Sáu

     gôi trường có bao nhiêu cửa sổ, thì bao nhiêu bâng khuâng của tôi thả trên đó. Nên tôi cứ hay đứng bên này đường nhìn sang ngôi trường Chi học. Ngôi trường có nhiều khung cửa trông như cái chuồng chim bồ câu lạ. Giờ tan học, đàn chim ùa ra chạy nhảy ríu rít, tôi tìm và bắt được một con chim nhỏ rẽ đàn, đậu riêng ở một nhánh cây, nhánh cây thương mến của tâm hồn tôi. Nhưng nhánh cây trời chẳng có gió mà cứ hay xao động hoài. Tôi nói thật là tôi không đứng trước cổng trường để đợi giờ Chi tan học đâu. Nhiều lần ý nghĩ ấy làm tôi thấy... nóng mặt, ở bên này đường. Tôi đứng nhìn những bức tường màu vàng, những khung cửa sổ, những hành lang và pho tượng trắng giữa sân trường, pho tượng nghiêm nghị tay cầm cây gươm và tay cầm cuốn sách. Pho tượng trông giống như những bóng áo trắng đoan trang đi lại ở các hành lang. Tôi nhìn thế và tôi không biết là ở khung cửa lớp nào, Chi đang học. Rồi tôi tiếp tục đi hoặc về, thả lại chùm bóng bâng khuâng vướng mắc vào những khung cửa ấy.
- Anh Huy!
Chi gọi tôi ở bên kia đường làm tôi bỡ ngỡ, cô bé đứng yên ở trước cổng trường và tôi biết là phải chạy sang với cô bé. Chi ríu rít:
- Anh Huy đi đâu đó?
- Hôm nay anh học thêm hai giờ buổi chiều.
Tôi nói dối và còn để sót lại những bối rối. Chứ chả lẽ tôi nói tôi... đi lạc tới đây. Trường tôi học nhìn sang Thảo cầm viên, cách trường Chi những hàng cây me của con đường Nguyễn Du và những hàng cây dầu cao con đường Cường Để, không phải trên lối đi lối về của tôi.
- Chi chưa biết trường anh Huy. Lớn hơn trường Chi không anh?
- Bé tí à.
- Đẹp không anh?
- Không đẹp bằng trường Chi đâu.
Tôi chỉ bức tượng trắng đứng giữa sân trường:
- Anh sợ bức tượng đứng kia kìa, đôi mắt nhìn anh trừng trừng, tay lại còn cầm gươm nữa. Chi sợ không?
Chi cười, Chi bảo là ngày nào vào sân trường cũng nhìn thấy thì sao còn sợ.
- Tượng ai vậy?
- Tượng Saint Paul đấy anh ạ.
- Thánh mà sao lại cầm gươm hở Chi?
- Tại vì trước khi là Thánh, ông ấy là quan anh ạ. Sơ giáo lý bảo là Saint Paul đã được một ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa.
Tôi định hỏi Chi “ân sủng” là gì, nhưng tôi lại đứng nhìn vào sân trường, bây giờ chỉ còn một vài bóng học trò. Bỗng dưng tôi thấy mất tự nhiên khi nhớ ra mình đang đứng với Chi ở một nơi lạ, không bình thường như mọi ngày.
- Anh Huy về trước nhá. Chắc mẹ sắp đến đón Chi rồi hở?
- Không đâu, hôm nào mẹ định tới đón Chi thì mẹ tới sớm hơn ông xích-lô cơ. Ông xích-lô của Chi hôm nay chắc lại quên giờ bắt Chi đợi rồi.
Chi nhìn sang ngôi nhà có bức tường cao ở bên kia đường, chợt mắt cô bé long lanh nhìn tôi:
- Anh Huy đưa Chi sang đường đi.
- Chi vậy?
- Chi nói anh Huy nghe cái này hay lắm.
Chi đi bên tôi, theo tôi qua đường. Có lẽ con đường vẫn ở trong ý niệm của Chi như là một dòng sông nhỏ mà cô bé chưa lần nào dám vượt qua một mình. Vừa sang tới lề đường, Chi liền vụt chạy đi trước tôi:
- Anh Huy ơi!
- Đi đâu thế Chi?
Như con chim, một chợp mắt tôi đã thấy Chi đứng vịn ở trên bức tường cao nhìn xuống vẫy tôi:
- Lên đây với Chi đi anh, lên nhà nguyện với Chi.
Bây giờ tôi mới để ý ngước lên cây Thánh giá trên nóc ngôi nhà có bức tường cao.
- Lên nhà nguyện với Chi đi anh.
Chi lại vẫy gọi tôi. Tôi đã bước lên một bậc nhưng tay còn ngần ngại vịn trên bờ đá. Cây Thánh giá quá cao, bức tường cũng cao nữa, và Chi thì đứng cách tôi những bậc, những bậc đá cao của nhà nguyện. Tôi bảo:
- Chi ơi, anh không lên đâu.
Nói thế nhưng tôi cũng bước thêm một bậc, vì tôi sợ Chi giận tôi như lần trước lắm.
- Anh chả lên, Chi ngồi xuống đây đến tối cũng chả về đâu.
- Ăn vạ thế không sợ mẹ mắng à?
- Mẹ thương Chi.
- Nhưng... nhưng mẹ mắng anh.
- Anh cứ nói vậy. Mẹ cũng thương anh nữa.
- Sao anh... sợ thế nào ấy Chi ạ.
Chi bước xuống bên tôi và làm cho tôi tin tưởng, cô bé nắm chặt lấy những ngón tay tôi:
- Anh Huy!
Chi nghiêng mái tóc, cái thói quen hóm hỉnh của Chi mỗi lần đòi tôi bằng lòng. Còn đôi mắt của cô bé thì bao giờ tôi cũng phải chịu thua. Tôi thua thật. Theo Chi mà bước chân tôi ngại ngùng quá đi. Giá mà có một con chiên trắng rủ một con chiên lạc trên cánh đồng tới Bethlem, như hình vẽ trong tấm ảnh chúc mừng Giáng Sinh, thì tôi là con chiên lạc ấy. Bước lên thềm nhà nguyện, tôi dứt tay Chi ra:
- Có phải bỏ giày không Chi?
- Không anh ạ.
Tôi cứ tưởng là tôi vừa bước lên, lên thật cao, dù chỉ là những bậc đá. Nhưng là những bước lạ mà Chi vừa dẫn tôi tới. Chi bước vào nhà nguyện dẫn tôi lên hàng ghế đầu, hàng ghế mà chúng tôi còn phải bước thêm một bậc nữa. Chi bái gối cung kính rồi đặt chiếc cặp sách xuống. Tôi không học theo cử chỉ ấy.
- Anh Huy quỳ đây với Chi nè.
Tôi quỳ xuống bên Chi, ngượng ngập, run rẩy. Tôi nhớ hồi nhỏ thầy giáo cũng có lần phạt quỳ tôi, tôi không nhớ rõ, có thể là những lần ấy tôi đã sụt sịt khóc, nhưng không phải là quỳ bên Chi. Tôi nghe như huyền nhiệm lắm, lúc này đôi mắt Chi trong suốt, Chi ngoan ngoãn làm Dấu-thánh-giá.
- Anh Huy à, anh thấy không...
Tôi ngước lên với Anh Chi, pho tượng đứng trên cao làm tôi quý mến ngay. Chi khẽ nói với tôi:
- Tượng Thánh nữ Thérèse đó, anh ạ. Thánh bổn mạng của Chi.
Vâng, mỗi người đều có một vị Thánh bổn mạng.
Tượng Thánh nữ Thérèse đứng trên những đám mây và ngước mắt lên trời, phía sau là một vùng ánh sáng lấy từ những miếng kính ghép rực rỡ.
- Hoa hồng đó hở Chi?
- Vâng. Thánh Thérèse ôm hoa hồng trong vạt áo và đang làm “mưa hoa hồng” đó anh thấy không?
- Có. Anh thấy hoa hồng rơi trên mây.
Tượng Thérèse thu hút lòng kính mến, ngưỡng mộ của tôi ngay lần đầu này. Pho tượng thật đẹp, thật thánh thiện ngự trị trong vùng yên lặng của ngôi nhà nguyện nhỏ, ấm áp. Tôi quên sợ sệt rồi, tôi bỏ rơi ngượng ngập rồi. Tôi quỳ thật nghiêm trang, không dám quay sang nhìn Chi nữa. Tôi yêu mến sự thinh lặng và kính trọng sự nghiêm trang này. Tôi biết Chi đang cầu nguyện, lời thầm thì của đôi môi, của một tâm hồn nhỏ, tôi nghĩ, bao giờ cũng trong vắt như một dòng suối, có thể soi rõ từng hạt cát nghĩ ngợi của tôi chìm trong đó. Tôi mong cho hạt cát đó chìm xuống thật lâu, thật sâu.
Trong vườn-Kinh-Thánh tôi là một con nai. Thức giấc vào buổi sáng, tôi thấy thèm những hạt sương trên các ngọn cỏ non. Miệng tôi ngọt như ngậm mật. Tôi đi dạo cả những buổi sáng, cả những buổi chiều trong vườn và hình như đã lạc trong những bước chân vụng dại. Tôi thấy tôi dại dột, tôi ăn hết những chồi non mới mọc và làm tôi say. Cái say lạ lùng không như men rượu, không như men trái cây chín rấm để lâu ngày, không ngất ngây, điên dại. Có lẽ tôi đang cắn ngập răng một trái cây còn xanh, xanh lắm. Có một chất nhựa mơ hồ nào đó làm tôi say, mải miết. Con nai, mà chiều nay nằm yên ngắm một thiên thần nhỏ ngoan ngoãn đi dạo trong vườn-Kinh-Thánh.
- Nai ơi, nai còn sợ nữa không?
- Hết rồi.
- Nai thấy những con chim trắng bay và đậu và nhảy nhót trong các cành cây nhỉ. Những em của thiên thần đó.
- Em của thiên thần hở?
- Phải, thiên thần cũng có những người em. Trẻ nhỏ cũng là em của thiên thần nữa. Người ta ai cũng là một thiên thần, nai ạ. Nhưng nghĩ ngợi và xấu xa làm người ta rụng mất cánh, nên người ta phải bước những bước thấp và ngắn, để bụi đất cứ bám vào chân hoài hoài.
- Nai muốn nai dại mãi. Nai muốn theo thiên thần.
- Ồ, vậy thì ở cuối vườn kia có một dòng suối. Dòng suối ấy được vỡ ra bởi một giếng mật, nên gọi là Suối Mật. Ai tắm trong đó thì chả bao giờ còn lo lắng, u buồn nữa.
Chi đã dẫn tôi đến ngồi bên giếng mật. Chi đưa tôi xuống dòng suối. Chi rót đầy cho tôi một bình nước ngọt. Và chúng tôi lênh đênh giữa đại dương thương yêu.
- Anh Huy nhé.
Chi đặt hai bàn tay trước mặt tôi: mười con sóc nhỏ tinh ranh, nhí nhảnh.
- Thí dụ như mười ngón tay này là những ngón thương yêu của anh Huy nè, thì anh Huy thương Chi mấy ngón bây giờ?
Chi nhắm hờ mắt và chờ tôi trả lời. Đáng lẽ tôi phải nắm gọn cả mười ngón tay của Chi, thì tôi lại chỉ bẻ cong một ngón tay út nhỏ bé của Chi thôi. Chi vụt rút cả hai bàn tay và cô bé vùng chạy. Cách tôi một quãng xa Chi mới đứng lại rồi cúi mặt xuống nức nở khóc.
Tôi khẽ đặt tay trên vai Chi:
- Chi ơi.
Chi chả nói gì. Tôi nâng hai bàn tay của Chi lên nhưng Chi đã nắm những ngón tay lại. Chi vẫn khóc, nước mắt rơi trên tay, rớt xuống ngực áo hồng. Tôi muốn như một vị hoàng tử để vào rừng kiếm một bông hoa quý đến dỗ dành, đền Chi. Và bảo rằng tôi thương Chi. Nhưng cỗ xe hồng của tôi mỏng manh quá, ngượng ngập quá không thể đi xa được nên tôi chả có hoa quý đem tặng Chi. Và Chi cứ khóc mãi. Tôi buồn quá.
- Chi à,
- Dạ.
Tôi lấy chiếc khăn của tôi ra chấm những giọt nước mắt còn đọng trên má Chi.
- Anh đùa vậy mà.
Chi ngước lên nhìn tôi, nước mắt ướt đẫm trên những hàng mi dài, y như những hạt nước còn đọng lại trên các nhánh me sau trận mưa nhỏ.
- Ngồi xuống đây với anh.
Chi ngồi xuống bên tôi, ngoan ngoãn để tôi đặt hai bàn tay Chi trên đầu gối.
- Chi nói lại đi.
Chi phụng phịu:
- Anh Huy đếm...
- Một nè, hai nè, ba nè...
Chi ngả mái tóc trên vai tôi, tay tôi nắm gọn cả mười ngón thương yêu trọn vẹn ấy. Mười ngón tay dắt rủ tôi tung tăng ngoài vườn hồng, mười ngón tay kheo khéo bóc giấy bóng kẹo và trong mười ngón tay còn một ngón để mẹ đeo nhẫn cho Chi.
Con thuyền chúng tôi đang lênh đênh giữa đại dương thương yêu. Sao tôi thấy say, sao tôi muốn đưa Chi đi xa, sao tôi muốn con thuyền đắm sâu xuống lòng biển thương yêu quá.
- Chi ơi.
- Dạ.
- Anh mong cho có nhiều gió.
- Chi vậy anh?
- Để thuyền đi nhanh.
- Đừng anh. Chi say sóng mất.
- Anh mong cho có bão.
- Anh Huy đừng dại dột.
- Để thuyền chìm xuống đáy biển sâu.
- Chi ôm chầm lấy tôi.
Chi vẫn nghiêm trang trên ghế nguyện, đôi mắt mọng đầy trìu mến, yêu thương. Lúc lâu sau, Chi quay sang với tôi:
- Anh Huy đang nghĩ gì thế?
Tôi như người ngây dại nhìn Chi. Chi lại hỏi:
- Anh Huy có cầu nguyện chưa?
Tôi khẽ lắc đầu. Nãy giờ quỳ bên Chi mà tôi nghĩ ngợi đâu đâu ấy. Tôi bảo: Anh chả biết cầu nguyện gì cả. Không ai quỳ cầu nguyện bên một thiên thần, phải không nhỉ. Nhưng cũng không ai được ở bên một thiên thần mãi đâu. Vì thiên thần có cánh.
- Thiên thần có cánh phải không Chi?
- Vâng, như chim vậy đó anh.
- Cũng bay như chim hở?
- Còn bay cao hơn chim nữa cơ.
Tôi nhìn Chi, có lẽ đôi mắt của tôi lúc này dại lắm, con nai đang lạc trong vườn-kinh-thánh ạ.
- Anh chả biết cầu nguyện gì cả.
Hơi thở của Chi phả trên cổ tôi:
- Có Chi cầu nguyện thay anh rồi.
- Thật hở Chi?
- Thật.
- Cầu nguyện thay người khác được hở?
- Chi vẫn cầu nguyện cho anh, ngày nào cũng thế hết. Mẹ bảo Chi như vậy, mẹ nhắc Chi nhớ tới anh mỗi khi cầu nguyện. Sơ Catherine cũng dạy cầu nguyện cho mình và cho những người thân yêu.
Tôi yên lặng nhìn lên tượng Thánh nữ Thérèse ôm hoa hồng đứng trên những lớp mây. Tôi yên lặng nghe những cánh đập của thiên thần bay nhẹ nhàng quanh tôi, trong ý nghĩ tôi. Tôi không hỏi là Chi đã cầu nguyện gì cho tôi. Hẳn phải là một lời nguyện đẹp lắm.
Chi đặt tay lên vai tôi:
- Về thôi, anh Huy nhé.
Chi cười với tôi:
- Mai mốt Chi dẫn anh đi nữa nha.
Một giây, Chi ngước nhanh lên bàn thờ rồi đưa tay làm Dấu-Thánh-Giá. Nếu Chi không mặc đồng phục của trường, tay ôm cặp, tôi đã tưởng vừa nhìn thấy một nữ tu nhỏ. Nữ tu cung kính bái quỳ ở cửa nhà nguyện. Tôi bước theo Chi ra ngoài.
Chiều đã hết nắng trên con đường nhỏ. Đứng trên thềm cao của nhà nguyện, tôi như người vừa bước ra khỏi một khu vườn, khu vườn xa lạ mà không có Chi, có lẽ không bao giờ tôi bước vào. Tôi bước vào để yên lặng đi bên Chi, để Chi ngắt lá xanh phủ lên đầy mình và cho tôi uống mật ngọt. Ở cửa nhà nguyện, ở cổng khu vườn, tôi lại thấy bối rối, lo sợ đâu đâu, như lúc mới bước vào.
Đã bảo là anh sợ mà Chi. Không biết là tôi đã cuống quýt đến thế nào khi nhìn thấy bóng chiếc xe của mẹ Chi đậu bên kia đường. Tim tôi đập mạnh, tôi đẩy Chi bước thật nhanh xuống những bậc đá:
- Mẹ đến đón Chi từ bao giờ rồi kìa.
Rồi để mặc Chi sang đường một mình, tôi cúi đầu đi như chạy. Tôi nghe tiếng đóng cửa xe và tiếng xe vụt chạy phía sau, ngược lối tôi đi. Không ngoái lại nhưng tôi biết là chiếc xe chạy nhanh lắm.
Tôi rẽ sang một con đường hẹp rồi lại rẽ sang một con đường hẹp khác. Hai hàng cây sao của con đường Chu Mạnh Trinh cao như hai bức tường thành vút lên, trong chiều chập tối. Có lẽ tôi không diễn tả nổi những bước chân như bước vào khoảng không của tôi lúc này. Hình như tôi sợ sệt, ăn năn như kẻ vừa phạm lỗi. Không thế, tại sao tôi lại không dám giáp mặt với mẹ Chi. Tôi dằn vặt tôi, tôi trách tôi. Tại sao tôi lại đi lối Cường Để rồi đứng lại trước cổng trường Chi học. Và tại sao tôi không bình thường như ở nhà Chi, nói chuyện với mẹ cô bé. Tôi tưởng tượng ra được đôi mắt trách móc của mẹ Anh Chi, bà nhìn tôi thôi và không nói gì cả. Tôi sợ lắm. Đừng đưa em Chi đi xa, đường nhiều lối, bước chân dại coi chừng lạc đó, Huy ạ.
Khoa gọi tôi bên kia đường:
- Đi đâu mà lạc tới đây thế Huy?
Tôi cố cười thật bình thường khi nhận ra đứa bạn ngồi cùng bàn tự năm ngoái. Đối với tôi, như vậy là thân. Khoa bảo:
- Tớ vẫn tiếc là sao cậu lại không theo ban C.
Tôi so vai: không biết nữa. Con trai học C thì yếu lắm. Tôi ghét toán nhưng tôi lại phải cố đeo đuổi nó. Khoa đấm tay vào cái nệm xe:
- Đi chơi với tớ.
Khoa không như Chi. Khoa không biết nghiêng cái đầu để rủ rê tôi. Tôi từ chối:
- Không được.
- Gạo thi hở?
- Cũng lo lắng một tí, nhưng không hẳn vậy.
Khoa vỗ vai tôi cười:
- Tớ hiểu cậu.
Khoa làm tôi ngượng, có lẽ nó hiểu lầm tôi. Tôi với Khoa không co cùng cuộc sống, không có tâm tính giống nhau. Có lần Khoa bảo tôi “con gái” quá, nhát và yếu đuối. Dầu sao thì tôi cũng không thích phóng xe cả ngày như Khoa, bè bạn nhiều như Khoa. Nhưng không phải là tôi muốn tránh Khoa đâu.
Tôi đấm vào lưng Khoa một cái:
- Hiểu được người ta đã là điều may lắm.
Khoa nhìn tôi chú ý:
- Dạo này thay đổi dữ nhỉ.
Tôi nghĩ tới Chi một chút, và một chút do dự rồi tôi leo lên ngồi sau xe Khoa. Chiếc xe Lambretta của nó nổ máy và lồng như ngựa.
Khoa chở tôi chạy loanh quanh mãi cho đến khi đường phố thắp đèn. Nó kéo tôi vào một quán cà phê. Chúng tôi uống cà phê “phin” và hút thuốc. Khoa nhìn tôi cười.
- Sao cậu cười?
Khoa lại cười:
- Cậu cầm điếu thuốc còn ngượng lắm.
Khoa châm cho tôi điếu thuốc khác. Nó hít một hơi dài rồi thả thành vòng khói tròn vào tách cà phê. Tôi nhìn vu vơ ra ngoài đường, những xe cộ đan nhau qua lại. Tôi dụi tắt phần thuốc đang cháy dở:
- Về thôi Khoa ạ.
- Về à?
- Ừ.
- Lại gạo thi rồi.
Tôi gật đầu. Tình thực, lúc này tôi muốn nằm im ngoài ban-công cho đến khuya.
Vì tôi vừa nghĩ tới Chi.