Dịch giả: Lê Minh Đức
Chương 7
Manila 1970

Việc thông qua đạo luật về viện trợ quân sự năm 1949, vào lúc Châu đang rời bỏ Việt Minh, đã gây ra một chuỗi sự kiện đẩy Châu và những người Việt chống cộng khác tới chỗ tiếp xúc với con người ký lạ có tên là Edward Geary Lansdale. Đối với Lansdale, con đường tới Sài Gòn đã đi qua Manila, và vì sao ông được gởi tới Philippines cũng là điển hình cho con người, được mô tả một cách tốt nhất bằng chính lời của ông:
Nhớ lại phần đóng góp của người Mỹ trong cuộc đấu tranh vừa qua của Hy Lạp chống du kích Cộng sản, tôi đã nói với các nhà lãnh đạo Mỹ là hãy cung cấp cho Philippines một sự giúp đỡ tương tự. Đó là vào mùa xuân 1950. Ít có quan chức Mỹ nào còn chịu nghĩ đến một cuộc thí nghiệm như đã làm ở Hy Lạp mặc dầu họ thừa nhận rằng tình hình ở Philippines đang ngay càng xấu thêm. Người ta gợi ý tôi vạch ra một kế hoạch khiêm tôn với một ít biện pháp đơn giản để bổ sung cho sự viện trợ kinh tế và quân sự đã cấp cho Philippines. Tôi vạch ra một kế hoạch gồm những hoạt động ít quy ước hơn để chống lại các chiến thuật chính trị quân sự của (du kích Cộng sản) người Huk.
Nhiều năm sau, khi được hỏi ông nghĩ thế nào về khía cạnh kỳ quặc nhất trong con người Lansdale thì William Colby, nguyên giám đốc của CIA nói rằng đó là việc “Lansdale sẽ trở thành một tướng không quân”. Thực vậy, Ed Lansdale là sĩ quan kỳ lạ nhất mà bất cứ quân chủng nào của Mỹ có thể tìm thấy. Sự khác thường đó không phải ở bề ngoài, bởi vì Lansdale là một người đàn ông đẹp một cách bình thường, người thon thả, mắt và tóc màu nâu. Bộ quân phục của ông thẳng nếp sạch sẽ và đôi giày của ông đáng bóng. Có thể người ta sẽ gợi ý nhẹ nhàng với bộ ria của Clark Gable, với cái kiểu khi ngồi cứ nằm ườn ra, xê dịch luôn, và đốt điếu thuốc này tới điếu thuốc khác. Nhưng khi ông bắt đầu nói, một cách dễ dàng và không câu nệ, ý kiến cứ tuôn trào ra thì người ta khó mà tin rằng ông lại là một con người quân sự.
Sinh ra ở Detroit ngày 6 tháng Hai, 1908, Ed Lansdale là người thứ hai trong bốn anh em, người cha làm trong công nghiệp xe hơi đôi khi làm phó giám đốc, còn thường khi thì buôn bán. Mẹ ông ở California, mỗi lần cha ông thay đồi việc làm, chuyện đó xảy ra luôn, thì bà lại về nhà và mang Ed theo. Trừ có thời gian họ ở bên ngoài New York, ở New Jersey, Lansdale lớn lên ở Michigan và California, nơi ông tốt nghiệp trung học và vào trường đại học UCLA. Ông muốn khi lớn lên sẽ trở thành nhà báo nhưng ở trường không có khoa dạy làm báo nên ông lại tập trung học tiếng Anh và dành hết thời gian rỗi cho việc xuất bản một tạp chí hài hước của trường. Ông tính sẽ tốt nghiệp vào năm 1931, nhưng ông lại thiếu mất ba hay bốn chứng chỉ gì đó và hết tiền, nên đã rời bỏ trường mà không có một bằng cấp và đi New York.
Có hai ông chủ báo đã nhận ông vào làm, nhưng khi ông tới New York thì thấy một trong hai tờ đó đã đóng cửa, còn tờ kia là tờ World-telegram đang sa thải ký giả vì suy thoái kinh tế. Lúc đó ông không có một đô-la bỏ túi. Ông phải lựa chọn giữa đi rửa chén cho một tiệm ăn và giữ sổ sách cho ngành đường sắt. Mấy tháng sau ông gặp Helen Batcheller, một thiếu nữ xinh đẹp đang làm thư ký cho một hãng ngũ kim. Đây là trường hợp hai cực đối lập hút nhau, vì Helen thì yên tĩnh và kín đáo còn Ed thì cởi mở và nồng nhiệt - một sự khác biệt cứ lớn mãi lên như một cái hàng rào suốt đời giữa hai người và làm cho bạn bè của họ có cảm tưởng là Lansdale rất hạnh phúc khi ông chu du khắp nơi trên thế giới như một người độc thân. Sau khi cưới nhau, họ dọn đến Greenwich Village và an cư lạc nghiệp nhưng Ed lại thấy chán nên khi Phil, người anh của ông, phụ trách quảng cáo cho một hệ thống bán quần áo ở Los Angeles cho ông làm trợ lý thì Ed bỏ New York đi California. Nhưng việc làm này lương thấp quá; hai anh em thấy làm chung không ổn, Ed mang một số thư giới thiệu đi San Francisco thăm dò, tại đây anh lại được nhận vào làm tại một hãng quảng cáo.
Lansdale làm quảng cáo rất cừ nên được đề bạt làm tổng biên tập phụ trách viết bài cho hãng. Ông nói “Tôi thích làm việc này vì tôi có thể hoàn toàn độc lập. Tôi ghét mấy thằng làm quảng cáo mà nói láo. Tôi không làm như vậy”. Ông cất công đi đến tận nơi sản xuất, hỏi những người sản xuất về phẩm chất những món hàng mà ông đang nhận quảng cáo cho nên ông có thể giới thiệu cái tốt của bất cứ mặt hàng nào.
Sau trận đánh Trân Châu Cảng, Lansdale tuyên bố rằng ông muốn gia nhập quân đội. Người lãnh đạo hãng nói ông điên rồi, ba mươi tuổi, có vợ và hai con, ông làm ơn để cái chủ nghĩa anh hùng đó cho người khác. Khi Lansdale nhấn mạnh lại rằng ông muốn làm nghĩa vụ của mình thì ông chủ cách chức ông ngay lập tức. Nghe nói là Lansdale không còn làm ở đó nữa, một hãng khác đã mời ông tới làm chỗ họ, tiền lương cao hơn, và nếu ông đồng ý thì họ sẽ nói với chủ cũ của ông giới thiệu qua. Chủ cũ của ông nói, đúng vậy, Lansdale là người biên tập giỏi nhất mà ông được biết, nhưng cũng giống như tất cả biên tập viên giỏi khác, ông ta điên điên khùng khùng, tự nhiên đòi đi lính. Lansdale không nhận lời mời của hãng mới. Nhiệm vụ đầu tiên của ông trong quân đội là trung uý trong Cục quân báo của lục quân, và ông được phân công làm tại cơ quan OSS tại San Francisco.
Lansdale thích làm tình báo cũng do trước đây ông thích làm báo và làm quảng cáo. Ông tìm thấy trong những nghề này cơ hội để ông có dịp sáng tạo. Con người ông trái ngược với các sĩ quan tình báo trực tiếp hành động như Lou Conein và nhiều sĩ quan OSS khác sau này làm cho CIA. Ông không thích việc do thám và phá hoại, nhảy dù và giật mìn. Hầu hết thời gian phục vụ của ông là để ngồi ở bờ biển phía Tây mà viết báo cáo về các đề tài bí mật. Nếu việc làm đó là nhàm chán với các sĩ quan tình báo khác thì nó lại rất hấp dẫn đối với Lansdale. Đây là loại công việc ông ưa thích, cũng như trước dây ông thích nghiên cứu các sản phẩm mà ông nhận quảng cáo vậy.
Lansdale nói “Tôi thích công tác tình báo. Chúng ta đang đánh nhau trên khắp thế giới và chúng ta cần biết về các dân tộc, các nền văn hoá các vùng địa lý khác nhau. Tôi đã được gặp đủ loại chuyên gia rất hấp dẫn như trường hợp tôi gặp một nhà ngư học ở Stanford để hỏi ông về những giống cá độc ở Thái Bình Dương - làm sao chăm sóc, làm sao xử lý với chúng. Bản báo cáo do tôi soạn ra về vấn đề này đã được gửi cho quân đội Hoa Kỳ và loan truyền rộng rãi”.
Trong suốt thời gian chiến tranh, Lansdale không có một nhiệm vụ nào ở nước ngoài nhưng ngày 21 tháng Tám, 1945, một ngày trước khi Lou Conein và các sĩ quan OSS khác tiến vào Hà Nội, ông được lệnh báo cáo về Philippines với tư cách là trưởng phòng phân tích trong ban quân báo ở tổng hành dinh của quân đội. Chiến tranh kết thúc mọi quân sĩ Hoa Kỳ đều nóng lòng về nước nhưng con người mới tham gia như Lansdale lại muốn có cơ hội để giữ một vai trò nào đó trong sự phát triển hậu chiến của Philippines, sắp nhận được nền độc lập từ tay Hoa Kỳ ngày 4 tháng Bảy, 1946. Ông ở lại quân đội và được bổ nhiệm làm cục phó cục quân báo trong bộ chỉ huy lục quân. Xếp của ông, đại tá George A. Chester nói rằng Lansdale là “người giỏi nhất tôi chưa từng thấy, gồm cả lý tưởng, khả năng và hăng.hái”.
Sau khi những người Phi vừa được trao trả độc lập bắt đầu chia rẽ nhau, và nhiều người Mỹ có xu hướng bỏ qua việc đó, Lansdale được bổ nhiệm là sĩ quan thông tin công cộng của bộ chỉ huy. Nhiệm vụ này đưa ông tới chỗ quan hệ với các phần tử khác nhau trong xã hội Phi, và từ đó ông mới thi triển biệt tài của ông, biệt tài nhiều năm sau vẫn còn là đề tài tranh cãi trong nhiều người. Lansdale có khả năng quan hệ tốt ngay tức khắc với người thuộc dân tộc khác. Ông có phẩm chất khó định nghĩa gây được lòng tin ở những người không phải là Mỹ. Không những vì ông đã học được những năng động của nền văn hoá khác mà ông còn học được nhiều kinh nghiệm trong công tác tình báo khi đánh bại cuộc nổi dậy của du kích do Cộng sản lãnh đạo đã bùng lên trong cuộc Thế Chiến II. Khi ông mãn nhiệm kỳ, hàng trăm bạn bè Phi đã mang hoa đến tiễn ông và gia đình đến tận đầu cầu tàu.
Lúc ở Philippines, Lansdale muốn gia nhập Không lực Hoa Kỳ mới thành lập. Ông quyết định đi theo con đường binh nghiệp và tính rằng trong quân chủng mới thành lập thì sẽ có nhiều cơ hội thăng quan tiến chức và được làm nhiều việc quan trọng hơn. Nhưng gần như ngay lập tức Lansdale đã thấy rằng mình sai lầm, vì ông phát hiện rằng phi công mới có con đường tiến thân trong nội bộ quân chủng và nhận được nhiều công việc tốt, nhưng ông lại không phải là phi công. Ông đã nổi giận khi nhận được lệnh đến trình diện tại trường tình báo không quân ở Denver vào 24 tháng Hai, 1949 với chức vụ huấn luyện viên. Ông cảm thấy rằng hình như mình đã gia nhập một quân chủng mới mà lại rơi vào một nhiệm vụ trái với nguyện vọng là làm huấn luyện viên. Ông lập tức liên hệ lại với xếp cũ từ lúc ở Philippines là đại tá Chester, ông này bây giờ đã về Lầu Năm Góc và Chester nói rằng ông sẽ giới thiệu Lansdale vào một tổ chức tình báo đang được thành lập.
Khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, người đứng đầu cơ quan OSS là William Donovan đã yêu cầu Tổng thống lúc đó chưa nhậm chức là Harry Truman lập một tổ chức tình báo trong thời bình, có thể là do Donovan đứng đầu. Nhưng Truman sợ rằng Donovan có thế trở thành một đối thủ chính trị và bị áp lực của Cục điều tra liên bang và Lầu Năm Góc sợ một tổ chức như vậy sẽ cạnh tranh với họ, nên đã ra lệnh dẹp cơ quan OSS ngày 20 tháng Chín, 1945. Nhưng càng ngày càng rõ ràng là phải có một hình thức tập trung nào đó đề phối hợp hoạt động của các cơ quan tình báo, nên bốn tháng sau Tổng thống Truman đã tiến bước đầu theo hướng đó, lập ra một Cơ quan Tình báo Quốc gia (National Intelligence Authority: gọi tắt là NIA), gồm có Bộ trưởng chiến tranh, hải quân và ngoại giao, với đô đốc William D. Leaby làm người đại diện cho Tổng thống trong đó. NIA có một ban công tác gọi là Nhóm tình báo trung ương (National Intelligence Group), gồm có tám mươi người tình nguyện của ba bộ liên hệ. Khi tổ chức này tỏ ra không ngang tầm nhiệm vụ. Truman đã ký một đạo luật về an ninh quốc gia, ngày 15 tháng Chín, 1947, trong những điều khoản của đạo luật này có quyết định thành lập Cục tình báo Trung ương. Cơ quan CIA này được quyền tuyển chọn và huấn luyện nhân viên riêng của mình và hoạt động như một cơ quan của ngành hành pháp trong lĩnh vực tình báo. Tuy nhiên, lúc đầu thành lập CIA chưa có khả năng tiến hành những hoạt động chính trị bí mật mà nhiều quan chức cho là cần thiết cho chính sách ngăn chặn thời chiến tranh lạnh. George Kennan, giám đốc kế hoạch ở Bộ ngoại giao, đề nghị Tổng thống Truman lập một cơ quan chuyên trách các hoạt động bí mật, theo kiểu những hoạt động bán quân sự hoặc giúp đỡ các toán du kích chống cộng. Tổ chức này sẽ đặt dưới quyền lãnh đạo của một người do Bộ trưởng ngoại giao chọn và Bộ trưởng quốc phòng duyệt. Đó là cơ quan nghe vô thưởng vô phạt là Cơ quan Điều phối chính sách (Office of Policy Coordination - OPC) thành lập vào tháng Năm 1948, như người thừa kế trực tiếp của OSS và thực tế gồm hầu hết sĩ quan OSS từ khi chấm dứt chiến tranh đến nay đang ngồi chờ thời để được trở lại hoạt động.
Cuối cùng, OPC cũng hoà vào CIA, chuyên về các hoạt động bí mật nhưng sự hoà nhập này chỉ hoàn thành vào năm 1952, dưới áp lực của giám đốc CIA Walter Bedell Smith, và vào lúc đầu OPC vẫn là một tổ chức riêng biệt, đứng đầu là ông Frank Wisner, nguyên sĩ quan OSS, và chỉ dính líu với CIA về mặt hành chính và hậu cần. Khi Lansdale gia nhập cơ quan OPC tháng Mười Một 1949, cơ quan này đã có 302 nhân viên, kể cả thư ký và những người không trực tiếp tác chiến.
Mối bất hoà ban đầu giữa CIA và OPC (CIA cho mãi tới năm 1982 vẫn không thừa nhận sự tồn tại của OPC và những hoạt động bí mật của nó) có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển và thái độ của Lansdale với tư cách là một nhà hoạt động tình báo. Trong thực tế, ông là một sĩ quan lãnh lương và được điều động từ không quân sang một cơ quan tình báo tối mật gắn liền với CIA. Trong trường hợp như vậy, người ta khó mà hình dung một bộ máy quan liêu lại có thể kiểm soát hoạt động của một chiến sĩ tình báo vốn đã thích làm theo ý riêng của mình. Hơn nữa, người thủ trưởng tài ba nhưng đang bị dồn ép của ông, ông Frank Wisner, người về sau đã tự tử vì khủng hoảng tinh thần, cũng là con người nổi bật và tự do hoạt động như Lansdale và cùng chia xẻ với ông sự khinh bỉ đối với bộ máy quan liêu. Từ Philippines tới Việt Nam, Lansdale cảm thấy mình dính líu với CIA nhưng lại không phải thực sự là một thành viên của CIA và ông đã thèm muốn được độc lập hoạt động đến nỗi đã đấu tranh với chính cơ quan này. Kết quả cuối cùng là Lansdale, hơn bất cứ nhân viên tình báo nào khác, trở thành công cụ thực hiện chính sách của chính mình.
Chính sách đó tập trung vào nước mà ông đã biết rõ nhất, và hoàn toàn do năng lực và tính cách của mình mà ông đã sớm trở thành chuyên gia về Philippines của Washington. Lansdale thuyết phục tuỳ viên quân sự của sứ quán Philippines ở Washington hãy để cho ông huấn luyện bất cứ sĩ quan Philippines nào đang ở Hoa Kỳ về chiến tranh tâm lý, trong một lớp học bổ túc mà ông đã lập trong một cơ quan bỏ trống của Lầu Năm Góc. Rồi ông bắt đầu vạch ra kế hoạch làm thế nào đánh bại các phần tử nổi dậy Cộng sản và hơn nữa, lại bắt đầu vận động cấp trên gửi ông qua Manila để thực hiện kế hoạch đó.
Lúc đó, có một người bạn đã giới thiệu Lansdale với Ramon Magsaysay, một nghị sĩ Philippines đang thăm Hoa Kỳ. Bốn mươi ba tuổi, Magsaysay cao cỡ Lansdale, tức là cao hơn người Philippines bình thường, phần nào nặng hơn, và lớn hơn Lansdale sáu tháng. Ông đã chiến đấu chống Nhật trong một đơn vị du kích do người Mỹ lãnh đạo trong Chiến tranh thế giới thứ II và sau chiến tranh đã trở thành một chính khách được lòng dân, nhờ nụ cười cởi mở và thái độ ân cần của ông. Lansdale lập tức kết giao với Magsaysay. Sau bữa ăn tối đầu tiên, Lansdale đã thức gần hết đêm để nói chuyện với Magsaysay, vạch ra một kế hoạch chống lại du kích Cộng sản Huk, gần như quyết định ngay tại chỗ là ông sẽ sắp đặt cho Magsaysay được bổ nhiệm làm Bộ trưởng quốc phòng của Philippines. Cấp trên của Lansdale cũng để ý tới Magsaysay nhưng không sốt ruột can thiệp vào công việc nội bộ của Philippines một cách thô bạo như vậy. Lansdale cứ khư khư đòi mãi, cuối cùng Frank Wisner, người đứng đầu OPC đồng ý gởi đại tá Chester và Livinston Merchant, người liên lạc của Bộ ngoại giao với OPC, đi Manila để ép Tổng thống Quirino giao cho Magsaysay làm quốc phòng. Ông Quirino biết rằng ông không có sự lựa chọn nào khác hơn là đồng ý nếu muốn được Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ và tháng Chín 1950 Magsaysay lên làm Bộ trưởng quốc phòng. Trong kế hoạch của Lansdale còn lại có một việc, việc này đã nổi lên trong đầu khi ông đến Washington, là làm sao ông được phân công tới Philippines để ông có thể cùng với Magsaysay chiến đấu chống Cộng sản. Cấp trên của ông không mặn mà với ý kiến này lắm, đặc biệt là khi Lansdale lại đòi mang Charles Bohannan, một sĩ quan và là bạn trong thời gian phục vụ đầu tiên của ông, một chuyên gia về truyền thông, làm một thành viên trong “nhóm” của ông. Lần này sự kiên trì của ông lại thành công một lần nữa, và một lần nữa người ta lại gây áp lực với Tổng thống Quirino để mời Lansdale tới Manila làm cố vấn cho Tổng thống về hoạt động tình báo. Công việc của ông bí mật đến nỗi chính John Richardson, người đứng đầu chi nhánh CIA ở Manila, cũng không được thông báo. Với cái thiên hướng của ông, đã tóm con bò thì tóm lấy sừng và tóm cả đuôi, Lansdale đã biến sự bổ nhiệm tạm thời trong chín mươi ngày từ tháng Chín 1950 thành ra một nhiệm kỳ bốn năm và sau đó đưa ông luôn sang Việt Nam.
Bề ngoài thì cuộc nổi dậy của Cộng sản ở Philippines cũng giống như cuộc nổi dậy của Việt Minh ở Việt Nam. Cả hai đều triển khai trong Thế Chiến II gần như đồng thời, cả hai đều thu hút vào cuộc đấu tranh chống Nhật và cả hai đều được sự giúp đỡ của những người cách mạng lão thành Trung Hoa. Bởi vậy cho nên Lansdale đã biết cuộc chiến tranh du kích của Cộng sản sớm hơn bất cứ người Mỹ nào khác thời đó. Ông có bộ óc linh hoạt và ham hiểu biết có thể nhìn vấn đề xuyên qua bề ngoài hời hợt của những khẩu hiệu chống cộng. Sử dụng tài năng của ông như trong việc đi tìm thị trường khi ông còn là một người quảng cáo, ông đã đi về tận nông thôn, nói chuyện với những người bình thường, tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của họ, cái gì họ bằng lòng với chính phủ và cái gì không. Và cách giải quyết của ông cũng là của riêng ông, do quá trình đào tạo của ông. Ông không muốn giết Cộng sản, ông chỉ muốn tranh thủ họ về với phía chính phủ. Phần lớn kỹ thuật ông áp dụng đều dựa trên chiến tranh tâm lý và chính trị, tương tự như tuyên truyền, quảng cáo trong lĩnh vực thương mại vậy. Lansdale đang rao bán một sản phẩm mà ông cho là ưu việt: dân chủ. Ông là hiện thân của Hoa Kỳ xuất hiện sau cuộc Thế Chiến II. Nếu người Anh đem lại sự cai trị và luật pháp cho các dân tộc khác và người Pháp quyết tâm khai hoá thế giới kém mở mang thì Hoa Kỳ tự giới thiệu như những lãnh đạo mới quảng bá cho nền dân chủ và phát triển kinh tế và không phải ngẫu nhiên mà ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản lại. Điều làm cho Lansdale khác với những chiến binh khác đang tham gia cuộc chiến tranh lạnh là ông thực sự tin vào món hàng ông đang rao bán. Ý niệm về dân chủ và tuyển cử tự do, theo ông, không phải chỉ là nhãn hiệu xà phòng trong một cuộc tấn công toàn diện chống Cộng sản, như nhiều người thường nghĩ. Trong một bối cảnh khác, người ta có thể hình dung ra Lansdale đang cố thuyết phục Franco ở Tây Ban Nha chấp nhận cải cách dân chủ, một điều người ta không thể tưởng tượng với các sĩ quan tình báo khác.
Về thực chất, tình hình ở Philippines khác xa tình hình ở Việt Nam. Cộng sản Philippines không được lãnh đạo bởi một nhà cách mạng hoàn hảo như ông Hồ Chí Minh mà bởi một người xuất thân làm thợ may, hai mươi bảy tuổi, rất ít tài năng. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Cộng sản Trung Hoa đang huấn luyện cho người Philippines bảo họ hãy từ bỏ cái lối đánh giặc tài tử mà thành lập những đơn vị quân đội chống Nhật riêng của mình. Nhưng tới cuối năm 1950 thì tình hình của du kích Cộng sản Philippines quá lỏng lẻo đến nỗi Lansdale chỉ cần tồ chức một cuộc hành quân là bắt được gần hết Bộ chính trị của họ, việc này làm tăng uy tín của ông rất nhiều.
Một khác biệt căn bản nữa giữa Philippines và Việt Nam là ở quan chức mà Lansdale đã hợp tác để thông qua ông ta thực hiện ý đồ của Lansdale. Không thể nói rằng giữa hai người ai đã tác động đến ai nhiều hơn - Lansdale hay Magsaysay. Mỗi đêm hai người thức khuya để bàn với nhau về tình hình chính trị và quân sự. Lansdale cố gắng lái, càng khéo càng tốt, những luồng ý kiến của Magsaysay tới những hành động hiệu quả. Magsaysay nhiều tham vọng, và Lansdale cũng dính líu tới nhiều âm mưu ở trong nước nhằm giúp cho Magsaysay, cũng giống như đã giúp ý kiến về những chiến thuật chống du kích Cộng sản, Lansdale cho rằng hai việc này có quan hệ với nhau, bởi vì ông thấy rằng chính phủ Quirino quá công thức và không đủ khả năng chống lại Cộng sản. Lansdale đã làm cho nhiều chính khách nổi giận vì ông đã tìm cách đề cao Magsaysay và có những lời bàn tán đòi đuổi ông ta ra khỏi Philippines. Nhưng Lansdale vẫn đứng vững, cuối cùng Magsaysay đã lên lãnh đạo chính phủ, chỉ chết mấy năm sau đó trong một tai nạn máy bay. Magsaysay là một nhà lãnh đạo dân chủ hiếm có, và người ta không tìm thấy người nào giống ông ta trong bất cứ nướcĐông Nam Á nào, đặc biệt là ở Việt Nam, vì vậy có thể nói rằng phần lớn thành công của Lansdale là nhờ có Magsaysay vậy.
Nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa Philippines với Việt Nam nằm trong lịch sử gần đây của họ, Philippines gần nửa thế kỷ là thuộc địa của Mỹ, và Hoa Kỳ có xu hướng trao trả độc lập cho Philippines, và trước đó thì họ bị Tây Ban Nha cai trị. Dưới sự bảo hộ của Mỹ, người Philippines được khuyến khích tiếp nhận chế độ dân chủ và dần dần người ta cũng quen những hình thức dân chủ. Chính trị có thô bạo thật nhưng công khai. Khi Lansdale nói với Magsaysay về những gì họ làm để chống Cộng sản thì họ nói chung một ngôn ngữ, theo nghĩa bóng cũng như nghĩa đen. Không giống như Việt Nam, nơi mà mọi hoạt động chính trị trong suốt tám mươi năm đều diễn ra trong bí mật, đầy những nghi kỵ và âm mưu.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của Lansdale ở Philippines có ảnh hưởng lớn nhất đối với cách tiếp cận chính trị của Mỹ ở Việt Nam. Không thể chối cãi rằng ông đã làm tốt công việc và tỏ ra là một chiến sĩ tình báo có năng lực. Tiếng tăm về những thành tích của ông đã đi xa. Người ta nghĩ rằng Trung Hoa có thể đã “mất”, Triều Tiên đã lâm vào bế tắc nhưng hãy nhìn xem những gì mà một sự kết hợp giữa viện trợ và cố vấn đã đem lại cho Hy Lạp và hãy xem những thành tựu của Lansdale ở Philippines.
Ảnh hưởng lớn thứ hai đối với cách tiếp cận về mặt chính trị của Mỹ ở Việt Nam là thắng lợi của người Anh trong việc chống lại du kích Cộng sản ở Mã Lai, trong thời gian xảy ra cuộc nổi dậy của Cộng sản ở Philippines. Nhưng tình hình ở Mã lai cũng không giống như ở Việt Nam. Ở Mã Lai hầu hết Cộng sản là người Hoa nên người ta rất dễ nhận ra họ và tách họ ra khỏi nhân dân nói chung, không giống ở Việt Nam, Cộng sản chẳng khác gì nông dân. Tuy vậy, đối với một số người Mỹ thì người Anh đã thành công. Robert Thompson và những người đã từng tham gia chiến dịch Mã Lai đã tự coi mình như những chuyên gia về chiến tranh du kích chống Cộng sản và làm cố vấn cho người bà con Hoa Kỳ mà họ coi như mấy anh mới vào nghề.
Cũng khá kỳ quặc, ảnh hưởng ít nhất đến cách tiếp cận của Mỹ ở Việt Nam là những kinh nghiệm của Pháp ở Đông Dương. Người Pháp đã có gần một thế kỷ để hiểu biết đất nước này. Việt Minh đánh nhau với họ chuyển thành Việt Cộng đánh nhau với Mỹ - cũng cùng lãnh tụ, cùng chiến thuật, cùng chiến trường( ). Người anh của Châu là Hiền cũng không thay đổi, trừ phi làm việc tốt hơn. Giới quân sự Hoa Kỳ, từ binh nhất cho tới đại tướng đã coi những kinh nghiệm của Pháp là quá cũ, đã thành tiền sử mất rồi. Một vài người lớn tuổi có thể nói về thời kỳ 1954-1963. Nhưng đối với phần lớn người Mỹ, Việt Nam chỉ xuất hiện từ thời kỳ tăm tối chung quanh cuộc đảo chính Diệm; đối với người lính chiến Hoa Kỳ, họ chỉ biết Việt Nam từ năm 1965 trở lại mà thôi. Ngay cả một số quan chức dân sự như Dan Elisberg và bạn bè của ông cũng nhìn người Pháp với ít nhiều khinh khi, gọi họ là những thực dân “xấu”, đối với người Anh là thực dân “tốt”. Những cuốn sách viết về kinh nghiệm của Pháp thì không ai đọc và không được dịch ra tiếng Anh cho đến khi Hoa Kỳ bị sa lầy tới gối. Lúc đó thì người ta mới bắt đầu để ý.