Người họa hình “chùa”

Người họa sỹ lang thang mệt mỏi tìm một nơi cư ngụ. Anh ghé vào một quán bán đủ thứ trong thị xã gọi một ly cà phê. Cô gái chừng đôi mươi vụng về đến nổi ly cà phê rung rinh trên chiếc khay nhỏ chực muốn đổ. Nhưng cô gái lúng liếng làm cho đôi lúm đồng tiền như biết tỏ tình. Người họa sỹ chết điếng trước vẻ quyến rũ của cô gái mà cho dù ly cà phê có đổ ập xuống trên đầu anh ta thì chắc anh ta cũng hạnh phúc như được một đặc ân. Anh ta thốt lên: “Tiếc quá! Cái đẹp trời cho này không biết nắm bắt ngay, mai mốt chóng tàn thì không kịp hối!” Cô gái trố mắt: “Anh nói gì ạ?” “À..Tiếc là tôi không có giấy vẽ. Nếu có, tôi xin được vẽ cô” “Vẽ em à?” “Ừ.”Cô gái hớn hở: “Dạ, nhà em có bán giấy tập vẽ cho học sinh được không ạ?”
 
Bức hình cô gái được tiếng tăm khắp thị xã. Ai cũng khen ngợi người họa sỹ đã thổi hồn chân dung cô gái trong tranh thật sống động cuốn hút. Và ai cũng ao ước được người họa sỹ vẽ chân dung của mình. Nhất là những nam thanh nữ tú. Người họa sỹ cũng cảm nhận được điều đó và thấy việc làm của mình mang đến hạnh phúc cho người khác thì anh ta cũng rất vui. Rồi từ đó, hễ anh bắt gặp bất kỳ một ai có dáng dấp, gương mặt đẹp; có tính cách đặt biệt; có nét cuốn hút người khác thì anh vẽ họ. Mặc dù ngoài công việc mưu sinh vất vả, anh cũng dành nhiều thời gian, công sức trăn trở sáng tạo để có những chân dung đầy tính nghệ thuật và sống động. Họ chẳng trả một đồng nào cho anh mà họ chỉ cần mua một tờ giấy vẽ ở tiệm bán tạp hóa của cô gái.
 
Một hôm,có một người bán bong bóng dạo cá biệt xuất hiện ở thị xã này. Cái khác lạ của anh này là ai mua một chiếc bong bóng thì anh ta sẽ vẽ hình ảnh người đó lên chiếc bong bóng trong vài phút. Lẽ dĩ nhiên chiếc bóng bóng sẽ hơn tiền gấp nhiều lần một chiếc bong bóng bình thường. Người họa sỹ cũng nhận ra anh chàng bán bong bóng là một sinh viên cùng học chung trường mỹ thuật với anh nhưng điểm môn vẽ truyền thần° bằng không đến ba lần bảy lượt nên chán nản nghỉ học.
 
Người họa sỹ đến quán tạp hóa của cô gái để uống cà phê với hy vọng là sẽ được nhận sự quý mến trân trọng của cô gái. Và hơn hết là mong được nhìn thấy bức họa của cô gái do mình vẽ sẽ được treo lên ở một nơi kiêu hãnh và dễ chiêm ngưỡng nhất trên tường.  Nhưng..Anh chợt thấy bức họa của anh vẽ bị cuốn tròn ném vào một góc xó bụi bặm. Lòng dạ anh chìm lịm, cổ họng nghẹn thắt, trong lúc cô gái thao thao khoe chiếc bong bóng thật to vẽ hình cô ta đang treo đung đưa giữa gian nhà chính: “Anh biết không? Cả thị xã này ai cũng như thế cả! Chiếc bong bóng có giá trị bằng ba ngày công lao động tại công ty nên ai cũng nâng niu quý trọng, sợ bễ!”
 
Người họa sỹ lẩn thẩn bước ra khỏi quán cô gái với cõi buồn vô hạn. Người bán bong bóng từ đâu xẹt tới: “Ê, sao ốm đói thế? Theo tao làm một chầu coi! Tao bây giờ thiếu gì tiền” Người họa sỹ bước theo người bán bong bóng đến nhà hàng. Người bán bong bóng lên lớp: “Mày phải biết như thế này: Kẻ có tâm, có tình, có hồn như mày thời buổi này đến cháo cũng không có mà húp. Mày phải buộc người ta trả giá cho công lao của mày hơn hoặc ngang bằng với mồ hôi nước mắt của người ta thì người ta mới quý. Bởi người ta đánh giá nó bằng giá trị những gì mà người ta đã bỏ ra kia mà!”
(°) Truyền thần: Miêu tả chân dung của một người như thật, có thần sắc như sống.
Có thật cô đơn giữa muôn người?
Có thật buồn đời chốn hân hoan?
Ta từng lệ rơi trên thập tự
Có bao giờ oán trách trần gian?
Khi cất tiếng khóc để làm người
Ta chia sẻ đời trắc trở nhân sinh
Chúa muôn loài còn chịu nỗi đau nhân thế
Há con người chỉ là cát bụi thôi
Ban cho em một nỗi niềm thế thái
Để khi buồn em le lói niềm vui
Để khi vui em dẫm lên nỗi buồn
Cái khoảng cách giữa bi hài tục lụy
Chính là phút lạc quan yêu đời