Dịch giả: Lê Minh Đức
Chương 4
Sài gòn 1970

John Paul Vann đã quen biết Châu tám năm rồi và lần này ông quyết định cứu Châu, cho dù việc đó có đưa ông tới chỗ chống lại sứ quán và cấp trên của ông trong chương trình bình định đi nữa. Bởi vì Châu không những là người bạn Việt Nam tốt nhất của ông mà Châu còn là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách ông tiếp cận cuộc chiến này. Con người thấp, tóc vàng, đầu hói, giọng nói lúc dịu dàng nhất cũng nghe như giấy ráp, Vann là quan chức Mỹ gây tranh cãi nhiều nhất, vì ông đã công khai cổ suý cho một chiến lược tiến hành chiến tranh song song với những quan niệm của Châu về việc sử dụng những biện pháp chính trị - quân sự. Cũng như Châu, Vann phản đối những cuộc hành quân ồ ạt của Hoa Kỳ và những lời phản đối đó làm cho ông có nhiều kẻ thù trong hàng ngũ các sĩ quan.
“John Vann bề ngoài thì thô ráp và nói giọng nhà quê”, Dan Ellsberg nói. “Nhưng lại hết sức thông minh và có khả năng làm việc tuyệt vời. Ông không mạnh về lý thuyết và chiến lược, Châu đã bổ sung vào đó. Chính Châu đã chỉ cho ông những quan niệm về bình định”.
Vann sinh ngày 2 tháng Bảy, 1924 gia nhập quân đội trong Thế Chiến II với hy vọng trở thành một phi công nhưng cuối cùng ông lại thành thuỷ thủ và sau chiến tranh chuyển sang lục quân. Ông đã tỏ ra xuất sắc trong chiến tranh Triều Tiên, sau đó ông bổ túc học vấn của mình tại trường Rutgers, đến Việt Nam năm 1962 với chức vụ trung tá, được phái đi làm cốvấn cho một sư đoàn Nam Việt Nam ở châu thổ sông Cửu Long. Vann đã nhanh chóng đi tới kết luận rằng quân đội Việt Nam đã được chỉ huy quá tồi. Các sĩ quan của họ chủ yếu là tìm cách lẩn tránh kẻ địch. Ông đã công khai thách thức những lời tuyên bố huênh hoang của Washington và của Bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn về thắng lợi của cuộc chiến tranh, và Vann đã trở thành người cung cấp chủ yếu những nhận định bi quan cho các nhà báo trên chiến trường.
David Halberstam, tờ New York Times, viết rằng “thật là mỉa mai khi mà các nhà báo bị Lầu Năm Góc phê phán trong chỗ riêng tư là có giọng điệu bi quan, và đứng về phái tả thì nguồn cung cấp tin tức chủ yếu cho chúng tôi lại là một người rất bảo thủ, John Paul Vann”.
Sau khi gặp Châu, Vann đã bắt đầu phát biểu những ý kiến riêng của mình về cách thức tiến hành chiến tranh. Cũng như Châu, ông cho rằng cuộc chiến này còn có thể giành được thắng lợi, nếu không bị chỉ đạo sai như hiện nay. “Trong cuộc chiến này, vũ khí lợi hại nhất là một con dao, kế đó là một khẩu súng trường”, ông nói, “Còn tệ hại nhất là một chiếc máy bay, và sau cái tệ hại nhất là một khẩu trọng pháo”. Đối với một thiết chế quân sự mà chiến lược là tận dụng kỹ thuật để phá hoại nhiều nhất thì quan điểm của Vann bị coi là không đúng đường lối, và cái lối nói thẳng nói thật của ông đã bị Bộ chỉ huy quân sự khiển trách. Vì bất mãn, và hình như thấy đã hết đường thăng quan tiến chức do một khuyết điểm trước đây được ghi trong lý lịch của ông, Vann rời khỏi quân dội, chuyển sang một công việc dân sự, làm một quan chức trong chương trình bình định. Là một quan chức dân sự, ông được phái tới vùng đồng bằng một lần nữa, vùng đông dân nhất ở Nam Việt Nam, và với tư cách là một quan chức dân sự, ông lại phát biểu quan điểm của mình mạnh dạn hơn lúc còn trong quân đội, làm cho ông tiếp tục gặp rắc rối với cấp trên.
Vann càng tiến thân trên bậc thang của bộ máy bình định, ông và Châu càng quan hệ chặt chẽ với nhau, trong nghề nghiệp cũng như trong quan hệ cá nhân. Và khi người anh Cộng sản của Châu là ông Hiền bắt liên lạc năm 1965 thì chính Vann là người Châu đã tìm đến. Vann cho rằng thời điểm bắt liên lạc này là một sự ngẫu hợp có thể mở một lối thoát cho chiến tranh. Hiền nhờ Châu tổ chức một đường liên lạc giữa Hà Nội và Washington. Ông nhờ Châu, thông qua Vann, tổ chức cho ông gặp riêng đại sứ Henry Cabod Lodge. Vann chuyển yêu cầu của Hiền đến toà đại sứ, nhưng yêu cầu đó bị bác bỏ bởi ông đại sứ. Vann cũng biết rằng Châu đã báo cho CIA về những cuộc tiếp xúc của ông với Hiền, nhưng không cho biết ông Hiền là anh của Châu.
Vì vậy khi Vann thấy rằng cả toà đại sứ và CIA đều không sẵn sàng giúp Châu bác bỏ những lời tố cáo của Thiệu nói rằng Châu là một nhân viên của Cộng sản, Vann đã quyết định tự mình hành động. Trước tiên, ông đã làm việc ông vẫn thường làm: đánh trống khua chuông cho báo chí ủng hộ Châu. Ở Việt Nam, có thể nói là không có quan chức Mỹ nào cung cấp nhiều tin tức cho báo chí như Vann (mặc dầu ông không xưng tên mà chỉ xưng là “một quan chức Mỹ” ) và Vann, vốn là một người bất chấp đạo lý và bản chất thô bạo, cũng chẳng thèm giấu giếm việc ông đang lợi dụng báo chí để đấu tranh cho một chuyện có liên can đến ông. Trong trường hợp này, Vann có thể khích cho một số phóng viên viết về Châu, còn Châu thì sẵn sàng làm tôn giá trị của mình lên, bởi vì ông đã học được ở Vann giá trị của sự quảng cáo rồi.
Nhưng những bài viết về Châu không hề làm Thiệu nhụt chí trong chiến dịch tiêu diệt Châu, và Vann thấy rằng ông phải làm một việc gì khác để cứu Châu. Vann liên hệ với Evert Bumgardner, đồng hương Virginia với Vann, đồng quan điểm với Vann chống lại chiến lược của Lầu Năm Góc trong cuộc chiến này. Bumgardner là một chuyên gia chiến tranh tâm lý hoạt động trong chương trình bình định, đồng thời cũng là bạn của Châu. Họ cùng nhau vạch ra một kế hoạch đưa Châu ra khỏi Việt Nam. Họ phải làm việc này một cách bí mật bởi vì nếu tiết lộ ra thì cả hai sẽ bị cách chức và đưa về nước ngay. Vann vốn đã gặp rắc rối với đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker rồi, bởi vì ông này sau khi đọc bài báo phê phán chiến tranh, đã xác định một cách dễ dàng như bất cứ ai ở Sài Gòn rằng cái gọi là “một quan chức Mỹ” đó là ai. Bunker đã hai lần nói nghiêm chỉnh về việc cách chức Vann rồi.
Vann và Ev Bumgardner đã quyết định giấu Châu ở Cần Thơ rồi sau đó dùng thuyền đưa Châu sang Campuchia. Họ sẽ để lại một ít đồ đạc trên bờ biển để tạo ra cảm giác rằng Châu đã chết đuối trong khi tìm cách vượt biển.
Họ mất một số thời gian để vạch ra những chi tiết về đoạn cuối ở Campuchia. Họ đã bố trí một chiếc thuyền và người đón Châu và tiền sẽ phải chuyển qua cho Châu sinh sống. Vann và Bumgardner quyết định bước thứ nhất trong kế hoạch là đưa Châu ra khỏi Sài Gòn.
Bumgardner lái một chiếc xe gíp tới nhà một nhà báo, bạn của Bumgardner, nơi Châu đang ẩn náu, đưa Châu xuyên qua thành phố. Xe của họ bị nhân viên của Thiệu bám đuôi. Vann và Bumgardner đã đề phòng khả năng họ bị theo dõi. Bumgardner đã cho xe chạy vào một khu vực ngõ cụt, chỉ cỏ đường vào mà không có đường ra, theo đúng kế hoạch định trước. Xe của cảnh sát bám theo cho rằng chiếc gíp của Bumgardner không thể nào trở ra mà không bị phát hiện nên họ cứ ngồi đó chờ lịnh mới từ bộ chỉ huy.
“Họ không tính tới khả năng chiếc trực thăng của Vann đã đến mang Châu đi”, Bumgardner nói “Chúng tôi đưa Châu xuống Cần Thơ và giấu anh ta dưới đó”.