Hình như ông trời còn thương, còn muốn nhắc nhở đám dân VN xa nhà, ngày Tết linh thiêng của dân tộc. Sau gần 1 tháng mưa gió đầy trời, ngày 30 Tết, như có phép lạ. Không mưa, dù chưa nắng ấm nhưng tất cả đều có vẻ tươi mát, sạch sẽ, sẵn sàng chuẩn bị đón Giao Thừa. Khi chúng tôi bước lên tàu, về miền tuyết trắng, bà con ta ở Los chắc chắn sẽ đổ ra đường như chẩy hội để sắm sửa, mua bán đồ ăn, thức uống cho mấy ngày Tết. Đi chợ chiều 30 Tết như ngày xưa. Năm nay, Tết rơi đúng vào cuối tuần. Ở Los, bói không ra một ca sĩ. Các nơi kêu về tôi, nhờ giới thiệu, kiếm dùm xe ca sĩ nào có thể đi được vào giờ chót. Chịu. Chả có ai rảnh cả. Đâu đó đã sắp đặt từ …năm ngoái. Ai cũng muốn đi hát đầu năm để lấy hên. Bốn chúng tôi, Sơn Tuyền, Băng Châu, Cao Lâm và tôi hẹn nhau tại phi trường. Đứa Cerritios, người Santa Ana, kẻ Anaheim đổ về John Wayne Airport. Một tốp khác bay lên miền Đông, đi cửa số 1, chúng tôi ở cửa số 2. Tôi đến sớm nhất. 10 giờ. Mai Năng Quân có mặt thi hành công tác liền. Máy quay dàn ra. Bắt đầu nhé. Tôi, người diễn viên cinéma bất đắc dĩ cũng bắt đầu diễn xuất. Cột hành lý vào xe kéo đi. Vào counter đưa vé, gửi valise. Cắt. xong. Tiếng máy kêu cạch cạch nghe cũng vui tai, khác hẳn khi quay video. Mai Năng Quân và Đoan chỉ dẫn cho 1 lần là tôi biết ngay, bắt đầu diễn ngay khi nghe tiếng máy kêu. Để lâu uổng phim, tốn tiền. Mình quay theo kiểu nhà nghèo, tiết kiệm từng giây một. Ngày 29 Tết đã “khai máy” rồi. Đã Quân và Đoan lẫn tôi đều hồi hộp mà không đứa nào dám nói ra. Quay phim là nghề của Quân từ khi chàng mới 21 tuổi. Quân và Đoan chơi với nhau từ ngày đó. Hai mươi mấy năm qua rồi, chàng Quân nay đã có cháu ngoại, lâu nay cầm máy video bao thầu việc quan-hôn-tang-chế. Biết tay nghề còn vững không. Cái máy mới mua dĩ nhiên là máy cũ, xài rồi. Quân bảo tốt, nhưng chẳng biết tốt đến cỡ nào. Ống kính còn nguyên hay bị trầy trụa, sướt sát. Tiếng máy chạy cạch cạch đến đâu, tôi nghe tiền chạy theo tới đó. Tim gan phèo phổi cả 3 cứ thót lại từng chập một. Phải chờ rửa phim, chiếu ra coi thử mới biết được là hên hay xui, là đúng hay sai. Đoan và Quân xếp đồ nghề (Đoan phải trở về đưa Lâm Hy ra phi trường Los về Singapore ăn Tết với vợ con).Tôi đứng lại một mình, tựa cột hút thuốc vặt, chờ các cậu mợ. Chờ mãi mới thấy mợ Băng Châu lóc cóc đi tới. Hai đứa tay bắt, mặt mừng ngồi chờ tiếp, cùng nhau tâm sự vụn, kể lể chuyện ngày xưa. Tôi và Băng Châu có nói với nhau nhiều kỷ niệm khó quên và chỉ hai đứa biết mà thôi. Đó là những kỷ niệm ngày xưa. 18 năm về trước. 20 năm về trước. Giờ Băng Châu ở đâu, tôi không biết. Cả mấy năm rồi hai đứa không gặp nhau. Lần đi hát chung sau cùng ở Montreal là Tết 88 hay 89 gì đó. Cùng với ban nhạc CBC. Chúng tôi là lớp ca sĩ trước 75 nên với ai cũng có ít nhiều kỷ niệm. 18 năm trước cũng ở phi trường cũng trên một chuyến bay, chúng tôi đi với nhau. Hôm nay ngày 30 Tết. Lại gặp nhau tại phi trường. Nhưng mọi chuyện đã khác. Bốn con mắt long lanh nhìn nhau. Cao Lâm đi qua chỗ chúng tôi ngồi. Mặt mũi anh ta có vẻ mới ngủ dậy. Lâm không thấy chúng tôi. Sơn Tuyền đến sau cùng, dáng vẻ khoan thai, chậm rãi, quần áo chỉnh tề. Tài tử Tô Quang cười toe toét… “Nghe tiếng vòng lách cách là tụi em biết ngay chị ngồi đâu”. Mới 30 Tết mà chàng tài tử này diện bảnh bao quá chừng và đẹp trai có phần hơn cả diễn viên Hồng Kông. Quang để valise của Tuyền xuống rồi vội vã chạy đi mua hăm-bơ-gơ cho nàng. Chúng tôi chúc Tết anh chàng tài tử này rồi từng đứa sắp hàng leo lên tàu. Ai bảo là … hai cô ca sĩ có ưa nhau bao giờ… điều đó cũng có lúc sai, ít ra là với chúng tôi. Pháo Tết chưa nổ, mà chúng tôi 3 đứa chuyện trò nổ hơn pháo. Đến nỗi tụi Mỹ xung quanh chẳng hiểu chúng tôi nói cái giống gì, ngôn ngữ gì mà líu ríu như chim, cười nói liên tu bất tận. Chỉ có Cao Lâm, mặt mày xanh như lá gói bánh chưng, nằm nhắm tít mắt lại trong một góc. Nam nhi mà coi bộ hơi yếu đó nghe. Châu, Tuyền và tôi bàn nhau về bài bản sẽ hát trong chương trình ngày mai. Xa hơn nữa là những project chúng tôi sẽ thâu trong năm mới. Chỉ cho nhau những bài hát hay, những người chụp hình bìa băng đẹp. Vậy mà hơn 3 tiếng đồng hồ đi qua thật nhanh vì …chuyện 3 người, chứ nếu đi một mình thì sẽ cảm thấy đường bay dài bất tận. Ra đón chúng tôi là một anh chàng trẻ tuổi, dáng dấp thư sinh với chiếc xe vừa to vừa dài. Có thế mới chở được hết hành lý của 4 đứa. Nào valise quần áo, nào băng, nào poster, nào báo. Chỉ có tôi lu bu dỡn hớt, quên mất cuốn Tam Quốc Chí trên tàu. Thắng chạy lên counter khiếu nại liền, nhưng lúc đó tàu đã bay đi Baltimore… “Thôi để về nhà em kêu cho hãng sau, em có cho tụi nó cái số ghế của chị rồi”. Tôi đã mất một lần đi Âu châu vừa qua, mà khổ nỗi cái này mà mất một cuốn, phải mua lại cả bộ mới là hao bạc. Thôi đành, hy vọng tụi nó không vứt của mình vì cậu em Thắng rất thông minh dặn nhân viên hãng … “Cuốn sách này rất quan trọng, tụi mày ráng tìm giữ lại cho chị tao…”. Mà quả thật lúc về, tôi lấy lại được. Bốn đứa, Sơn Tuyền, Băng Châu, Cao Lâm và tôi…quậy quá chừng chừng. Quậy đến độ ai cũng ngạc nhiên, ngẩn ngơ đứng ngó. Nào New wave, nào twists, nào chachacha. Thôi thì chẳng tha cái gì. Vui mà. Buổi chiều Đại Nhạc Hội thì có cười, có khóc. Tối đến, tụi tôi giỡn còn hơn giặc cái. Bầu Thắm ôm cái đàn, mắt cứ trợn tròn nhìn chúng tôi. Cả ban nhạc chứ không cứ gì bầu. Hết bài này tới bài khác, hết mợ này tới mợ khác. Ban nhạc đàn khùng luôn. Nhấc tay không nổi. Đứng không vững. Về đến nhà bầu Thắm, cơm gà có gỏi đã bày sẵn cùng 2 bộ bài Tây, bầu Thắm rao hàng liền… “1 đồng 1 chi đây, ai chơi thì vào”. Sơn Tuyền và tôi nhào vào ngay. Băng Châu ngồi cạnh mách nước. Cuối năm bài xấu quá. Thua một hơi 27 đồng.Tuyền thì cứ ăn lia lịa. Bầu Chi xuất hiện, thò tay ngọc, thọc tay ngà cầm bài cho tôi. “Đồng chí cái” này dữ thiệt. Bài lên ào ào, gỡ lại 27 đồng, ăn thêm 5 đồng, nhưng mà rồi chẳng ai chung cả. Bầu Thắm thua cả làng, hẹn binh tiếp sẽ trả. Tuy nhiên Thắm trả bằng cách mua băng lì xì đầu năm cho chúng tôi. Năm nay tuy là năm tuổi, nhưng theo tử vi thì là năm của …nàng. Ngọn đèn treo trước khi tắt thường sáng hơn. Phải vậy chăng… Nhưng mà thôi. Mưa lúc nào mát mặt lúc đó. Sáng được lúc nào, được bao lâu, cũng là vui thôi. 2 Tết về đến nhà, được báo cáo là khúc phim vừa quay rất đẹp. Máy rất tốt. Tay nghề Mai Năng Quân vẫn ngon lành.Tôi chẳng cần. Chỉ muốn biết là cái mặt của mình lên phim còn ngó được không… “Như gái 18…” Quân bảo thế. Tôi không tin. Mẹ, già ngáp như tôi mà bảo là gái 18 thì có Tây mới tin chứ ai mà tin, nhưng Đoan bảo… “Được”.Tôi cũng hy vọng là thế vì sau khi hát, bầu Thắm cho coi lại cuốn video quay bằng máy tài tử, tôi thấy tôi không đến nỗi nào, còn đẹp hơn lúc tôi hát cho các trung tâm lớn khác. Đầu năm đi hát. Vui. Có lộc. Về đến nhà cũng nghe tin vui. Cành lan chị Hà cho nở vàng rực. Bác Phiếu, ông xuôi gia với gia đình Đoan cho nguyên một cây đào nhỏ, hoa nở đầy cành, chị Lâu cho hai chậu cúc vàng như mọi năm. Ngọc Minh cho cặp bánh chưng, hai cây giò.Thế là Tết rồi. Vui như Tết là đúng. Nhìn quanh chỉ thấy hoa tươi, đẹp đẽ, thơm tho và đồ ăn đầy đủ. Năm nay chắc không đến nỗi. Tuyền lì xì 20 lấy hên. Băng Châu tặng cuốn băng mới của nàng. Cao Lâm cũng tặng băng. Hồi nào đến giờ tôi rất phục Ngọc Minh vì sự chịu khó, kiên nhẫn, biết nhìn xa, lo cho tương lai, không làm phiền ai. Tôi cũng phục Sơn Tuyền, thông minh, tự mình làm nên sự nghiệp nhanh hơn người khác, vững vàng tiến tới, tính toán rất đúng và đâu ra đó. Tôi mến Thanh Tuyền ở chỗ biết chị, biết em, biết tình, biết nghĩa, biết lo cho cái gia đình, thương con, quý bạn bè, nhường nhịn hết mực. Bây giờ tôi phục Băng Châu. Tôi quên không hỏi Châu tuổi con gì mà tình duyên lận đận, đời buồn nhiều hơn vui. Một năm qua, Băng Châu vắng bóng. Đêm 30, nàng tâm sự cùng Tuyền và tôi… “Em ở nhà một năm qua, không ra ngoài, giới hạn mọi sự giao thiệp bạn bè để …học. Em học hát và em tìm đến cô Thái Thanh…”. Tụi tôi cùng nhau nghe cuốn băng mới của Băng Châu. Phải công nhận cái gì cũng vậy. Có học, có khác. Ngày xưa, mỗi lần nghe Châu hát, tôi cứ sợ cô nàng….gục bất tử. Vậy mà hôm nay tôi không còn nhận ra giọng Băng Châu nữa. Hoàn toàn thay đổi. Mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn, kỹ thuật hơn, vững vàng hơn và dĩ nhiên hay hơn tất cả những cuốn băng trước của Châu. Tôi và Tuyền mừng cho Băng Châu. Sau khi nghe hết cuốn băng Lời Cho Người Tình Xa. Giọng hát thay đổi, nhân dáng cũng thay đổi, Băng Châu vốn đã đẹp, lại đẹp hơn trong lối trang phục mới. “Chic” hơn, tươi hơn, mới hơn, sexy hơn.Trong nỗi buồn có niềm vui.Trong cái dở có cái hay. Trong cái xui có cái hên. Nỗi buồn của Băng Châu đã giúp cô đi lên, ngước mặt mà đi. Bỏ lại sau lưng những sầu thảm không may. Băng Châu là một người can đảm và cái may của Băng Châu là cô đã tìm đến cô Thái Thanh, nghĩa là tìm đúng thầy, đúng lúc. Tôi không ngần ngại khi giới thiệu đến quý khán thính giả cuốn băng Lời Cho Người Tình Xa. Nếu cho rằng tôi quảng cáo cho Băng Châu thì đây cũng là một việc nên làm và làm đúng. Và dĩ nhiên tôi không muốn mọi người cho là tôi vì tình riêng mà bốc bậy. Đối với tôi, bạn bè ai khá, tôi mừng. Bất cứ ai. Tôi cầu mong tất cả hạnh phúc, may mắn, khá giả. Chẳng phải để họ cho gì tôi. Nhưng tôi quan niệm những người hạnh phúc thật sự, đều là những người dễ thương và thương dễ. Tấm lòng của họ sẽ bao la hơn. Cái nhìn của họ cho cuộc đời và mọi người sẽ dễ dãi hơn, sẽ cởi mở hơn. Mà theo tôi, tất cả những điều trên đều rất cần thiết cho một người ca sĩ. Đặc biệt là giới này. Bầu trời sinh họ ra để mang lại niềm vui cho cuộc sống mà nếu ngay cuộc sống của họ không tròn vẹn hạnh phúc, thì họ còn gì để cống hiến cho đời, cho người. Tôi xin chúc bạn bè, lớn, bé, thân, sơ, xa gần những điều may mắn, tốt đẹp nhất.Và tôi cũng không quên những người bạn đã bỏ chúng tôi mà ra đi trong những năm tháng qua. Đầu năm, có thể tôi không gặp được mấy người sống, song có điều chắc chắn là tôi sẽ đi thăm những người vắng mặt. Đặt trên đó một cành hoa và thắp một nén nhang./. Khánh Ly Thời báo số 81 ngày 29-1-1993