Dịch giả: Lê Minh Đức
Chương 14 (b)
Sài gòn 1965

Ed Lansdale lợi dụng quan hệ của ông với Hubert Humphrey để thâm nhập uỷ ban đối ngoại thượng viện. Ông viết một bài báo trên số tháng Mười, 1964, của tờ tạp chí Vấn đề đối ngoại, với đầu đề “Việt Nam: Liệu chúng ta hiểu được một cuộc cách mạng không?” trong đó ông nói lại mọi quan điểm đã được phát biểu của ông và đã gây được một số chú ý. Tháng tiếp theo, người phụ tá của ông là Rufe Phillips đã cho lưu hành trong giới làm chính sách ở Washington một bản ghi nhớ có tính chất tiên đoán. Bản ghi nhớ Lansdale-Phillips tiên đoán rằng Washington thế nào cũng phải chọn một, hoặc một tổng hợp, bốn giải pháp sau đây: (1) Ném bom Bắc Việt Nam; (2) Đưa quân chiến đấu Mỹ vào Nam Việt Nam; (3) Thương lượng một cuộc rút lui của Mỹ; hoặc (4) Thực hiện một “chương trình tổng hợp, tích cực, thiên về chính trị”. Bản ghi nhớ loại bỏ ba giải pháp trên và kết luận rằng “chỉ có giải pháp cuối cùng là có hy vọng thực sự đem lại những kết quả phù hợp với những mục tiêu quốc gia, với những nguyên tắc và danh dự của Hoa Kỳ”. Thượng nghị sĩ Humphrey quyết định đã đến lúc cho Lansdale và Phillips tiếp xúc với Uỷ ban đối ngoại thượng viện và tháng giêng 1965, ông đã thu xếp một cuộc họp không chính thúc với Fulbright) ông và Thượng nghị sĩ John Sparkman.
“Tôi đã bám sát Hubert Humphrey”, Lansdale nói. “Và ông ta đã đưa tôi tới gặp các thượng nghị sĩ trong Uỷ ban đối ngoại thượng viện. Tôi nói với Fulbright một lúc, ông ta hỏi tôi, “Ông thực là một ông tướng đó chứ? Mấy ông tướng thường làm cho tôi sợ. Với những cái nút bằng đồng và các thứ huân chương của họ”. Ông ta nhìn tôi một lúc. “Nhưng ông cũng biết tình thế hiện nay ra sao rồi”, Humphrey nói “Tôi muốn ông giúp đỡ ông ta”.
Fulbright đã cố nói thử, nhưng khi ông nói về Lansdale với Johnson, ông nói, ông đã nhận được một “tiếp nhận rất lãnh đạm”. Hơn nữa, ngành hành pháp đã phản ứng một cách giận dữ sau buổi họp của Lansdale với Fulbright. Lansdale và Phillips đã mang hai quan chức về bình định từ Sài Gòn về để báo cáo với các thượng nghị sĩ. Một trong hai người đó là Bert Fraleigh, đã làm việc với Phillips trong nhiệm kỳ ông này làm giám đốc chương trình phát triển nông thôn, ông Fraleigh đã phụ hoạ với Lansdale, nói rằng Việt Nam phải được coi là một cuộc chiến tranh chính trị. Sau khi thủ trưởng của Fraleigh ở Cơ quan Phát triển Quốc tế biết là ông đã nói chuyện với Uỷ ban thì Fraleigh bị cách chức vì tội “không trung thành”.
Tình thế của Hubert Humphrey cũng không tốt đẹp gì hơn với Johnson. Khi Lầu Năm Góc bác bỏ chiến lược bình định bằng những hoạt động chính trị và chiến lược đóng chốt về quân sự thì Humphrey rất thất vọng với cách thức điều hành chiến tranh, và ông cũng mau chóng mất hết ảnh hưởng còn lại của ông đối với Johnson.
William Connell, trưởng ban tham mưu của Humphrey nói rằng “Từ năm 1965, Humphrey đã thực sự đặt thành vấn đề hiệu quả của việc ném bom cũng như việc sử dụng những tiểu đoàn lớn và pháo hạng nặng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Phần lớn những thắc mắc của ông là do ảnh hưởng của Lansdale. Johnson nói với Humphrey: “Ông muốn nói với tôi cái gì thì nói, lâu bao nhiêu cũng được nhưng nói riêng với tôi thôi. Ông không được nói ngược với tôi trước công chúng”. Ông biết rằng Humphrey là con người ba hoa, và ông rất sợ là Humphrey sẽ tiết lộ điều chi ra ngoài chăng. Trong một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia, Humphrey đã chống lại Johnson về vấn đề ném bom Bắc Việt Nam. Johnson nổi giận điên lên. Ông cho Humphrey ra rìa luôn. Ông không muốn nghe Humphrey nói về việc bình định và xây dựng nông thôn Việt Nam nữa”.
Đã quyết định tống Taylor về nước, Johnson chọn Lodge làm người thay thế với ý định đánh lạc hướng công kích của Đảng Cộng Hoà, còn Lodge thì thấy rằng đưa Lansdale theo có thể có lợi cho ông. Để chuẩn bị đưa Lodge trở lại Sài Gòn, Johnson cử Lodge sang Việt Nam trong một chuyến công vụ tìm hiểu tình hình gần hai tháng trước khi công bố việc Taylor rút lui. Sau đó, ông Cabot Lodge đã ra trước Uỷ ban Đối ngoại thượng viện để tường trình về chuyến đi của mình Lodge khôn ngoan hiệu rằng ông cần phải làm gì để được lòng Fulbright và ông cần phải làm gì đề được Uỷ ban công nhận sự bổ nhiệm ông làm đại sứ mà ông biết là sẽ xảy ra trong hai tháng nữa. Nói trước uỷ ban đối ngoại, ông chỉ làm cái loa phát lại ý kiến của Lansdale và Fulbright, gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh “chính trị - quân sự”. Fulbright rất tán thành quan điểm đó và ông nói cho Lodge nghe chuyện ông và các thượng nghị sĩ khác đã bị Lansdale thuyết phục như thế nào bốn tháng trước đây.
Có lẽ phải chờ đến lúc này, sau khi thấy rằng Lansdale đã được sự ủng hộ của những thế lực chính trị đáng gờm như thế nào, thì Lodge mới quyết định nói Lansdale cùng đi với ông sang Sài Gòn. Ông sẽ không đề nghị điều dó với Lansdale nếu chưa có sự đồng ý của Tổng thống mà thật ra thì chỉ cần một cuộc nói chuyện ngắn vài phút giữa hai chính khách là họ đã có được quyết định rồi. Cả hai người không ai cần đến máy tính để cộng và trừ số dương và số âm trong việc bổ nhiệm này. Lodge cũng thành thật tin rằng Lansdale có thể giúp ông hồi phục chương trình bình định đã phải bỏ dở trong hai năm xáo trộn chính trị sau khi đảo chính Diệm. Trong nhiệm kỳ thứ nhất của mình, Lodge đã ủng hộ một kế hoạch biến một tỉnh gần Sài Gòn là tỉnh Long An thành một tỉnh điển hình cho chương trình bình định. Ông tin rằng một khi ông đã bình định được tỉnh này và chứng minh cho mọi người thấy cần phải làm gì thì ông sẽ đem những kinh nghiệm đó mà phổ biến sang các tỉnh khác, như một vết dầu loang vậy. Kế hoạch của Lodge đã bị thất bại và kỳ này ông muốn Lansdale ra tay làm thử một lần nữa.
Sự phân vân do dự của ông trong việc tuyển mộ Lansdale đã tan biến trước thái độ của Uỷ ban đối ngoại tại cuộc điều trần để công nhận ông làm đại sứ ở Sài Gòn. Buổi điều trần đã diễn ra sáng 27 tháng Bảy, 1965, Fulbright lại nhấn mạnh đến cách tiếp cận chính trị thay vì quân sự đối với cuộc chiến tranh, một lần nữa lại nhắc tới Lansdale trong cuộc gặp gỡ trước đây với Uỷ ban. Thấy trước chiều hướng này, Lodge đã mời Lansdale ăn cơm trưa với ông ngay ngày hôm đó, sau khi ông họp với Uỷ ban.
Lansdale nói: “Lodge đã mời tôi ăn cơm trưa. Tôi đã biết ông khi ông là thượng nghị sĩ và có gặp ông hai lần khi ông làm đại sứ tại Sài Gòn. Ông nói với tôi “Tổng thống yêu cầu ông đi Sài Gòn. Tôi đã muốn ông trở lại đó từ lâu rồi bởi vì ông là một chuyên gia thực thụ về bình định”. Ông nói với tôi rằng ông đã cố gắng bình định tỉnh Long An mà không thành công. Ông nói rằng ông không làm sao cho một quan chức Nam Việt Nam nào chịu nằm ở lại xã qua đêm cả. “Ông nói rằng nếu chỉ đem lại an ninh về quân sự thì không đủ. Chúng ta cần phải có những nỗ lực về phương diện chính trị nữa mới được”. Tôi yêu cầu ông hãy để tôi phụ trách công tác chính trị. Ông nói tại sứ quán đã có người làm việc đó rồi. Ông muốn tôi tự sang Sài Gòn rồi làm trợ lý cho ông về bình định. Nhưng tôi yêu cầu phải cùng đi chung trong một đội ngũ và cuối cùng ông đã đồng ý”.
Lansdale nghĩ rằng vẫn còn có cơ may giành được thắng lợi trong cuộc chiến này bằng những phương tiện chính trị nếu ông có thể lái cách suy nghĩ của Johnson và Lodge đi đúng hướng. Ông thảo ra một bản ghi nhớ để cho Lodge gửi cho Johnson, trong đó ông viết rằng “Kẻ thù của chúng ta ở Việt Nam nhận thức đầy đủ tính chất chính trị của cuộc chiến tranh họ đang tiến hành. Kẻ thù coi mỗi hành động của họ là một hành động chính trị, sử dụng các loại vũ khí tâm lý, quân sự, xã hội - kinh tế để đạt được những mục tiêu chính trị của họ. Đó là quy luật mà họ đã rút ra được từ Clausewitz, Lê-nin, Mao, Hồ và Giáp tuân thủ một cách rõ ràng và vững chắc vào quy luật cơ bản này. Việt Cộng vận dụng quy luật này giỏi một cách đáng kinh ngạc. Còn phía chúng ta thì cứ phá vỡ quy luật đó hết lần này tới lần khác. Và bây giờ chúng ta cũng phá vỡ quy luật đó hàng ngày trong hành động của chúng ta”.
“Bởi vậy, khi ngài yêu cầu tôi xúc tiến chương trình chống nổi dậy và khủng bố thì thực tế là ngài yêu cầu tôi giúp ngài làm cho phía chúng ta bắt đầu tôn trọng quy luật đầu tiên này của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chương trình này không tách rời với những chương trình khác. Đó là cơ sở thành bại của cuộc chiến tranh Việt Nam. Các chương trình hoạt động tâm lý, quân sự hay kinh tế - xã hội là những công cụ, không phải là mục đích tự thân. Sự phá sản chính trị ở Việt Nam và việc sử dụng trực tiếp lực lượng chiến đấu của Mỹ đã làm phức tạp thêm rất nhiều cho nhiệm vụ của ngài. (Một tư lệnh quân đội Hoa Kỳ có nhiệm vụ tấn công một vị trí của kẻ địch, thì ông ta sẽ đánh bại kẻ địch trước tiên bằng ném bom và bắn pháo để giảm số thương vong của Hoa Kỳ khi họ tấn công; thương vong của dân thường Việt Nam không còn là mối quan tâm hàng đầu của ông ta nữa). Tôi chỉ ra điều đó để nhấn mạnh rằng chúng ta phải làm một cái gì mới, khác với cách làm trước đây, để đặt cuộc chiến tranh vào chỗ đứng chủ yếu là chính trị của nó”.
McGeorge Bundy đọc bản ghi nhớ của Lansdale rồi chuyển nó cho Tổng thống Johnson, chú thêm bên cạnh: “Lansdale hình như muốn làm hết công việc của MACV - và ông ta nói cũng có chỗ đúng. Liệu chúng ta có tạo ra sự căng thẳng như vậy không?”
Dù những phương pháp của Lansdale có giành được thành công ở Việt Nam hay không, lập luận của ông cũng không thể bác bỏ được. Ông ý thức đầy đủ rằng chiến thuật quân sự của Mỹ sẽ tạo ra thương vong khủng khiếp cho dân thường là nông dân, tức là những người mà Hoa Kỳ phải tranh thủ về cho chính phủ Sài Gòn. Ông không có ý trách giới quân sự mà chỉ muốn chỉ rõ thực tế của việc sử dụng lực lượng chiến đấu của Mỹ mà thôi. Nhưng bản ghi nhớ của Lansdale có vẻ như không tạo ra được sự rạn nứt nào trong cách nghĩ của Nhà Trắng, trừ ra việc ông giành được một sự thông cảm nhỏ nhoi ở McGeorge Bundy, người cố vấn nổi tiếng lỗi lạc về an sinh quốc gia của Johnson. Suốt đời ủng hộ cách tiếp cận tổng hợp chính trị - quân sự trong cuộc chiến, cuối cùng, Lansdale trở lại Sài Gòn một lần nữa. Ông đã trở lại đó đúng vào thời điểm Johnson quyết định tung ra một cuộc chiến ồ ạt trên bộ ở Nam Việt Nam.
Ngày 28 tháng Bảy, 1965, ngày hôm sau bữa ăn trưa của Lansdale với Lodge, Johnson tuyên bố tới một cuộc họp báo truyền hình rằng ông đang gửi thêm năm mươi ngàn quân sang Việt Nam. Có điều ông không nói là ông dự định gửi thêm năm mươi ngàn quân nữa trong bốn tháng tới, đưa số quân Mỹ ở Việt Nam lên một trăm ngàn người vào năm 1966. Cuộc thảo luận bí mật về việc đưa quân đội với quy mô lớn sang Việt Nam đã bắt đầu với yêu cầu ngày 7 tháng Sáu, 1965, của tướng Westmoreland xin tăng quân - ba tháng sau khi thuỷ quân lục chiến đến để bảo vệ sân bay Đà Nẵng. Westmoreland tin rằng cần có quân đội Mỹ để ngăn chặn sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn, một quân đội vấp hết thất bại này tới thất bại khác, và tinh thần chiến đấu, chưa bao giờ cao, cứ suy sụp theo thời gian. Các cố vấn của Johnson lúc đầu phản ứng rằng những đòi hỏi của Westmoreland đi quá xa nhưng họ đều đồng ý với nhau rằng cần có thêm quân để dồn đối phương vào thế bế tắc trên chiến trường. Họ tin rằng một thế bế tắc trên chiến trường, cộng với việc ném bom Bắc Việt Nam, có thế bắt Hà Nội tới bàn thương lượng hoặc phải chấm dút sự ủng hộ Việt Cộng ở miền Nam.
Theo vị tư lệnh quân sự và các cố vấn của Tổng thống, ông không hề do dự trong việc đưa thêm quân sang Việt Nam nhưng không phải vì lo cho sự thất bại của quân đội Sài Gòn. Trong hồi ký của ông, ông cho biết rằng quyết định tăng quân của ông dựa trên hai nhân tố. Thứ nhất là ông tin ở thuyết Đô-mi-nô, cho rằng nếu Nam Việt Nam sụp đổ thì “toàn bộ Đông Nam Á sẽ lọt vào vòng kiểm soát của Cộng sản, có thể sớm hoặc muộn nhưng không thể tránh khỏi, ít ra là cũng tới Singapore và gần như chắc chắn là cả Djakarta”. Thứ hai, theo lời Johnson, “Tôi biết nhân dân nước ta quá đủ để hiểu rằng nếu chúng ta rút khỏi Nam Việt Nam và để cho Đông Nam Á sụp đổ thì sẽ có một cuộc tranh cãi có tính chất chia rẽ và phá hoại trong nước chúng ta… về vấn đề “ai đã để mất Việt Nam”… thậm chí còn tai hại hơn cả cuộc tranh luận về việc “ai đã để mất Trung Quốc” trước đây nữa”.
Điều lúc đó Johnson nghĩ trong đầu, không phải là những lý thuyết về tiến hành chiến tranh như thế nào của những con người lạc lõng kiểu Lansdale, mà là thuyết đô mi nô và Trung Quốc.
Có một thay đổi quan trọng khác cũng đã diễn ra vào lúc Lansdale trở lại Sài Gòn. Điều này có liên quan đến loại tin tức mà công chúng Mỹ sẽ nhận được về cuộc chiến tranh này từ nay về sau. Ngày 3 tháng Tám, ngày Lodge đã chuyển cho Johnson bản ghi nhớ của Lansdale, trong đó Lansdale đã cảnh cáo rằng lực lượng quân sự của Mỹ có thể đàn áp cộng sản “nhưng không thể đánh bậi họ mà không gây ra sự diệt chủng trừ phi phía chúng ta đặt cuộc chiến trên một căn bản chính trị”. Một đại đội thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đã đi từ căn cứ không quân Đà Nẵng tới làng Cẩm Né. Nhiệm vụ của thuỷ quân lục chiến đã thay đổi mà công chúng không hề hay biết, từ chỗ ban đầu là đến đây để bảo vệ căn cứ không quân đến nay thì họ đã tham gia hành quân càn quét. Cái đó thu hút rất mạnh sự chú ý của các nhà báo vì họ muốn được phản ánh những trận đánh đầu tiên của lính Mỹ ở Việt Nam. Đơn vị thuỷ quân lục chiến vào làng Cẩm Né có một phóng viên truyền hình của hãng CBS là Morley Safer đi theo cùng với chuyên viên âm thanh và người quay phim.
Cái con người Morley Safer mồ hôi nhễ nhại tiến vào Cẩm Né ngày hôm đó không phải như con người chín chắn già dặn xuất hiện hai mươi năm sau trong chương trình Sáu mươi phút của đài CBS đâu. Safer là một người Canada, bốn mươi tư tuổi, mặt thô ráp đầy sẹo ông đặc biệt nghi ngờ những người Mỹ mặc quân phục và những phát ngôn viên của chánh phủ. Phần lớn phóng viên, nói một cách lịch sự, giữ một thế đối lập với những nhân viên thông tin quân đội. Nhưng Safer thì còn hơn thế nữa. Mới ba tuần trước đây, vào giữa tháng Bảy 1965, Safer đã lao vào một cuộc cãi nhau với Arthur Sylvester, trợ lý của Bộ trưởng quốc phòng phụ trách quan hệ công cộng, ông này đến Sài Gòn cùng với McNamara. Quan hệ giữa giới quân sự với giới báo chí chưa bao giờ tốt cả, nay càng tồi tệ hơn sau khi thuỷ quân lục chiến tới Đà Nẵng, chung quanh vấn đề giới quân sự không cho các nhà báo vào căn cứ không quân được dùng để ném bom Bắc Việt Nam. Một nhóm nhà báo đã gặp để trình bày yêu cầu của họ với Sylvester, nguyên là một nhà báo can đảm. Khi Sylvester tìm cách giảng cho các bạn đồng nghiệp cũ của mình về cái mà ông cho là nghĩa vụ yêu nước, Safer đập lại ngay, “Arthur, ông đừng hòng coi báo chí Mỹ là con hầu của chính phủ”. Safer đâm thọc Sylvester với lời của Đô đốc Felt đã nói với báo chí là hãy cùng nhau hợp tác, lời nói vẫn còn được giới báo chí kháo với nhau từ cái thời của Halberstam tới giờ. “Đó chính là điều tôi mong muốn” Sylvester nói, thế là cuộc gặp gỡ đã chấm dứt trong giận dữ. “Tôi không nói chuyện với ông, tôi sẽ nói với ban biên tập của ông”, Sylvester nói.
Do đó, nói theo nghĩa nào đó thì nhà báo truyền hình Morley Safer đã thay thế cho nhà báo viết David Halberstam, người đã rời khỏi nước này một năm trước, để trở thành mục tiêu bất mãn của phái bộ quân sự Mỹ về cách họ viết về cuộc chiến tranh này. Và Safer, cũng như Halberstam, một nhà báo năng nổ hăng hái, tràn đầy tự tin, đôi khi phát triển tới mức ngang ngược chẳng bao giờ chịu rút lui khỏi cuộc đấu tranh. Lý do khiến cho phải bộ Mỹ ghét Safer, với tư cách một phóng viên, đã được chứng minh bằng những gì ông đã quay được ở Cẩm Né. Những cảnh ông quay đã cho thấy thuỷ quân lục chiến đã đốt nhà của dân làng mà họ cho là Việt Cộng.
Phim của Safer quay ở Cẩm Né đã xúc phạm nặng nề tới phái bộ quân sự. Westmoreland rất cáu. Trong thời kỳ của nhà báo Halberstam thì sứ quán và giới quân sự tìm cách làm mất tín nhiệm các phóng viên bằng cách nói rằng họ chết nhát và họ sống phần lớn thời gian ở Sài Gòn chứ không dám đi về nông thôn là nơi có chiến tranh. Những từ năm 1965, sự mở rộng chiến tranh đã đem lại cho các nhà báo nhiều phương tiện như trực thăng để đi khắp trong nước. Không ai có thể tố cáo Safer là cứ ru rú trong các thành phố. Cũng không ai có thể nói ông là thiếu can đảm bởi vì chính ông và người quay phim là Jerry Adams đã nhiều lần lăn mình trong lửa đạn để quay phim. Chỉ có một cách tố cáo duy nhất còn có thể dùng được là nói ông đã dàn cảnh ra việc đốt nhà mà thôi. Nhiều năm sau, khi mà hàng trăm làng mạc đã bị quân Mỹ đốt phá, tướng Westmoreland vẫn khư khư nói rằng chính Safer đã đưa cái bật lửa Zippo cho thuỷ quân lục chiến bảo họ đốt nhà nông dân để ông quay phim.
Câu chuyện Cẩm Né đã gợi lên một vấn đề lớn hơn nhiều, nhưng lại bị khoả lấp trong một cuộc tranh cãi là chuyện thuỷ quân lục chiến đốt nhà nông dân là thật hay dàn dựng. Vấn đề đó là một phóng viên truyền hình cần phản ánh cuộc chiến tranh này như thế nào? Trong khi tìm cách đánh giá “cuộc chiến tranh khó hiểu này”. Halberstam đã đặt câu hỏi: “Làm thế nào để anh nói về khoảng ba mươi cuộc chạm súng nhỏ mỗi ngày, xảy ra hầu hết ở những nơi anh chưa hề đặt chân tới và không có thông tin gì rõ ràng để hiểu đượcý nghĩa của tình hình cả?”. Câu trả lời của Safer (không phải của cá nhân anh mà là của ngành truyền hình nói chung) là với phương tiện trực thăng, trong hoàn cảnh chiến tranh mở rộng mỗi ngày có thể phản ánh được một sự kiện nhỏ mà kịch tính trong sự kiện đó tự nó đã có ý nghĩa rồi. Trên thực tế, người ta có thể thay một câu đánh giá tình hình bằng một đoạn phim ngắn về chiến tranh. Những những đoạn phim này thường là quay những cảnh tàn bạo của chiến tranh bên phía Mỹ bởi vì đâu có đoàn làm phim nào quay cảnh chiến tranh bên phía Việt Cộng đâu.
Các nhà báo truyền hình có thể quay những hoạt động chính trị theo kiểu của Lansdale, Colby và của Châu những những câu chuyện như vậy quay từ bốn mươi lăm tới nhín mươi giây thì không làm sao hấp dẫn được. Một số cán bộ của các hãng truyền hình như Richard Salant của hãng CBS thỉnh thoảng đã qua Việt Nam thề thốt là sẽ quay những thước phim thực chất hơn. Những người phóng viên truyền hình tệ nhất cũng phải thừa nhận sự thực: “Món hàng mà quần chúng ưa thích là những đoạn phim quay trên trực thăng, tức là trên cái dụng cụ chiến tranh kích động từ ngày có các hiệp sĩ đội mũ lông chim tới nay, thêm vào đó là tiếng súng trường, tiếng đại bác mà bộ binh đang công quả rừng rú và đồng ruộng”.
Phóng viên các báo không phải là không bị mê hoặc bởi các phương tiện chiến tranh hiện đại. Như Jason McManus của báo Time đã viết: “Từ khi chiến tranh được mở rộng, có sự lôi cuốn đặc biệt với những khía cạnh liên quan đến vũ khí và ngoại lai của cuộc chiến này. Tôi nhớ lại là trên tạp chí Time mọi người đều thích nói tới khía cạnh kỹ thuật”. Dĩ nhiên là ngoài ra còn những thông báo hàng ngày về các trận đánh và số địch bị giết, cho thấy rằng quân Mỹ được tăng cường ở khắp mọi nơi mà không thực sự giành được thắng lợi.
Khi các nhà báo muốn viết về các khía cạnh chính trị trong cuộc chiến thì họ thường phải tìm đến Barry Zorthian, một quan chức dân sự đứng đầu cơ quan phụ trách các quan hệ công cộng, mà một trong những công việc hàng ngày của nó là báo cáo tình hình cho các nhà báo vào lúc năm giờ chiều mỗi ngày trong một giảng đường có máy điều hoà không khí giữa trung tâm Sài Gòn. Zorthian, thấp và ngâm đen trông như một anh quản lý của hàng ăn nào đó ở Byzance, hăng hái quảng cáo hương vị của món mu-xa-ca. Thực ra ông là một người Armenian, sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ, đến Mỹ năm mới ba tuổi. Đối với Zorthian, người ta rất dễ sai lầm nếu đánh giá bề ngoài. Thường được gọi với cầu tên Zorro, ông là một trong những quan chức Mỹ khôn ngoan và tế nhị nhất đã phục vụ ở Việt Nam.
Zorthian đã học qua Trường Đại Học Yale, đã phục vụ với tư cách đại uý thuỷ quân lục chiến tại Thái Bình Dương trong Thế Chiến II. Ông đã từng làm báo và truyền thanh những phần lớn là phục vụ trong cơ quan thông tin của chính phủ, lúc đầu là làm cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, sau là làm sĩ quan phụ trách quan hệ với công chúng tại sứ quán Mỹ ở Tân Dheli. Đầu 1964, Zorthian được bổ nhiệm sang Sài Gòn trong dịp cải tổ phái bộ quân sự Mỹ sau đảo chính. Đại sứ Lodge, tự coi mình là một chuyên gia trong quan hệ với các nhà báo, đã yêu cầu Zorthian hãy tránh xa các nhà báo và chỉ tập trung vào việc báo cáo tình hình thường kỳ mà thôi. Nhưng Lodge và Westmoreland sớm phát hiện thấy những tài năng đặc biệt của Zorthian, và họ đã yêu cầu Washington giao cho Zorthian điều phối toàn bộ hoạt động đối với báo chí, làm cho ông trở thành một ông vua trên lĩnh vực thông tin ở Sài Gòn.
Frank McCulloch, người đứng đầu văn phòng của Time ở Sài Gòn nói “Có một nhóm nhà báo thường tụ họp quanh Zorro. Tôi cũng nằm trong số đó. Chúng tôi có những tin tức mà các phóng viên khác không có. Ông ta mời từ sáu tới tám nhà báo đến biệt thự của ông ta mỗi buổi chiều thứ năm - những người thuộc một số tạp chí khác, hãng thông tấn, báo New York Times, Washington Post và một hoặc hai hãng truyền hình. Ông mời rượu chúng tôi, cho chúng tôi nghe một nhân vật chủ chốt nào đó trong phái bộ quân sự Mỹ - hoặc thỉnh thoảng có một nhân vật từ Washington tới - mà ông đã thu xếp báo cáo tình hình cho chúng tôi nghe. Tất cả những gì mà quan chức đó nói đều là không chính thức. Lần khác thì người ta cho biết là phát biểu tránh mặt, nghĩa là chúng tôi có thể sử dụng tin đó nhưng không nêu tên người nói.
Sau buổi chiều thứ năm đó, Zorthian lại thu hẹp số người được mời lại còn một số ít hơn nữa ở lại đánh bài chơi, uống vài hớp rượu, và Zorthian đỡ nhẹ túi của các nhà báo một số tiền có thể là không nằm trong bản thanh toán chi tiêu của họ. Đó là một trong những phương thức hoạt động của Barry Zorthian nhưng phải nói là ông thành thực quan tâm đến các nhà báo và thông cảm với họ trên bình diện con người.
Tranh thủ được sự kính trọng của những nhà báo như Frank McCulloch, trước đây là chủ bút tờ Los Angeles Times và là cựu thuỷ quân lục chiến, một trong những phóng viên viết giỏi nhất về chiến tranh, rõ ràng là Zorthian được nhiều người mến mộ hơn bất cứ quan chức báo chí nào trước đây chỉ biết kêu gọi họ hợp tác. McCulloch và những người thân tín được mời vào những buổi họp hẹp kể trên thừa biết là Zorthian định làm gì. McCulloch nói “Ông chủ của anh ta là chính phủ, anh ta ăn lương chính phủ thì nhiệm vụ của anh ta là phải giới thiệu chính phủ theo cách tốt nhất. Nếu xét theo tiêu chuẩn đó thì anh ta là người đầy tớ tốt của công chúng đấy”. Dựa vào những buổi báo cáo miễn cưỡng của các quan chức trong phái bộ cho báo chí, bằng cách thu xếp phương tiện đi lại cho nhà báo trong những điều kiện khó khăn, bằng cách ăn nói nhỏ nhẹ thuyết phục trong một công việc thường gây mất lòng, Zorthian giành được sự biết ơn và tin cậy của báo chí và tích trữ được một số ảnh hưởng trong báo chí để sử dụng chống lại mục tiêu của ông trong bộ máy thư lại - những mục tiêu như Ed Lansdale chẳng hạn.
Trong khi Barry Zorthian là người cung cấp những tin tức chính trị về phía Mỹ, các nhà báo phải đi thuê những người săn tin Việt Nam để cung cấp cho họ những tin tức của phía Việt Nam. Để hiểu tầm quan trọng của những người săn tin Việt Nam, chúng ta cần dùng một ẩn dụ để so sánh một nhà báo Mỹ với một nhà báo Tây Tạng mà so với hoàn cảnh phổ biến ở Sài Gòn thì ẩn dụ này không gượng gạo lắm đâu. Nếu có một nhà báo Tây Tạng không nói được tiếng Anh tới Hoa Kỳ và thuê một người săn tin Mỹ có thể đọc được báo chí và tất yếu phải hiểu được nền văn hoá của mình, thì người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy nhà báo Tây Tạng tiếp thu mọi tin tức và quan điểm của anh chàng săn tin người Mỹ kia như là ông ta tiếp thu được chân lý vậy. Đó là điều đã xảy ra với các nhà báo Mỹ và những người Việt Nam cung cấp tin tức cho họ.
Hai người săn tin Việt Nam có ảnh hưởng nhất là Nguyễn Hùng Vương và Phạm Xuân Ẩn, cả hai đều bắt đầu sự nghiệp hướng về Mỹ của mình bằng cách làm cho nhóm tình báo của Lansdale từ giũa những năm một chín năm mươi. Vương là một người thấp, rất mảnh khảnh, trí thức nhất trong hai người. Phạm Xuân Ẩn, cao hơn người Việt bình thường, nhưng còng lưng theo tuổi tác, thẳng thắn hơn trong những nhận xét chính trị của mình. Bề ngoài là một người họp tác với Mỹ, Phạm Xuân Ẩn thực tế là một gián điệp của cộng sản và theo chính sự xác nhận của ông sau chiến tranh, ông đã làm gián điệp lúc còn làm cho nhóm của Lansdale.
Sau khi nhóm Lansdale giải thể và rút khỏi Sài Gòn, Vương và Ẩn làm người chạy tin cho các nhà báo Mỹ. Vương làm cho Robert Shaplen của tờ The New Yorker; Shaplen là ông bạn nhà báo thân nhất của Lansdale. Ẩn lúc đầu làm cho Beverly Deepe của tờ New York Herald Tribune và sau làm cho Time mà sau đó ông trở thành một phóng viên thường trú.
Ảnh hưởng của Phạm Xuân Ẩn và Nguyễn Hùng Vương còn toả rộng ra ngoài các tờ báo Time và The New Yorker. Họ là những người thông minh hơn, lớn tuổi hơn, tự tin hơn những người chạy tin Việt Nam khác; họ để cho những người này mỗi buổi chiều ngồi nghĩ ra những đường nét chung của chính trường Việt Nam tại quán cà phê Givral, nơi các nhà báo Mỹ thường hay đến. Phạm Xuân Ẩn cung cấp, một cách trực tiếp, không phải trả tiền thêm, những nhận định của ông về tình hình chính trị cho các nhà báo Mỹ có thế lực bên ngoài tạp chí Time.
Sau khi Sài Gòn sụp đổ người ta đã trông thấy Ẩn mặc quân phục đại tá. Việc đó không dễ chịu chút nào cho Murray Gart, người đứng đầu văn phòng báo Time ở Sài Gòn, đã nhận Ẩn vào làm phóng viên chính thức của báo, làm cho ông ta trở thành trường hợp đầu tiên mà tên tuổi một gián điệp cộng sản được đăng ở trang đầu, với tư cách là phóng viên, một trong những tờ báo lớn của Mỹ.
“Ẩn, thằng chó đẻ”, Gart sau này đã nói. “Tôi chỉ muốn giết nó thôi”.
Rõ ràng là Gart nói cường điệu đề che đậy sự lúng túng của mình thôi. Thực ra: nhiều nhà báo đã biết Ẩn, không thấy xao xuyến gì với việc một gián điệp cộng sản đã là nguồn cung cấp chủ yếu, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho nhiều bài viết về chính trị của họ. Một số người trong bọn họ còn buồn cười là mình đã quen biết một đại tá Việt Cộng và một số người khác, có cảm tình tới mức nào đó với thắng lợi của cộng sản. Những nhà báo như Morley Safer và David Greenway đã tìm thăm Phạm Xuân Ẩn trong những chuyến trở lại Sài Gòn sau chiến tranh và họ thường nhìn cái nghề dối trá của ông ta một cách cảm tình. Có thể là các nhà báo đã hình dung rằng giữa Barry Zorthian, chuyên bia thông tin của Mỹ, với Phạm Xuân Ẩn, một tình báo cộng sản Việt Nam, những bài vở về chính trị do báo chí Hoa Kỳ phản ánh chiếm khoảng giữa.
Dù sao đi nữa, các nhà báo Mỹ cũng không buồn phiền gì khi thấy tiêu điểm của các bài phản ánh đã chuyển từ tình hình chính trị đen tối của Việt Nam sang việc tăng cường quân sự của Mỹ năm 1965. Nhưng vẫn còn một câu hỏi: Tất cả những cái đó có nghĩa gì? Chỉ có một điều rõ rằng là Lansdale không cần tới sự giúp đỡ của các nhà báo để có câu trả lời.
Joe Redick là người ít nổi bật nhất trong nhóm Lansdale ở Sài Gòn năm 1954 và ông lại là người đầu tiên để chỉ cho Lansdale sự thay đổi của tình thế do việc tăng cường quân sự của Mỹ đem lại.
Ông nói “Lansdale rủ tôi trở lại Sài Gòn với ông ấy. Tôi nói với ông rằng đó là một sai lầm. Chúng tôi không nên đi. Bây giờ chậm quá rồi ông nói “Có thể đúng vậy. Nhưng ở đó sẽ vui lắm”. Tôi đang làm cho CIA và tôi thích công việc ở đây. Nhưng chắc tôi sẽ đi với ông ấy vì ông ấy đang cần một người ngồi văn phòng như tôi”.
Rufe Phillips cũng không lạc quan gì mấy: “Tất cả chúng tôi đều vận động cho Ed được cử sang Việt Nam. Tôi cho rằng chính nhờ công của Phó Tổng thống Humphrey mà ông được gửi trở lại Việt Nam. Tôi lại bị đặt trước một sự lựa chọn khó khăn, vì tôi đang rất bận với việc kinh doanh. Nếu tôi cảm thấy có cơ may gì để thành công, có thể là tôi sẽ bỏ hết mọi việc để đi. Nhưng tôi đã trải qua một thời kỳ làm việc đáng chán ở đấy rồi. Phillips đồng ý tạm gác công việc ở nhà lại một tháng để sang giúp tổ chức một nhóm mới ở Sài Gòn”.
Lou Conein cũng không lấy gì làm hăng hái. Sau khi bị Đại sứ Taylor yêu cầu ông rời khỏi Sài Gòn, Conein trở về tổng hành dinh của CIA và được giao cho một nhiệm vụ bí mật ở Mỹ La tinh. Ông đang học tiếng Tây Ban Nha tại trường ngoại giao thì nhận được thư của cấp trên cho hay là Lodge đã thay thế Taylor, và Lodge yêu cầu cho Conein trở lại Sài Gòn với ông. Conein hỏi thế còn công việc dự kiến ở Mỹ La tinh thì sao thì được trả lời rằng ông không thể từ chối yêu cầu của Lodge được và được lệnh phải đến Bộ Ngoại Giao để nghe thông báo về việc thay đổi ở sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Khi tới cuộc họp thì ông rất ngạc nhiên thấy Lansdale và những người trong nhóm cũ của ông đều có mặt ở đấy.
Dan Ellsberg cũng tới dự cuộc họp ở Bộ Ngoại Giao. Sau một thời gian làm cố vấn cho Công ty RAND về các vấn đề quốc phòng và gây được ấn tượng tốt với những người có quan hệ ở Lầu Năm Góc, một năm trước đây ông được nhận vào làm trợ lý cho John McNaughton, trợ lý của Bộ trưởng quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế. McNaughton là trợ lý hàng đầu của McNamara về Việt Nam và là người dành 70% thời giờ của mình cho vấn đề này. Ông nhờ Ellsberg làm cho một số việc khẩn cấp. Ellsberg lao vào công việc với cường độ làm việc quen thuộc của ông, làm việc nhiều giờ suốt bảy ngày một tuần, trong một thời gian ngắn đã trở thành một trong những người tuổi trẻ tài cao đang phục vụ chung quanh Bộ trưởng quốc phòng. Ông đến dự cuộc gặp gỡ tại Bộ ngoại giao với tư cách là người đại diện cho Lầu Năm Góc, đi thay cho McNaughton.
Ellsberg kể “Colly giới thiệu Lansdale với mọi người. Ông nói rằng Tướng Lansdale trước đây cũng là người của CIA những ông đã rút lui khỏi tổ chức này. Bây giờ ông trở lại Việt Nam là thi hành công vụ của Bộ Ngoại Giao. Lansdale đã đứng dậy trình bày những gì ông định làm ở Việt Nam. Ông nói ông sẽ cộng tác với người Việt Nam về phương diện chính trị. Khi họp xong, tôi tới gặp ông với Conein, và nói với ông rằng tôi rất cảm kích khi đọc bài ông viết trên tạp chí Vấn đề đối ngoại và tôi muốn được đi Sài Gòn trong nhóm của ông. Tôi nói tôi hưởng cấp bậc GS-18 nhưng tôi tự nguyện nhận cấp bậc nào cũng được miễn là có đủ tiền ăn thôi.
“Lansdale nói “Ông tự cho mình là người thế nào?”
“Tôi nói “Tôi có một khía cạnh quá say mê trong tính cách”.
“Ông và Conein nói “Xin cho một thí dụ”
“Tôi nói với họ rằng tôi đã chuẩn bị để đi Việt Nam với tư cách là một đại uý thuỷ quân lục chiến”
Mấy tháng sau, Ellsberb đến gặp người chỉ huy đại đội cũ của mình, ông này đã được đề bạt về làm tổ chức tại bộ chỉ huy của thuỷ quân lục chiến. Sĩ quan này nói rằng ông có thể được nhận trở lại và có thể được phong thiếu tá. Nhưng một thiếu tá thì phải có một cương vị tại ban tham mưu mà Ellsberg thì lại muốn chỉ huy một đại đội súng trường đi đánh nhau với cấp bậc đại uý thôi. Khi mà ông đã hưởng cấp bậc GS-18, một cấp bậc dân sự ngang với một chuẩn tướng - mà lại đi nhận một cấp bậc thấp như vậy thì không bình thường và ông lo rằng rủi có ai đó ở Bộ quốc phòng biết việc này thì sẽ không được ra tiền tuyến nữa mà phải về viết diễn văn cho một ông tướng nào đó. Trong lúc đó ông đem lòng yêu Patricia Marx, một ký giả tự do và một nhà hoạt động chống chiến tranh thuộc một gia đình giàu có, thế là ông vứt luôn ý nghĩ đi lính thuỷ quân lục chiến.
Lansdale bảo Conein kiểm tra câu chuyện của Dan Ellsberg. “Tôi chưa hề nghe tới tên Dan Ellsberg bao giờ”, Conein nói. “Dan là một người cực kỳ thông minh, có phần nào yếu đuối, những ông nói và viết rất tốt”.
Lansdale nói “Tôi thích Ellsberg. Nhưng tôi cảm thấy như có một động cơ gì nguy hiểm đẩy ông ta vào nhóm chúng tôi. Tôi muốn có ai đó tống giùm cho tôi cái đám thư lại khỏi cơ quan của tôi ở Sài Gòn những anh chàng này lại có khả năng dài dòng văn tự lắm đây”.
Cuộc tranh giành quyền bính ở Sài Gòn đã tự nó chấm dứt vào lúc nhóm của Lansdale trở lại Sài Gòn. Sau cuộc đảo chính Diệm, Sài Gòn đã rơi vào hỗn độn, và từ tháng Mười Một 1963 cho tới khi Nguyễn Cao Kỳ lên nắm chính phủ tháng Sáu năm 1965, chính phủ đã thay đổi chín lần, những tình hình chính trị cũng không đến nỗi phức tạp như người ta đã đọc trên báo. Một phần là vì các nhà báo Mỹ hiểu rất ít về đất nước này và do đó mà không thể nói rõ ý nghĩa những gì đang xảy ra. Nhìn lại thì thấy tình hình đã diễn tiến mấp mô gập ghềnh nhưng thẳng đường. Bạn của Lou Conein, những ông tướng hàng đầu đã lật đổ Diệm là những người lớn tuổi chịu ảnh hưởng của Pháp rất nặng. Hai trong những người chủ mưu đảo chính then chốt là Đôn và Kim có hộ chiếu Pháp. Dưới họ là một lớp sĩ quan trẻ hơn, cấp tướng và tá, do Pháp huấn luyện những chưa chịu ảnh hưởng nhiều của chế độ thuộc địa để trở thành những người thân Pháp. Họ không có được tinh thần dân tộc vững chắc như những nhà yêu nước, những ảnh hưởng ngoại lai của họ phân chia giữa ảnh hưởng của Mỹ và của Pháp, không cái nào trội hơn cái nào. (Ở giai đoạn sau nữa của cuộc chiến có một lớp sĩ quan trẻ thân Mỹ xuất hiện, những còn quá sớm để tạo ra được một sự khác biệt đáng kể). Do đó, tuy các sĩ quan trẻ không phải thuần tuý Việt Nam nhưng họ cũng có ý thức gìn giữ sự độc lập của họ và họ cũng lo ngại sẽ bị Mỹ hoá nhiều quá.
Cuộc đảo chính Diệm chỉ là phần đầu của quá trình gồm hai giai đoạn để đi tới quyết định xem ai sẽ là người lãnh đạo ở Sài Gòn. Giai đoạn hai, theo sát gót cuộc đảo chính, là hành động của các sĩ quan trẻ lật đổ các sĩ quan già đã cầm quyền từ khi Diệm lên năm 1954. Sau đó, cuộc tranh giành thực sự mới bắt đầu. Trong vòng mười tám tháng sau cuộc đảo chính, có hai sĩ quan trẻ, khoảng giữa những năm ba mươi, đã nổi bật lên trong số được các đồng nghiệp cấp tướng ủng hộ. Người thứ nhất là Phó Thống chế không quân Nguyễn Cao Kỳ, ông này bất ngỏ thấy rằng với địa vị tư lệnh không quân, mình có thể ném bom phe đối lập buộc chúng phải đầu hàng, đem lại cho ông vai trò cột trụ để làm thay đổi, hoặc không cho thay đổi chính phủ theo phương thức đảo chính thường dùng. Sĩ quan kia là Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu, mà quyền lực tăng lên không phải do chỉ huy một đơn vị quân đội quan trọng như Nguyễn Cao Kỳ mà vì là một trong những ông tướng khôn khéo nhất và thận trọng nhất khi giành ảnh hưởng.
Cả Kỳ lẫn Thiệu không phải xuất hiện như những người lãnh đạo được mọi người thừa nhận ngay. Các sĩ quan khác ganh tỵ với những đặc quyền của họ, không muốn cho ai thâu tóm quyền như Diệm đã làm. Một viên tướng thứ ba là Nguyễn Chánh Thi, có nhiều tham vọng nên nghi kỵ Kỳ và Thiệu, những người ông ta cho là mới phất. Thi là sĩ quan đã đảo chính Diệm hụt năm 1960. Ông đã từ chỗ lưu vong trở về sau khi Diệm bị lật đổ và nắm quyền chỉ huy quân khu cực bắc của Nam Việt Nam, trong đó có hai thành phố lớn thứ nhì và thứ ba là Huế và Đà Nẵng, một lãnh địa mà ông ta cai trị như một lãnh chúa, hất hàm mà nhìn Thiệu và Kỳ. Ông ta đã bị cách chức sau một cuộc nổi dậy mùa xuân 1966.
Mấy ông tướng này đùa giỡn với ý kiến cho rằng nên để cho mấy nhà dân sự lên lập chính phủ, mà sứ quán và CIA đã nhiều lần cố làm, nhưng tham vọng quyền lực của họ quá lớn nên khó mà họ từ bỏ được. Dưới áp lực của Mỹ đòi phải có một chính phủ ổn định, cuối cùng họ đã họp lại với nhau, và sau khi đã cãi nhau kịch liệt trong đó ai cũng cho rằng mình là - không ai được nghi ngờ - con người yêu nước chân chính chỉ nghĩ đến quyền lợi của đất nước, họ đã thông qua sự lựa chọn cho Kỳ làm Thủ tướng và Thiệu làm Tổng thống nghĩa là cho ông tướng không quân này nắm hầu hết quyền hành.
Người Mỹ không phải là không biết Nguyễn Cao Kỳ. Ông đã được người Pháp huấn luyện làm người lái máy bay vận tải đã nổi bật trong không lực trẻ tuổi của Nam Việt Nam như một người có phong cách và can đảm, cả hai đức tính dẫn tới chỗ phô trương. Khi người đứng đầu CIA ở Việt Nam là Colby bắt đầu đưa biệt kích nhảy dù xuống Bắc Việt Nam thì Nguyễn Cao Kỳ tình nguyện lái máy bay cho ông; khi Washington công khai ném bom miền Bắc năm 1965, Kỳ đòi được lãnh đạo không lực Việt Nam tham gia cuộc tấn công này. Mặc dầu có nhiều sĩ quan Việt Nam cũng can đảm bằng hoặc hơn các sĩ quan Mỹ những lòng can đảm không phải là điều kiện có trước để làm một tướng lãnh Việt Nam, lòng can đảm của Kỳ đã làm cho ông ta nổi tiếng trong đám người Mỹ và trong đồng bào của ông. Hơn nữa, người Mỹ khoái cái tánh cởi mở và thân thiện của ông; còn người Việt Nam, vốn ít râu và ít lông trên người, lại khoái bộ ria của ông.
William thừa nhận tính can đảm nhưng lại không đánh giá cao tính thông minh và tính bốc đồng của Kỳ. Kỳ ăn nói không biết giữ mồm giữ miệng và do đó cứ chuốc lấy nhiều sự rắc rối vào mình. Chẳng hạn như ông ta nói là rất khâm phục tài lãnh đạo của Hitler, một số bài báo Mỹ nói rằng ông ta chớm theo chủ nghĩa quốc xã, thực ra đó chỉ là một dấu hiệu cho thấy ông ta học hành quá kém và không tế nhị, ít nhất là theo cách của người Việt Nam, bởi vì ông ta là một người trẻ tuổi thích đàn bà, thích gái đẹp, thức mặc đẹp, thích lái máy bay chứ không chịu ngồi văn phòng mà lục giấy tờ của quốc gia. Người ta nói rằng trong công việc chính phủ thì Kỳ lười biếng hơn Thiệu, và có thể như vậy thật. Nếu Kỳ không được học hành đầy đủ thì ngược lại ông ta có đủ tự tin để dùng những người giúp mình như Bùi Diễm và Nguyễn Ngọc Linh.
Theo lời của Mike Dunn thì “Lodge thích Nguyễn Cao Kỳ vì ông ta hăng hái sôi nổi, vì ông ta có bà vợ đẹp và ông ta bay đi chiến đấu. Kỳ có cái kiểu nghênh ngang mà Lodge ưa thích. Lodge nghĩ rằng mọi người lính đều phải mặc quần vải thô và đánh roi ngựa. Dĩ nhiên, Kỳ không phải là con người tinh khôn”.
Lansdale cũng thích Kỳ. Kỳ không có tầm vóc một nhà lãnh đạo quốc gia như Diệm nhưng ông ta cũng không có tính ngoan cố bảo thủ như Diệm. Kỳ là một người còn trẻ và chưa được hình thành, là một thứ đất sét trong tay ai muốn nhào nặn ông ta thành một lãnh tụ chính trị.
Lansdale nói “Tôi thích cá nhân ông Kỳ, ông ta hay nói thẳng với tôi nên nhiều khi đụng chạm, nhưng ông ta nói nhiều quá, đặc biệt là khi có những phóng viên chung quanh. Tôi bảo “Khoá miệng lại đi. Họ đang trích dẫn và bôi nhọ ông đấy”. Ông ta nói với báo chí còn tôi ngồi bên cạnh. Bất ngờ ông ta nhìn tôi và ra vẻ như mím môi lại, biết rằng mình đã nói quá nhiều, và tôi đề nghị rút lui “Chúng ta đi khỏi đây thôi”.
Lansdale không gặp khó khăn gì trong giao dịch với các tướng trẻ. Ngoài tác phong riêng của ông, tiếng tăm của ông đã đạt tới mức huyền thoại: “Tôi làm việc ở nước này lâu đến nỗi mà một số bộ trưởng và tướng lĩnh còn là trẻ con hồi tôi tới đây lần đầu. Một hôm họ mời tôi ăn tối, cả Kỳ lẫn Thiệu lẫn tất cả các tướng khác, họ bảo tôi kể cho họ nghe những ngày đầu như thế nào và làm sao tôi gặp Trịnh Minh Thế. Họ ngồi xếp bằng dưới sàn quanh tôi và thiếu chút nữa thì tôi đã bắt đầu rằng “Ngày xửa ngày xưa…”. Họ hỏi một người ngoại quốc về lịch sử của chính họ”.
Vì các sĩ quan Việt Nam không đặt vấn đề nghi ngờ động cơ hành động của Lansdale - không phải sĩ quan Mỹ nào cũng được như vậy đâu - nên ông có thể nói chuyện với họ thẳng thắn mà không sợ làm họ mất lòng, ngay cả khi nói đến những vấn đề tế nhị như tệ tham nhũng, mặc dầu ông đang gặp rắc rối để tìm cách hoà giải giữa Kỳ và Thiệu. Hai sĩ quan này chia rẽ nhau về cá tính và vì tranh giành quyền lực với nhau, cuộc tranh giành đã biến thành một cuộc chiến tranh ngấm ngầm. Trong hai người thì Kỳ là người cởi mở hơn cho nên Lansdale đã tác động để cho Kỳ đi bước đầu tiên để giải quyết những bất đồng ngày càng tăng lên của họ.
Lansdale nói “Tôi bảo Kỳ: Lại đây, đây chỉ có hai bước là tới văn phòng của Thiệu. Tôi sẽ đưa hai ông lại với nhau rồi bước ra khỏi phòng. Những Kỳ không chịu làm. Ông ta nói: Tôi không nói chuyện với cái thằng chó đẻ đó đâu”.
Thiệu cũng không chịu nói với Kỳ. Xung đột của họ không bao giờ trở thành xung đột công khai như người ta lật bài lên bàn. Về bản chất, người Việt Nam ghét cái kiểu xung đột của người Mỹ. Cuộc xung đột của họ thường là lâu dài và nguy hiểm ngấm ngầm. Tới một lúc, Kỳ lại đổ bộ trực thăng của mình trên nóc dinh Độc Lập để quấy rầy Thiệu là người hay ngủ muộn. Thiệu cũng không nói một tiếng. Cuối cùng vợ Thiệu mới lịch sự yêu cầu Kỳ đừng làm như vậy nữa, vì trực thăng của Kỳ làm rầy rà cho cây trồng của bà. Liệu Lansdale có làm cho hai người này xích lại gần nhau hay không còn là vấn đề nhưng dù sao đi nữa ông cũng không được sự ủng hộ hoàn toàn của phái bộ Hoa Kỳ, bởi vì mới tới Sài Gòn ít lâu ông đã lao vào cuộc đấu tranh quyền lực của chính ông ngay trong bộ máy quan lại của Mỹ.
Mặc dầu ai cũng cho rằng bộ máy của chính phủ Hoa Kỳ đã phình ra quá lớn sau chiến tranh thế giới lần thứ hai nhưng trước khi có cuộc chiến tranh Việt Nam chưa có trường hợp nào cho thấy các tổ chức khác nhau trong chính phủ có thể phối hợp với nhau như thế nào để đạt một mục tiêu đối ngoại. Người ta có thể cãi rằng chiến tranh không thể được dùng để trắc nghiệm khả năng của một tổ chức nhưng sự ganh tị và bất lực thể hiện ở Việt Nam rõ ràng là khuyết tật bẩm sinh chứ không phải do chiến tranh.
Barry Zorthian nói rằng “Không có lấy một nhóm làm việc tập thể trong sứ quán. Cứ mỗi lần công việc không trôi chảy thì mọi người rất sẵn sàng đổ lỗi cho người khác. Có những nghi ngờ và ân oán lâu đời không bao giờ thanh toán dứt khoát cả. CIA thì cho là quân đội quá công thức, quân đội thì coi CIA như những anh cao bồi thò mũi vào công việc của họ. Cơ quan phát triển quốc tế thì cố gắng làm công việc xây dựng đất nước này, cho rằng quân đội thực là một thảm hoạ làm tan nát xứ sở này. Cơ quan thông tin Hoa Kỳ thì bị coi là một nhóm người chơi trò hiệp sĩ của chiến tranh tâm lý”.
Hình như toàn bộ các cơ quan Mỹ ở Sài Gòn chỉ còn thống nhất với nhau ở một điểm, đó là cần phải chặt giò cái nhóm của Lansdale trước khi nó có thể giành được quyền bính và ảnh hưởng để xía vào công việc của họ. Trong khi Lansdale lo thiết lập ảnh hưởng của mình với những người đứng đầu chính phủ Sài Gòn thì ông lại xung đột với người tham tán chính trị trong sứ quán của Lodge là Philip Habib. Ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có đầy những con người thông minh tế nhị, nhưng những năm tháng làm việc thận trọng trong bộ máy quan liêu đã khiến họ trở nên ít nhiều nhu nhược. Trong Bộ Ngoại Giao khó mà tìm được người nào thẳng thắn và sinh động như Habib, một người sẵn sàng nói ý kiến của mình, nhìn thẳng vào mắt mà nói, không phải rào đón năm lần bảy lượt gì cả. Không những Phil Habib là một người cố chấp ngoan cố mà ông ta còn là người lanh lợi nhất trong những người đã từng đến làm việc tại văn phòng sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.
Barrt Zorthian nói “Phil Habib không thích Lansdale một chút nào. Ông coi Lansdale là một người nhiều chuyện, chuyện của ai cũng xía vào, và không thích hợp với công việc ở Việt Nam. Phil tin vào thiết chế sẵn có, coi bộ máy đã được cấu trúc để thực thi sứ mạng của Bộ Ngoại Giao. Ông xem Lansdale như một người tự do chủ nghĩa, vô kỷ luật không chịu tuân theo chỉ thị của Washington”.
Theo Zorthian thì việc bổ nhiệm Lansdale qua Sài Gòn là một sai lầm vì “Lodge bị thúc ép”. Zorthian kể “Tôi trở về Washington để thỉnh thị ý kiến đúng trước khi Lodge trở lại Việt Nam nhiệm kỳ hai, và tôi đã ăn cơm trưa với Lansdale. Tôi không những ngạc nhiên mà còn sững sờ nghe Lansdale nói về những gì ông định làm, vai trò ông định đóng ở Việt Nam. Ông ta có cảm tưởng là đang lãnh đạo một chương trình chống nổi loạn như ông đã làm ở Philippines. Nhưng toàn bộ giai đoạn đó đã kết thúc hoặc đang kết thúc. Quân đội đã tràn vào nước này. Với sự có mặt của quân đội, còn có mọi thứ khác nữa - thượng tầng cấu trúc: hậu cần, chỉ huy, tham mưu - đủ mọi thứ mà Lansdale đã phản đối. Thế là Lansdale bị ra rìa - một phần bị đẩy ra một cách cố ý, một phần khác là do thực tế cuộc sống đòi hỏi như vậy - và đứng ngoài mà dán mũi vào cửa kính mà nhìn thiên hạ làm việc.
Ngoài Phil Habib thì quan chức thứ hai của sứ quán xô đẩy Lansdale ra ngoài chính là Barry Zorthian. Lansdale cho rằng Zorthian không xứng đáng với vai trò kép của ông ta là người vừa đứng đầu chương trình chiến tranh tâm lý và đồng thời đứng đầu cơ quan thông tin của sứ quán; Lansdale không phải là người duy nhất cho rằng Zorthian, mặc dầu có những quan hệ báo chí, chưa chắc đã hiểu thế nào là chiến tranh tâm lý. Lansdale đã mang chuyên gia chiến tranh tâm lý của mình theo và, như thường lệ, khi ông làm việc với những người đồng bào của mình, thì ông lại giống cái áo khoác có thể lộn lại thành hai mặt khác nhau, một mặt làm việc với người Việt Nam thì rất tốt, còn mặt làm việc với người Mỹ thì rất xấu.
Ông nói: “Tôi cho rằng hoạt động chiến tranh tâm lý của Hoa Kỳ ở Việt Nam chỉ là chuyện trẻ con. Tôi muốn thấy Zorthian làm nhiều hơn nữa. Tôi có một người hàng đầu trong cơ quan thông tin Hoa Kỳ cùng đi với tôi, Hank Miller, người thâm niên hơn Zorthian ở Washington. Zorthian mời cả hai chúng tôi về nhà ông ở Sài Gòn và chúng tôi lại cãi nhau như chó với mèo. Tôi muốn ông ta làm nhiều hơn nữa với chương trình thông tin của ông còn ông thì cứ bảo rằng tôi chẳng hiểu cái quái gì trong đó cả”.
Zorthian nói rằng: “Tôi cho rằng Lansdale là con người - nói thế nào nhỉ? - không thực tế, đầu bù tóc rối, sống với quá khứ. Nếu Lansdale trở lại Sài Gòn hai năm trước, ngay sau hay trước cuộc đảo chính thì còn hoá may. Nhưng ông ta trở lại đây vào lúc này là không thích họp. Ông ta không nghĩ như vậy. Nhưng tôi cho là như vậy”.
Như Zorthian đã nói, Lansdale đã bị lạc hậu trước khi đến nơi. Và mọi việc không dễ dàng gì hơn một khi có hai bạn đồng nghiệp đáng sợ như Habib và Zorthian chống lại ông. Habib là một người Mỹ có cằm bạnh, nặng ký, dòng dõi người Liban, những nhà báo ở Sài Gòn thường nói đùa rằng ông và Zorthian, làm việc chung với nhau, trông giống như hai anh chàng mua bán thảm miền Cận Đông vừa mua được một số thảm Ba Tư “chính hiệu”. Các nhà báo hình dung rằng Zorthian, thay vì cầm dao đồ tể mà đuổi theo Lansdale, lại rít một hơi thuốc lá, từ trên lầu nhà mình nhìn ra cửa sổ ra vẻ nhẫn nhục chịu đựng, kể cho một phóng viên nghe một cách êm dịu, thân mật, miễn cưỡng, dĩ nhiên là không chính thức, về anh chàng Lansdale tội nghiệp, tới giờ phút này vẫn còn lãng mạn một cách tuyệt vọng. Bao giờ người ta cũng tìm ra bằng chứng để nói rằng Lansdale là một người có nhiều thiện chí nhưng hơi mê muội, và cái cách Zorthian mô tả Lansdale đã tìm được con đường đi vào các tác phẩm của David Halberstam và Francis FitzGerald, cũng như trong bài viết của nhiều nhà báo khác. Trong lúc Zorthian làm việc với báo chí thì Habib phải liệu sao cho Lansdale không có mặt ở đó.
Lansdale nói “Rõ ràng là chúng tôi xung đột với nhau. Zorthian và Habib không hiểu được cuộc chiến tranh. Và họ còn đang muốn thăng quan tiến chức nữa. Tôi làm việc rất chặt chẽ với nhóm của Kỳ. Mấy tuần sau, có một quan chức Nam Việt Nam nói với tôi “Habib đến chỗ tôi và nói rằng ông ta không muốn tôi gặp ông nữa”. Hãy tưởng tượng những chuyện như vậy xảy ra trong lúc có chiến tranh”.
Mặc dầu ông phải đấu tranh với bộ máy thư lại của sứ quán, Lansdale cũng có được một trong nhũng thành công đầu tiên là đã đề cao được địa vị của Kỳ với Johnson. Tổng thống bay đến Honolulu. Vào đầu năm 1966, trong một mưu toan lái sự chú ý của công chúng khỏi những cuộc điều trần của Uỷ Ban Đối Ngoại Thượng Viện, và Lansdale lại phải chuẩn bị trước cho Thủ tướng Nam Việt Nam đi phó hội. Tổng thống Johnson rất thích thú được gặp Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ tại Honolulu, trông như một chính khách Mỹ, một người Dân chủ thuộc tiểu bang Texas. Lansdale đã đọc hết những bài diễn văn của Johnson và gợi ý cho người viết diễn văn của Kỳ hãy đưa một số ý kiến của Johnson vào bài diễn văn chuẩn bị sẵn cho Kỳ đọc tại cuộc họp.
Lodge nhìn cuộc xung đột giữa Habib và Lansdale theo cách khác. Mike Dunn nói “Lodge thích những người không công thức và Lansdale chính là loại người như vậy. Nhưng ông sớm thấy rằng Sài Gòn đã trở thành một môi trườn quan liêu. Tôi chưa từng thấy ai lại giải quyết công việc không hề do dự như ông ấy, con người chỉ thích làm với những người có ích cho công việc. Lansdale là một cầu thủ không sút được bóng vào lưới, thế là Lodge loại ông ta luôn. Hữu ích, đó là điều quan trọng - còn anh mắt xanh hay mắt nâu, Lodge cũng cóc cần. Habib không phải là người đẹp nhất nhưng Lodge lại nghĩ rằng ông ta là con người kỳ diệu. Habib là con người tinh ranh trong môi trường quan liêu, thế là ông được Lodge giao việc”.
Mặc dầu có những thế lực dàn trận chống lại ông, Lansdale đã làm được một việc đáng kể, nhưng không được người ta ghi công và không được người Mỹ ở Sài Gòn biết đến. Hơn bất cứ quan chức nào khác, ông là người chịu trách nhiệm tổ chức một cuộc bầu cử kiểu Mỹ ở Nam Việt Nam đang trong chiến tranh. Lyndon Johnson, cũng như các quan chức khác ở Washington, rất quan tâm đến việc chứng minh rằng Nam Việt Nam là một nước dân chú, đáng nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Nhưng việc này nói thì dễ mà làm thì khó. Và còn thiều vấn đề không chắc có làm được không nữa.
Mike Dunn nói “Lansdale muốn có một nền dân chủ thực sự còn Lodge chỉ cần có một nền dân chủ hình thức để chúng ta sẽ làm những gì chúng ta muốn làm. Hai người quan niệm vấn đề rõ ràng là không như nhau”.
Lansdale mang Rufe Phillips sang Việt Nam năm 1966 để giúp ông xây dựng một chế độ tuyển cử. Lansdale muốn trước tiên bầu ra một quốc hội lập hiến mở đường cho những cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội sau này. Ông và Phillips mới chạy tìm người Việt Nam tham gia và họ bắt đầu mở lớp cho những người ra ứng cử ngay tại nhà của Lansdale. Một trong những người mà Phillips nhớ tới đầu tiên là Trần Ngọc Châu, ông và Lansdale khuyến khích Châu ra tranh cử.
Nói như vậy không có nghĩa là không có người Việt Nam nào muốn tự họ xây dựng một chế độ dân chủ. Có những người Việt Nam như vậy, và Lansdale làm người đồng minh và là người xúc tác họ. Còn Lou Conein thì từ trước tới này, theo lời ông nói “phát ốm với mấy chính khách Việt Nam rồi”, ông cho rằng Lansdale chỉ là con người đơn thương độc mã lo tổ chức tuyển cử mà thôi. Conein nói “Lodge cũng thành thạo trong lĩnh vực chính trị những ông không thể làm gì với cái chính trị kiểu Việt Nam này. Còn Lansdale thì trái lại ông cho rằng ông có thể làm cho người Việt Nam nghĩ rằng đã đến lúc họ có thể tổ chức tuyển cử”.
Lansdale có lúc làm việc có hiệu quả với những nhà lãnh đạo chính trị, nhờ vào uy tín và cá tính của ông nhưng nhóm của ông lại mắc kẹt trong hệ thống thư lại của Mỹ ở Sài Gòn. Ngay người trưởng chi cục CIA ở Sài Gòn là Gordon Jorgenson, một người đã từng phục vụ với Lansdale năm 1954, đã nói một cách lịch sự nhưng cương quyết rằng ông không dính mũi vào công việc của người khác. Một trở ngại lớn nữa cho nhóm của Lansdale là họ không có một ngân sách riêng mặc dầu Bộ Ngoại Giao đã nói rằng ngân sách đã chờ sẵn họ ở Sài Gòn. Điều dó khiến cho Conein nghĩ rằng sứ mạng của họ đã bị những kẻ thù của Lansdale phá hoại ngay từ lúc họ chưa rời khỏi Washington.
Dan Ellsberg cho rằng “Lansdale có thể làm được nhiều hơn nếu ông có địa vị cao hơn và được Lodge tin tưởng hơn. Những cái bọn quan liêu ở đây đã hoạt động rất mau lẹ để loại chúng tôi ra ngoài khi chúng tôi vừa đến nơi. Tôi thấy mình là con người bị vùi dập, bị cô lập và rất bất bình. Trong hoàn cảnh như vậy, Lansdale chán nản, đâm ra uống rượu ngày cành nhiều. Chính lúc đó tôi thấy thương ông ta nhất”.
Lansdale cũng cảm thấy thích Ellsberg lắm, tuy ông vẫn coi Ellsberg như một đứa con ương ngạch bướng bỉnh cần phải được chỉ bảo vì còn quá ngây thơ. Không có việc gì làm Ellsberg dành thời gian cho việc săn đuổi đàn bà. Con người được ông chú ý là một thiếu phụ trẻ đẹp mang trong người hai dòng máu Việt Pháp, vốn là tình nhân của tên thủ lĩnh một băng đảng bí mật người Corse ở Sài Gòn. Lansdale cho rằng Ellsberg đang lao mình vào một tình thế nguy hiểm. Ông nói “Bọn Corse sẽ cắt cổ Ellsberg cho mà xem. Bình thường thì tôi chẳng bao giờ tới gần cái gã Corse này làm gì nhưng lần này tôi phải đến gặp anh ta yêu cầu anh ta đừng giết Ellsberg”.
Lúc đầu thì Ellsberg cho rằng Lansdale thổi phồng vấn đề nhưng ông cũng bắt đầu chú ý khi chính Conein nói với ông “Nghe đây, ông bạn. Bây giờ anh đang gặp rắc rối với bọn Corse hơn là với Việt Cộng đấy nhé. Anh biết chúng sẽ làm gì khi anh tranh gái với chúng không? Chúng sẽ đè anh xuống lề đường và quất anh bằng dây thép gai”.
Lansdale cũng không chịu cái tính thích đi đánh nhau của Ellsberg. “Ellsberg xin đi ra ngoài một tuần. Tôi đồng ý. Thế là anh ta vác một cây súng trường đi đánh nhau với Việt Cộng Tôi nói với anh rằng làm như vậy là sai. Tôi nói “Chúng ta đến đây để kết bạn với nhân dân, để kéo họ về với chúng ta nhưng chúng ta không thể làm việc đó bằng cách ném lựu đạn vào họ”.
Ellsberg thích phá phách đánh nhau khi còn là dân sự. Sau khi đã tiết lộ những Tài liệu mật của Lầu Năm Góc rồi Ellsberg vẫn không được phong trào chống chiến tranh ở Mỹ công nhận, điều đó làm ông bất mãn; cộng thêm vào đó là mỗi khi ông lao vào một vấn đề gì ông làm như chỉ có mình là đúng, vênh vang tự cao tự đại, tạo cho ông hình ảnh của một người không ai muốn đụng đến, kể cả hai phía, phía ủng hộ chiến tranh cũng như phía chống chiến tranh. Vì sao ông ta lại thích đi đánh nhau chính Ellsberg cũng không rõ, cho nên sau này khi ông trở về Hoa Kỳ, ông đã đi tìm lời giải đáp ở những nhà phân tâm học.
Ellsberg không báo cáo tất cả việc làm của mình cho Lansdale biết. Ông biết Lansdale sẽ lo ngại khi ông mạo hiểm hoặc có thể làm cho cả nhóm gặp rắc rối. Sau một thời gian, Ellsberg nhích gần lại với John Paul Vann. Ellsberg chia xẻ với Vann hai điều ưa thích. Cả hai không ai uống nhiều rượu cả, nhưng Vann là một người hết sức buông thả trong việc săn đàn bà, bất kể nhà ngói hay nhà tranh, đến nỗi đứng cạnh ông một tay hám gái như Ellsberg trông như một anh chàng độc thân e thẹn vậy. Và cả hai đều thích mạo hiểm.
Ellsberg định đưa Lansdale với Vann lại gần nhau. Cả hai ông này đều có những người ngưỡng mộ trong đám người Mỹ trẻ tuổi phục vụ chương trình bình định. Cả hai đều là những người thích hoạt động bên ngoài bộ máy quan liêu bàn giấy. Nhưng phong cách của họ khác nhau và phát triển tới chỗ họ thành hai lực hút khác nhau. Trong khi uy tín của Lansdale trong giới báo chí bị suy giảm vì hoạt động của ông kém hiệu lực và cũng vì những lời gièm pha của Habib và Zorthian nữa, thì tiếng tăm của Vann lại nổi lên bởi vì ông đã tỏ ra là một người có khả năng làm được việc và là một người không ngại nói cho báo chí biết việc mình đang làm.
Ellsberg kể “Một hôm tôi đưa Vann về nhà để Vann đưa cho Lansdale coi những bức ảnh ông chụp về việc Mỹ ném bom tàn phá đồng bằng. Vann hoàn toàn chống lại việc ném bom cũng như tôi và Lansdale cũng ghét việc ném bom ở nông thôn. Vann đưa mấy bức ảnh ra nhưng Lansdale lại rất giữ ý, nói “ông không nên đưa ảnh này cho ai coi cả”. Vann ra về, Lansdale hỏi tôi “Anh chàng đó làm gì vậy?” Tôi cứ nghĩ rằng Lansdale sẽ đồng tình với Vann nhưng không dè việc Vann chụp ảnh loại đó rồi đưa cho mọi người xem lại làm cho Lansdale bực mình".
Cũng có thể là có phần nào ganh tỵ trong thái độ của Lansdale nhưng chắc là ít thôi bởi vì ông cũng biết rằng Vann ủng hộ ông. Hai người đã biết nhau hồi ở Lầu Năm Góc và chính Vann chứng tỏ ý muốn tham gia vào nhóm của Lansdale cho tới khi ông thấy là không được mới thôi. Lansdale cho rằng Vann là người rất chân thực muốn giúp đỡ cho Việt Nam “nhưng ông ta lại có những ý nghĩ riêng về cách phải thực hiện công việc như thế nào và ông ta muốn người Việt Nam phải làm như vậy. Ông ta rất thương họ nhưng lại rất khó tính với họ. Ông ta nói với tôi,Tôi biết thằng Việt Nam đó là bạn của ông nhưng chống Việt Cộng thì nó là một thằng ngốc”. Nhưng ông ta lại làm tất cả việc gì có thể làm được để cứu một người Việt Nam đang gặp khó khăn. Vann là một người có nhân cách kỳ lạ”.
Lansdale không phản đối việc Ellsberg bỏ ông theo Vann. Ông không thừa nhận rằng mình đã bị đánh bại trước mặt mọi người, nhưng trong thâm tâm ông đã biết như vậy và ông còn mong sẽ tìm được cách hoạt động nào đó trong trường hợp cả nhóm không hoạt động được. Conein và những người khác trong nhóm đâm ra rượu chè, ăn không ngồi rồi và Lansdale biết rằng không bao lâu nữa trong nhóm sẽ không còn ai quan tâm tới ông. Conein là người ra đi đầu tiên. Conein hỏi ông có thể trở lại làm việc cho CIA không. Chi cục CIA đưa ông ta Phụ trách căn cứ Biên Hoà bên ngoài Sài Gòn. Nếu nói rằng để làm việc với người Việt Nam thì đó là sự lựa chọn tốt nhất, nhưng Conein cũng giống như Lansdale là làm việc với người Việt Nam thì rất tốt mà làm việc với đồng bào Mỹ của ông ta thì rất xấu. “Tôi bất mãn với tình hình ở Biên Hoà và tôi cho tất cả mọi người biết”, Conein nói. Tiếp theo một sự cố mà trong đó, Conein, sau khi uống mấy ly rượu, đã đổ một chậu hoa hay một thùng nước gì đó - tuỳ theo người thuật lại - lên đầu một quan chức Mỹ đang đi bên dưới, ông bị đổi đi một tỉnh xa hẻo lánh gọi là Phú Bổn. Tới đây, ông phát hiện ra rằng các quan chức Việt Nam ở đây đều là loại bị đày như ông cả, ông bắt đầu gọi tỉnh này bằng tên Phú Elba. Sau khoảng một năm gần như không làm gì, ông rời khỏi Việt Nam và rút lui khỏi CIA. Những người khác trong nhóm cũng đi khỏi Sài Gòn không kèn không trống. Lansdale vẫn còn đó nhưng chỉ có Ellsberg là thích nghi với tình hình mới mà thôi.
Qua John Paul Vann, Ellsberg đã làm quen với Châu. Và cũng như Vann, Ellsberg đã chịu ảnh hưởng rất mạnh của Châu về bình định. Châu thích nói lý thuyết. Ellsberg cũng vậy. Nhưng không phải chỉ có thế. Ellsberg rất cảm kích với niềm tin của Châu cho rằng có thể thực hiện chế độ dân chủ ở Việt Nam. Sở dĩ Ellsberg cảm kích, cũng thật là buồn cười, vì đại đa số người Mỹ ông quen biết không ai tin như vậy cả. Mặc dầu miệng họ vẫn nói đãi bôi về tuyển cử tự do, về nguyên tắc dân chủ nhưng trong lòng họ cho rằng dân chủ thực sự đòi hỏi một trình độ học vấn cao mà người Việt Nam chưa có được. Một số trong những người Mỹ này còn đi tới chỗ tin rằng Việt Cộng, vẫn là những người yêu nước đấu tranh chống ngoại xâm, sẽ là những người lập ra một chính phủ Việt Nam tốt nhất sau khi họ giành được thắng lợi. Châu cho rằng những tư tưởng đó chỉ là một hình thức người Tây phương chiếu cố tới người Việt Nam, một số lớn người Mỹ cho rằng họ biết điều gì là tốt cho người Việt Nam, người Mỹ ủng hộ chiến tranh hay chống chiến tranh đều như vậy, mặc dầu họ không có ý thức; Châu còn giải thích cho Ellsberg biết rằng người nông dân Việt Nam nếu được phép lựa chọn thì họ sẽ lựa chọn cách thanh toán các quan chức tham những bằng lá phiếu chứ không phải bằng súng đạn như Việt Cộng quen làm. Ellsberg đã bị những lý lẽ của Châu thuyết phục và ông bắt đầu tin rằng dân chủ có thể áp dụng ở khắp nơi, chứ không phải chỉ những nơi có trình độ học vấn cao, như một số người Mỹ mặc dầu có đầu óc dân chủ vẫn chưa chịu thừa nhận.
Dan Ellsberg là một sự trộn lẫn kỳ lạ giữa một trí thức giàu tưởng tượng, đầu óc tiêm nhiễm đủ thứ ý niệm với một người thư lại không chịu theo khuôn phép thích đùa với vũ khí. Nếu các bạn cũ của Ellsberg tới trường Harvard mà biết được những hoạt động kỳ quặc của ông thì họ chẳng còn xem ông ta là một nhà tư tưởng nghiêm chỉnh về Việt Nam nữa. Nhưng, theo đuổi đàn bà và thích đánh nhau lại được những người đang phục vụ tại chỗ đánh giá tốt. Cả hai thứ ham thích đó được lòng những người đang chiến đấu hơn là bằng cấp đại học cao. Tính liều mạng không những là không xấu trong môi trường chiến tranh mà còn được coi là đáng phục nữa là khác. Vì vậy Ellsberg đã được những người đang đánh nhau với Việt Cộng chấp nhận dễ dàng hơn bất cứ nhà trí thức nào khác. Hơn nữa, Ellsberg lại có ý muốn thi đua với người anh hùng lý tưởng của mình là John Paul Vann, đã mạo hiểm lái xe trên các con đường lục tỉnh thay vì đi máy bay hay trực thăng an toàn hơn, như phần lớn người Mỹ khác vẫn làm. Vì vậy Ellsberg đã thấy nông thôn nhiều hơn và nói chuyện với nông dân nhiều hơn bất cứ quan chức nào khác trong chương trình bình định trong thời gian ấy.
Trong những chuyến đi của mình, Ellsberg đã gặp một nhóm nhỏ quan chức trẻ trong chương trình bình định đã nổi tiếng với những tư tưởng táo bạo của họ. Hầu hết bọn họ đều có lòng khâm phục Lansdale và Vann.
Ellsberg nói “Tôi đã gặp chừng nửa tá người tự cho rằng là những người làm việc tốt ở Việt Nam. Họ cho rằng họ không như những người Mỹ khác. Họ có những người bạn Việt Nam, và một số trong bọn họ còn nói được tiếng Việt Nam nữa. Họ không tin ở khả năng của không lực mà tin ở khả năng của những hoạt động chính trị. Họ chán ghét người Pháp và sợ rằng người Mỹ lại theo chân người Pháp. Và trùm lên tất cả, quan điểm chiến tranh của họ khác hẳn quan điểm của giới chính thức”.
Những con người tuổi trẻ tài hoa mà Ellsberg đã phát hiện được không những là thông minh và kiên quyết mà còn - mặc dầu Ellsberg không nói đến đặc tính này của họ - tham vọng và sốt ruột muốn sửa chữa mọi việc ngay hôm nay, chứ không phải trong hai, năm, mười năm, một thời gian mà họ cho là cả đời đối với một người trẻ tuổi đang nóng vội. Tới thời điểm này thì họ bi quan không phải vì họ không tin chương trình bình định có thể thực hiện được, mà vì họ cho rằng chương trình không được thực hiện một cách nhanh chóng và kiến hiệu, và những người lãnh đạo nó hình như không biết phải làm gì nữa. Họ bi quan đến nỗi cho rằng không còn có thể làm gì được nữa khi họ thấy những kết qủa đầu tiên của chiến lược tìm và diệt của tướng William Westmoreland.
Sau khi cuộc chiến tranh của Mỹ đã bị thua, người ta đã công khai công kích Westmoreland. Chắc chắn là có nhiều chỗ để phê phán nhưng không thể nghi ngờ lòng trung thực của ông ta. Nhưng người ta có thể đặt vấn đề một cách nghiêm chỉnh về đầu óc linh hoạt của Westmoreland và khả năng chỉ huy của ông trong một cuộc chiến tranh có tính chất vừa chính trị vừa quân sự này(). Tuy vậy, người ta cũng cần phải xét đến tình hình Westmoreland đã gặp phải khi ông ta lãnh đạo cơ quan MACV.
Westmoreland đến Sài Gòn chỉ ít lâu sau cuộc đảo chính Diệm, khi đất nước đang trong cơn hỗn loạn, và còn tiếp tục hỗn loạn gần suốt bốn năm trong nhiệm kỳ của ông. “Vừa ra khỏi máy bay” Westmoreland kể, “tôi được đón tiếp không lấy gì làm thú vị cho lắm từ phía ban lãnh đạo Việt Nam”. Ông Tướng được cử ra đón Westmoreland là một người được đào tạo trong nhà trường của Pháp, ông này “cứ đòi tôi phải nắm quyền chỉ huy quân lực Việt Nam và làm mọi việc thay cho họ”. Hơn nữa, Westmoreland nói với vẻ chán ghét, “Đã hai dịp có các cuộc đảo chính, ông ta đã tìm cách lẩn trong cơ quan của chúng tôi”.
Ông được dịp hiểu rõ những đồng minh Việt Nam của ông năm tháng sau đó khi ông tung ra một cuộc hành quân bình định vùng chung quanh Sài Gòn. Westmoreland có hai lý do để đặt uy tín của ông vào cuộc hành quân này. Một là ông muốn đánh bại Việt Cộng. Cùng với việc này, ông dùng cuộc hành quân như là sự bắt đầu một loạt động tác truất bỏ trách nhiệm bình định khỏi tay các quan chức dân sự. Không phải vì giới quân sự cho rằng trong vấn đề này mình giỏi hơn giới dân sự, nhưng bởi vì Westmoreland là người đang chỉ huy một tổ chức lớn nhất trong nước muốn thâu tóm về mình mọi hoạt dộng khác nhau. Đó là cuộc đấu tranh lớn nhất giữa các quan chức Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, kéo dài từ năm 1964 tới 1967, và kết thúc bằng một thoả hiệp giao quyền kiểm soát chương trình bình định cho giới quân sự những vẫn để thực quyền nằm trong tay một quan chức dân sự, đầu tiên là trợ lý của Tổng thống Johnson, ông Robert Komer và sau đó là William Colby.
Hoạt động bình định, mà Westmoreland gọi theo tiếng Việt Nam là “Hợp tác” (Cooperation) đã biến thành một thảm hoạ. Ông thấy rằng rất ít ai quan tâm đến chuyện này. Các bạn đồng minh Việt Nam của ông thì lao vào những cuộc tranh giành quyền hành, nên chẳng còn thì giờ đâu mà quan tâm đến việc ông đang làm. Theo quan điểm của Westmoreland thất bại của hành quân hợp tác “có thể tóm tắt trong mấy chữ: bất ổn chính trị”. Từ đó về sau, ông ca ngợi lòng can đảm của nhân dân Việt Nam mỗi dịp có phát biểu ý kiến, mỉm cười theo kiểu của ông trong những ngày gặp gỡ và lễ hội - và ông gần như không biết tới họ nữa.
Trong năm đầu tiên của ông ở Việt Nam, trong khi Việt Cộng ngày càng mạnh và tình thế ngày càng xấu, ông vẫn lạc quan cho rằng ông có thể thắng, nếu ông được cho thêm quân. Theo lý thuyết về chiến tranh du kích do Cộng sản Việt Nam đưa ra, mà ai cũng có thể đọc được, thì họ sẽ giành thắng lợi qua từng bước trưởng thành về quân sự, từ những cuộc hành quân đơn vị nhỏ tới những cuộc hành quân đơn vị lớn. Từ năm 1965, khi ông bắt đầu xin đưa quân Mỹ sang, Việt Cộng đã tấn công với quy mô tiểu đoàn. Thay vì thấy đó là dấu hiệu của tai hoạ thì Westmoreland lại coi đó là một cơ hội chiến thuật. Việt Cộng hình như muốn đưa lưng ra cho quân Mỹ, với sức cơ động bằng trực thăng và hoả lực áp đảo, đè bẹp. Theo quan điểm của Westmoreland, không có chiến lược nào tốt hơn là chiến lược tìm và diệt, tiêu hao lực lượng của địch đến mức chúng phải đầu hàng. Ông không còn tin rằng quân đội Sài Gòn có thể tiếp tay với ông trong cuộc hành quân bình định. Đối với ông, chẳng có chính phủ nào, lãnh tụ nào ổn định ở Sài Gòn cả.
Maxwell Taylor, trong nhiệm kỳ đại sứ của mình đã học được bài học là quân đội Mỹ có thể tiêu huỷ nông thôn Việt Nam và biến những người nông dân Việt Nam, những người đáng lẽ phải được tranh thủ về với chính phủ Sài Gòn, trở thành những du kích Việt Cộng. Ý kiến đó chưa bao giờ đến với Westmoreland cả, bởi vì ông chưa bao giờ quan tâm đến người Việt Nam như là nhân dân cả, bởi vì, không giống như Taylor, ông không có được những phụ tá dân sự mẫn cảm chính trị hơn ông. Thái độ cá nhân của Westmoreland đã thoáng hiện trong giai thoại sau đây do chính ông kể về vợ chồng ông khi tiếp xúc với thức ăn Việt Nam
“Kitsy và tôi rất khó làm quen với thức ăn Việt Nam, đặc biệt là nước mắm, mà người Việt Nam thường ăn với cơm và là nguồn cung cấp protéin chủ yếu cho họ. Bởi vì Kitsy đã để nước mắm vào thì phải nhắm mắt miễn cưỡng mà ăn, đó là cách duy nhất để mọi người chấp nhận mùi của nó. Có lần một chai nước mắm bị bể trong máy bay của tôi hầu hết chúng tôi phải. đeo mặt nạ phòng hơi độc để sống sót”.
Thức ăn Việt Nam, với ít nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa, được những người sành điệu cho là một trong những thức ăn đáng kể nhất trên thế giới; và nước mắm, rất nặng mùi, nhưng đâu đến nỗi phải đeo mặt nạ mới chịu nổi, là thứ gia vị mà người Mỹ ở lâu xứ này rất thích. Nước mắm tạo ra nhiều tâm trạng khác nhau trong lính Mỹ nhưng người ta có thể thông cảm với sự không quen của một binh nhất mười chín tuổi, ở tiểu bang South Carolina tới, lần đầu tiên ra khỏi môi trường quê hương của anh; nhưng khó mà thông cảm với tiếng cười rúc rích của viên đại tướng tư lệnh của anh trước món ăn lạ này. Không cần phải dùng đến những tính ngữ không đẹp để mô tả Westmoreland, bởi vì ông chỉ là sản phẩm của môi trường xã hội và của thế hệ ông. Nói theo cách nào đó thì đối với ông, người Việt trung bình là con người ông không bao giờ trông thấy.
Vấn đề là đối với Việt Công cũng vậy, ông cũng không hề trông thấy. Nếu cái chiến lược tiêu hao của ông được đưa vào áp dụng thì ông phải tìm họ mà diệt; và cộng sản bắt đầu chơi cái trò cút bắt. Mấy tháng sau khi quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam 1965, Hà Nội bắt đầu đưa vào Nam đơn vị quân đội chính quy đầu tiên của họ, mở đầu sự chuyển tiếp kéo dài bảy năm, chuyển từ cuộc chiến tranh du kích do Việt Cộng thiếu vũ khí tiến hành sang một cuộc chiến tranh quy ước của quân đội Bắc Việt Nam với xe tăng, đại bác và rốc két. Thật đáng ngờ là cộng sản, lúc nào cũng cho rằng Việt Nam là một cuộc chiến tranh chính trị, lại nghĩ rằng họ có thể đánh bại quân lực Mỹ bằng một phương thức thích hợp nào đó trên chiến trường. Có thể chiến lược của họ là tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài để làm cho dư luận công chúng Mỹ bị mỏi mòn rồi quay ra chống chiến tranh, như họ đã từng làm với Pháp, và trước mắt, là họ kéo quân Mỹ lên vùng rừng núi, bỏ trống vùng duyên hải đông dân không được bảo vệ để tiến hành bình định.
Tuy nhiên, dù họ có tính toán chiến lược thế nào đi nữa thì Bắc Việt cũng bị bất ngờ trong trận đánh lớn đầu tiên với quân Mỹ, trong vùng rừng núi Ia Drang, tháng Mười Một, 1965. Toàn bộ những lữ đoàn, một bộ phận của một sư đoàn đã được chuyển từ vị trí này tới vị trí khác với tốc độ đáng kinh ngạc. Hà Nội được dịp trông thấy quân Mỹ cơ động như thế nào trong chiến đấu. Quân Pháp trước kia đâu có cơ động được như vậy và rõ ràng là cộng sản cần phải điều chỉnh lại chiến thuật của họ. Họ không thể đương đầu trực diện với quân Mỹ, trừ trường hợp ở trong hoàn cảnh đặc biệt thuận lợi cho họ, hoặc không thể trường hợp liều lĩnh tuyệt vọng để giành một mục tiêu chính trị nào đó. Cách đối phó của họ là tránh đánh nhau với quân Mỹ, trừ phi họ có thể đánh bất ngờ bằng một trận phục kích. Phần lớn thương vong của Mỹ là từ những trận phục kích chỉ kéo dài vài phút đồng hồ và trong những bẫy mìn thường là do đàn bà trẻ con gài. Đánh nhau theo kiểu Thế Chiến II với những trận đánh kéo dài giữa những đơn vị lớn đối đầu với nhau rất hiếm khi xảy ra. Để chống lại những trận phục kích của cộng sản, quân Mỹ đã cho máy bay rải chất hoá học tên là Agent Orange, nhưng chất này bản thân nó lại biến thành một thứ phục kích mới bởi vì người ta cho rằng chất hoá học này đã gây bệnh ung thư cho lính Mỹ đã tiếp xúc nó.
Nhưng thật là khó mà tìm cho ra cộng sản, trừ phi họ để cho mình thấy, thành ra Westmoreland cứ phải áp dụng những chiến thuật gần giống như chính sách tiêu thổ vậy. Sau một năm đứng nhìn đống cỏ khô và tìm mãi không thấy có gì để vận dụng chiến lược tiêu hao của mình, ông liền đốt luôn đống cỏ khô đó. Những khu rừng nào ông nghi có cộng sản đang hoạt động thì ông cho ném bom cháy vào đấy. Khi rừng ẩm ướt không chịu cháy như ý ông muốn thì ông lại cho xe ủi đất vào đào tận gốc trốc tận rễ nó lên. Những chiến thuật của ông, cộng với ném bom và bắn pháo, đã tạo ra một sự di dân, nông dân và gia đình họ không sống nổi với nông thôn đã kéo nhau vào thành thị. Tạo ra một đám người tị nạn, một sản phẩm phụ của chính sách tìm và diệt, lại được một số sĩ quan của Westmoreland cho là tốt bởi vì họ cho rằng người nông dân chạy vào thành thị thì không thể làm du kích cho cộng sản được nữa.
Quân Mỹ hành quân với đơn vị cơ bản là đại đội, gồm khoảng hai trăm người, phần lớn là mười bảy mười tám tuổi, hàng ngày lùng sục kẻ địch ở những vùng đông dân cư thì quân Mỹ đi vào làng, lục tung tất cả trong quá trình tìm kiếm của họ. Phần lớn trường hợp là kẻ địch đã bỏ chạy và có thể là còn giấu lại một số vũ khí, đạn dược và gạo. Chỗ giấu đồ là một cái chòi, một nhà lợp tranh, lợp lá. Lính Mỹ bắt đầu là đốt chỗ cất giấu của Việt Cộng, sau đã thành thói quen đốt nhà, làm cho hàng ngàn dân thường vô tội lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Trong những vùng núi rừng không dân cư, trực thăng đổ bộ quân Mỹ xuống ngọn núi và khi đến nơi họ bắn nát tất cả để tránh bị phục kích mà bị phục kích là chuyện thường xảy ra luôn. Họ lập những căn cứ hoả lực tạm thời để lùng sục trong rừng không ngớt.
Với chiến lược dựa trên căn bản là giết kẻ địch, mà kẻ địch hễ quân Mỹ tới thì họ tránh đi, để lại cạm bẫy đủ loại ở phía sau, một số sĩ quan muốn mau được thăng quan tiến chức tỏ ra lo lắng muốn cho cấp trên biết thành tích của mình. Áp lực là từ Westmoreland xuống. Yêu cầu “đếm xác” càng xuống tận cấp dưới càng thô bạo và rõ ràng. Các sĩ quan tại chiến trường tìm cách kích thích quân lính của mình tìm địch mà diệt. Đó là một phương pháp dẫn tới giết người tràn lan, một người dân thường bị giết cũng được tính là một Việt Cộng bị giết.
Westmoreland dường như không biết hay là không quan tâm đến những gì đang xảy ra ở đồng quê. Trong hồi ký, ông tỏ ra rất ngạc nhiên thấy rằng mấy chữ “tìm và diệt” của ông lại không lọt tai công chúng. Ban tham mưu của ông cũng thấy rằng một trong ba chữ được dùng trong cuộc hành quân bình định cùng với quân đội Nam Việt Nam đã thất bại. Cuộc hành quân gồm ba giai đoạn, trước hết là tìm và diệt Việt Cộng, sau đó “dọn sạch” vùng đó để bình định và sau đó nữa, là “đám bảo an ninh” cho tương lai. Westmoreland nói “Mục đích của bất cứ cuộc hành quân nào đều nhằm tìm và diệt quân địch và đồ tiếp tế của chúng, tôi chẳng thay có gì là mâu thuẫn hay thô bạo trong chữ này cả, nhưng ngày tháng trôi qua, tôi rất ngạc nhiên thấy rằng nhiều người đã gắn liền nó với những cuộc lùng sục không có mục đích ở trong rừng và việc huỷ diệt bừa bãi làng mạc và nhiều tài sản khác của nhân dân. Nhiều kẻ còn nói rằng chiến lược của Mỹ ở Việt Nam là “chiến lược tìm và diệt”, trong thực tế “tìm và diệt” không phải là cái gì khác hơn một chữ dùng để chỉ chiến thuật, Westmoreland thú nhận rằng ông không hay biết gì về chuyện ý nghĩa của chữ đó đã bị “bóp méo” như vậy cho đến đầu năm 1968, khi một nhân vật trước đây của TV là John Charles Daly, một người bạn của Westmoreland, đứng đầu đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, nói với ông: “Thưa Đại tướng, ông chính là kẻ thù tệ hại nhất của ông chừng nào mà ông còn dùng cái chữ đã bị bóp méo đến như vậy”. Westmorelanđ mới bỏ chữ “tìm và diệt” và thay vào đó nhiều chữ khác nhưng không thay đổi gì thực chất của nó.
Từ năm 1968, ngay một số người ủng hộ chiến tranh cũng viết nghiêng chữ tìm và diệt để tỏ ý mỉa mai, có người còn cho rằng lời thú nhận của Westmoreland nói rằng ông ngạc nhiên là một lời thú nhận không trung thực, nếu không nói là không thể nào tin nổi. Nhưng đối với người nào đã biết Westmoreland thì khác. Nếu xét trình độ trực giác của Westmoreland thì không nghi ngờ gì là ông ta ngạc nhiên thật. Đó còn là vấn đề ông ta thực sự biết được đến đâu về những gì đang thực sự diễn ra. Hồi tưởng chuyện đã qua, John Chaisson, một vị tướng thuỷ quân lục chiến từng được đào tạo tại Harvard, đã nói rằng một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc chiến tranh là “các tướng Mỹ không chịu để cho bốt của mình dính bùn”. Người nào đến gần mặt trận nhất cũng là vài ngàn bộ trên không, trên một chiếc trực thăng đã được sửa chữa lại cho tiện nghi. Westmoreland đã dành ra nhiều đoạn để tả lại lần ông đến sát với chiến tranh nhất là khi máy bay của ông lọt vào tầm lửa đạn trong một chuyến bay gần biên giới Lào. Nếu ông ta đi theo một cuộc hành quân qua vùng dân cư, được ngửi mùi mồ hôi lạnh, được chia xẻ nỗi chán chường của binh sĩ thấy bạn bè của họ mất mạng trong những cạm bẫy, được nhìn thấy họ vừa bị bắn tỉa một băng đạn đã gọi máy bay và trọng pháo quét sạch một ngôi làng, thì chắc là ông sẽ giảm đi nhiều nỗi ngạc nhiên khi thấy nghĩa mấy chữ tìm và diệt đã bị “bóp méo” đến như vậy. Dĩ nhiên là thuộc cấp, vì muốn đáp ứng yêu cầu “đếm xác” của ông, đã không nói cho ông biết. Nói như vậy không phải nói Westmoreland và các tướng Mỹ thiếu dũng cảm. Nhưng tính chất cuộc chiến tranh đã biến họ thành những nhà quản lý chỉ xuất hiên sau các trận đánh để khen thưởng quân đội với những huân chương hơn là làm cho họ trở thành những người chỉ huy hoà hợp với binh sĩ của họ.
Người ta có thể nói nhiều nữa về sự thiếu hiểu biết của mấy ông tướng này. Khi những người trong bộ máy của ông báo cáo rằng chiến lược của ông đã sai lầm thì Westmoreland đã bịt mắt bịt tai lại. Harold K.Johnson, tham mưu trưởng lục quân, một người được coi là một nhà tri thức quân sự, đã phái một nhóm sĩ quan đi điều tra về những cuộc hành quân của Westmoreland. Sau chín tháng điều tra nghiên cứu, họ đã đi đến kết luận, vào tháng Ba 1966 rằng điều cần phải làm là xây dựng nông thôn chứ không phải tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao. Đó là một cuộc bỏ phiếu không tín nhiệm đáng ngạc nhiên đối với vị tư lệnh quân sự ở Việt Nam. Nhưng Westmoreland đang ở vị thế ảnh hưởng lớn trong công chúng cũng như với Nhà Trắng, đã thu xếp để hạn chế bản nghiên cứu đó lại thành một văn kiện “có tính khái niệm”, thực tế là đã vô hiệu hoá nó. Bản nghiên cứu này đã tỏ ra nhạy cảm đến nỗi các sĩ quan lục quân bị cấm nhắc đến nó bên ngoài bức tường của Lầu Năm Góc.
Trên thực tế, Westmoreland tin rằng chiến lược của mình đang mang lại kết quả và không thể có chiến lược nào khác. Trận đánh Ia Drang cho ông thấy rằng ông đã làm hỏng chiến lược của Hà Nội nhằm chia cắt Nam Việt Nam ra làm hai mảnh cô lập để rồi gặm dần từng mảnh một. Thế là từ đó về sau những cuộc hành quân “làm hỏng” đã trở thành nhật lệnh, đặc biệt là trong mùa khô, mùa mà người ta dự kiến sẽ có những “chiến dịch mùa khô” đôi khi đã xảy ra.
Đáng chú ý là vị tướng duy nhất đã hỏi Westmoreland về ý đồ chiến lược thực sự của Bắc Việt Nam là một tướng thuỷ quân lục chiến. Đáng chú ý, bởi vì, đứng về phương diện tác chiến mà nói thì thuỷ quân lục chiến tuy rất can đảm nhưng lại không thích hợp với cuộc chiến Việt Nam, họ vẫn còn quen với công việc đổ bộ (làm như Việt Nam là một Iwo Jima hay Guadalcanal khác vậy) chứ chưa quen với chiến thuật mới và hiệu nghiệm của lục quân là trực thăng vận. Nhưng vị tư lệnh đầu tiên của thuỷ quân lục chiến là Trung tướng Lewis Walt, mắt xanh, tròn trĩnh, nhạy cảm, tiếp xúc trực tiếp với người Việt Nam nhiều hơn là Westmoreland, quân đội của ông được giao trách nhiệm dọc bờ biển phía Bắc của Nam Việt Nam; và ông nhận thức rằng nói cho cùng thì nhân tố quan trọng để giành thắng lợi trong cuộc chiến này là giành được lòng trung thành của dân chúng, mà lòng trung thành chỉ có thể giành được bằng chương trình bình định, và những chương trình này muốn được thực hiện thì quân của ông phải đảm bảo an ninh lâu dài cho vùng ven biển. Tướng Walt tin rằng Bắc Việt Nam đưa quân đội chính quy của họ vào Nam Việt Nam vào cuối 1965 là một thủ đoạn để kéo thuỷ quân lục chiến khỏi khu vực đông dân ven biển nơi họ đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc đánh bật Việt Cộng và thí nghiệm chương trình bình định. Walt hỏi Westmoreland, vậy chứ đuổi theo Bắc Việt lên rừng để làm gì? Làm như vậy chỉ tạo thuận lợi cho chúng mà thôi. Nhưng Westmoreland đã ra lệnh cho Walt phải tiến hành những cuộc hành quân “làm hỏng” và đẩy thuỷ quân lục chiến vào những cuộc hành quân vô nghĩa và đẫm máu trong rừng núi hoang vu, suýt nữa bị mắc bẫy ở Khe Sanh, bản thân địa điểm này cũng chẳng có ý nghĩa gì và đã mau chóng bị rút bỏ, họ chỉ rút khỏi đó được nhờ lòng can đảm và nhờ hoả lực ào ạt của không quân đến tiếp viện. Như Walt đã nói trước, cái duy nhất được “làm hỏng” là chương trình bình định ở những vùng đông dân cư ở ven biển.
Mặc dầu Westmoreland tin rằng chiến lược của ông chỉ bị trắc trở do thiếu quân số tăng viện và do Nhà Trắng đã cấm ông không được đuổi theo quân địch qua biên giới Lào và Campuchia, nhưng bản thân Lyndon Johnson bắt đầu quan tâm đến những hoạt động bình định. Thoạt đầu mối quan tâm của ông chỉ nhằm mục đích bề ngoài, để đối phó với áp lực của những người chống chiến tranh và đặc biệt là chống lại chiến lược tìm và diệt của Westmoreland. Lyndon Johnson thấy có lợi trong việc sử dụng lại Phó tổng thống Hubert Humphrey, cử ông này sang Việt Nam vào đầu năm 1966, làm ông bầu của cái ông gọi là “cuộc chiến tranh khác” (another war). Cách ông diễn đạt chương trình bình định là “một cuộc chiến tranh khác” cho thấy ông không mấy quan tâm đến quan điểm của Lansdale cho rằng trong chiến tranh Việt Nam hai khía cạnh quân sự và chính trị là gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Tuy nhiên, ông hiểu rõ bản chất của bộ máy thư lại, và ông hiểu rằng trong năm 1966 này, Sài Gòn chính là hang ổ của con rắn nhiều đầu.
Sức ép của Nhà Trắng đã làm cho người Mỹ ở Sài Gòn phải xúc tiến hai công trình nghiên cứu về bình định. Một, do các nhà quân sự tiến hành, không làm ai ngạc nhiên khi nó kết luận rằng việc bình định phải đặt dưới quyền kiểm soát của Westmoreland. Công trình kia do các nhà dân sự tiến hành. Đại sứ Lodge gọi người trợ lý của mình, ông George (Jake) Jacobson, giao cho ông tổ chức một lực lượng đặc nhiệm để nghiên cứu vấn đề. Ông là một đại tá lục quân, thích rượu whisky Scotland và ăn nói nhã nhặn lịch sự với người thuộc mọi dân tộc, Jacobson đã công tác nhiệm kỳ đầu tiên ở Việt Nam năm 1954 và đã chọn đất nước này làm sự nghiệp của đời mình. Tính cách ân cần, thẳng thắn làm cho ông trở thành một quan chức sứ quán hoàn hảo. Jacobson dường như chưa hề gặp một đại sứ nào mà ông không thích, và ông đã làm việc cho tất cả, từ năm 1965 cho đến khi ông cùng bay bên cạnh Graham Martin năm 1975 khỏi Sài Gòn. Như ông đã nói, không phải là không chút tự hào, “Số phận đã giao cho tôi trách nhiệm đổ sọt rác và vót bút chì cho một số người Mỹ vĩ đại”.
Mặc dầu thích Lansdale, Jacobson lại vào hùa với những người khác trong bộ máy thư lại để tách cái nhóm của Lansdale ra, nhóm mà ông coi là gồm “nhiều nhân vật kỳ quặc”. Trừ một người, đó là Dan Ellsberg, mà Jacobson cho là “con người trội nhất trong đám”. Jacobson, người bạn tốt nhất của John Paul Vann, rất cảm kích trước sự can đảm của Ellsberg. Ông nói “Ellsberg là một người dũng cảm. Ông đã nhiều lần cùng hành quân với bộ binh để nắm tình hình đang xảy ra”. Vì vậy, khi Lodge bảo Jacobson tổ chức một nhóm đặc nhiệm thì Ellsberg là người đầu tiên của tám người trong nhóm được Jacobson chọn. Jacobson nói rằng “Ellsberg là người có năng suất cao nhất và là người thông minh nhất trong nhóm đặc nhiệm này”. Trong ba tháng trời, những nhà điều tra của Jacobson đã đi khắp nơi trong nước, xem xét mọi khía cạnh của công tác bình định mà bấy giờ, để tránh dùng chữ của Pháp, được gọi lại là chương trình “phát triển cách mạng”.
Công trình nghiên cứu của Jacobson quan trọng ở chỗ là nó đã trùng hợp với sự vỡ mộng của Robert McNamara vào những tháng cuối năm 1966. McNamara là người thoạt đầu tưởng rằng thế nào Hà Nội cũng hoảng sợ, hoặc bị ép phải nhượng bộ bởi cuộc chiến tranh không quân của Mỹ, đã thấy rằng việc ném bom không đem lại kết quả và những cuộc hành quân tìm diệt của Westmoreland tốt nhất thì cũng đưa tới bế tắc mà thôi. Khi ông sang thăm Việt Nam vào tháng Mười năm 1966, vài tuần sau khi bản nghiên cứu của Jacobson hoàn thành, McNamara đã sẵn sàng chấp nhận một giải pháp thay thế cho chiến lược của Westmoreland. Về cuộc chiến tranh không quân, McNamara muốn lập hàng rào điện tử ngang Nam Việt Nam và hạn chế ném bom Bắc Việt Nam. Sự vỡ mộng của McNamara một phần do người phó của ông, John McNaughton, thủ trưởng cũ của Ellsberg tại Lầu Năm Góc; và cũng dễ hiểu là vì sao mà Ellsberg được Bộ trưởng quốc phòng mời hỏi ý kiến. Ellsberg về Mỹ trên máy bay của McNamara. Trong chuyến bay Bộ trưởng đã xin một bản sao bản báo cáo cực kỳ bi quan với cái tên là “Đến thăm một tỉnh mất an ninh”.
Báo cáo của McNamara gửi Lyndon Johnson ngày 14 tháng Mười 1966 cho thấy có một thay đổi lớn trong tư tưởng chiến lược đối với cuộc chiến tranh. Ông đề nghị nên ổn định lại cuộc chiến tranh trên không và trên bộ, nên tập trung nỗ lực vào công tác bình định và phát triển sự tự quản của Nam Việt Nam. Trong báo cáo của mình, McNamara đã nhắc lại bản báo cáo nghiên cứu của Jacobson, kể cả phần đóng góp của Ellsberg trong đó. Thứ trưởng Ngoại Giao Nicolas Katzenbach, cùng đi với McNamara tới Sài Gòn, đã trình một báo cáo khác. Ông đồng ý với McNamara và đề nghị giao cho phó đại sứ của Lodge là William Porter trách nhiệm xúc tiến chương trình bình định và giao cho ông ta một ông tướng để làm phó, bảo đảm sự hợp tác của giới quân sự trong công cuộc bình định này. Lẩu Năm Góc cũng đồng ý là chương trình bình định tiến hành không được tốt đẹp nhưng lại đưa ra một phản đề nghị là tất cả chương trình phải đặt dưới quyền của Westmoreland.
Johnson đã nghe theo ý kiến của McNamara lúc bắt đầu cuộc chiến tranh trên bộ và trên không và cũng sẵn sàng nghe lời ông ta khi ông ta muốn rút lui. Hình như Johnson cũng không có mấy ý kiến riêng về cách phải tiến hành cuộc chiến tranh này như thế nào. Ông ta cùng không phải là một Abraham Lincoln, sẵn sàng sa thải hết tướng này đến tướng khác để tìm cho ra vị tướng biết phải làm gì. Johnson kiểm soát cuộc chiến tranh rất chặt chẽ, nhưng chặt chẽ theo đường lối trung dung giữa hai ý kiến đối lập được đề nghị với ông. Ông ta là người đi nước đôi ngay từ đầu, không hẳn là một kẻ hiếu chiến như những người phê phán ông đã quan niệm, qua những quyết định của ông, người ta thấy rằng ông quan niệm vai trò của người tư lệnh trên chiến trường không phải là ra tiền tuyến mà là khống chế khu trung tâm. Nếu bây giờ McNamara yêu cầu tăng cường bình định thay vì tăng cường những cuộc hành quân thì đó là ông đi theo đường lối lãnh đạo của Lyndon Johnson mà chính McNamara cũng có phần tham gia soạn thảo.
Ý kiến đề nghị giao cho William Porter, người phó của Lodge phụ trách tất cả các chương trình bình định cũng kéo dài mất vài tháng. Đó đúng ra phải là công việc của Lansdale, nếu ông không bị bộ máy thư lại ném qua cửa sổ. Porter là một người có năng lực, dễ hợp tác, không hay gây chuyện sóng gió. Đã có nhiều người nhún vai khi nghe Porter được giao trách nhiệm điều khiển Cơ quan Công dân vụ (Office of Civil Operation). Dan Ellsberg đã mất một ít hứng thú với cuộc chiến tranh nhưng không giảm chút nào nỗi khao khát quyền lực và ảnh hưởng, đã tự cắt đứt với Lansdale. Ông trở thành người trợ lý của Porter, làm một trong những người thanh tra hàng đầu để đánh giá xem chương trình bình định được thực hiện như thế nào từ khi được tổ chức lại. Ellsberg thấy nó chẳng có tiến triển gì cả. Nhưng ông nhận thức được rằng muốn làm cho nó tiến triển thì không phải chỉ đơn giản cải tổ bộ máy thư lại mà được. Vấn đề nằm ở chỗ toàn bộ cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc chiến tranh, như Lansdale đã nói từ lâu. Đất nước này đã bị tàn phá bởi những cuộc hành quân ồ ạt. Còn gì nữa mà bình định cơ chứ? Và Ellsberg càng hiểu biết đất nước này, Ellsberg càng thấy rõ một vấn đề nghiêm trọng khác. Có quá ít quan chức Việt Nam trung thực và có tinh thần phục vụ như ông bạn Châu của ông.