Chín

     ơn đau kéo dài trong suốt những ngày thi của tôi. Tôi không thể tung sách vở, bút thước, tôi không thể tung những chữ nghĩa, những con số của tôi lên trời được. Tôi phải xếp ngay ngắn lại, những sách vở bút thước ấy trong kỳ thi của tôi.
Hai ngày thi đầu tôi đỡ mệt hơn, nhưng đến những ngày thi sau thì tôi vừa làm bài vừa lên cơn sốt. Tuy thế tôi cũng cố gắng lắm để cho chị Hà bớt lo lắng. Chị nhìn tôi và muốn trách móc tôi nhiều điều. Tôi biết. Chỉ còn mỗi một điều để vừa lòng mọi người là kỳ thi này tôi phải đỗ. Một điều đơn giản như thế, nhưng kể ra cũng khá vất vả đối với một chú học trò lười lĩnh như tôi, niên khóa nào cũng chỉ thực lòng với sách vở khi đã nửa năm.
Từ năm mười sáu tuổi, tôi có một người bạn thân nhất, đó là căn gác hẹp và rộng hơn là vuông ban-công nhìn xuống chiếc cổng quấn đầy hoa giấy của ngôi nhà bên cạnh. Cũng từ năm đó tôi biết vây bọc cho tôi một thế giới. Tự dưng tôi cảm thấy mình đứng riêng rẽ hẳn với mọi người. Bạn bè xa dần và không có ai tôi gọi là thân thiết. Cho đến khi gặp Chi. Thực ra tôi cũng không biết nói thế nào cho đúng. Thoạt tiên những bước chân khờ dại của con chim ấy dẫm vào vườn tôi và đậu lại ở một cành cây nào, cho đến bây giờ tôi cũng không biết nơi đó sẽ còn lại trong đời tôi ra sao. Chi đứng, cho mái tóc dại vừa vặn tới bờ vai tôi. Chi đi, cho vừa vặn những tiếng cười, những câu chuyện, những bước chân dung dăng khắp lối của tuổi lớn lên tôi. Mọi người nhìn chúng tôi như một chút lạ lùng lẫn với những so sánh bình thường. Tôi không cần để ý nhiều tới chuyện đó, mà tôi nghĩ rằng họ cũng không quá khắt khe với chúng tôi. Những khi chị Hà nói xa, nói bóng gió có ý dọ hỏi tôi, muốn biết muốn hiểu tôi bình thường như mọi điều ai cũng có thể tìm biết một cách bình thường, thực tình tôi không muốn giấu diếm chị. Nhưng làm sao nói cho chị hiểu được, Chi đã đứng ở một nơi nào đó trong tâm hồn tôi. Cho đến bao giờ, cho đến hết tuổi này hay cho đến khi đã đứng tuổi để mà quay nhìn về bóng dáng của mình còn ngủ lại ở kỷ niệm? Tôi không biết.
Khi đã xếp những chữ nghĩa, những con số cho tạm gọn gàng trong kỳ thi, ngăn kéo trong đầu tôi trống rỗng. Chỉ còn đầy ắp một mình Anh Chi. Bây giờ thì hình như Anh Chi vừa lớn thêm hai hay ba tuổi. Có lẽ mẹ Anh Chi, bà chưa nhận ra điều đó.
Anh Chi vụt lớn lên trong cơn sốt bệnh hoạn của tôi.
Tôi đang dẫn Chi bước lên những bậc đá của thành quách mơ mộng do chính tôi xây. Những bậc đá dẫn lên cao mãi mà chả bao giờ tới bậc thềm. Tôi mải miết dẫn Chi bước lên và có một điều tôi quên bẵng đi là, bước chân dại của Chi vẫn còn ngắn lắm.
Tôi vẫn còn cầm những mảnh thủy tinh vỡ trong tay mà tôi không biết.
Chủ nhật sau dù tôi chưa được khỏe khoắn gì những tôi vẫn đi. Như Chi nói, mẹ Chi muốn tôi đi chung với gia đình nhỏ bé của họ và ông Chương thăm Viện Dục Anh. Một chuỗi hình ảnh trải dài ra trong tâm hồn tôi nơi đây, những đứa trẻ côi cút vây lấy tôi và Chi như một đàn bồ câu vây lấy chân người. Những con chim bồ câu trắng, tội nghiệp, làm tôi xúc động khôn cùng. Mẹ Chi và ông Chương muốn tìm hiểu nhiều hơn về những nhu cầu và tổ chức của Viện. Bà nói với tôi, mộng ước từ lâu của bà là thành lập một cái Cô Nhi Viện nhỏ. Đó là một ước mơ đẹp của đời người.
Trong khi mẹ Chi và ông Chương tiếp xúc vơi Ban Giám Đốc của Viện thì tôi và Chi bận rộn chia kẹo, chia bong bóng và chơi đùa với những đứa trẻ ở quanh các hành lang.
Và một chuyện lại xảy ra trong cơn bệnh hoạn của tôi, dù tôi đã cố ý tránh hết sức. Cũng là những mảnh thủy tinh vỡ hôm nào, buổi chiều tôi ngồi với Chi ở khung cửa sổ. Tôi thấy như người bị chóng mặt và nhói buốt, bởi mảnh thủy tinh ấy sáng quá, sắc quá. Mảnh thủy tinh lại vỡ ra trong lòng bàn tay của tôi. Tôi phải bậm chặt môi và cố làm như là rất bình thường. Lúc chúng tôi vào thăm phòng ấu nhi, những đứa bé hãy còn nằm trên nôi, thế mà bất hạnh đã mất cánh tay cha mẹ ẵm bế, dỗ dành. Đây là phòng làm cho tôi cảm động nhất, bởi bao nhiêu là cặp mắt tròn ngây dại, chúng cứ nhìn, cái nhìn tội nghiệp hết sức, như thèm được một cánh tay bồng lên âu yếm. Có đứa khóc, khóc chán rồi lại nằm yên, như tủi thân rồi ngậm một ngón tay ngủ thiếp đi. Tôi chưa lần nào thấy chúng cười.
Chi gọi tôi:
- Anh Huy lại đây xem đứa bé này anh.
- Gì đó hở?
- Nó vừa cười với Chi anh ạ.
Tôi đến bên chiếc nôi Chi đứng, đứa bé gái có đôi mắt tròn như hai hạt nhãn cứ nhìn Chi cười, hai chân đạp lung tung.
- Hèn chi mà thấy Chi đứng đây nãy giờ.
- Anh xem cô ta cứ nắm chặt lấy ngón tay của em, hễ gỡ tay ra, thế nào cô ta cũng khóc.
Chi vừa nói vừa gỡ những ngón tay nhỏ mềm như bột của đứa bé ra, miệng nó mếu xệch đi chực khóc. Chi phải vội nắm lấy tay nó. Nó cười liền.
- Rồi nhé, Chi phải ở lại đây chơi với người ta. Để anh về với mẹ mang cơm đến cho Chi ăn rồi đứng đây cho người ta... nắm ngón tay.
Mặt Chi xịu xuống như cô bé bảy tuổi cứ tưởng chuyện thật.
- Thật đó mà. Để anh về nhắc mẹ xin phép cô giáo cho Chi nghỉ học nữa.
- Ơ, Chi nghỉ học rồi mà.
- Thế thì càng hay.
Tôi cười và để ý thấy mặt Chi sát xuống nôi, trò chuyện với đứa bé. Tiếp tục, tôi thăm đến những chiếc nôi cuối phòng, đứa trẻ nào trông cũng đáng tnương hết cả. Những đứa trẻ tàn tật, lại càng thấy tội nghiệp hơn nữa.
Đến khi nghe có tiếng đứa trẻ ở nôi giữa phòng khóc thét lên, tôi mới quay lại, thì đúng là cái nôi mà lúc nãy Chi đã đứng cho đứa bé nắm ngón tay. Nhưng tôi không thấy Chi đâu, không ở bên chiếc nôi ấy và cũng không ở trong phòng. Tôi nghĩ là Chi đã ra ngoài hành lang hoặc, sang một phòng nào khác với mẹ. Tôi lại bên chiếc nôi ấy để dỗ đứa bé, nhưng mãi mà nó chả nín. Một người đàn bà chăm sóc phòng ấu nhi phải bế đứa trẻ lên và vỗ về thật lâu nó mới thôi khóc. Tôi đi ra ngoài hành lang kiếm Chi, không thấy đâu. Một vài phòng kế bên, cũng không có cô bé ở đó. Có lẽ Chi đã xuống tầng dưới. Tôi nghĩ thế và đứng ở hành lang nhìn xuống sân. Tôi thấy Chi ở dưới đó, Chi đứng nói chuyện với đứa bé mà, “nếu nó đi giày thì cũng cao bằng Chi”. Có lẽ đứa bé mà mẹ Chi đã nhận làm mẹ đỡ đầu, và Chi gọi tên nó là Tuấn. Tuấn, tên Tuấn nghe hay và thông minh lắm, Chi ạ.
Không thèm đứng nhìn xuống dưới nữa, tôi bỏ đi lang thang hết phòng này sang phòng nọ, những lớp học bỏ trống, những bàn những ghế và có dăm ba đứa trẻ lớn ngây mạt nhìn tôi. Tôi cứ chở về đầu óc tôi bao nhiêu là sạn đá, nặng nề, nhức mỏi. Tôi như thấy nghèn nghẹn ở cổ. Không có một giòng nước nào chảy về rửa giòng suối tâm hồn tôi. Những cây xương rồng mọc đầy, lớn cao và đầy gai lan rộng thành một khu vườn. Khu vườn nghĩ ngợi ấy mà bây giờ tôi đang lạc trong đó. Mảnh thủy tinh đã vỡ nát ra trong bàn tay tôi rồi. Có lẽ mẹ Chi và ông Chương đang ở phòng Ban Giám Đốc của Viện, Chi thì đang đứng nói chuyện vui vẻ với đứa bé mà Chi gọi là Tuấn. Tôi tìm vào ngồi trong một lớp trống. Tôi ngồi ở đây lâu lắm. Buổi sáng chủ nhật, giờ này bạn bè tôi đang đi phố, chạy xe hoặc ngồi nói chuyện với nhau ở một nơi nào. Còn tôi ngồi đây, ngó bảng đen và bẻ ngón tay. Trong cơn bệnh hoạn này.
Và khi nghe rõ bước chân của Chi đến bên tôi, nhưng tôi không thèm nhìn Chi, không nói gì cả ở đầu ghế đằng kia. Ý chừng Chi biết là cũng không nên nói gì. Lâu lắm. Chi gọi khẽ:
- Anh Huy!
Tôi mỉm cười với Chi, tôi không hiểu nụ cười của tôi lúc ấy. Thật vậy. Nhưng hẳn là không phải một nụ cười đẹp, theo mọi nghĩa. Chi bước chậm lại chỗ tôi và đứng bên tôi một lát. Một lát, và Chi vùng vằng:
- Anh chẳng bảo Chi ngồi xuống.
Tôi xích về một bên ghế và bảo “Ừ Chi ngồi xuống đây”. Chi ngồi xuống bên tôi. Khu vườn tâm hồn tôi bây giờ là đầy những cành cây đang vướng mắc vào nhau, rối như những sợi chỉ không ai gỡ. Nhưng Chi thì cứ vô tình, con chim nhỏ bé cứ vô tình dẫm vào khu vườn cây lá héo úa ấy. Tôi cố làm như rất bình thường. Chi bắt chuyện:
- Nãy giờ anh Huy ngồi trên này hở?
- Ừ.
- Anh Huy biết Chi đi đâu không?
- Không.
- Chi định đi trốn anh Huy đấy.
- Trốn anh hở?
Chi cười:
- Chi định thế thôi mà. Nhưng Chi vừa mới bước xuống hết cầu thang thì Chi gặp đứa con đỡ đầu của mẹ. Đứa bé mà Chi kể với anh đó anh. Anh nhớ không?
- Anh nhớ lắm.
- Anh nhớ Chi gọi tên nó là gì không?
- Tuấn. Tên Tuấn nghe hay và thông minh lắm.
- Anh Huy nhớ quá.
Chi reo lên, và Chi vẫn ríu rít:
- Chi định lên kêu anh xuống xem mặt đó. Anh biết không hôm nay nó nói nhiều chuyện lắm cơ. Mới nhìn thấy Chi là nó cười liền. Nó nói dễ thương ghê lắm anh ạ, nó bảo là nó biết hôm nay chủ nhật. Chi hỏi có biết coi lịch không, nó bảo không. Nó biết hôm nay là chủ nhật bởi vì cô hay đến vào chủ nhật. Nó nói thế anh ạ. Chi buồn cười mãi, nó cứ gọi Chi là “cô”.
- Nó có khen áo của “cô” đẹp không?
- Không. Vì hôm nay Chi nghe anh, Chi bận áo trắng mà.
Thấy tôi chả hỏi gì thêm Chi muốn bắt lại chuyện làm lành. Chi hỏi:
- Anh Huy đợi Chi lâu không?
Tôi khẽ lắc đầu:
- Không.
- Sao hình như anh giận Chi.
Tôi chối:
- Đâu có.
- Chi biết mà. Chi nhìn mặt anh Huy là anh Huy chả giấu Chi được.
Những viên đá sỏi bắt đầu rơi xuống, rơi xuống và trôi đi... Một giòng nước len lỏi đổ về làm mát lại tâm hồn tôi. Tôi quên rồi. Mảnh thủy tinh sắc ấy đã xa bàn tay tôi. Tôi nhớ lại đôi mắt và giọng nói của con bé Cibel trong đêm lễ Giáng Sinh. Khi Vincent thò tay vào trong hộp lấy chiếc ly ra uống sâm banh, thì một chiếc ly đã bị vỡ và mảnh thủy tinh xẻ vào ngón tay chàng. Cô bé Cibel rịt vết thương ấy bằng miệng của cô bé. Cibel đã uống một giọt máu của Vincent. Và cô bé nói: “Từ nay hễ anh nghĩ gì, em cũng biết hết. Anh không giấu được em đâu”.
- Phải thế không anh?
Tôi quay lại nhìn Chi, không còn nụ cười lúc nãy nữa:
- Anh giận Chi lắm cơ. Chi biết anh giận gì không?
- Chi định đi trốn anh?
- Không phải. Anh ghét Chi, bỗng dưng dứt tay con bé đang nằm ở trong nôi phòng ấu nhi ra để nó khóc thét lên. Tội nó quá.
- Thế anh có chạy lại dỗ nó không?
- Anh dỗ nó không nổi, nó cứ khóc. Anh cho nó nắm ngón tay anh mà nó cũng chả nắm, nó cứ khóc. Hễ nó chịu nắm ngón tay anh mà cười, anh sẽ ở đó luôn với nó. Ở suốt ngày, ở một tháng, ở một năm...
- Thế anh không ăn cơm?
- Không. Nhịn đói cho... chết luôn. Anh cứ đứng ở đó... suốt đời!
- Thế thì em cũng đứng ở đó.
Tôi muốn Chi nói khẽ, thật khẽ thôi, để tiếng nói của Chi không vang đi đâu xa. Tiếng nói ấy về ngủ mơ trong trí tưởng của tôi.
Chúng tôi cùng cười vang lên. Bao cành lá héo trong vườn vừa đâm chồi nảy lộc và vươn cao, đầy bước chân chim về nhảy nhót, ca hót.
- Xuống nhà thôi anh, nhỡ mẹ với bác Chương đợi.
Chi vịn lấy tay tôi, hai đứa vui vẻ đi ra hành lang xuống nhà. Chúng tôi nhảy chân chim trên những bậc thang.
- Anh Huy à.
- Hở?
Chi đứng dựa vào tay vịn cầu thang, mắt cô bé hóm hỉnh:
- Chi đố anh nhé, tay Chi đang cầm cái gì?
Nãy giờ tôi không để ý, hai tay Chi vẫn giấu sau lưng.
- Nói đi anh.
- Kẹo.
- Sai.
- Chịu.
- Một chiếc máy bay nè.
Chi đưa lên ngang tầm mắt, một chiếc máy bay xếp bằng giấy. Cô bé chu môi:
- Xinh ghê há anh.
- Ừ.
- Anh biết ai cho Chi không?
Tôi yên lặng, cố bấm môi để dằn lòng mình, đừng nghĩ gì cả. Hãy bình thường như mọi chuyện đều thông thường, Huy ạ. Huy không được khỏe mạnh trong người lắm đâu. Tôi đưa lưng vào thành cầu thang và thở mạnh, như người vừa đứng lại sau một quãng đường xa phải chạy, mệt mỏi.
Chi vẫn cười thật tươi:
- Thằng Tuấn cho Chi đó anh ạ.
- Anh biết.
- Nó bảo nó mới học xếp máy bay đấy.
- Khéo lắm.
Chi tung tăng:
- Anh à, Chi hẹn tuần sau Chi sẽ cho nó hộp màu 24 cây. Chắc nó thích tô màu lắm. Chi sẽ cho nó mượn cả tập truyện bằng tranh của Chi nữa. Chi sẽ dạy nó đọc chữ và viết chữ. Chi sẽ xin mẹ cho nó đi phố và coi xi-nê...
Chi sẽ... Chi sẽ... đầu tôi choáng váng chực muốn ngã chúi trên những bậc thang, những bậc thang đổ xuống như những đống sỏi dưới chân tôi, rã rời, bệnh hoạn.
- Anh Huy!
Chi gọi tôi. Tôi không ngửng lên:
- Anh Huy làm sao thế?
Tôi cố làm như bình thường:
- Không, anh không làm sao cả.
- Thật không?
- Thật.
Chi đến sát bên tôi:
- Anh làm Chi sợ quá đi. Anh có nhức đầu không?
- Anh hơi chóng mặt.
- Người anh không được khỏe lắm đâu. Mẹ bảo vậy.
Chi với tôi đi xuống vài bậc thang nữa. Hình như Chi cố muốn bắt chuyện để làm cho tôi vui, cô bé nắm lấy tay tôi:
- Anh Huy à, Chi sợ mẹ mắng lắm.
-Sao?
- Hồi nãy đó anh, thằng Tuấn nó khen Chi đeo sợi dây chuyền ở cổ đẹp quá, Chi gỡ sợi dây chuyền đeo cho nó rồi. Nó có vẻ thích lắm anh ạ.
Bây giờ thì mảnh thủy tinh đã vỡ vụn ra trong bàn tay tôi, rớm máu. Tôi không còn bậm môi được nữa. Tôi hất bàn tay Chi ra:
- Cái gì Chi cũng thằng Tuấn, thằng Tuấn hết.
Và cơn gió nào đã đến xoáy tung trong cơn bệnh của tôi. Chi vừa nắm lấy tay tôi “Anh Huy!” tôi lại hất ra. Đừng gọi anh nữa.
- Anh Huy!
Chi lại gọi tôi mấy lần, nhưng tôi vẫn chả tỉnh lại được
- Đừng gọi anh nữa.
Hai tay tôi nắm chặt lấy hai vai Chi và đẩy cô bé ngã dựa vào tay vịn cầu thang. Tiếng nói tôi nóng hừng hực của cơn sốt:
- Cái gì Chi cũng thằng Tuấn, thằng Tuấn. Chi thương thằng Tuấn chứ Chi đâu có thương anh.
- Em Huy!
Lưỡi tôi cứng lại ở cuối cùng câu nói. Tôi như người vừa được dội nước lạnh và chợt thấy mình tỉnh táo lạ thường.
- Em Huy!
Tôi buông hai tay trên vai Chi ra. Con thú say dữ đã trúng đạn. Tôi không dám nhìn mặt mẹ Chi, tôi nghĩ rằng bà đã đứng ở dưới chân thang từ đâu câu chuyện. Và tôi lẳng lặng cúi bước ngược lên phía lầu. Ở phía sau tôi tiếng chân Chi chạy xuống những bậc thang và ôm lấy mẹ khóc nức nở.
Hình như có tiếng mẹ Chi gọi tôi ở dưới chân thang, nhưng tôi vẫn bước đi, không quay lại. Bước chân tôi cứ như bước vào những khoảng không, khoảng không. Mãi cho đến khi tôi giật mình té nhào.