Chương 23

ĐÃ KHÔNG CÒN TRẺ DẠI
Ngày xưa khi còn bé, tôi có đi học và môn giỏi nhất của tôi là...học thuộc lòng. Điều này tưởng như không ích lợi gì nhưng thật sự nó đã giúp tôi rất nhiều khi trở thành một người được gọi là ca sĩ. Tôi học bài nhanh và nhớ lâu. Nó cũng còn co nghĩa là những đìu gì đã đi vào tim óc tôi - dẫu rất nhỏ - cũng là một dấu ấn đậm nét, chẳng bao giờ phai nhòa.
Ngày xưa khi còn bé, tôi cũng thích những bài luận văn. Cô thầy thường ra đầu bài...Em hãy tả về căn nhà của em hoặc nói về cha mẹ, ông bà nội ngoại...Tôi thích là bởi vì có cơ hội đưa vào bài làm những điều hay, ý đẹp từ văn thơ tôi thường nghiền ngẫm, tuy nhiên chính vì thế, tôi thường viết theo ý tôi và ra ngoài đề tài. Lúc đó, tôi mới ngoài 10 tuổi.
50 năm đã trôi qua, khối óc và trái tim tôi...vẫn vậy. Cứ mơ mộng những điều không bao giờ có thể xảy ra trong đời sống này. Dẫu cuộc sống có thế nào cũng không làm thay đổi cái tâm hồn của một đứa con gái 10 tuổi dưới mái tóc đã điểm bạc. Tôi không còn bé nữa. Ngày hôm nay khi ngồi đây viết về căn nhà của tôi và những gì trong căn nhà nhỏ này.
Chúng tôi đã ở căn nhà này hơn 20 năm. Căn nhà đầu tiên cà có lẽ cũng là căn nhà cuối cùng, căn nhà độc nhất của chúng tôi. Nó, căn nhà-nằm ở một thành phố nhỏ cách quận Cam 25 phút lái xe. Nó mới 30 tuổi. Nhỏ và ấm cúng. Đúng là nó nhỏ thật so với nhà của các bạn tôi nhưng nó đã cùng tôi chứng kiến, chia sẻ bao nhiêu ngọt bùi, cay đắng. Nó là cái nơi tôi luôn luôn nghĩ đến và vui mừng trở về sau những chuyến đi ngắn dài. Nó là nơi, chúng tôi cố gắng giữ gìn bảo vệ. Quan trọng hơn cả, Nó là nơi các con tôi lớn lên, trưởng thành và...rồi xa Nó.
Dẫu đã chuẩn bị cho mình rất kỹ, chúng tôi vẫn không tránh khỏi những giây phút chạnh lòng, cảm nhận được sự cô quạnh của mình. Đời sống của chúng tôi quạnh quẽ thêm nữa, khi tôi tự đóng cửa, một lần nữa giam mình trong cái "ốc đảo" đã sẵn có. Ba năm rồi, chúng tôi, Đoan và tôi hai người bạn già nương tựa vào nhau và...chờ đợi. Chúng tôi chờ đợi nhiều thứ, quan trọng nhất là điện thoại của các con. Chỉ có thằng Út dẫu đã ra riêng nhưng gần nhà, thường hay ghé sau khi đi học, sau giờ dạy học. Ông Nhựt Thanh bảo...Anh chị nợ thằng này, nó sẽ ở với anh chị cả đời...Nó luôn luôn cười và lắc đầu mỗi khi tôi hỏi chừng nào lấy vợ.
Chúng tôi cộng lại, khá đông con nhưng con cái như mây trời, như hương hoa. Chúng tản mác mỗi đứa một nơi. Công việc riêng, nhà cửa riêng, gia đình riêng song tất cả đều ghi lòng cái điều chung là chúng còn, luôn luôn còn một nơi chốn nữa rất bình an cho chúng và vòng tay mở rộng của chúng tôi. Bảo tụi nó chuyển công việc về đây cho gia đình được nhiêu dịp gần gủi hơn, chẳng đứa nào chịu nghe. Trong nước Mỹ mà như xa vạn dăm. Cũng vẫn những cú phone thăm hỏi của các con còn nhớ dến mẹ. Vẫn là những bình hoa được tiệm đem đến đã được order từ xa.
Ngày xưa khi còn bé, tôi đã một mình. Tuổi thơ sao buồn thế. Bây giờ, tôi không còn bé dại nữa, vẫn lủi thủi ra vào một mình. Ngày xưa chờ Mẹ. Bây giờ chờ con. Tôi vẫn nuôi mơ ước một lần nào đó, được nghe mẹ tôi nói lời yêu thương như tôi thường mong mỏi...Chị không có duyên nợ với Mẹ...ông Nhựt Thanh nói thế...Dẫu chị có yêu mẹ đến mấy, bà cũng không bao giờ gần chị. Tôi có quá nhiều yêu thương dành cho các con thì chúng lại ở quá xa. Tuy vậy xa hay gần, tôi cũng là mẹ của các con tôi, trong bất cứ cảnh huống nào.
Trời hôm nay không nắng, cũng không mưa nhưng buồn qúa. Nỗi buồn vô cớ làm căn nhà nhỏ của chúng tôi bỗng như quá to lớn trống trải. Cũng vẫn là căn nhà mọi khi. Căn nhà đã cùng chúng tôi cười khóc. Sao bỗng dưng lặng lẽ một nỗi ngậm ngùi. Mẹ tôi từ ngày qua chỉ một đôi lần ghé ngang vội vàng. Chưa bao giờ bà lưu lại. Chỉ có tiếng cười nói của các con tôi và đây cũng chính là căn nhà ông Nhựt Thanh quả quyết là tôi sẽ mua vào lúc trong túi cả hai chúng tôi chỉ có 5000 đô. Nhưng mà rồi chúng tôi mua nhà thật.
Bao nhiêu năm đã trôi qua trên con phố nhỏ này, tôi cũng chẳng để ý, chỉ vì tôi rất bằng lòng với cuộc sống này. Nhìn các con khôn lớn, ngoan ngoãn. 30 năm không phải là quá dài. 30 năm không phải là cái giá quá đắt để trả. Không thể tính nợ với chồng con. Cũng không thể tính nợ với những người thương mến mình, mà đầu óc là nợ đi chẳng nữa thì cũng là món nợ đi chăng nữa thì cũng là món nợ ngọt ngào êm dịu. Tôi hân hoan gánh trên những điều đó, với tôi, tất cả đều là không.
Buổi chiều, đi dưới hàng thông, tôi thường nhẩm lại những ca khúc ngày xưa. Có đôi lúc tôi để hồn tôi bay về một dòng sông, một cây cầu, những ngọn đồi, những thảm cỏ, những con đường của một thời thơ dại. Nỗi nhớ thương chỉ mang đến cho tôi những thoáng ngậm ngùi. Muốn sống, tôi phải quên dù điều này khiến tôi đau lòng. Tuy nhiên, không thể khác được.
Nỗi nhớ thương của người đã quá tuổi xuân là những hoài niệm dịu dàng được dấu kín, giữ riêng cho mình kỷ vật một thời đã qua. Có nói ra, cũng không ai có thể chia sẻ với ai. Mà cũng không nên nhắc lại nữa. Ngày thơ dại đã qua lâu lắm rồi. Bây giờ, tôi đã lớn. Tất cả mọi bổn phận, gần như đã vuông tròn. Tôi xuôi dòng đời, theo phận số và cảm thấy lòng yên ả trong đời sống khép kín nơi này.
Đừng cay đắng nữa hỡi cuộc đời. Hãy thức dậy với tiếng chim hót đầu ngày và mỉm cười...một mình. Bao nhiêu ngàn năm nay, mây vẫn bay như thế, gió vẫn thổi như thế. Mây trôi vế đâu. Gió thổi về đâu. Tôi không biết. Anh chị có biết không. Ai biết.

Xem Tiếp: ----