Ba

     ôi khẽ đập quả trứng vào cạnh chiếc hộp cho lần vỏ nứt ra và sớt tất cả những lòng trắng riêng ở một cái khay sứ nhỏ.
Chi tròn xoe mắt:
- Anh Huy làm gì thế hở?
- Anh vẽ.
- Anh vẽ với trứng à?
- Ừ. Chi cứ ngồi yên mà xem.
Tôi bắt đầu vẽ những thân cây và cành cây bằng màu nâu và xanh đậm. Những cây có rất nhiều cành nhỏ đan lấy nhau. Đằng sau nền trời màu đục như màu khói. Có thể là bầu trời đầy sương mù, tôi nói với Chi thế. Chi hơi nghiêng cái đầu để ngắm bức vẽ tôi đang vẽ dở:
- Sương mù hở anh? Có vẻ... Đà Lạt quá. Ừ nhưng mà Chi nhìn thấy như buồn làm sao ấy. Sao anh vẽ những cây trơ trụi lá thế hở anh? Cây cỏ phải có nhiều lá xanh mới đúng chứ.
Đáng lẽ tôi phải chiều Anh Chi, bằng cách vẽ thêm những cành lá xanh đơm đầy trên các thân cây. Nhưng như thế thì sẽ không nhìn thấy những cành nhỏ đan lấy nhau nữa. Làm như tôi đã mường tượng ra hình ảnh này từ lâu rồi. Và tôi vẽ thêm một con chim trắng đang bay. Chi thích lắm, mắt cô bé long lanh, ướt như hai giọt sương. Chi bảo, anh Huy vẽ thêm cả người và nhà vào nữa đi. Tôi vẽ như ý cô bé. Một người mặc áo trắng, cổ quàng chiếc khăn len phủ một phần xuống trước ngực. Và, ở xa, một ngôi nhà nguyện nhỏ, thật nhỏ, có mái ngói đỏ sậm, mà ngọn tháp nhọn vươn lên thật cao, vươn vào sương mù. Tôi vẽ theo tưởng tượng như tôi đã nghĩ. Tôi phết màu và làm hư mất cả bức vẽ. Tuy thế Chi lại có vẻ thích.
Chi khẽ kêu lên:
- Vậy thì người mặc áo trắng trông giống bà Sơ quá anh Huy nhỉ.
Nhìn vào mắt Chi, tôi nói:
- Chi đó chứ, bà Sơ đâu có quàng khăn len.
Bột màu với lòng trắng trứng đã quyện nhau khô trên bức vẽ, phảng phất mùi thơm của bánh caramel. Chi ngồi bên tôi trên bãi cỏ, nắng chiều đã chia phần trong vườn nhà Chi. Những phần trong sáng của tuổi thơ Chi, và những phần âm u của tuổi nghĩ ngợi tôi.
Tôi có ý định từ lâu rồi, trước khi Chi bảo: Anh Huy vẽ cho Chi một bức tranh treo ở trong phòng Chi, anh Huy nhé. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ vẽ một bức tranh hoa, hoặc một bức tranh nào phải có thật nhiều màu hồng.
Chi nói:
- Chi biết anh Huy vẽ đẹp lắm nè. Anh Huy là họa sĩ phải không?
Tôi ký nhẹ lên đầu Chi:
- Cứ gọi anh thế thôi. Anh sợ ai gọi anh như thế lắm.
- Sao anh Huy như người khó tính thế. Mẹ bảo, những nghệ sĩ thì thường nghèo và khổ nhiều phải không anh?
Tôi cười với câu nói của Chi. May quá là Chi chưa biết lo liệu cho tôi. Năm tôi học hết chương trình đệ I cấp, tôi đã dự thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Cũng thật là may, tôi không đậu. Nếu không, tôi phải theo đuổi nó và chọn nó làm nghề nghiệp cho tương lai. Tôi thích vẽ, thế thôi. Bởi thế mà đã nhiều lần tôi bỏ sách vở, bỏ bút thước, compas nằm buồn.
- Vậy chứ Chi có thương những người nghèo không?
- Nghèo như thế nào cơ?
- Như họ... thích nghèo chẳng hạn.
Chi chớp mau mắt, cô bé nhìn tôi, tinh anh:
- Anh Huy bảo anh Huy thích nghèo hở?
Chi đan những ngón tay vào nhau:
- Nghèo thì khổ lắm anh Huy ạ.
- Anh cũng thích khổ.
Tôi chợt thấy tiếng mình hơi lạ. Dẫn Chi đi xa hơn một chút, tôi thấy mẹ Anh Chi đứng ở đằng kia, trước mặt chúng tôi, mà khi vừa nhìn lên tôi phải vội cúi xuống, bối rối.
Tôi dấu những điều tôi vừa nghĩ.
Chi hỏi tôi:
- Anh vẽ xong rồi hở anh?
- Xong rồi. Nhưng không được Chi ạ.
- Sao vậy anh?
- Bức vẽ này không phải của Chi đâu.
- Anh đã bảo...
- Nhưng anh không thích bức vẽ này treo ở phòng Chi. Không đẹp.
Chi yên lặng xếp những tuýp màu đều đặn vào trong hộp. Tôi không nghĩ là Chi đang muốn hờn tôi. Giọng cô bé ngoan:
- Bức tường ở phòng Chi buồn, mặc kệ anh đó nhé.
Tôi cuộn tròn bức vẽ lại đưa cho Chi cầm. Màu trộn với lòng trắng trứng mau khô, lại thơm nữa.
- Mùi thơm làm Chi thèm bánh caramel ghê anh ạ.
Tôi cười:
- Vì thế mà anh lại lo, nhỡ các chú gián đánh hơi tới thì cứ gọi là cả bức vẽ bỏ đi. Anh đã bị mấy lần như thế rồi đó. Thấy mùi trứng thơm là các chú gián tìm đến nhấm nát cả giấy ra.
Tôi xách giá vẽ, Chi và tôi trở vào nhà. Có gió lao xao trong những lùm lá cây dầu ở trên cao, lối đi trong vườn. Ông Thân, người chăm nom tưới cây trong vườn mỉm cười với tôi:
- Cậu Huy vẽ đẹp quá nhỉ.
- Đâu có ạ. Bác nói thế chứ, cháu có học vẽ đâu. Cháu vẽ ba lăng nhăng vậy mà.
Tôi đáp thế và tôi cũng cười. Ông Thân xâu vào cái xâu thép cho Chi một xâu lá khô, Chi thích lắm. Tôi thấy ông nhìn tôi theo một lối vui và lạ. Ông nói:
- Vào nhà rửa tay đi rồi hai anh em ra vườn chơi nhé.
Tôi cũng không để ý gì nhiều lắm, khi những người nhà săn sóc cho Chi nhìn tôi, đôi khi có làm tôi ngượng ngập đôi chút. Nhưng Chi và mẹ cô bé làm tôi tự nhiên hơn.
Chi bảo với tôi: “Chi ghét mấy chị người làm lắm cơ, mấy chị ấy cứ hỏi thăm về anh hoài à. Chi bảo thầy giáo của Chi đó. Đúng vậy anh nhỉ?”
Rửa tay xong, tôi để Chi lau khăn sạch hết những vết màu còn nhây lại. Tôi và Chi tung tăng ra vườn. Vừa vặn một buổi chiều. Không còn một vuông nắng nào ở trong vườn nữa. Gió đang nói chuyện với lá. Thỉnh thoảng có chiếc lá từ trên cao chao xuống, Chi đón nó, và khi vừa rớt xuống mặt đất là cô bé lấy cái xiên thép xiên thành một xâu dài.
Nhưng một lát, lá rụng nhiều quá làm Chi chả xiên kịp, cô bé cuống quýt. Chi bỏ cả chiếc xiên và vừa chạy vừa nhảy trong vườn như một con chim. Gió ở đâu về đầy trên những cây dầu cao, những hàng cây hoàng hậu và khóm mẫu đơn cùng rũ theo từng đợt gió, hoa rụng lả tả. Tôi không biết cây ngọc lan nhỏ ở lối đi trước cửa nhà Anh Chi hoa có rụng nhiều như thế không. Gió nhiều hơn. Chi thôi chạy nhảy, cô bé nhìn trời lo ngại:
- Khéo mưa mất, anh Huy.
Trong ánh mắt Chi có một chút lo sợ. Tôi nắm tay cô bé:
- Vào nhà thôi, anh phải về.
Chi níu chặt lấy tay tôi:
- Đừng anh Huy. Mẹ chưa về, anh phải ở đây với Chi.
- Chi sợ mưa à?
- Chi không sợ. Nhưng đứng ở cửa sổ đợi mẹ về, Chi khóc mất.
Trời đổ mưa ào xuống, tôi dắt Chi chạy vào nhà nhưng cũng chả kịp, nước mưa đã bám đầy tóc, đầy mặt hai đứa. Tôi lau mặt cho Chi bằng chiếc khăn tay của tôi. Chi và tôi bước lên lầu. Các mặt kính cửa sổ rào rào nước, rào rào gió. Chi đứng ở đó nhìn ra phía cổng:
- Chi lo ghê anh ạ.
- Mẹ đi đâu hở Chi?
- Mẹ xuống thăm cô Thảo từ sáng. Cô Thảo mới sinh em bé anh ạ. Mẹ bảo Chi đi với mẹ, vì hôm nọ đi phố Chi chọn mua một bộ đồ cho em bé của cô, cái bộ áo bé tí à, trông xinh lắm cơ anh.
- Nhưng sao Chi không đi với mẹ?
Chi nhìn tôi, đôi mắt thật tròn:
- Vì Chi biết, thế nào chiều nay anh Huy cũng tới nè.
Tôi muốn nói với Chi rằng, tôi đã định sang với Chi từ buổi sáng cơ. Buổi sáng chủ nhật không đến trường, chả biết đi chơi đâu. Đã bảo là tôi chả thích bạn bè. Ngồi vào bàn học, loay hoay mãi với bài toán Ellip rồi lại bỏ dở. Tôi nghĩ, ừ mà buổi chiều nay phải sang với Chi ngay mất thôi. Tôi nghĩ rất tự nhiên như vậy, như mọi lần. Nhưng những lúc đứng ở cổng nhà Chi, đợi người ra mở cổng, tôi mới thấy có một chút e ngại. Tôi chưa lớn lắm để như người biết toan tính. Tôi cũng không còn nhỏ để nô đùa và hồn nhiên như một đứa trẻ.
Chi và tôi đứng ở cửa sổ nhìn trời mưa. Mưa chẳng to lắm nhưng đủ để tôi không về được. Chắc chị Hà ở nhà đang đợi tôi và có lẽ trong bữa cơm, thế nào chị cũng nhắc đến tôi. Chi hay bảo:
- Huy đi đâu, cũng phải dặn chị biết với chứ.
Chị nói như lời dặn, như lời trách. Một lần, hai lần, rồi tôi cũng quên mất. Có hôm tôi về muộn, chị bắt tôi đợi mãi ở cổng rất lâu. Lần ấy tôi suýt khóc. Vì thế tôi giận chị gần một tuần. Trong nhà, chị là người chăm sóc cho tôi nhiều nhất. Những lần tôi học khuya, chị cho tôi ăn cháo gà hoặc pha cho tôi ly cà phê sữa. Tôi uống cà phê sữa chứ tôi không uống cà phê đen bao giờ.
- Để Chi vào lấy bánh và nước cho anh Huy nhé, Chi biết anh Huy đói rồi.
- Đừng Chi ạ.
- Anh làm... khách dữ à.
Tôi khẽ cúi đầu xuống làm một cử chỉ:
- Còn Chi cũng... người lớn dữ...
Chi vùng vằng:
- Chi chả biết, mưa tạnh anh Huy mới được về. Đợi mẹ, thế nào anh Huy cũng phải ăn
cơm với Chi.
- Thưa bà chủ nhỏ bé là nhà tôi ở xa, sách vở của tôi đang đợi tôi ở nhà đấy ạ.
Chi cấu vào tay tôi:
- Anh Huy cứ vậy.
Tôi bó gối và ngồi ở một góc chiếc salon. Chúng tôi bắt đầu chơi trò chơi ‘hàng xóm láng giềng’.
- Chi ngồi ở bên đó đi, giả bộ như Chi là một người hàng xóm. Nhà Chi với nhà anh ở cách nhau một con đường, cái bàn này nhé. Thôi, bây giờ anh khóa cửa lại đấy. Chi là bác hàng xóm tới thăm anh nha.
- Chi đi bằng xe tắc xi hở anh?
- Đi xe gì cũng được.
- Vậy Chi thích đi xe xích lô đạp, mát mà lại êm, và chả bao giờ làm rối tóc nữa.
- Ơ, hai nhà chỉ cách có một con đường thôi mà. Đâu phải đi xe.
Chi reo lên:
- Ừ nhỉ. Nhưng... Nhưng mà cũng cách một con đường.
- Thì chỉ việc sang đường thôi.
Đôi má Chi phụng phịu:
- Chi không biết sang đường.
- Chao ơi, chứ Chi chưa bao giờ sang đường một mình à? Khi đi học thì sao?
- Ông tài xế nắm tay Chi dẫn sang. Có khi Chi phải bám theo bạn.
Tôi phân vân:
- Khó nhỉ.
- Hay anh dẫn Chi sang đường.
- Như thế thì không được. Anh là người hàng xóm đang đóng cửa mà.
- Được mà anh! Chứ chả nhẽ bắt Chi nắm tay người ở phố à?
Chả bao giờ có người lại đi dắt khách sang đường tới thăm mình. Nhưng tôi chiều Chi đó. Cái gì tôi cũng phải chiều Chi hết. Tôi đưa tay qua mặt bàn, qua con đường, và nắm tay Chi dẫn Chi sang.
- Thôi nhé, bây giờ anh đóng cửa đây.
- Ông ơi!
- Ai gõ cửa đó?
- Tôi nè bác.
- A, chào bác, mời bác vào chơi.
- Cảm ơn bác ạ. Bác đang làm gì đó bác?
- Tôi đang... học bài.
Tôi và Chi cùng bò ra cười một lúc. Một lúc sau tôi mới trở lại làm người chủ nhà.
- Dạo này bác vẫn khỏe chứ?
- Cảm ơn bác, tôi vẫn khỏe.
- Thế bác có... hay khóc nhè không?
Chi “ứ” và đấm vào vai tôi mấy lần:
- Anh cứ trêu Chi thôi.
- Xin lỗi bác nhá. Tôi lỡ lời. Tại tôi thấy trời mưa nên tôi... buồn thế thôi.
- May quá, tôi vừa đến thì trời mưa. Tôi lại quên mang áo mưa đấy. Với lại cũng chả có dù nữa.
- Chao ơi, thế thì cũng chẳng vội. Mời bác ở lại dùng bữa chiều với tôi. Dạo này trời mưa gió bất chợt lắm. Hình như có bão rớt ở miền Trung về thì phải.
Người bạn hàng xóm nhìn ra ngoài trời đang mưa:
- Sao mẹ lâu về quá vậy anh Huy ạ.
Người bạn hàng xóm chợt biết mình... lỡ lời, vội gợi chuyện:
- Bác nói bão rớt từ miền Trung hở bác?
- Tôi đoán vậy. Vì trời tháng tám nhiều mưa lắm. Mưa hoài, buồn ghê bác nhỉ?
- Vâng.
Đôi mắt người bạn láng giềng của tôi hơi chùng xuống:
- Bác làm tôi... nhớ mẹ quá bác ạ.
- Mẹ bác ở đâu nhỉ?
- Mẹ tôi mới đi thôi, chẳng xa lắm. Nhưng mãi chả thấy về.
- Thế thì có sao đâu. Chắc tại trời mưa đó.
- Nhưng có bao giờ mẹ tôi đi không có tôi mà lâu như thế này đâu.
- Bác đến nhà tôi chơi mà cứ nói chuyện nhớ mẹ hoài à. Tôi bảo thế này, bác đừng cười tôi nhé.
Chi chu môi:
- Gì cơ?
- Trời mưa thế này mà có tô phở vừa thổi vừa ăn thì tuyệt vời, bác nhỉ?
Làm như cũng nghĩ thế, người bạn tôi thích thú lắm. Chi nói khẽ vào tai tôi:
- Hay để Chi xuống nhờ chị Hai mua nhá.
- Chu choa ơi, người ta thí dụ vậy mà.
- Nhưng Chi thấy đói thật rồi.
Tôi thấy có bóng người thấp thoáng ở lối cầu thang. Có lẽ là chị Hai, hay bà Xuân giúp việc. Chi vội chạy xuống:
- Chị Hai ơi, Chi đói quá, cho Chi ăn gì đi.
- Cơm sẵn rồi.
- Nhưng còn đợi mẹ về chứ.
Chị Hai với Chi xuống dưới nhà. Một lát sau, Chi mang lên một đĩa măng cụt với chuối. Thế là ngược lại, tôi là khách và Chi là chủ, Chi mời tôi ăn. Chi bắt tôi ăn hai trái chuối và chúng tôi ăn chung năm trái măng cụt.
Mẹ Chi chưa về, nhưng có lẽ tôi phải về vì trời đã muộn. Ngoài trời đêm mưa đã nhỏ hạt, mưa không nghe tiếng nhưng chắc cũng đủ ướt đầu. Và có thể làm tôi cảm, điều đó chị Hà hay lo cho tôi. Chị nói tôi con trai mà yếu như con gái, nắng mưa một tí cũng đau. Mà chắc Chi cũng không bằng lòng như thế, tôi phải ở lại đây với Chi đến khi mẹ cô bé về. Buổi tối trời mưa mà phải ở nhà một mình thì buồn lắm.
Chi ngồi trên thành ghế, bên tôi. Giọng Chi ngọt ngào:
- Chi nói với anh Huy nè, chủ nhật tới này anh Huy đi lễ với Chi nhé.
- Mẹ có nói thế không?
- Chi chưa nói với mẹ. Nhưng chắc mẹ bằng lòng vậy đó.
- Thôi, anh chả đi đâu. Anh... sợ lắm.
Chi phát nhẹ vào vai áo tôi:
- Anh Huy cứ nói thế. Anh Huy thử đi với Chi một lần xem nào.
- Nhỡ người ta nhìn anh... Anh sợ lắm.
Đã nhiều lần Chi rủ tôi đi nhà thờ với Chi, nhưng tôi ngại lắm. Mặc dầu mỗi khi ngửa mặt nhìn lên ngọn tháp cao của nhà thờ, tôi vẫn thấy nôn nao lạ thường. Nhưng mà tôi đứng bên ngoài. Và Chi ở trong, trên ghế nhà thờ. Chi biết cầu nguyện, còn tôi chỉ biết đứng ngó trời vu vơ.
Bỗng Chi vùng vằng đứng dậy đi ra phía cửa sổ:
- Chi chả đòi anh vẽ tranh cho Chi nữa đâu. Tháng sau Chi thi xong lục cá nguyệt, mẹ xin phép, Chi sẽ đi Đà Lạt với mẹ. Sinh nhật Chi, Chi sẽ chẳng có ở nhà.
Tôi lặng yên nghe giận hờn tuổi thơ như gió ve vãn. Đáng lẽ tôi phải ra đứng với Chi, bên cửa sổ, thì tôi vẫn ngồi yên vậy. Tiếng Chi nói bỗng nhiên lạ thường:
- Hôm nọ Chi ngang qua nhà chị Quỳnh. Cây hoa đại trước cửa nhà chị ấy nhiều bông đẹp ghê, anh Huy ạ.
Gió chợt thổi tung mái tóc tôi. Chi làm tôi chóng mặt. Tôi không ngờ Chi nhắc đến như thế. Tôi đứng lên vừa lúc mẹ Chi về. Bà đứng ở cửa phòng vừa phủi những hạt mưa còn bám trên tóc. Bà cười:
- Em Huy sang chơi lâu chưa?
Tôi vịn lấy thành ghế luống cuống nói rằng cháu sang chơi từ chiều, bị mưa nên chả về được. Bà nhìn ra ngoài trời:
- Ừ, mưa bất chợt, nhiều gió quá.
Tôi xin phép về. Mẹ Chi bảo trời còn đang mưa lớn lắm.
- Chẳng sao đâu ạ.
Nói rồi, tôi bước xuống cầu thang. Mẹ Chi gọi tôi “em Huy à” nhưng tôi vẫn chẳng quay lại. “Trời đang mưa lớn, em phải mang áo mưa chứ”. Tôi nghe tiếng bà gọi Chi cuống quýt ở trên cao. Tìm cái giá vẽ và cuộn giấy rồi tôi xăm xăm bước ra sân.
- Em Huy à, trời đang mưa lớn mà em.
Vâng, trời đang mưa lớn bác ạ. Tôi tự mở cổng lấy và chạy vụt ra đường.
Con đường đêm vắng lặng, ánh đèn làm sáng từng khoảng nước. Nước mưa làm ướt rũ những cành lá me. Những cành lá me đêm nay chắc chẳng ngủ được vì phải run lên vì lạnh quá. Tôi để mặc cho mưa tạt vào mặt, quấn lấy thân thể. Khi về đến nhà thì người tôi ướt sũng nước. Cả nhà đã ngủ hết rồi, chị Hà ra mở cổng cho tôi, nhìn tôi lạ lùng. Tôi lẳng lặng bỏ lên gác, thay đồ rồi lên giường nằm.
Chị Hà hỏi vọng lên:
- Huy ăn cơm chưa?
Không thấy tôi trả lời, chị lại dặn:
- Nhớ tìm thuốc mà uống. Coi chừng lại đau đó.
Khi cuộn người trong chăn, tôi mới thấy thấm cái lạnh. Cái lạnh không làm tôi run rẩy nhưng làm tôi như thiếu thốn một hơi ấm lạ. Tôi đưa tay vói lên đầu giường tìm gói thuốc lá và chiếc quẹt nằm trong hộc tủ nhỏ từ hai tuần nay, gói thuốc mới hết hai điếu.
- Em Huy có biết hút thuốc không?
- Không ạ. Lâu lắm cháu mới hút một điếu.
- Lâu lắm là thế nào?
- Như khi bạn bè “bắt” hút, hoặc... bỗng dưng thấy thích khói thuốc. Nhưng hút chưa hết một điếu là cháu đã cảm thấy nhức đầu rồi.
Tôi quẹt lửa châm thuốc. Trong ánh diêm, tôi chợt thấy khuôn mặt của mẹ Anh Chi hiền từ nhìn tôi nhiều thương mến. Tôi rít nhẹ một hơi htuốc rồi thả khói vào trong lòng bàn tay chụm lại. Hơi khói làm ấm lòng bàn tay tôi, ấm mặt tôi.
- Nhìn dáng em Huy tôi biết em hiền như đất ấy mà.
Rồi bỗng dưng tôi nhớ tới Chi. Và tất cả đều mới lạ trong tâm hồn tôi, con chim có đôi mắt bồ câu ấy đang ngu ngơ nhìn trời, ngơ ngác nhìn người.
- Anh Huy ơi.
Tôi dụi tắt phần thuốc đang cháy dở. Nằm ngửa mặt ngó lên trần nhà mãi rồi bỗng nhiên tôi ứa nước mắt.
Có lẽ trời còn đang mưa. Mà bức tranh tôi vẽ bên Chi chiều nay, ướt nước phai màu và nát hết cả rồi.