nhưng không ai biết là viên sĩ quan đã hứa lo cho Châu di tản đó đâu cả. Beech gọi điện thoại tới nhà Châu và nói với con của ông rằng ông không biết được gì cả. Trong vài giờ đồng hồ hỗn loạn đó, hầu hết ký giả Mỹ đã rời khỏi Sài Gòn, trong số đó có Beech. Sau đó Beech không nghe gì về Châu nữa.
Beech kể lại: “Nhiều năm sau, trong lúc tôi ở ngoại ô Washington, Frank Snepp nói với tôi rằng Ted Shackley, lúc đó là người đứng đầu phân ban Đông Á của Cục tình báo trung ương, trên thực tế là người đã bác bỏ việc CIA đưa Châu ra khỏi Sài Gòn. Shackley và tôi ở gần nhau, thỉnh thoảng anh ta vẫn sang chơi. Tôi hỏi anh ta về việc đó. “Có phải đúng là anh đã phủ quyết việc đưa Châu ra khỏi Sài Gòn không?”, Anh ta nói: “Để tôi xem tài liệu lưu trữ lại xem. Nhưng tôi có thể đoan chắc với anh rằng anh ta không phải là một trong những ưu tiên của tôi”.
Beech cho rằng câu trả lời mơ hồ của Shackley đã khẳng định rằng Shackley đã nói đúng: CIA đã cốtình để Châu ở lại. Beech nói: “Thật tình mà nói, tôi không tin rằng có một người nào đó lại làm như vậy. Nếu có người ở Chi cục CIA nói “Này, Châu là phần anh phải lo. Chúng tôi không thích cái thằng chó đẻ đó và chúng tôi không muốn giúp nó”, thì tôi biết là tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ xin họ một sự chiếu cố bởi vì CIA có nhiều thuận lợi hơn tôi và họ đang đưa một lô người đi mà thực ra những người này không đáng được đi”.
Khi thấy rằng cố gắng của Beech giúp ông di tản đã thất bại, Châu gọi điện thoại tới toà Đại sứ Mỹ và xin nói chuyện với Timmes. Ông ngạc nhiên với thái độ tiếp đón niềm nở của Timmes. Vâng, dĩ nhiên là ông sẽ giúp Châu, Timmes nói. Để tránh sự hỗn loạn tại sứ quán Mỹ, Châu sẽ gặp Timmes sáng hôm sau tại nhà riêng. Nhưng khi Châu đến thì Timmes đã đi gặp Minh Lớn. Không thể nào đi qua được đám đông tập hợp tại sứ quán đòi di tản, ông ra cảng hy vọng có thể đưa gia đình đi bằng thuyền. Ở đây cũng vậy, đám đông tụ tập cũng rất đông và không thể làm gì được. Một trong những đứa con của ông đang có thai và ông không muốn mạo hiểm. Với sư nhẫn nhục của Phật tử, ông chấp nhận định mệnh, quay về nhà…